Where the sacred laws of honour are once invaded, love makes the easier conquest.

Addison

 
 
 
 
 
Tác giả: Yasunari Kawabata
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: 川端 康成
Dịch giả: Thái Văn Hiếu
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 8
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6699 / 189
Cập nhật: 2015-08-21 07:45:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2: Ni Viện Và Hàng Rào Gỗ
ậy là đã mấy ngày nay ông Takichiro Xada - cha Chieko - dọn đến ở trong tòa ni viện xa xôi ở Xaga có vị sư nữ ni viện trưởng đã ngoại lục tuần.
Ngôi chùa không lớn mà dân tình Kyoto ai cũng biết nó ở biệt lập, xa lánh mọi cặp mắt tò mò của đám khách du lịch, ngay lối vào đấy cũng khó mà nhận ra được qua cánh rừng trúc um tùm. Dưới nhà ngang trong chùa đôi lúc cũng tiến hành nghi lễ trà đạo, song các buổi hành lễ ấy không có tiếng tăm gì đặc biệt. Thỉnh thoảng, vị ni viện trưởng lại rời chùa đi dạy nghệ thuật cắm hoa cho những ai muốn học.
Takichiro Xada thuê một buồng trong chùa. Lòng ông khao khát sự cô tịch mà ở đây mọi cái đều đồng điệu với tâm trạng ông.
Xada là một thương gia bán buôn áo dài may sẵn, có cửa hiệu ở khu Nakaghio.
Các thương gia lân cận thời gian gần đây bắt đầu thành lập các liên hiệp cổ phần. Cả hãng buôn của Xada cũng đã trở thành công ty cổ phần. - Chủ nhân bây giờ được gọi là chủ tịch, còn viên quản lý trước đây vẫn điều hành các dịch vụ buôn bán thì nay là giám đốc điều hành viên. Nhưng trong cửa hiệu vẫn lưu lại nhiều tập quán xưa cũ như trước.
Từ thuở thiếu thời Xada đã kỳ vọng đạt tới tài nghệ bậc thầy của nghề vẽ. Vốn là người ưa cô độc, ông cho là chả cần tổ chức triển lãm cá nhân những mẫu vải làm theo phác thảo của ông làm gì. Mà giả dụ có tổ chức thì các mẫu ông vẽ so với thời ấy cũng quá khác thường, nên không hòng gì một thành công về mặt thương mại.
Cha Takichiro - ông cụ Takichibe - lặng thinh quan sát những bản vẽ tập dượt của ông. Trong hãng buôn thiếu gì họa công riêng, rồi cả các họa sĩ ngoài nữa để làm phác thảo họa tiết cho các loại vải hoàn toàn hợp thị hiếu thời bấy giờ. Nhưng khi cậu Takichiro không lấy gì làm thiên phú lắm, mà người ta tin rằng cũng chả thành đạt được gì, đi tìm cảm hứng trong á phiện, thì người cha, vốn đã phát hiện ra những phác thảo bất thường đến quá quắt cho loại lụa in hoa iudgen của cậu, ngay lập tức gửi con trai vào bệnh viện chuyên khoa tâm thần. Đến những năm doanh nghiệp chuyển sang tay Takichiro thì những phác thảo trước kia có vẻ như kỳ quặc nay được xem là rất bình thường, và ông ngậm ngùi tiếc, nghĩ đến việc hồi trước đã không đưa được chúng vào kinh doanh. Thế nên giờ đây ông sống ẩn dật trong chùa, hy vọng nguồn cảm hứng sẽ chiếu cố đến ông.
Sau chiến tranh, hoa văn trên kimono biến đổi rất nhiều, và nhớ lại những phác thảo kỳ quặc của mình do độc tố á phiện gợi ý, giờ đây Takichiro có thể liệt chúng vào loại hình phong cách mới, trừu tượng cũng nên. Song ông cũng đã ngoài năm mươi tuổi đầu, liệu có nên quay về với mềm đam mê thời trai trẻ không?
