There is a temperate zone in the mind, between luxurious indolence and exacting work; and it is to this region, just between laziness and labor, that summer reading belongs.

Henry Ward Beecher

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: l Maruchan l
Số chương: 23
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3274 / 51
Cập nhật: 2017-04-04 13:32:06 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 19 - Món Tiền Họ
inh nhân lúc Oanh về nhà, và chờ lúc mẹ chồng, chồng cùng em chồng nói chuyện riêng với nhau ở trên gác, nàng bèn lẻn đến nhà Thẩm. Thấy Thẩm mặt mũi hốc hác, bơ phờ, nàng động lòng thương. Nhưng nàng nhăn nhó, nói:
- Tôi trốn mẹ đến đây, để nói với chú một việc.
Thẩm ngạc nhiên, hỏi:
- Việc lành hay dữ, chị cứ nói.
Minh làm bộ mừng rỡ, đáp:
- Việc lành cho tôi mà chẳng lành cho chú.
Rồi Minh nghiêm lại, nói:
- Chú ạ, đáng lẽ tháng sau dốc ống họ, tôi phải chồng cho chú bốn trăm, nhưng mà…
Nàng thở dài, ngậm ngùi nhìn Thẩm, Thẩm vẫn yên lặng. Nàng nói tiếp:
- Nhưng mà, chỗ chú với tôi, tôi mới dám thế, chú cho tôi chịu được không?
Thẩm nhăn mặt. Minh nói:
- Chú lạ gì cái cảnh đi làm dâu của tôi. Mẹ bắt tôi trông nom cơm nước và mua bán những thứ vặt vãnh trong nhà, mà chỉ cho tôi có hai mươi đồng một tháng, chú tính làm sao đủ được. Thành thử tháng nào tôi cũng phải bù ngót mười đồng.
Thẩm có ý giận:
- Chị nói dối, mẹ đằng nhà thiếu gì của. Vả chị tiêu gì hết cả bốn trăm?
Minh lại thở dài:
- Nếu mẹ như người ta, tôi đã làm gì đến nỗi. Giá tôi vẫn được đi làm, có đồng ra đồng vào chắc tôi chưa phải nhỡ nhàng như thế này. Từ ngày tôi hai bàn tay trắng, thì xảy ra ở bên nhà tôi nhiều việc chi tiêu bất thường quá. Vừa rồi có người bà con bị bão làm khách kiệt gia tài, tôi phải giúp đỡ nhiều ít. Cho nên cả bát họ của chú, tôi trót tiêu hết.
Thẩm im lặng một lát, rồi ngẩng đầu lên hỏi:
- Hay là nhà tôi biết mà đòi chị, nên chị giấu tôi?
- Không phải, tôi có nói cho cô ấy biết tý nào đâu. Chính là tôi tiêu hết nếu chú không thương tôi, mà mách mẹ, hay làm tình làm tội gì, tôi cũng đành phải chịu.
Thẩm ngẫm nghĩ, rồi nói:
- Chị cũng nên biết rằng tôi nợ.
Minh đáp:
- Có, nhưng mà đó là vì chú chơi bời. Bây giờ tôi xin chú bớt chơi bời mà cho tôi vay, để tôi làm những việc không trái với lương tâm tôi. Thôi cũng như chú bớt tiêu phí mỗi tháng một tý, để giúp tôi làm những việc có ích đôi chút.
Thẩm vẫn ra dáng không bằng lòng, đáp:
- Chị ạ, bất nhật tôi sẽ phải ngồi tù nợ và mất việc làm.
Minh kinh ngạc:
- Chú nói đùa?
- Thật vậy, chị biết đâu, tôi tai hại vì nhà tôi. Nhà tôi làm tôi điêu đứng, làm tôi không biết cái thú gia đình là gì nữa. Mà càng ngày càng tệ. Chỉ vì tôi có đôi chút lương tâm nên không nỡ xử tàn nhẫn, chứ như gia đình nhà khác, cứ những thói đài các chua ngoa, nhà tôi hẳn được nhiều bài học nên thân rồi.
Minh lắc đầu:
- Chú chỉ ghét cô ấy về cái xấu, không biết ăn mặc. Còn tính nết, chú không thấy cô ấy khá hơn trước hay sao?
Thẩm gật:
- Có, nhưng chỉ có được từng lúc. Tôi chán quá. Tôi sở dĩ sinh ra chơi bời quen thân, là do ở vợ tôi. Bây giờ tôi nợ nhiều nếu chị tiêu mất món tiền của tôi, thì tôi làm thế nào được.
Minh cười, nói đùa:
- Vừa rồi, tôi nghe chú trúng số kia mà!
- Nào có trúng!
