Bí mật của thiên tài là có được tinh thần của trẻ con khi mình đã lớn, có nghĩa là không bao giờ mất nhiệt huyết.

Aldous Huxley

 
 
 
 
 
Tác giả: Mỹ Hạnh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2280 / 9
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5 -
hâu Hà chăm chăm nhìn vào chiếc vòng lục lạc ở tay Dương Hành.
Như kêu gọi cô, anh lắc tay, tiếng lục lạc reo vang. Cô ấp úng:
- Của anh?
Hành gật đầu. Chỉ gật đầu thôi. Cô gái lại gần hơn:
- Anh cũng có vòng lục lạc? - Trông cô thật ngơ ngác, ngây thơ.
Hành lại gật đầu. Cô gái chớp mắt đưa tay rồi rụt lại:
- Nó có quý như cái vòng của Hà không?
Bây giờ Hành mới mở miệng:
- Nó có cái quý của nó.
- Anh nói đi! - Cô gái tròn xoe mắt nôn nóng.
- Thứ nhất vì nó được cô thích.
Cô gái ngước nhìn Dương Hành ngạc nhiên. Họ đang ở trường Tương Lai và Hành đang ngồi trên cây sứ trước trường. Bọn trẻ đang ăn trưa, sân trường vắng lặng.
- Thứ hai vì nó có thể giúp cô khuây nỗi nhớ cái vòng lục lạc của mình.
Hành nhảy xuống khỏi cây sứ, chân anh chạm đất, tay đã đặt vòng lục lạc vào tay Châu Hà:
- Tặng cô!
Hành bỏ đi. Châu Hà ngẩn người nhìn theo rồi ấp úng:
- Anh Hành! Cảm... ơn... nghe...
Hành hơi chậm bước đi, đầu ngoảnh lại:
- Cô từng nói, cho đi nghĩa là nhận lại rất nhiều. Tôi mong ngày mai là lễ Quốc tế thiếu nhi cô sẽ không còn buồn, với tôi đó là lời cảm ơn ý nghĩa nhất.
Hành đi khuất vào phòng ăn, Châu Hà ôm chiếc vòng ngồi phệch xuống đất. Cô ngắm mãi rồi lắc nhẹ, tiếng lục lạc reo lên. Bất giác cô nhoẻn miệng cười nói to một mình:
- Cảm ơn nghe!
Cô tròng vòng lục lạc vào chân, đứng lên tung tăng đi lại, tiếng lục lạc reo, không lớn và ngân thanh thoát như chiếc vòng của cô, nhưng cũng đủ mang lại cô gái niềm vui lai láng. Cô ôm gốc cây sứ xoay quanh miệng reo:
- Vui quá trời ơi!
Đám trẻ đã ăn trưa xong, vừa túa ra sân, chúng ngạc nhiên nhìn chị Châu Hà, đứa nào cũng thầm nghĩ "Chỉ khùng sao cà!"
Thằng Tần lại gần:
- Châu Hà? Sao vậy?
- Coi nè!
Cô gái tung người lên lộn một vòng, tiếng lục lạc reo. Đám trẻ ồ lên hiểu ra, Châu Hà khoái chí:
- Coi chị làm Tề Thiên nè!
Cô gái biểu diễn một hồi nhào lộn, cào má, gãi lưng, đám trẻ cả trai lẫn gái đều cười nắc nẻ, vỗ tay dậy trời.
Hành đi ra với Dũng, người hiệu trưởng nói với anh:
- Cô ấy chưa hề biết buồn.
Hành thoáng nụ cười, anh im lặng. Dũng lắc đầu nói tiếp:
- Cô ta làm đảo lộn hết mọi nguyên tắc kỷ luật mỗi khi có mặt, mà tôi chẳng thể la rầy. Đó! Anh xem, bây giờ đang giờ nghỉ trưa, cô ta lại biến thành giờ chơi đùa.
