Tài giỏi không có nghĩa là không bao giờ phạm phải sai lầm, mà ở chỗ nhanh chóng chuyển bại thành thắng.

Bertolt Brecht

 
 
 
 
 
Tác giả: Gillian Flynn
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Vũ Quỳnh Châu
Upload bìa: Little rain
Số chương: 59
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3730 / 135
Cập nhật: 2015-09-10 11:00:21 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
Amy Elliott
18 tháng 9 năm 2005
-Nhật ký-
NÀO, NÀO, NÀO. Thử đoán xem ai đã trở lại? Nick Dunne, anh chàng tiệc tùng ở khu Brooklyn với nụ hôn êm dịu ngọt ngào và hành tung bí ẩn. Tám tháng, hai tuần, vài ngày đã qua, không một lời nào, rồi sau đó lại xuất hiện, như thể tất cả đều nằm trong kế hoạch vậy. Té ra là anh ta đã để mất số điện thoại của tôi. Điện thoại cầm tay của anh ta hết pin nên anh ta đã phải ghi số của tôi vào một tờ giấy nhớ. Sau đó tờ giấy dán lại được nhét vào túi quần jeans, chiếc quần jeans lại được cho vào máy giặt, và rốt cuộc là mẩu giấy nhớ trở thành một cục giấy nhàu nát. Anh ta đã cố gỡ nó ra nhưng chỉ còn đọc được một số 3 và một số 8. (Anh ta nói.)
Và sau đó công việc đã cuốn lấy anh ta. Rồi đột nhiên đã đến tháng Ba. Đã quá muộn màng và bối rối để cố gắng bắt lại liên lạc với tôi. (Anh ta nói.)
Hiển nhiên là tôi đã rất giận. Tôi đã thực sự tức giận. Nhưng giờ thì tôi không giận nữa. Để kể lại câu chuyện nhé. (Cô ấy nói.) Hôm nay. Một ngày tháng Chín nổi dông gió. Tôi đang dạo bước dọc theo Đại lộ số Bảy, dành khoảng thời gian nghỉ trưa để trầm ngâm suy nghĩ về những chiếc thùng bodega đặt bên đường – loại thùng chứa như không đáy bằng nhựa dành cho các loại dưa xanh, dưa vàng và mật ngọt. Chúng được đặt trên đá lạnh trông như thể một mẻ cá được đánh bắt trong ngày. Rồi tôi có cảm giác một người đàn ông áp gần sát phía bên cạnh mình khi tôi lững thững bước đi. Tôi liếc nhìn kẻ lạ mặt đó và nhận ra đó là ai. Chính là anh ta. Anh chàng mà tôi đã viết ở trang “Mình đã gặp một anh chàng!”
Tôi không dừng lại mà chỉ quay sang phía anh ta và nói:
a. “Tôi có biết anh không nhỉ?” (vừa lôi kéo, vừa thách thức)
b. “Chao ôi, tôi rất vui lại gặp anh!” (vừa háo hức, vừa như một kẻ đáng khinh)
c. “Anh cút xéo đi cho tôi nhờ.” (vừa hung hăng, vừa chua chát)
d. “Ồ, chắc hẳn anh cần thời gian cho chuyện đó, phải không Nick?” (nhẹ nhàng, khôi hài và thoải mái)
Câu trả lời: D.
Và giờ thì chúng tôi đang ở bên nhau. Ở bên nhau, ở bên nhau. Mọi sự đã dễ dàng như thế đấy.
Thật thú vị và thật đúng lúc. Thời cơ, nếu bạn nắm bắt được. (Và tôi sẽ nắm bắt được.) Mới tối qua thôi bữa tiệc mừng cuốn sách Amy tuyệt vời và Ngày trọng đại của bố mẹ tôi đã được tổ chức. Vâng, Rand và Marybeth đã không thể kìm nén được nên cả hai đã tặng cho nhân vật cùng tên với con gái mình thứ mà thực tế họ đã không tặng được cho cô: một người chồng! Vâng, trong sách thì ở tuổi hai mươi, cô Amy tuyệt vời đó sẽ cưới chồng! Hay quá nhỉ. Chẳng ai quan tâm. Chẳng ai muốn Amy tuyệt vời kia sẽ trưởng thành, ngay cả tôi. Cứ mặc kệ cô ta mang đôi vớ ngang đầu gối với mái tóc buộc ruy-băng và hãy để tôi trưởng thành mà không bị cản mũi bởi cái bản ngã văn học đã được sửa đổi đó, một nửa tốt đẹp nằm trên giấy đó của tôi, hình mẫu mà đáng lẽ tôi phải là như vậy.
Nhưng Amy giống như thứ bánh mỳ và bơ Elliott, khiến người ta thấy rất ưng vị, nên tôi cho là mình không thể nào sánh với một nửa hoàn hảo của cô ta được. Lẽ dĩ nhiên là cô ta sẽ cưới anh chàng Able Andy thân thiết tuyệt vời đó. Bọn họ sẽ giống như bố mẹ tôi: hạnh phúc và hạnh phúc.