Minh lại nghiêm trang:
- Nhưng giá chú có tiền, chắc gì chú dùng để trả nợ. Thà rằng chú cho tôi chịu lại để tôi đỡ lo. Cảnh chú cũng như cảnh tôi. Hai người bị đau đớn, không biết thương hại lẫn nhau hay sao?
Thẩm cảm động, không đáp. Minh vui vẻ nói:
- Chú bằng lòng vậy nhé.
Thẩm cười lạt:
- Chả bằng lòng, tôi làm gì chị.
- Vâng, thật đấy, chú muốn bỏ tù tôi thì bỏ, chứ bắt tôi chống họ, thì đến một trinh tôi cũng không còn.
- Nhưng chị hẹn tôi đến bao giờ?
- Tôi chưa dám hẹn trước, sao không có ngày tôi nộp chú phân miêng. Nếu chú tin tôi, rồi tôi dựng bát họ sau này, chú cứ đóng cho như trước.
Thẩm không trả lời, nghĩ ngợi một lát rồi hỏi:
- Mẹ có lắm tiền không hở chị?
- Tôi không rõ. Hẳn là cô ấy biết hơn tôi.
Rồi nàng lại kéo chuyện vào đầu đề:
- Chú cứ đóng nối họ cho tôi nhé.
Thẩm nghĩ ngợi:
- Thật không ai lại vô ý hơn tôi. Đối với mẹ vợ, tôi không thò ra một đồng xu nhỏ, mà đối với chị dâu vợ, tôi để cho tiêu ba bốn trăm.
Minh mỉm cười:
- Tôi biết lòng chú đối với tôi, tôi rất cảm động. Ở bên nhà, tôi cũng duy chỉ trọng có một mình chú.
Nói xong, Minh vui vẻ cáo từ ra về.
Đến nhà, nàng thấy chồng đương ngồi với Trí.Hai người nói chuyện với nhau về cuộc xổ số tuần lễ trước. Việc không can thiệp đến nàng, vả Trí không cùng đến với vợ nên nàng chỉ chào qua bạn chồng rồi đi tuột vào buồng giở bút giấy ra, tính toán các việc. Nhưng ở nhà ngoài, Sanh và Trí cười nói ồn ào, làm cho nàng cũng phải lắng tai. Hai người đương phệnh phạo đặt mình vào địa vị những người trúng các số lớn.
Bỗng Trí hỏi:
- Thế mà còn số trúng một vạn, không biết về ai. Báo đăng chưa thấy người nào ra lĩnh món tiền ấy.
Minh mỉm cười một mình rồi đứng dậy đi ra. Trí thấy nàng, nói đùa:
- Tôi tưởng anh chị trúng số một vạn, tôi lại mừng đây.
Bởi Trí đi lại với Sanh rất thân, nên từ bà Tuần cũng coi như người nhà, vì vậy Minh không phải e lệ lắm, nàng bèn đáp:
- Vâng, nếu chúng tôi được số, hôm nay anh đã chẳng tìm thấy chúng tôi.
Sanh cười. Trí bảo:
- Anh chị đi đâu?
- Nghĩa là chúng tôi giàu, chúng tôi phải tránh hết các bạn nghèo.
Nói đoạn, cùng trỏ vào Sanh và Trí nhìn nhau cười ngặt nghẹo.
Minh lên gác, thấy bà Tuần ngồi ngục vị, hai tay chống cằm, chăm chú nghe Oanh đọc tờ báo Tuổi trẻ. Nàng vừa đến nơi, thì Oanh im. Lâu nay, nàng vẫn nhận được báo Tuổi trẻ, nhưng nàng không đọc. Nàng chỉ nhìn qua các đầu bài và tên soạn giả, nàng vẫn thấy có tên Nhã, và một trang đăng tên các nhà từ thiện đã có hảo tâm cúng tiền để làm Dạ Lữ Viện ở Hải Phòng, song nàng không hề xem một bài báo nào. Nàng lại nghe Xuân nói chuyện Nhã độ này hay đua anh em chơi bởi, nay nhảy đầm, mai cô đào, mà chỉ thích cờ bạc, thuốc xái, nên nàng cũng thương tình. Nhưng biết làm thế nào? Người ta có thể vì cảnh ngộ mà đổi tính, song có phải vì nàng mà Nhã sinh ra thế không? Nàng đã nghĩ ngợi suy xét. Nàng quyết là không. Vì nếu bảo Nhã tuyệt vọng vì không kết hôn được với nàng, chắc chẳng đợi đến bây giờ Nhã mới đâm hư được.
Minh đến gần Oanh, thân mật hỏi:
- Cô đọc chuyện hầu mẹ đấy à?
Bà Tuần lãnh đạm nhìn Minh, chẳng nói chẳng rằng. Bà Tuần nhỏm dậy, bảo Oanh:
- Thế nào, cô đọc lại chỗ ấy, mẹ nghe lượt nữa.