"Hay ta cứ thử vẽ theo phong cách cổ điển". - ông lẩm bẩm, không nhằm vào ai hết. Trước mắt ông, mẩu vải của những năm tháng đã qua lần lượt hiện lên nối tiếp nhau. Trong ký ức ông còn lưu giữ hoa văn, màu sắc bao nhiêu mặt hàng, trang phục. Lúc dạo chơi khắp các khu vườn danh tiếng ở Kyoto, khắp các vùng ngoại ô thành phố, ông thường ký họa, mong có dịp sử dụng đến khi cần khối màu cho hàng may kimono.
Khoảng gần trưa Chieko đến chỗ chùa Takichiro ở ẩn.
- Cha ạ, con mua tofu 1 ở quán "Morika" cho cha đấy. Cha ăn nhé?
- Cám ơn con? Tofu quán "Morika", cha thích đấy, nhưng con đến còn khiến cha vui hơn nhiều. Ở lại với cha đến chiều nhé, lay động giúp cha cái đầu óc già nua này. May ra, nảy ra được ý tưởng về một họa tiết hay ho nào chăng.
Một thương gia bán buôn áo dài may sẵn không việc gì phải vẽ các phác thảo. Nói đúng hơn, sự đam mê ấy không khéo còn gây phương hại cho việc kinh doanh.
Nhưng Takichiro thì ngay như tại cửa hiệu của mình cũng thường ở lì mấy tiếng đồng hồ liền tận đầu kia phòng khách, bên chiếc bàn cạnh cửa sổ trông ra khu vườn mà bên dưới cây phong là chiếc đèn Cơ đốc. Sau bàn có hai cái rương kiểu cổ bằng gỗ đồng chứa những thứ vải Trung Hoa và Nhật Bản đã lâu đời, còn cái giá bên cạnh thì đầy chặt những cuốn thư mục các phác thảo của nhiều nước. Trong kho chứa đặt trên tầng hai xếp không ít trang phục nhà hát dùng cho các vở diễn Noh và những quần áo thời cổ khác. Chính ở đấy cất giữ luôn các mẩu vải hoa của các nước phương Nam.
Tất cả được thu thập ngay từ thời cha và ông Takichiro. Mỗi lần có triển lãm hàng vải cổ và người ta đề nghị ông trưng bày một thứ gì đó thì Takichiro khăng khăng từ chối.
- Các cụ đã di huấn là không được mang gì ra khỏi nhà hết, - lần nào ông cũng trả lời vậy.
Ngôi nhà của Takichiro được xây dựng theo kiểu cách Kyoto xưa, cho nên người nào vào nhà vệ sinh cũng không khỏi phải theo lối hành lang hẹp, qua chỗ bàn ông ngồi trong phòng khách. Vị chủ nhân cau mày, im lặng chịu đựng, nhưng hễ mà ngoài cửa hàng có ai đó to tiếng là y như rằng ông lên giọng nói xỏ:
- Làm ơn khe khẽ cho nào?
Có lần, đúng lúc Takichiro đang mải vẽ phác thảo thì viên quản lý vào chỗ ông và lễ phép cúi đầu báo:
- Thưa, có một khách mua hàng ở Osaka đến.
- Ổn cả thôi, cứ để ông ta đi. Ở đây còn thiếu gì các cửa hiệu khác.
- Ông ta là bạn hàng cũ của chúng ta đấy ạ.
- Việc gì tôi phải gặp ông ta. Muốn mua quần áo thì phải biết tự đánh giá lấy, chứ không phải đi tán gẫu vô ích. Ông ta mà là thương gia khắc nhận biết của thật của giả. Chứ thực ra, hàng họ ta có phần lớn là thứ rẻ tiền cả.
- Xin lĩnh mệnh ngài.
Ở phần gian phòng chỗ Takichiro ngồi trên chiếc đệm mỏng sau bàn, sàn có trải tấm thảm cổ của hải ngoại. Chiếc bàn được ngăn cách ra bằng những tấm rèm vải hoa quý. Chính Chieko nghĩ ra việc treo rèm. Chúng giảm bớt phần nào tiếng ồn từ ngoài cửa hàng vọng vào. Thỉnh thoảng Chieko lại thay rèm, thế là do niềm cảm kích tấm lòng đôn hậu của nàng người cha lại thuật cho nàng biết, thứ vải gì xuất xứ từ đâu, Giava hay Ba Tư, nó dệt năm nào và theo phác thảo nào.