Tuy nhiên vẫn có vấn đề đáng ngại, đó là số lượng bản in vô cùng ít ỏi mà nhà xuất bản đưa ra. Thời kỳ những năm 80, một bản Amy tuyệt vời mới tinh thường được xuất bản hàng trăm nghìn cuốn. Giờ chỉ là mười nghìn. Bữa tiệc ra mắt cuốn sách cũng vì thế mà kém hoành tráng. Lệch điệu. Làm sao người ta lại muốn tổ chức một bữa tiệc rình rang chỉ vì một nhân vật hư cấu, bước ra thế giới từ khi còn là một đứa bé sáu tuổi đáng yêu sớm trưởng thành, mà giờ khi đã là một cô dâu hai mươi tuổi rồi vẫn mang giọng điệu của một đứa trẻ thơ? (“Ôi trời, vị hôn phu đáng mến của mình chắc chắn sẽ tức điên lên khi anh ấy không được như ý muốn…” Amy nghĩ. Thực tế đó mới là một trích đoạn, chứ đọc cả cuốn sách khiến tôi chỉ muốn đập thẳng vào cái nghìn vàng vẫn còn trong trắng và ngu độn của cô ta.) Cuốn sách là một thứ hoài niệm, muốn nhắm vào những phụ nữ đã từng lớn lên cùng Amy tuyệt vời, nhưng tôi không dám chắc trên thực tế có ai muốn đọc nó hay không. Tất nhiên, tôi đã đọc nó. Tôi chúc nguyện cho cuốn sách – đến hàng trăm lần ấy chứ. Rand và Marybeth đã sợ rằng việc kết hôn của Amy có thể sẽ khiến cho tình trạng độc thân thường xuyên của tôi bị tổn thương. (“Đối với mẹ, mẹ không cho là phụ nữ nên cưới chồng trước tuổi ba mươi lăm.” Mẹ tôi, người phụ nữ đã cưới bố tôi ở tuổi hai mươi ba, đã nói như vậy đấy.)
Bố mẹ tôi luôn lo lắng rằng tôi sẽ nghĩ Amy là một nhân vật đả kích mình – họ lúc nào cũng khuyên tôi đừng có đọc nhiều về cô ta nữa. Thế nhưng tôi không thể không nhận thấy là bất cứ khi nào tôi làm hỏng một việc gì thì Amy luôn luôn làm đúng: Khi tôi bỏ học đàn violon năm mười hai tuổi, Amy trở thành thần đồng âm nhạc trong cuốn sách tiếp theo. (“Ối trời, học đàn violon là một việc khó làm sao, nhưng làm việc khó mới là cách duy nhất để nên người!”) Khi tôi bỏ thi đấu giải trẻ môn quần vợt năm mười sáu tuổi để đi nghỉ cuối tuần ở biển với bạn bè thì Amy quay trở lại với cuộc chơi. (“Ôi trời, mình biết đi chơi với các bạn thì sẽ vui lắm, nhưng mình sẽ khiến chính mình và những người khác phải thất vọng nếu mình bỏ cuộc.”) Điều đó đã khiến tôi phát điên lên được, nhưng sau khi vào trường Harvard (còn Amy thì chọn chính xác trường của bố mẹ tôi), tôi đã tự nhủ sẽ thật ngớ ngẩn nếu cứ nghĩ về những chuyện như thế. Đó là vấn đề của bố mẹ tôi, hai nhà tâm lý học trẻ em, khi chọn cách thức công khai đặc biệt này về chứng bệnh gây sự thụ động của đứa con gái mình, không chỉ chán ngắt mà còn ngu xuẩn và kỳ quái với vẻ khôi hài. Đã vậy thì cứ để thế đi.
Bữa tiệc ra mắt cũng kỳ quái như chính cuốn sách vậy – được tổ chức tại quán Bluenight, nằm ngoài Quảng trường Thống nhất, một trong những salon mờ ảo đặc trưng bởi những chiếc ghế tựa và những tấm gương trang trí nghệ thuật với ý đồ giúp cho khách hàng có cảm giác Trẻ trung Tươi mới. Những ly rượu gin martini lắc lư nằm trên khay được nâng lên hạ xuống bởi mấy tay phục vụ lúc nào cũng ngoác miệng cười. Cánh nhà báo toàn kẻ phàm ăn tục uống với điệu cười ngớ ngẩn làm trò chỉ nhằm ăn chực cho xong trước khi biến đi chỗ nào khác khá khẩm hơn.
Bố mẹ tôi nắm tay nhau đi một vòng quanh khán phòng – câu chuyện tình của họ luôn là một phần của Amy tuyệt vời: chồng và vợ cùng nhau lao động sáng tạo trong suốt một phần tư thế kỷ. Những người bạn tâm giao. Bố mẹ tôi luôn tự cho họ là như vậy, cũng phải thôi, bởi tôi nghĩ quả thực họ là những người bạn tâm giao. Tôi có thể bảo đảm về điều này, với tư cách là đứa con bé bỏng đơn côi duy nhất sau bấy nhiêu năm ngẫm suy về bố mẹ mình. Họ chẳng bao giờ xô xát hay có mâu thuẫn sâu sắc nào. Họ cùng nhau trải nghiệm cuộc sống như đôi sứa, lúc xòe ra, khi cụp lại một cách bản năng, nhẹ nhàng giúp nhau lấp kín những khoảng trống. Cuộc sống diễn ra thật êm đẹp, khi là những người bạn tâm giao. Người ta nói con cái trong những gia đình tan vỡ thường đón nhận cuộc sống không mấy dễ dàng, nhưng con cái dưới những mái nhà êm đẹp cũng có nỗi khổ tâm riêng.
Như thường lệ, tôi phải ngồi bên bàn tiệc có bọc đệm nhung nằm trong góc khán phòng, tách biệt hẳn khỏi đám đông, vì thế tôi đã trả lời vài phỏng vấn của một số thực tập sinh đang bế tắc với việc “tìm một trích dẫn”, một nhiệm vụ từ các biên tập viên của họ.
Chị cảm thấy thế nào khi Amy cuối cùng đã kết hôn cùng Andy? Bởi chị chưa kết hôn, phải vậy không ạ?