Lời Dũng như than thở trách phiền nhưng trên gương mặt rất đàn ông lại tươi hớn hở. Hành muốn nói điều gì lại thôi. Anh cũng như Dũng đều hiểu, nếu không có Châu Hà, ngôi trường sẽ vô cùng tẻ nhạt.
Đạt, chàng thanh niên có dáng nhỏ nhắn với nét đẹp như con gái, phụ trách công tác đội từ văn phòng đi ra nhìn quanh rồi thổi liền mấy hồi còi. Đám trẻ lập tức ngưng hò reo, chạy như ong vỡ tổ về các phòng sau lời chào Châu Hà ríu rít. Sân trường trở nên vắng lặng. Châu Hà đến trước Đạt, môi dẩu lên:
- Đạt xấu! người ta chơi một chút.
Đạt cười ngượng nghịu nói nhỏ:
- Châu Hà! Phải tập các em thói quen kỷ luật.
- Nhưng hôm nay là ngày Quốc tế thiếu nhi.
Đạt điềm đạm:
- Ngày mai kìa Châu Hà!
Cô gái giậm chân thình thịch:
- Không thèm cãi Đạt nữa - Cô nắm tay Hành kéo xuống những bậc tam cấp - Anh Hành! Mình đi!
Hành bối rối, anh chưa nói gì đã bị kéo tuột đi, đành đưa mắt nhìn Dũng gượng cười. Cả hai đến nơi để xe, Hành trì lại:
- Châu Hà! Đi đâu vậy?
- Hà đãi anh một bữa trả ơn chiếc vòng.
Hành dở khóc dở cười, trong một thoáng anh nhớ lại hình bóng cô gái đội vương miện bằng hoa sứ đỏ, cô ta cũng rất dịu dàng khi nói yêu anh, cũng như khi tỏ lời từ tạ đi lấy chồng. Từ đó vẻ dịu dàng của bất cứ cô gái nào đều khiến anh sợ, nhưng anh thật chưa quen được cái phong cách vô tư, phóng khoáng đến táo tợn của Châu Hà.
Cô gái đang trố mắt nhìn anh:"Anh này kỳ cục, người ta rủ đi ăn lại đứng ngẩn ra như tượng".
Cô lay mạnh tay Hành:
- Sao hả? Đứng ngẩn ra làm gì?
Hành giật mình:
- À! À!... Không, mình đi ăn ở đâu?
- Anh thích ăn ở đâu cũng được, tôi đãi.
Hành nhìn cô gái lưỡng lự:
- Mình ăn trưa rồi mà!
Châu Hà xịu mặt, Hành nói tiếp:
- Hay cô đưa tôi đi khắp nơi nhé! Anh em Tài rất bận...
Cô gái tỏ vẻ suy nghĩ:
- Anh có biết đánh lộn không?
Hành lắc đầu rồi lại gật đầu:
- Tự vệ thì được, nhưng để làm gì?
Cô gái tỉnh bơ thổ lộ:
- Từ buổi bị công an gọi lên ghi vô sổ đen, mấy cậu con "giời" hầm hè lắm. Nếu đưa anh đi chơi, anh phải đủ sức bảo vệ Hà mới được.
Hành ngẩn ra nhìn Hà, hơi ngập ngừng, rồi anh uốn lưỡi nói cho giống câu Hà mới nói khiến anh chẳng hiểu gì:
- Mấy cậu con "giời" nghĩa là làm sao hả Hà?
Châu Hà phì cười giật chìa khóa từ tay Hành:
- Hà chở anh, chuyện đó giải thích sau.
Cô phóng xe khiến anh sợ hãi. Anh còn nỗi sợ nữa nhưng không nói ra. Trên cương vị anh đang là sinh viên du học, nếu xảy ra ẩu đả thật chẳng hay ho gì.
Xe ra xa lộ, tiếng Hà theo gió nói tạt vào tai Hành:
- Đi khu Lâm viên Thủ Đức.