Một bận, thấy những tấm rèm vừa được treo lại, Chieko nói:
- Đem vải như thế ra may túi thì tiếc thật, lẽ ra có thể may khăn quàng, có điều mảnh rộng quá. À, mà lấy chỗ đấy làm thắt lưng kimono có được không nhỉ?
- Đưa kéo đây, - Takichiro nói.
Ông nhanh tay cắt lấy một mảnh dài từ tấm rèm hoa.
- Làm thắt lưng cho con đây.
- Đừng, cha ơi! - Nàng nhìn ông Takichiro mắt ướt nhòe.
- Cầm lấy, cầm lấy đi! May ra, trông con thắt chiếc thắt lưng này, cái đầu lú lẫn của cha nảy sinh được ý đồ phác thảo mới chăng.
Chieko đã thắt chính cái thắt lưng ấy lúc lên đường đến thăm cha.
Takichiro tất nhiên có để ý cái thắt lưng, song không nhận ra nó. Cái thắt lưng thật lộng lẫy với hình trang trí to bằng những gam màu sáng, tối. Nhưng dẫu sao, liệu thắt lưng ấy có hợp với cô gái đến tuổi lấy chồng không, Takichiro nghĩ.
Chieko đặt trước mặt ông hộp quà đựng bánh đa bột gạo hình bán nguyệt.
- Để cho cha đấy, cha ạ. Đợi con một phút thôi - con đi nấu tofu.
Chieko rời chiếu đứng dậy, đưa mắt nhìn cánh rừng trúc gần cổng.
- Mùa thu đã chạm tới trúc rồi. - Người cha nói. - Mà cả bờ giậu đất kia cũng đôi chỗ tả tơi, sụt lở. Già cỗi rồi, giống như ta vậy.
Chieko đã quen với lối kêu ca phàn nàn của cha nên không lên tiếng bác lại ông, nàng chỉ lặp lại với bản thân mình: "Mùa thu đã chạm tới trúc rồi".
- Anh đào giờ thế nào, dọc đường đến đây chúng mọc có tốt không? - Người cha nhẹ nhàng hỏi.
- Hoa hầu như rụng hết, cánh hoa bập bềnh cả dưới hồ. Đúng ra, cao tận trên núi, lác đác cũng còn thấy những nhành hoa giữa đám lá non. Trông xa đẹp lắm.
- Thế chứ.
Chieko sang buồng bên cạnh. Ngay đấy đã nghe tiếng dao thái hành, rồi nhịp chày cô gái giã cá ngừ khô. Chỉ một lát nàng bưng vào bát tofu vừa nấu. Nồi niêu bát đĩa cần dùng đã được chở từ nhà đến đây từ trước.
Chieko ngồi tạm xuống bên cạnh, xăm xắn hầu hạ cha.
- Ăn gọi là với cha một chút đi con. - Takichiro mời.
- Dạ thôi, cảm ơn cha.
Ông Takichiro nhìn vai, rồi nhìn ngực Chieko.
- Quá giản dị. Hình như con toàn mặc những kimono may theo phác thảo của cha thì phải. Ngoài con ra có lẽ chả còn ai mặc nữa. Chúng không dùng để bán được...
- Con mặc các áo kimono của cha vì con thích chúng mà.
- Đã đành... nhưng giản dị quá.
- Giản dị, điều đó thì đúng.
- Với lại, đâu có xấu xa gì lắm một khi người thiếu nữ ăn mặc giản dị. - Trong giọng nói của Takichiro chợt nổi lên những âm thanh gay gắt.
- Ai có hiểu thì mới thích...
Takichiro lặng thinh.
Giờ đây, đối với ông các phác thảo hoàn toàn chỉ là thú tiêu khiển.
Chứ ở cái hiệu buôn của họ mà thời gian gần đây rặt đồ trang phục bán cho người tiêu dùng thông thường, viên quản lý chỉ đưa nhuộm màu độ hai, ba chiếc kimono làm theo phác thảo của Takichiro, ấy là cốt giữ thể diện cho ông chủ. Vải thì luôn được chọn lựa vô cùng cẩn thận, còn Chieko thì hăm hở mua một trong những chiếc áo ấy.