Câu hỏi này được đặt ra bởi:
a. một cậu nhóc có đôi mắt ốc nhồi bẽn lẽn đang cố giữ cuốn sổ ghi chép cân bằng trên chiếc túi đưa thư của mình
b. một em gái trẻ trung chưng diện quá mức với mái tóc bóng mượt trên đôi cao gót kiểu gạ tình
c. một cô nàng mang hơi hướng rock và xăm mình, đầy háo hức với vẻ quan tâm đến Amy hơn mức mà người ta nghĩ một cô nàng kiểu đó có thể quan tâm
d. tất cả những đối tượng trên
Đáp án là: D
Tôi đáp: “Ồ, tôi thấy rất xúc động vì Amy và Andy, cầu chúc cho họ những điều tuyệt vời nhất. Ha, ha.”
Còn đây là câu trả lời của tôi dành cho tất cả câu hỏi, không theo thứ tự nhất định nào:
“Một số điểm về Amy được lấy cảm hứng từ chính tôi, còn một số khác chỉ là hư cấu.”
“Hiện tại tôi rất thoải mái với cuộc sống độc thân của mình, không phải vướng bận với anh chàng Able Andy nào cả!”
“Không, tôi không cho rằng Amy đã đơn giản hóa quá mức mối quan hệ nam-nữ.”
“Không, tôi không nói Amy lạc hậu; tôi nghĩ toàn bộ seri truyện là một dạng kinh điển.”
“Vâng, tôi đang độc thân. Hiện không có Able Andy nào bên tôi cả.”
“Tại sao Amy tuyệt vời và Andy thì có tài ư? Ồ, chẳng lẽ anh lại không biết đến những phụ nữ quyền năng và tuyệt đỉnh đến mức chỉ kết đôi với những anh chàng chuẩn mực, kiểu như Average Joe hay Able Andy vậy? Tôi nói đùa thôi, đừng viết cái đó nhé.”
“Vâng, tôi vẫn độc thân.”
“Vâng, bố mẹ tôi hoàn toàn là những người bạn tâm giao của nhau.”
“Vâng, tôi cũng mong một ngày nào đó mình được như thế.”
“Vâng, độc thân, mẹ kiếp.”
Hết câu hỏi này đến câu hỏi khác đều giống như nhau, và tôi cố lờ đi cách tư duy khiêu khích của bọn họ. Còn bọn họ thì cố lờ đi rằng mình đang khiêu khích. Ơn trời vì không gian cởi mở này.
Sau đó không ai khác muốn trò chuyện với tôi cả – nhanh thật – và cô nàng phụ trách PR thì làm ra vẻ như đó là một việc tốt: Giờ thì chị có thể trở lại với bữa tiệc được rồi nhé! Tôi len mình trở lại một nhóm (ít người), chỗ bố mẹ tôi đang đứng tiếp khách với vẻ mặt xúc động – Rand mỉm cười khoe hàm răng của loài cá quỷ thời tiền sử còn Marybeth thì cứ lắc lư cái đầu hớn hở như gà con, hai bàn tay họ xoắn lấy nhau, thích thú và làm cho nhau cười vui sung sướng – còn tôi thì nghĩ rằng mình mới lẻ loi làm sao.
Tôi về nhà và khóc lóc một lúc. Tôi đã gần ba mươi hai rồi. Tuổi đó chưa phải già, nhất là ở New York, nhưng thực tế là đã nhiều năm qua tôi không thực sự thấy thích một ai cả. Vậy thì làm sao có chuyện tôi sẽ gặp người nào đó mà tôi yêu được cơ chứ, chưa nói đến việc gặp một người khiến tôi yêu đến mức muốn cưới làm chồng? Tôi mệt mỏi vì không biết ai sẽ là người ở bên tôi hay liệu sẽ có ai ở bên tôi hay không.
Nhiều bạn bè của tôi đã lập gia đình – không nhiều trong số đó có cuộc hôn nhân hạnh phúc, nhưng đúng là nhiều người đã cưới rồi. Một số ít người cũng hạnh phúc như bố mẹ tôi thì cảm thấy trăn trở vì tôi vẫn độc thân. Một cô gái thông minh, xinh đẹp, tốt tính như tôi, một cô gái với biết bao niềm đam mê và lòng nhiệt thành, có công việc tốt, có gia đình gắn bó. Nói thẳng ra là: tiền. Họ nhíu mày và cố nghĩ tới một người đàn ông mà họ có thể mách mối cho tôi, nhưng tất cả bọn họ đều hiểu rằng không còn ai cả, không còn ai tốt cả, và tôi biết họ nghĩ bụng rằng có điều gì đó không ổn với tôi, có điều gì đó thầm kín khiến tôi không thể thỏa mãn và không hài lòng.
Những người đã lập gia đình mà không phải bạn thân thiết với tôi thậm chí không thèm ý tứ gì với việc tôi độc thân hết: Chẳng khó khăn gì để tìm một ai đó mà cưới, bọn họ nói vậy. Theo bọn họ thì chẳng có mối quan hệ nào hoàn hảo cả, bởi bọn họ là những kẻ coi chuyện chăn gối như một thứ nghĩa vụ và một kiểu tín ngưỡng khoa trương vào giờ đi ngủ, coi tivi như kênh giao tiếp, coi những điều kiện của chồng – vâng, anh yêu, được rồi, anh yêu – như là hiệp ước. Tôi đã nghĩ rằng, anh ta làm những gì mà họ yêu cầu bởi vì anh ta chẳng thèm tranh cãi. Những yêu cầu nhỏ nhặt đó của họ chỉ khiến anh ta cảm thấy mình ở thế mạnh hơn, hoặc khiến anh ta bực bội, rồi một ngày nào đó anh ta sẽ làm tình với cô nàng đồng nghiệp trẻ trung, xinh đẹp, người chẳng hề đòi hỏi thứ gì ở anh ta, và lúc đó họ mới vỡ lẽ ra. Hãy cho tôi một người đàn ông mà có ít nhiều tiếng nói đấu tranh, một người có thể chỉ trích tôi vì những điều sai vụn vặt. (Nhưng cũng có phần nào thích những việc ngớ ngẩn đó.) Thế nhưng, đừng đưa tôi vào một trong những mối quan hệ kia, khi mà người ta lúc nào cũng xỉa xói nhau, lăng mạ nhau trá hình qua những trò đùa, cái nhướng mày hay những cãi vã “một cách khôi hài” trước mặt bạn bè, mong rằng sẽ lừa phỉnh được họ đứng về phía mình trong cuộc tranh luận mà họ không thể ngoảnh mặt đi. Những thứ quan hệ giá như tồi tệ đó: Giá như… cuộc hôn nhân này sẽ tuyệt vời biết bao và người ta sẽ cảm nhận được rằng danh sách những điều giá như đó dài hơn rất nhiều so với những gì bọn họ nhận ra.