Nơi ấy như một khu rừng được quy hoạch, với từng đám cỏ, từng lùm cây, có đầy chỗ ăn uống. Hôm nay không phải ngày chủ nhật nên vắng người, nhưng Hành vẫn thấy vài cặp trai gái dìu nhau thấp thoáng. Anh liếc nhìn Châu Hà, cô vẻ hồn nhiên nắm tay anh bước đều, miệng liếng thoắng:
- Châu Hà đãi anh ăn nem Thủ Đức, ngon hết xẩy luôn.
Lối nói chuyện của cô gái, 10 chữ anh chỉ hiểu được 7, nhiều từ không hề có trong tự điển khiến Hành cứ ngẩn ra. Anh lại hỏi:
- Hết xẩy là sao?
Cô gái cười đến tít mắt lại. Cô kéo anh vào cái quán lá vắng tanh có treo nhiều giò phong lan đẹp, gọi liền một lúc 2, 3 thứ với cô chủ quán mang nụ cười nghề nghiệp trên môi rồi nói với anh:
- Giờ Hà dạy học tiếng lóng, chịu không?
Khi các món ăn bày ra ở bàn với hai chai bia, Hành đã học được vài mươi tiếng lóng kể cả ở trường Tương Lai và ngoài phố. Châu Hà cười khen:
- Học trò thông minh thật. Nào! Ăn đi!
Cô ăn trước Hành rất vô tư, thoải mái, cụng ly, uống bia với Hành tỉnh bơ, không chú ý gì đến đôi mắt Hành đăm đăm nhìn mình. Xong bữa ăn, cô trả tiền lại kéo Hành đến khoảng cỏ xanh bên gốc cây đại thụ có hàng cây rậm rạp:
- Mình ngồi chơi một lát, xong Hà dẫn anh đi thăm khu Lâm viên.
Cô không ngồi mà nằm dài xuống thảm cỏ, gối đầu lên cái xách tay, chân co, chân duỗi, mặt hướng vào anh, hơi nghiêng lại như lắng nghe tiếng lục lạc reo và cô cười tươi buột miệng:
- Anh Hành dễ thương nhất đời.
Trái tim tưởng đã khép kín của Hành rộn rã, mặt anh hơi ửng màu dù vẫn giữ vẻ bình thản điềm đạm:
- Vậy Hà thưởng gì cho tôi?
- Anh thích gì? - Đôi môi đỏ trên gương mặt hồng vì men bia khi hỏi xong, bĩu ra rất ngộ nghĩnh.
Hành nói không suy nghĩ, như đã nung nấu ý định đó lâu rồi:
- Tôi muốn học võ với Hà được không?
Vòng môi cô gái tròn lại như chữ o rồi vụt cười khanh khách reo to:
- Đồng ý!
Tung người lên mấy vòng làm trò khỉ, lẫn trong tiếng lục lạc reo, cô gái nói:
- Nhưng anh nhớ phải học làm trò khỉ giống Hà! Còn giờ thì A lê! Mình đi thăm khu lâm viên khỉ gió, bạt ngàn này.
oOo
Bà Hương nhìn cả bốn đi quyền chỉnh tề trong võ phục với ý nghĩ "thế cũng tốt, chúng nó khộng phải rong chơi ngoài đường". Bà có nhận xét, mỗi mình con gái bà tỏ ra thích thú, say mê, thằng con trai ung dung, gã người Trung Hoa điềm đạm, trầm tĩnh, người võ sư tươi cười hớn hở. Cả bốn đều có phong độ khác nhau, nhưng mỗi tính cách đều chinh phục được lòng người.
Đi đến quyền cuối cùng, cả bốn dừng lại. Bà Hương nhẹ vỗ tay, Hòa quay sang:
- Mẹ! Còn 15 phút nữa! - Khánh Hòa luôn ý thức thời gian.
- Cho mẹ xin lỗi! Có điện báo mai ba con về.
Châu Hà bay tới ôm ghì mẹ hôn túi bụi:
- Ôi! Mẹ là nhất đời, sướng quá đi thôi.
Quyền đi lại nheo mắt:
- Cho anh chia vui với!