- Nhưng dù sao con cũng không nên mặc toàn những kimono theo phác thảo của cha hay những thứ cửa hiệu nhà ta bán. Con tuyệt nhiên không có nghĩa vụ phải làm thế.
- Nghĩa vụ ư? - Chieko ngạc nhiên - Không lẽ cha nghĩ con mặc những cái áo này vì nghĩa vụ?
- Ừ thì thôi, giờ ta cứ để xem nhá: con mà bắt đầu mặc diêm dúa hơn thì có nghĩa là con đã có bạn trai rồi đấy, - người cha bật lên cười rộ, tuy tiếng cười ông nghe hơi gượng gạo.
° ° °
Vừa phục dịch cha, Chieko vừa vô tình đưa mắt nhìn chiếc bàn lớn của ông. Chả có gì chứng tỏ rằng Takichiro đang làm một phác thảo như thường lệ. Cạnh đấy chỉ có nghiên mực mang hình trang trí theo phong cách Edo bằng sơn mài và hai cuốn vựng tập các phiên bản (hay đúng hơn các mẫu) mỹ tự.
Cha dọn lên chùa ở là để tạm thời quên đi những công việc kinh doanh của mình, Chieko nghĩ.
- Những bài tập viết của ông lão sáu mươi đây, - Takichiro lúng túng vẻ ngượng nghịu, - nhưng cũng có một chút gì có thể sử dụng cho các phác thảo - chẳng hạn như, những cái này dường như là những nét phẩy chữ Kana 2 của bút pháp Fudgioara 3 đây....
- Chỉ khốn nỗi tay run.
- Cha thử viết to đi.
- Vẫn cứ run như thường.
- Tràng hạt cũ trên nghiên mực ở đâu ra thế ạ?
- Cha xin được của ni viện trưởng.
- Cha tụng kinh lúc lần tràng hạt ư?
- Vật ấy nay người ta gọi là hộ phù. Vậy mà có những lúc cha ở trong tâm trạng chỉ muốn lấy răng cắn vỡ chuỗi hạt ấy.
- Ấy chết, thưa cha! Nó cáu bẩn thế kia! Người ta để tay không rửa lần tràng hạt biết bao nhiêu năm rồi.
- Đừng nói vậy con! Đó là sự dơ bẩn thiêng liêng, từ hai, mà có lẽ đến ba thế hệ các vị ni cô.
Chieko im bặt khi cảm thấy mình đã vô tình động đến nỗi buồn của cha, làm đau trái tim ông. Nàng mang bát đĩa và chỗ tofu còn lại vào bếp rồi quay ra chỗ cha.
- Ni viện trưởng đâu ạ? - Nàng hỏi.
- Đi vắng. Con đi đâu bây giờ?
- Con định đi dạo vùng Saga, rồi sau đó về nhà. Ở vùng núi Arasiyama bây giờ đầy những người. Con sẽ đến chùa Nonomiya, rui sang chùa Nhisomin và đến Adasino - con rất thích những nơi ấy.
- Con còn non trẻ quá, và niềm hăng say kia nơi con khiến cha lo lắng, cả tương lai của con nữa. Không, con hoàn toàn không giống cha.
- Người phụ nữ lại có thể giống đàn ông hay sao, cha?
Takichiro đứng hồi lâu ngoài hiên, dõi theo bóng Chieko đã đi khỏi.
Lát sau, vị ni cô già trở về, bắt tay vào việc dọn vườn.
Takichiro ngồi vào bàn, và trước mắt ông lại bắt đầu hiện lên những bức họa do Sotatsu và Korin 4 vẽ dương xỉ, hoa đồng cỏ nội mùa xuân...ông nghĩ đến Chieko vừa ra đi ở ông.
Chieko ra tới đường làng thì ngôi chùa người cha ở ẩn đã thoắt lùi xa, khuất dạng sau khu rừng trúc.
Nàng đã bắt đầu leo lên những bậc đá sứt mẻ lỗ chỗ dẫn tới chùa Nembutsu ở Adasino, song, lúc tới ngang hai pho tượng Phật nhô cao trên vách đá về phía tay trái, nàng dừng lại: từ bên trên vẳng xuống những giọng nói oang oang đến khó chịu.