Cho nên tôi biết rằng mình đã đúng khi không cưới xin gì, nhưng điều đó chẳng hề khiến tôi thoải mái hơn chút nào. Bạn bè đều có đôi còn tôi thứ Sáu nào cũng ở nhà làm bạn với chai rượu và tự nấu cho mình một bữa ăn hoành tráng rồi tự nhủ, Thật hoàn hảo, như thể tôi đang hẹn hò với chính mình vậy. Tôi rơi vào vòng luẩn quẩn với tiệc tùng và những đêm ở quán bar, xức nước hoa, chải chuốt và hy vọng, lượn lờ khắp căn phòng như thể một thứ kẹo ngọt đáng ngờ. Tôi hẹn hò với những người đàn ông hấp dẫn, điển trai và thông minh – trên lý thuyết họ đều hoàn hảo, họ khiến tôi có cảm giác như mình đang ở một miền đất lạ, đang cố để hiểu chính mình và cố để chứng tỏ sự hiện hữu của mình. Chẳng phải đó là mấu chốt của mọi mối quan hệ hay sao: được ai đó biết đến mình và hiểu mình? Anh ấy hiểu tôi. Cô ấy hiểu tôi. Câu nói đó chẳng phải là kỳ diệu sao?
Vậy là bạn phải chịu đựng một buổi tối với người đàn ông hoàn-hảo-trên-lý-thuyết – những câu chuyện đùa lắp bắp gây hiểu lầm, những lời bình phẩm khôi hài ngớ ngẩn và vô duyên. Hoặc có lẽ anh ta nhận ra bạn vừa đưa ra một lời bình phẩm khôi hài nhưng không chắc phải làm gì để đáp lại nên anh ta giữ nó trong lòng bàn tay, như một thứ đàm thoại nhơ nháp mà lát nữa anh ta sẽ chùi đi. Cả hai dành cả tiếng đồng hồ sau đó cố tìm hiểu nhau, nhận diện nhau. Bạn uống hơi nhiều và cố cũng hơi quá. Rồi bạn về nhà với chiếc giường lạnh lẽo và nghĩ, Ổn mà. Và cuộc sống của bạn là một chuỗi những cái ổn như thế.
Thế rồi bạn chạm mặt với Nick Dunne trên Đại lộ số Bảy khi đang mua dưa vàng xắt miếng, và bùm, cả hai đều biết và nhận ra nhau. Cả hai bạn đều nhận ra chính xác những điểm đáng nhớ. (Chỉ một trái ô-liu thôi.) Hai con người đồng điệu. Tách. Họ hiểu nhau. Đột nhiên bạn nhận thấy mình đọc sách trên giường và nói chuyện dông dài vào ngày Chủ nhật lại còn cười phá lên chẳng vì thứ gì và rồi môi anh ấy đặt lên môi bạn. Mọi chuyện khác xa cái sự ổn đến mức bạn hiểu rằng mình sẽ không bao giờ cần phải ổn nữa. Nhanh thật. Và bạn nghĩ: Ồ, đây chính là phần còn lại của cuộc đời mình. Cuối cùng thì thời khắc đó đã đến.
Ngày của Nick Dunne
BAN ĐẦU TÔI ĐỢI CẢNH SÁT ở trong bếp nhưng cái mùi khét lẹt từ bình đun nước bị cháy cứ cuộn lên trong cổ họng khiến tôi buồn nôn, nên tôi ra hiên trước ngồi ở bậc tam cấp trên cùng và cố trấn tĩnh lại. Tôi đã liên tục gọi cho Amy nhưng điện thoại luôn chuyển sang chế độ hộp thư thoại với giọng nói nhịp nhàng của cô ấy hứa rằng sẽ liên lạc lại. Thường thì Amy sẽ gọi lại ngay. Ba giờ đồng hồ đã trôi qua, tôi đã để lại năm tin nhắn và cô ấy không hề gọi lại.
Tôi không mong là cô ấy sẽ gọi lại. Tôi sẽ khai với cảnh sát rằng Amy không bao giờ rời khỏi nhà mà để bình đun nước còn cắm điện, cửa còn mở, hay thứ gì đó chuẩn bị được là. Người phụ nữ ấy sẽ làm xong tất thảy mọi thứ và cô ấy không phải kiểu người sẽ bỏ dở một việc gì đó (như người chồng cần phải cải tạo lại của cô ấy chẳng hạn) cho dù cô ấy cho rằng mình không hề thích việc đó đi nữa. Trong hai tuần trăng mật của chúng tôi bên bờ biển Fiji, trông cô ấy thật đáng sợ khi vùi đầu vào cả triệu trang sách huyền bí của cuốn Biên niên ký chim vặn dây cót và ngán ngẩm liếc xéo tôi khi thấy tôi ngấu nghiến đọc thể loại tiểu thuyết ly kỳ, hết cuốn này đến cuốn khác. Kể từ khi chuyển về Missouri và kể từ sau khi bị mất việc, cuộc sống của cô ấy chỉ loanh quanh (hay là trách nhiệm nhỉ?) với đủ những thứ việc linh tinh bất tận. Cái váy kia đáng lẽ đã được là.