Châu Hà vẫn chúi trong tay mẹ, lắc đầu lia lịa:
- Không cho! Không cho, dù là sư phụ.
Hành đứng tựa lưng vào khung hoa trên sân thượng, nét mặt trầm ngâm không lộ vẻ gì. Thật ra anh đang nghĩ đến chiếc vòng lục lạc ngày mai không còn ở chân Châu Hà, nỗi buồn len nhẹ vào tim người con trai Trung Hoa thầm lặng.
Bà Hương phân công:
- Hai đứa tắm rửa xong, Châu Hà xuống Nguyễn huệ đặt hoa tươi, Khánh Hòa qua nhà hàng đặc sản dặn sáng mai đem cua, ốc đến, nhớ mời bác Thường bảo vệ và Hiền ăn cơm tối mai.
Khánh Hòa gãi đầu:
- Mẹ! Cô ấy khó chịu lắm!
Bà Hương nhìn con trai vẻ chê bai:
- Mẹ không nghĩ con trai mẹ chỉ giỏi làm giám đốc, nếu con không mời được, mẹ sẽ đích thân gởi thiếp mời - Bà nhìn sang Quyền rồi Hành - Mời thầy và ông Dương ăn cơm tối mai với gia đình tôi.
Quyền nịnh đầm ngay:
- Cháu thật vinh hạnh trước nhã ý bác dành cho. Nếu được, bác cho phép cháu đưa Hà đi đặt hoa. Đường Gò Vấp, Sài Gòn buổi chiều tối không an toàn mấy.
- Điều ấy cậu hỏi Châu Hà!
Bà Hương nhẹ nhàng xuống sân thượng, Quyền hớn hở:
- Cô bé! Đi tắm lẹ lên, sư phụ chở đi.
Cô gái rùn vai:
- Hổng dám sư phụ đâu, hết giờ học rồi, lêu lêu!
Cô chạy nhanh xuống lầu, Quyền đi theo. Hòa nói với Hành:
- Nhà hàng tôi ghé gần cư xá anh ở!
Hành thoáng nụ cười trầm mặc:
- Hôm nay tôi không về đó, cảm ơn nhã ý của anh.
oOo
Quả là Hành không về đó, anh rời nhà Châu Hà đến đại sứ quán Trung Quốc. Anh gặp cha nuôi ở phòng riêng, ông đang ngồi xem báo, trên bàn tách trà đang bốc khói. Đó là người đàn ông trạc 60, có gương mặt khắc khổ với những vết nhăn mờ ở trán và khoé miệng. Đôi mắt sâu hằn những gân máu vì tuổi tác và những đêm thao thức trong công việc chợt thoáng tia nhìn đầm ấm khi thấy anh. Ông nói tiếng Quảng Đông:
- Con uống trà với ta chứ?
Hành ngồi xuống đối diện với ông:
- Thú uống trà của ba đã bị công việc làm thay đổi nhiều.
Người cha thừa nhận qua vẻ mặt thoáng nét buồn:
- Cha mong một ngày không xa, được hưởng nhàn trong căn nhà nhỏ, sáng chiều độc ẩm cùng trà, vịnh mai dưới tuyết, vẽ cúc mùa thu, hoặc thong dong hái trà xuân trên non cao, thưởng nguyệt khi vào hạ.
Hành rót cho cha tách trà khác:
- Ngày ấy sắp đến, chỉ sợ cha không thích hưởng nhàn.
Người cha im lặng, nó nói có đúng không? 40 năm phụng sự cho Đảng, cho đất nước với bao vinh quang, đau khổ, thăng trầm, bầu nhiệt huyết người Cộng sản lão thành chân chính trong ông không hề cạn. Nếu có chăng là thể xác mòn mỏi theo thời gian vô tình. Hớp ngụm trà tránh cái nhìn soi thấu của đứa con nuôi, ông hỏi lảng:
- Chuyện con thế nào? Những lúc tham mưu cùng đồng chí đại sứ có làm cản trở công tác học tập của con không?
- Thưa cha, con thu xếp được thời gian.