Đằng ấy là vô số những cột bia đá đặt trên các nấm mồ vô danh. Gần đây, đám đàn bà ngoại quốc áo váy lố lăng, hầu như mỏng dính, đâm sính chụp ảnh giữa những nấm mồ ấy. Chắc hẳn cả hôm nay nữa, trong nghĩa trang ở Adasino cũng đang diễn ra chuyện gì đấy đại loại như vậy.
Chieko quay người và cất bước vội vã đi xuống. Nàng nhớ lại lời cảnh báo cha nói ra hôm nay.
Nàng đã đi đây đi đó giữa đám đông chơi bời du xuân trên núi Arasiyama, nhưng việc hiện diện ở đây, ở Adasino và Nonomiya này, thì có gì không được đoan chính lắm đối với một thiếu nữ. Cho dù có giữ ý tứ hơn cả việc mặc những kimono quá ư giản dị, phối màu theo phác thảo của Takichiro đi nữa...
Hình như, ở ẩn trong tòa ni viện ấy cha đang tiêu dao tháng ngày trong nhàn rỗi. Song ông nghĩ gì thế nhỉ, khi nhai cắn chuỗi hạt cáu bẩn, đã qua tay bao người ấy? - Chieko buồn bã nghĩ.
Nàng vẫn hằng chứng kiến ở nhà, cha thường phải gắng kiềm chế những cơn bực tức bất thình lình ra sao. Vào những giây phút ấy hẳn ông đã cắn tan chuỗi hạt nọ nếu như có sẵn trong tay.
"Thà rằng hy sinh những ngón tay mình để cha cắn nát, miễn sao giảm nhẹ được những cơn thịnh nộ của ông còn thấy dễ chịu hơn". - Chieko đau khổ lắc đầu lẩm bẩm. Tâm trí nàng dứt qua chuyện khác: nàng nhớ lại chuyện cùng với mẹ thỉnh chuông chùa Nembutsu hồi nào.
Gác chuông nhà chùa đã được xây dựng lại. Mẹ nhỏ người không sao thỉnh được chuông cho nó ngân đủ vang.
- Mẹ ơi, phải biết cách cơ. Để con thỉnh với nào. - Chieko đặt bàn tay lên tay mẹ, và họ thúc chiếc cần gõ bằng gỗ. Quả chuông ngân vang dội.
- Đúng thật! - Người mẹ reo lên vui sướng.
- Đấy nhé! Chỉ khi nào có nhà sư thạo tay thỉnh, chuông mới thực sự ngân lâu, ngân rền. - Chieko bật cười.
Đắm trong hồi ức, nàng bước dọc lối mòn, dẫn đến chùa Nonomiya. Vào cái thời chưa xa xôi lắm người ta còn viết về lối mòn này như là "bước vào bóng chở che của rừng trúc.". Giờ thì cả dấu vết khu rừng cũng chẳng còn. Hơn thế nữa, tiếng mời chào của các nhà buôn từ những tiệm nhỏ xuất hiện trước cổng chùa rành rọt vọng ra tận đây.
Nhưng bản thân ngôi chùa khiêm nhường này thì không hề thay đổi. Thuở xưa - như trong Truyện Gendgi cũng nói - ở đây có thánh điện là nơi những người con gái ngây thơ trong trắng của thiên hoàng, trước khi dâng hiến đời mình phục dịch tại chùa Isedgingu, phải gột rửa tục lụy trong vòng ba năm. Cột tori bằng gỗ nguyên cây không tước vỏ và một bờ rào khác thường - đó là những nét danh thắng của Nonomiya.
Nếu từ đấy đi tiếp chút nữa theo lối mòn, một khung cảnh tuyệt vời trông sang núi Arasiyama sẽ lộ ra. Trước khi đến cầu Bến Trăng gần con đường rặng thông, Chieko lên xe buýt. Kể thế nào với mẹ về cha đây? Mẹ nhạy cảm là vậy... suốt dọc đường nàng đắn đo suy nghĩ.
Nhiều nhà cửa ở khu Nakaghio đã bị cháy trụi từ trước cách mạng Maydgi vì sơ suất trong những ngày lễ Lửa hoặc vào lúc chiên teppoyaki 5. Ngôi nhà của Takichiro cũng không thoát khỏi hỏa hoạn.
