To read a book for the first time is to make an acquaintance with a new friend; to read it for a second time is to meet an old one.

Chinese Saying

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: l Maruchan l
Số chương: 23
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3274 / 51
Cập nhật: 2017-04-04 13:32:06 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9 - Đối Phó
ương mơ màng ôn lại cái đời con gái thơ ngây, chan chứa những kỷ niệm vui thú, bỗng Minh nghe thấy ở nhà ngoài, Oanh hỏi gắt:
- Hỏi ai?
Lắng tai, thì nàng thấy tiếng Phượng, một người học trò của nàng đương thỏ thẻ nói:
- Tôi hỏi cô. Cô có nhà không ạ?
Minh toan ngồi dậy chạy ra, nhưng vì thấy Oanh vẫn gắt nên thôi, nàng thử xem Oanh làm những gì.
Oanh nói:
- Hỏi ai? Cô nào mới được chứ.
- Cô giáo!
Oanh mắng:
- Bận sau, chị hỏi ai thì hỏi rõ rằng tên người ấy người nọ nhé, chứ cô! Cô! Thì ai biết là cô nào! Cô giáo chị chứ cô giáo cả bàn dân thiên hạ đâu mà chị nói là cô giáo. Bận sau, phải gọi là "cô giáo tôi" nghe chưa?
Phượng đáp bằng giọng sợ hãi:
- Vâng.
- Mà chị đến nhà người lạ, phải chào hỏi, thưa gửi cho có lễ phép, kẻo người ta nói đến cô giáo chị không biết bảo chị.
- Vâng, thưa cô, tôi hỏi cô giáo Minh tôi.
Minh giận quá, càng chú ý nghe. Oanh nói:
- Phải, được, nhưng chị là học trò cô giáo chị phải không?
- Vâng.
- Thế ở trong trường cô giáo chị không dạy các chị à?
- Bẩm có dạy ạ.
Oanh hoạnh:
- Có mà vào đây, chị nói thế à? Chị phải biết chị đến nhà này, chị không được đọc tên cô giáo, vì ở đây kiêng, chị hiểu chưa?
- Vâng.
- Bận sau. các chị phải bảo nhau, mà gọi là "Miêng’’ nghe chưa?
Minh vừa bực mình vừa buồn cười. Phương hỏi:
- Thưa cô. Cô giáo tôi có nhà không ạ?
Oanh giở giọng mát mẻ, đáp:
- Cô giáo ấy à? Tôi cũng chẳng rõ. Dễ thường cô ngủ chưa dậy, Ờ đã hơn ba giờ chiều rồi. Thế thì độ hơn năm giờ chị hãy lại nhé. Vì bao giờ cô giáo chị cũng chịu ăn chịu ngủ lắm.
Minh ngồi dậy, vấn tóc, loan chạy ra, thì thấy Oanh gọi giật:
- Này!
Phượng đáp:
- Dạ.
Minh đứng yên, lắng tai. Oanh hỏi:
- Chị hỏi cô giáo việc chi cần?
- Không cần lắm.
Rồi thấy Oanh dịu lời, Minh càng ngạc nhiên:
- Chị cứ nhắn tôi đây cũng được.
- Thưa cô, tôi đến xin phép cô giáo cho tôi nghỉ thứ sáu, thứ bảy, để về nhà ăn tết, vì tôi ở xa.
- Chỉ có thế thôi à?
- Vâng.
Oanh nói giọng rõ ràng để vặn:
- Không có lẽ. Hay ai bảo chị đến đây có việc gì? Chị cứ nói thật.
Minh cau mặt, chưa hiểu ý Oanh. Phượng đáp:
- Không ạ.
Oanh cười dỗ dành:
- Hay ai nhờ chị đưa thư cho cô giáo phải không? Có thì cứ trao cho tôi, chốc nữa cô giáo dậy, tôi đưa hộ.
Vẫn giọng ngây thơ, Phượng nói:
- Không ạ.
Minh cắn môi nghĩ. Oanh lại bắt nọn:
- Hình như có ông giáo nào, tre trẻ, vẫn viết thư viết từ cho cô giáo đấy mà.
Minh nghẹn ngào, lấy tay vuốt ngực, khẽ ngồi xuống ghế. Phượng vẩn ngơ ngác:
- Thưa không.
- Có, rõ ràng có, Chị lại giấu cho cô giáo chị chứ gì! Mọi khi tôi vẫn nhận thư hộ cô giáo đấy mà. Thôi, đưa thư đây.