Và trong căn phòng khách này, có những dấu hiệu của sự gắng sức chịu đựng. Tôi biết rằng Amy sẽ không gọi lại. Tôi muốn chuyện gì xảy đến thì hãy cứ xảy đến.
Đây là thời điểm tuyệt vời nhất trong ngày. Bầu trời tháng Bảy không chút gợn mây, mặt trời đang khuất dần để lại một chùm sáng le lói ở phương đông, ánh vàng óng ả và bóng mượt bao trùm lên cảnh vật trông như thể một bức họa sơn dầu. Cảnh sát đột nhiên xuất hiện. Cảm giác vẫn thật bình thường – tôi vẫn đang ngồi trên bậc tam cấp, tiếng chim chiều muộn vẫn đang ríu rít trong vòm cây. Hai viên cảnh sát xuống xe, thong thả bước tới như thể bọn họ chỉ đang ghé qua một buổi cắm trại của nhà hàng xóm vậy. Mấy tay cớm nhãi, chắc chỉ tầm hăm lăm chứ mấy, trông trâng tráo và tẻ ngắt như thể đã quen xoa dịu những bậc phụ huynh hay lo lắng của bọn trẻ vị thành niên thường phá luật giới nghiêm. Viên nữ cảnh sát có vẻ ngoài rất Tây Ban Nha với bím tóc tết đen dài còn viên cảnh sát da màu kia trông như thể một tay lính thủy đánh bộ vậy. Số người da trắng ở Carthage đã giảm đi (tuy rất ít) trong khoảng thời gian tôi không ở đây, nhưng nó vẫn mang cái vẻ dị biệt chủng tộc đến mức số người da màu mà tôi nhận thấy trong cuộc sống thường nhật chỉ là những nhân viên thực hiện các công việc phải liên tục di chuyển như nhân viên giao nhận hàng, nhân viên cứu thương, nhân viên bưu điện. Và cảnh sát. (Amy đã phải thốt lên rằng “Nơi này toàn người da trắng, thật khó chịu!” khi cô ấy quay trở lại ‘chảo lửa’ Manhattan và chỉ đếm được duy nhất một người Mỹ gốc Phi trong số những người bạn của mình. Tôi đã quy chụp cô ấy chỉ thích tô vẽ cho bức tranh chủng tộc của mình, coi người thiểu số chỉ là phông nền. Điều đó chẳng hay hớm gì.)
“Ông là Dunne? Tôi là sĩ quan Velásquez và đây là sĩ quan Riordan.” Viên nữ cảnh sát lên tiếng. “Theo chúng tôi được biết thì ông đang lo lắng cho vợ mình phải không?”
Riordan vừa ngậm một viên kẹo vừa nhìn xuôi theo con phố. Tôi có thể thấy ánh mắt của anh ta dõi theo một chú chim đang vút bay lên từ phía mặt sông. Rồi anh ta quay sang nhìn tôi chăm chú, cặp môi cong cớn như thể cho tôi biết rằng anh ta thấy được những gì mà người khác đã làm. Tôi có một khuôn mặt khiến kẻ khác chỉ muốn đấm vào mặt: Một đứa trẻ người Ireland thuộc tầng lớp lao động bị mắc kẹt trong thân hình của một tên đê tiện sống bằng quỹ ủy thác đầu tư. Tôi luôn phải cười rất nhiều để bù đắp lại khuyết điểm đó, nhưng chỉ thi thoảng nó mới có tác dụng. Khi ở trường đại học, tôi thậm chí còn thử đeo kính một thời gian, loại kính không số để tạo vẻ nhã nhặn và thân thiện hơn. “Mày có biết là cái kính khiến mày trông còn khốn nạn hơn không?” Quả thực vậy. Nên tôi đã quẳng nó đi và cố cười nhiều hơn nữa.
Tôi ra hiệu mời họ vào trong: “Mời vào nhà và tìm hiểu.”
Cả hai bước lên bậc tam cấp, tiếng lách cách của súng va đập vào dây lưng vang lên. Tôi đứng ở cửa phòng khách và chỉ tay về phía đám đổ vỡ.
“Ồ.” Viên sĩ quan Riordan thốt lên và bẻ tay răng rắc. Bỗng dưng trông anh ta có vẻ bớt nhàm chán hơn.
Riordan và Velásquez ngồi bên bàn ăn, ngả người về trước và đặt cho tôi tất cả những câu hỏi cơ bản: ai, ở đâu, bao lâu. Đôi tai của bọn họ đúng nghĩa đang vểnh lên lắng nghe. Một cuộc gọi đã được thực hiện ngoài tầm nghe của tôi, rồi Riordan thông báo với tôi về việc các điều tra viên đang được phái đến. Tôi vô cùng hài lòng vì họ đã xử lý công việc một cách nghiêm túc.
Khi Riordan đang hỏi lại tôi lần thứ hai về việc gần đây tôi có thấy bất cứ kẻ lạ mặt nào quanh khu vực này không, đến lần thứ ba khi tôi nghĩ tới nhóm đàn ông vô gia cư đi lang thang ở Carthage, thì điện thoại đổ chuông. Tôi lao người qua phòng và nhấc máy.
Giọng của một phụ nữ gắt gỏng vang lên: “Chào ông Dunne, chúng tôi gọi từ Trung tâm trợ giúp người già và người khuyết tật Comfort Hill”. Đó là nơi Go và tôi đang gửi ông bố mắc bệnh Alzheimer khó hiểu của mình.