Do đó dù rằng trong vùng lân cận còn lưu lại những ngôi nhà theo kiểu cách Kyoto xưa với hàng rào quét sơn Ấn Độ và cửa sổ con có khung chấn song ken dày ở tầng hai, thì những công trình xây dựng này cũng không quá trăm tuổi.
Hình tượng thần Dgidgio sau cửa hiệu Takichiro, như người ta nói, còn nguyên vẹn sau trận hỏa hoạn. Đến giờ Takichiro vẫn duy trì cửa hiệu trong tình trạng như cũ: phần vì mọi sự sắp đặt lại đều khiến ông ghê tởm, phần thì thiếu tiền, do việc buôn bán không được mĩ mãn lắm.
Chieko đã về tới nhà, nàng mở cửa rào ra. Từ đây trông rõ toàn bộ chiều sâu phía trong chỗ ở của họ.
Mẹ nàng ngồi bên cái bàn của cha, hút thuốc. Tay trái chống lên má, bà cúi gằm xuống bàn nên thoạt đầu Chieko có cảm giác như là bà đang viết gì đó, song bàn trống không.
- Con đây mà, - Chieko vừa nói vừa lại gần mẹ.
- A - a, Chieko, chắc mệt rồi phải không? Cha ở đằng ấy thế nào? - Bà hỏi khi đã tỉnh lại sau cơn trầm tư mặc tưởng.
- Con đã mua tofu cho cha, - cô gái nói, cố tranh thủ thời gian để cân nhắc câu trả lời.
- Ở quán "Morika" à? Con nấu lên rồi chứ? Có lẽ cha mừng...
Chieko gật đầu.
- Trên Arasiyama thế nào?
- Đầy những người.
- Cha đưa con tới Arasiyama à?
- Không ạ, ni viện trưởng đi vắng, nên cha không bỏ chùa đấy cho ai được...Cha đang học mỹ tự pháp, - cuối cùng nàng trả lời câu hỏi lúc đầu của mẹ.
- Mỹ tự pháp ư? - Bà Xighe hỏi lại không có vẻ gì là ngạc nhiên lắm. - Một khi nắn nót viết lấy mấy chữ 6 là cõi lòng dịu đi. Mẹ vẫn nghiệm mà.
Chieko nhìn khuôn mặt trắng trẻo, mang những nét thanh tú của mẹ. Nó bất động, nên cô gái không đoán nổi bà đang nghĩ gì.
- Chieko này, - Xighe nói khẽ, - con hoàn toàn không có nghĩa vụ phải kế thừa công việc buôn bán của cha mẹ.
- Nếu con muốn lấy chồng cha mẹ cũng không ngăn cản đâu.
-...
- Con nghe mẹ nói chứ?
- Kìa mẹ ơi, sao mẹ lại nói đến chuyện ấy?
- Vắn tắt thì cắt nghĩa thế nào được. Mẹ con đã ngoài năm mươi tuổi rồi. Trước khi nói hẳn phải nghĩ chứ.
- Cha mẹ lại định thôi kinh doanh ư?... - Cặp mắt tuyệt đẹp của cô gái rơm rớm lệ.
- Ô hay, mau nước mắt vậy, - Xighe mỉm cười. - Chieko, con nói rằng con không muốn chuyên tâm vào cửa hiệu nhà ta là nói thật phải không? - Giọng nói khẽ khàng của người mẹ bỗng nhiên mang âm sắc khắc nghiệt. Chieko nghĩ, một thoáng vừa nãy nàng trông thấy nụ cười của mẹ chỉ là cảm giác mà thôi.
- Dạ, thật, - nàng đáp mà cảm thấy nỗi buồn tê tái đang xuyên thấu trái tim mình.
- Sao có vẻ tuyệt vọng thế? Ta có giận con đâu. Chính bản thân con cũng hiểu đấy, ai là người buồn hơn: người trẻ trung nói hay kẻ luống tuổi phải nghe?
- Mẹ, xin mẹ tha thứ cho con?
- Tha thứ hay không tha thứ thì phỏng có ích gì nào? - Lần này, Xighe bật cười thành thật. - Chắc con có cảm giác ta tự mâu thuẫn với mình phải không?