Minh lắc đầu. Không ngờ Oanh lại hèn hạ, đa nghi đến thế. Phượng đáp:
- Thưa cô, thế thì tôi không biết.
- Này, tôi hỏi nhé, chị nói thực nhé. Ở trong lớp, các chị có yêu cô giáo không?
- Thưa có.
Minh càng chú ý. Oanh hỏi:
- Có à? Cô giáo chị có tử tế không?
-Thưa có, cô giáo tôi tử tế lắm.
- Tử tế kia à? Hừ! Chẳng có lẽ. Chị cứ nói cho thật. Nhà này là nhà chồng cô giáo chị, chứ có phải nhà cô giáo chị đâu mà sợ? Thế cô giáo chị có tử tế thật và các chị có
yêu cô giáo thật hay không?
- Bẩm thật. Cô giáo tôi tử tế nhất và cả trường ai cũng yêu mến.
Minh hởi dạ. Rồi nàng thấy Oanh im, biết rằng Oanh bẽ và có lẽ đương tìm các câu khác để hỏi dò. Một lát, Oanh nói:
- Thế chị bảo cô giáo tử tế những gì?
- Thưa cô, tại cô giáo tôi tử tế.
- Chuyện chị này dở như cám hấp ấy! Tử tế thế nào mới được chứ! Thôi thế là chị nói dối quanh rồi! Thì cứ nói rằng cô giáo ác có thật thà hơn không nào.
Phượng cười:
- Không, cô giáo tôi không đánh, không phạt chúng tôi bao giờ, cô giáo tôi rất thương người, coi chúng tôi như lũ em bé, bao giờ chúng tôi cũng vui lòng học.
- Thế cô giáo dạy các chị những gì?
- Thưa cô đủ cả.
- Có luân lý không?
- Có.
- Có kia à? Thế các chị có biết may vá thêu thùa gì không?
- Bẩm ở trường cũng có dạy cả
- Không có lẽ.
- Thật đấy.
- Chả tin được mồm các chị. Thế cô giáo chị có dạy các chị làm ăn nấu nướng gì không?
Phượng cười không đáp. Oanh hỏi:
- Hẳn không chứ?
- Vâng, cái ấy thì cô vẫn dặn chúng tôi phải học thêm ở nhà.
Oanh nói giọng sung sướng:
- Thế chứ lỵ! Ở trường thì cô giáo nào dạy nổi các chị những thức ấy. Cô giáo các chị chỉ bắt các chị học những cái vô ích, còn những cái thiết thực, thì chính cô giáo cũng tịt mù.
- Thưa cô, tôi xin phép cô tôi về.
- Thế thật chị không có thư ai gửi cho cô giáo phải không?
- Bẩm vâng.
- Nếu có mà chị không đưa tôi, chốc nữa cô giáo dậy, rồi nói chuyện. Rồi mai chị phải mắng thì mặc kệ đấy nhé!
- Vâng.
Phượng chào Oanh rồi đi. Minh chờ một lúc lâu, bèn mở cửa buồng, vờ ngái ngủ, ra nhà ngoài, nói với Oanh:
- Ngủ một giấc thích mắt quá. Giá cô không có khách nói to ở ngoài này vừa rồi, dễ thường tôi ngủ đến chiều. Ai đến chơi với cô thế?
Oanh cuống quít, kéo tụt cái khăn bịt đầu xuống tận trán, rồi quay mặt đi, đáp:
- Khách nào đâu. Học trò chị đấy mà!
- Nó đến hỏi gì, cô có biết không?
Oanh vẫn có ý lúng túng ngượng ngùng. Minh trông thấy cái đường ngôi rẽ lệch của Oanh. Thấy Oanh chưa đáp, Minh lại hỏi. Bỗng Oanh liền quay mặt nhìn Minh, tức giận nói:
- Hình như nó đưa cái giấy gì của ai gửi cho chị.
Minh hiểu ý Oanh, hầm hầm chạy nhanh ra cửa để toan gọi Phượng lại. Nhưng nàng không trông thấy Phượng nữa, mà thình lình nàng bắr gặp Nhã! Nhã ngồi trên xe, có che áo tơi cánh gà, đang để mắt dòm vào nhà nàng. Minh biến sắc mặt. Hai người không kịp chào nhau. Minh bồi hồi, bàng hoàng. Nàng mừng thầm đã thấy Nhã khoẻ mạnh. Nàng lại rất vừa ý, vì chắc Nhã đã trông rõ cái mặt hốc hác và những sắc giận dữ mà nàng vừa lộ ra ban nãy ở trong nhà chồng nàng. Thế thì hẳn Nhã sẽ được an ủi.