“Hiện tôi không tiện nói chuyện, tôi sẽ gọi lại cho chị sau.” Tôi cấm cảu trả lời rồi gác máy. Tôi rất khinh thường người phụ nữ làm việc ở Comfort Hill này: chẳng tươi cười và luôn khó chịu. Có lẽ bọn họ không bao giờ cười hay có thái độ dễ chịu nổi bởi bọn họ được trả một mức lương quá thấp, thấp một cách thảm hại. Tôi hiểu là thái độ tức giận của mình với bọn họ là giận cá chém thớt – nhưng tôi vô cùng điên tiết khi cha mình còn cố nán lại trên đời này trong khi mẹ tôi đã yên nghỉ.
Đến lượt Go phải thanh toán tiền. Tôi dám chắc tháng Bảy là đến lượt Go. Nhưng tôi cá là con bé đã nghĩ rằng đến lượt tôi. Chúng tôi đã từng quên như thế này rồi. Go nói chúng tôi hẳn là có thần giao cách cảm khi quên thanh toán tiền và rằng cái mà chúng tôi thực sự muốn quên chính là người bố của mình.
Khi tôi đang kể lại cho Riordan nghe về người đàn ông lạ mặt mà tôi đã thấy trong ngôi nhà hàng xóm bỏ không thì chuông cửa vang lên. Tiếng chuông cửa. Nghe có vẻ bình thường như thể tôi đang đợi người ta mang pizza đến vậy.
Hai điều tra viên đi vào cùng với sự mệt mỏi sau khi tan ca. Người đàn ông cao gầy cằm nhọn má hóp. Còn người phụ nữ thì xấu và trâng tráo một cách đáng ngạc nhiên, vượt xa chuẩn mực thông thường của cái xấu: hai con mắt tròn nhỏ xíu sát vào nhau như hai cái khuy áo, mũi dài và khoằm, da sần sùi đầy những nốt nhỏ li ti, mái tóc dài màu lông thỏ bẩn bụi thẳng rũ xuống. Tôi rất có duyên với những phụ nữ xấu. Tôi được nuôi dưỡng bởi ba người phụ nữ rất khó coi – bà, mẹ và bác gái – nhưng họ đều rất thông minh, tốt bụng, vui tính, khỏe mạnh và tử tế, những người phụ nữ tuyệt vời. Amy là cô gái xinh đẹp đầu tiên mà tôi từng hẹn hò, hẹn hò thực sự.
Người phụ nữ xấu xí lên tiếng trước và lặp lại y hệt những lời của nữ sĩ quan Velásquez. “Ông Dunne phải không? Tôi là thanh tra Rhonda Boney và đây là đồng nghiệp của tôi, thanh tra Jim Gilpin. Chúng tôi hiểu là ông đang lo lắng cho vợ của mình.”
Bụng tôi sôi lên đủ to để tất cả mọi người đều nghe thấy nhưng làm ra vẻ như không nghe thấy gì.
“Chúng tôi xem xét một lượt được chứ, thưa ông?” Gilpin nói. Anh ta có bọng mắt dày và những sợi ria mép trắng tua tủa. Chiếc áo sơ mi mà anh ta đang mặc khá phẳng phiu, nhưng trông cách anh ta mặc như thể nó vô cùng nhàu nhĩ. Nhìn anh ta giống một người nặng mùi thuốc lá và cà phê bị chua, dù thực sự không hề có mùi như vậy. Anh ta có mùi của xà phòng Dial.
Tôi bước vài bước ngắn dẫn họ vào phòng khách và một lần nữa chỉ vào đống đổ vỡ, nơi mà hai viên sĩ quan trẻ đang tỳ gối xuống xem xét cẩn thận, như thể họ đang mong chờ sẽ tìm được thứ gì đó có ích. Boney chỉ dẫn tôi ra một chiếc ghế ở phòng ăn, cách xa nhưng vẫn có thể quan sát được những dấu hiệu của sự gắng sức chịu đựng kia.
Rhonda Boney vừa hỏi lại tôi những chi tiết cơ bản mà tôi mới báo cáo với Velásquez và Riordan, vừa chăm chú nhìn tôi bằng đôi mắt chim sẻ của mình. Gilpin thì ngồi quỳ trên một bên gối để đánh giá tình trạng của căn phòng.
“Ông đã gọi điện cho bạn bè hoặc người thân, những người mà vợ ông có thể đang ở cùng chưa?” Rhonda Boney hỏi.
“Tôi… Chưa. Tôi vẫn chưa gọi. Tôi nghĩ mình nên đợi các anh chị đến.”
“À.” Cô ta mỉm cười. “Để tôi đoán thử nhé: đứa trẻ của gia đình.”
“Sao kia?”
“Anh chính là đứa trẻ trong gia đình.”
“Tôi có em gái sinh đôi.” Tôi có cảm giác cô ta đang ngầm đánh giá mình. “Sao cô nói vậy?” Chiếc bình hoa yêu thích của Amy đang nằm trên sàn nhà, chạm vào tường nhưng vẫn còn nguyên vẹn. Đó là món quà cưới, một kiệt tác từ Nhật Bản, mà mỗi tuần khi người quét dọn đến Amy đều cất đi vì sợ nó bị vỡ.
“Chỉ là suy đoán của tôi thôi, lý do anh đợi chúng tôi là vì anh đã quen với việc luôn có người bảo anh phải làm gì rồi.” Boney nói. “Giống hệt như em trai tôi. Đó là vấn đề thứ tự ra đời.” Rồi cô ta viết vội cái gì đó vào tập giấy ghi chép.
“Được thôi.” Tôi nhún vai giận dữ. “Cô có cần biết cả cung hoàng đạo của tôi luôn không, hay chúng ta có thể bắt đầu được chưa vậy?” Boney nở một nụ cười ân cần với tôi và chờ đợi.
“Tôi đợi để xem các anh chị làm gì bởi, theo tôi, rõ ràng là cô ấy đã không ở đây với một người bạn.” Tôi nói và chỉ vào đống lộn xộn ở phòng khách.