Minh hơi chột dạ. Oanh nói:
- Chị ạ, bài này người ta viết khéo đáo để.
Liếc mắt nhìn, Minh thấy đầu bài là Ông giáo Oanh và tác giả là Trần Văn Nhã. Nàng lặng người. Giữa lúc ấy bà Tuần và Oanh đưa mắt trông nàng. Nàng phải cố điềm nhiên. Oanh đọc:
“ Giá tôi làm giáo học, thì vợ tôi, người ta không gọi là mợ Cả, mà gọi là bà Giáo. Thì danh tôi có, vợ tôi cũng được thơm một phần, lương tôi lĩnh, vợ tôi cũng được tiêu một nửa. Song, cho vợ được nên bà nọ, bà kia, tôi phải hò hét vất vả lắm.
Nhưng giả tôi không làm giáo học, tôi cứ lười biếng học hành và trượt thi, mà cố xoay xở kết hôn được với cô Giáo, thì người ta không gọi tôi là cậu Cả nữa, mà gọi là ông Giáo. Thì danh vợ tôi có, tôi cũng được che tàn, gạo vợ tôi kiếm, tôi cũng ăn ghẹ để cho no một đời. Vậy tôi được công thành danh toại, mà không phải học hành vất vả, không phải hò hét sái quai hàm.
Ông giáo Oanh, không những thứ năm ông nghỉ, chủ nhật ông nghỉ, mà thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ sáu, thứ bảy ông cũng không đi ra trường, vì bà Giáo nhà ông, đã dạy học ở trường con gái.
À, bây giờ tôi gọi là Me-xừ Nam, thì tôi đố các ngài biết tôi nói ai đấy? Nhưng mà nói tên Ông Giáo Oanh, thì hẳn ai cũng quen tai mà biết ngay là ông chồng Cô Giáo Oanh.
Ông giáo Oanh không năng đi lại với các bạn đồng nghiệp ở bên trường con trai, vì ông cho là các ông ấy là ông giáo khác ngạch. Cả ngày, ông săn sóc, dọn dẹp các việc trong cửa trong nhà, trông nom con cái. Thường ông tự bái phục ông là người nội trợ giỏi…”
Minh không dám ngồi lâu, bèn đứng dậy, Oanh nói:
- Hãy nghe nốt đoạn dưới, chị!
Minh mỉm cười:
- Tôi bận, cô ạ.
Oanh liếc bà Tuần, rồi nói:
- Mẹ ạ, sao người ta lại lấy tên con nhỉ? – Đoạn, nàng cười:
- Gớm! Giá chị Cả còn đi dạy học, chắc người ta gọi là anh Cả là Ông giáo Miêng đấy nhỉ?
Minh biến sắc mặt. Oanh nói lại:
- Nhưng mà người ta nói cũng có lý lắm.
Không muốn nghe thêm. Minh xuống dưới bếp rồi ra gác sân đứng. Nàng không dám ở dưới nhà, vì nếu ngồi trong buồng, nàng sợ bà Tuần ngờ nàng trốn việc đi nằm, dù có khi chẳng có việc gì; nếu nàng ngồi nhà ngoài, thì ở đó chồng nàng đang có khách, tuy Trí là bạn thân, và ít lâu nay, có vài bận Sanh bảo nàng tiếp Trí hộ, để chàng lên gác có chút việc bận; nhưng lần này nàng không dám quá tự do.
Đứng ngoài sân, nàng thờ thẫn nhìn cảnh bao la, mà thần trí man mác. Vùng trời xanh, những đám mây bạc lơ lửng rồi tan hợp. Mái nhà xám, chiếc cao, chiếc thấp, trông cứng cỏi mà buồn rầu. Nàng chán nản. Ít lâu nay, nàng ước mong được thấy phong cảnh chốn thôn quê, một cánh đồng ruộng bát ngát, im lặng đưa quanh mình những mùi bông lúa thơm ngào ngạt. Nàng thích nghe những tiếng sột soạt của đàn châu chấu nhảy cọ càng vào lá. Nàng thèm ngắm cái rặng núi biếc lô nhô ở chân trời mà tà dương nấp ở sau, tóe ra những tia hồng hình rẻ quạt.
Nhưng tưởng tượng đến cảnh bão vừa rồi, ruộng nương nhà tan tành, nàng động lòng thương những người bị nạn.Nàng lấy làm giận Nhã không để thì giờ viết phiếm mà hô hào tổ chức những việc nghĩa.Nàng thở dài. Song, nghĩ đến món tiền bốn trăm của Thẩm mà nàng nói là trót tiêu, nàng mỉm cười phục Thẩm có lòng tốt, đã chẳng giận dữ nàng một chút nào.
Cô Giáo Minh Cô Giáo Minh - Nguyễn Công Hoan Cô Giáo Minh