Minh quay trở vào, thấy Oanh xổ tóc rũ rượi và đương nhìn mình bằng hai con mắt ngờ vực.
Rồi một phút yên lặng, hai người không nhìn nhau nữa. Lúc ấy Oanh và Minh như hai thù địch, chỉ cố dàn trận cho mau chóng để khỏi thế công. Bỗng Oanh vừa vấn lại đầu, vừa ngọt ngào nói:
- Chị Cả ạ, em có điều này muốn nói. Nhưng mà thôi.
Minh biết Oanh trêu chọc, càng cố gạn:
- Cô cứ nói.
- Chả biết có nên nói hay không đây!
- Cô cứ thử nói xem nào.
- Mà thôi, nói làm quái gì! Không nên tưởng ai cũng thật thà như mình.
Minh tức quá, nói gay gắt:
- Cô cứ úp mở mãi. Đã là chị em sao cô còn thế.
- Vâng, nhưng chị là chị. Lỡ ra chị lại cho em là dạy khôn.
Minh căm, như bị xói vào tận ruột gan:
- Thì cô dạy tôi cũng được chứ sao?
- Thế thì chị nghe nhé. Này, chị ạ, em tưởng, em tưởng mà thôi đấy nhé, em tưởng chị Cả nên thế.
- Nên thế nào?
- Em tưởng chị chả nên ngủ ngày như thế. Người ta cười cho chị ạ.
Minh cười khinh hỉ:
- Người ta cười như tôi thế này phải không?
Oanh tức, đặt lược xuống, nói:
- Người ta cười thật đấy. Người ta mỉa mai cho đấy. Mẹ mua chị về để hầu mẹ, chứ mua chị về để ngủ ngày đâu?
- Cô không nên nói tiếng mua. Tôi không phải nô lệ. Mẹ cưới tôi về, để làm vợ anh, để làm dâu mẹ.
- Chị nên dịu dàng, chị xem, em vẫn ngọt ngào mà.
- Cái ngọt ngào của cô là cái ngọt ngào chua chát, cái ngọt ngào giết người, cô phải biết mọi khi, những ngày tôi khoẻ mạnh, tôi có phải đi nằm bao giờ đâu.
- Chị lại sừng sộ rồi. Em nhát lắm. Chị tha cho em. Là em nói rằng chị nên để ý đến việc tề gia nội trợ một tý, một tý thôi.
- Thế cô thấy những ngày nghỉ, tôi lười biếng những gì?
Mát mẻ, Oanh nói:
- Em chả biết, em thấy mẹ dặn em bảo chị thế. Mà em cũng xin chị chớ cãi trả mẹ. Chả dám nói mẹ là mẹ chồng làm gì cho thêm nặng tình, nhưng kính lão đắc thọ, chị ạ. Họ hàng kêu ca nhiều lắm đấy, chị ạ!
Minh nghẹn ngào. Oanh lại nói:
- Cô Phán còn nói đến tận bây giờ rằng hôm cưới, chính tai cô nghe thấy chị bảo là mẹ bắt cóc.
Minh lạnh toát cả người, đáp:
- Phải, chính tôi nói. Thì cô nghĩ lại xem có phải không?
- Phải, phải lắm! Chị mỉa mai nhà tôi. Chị nói ý là làm quan là hay ăn tiền dân, quen tính bắt cóc.
- Sao cô khéo chẹo mồm ra lắm thế?
- Chị lại còn đay nhà tôi hủ lậu, không được tân thời như chị. Phải, mẹ tôi đã già, chả lẽ bây giờ chị bắt mẹ tôi rẽ lệch với cạo răng trắng như chị hay sao, mà chị bảo bà cả Tài rằng: có kham nổi hai hàm răng trắng của chị không. Thôi, mẹ già rồi, mà mặc tân thời như thế, thì người ta bảo là vợ tây, chị ạ.
Thấy Oanh nói cạnh. Minh giận run lên. đáp:
- Tôi nói thế đấy. Tôi sợ gì mà phải giấu.
- Phải, chị sợ ai nữa. Cả nhà nói như lạy như van để chị đi nhuộm răng, nhưng chị có coi ai ra gì đâu! Chị đi làm, chị có tiền mà! Chị có học mà!
Minh nói to:
- Cô không được nói thế. Cái hàm răng không thể làm giảm nhân cách người ta được.