“Ông đã sống ở đây, xem nào, ông Dunne, được hai năm rồi phải không?” Cô ta hỏi.
“Đến tháng Chín là được hai năm.”
“Từ đâu chuyển đến?”
“New York.”
“Thành phố?”
“Đúng vậy.”
Cô ta chỉ tay lên tầng trên ra hiệu muốn có sự cho phép của tôi nhưng không mở lời. Tôi gật đầu và đi theo cô ta, còn Gilpin thì theo sau tôi.
“Tôi từng là nhà báo khi sống ở đó.” Tôi buột miệng trước khi kịp ngăn mình lại. Thậm chí bây giờ, sau hai năm quay trở lại nơi này tôi vẫn không thể chịu đựng được khi ai đó nghĩ rằng đây là cuộc sống duy nhất của tôi.
Boney: “Nghe ấn tượng đấy.”
Gilpin: “Về lĩnh vực gì?”
Tôi ấn định câu trả lời của mình theo mỗi bước lên cầu thang: Tôi viết bài cho một tạp chí (bước), tôi viết về văn hóa bình dân (bước) cho một tạp chí đàn ông (bước). Lên đến bậc trên cùng tôi quay người lại thì thấy Gilpin vẫn đang quan sát phòng khách. Anh ta vội vàng đi theo chúng tôi.
“Văn hóa bình dân à?” Anh ta nói với lên khi bắt đầu bước lên cầu thang. “Cụ thể là liên quan đến những gì?”
“Văn hóa có tính chất đại chúng.” Tôi nói. Khi lên đến bậc trên cùng, Boney đang đợi chúng tôi ở đó. “Phim ảnh, truyền hình, âm nhạc, nhưng, ừm, anh biết đấy, không phải là thứ nghệ thuật cao quý, không có gì quá khoa trương đâu.” Tôi nhăn mặt: khoa trương? Nghe mới kẻ cả làm sao. Hai kẻ quê mùa như anh chị đây có lẽ cần tôi phải cắt nghĩa tiếng Anh của mình, phẩy, thứ ngôn ngữ của vùng duyên hải miền Đông nước Mỹ sang thứ tiếng Anh thông thường, phẩy, thứ tiếng Anh thôn dã của miền Trung Tây nước Mỹ. Tôi tổng kết mấy dòng nguệch ngoạc trong đầu mình sau khi thấy bọn họ cứ đi lại quẩn quanh.
“Chị ấy rất thích phim ảnh.” Gilpin vừa nói vừa ra hiệu về phía Boney. Boney gật đầu: Đúng vậy.
“Hiện giờ tôi đang làm chủ Quán Bar trong khu trung tâm.” Tôi bổ sung. Tôi cũng đang dạy ở một trường cao đẳng nữa, nhưng nói thêm điều đó thì có cảm giác kể lể quá. Giờ không phải lúc.
Boney chăm chú quan sát nhà tắm khiến tôi và Gilpin đứng ngập ngừng giữa lối đi. “Quán Bar à?” Chị ta hỏi lại. “Tôi biết quán đó và cũng đã định ghé qua. Tôi thích cái tên. Rất hàm ý.”
“Có vẻ là một nước cờ thông minh đấy nhỉ.” Gilpin nói. Boney đi về phía phòng ngủ và chúng tôi theo sau. “Cuộc sống với toàn bia xung quanh không hẳn tệ lắm nhỉ.”
“Đôi khi câu trả lời lại nằm ở dưới đáy chai rượu.” Tôi nói rồi lại rùng mình vì một điều đáng ra không nên nói.
Chúng tôi bước vào phòng ngủ.
Gilpin phá lên cười. “Sao tôi lại không hiểu cảm giác đó nhỉ.”
“Anh chị thấy chiếc bàn là vẫn còn cắm điện không?” Tôi lên tiếng.
Boney gật đầu, sau đó mở cánh cửa phòng chứa đồ rộng rãi của chúng tôi và bước vào trong. Cô ta bật đèn lên, lướt đôi bàn tay mang găng cao su của mình qua những chiếc áo sơ-mi và váy khi di chuyển dần về phía cuối căn phòng. Đột nhiên cô ta gây ra tiếng động, rồi cúi xuống và xoay người lại – thứ cô ta đang cầm trong tay là một chiếc hộp vuông được bọc hoàn hảo trong lớp giấy bạc.
Bụng dạ tôi như thắt lại.
“Sinh nhật của ai đó phải không?” Cô ta hỏi.
“Lễ kỷ niệm ngày cưới của chúng tôi.”
Boney và Gilpin đều rụt tay lại như những con nhện nhưng lại giả bộ như không có gì.
Khi chúng tôi quay lại phòng khách, mấy viên sĩ quan trẻ đã rời khỏi đó. Gilpin quỳ xuống và quan sát chiếc ghế cổ bị lật nhào.
“Ừm, tôi đã có chút hoảng sợ, rõ ràng là vậy.” Tôi lên tiếng.
“Tôi không hề đổ lỗi cho anh, Nick.” Gilpin nghiêm túc nói. Anh ta có đôi mắt màu xanh xám cứ nháy nháy liên tục, một kiểu máy mắt khiến người khác thấy sợ.
“Chúng ta có thể làm được gì đây? Để tìm vợ tôi. Ý tôi là vì cô ấy rõ ràng không có ở đây.”
Boney chỉ vào bức ảnh cưới treo trên tường: tôi trong bộ tuxedo khoe hàm răng với nụ cười cứng ngắc trên gương mặt, tay tôi vòng qua eo của Amy; Amy với mái tóc vàng được búi chặt và xịt keo, tấm khăn voan bay bay trong làn gió biển Cape Cod, đôi mắt mở lớn bởi vì cô ấy luôn chỉ chớp mắt lúc cuối cùng và cô ấy đang phải cố hết sức để không chớp mắt. Đó là ngày sau hôm Quốc khánh, mùi lưu huỳnh còn vương lại từ pháo hoa lẫn với mùi muối biển – hương vị của mùa hè.