Người cha có chút hóm hỉnh bất ngờ:
- Kể cả việc chạy Maratong mỗi chiều hoặc học võ?
Dương hành nhìn cha bình lặng:
- Con có phải báo cáo điều ấy với đại sứ quán không?
- Một vài phút tâm tình hay hơn hai chữ báo cáo với đồng chí đại sứ.
- Vâng! Thưa cha.
Người cha vẻ hài lòng lộ rõ trên nét mặt:
- Nhân tiện cha nói luôn, bảng thu gọn các hoạt động văn hóa Việt Nam con vừa chuyển đến, được đồng chí đại sứ đánh giá rất cao và trễ lắm cuối tuần con sẽ được gặp người bạn thân.
Hành hơi nhổm người ra khỏi ghế:
- Thiên Trường!
- Đúng! Đoàn giao lưu văn hóa ca múa nhạc Quảng Đông Trung Quốc đã lên đường sang đây. Thiên Trường rất phấn khởi và nóng lòng gặp con.
- Thiên Trường mơ ước chuyến đi này từ lâu - Môi Hành hé nụ cười - Hắn từng ghen tị với con, dù đang sống trong hào quang, vinh quang lẫy lừng.
Người cha gật đầu:
- Trung Quốc ta có cả tỷ con người nhưng Thiên Trường vẫn vươn lên cao, một ca sĩ dân tộc sáng chói khắp bầu trời châu Á, mong rằng nó thành công trong lần gặp mặt đầu tiên với nhân dân Việt Nam.
- Thiên Trường sẽ thành công thưa cha!
Người cha đã uống cạn tách trà, ông thong dong rời ghế:
- Cha có cuộc họp với đồng chí đại sứ, không cần sự có mặt của con, mọi công tác cha có ghi trong sổ lưu ký, con xem nhé!
Hành học hết những dòng chữ trong sổ, cha vẫn chưa trở lại, anh nhìn đồng hồ. Anh định cùng ông trò chuyện, hoặc đi dạo đâu đó, nhưng công tác của một bí thư khiến ông không còn thời gian. Hành viết mấy chữ để dưới gạt tàn thuốc rồi lấy xe ra ngoài, người bảo vệ chào anh nghiêm nghị, còn Hành đang nghĩ đến Thiên Trường.
Lý Thiên Trường là thỏi nam châm với phái nữ, nhưng chưa hề yêu ai, là người bạn duy nhất của anh. Thời vào đại học, hắn nghèo hơn cả anh. Điều Dương Hành phục Thiên Trường là dù cực khổ bao nhiêu hắn vẫn lạc quan yêu đời. Rời cổng trường là hắn đi làm đủ công việc để có thêm tiền sinh sống. Chính Hành phát hiện Thiên Trường có giọng ca thiên phú vào một chiều mùa Đông, cả hai đi dạo trước quảng trường Thiên An Môn, lúc đó Hành kể Trường nghe chuyện anh sắp chết đói, chết rét ngay nơi này ngày xưa.
Bỗng Trường bật lên tiếng hát, bài hát hoàn toàn ngẫu hứng được cất lên, như tỏ bày sự cảm thông của mình với người bạn tri ân. Giọng hát Thiên Trường vút cao bay khắp quảng trường Thiên An Môn giữa trời tuyết giá, đã khiến bao người dừng chân lắng nghe và không ít người rơi lệ. Họ nhớ những gì đã trải qua, nhớ nỗi đau chung dân tộc trong thập kỷ 70.
Những giọt nước mắt ấy anh cho lịch sử và cho những ai đã nằm xuống. Tiếng hát Trường lịm tắt, vòng người đã vây kín anh, tràng pháo tay ngưỡng mộ và lời khuyến khích của Hành đã đưa Lý Thiên Trường vào vòm trời ca nhạc, dù anh vẫn chưa học xong đại học cùng Dương Hành.
Cô Gái Đeo Lục Lạc Cô Gái Đeo Lục Lạc - Mỹ Hạnh