- Chính con cũng không hiểu là con đã nói ngoa.
- Con người ta - cả đàn bà cũng thế thôi - trong chừng mực cho phép không đáng phải thay đổi ý kiến đã một lần bày tỏ.
- Kìa mẹ!
- Con chưa nói gì với cha à?
- Chưa, về chuyện ấy con chưa hề...
- Ra thế ư? Đáng lẽ nên nới mới phải! Ông ấy, cũng như mọi người đàn ông khác thôi, hay nổi nóng, song trong thâm tâm hẳn cũng hởi lòng hởi dạ trước sự bộc bạch của con. - Xighe áp chặt tay vào trán. - Trước lúc con về ta đã ngồi mãi ở bàn cha mà nghĩ đến ông ấy.
- Mẹ ạ, mẹ sáng suốt quá, nhìn thấy trước cả.
- Con nhầm.
Hai mẹ con yên lặng một lúc. Không chịu đựng nổi, Chieko phá tan bầu yên lặng trước.
- Con ra chợ Nhixiki mua thức gì ăn tối nhé.
- Con cứ đi đi.
Chieko qua cửa hàng rồi xuống dama 7. Ngày trước, gian phòng hẹp này cắt ngang toàn bộ nhà và kết thúc ở bếp, ở đó nằm giữa cửa hàng và vách hậu là cái hỏa lò "nhọ" - kudo. Ngày nay, lẽ dĩ nhiên người ta không nấu ăn bằng hỏa lò nữa. Để làm việc ấy đã có cái bếp ga đặt phía sau hỏa lò, dưới lát sàn ván. Chứ trước kia, nền đất xung quanh hỏa lò chỉ quét vôi, nên việc nấu ăn khi phải đúng chỗ gió lùa trên cái nền như vậy là cả một tội vạ trong những mùa đông Kyoto lạnh lẽo.
Nhưng dẫu sao người ta vẫn giữ lại cái hỏa lò. Có lẽ, do sùng tín vị thần bảo hộ bếp lửa gia đình (ngay bây giờ vẫn có thể thấy những bếp lò như vậy trong nhiều ngôi nhà Kyoto). Sau bếp lò treo các lá bùa phòng hỏa hoạn, còn trên cái giá con là một dãy các pho tượng nhỏ vị thần sung túc Hotay. Có tới bảy pho tượng, hàng năm vào ngày mồng một tháng Ngọ người ta mua một pho ở chùa Inari 8 bên Phuxeni. Nếu trong gia đình có ai mất, người ta lại góp tượng từ đầu - mỗi năm một pho.
° ° °
Trong nhà họ có bảy pho tượng thần Hotay. Điều đó có nghĩa là, ít nhất cũng đã bảy năm rồi không có ai trong gia đình họ đi sang thế giới bên kia, - họ vốn có, cũng như vẫn còn lại ba người với nhau: cha, mẹ và Chieko. Bên cạnh các pho tượng Hotay xếp thành hàng và chiếc lọ cắm hoa bằng sứ trắng. Cứ hai ba ngày bà Xighe lại thay nước trong lọ và lau chùi cái giá.
Chieko vừa ra khỏi nhà thì có người đàn ông trẻ gõ cửa.
"Người đằng ngân hàng". - Cô gái nhận ra anh ta ngay, nhưng anh ta ý chừng không để ý thấy nàng, chính nhân viên ngân hàng này vẫn thường đến chỗ họ - nghĩa là, chẳng có duyên cớ gì để băn khoăn cả, Chieko nghĩ, nhưng nàng bỗng cảm thấy hai chân bải hoải. Nàng đến gần hàng rào bên lối vào cửa hiệu và chậm chạp men theo đó, chạm khẽ ngón tay vào từng phiến gỗ. Lúc hàng rào đã hết, nàng ngoảnh lại nhìn lên tầng hai.
Trên ấy, dưới mấy khung cửa sổ con có treo tấm biển hiệu cũ, bên trên nó là cái mái nhỏ xíu - một vật trang trí độc đáo và đồng thời cũng là dấu hiệu cho thấy hãng buôn đã lâu đời.