Đối với chúng tôi Cape quả thực tuyệt vời. Tôi nhớ sau vài tháng tôi mới biết Amy, bạn gái của tôi, khá giàu có và là con gái yêu quý duy nhất của cặp vợ chồng đầy tài năng sáng tạo. Cô ấy giống như một biểu tượng nhờ có loạt sách cùng tên mà tôi nghĩ là hồi nhỏ tôi có biết. Amy tuyệt vời. Amy cắt nghĩa cho tôi bằng giọng điệu từ tốn và chừng mực, như thể tôi là một bệnh nhân vừa mới tỉnh dậy sau hôn mê. Giống như cô ấy đã phải làm việc này rất nhiều lần rồi và chuyện chẳng hay ho gì – việc thừa nhận sự giàu có của cô ấy luôn được chào đón quá mức nồng nhiệt, việc tiết lộ một danh tính bí mật mà chính cô ấy không hề tạo dựng nên.
Amy đã kể cho tôi về thân thế và con người của cô ấy, sau đấy chúng tôi về thăm ngôi nhà truyền thống lịch sử của gia đình Elliott trên đường Nantucket Sound rồi cùng nhau đi chèo thuyền. Lúc đó tôi đã nghĩ: Tôi chỉ là một chàng trai đến từ vùng Missouri, bay qua đại dương cùng với những con người hiểu biết hơn tôi rất nhiều. Cho dù tôi có bắt đầu tìm hiểu mọi thứ kể từ bây giờ và sống hết mình, thì tôi vẫn không thể nào bắt kịp được họ. Điều đó không hề khiến tôi đố kỵ. Nó khiến tôi cảm thấy bằng lòng. Tôi chưa bao giờ thiết tha với sự giàu có hay nổi tiếng. Tôi không được nuôi dưỡng bởi những ông bố bà mẹ luôn ao ước lớn lao rằng con cái họ sẽ trở thành tổng thống tương lai. Tôi được nuôi dạy bởi ông bố và bà mẹ thực dụng, luôn chỉ hình dung tương lai con mình sẽ trở thành nhân viên văn phòng và kiếm sống bằng cách này hay cách khác. Đối với tôi, được gần gũi với gia đình Elliott, được vượt qua Đại Tây Dương rồi lại trở về ngôi nhà sang trọng được xây dựng từ năm 1822 bởi một thuyền trưởng săn bắt cá voi, thế là đủ. Chúng tôi đã ở đó, cùng chuẩn bị những bữa ăn và thưởng thức những loại thực phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe, những thứ có tên mà tôi cũng không biết phải phát âm thế nào nữa. Quinoa. Tôi nhớ là mình đã tưởng quinoa là một loài cá.
Thế là vào một ngày hè trời cao xanh biếc, chúng tôi đã tổ chức lễ cưới bên bờ biển và ăn uống say sưa dưới một chiếc lều rạp trắng muốt lồng lộng gió cuộn như một cánh buồm. Vài giờ sau đó tôi đã lén trốn Amy ra ngoài, lẩn mình trong bóng tối và đi về phía những con sóng, chỉ bởi tôi có cảm giác không thật một chút nào, như thể tôi đã trở thành một thứ ánh sáng huyền ảo nào đó. Màn sương mù lạnh giá phủ trên da thịt đã kéo tôi trở lại, Amy đã kéo tôi quay về phía ánh vàng rực rỡ phát ra từ căn lều rạp kia, nơi những vị thần đang mở tiệc với đủ món cao lương mỹ vị. Chúng tôi đã tìm hiểu nhau như thế đấy.
Boney nghiêng người về trước để quan sát kỹ Amy. “Vợ anh quả thực rất đẹp.”
“Đúng vậy, cô ấy rất xinh đẹp.” Tôi nói và cảm thấy bụng mình dễ chịu trở lại.
“Hôm nay là ngày kỷ niệm gì vậy?” Cô ta hỏi.
“Năm năm ngày cưới của chúng tôi.”
Tôi đảo chân này qua chân kia, bồn chồn muốn làm cái gì đó. Tôi không muốn họ bàn luận xem vợ tôi đáng yêu như thế nào, tôi muốn họ đi ra ngoài và tìm kiếm người vợ chết tiệt của tôi. Tuy vậy, tôi không nói ra; tôi thường không nói ra mọi việc kể cả khi tôi nên làm như vậy. Tôi chịu đựng và tự giằng xé mình đến mức rối loạn: Sâu thẳm trong tâm hồn tôi là hàng trăm chiếc chai chứa đựng cơn thịnh nộ, sự tuyệt vọng và nỗi sợ hãi. Nhưng mọi người sẽ không bao giờ nhận ra khi nhìn vào tôi.
“Năm năm, lễ kỷ niệm lớn đấy. Để tôi đoán xem nào, đặt bàn ở nhà hàng Houston’s phải không?” Gilpin hỏi tôi. Đó là nhà hàng sang trọng nhất ở thị trấn. Các con nhất định phải ăn thử ở Houston’s, mẹ tôi đã nói vậy khi chúng tôi chuyển về thị trấn này bởi bà nghĩ rằng nó là bí mật nhỏ bé duy nhất của thành phố Carthage và hy vọng nó sẽ làm vợ tôi hài lòng.
“Đương nhiên là Houston’s rồi.”
Đó là lời nói dối thứ năm của tôi với cảnh sát. Tôi chỉ vừa bắt đầu mà thôi.
Cô Gái Mất Tích Cô Gái Mất Tích - Gillian Flynn Cô Gái Mất Tích