Cuộc xung đột vừa nhóm, thì bà Tuần ở trên gác, mở cửa, dòm xuống, hỏi:
- Cái gì thế?
Sanh hớt hải, chạy đến, nhăn nhó nhìn hai người bằng con mắt nằn nì.
Bà Tuần nói:
- Xà! Oanh! Câm mồm ngay! Mày là em, mà hay chòng chọi với chị! Thôi, chị Cả. Oanh! Mày hỗn lắm. Mày bằng sao được với chị mày. Mày thì cắp sách đi học ngày nào, mà dám, cả gan lý sự với chị. Thật là đánh trống qua cửa nhà sấm.
Minh ngẩng lên nói:
- Bẩm mẹ, con tưởng học hay không thì cũng...
- Thôi, thế thì mẹ lầm. Mẹ xin lỗi mợ. Một câu nhịn là chín điều lành. Mẹ chẳng còn sống được mấy nữa. Mẹ không muốn lo nghĩ về dâu về con mà gầy người đi. Thôi, mẹ chồng già mẹ chồng chết, nàng dâu có nết thì nàng dâu chừa. Cậu Cả có vợ thì cậu phải dạy, đừng để bận lòng mẹ nữa.
- Bẩm mẹ...
Minh chưa nói dứt câu, hai cánh cửa gác đóng ập lại. Sanh kéo tay Minh vào nhà trong. Oanh nhìn theo tức lắm, nói:
- Anh cứ chiều chị ấy thế không trách được.
Thấy vợ mặt đỏ bừng bừng, quay lại Oanh, Sanh can:
- Thôi, không lôi thôi nữa.
Minh giằng tay chồng ra, mạnh đến nỗi Sanh dúi vào tường suýt ngã.
Thấy Sanh lạng người, Oanh kêu:
- Bẩm mẹ xuống xem, chị Cả đánh anh cả.
Dứt lời, Oanh sấn nắm lấy tay Minh.
- Chị không được hỗn thế.
Sanh chạy lại can. Thành ra ba người giằng co nhau.
Giữa lúc ấy thì bà Tuẫn chạy xuống. Bà thấy ba người làm như hoa mắt, mà Oanh thì đầu tóc rũ rượi, bà yên chí là có cuộc đánh nhau to. Thế là bà Tuần dùng cả sức nặng của bà để lao vào con dâu, bà ôm chầm lấy đứa lăng loàn, hai chân giậm xuống đất bành bạch, và kêu như người vớ được kẻ cắp:
- Ôi hàng phố ơi!
Rồi bà nói:
- Mợ đánh nó thì mợ đánh ngay tôi đi cho xong. A, con này giỏi, mày thử đánh ngay cái gái già này thử xem sao nào!
Minh lúng túng cố giằng mẹ ra nhưng vừa bị Oanh ôm chặt hai cánh tay. Bà Tuần nhân thế, đấm Minh thùm thụp.
Sanh can:
- Mẹ chưa hiểu, mẹ buông ra. Không phải.
Minh cũng sổ cả tóc. Vạt áo rách toạc. Nàng tím bầm lại, nghiến chặt hai hàm răng, không nói được một lời. Bà Tuần, Sanh và Oanh thì mỗi người một điều, xôn xao, thành ra không ai nghe ai nữa. Một lúc, Minh mệt quá, khuỵu lả, ngã xuống đất. Thì cả Oanh lẫn bà Tuần cùng vồ theo. Bà Tuần nằm thở ỳ ạch, kêu trời rên rỉ.
Sanh lôi mẹ dậy, và giúi vợ vào buồng, đóng cửa lại. Lúc ấy nàng mới thấy đau hai hẳn một bên đùi, vì bà Tuần đè phải.
Nàng ngồi gục đầu trên bàn, nức nở khóc. Nhà ngoài, tiếng ba mẹ con vẫn còn ồn ào. Khi thấy bà Tuần cất tiếng chửi nàng, nàng bèn hung hăng đứng dậy, đẩy cửa chực ra, nhưng then ngoài đã gài, nàng không ra được. Nàng nhìn đồ đạc, những muốn phá tan cả ra cho bõ hờn. Nàng muốn đạp cả cái buồng nàng lúc ấy chỉ là một cái cũi. Nàng thấy mạnh mẽ lạ thường.
Một lát, nàng cưong quyết lấy giấy bút, viết đơn xin đổi mạn ngược.
Cô Giáo Minh Cô Giáo Minh - Nguyễn Công Hoan Cô Giáo Minh