Những tia nắng mờ nhạt của mặt trời mùa xuân trước hoàng hôn yếu ớt, chiếu trên lớp vàng thếp đã bong ra của tấm biển hiệu. Chieko thoáng buồn. Chiếc rèm hẹp khổ bằng vải bông dày trên lối vào đã phai màu, xơ xác, khắp chỗ thòi ra những đầu chỉ thô.
"Cảnh huống này thì đến cả anh đào nở trên chùa Heian Dgingu cũng không xua được nỗi buồn". - Chieko nghĩ rồi vội vã hướng về mạn Nhixiki.
Chợ ở Nhixiki vẫn đông như mọi khi.
Trên đường về, gần tới cửa hiệu của cha, nàng trông thấy cô gái bán hoa người Xirakaoa.
Chieko gọi cô ta.
- Ôi, tiểu thư đấy à? Hân hạnh quá! Tiểu thư quá bộ đi đâu vậy?
- Sang Nhixiki.
- Đường có gần đâu.
- Chị vẫn có những thứ hoa lễ như mọi bận...
- Vâng, vâng, mời tiểu thư xem này. Em biết, tiểu thư thích chúng mà: của đáng tội, đâu có nhiều thứ hoa, có mỗi cây xakaki 9 thôi. Thậm chí cũng không phải là cây mà chỉ là dăm ba cành nhỏ với những chiếc lá non.
Cứ vào ngày rằm và mồng một, cô gái này mang hoa đến nhà cho họ.
- May mắn làm sao em lại gặp tiểu thư, - cô ta nói.
Lòng xốn xang, Chieko chọn mấy cành xakaki. Xiết chặt chúng trong tay, nàng bước vào nhà.
- Mẹ ơi, con về rồi đây! - Nàng thông báo. Nét mặt nàng rạng rỡ lên.
Chieko mở hé cửa rào ngó ra ngoài đường. Cô gái bên Xirakaoa vẫn chưa đi.
- Mời chị vào đây nghỉ một lát đã, em pha trà đây, - nàng mời.
- Cám ơn tiểu thư, bao giờ tiểu thư cũng đối với em nhân hậu quá - cô gái cúi đầu tạ. - Xin tiểu thư nhận cho làm quà những bông hoa đồng nội này - của đáng tội, chúng không được đẹp lắm.
- Sao chị nói vậy! Em rất thích những thứ hoa đồng nội mà, cảm ơn chị, - Chieko vừa nói vừa chăm chú ngắm bó hoa bình dị.
Họ đi về phía bếp lò mà đằng trước nó có cái giếng cũ. Trên miệng giếng là chiếc nắp bằng phên. Chieko để hoa và mấy cành xakaki lên nắp giếng.
- Em sẽ đi lấy kéo, - nàng nói, - nhưng trước tiên phải rửa sạch lá xakaki...
- Lấy tạm kéo của em cũng được. - Cô gái chìa chiếc kéo ra và máy máy mấy cái. - Bếp lò nhà tiểu thư lúc nào cũng sạch. Với những người như tiểu thư có bán hoa cũng dễ chịu.
- Chị nhờ có mẹ...
- Chắc chắn là cả công lao tiểu thư nữa chứ.
-...
Gần đây, nhiều nhà họ chả giữ gìn sạch sẽ đâu: giếng, bếp thì bẩn thỉu, bụi ở lọ hoa cũng chả lau. Những nhà như thế còn muốn gì đem hoa đến nữa. Nhà tiểu thư thật khác hẳn: em cứ nhìn xung quanh trong lòng đã vui rồi. Xin cám ơn tiểu thư đã có lời mời.
-...
Chieko không thể nói với cô gái bán hoa ở Xirakaoa điều chính yếu nhất, không thể nói về chuyện công việc trong cửa hiệu họ đang ngày càng xấu đi...
Bà Xighe vẫn ngồi cạnh cái bàn của người cha như lúc trước.
Chieko rủ bà xuống bếp để đưa bà xem những thức đã mua.
Xighe chăm chú nhìn những thứ đồ ăn xuềnh xoàng Chieko bày từ giỏ ra bàn, bà nghĩ: à, con gái đâm tằn tiện rồi đây. Mà cũng có thể, đó là người cha lúc này không có nhà...
- Để mẹ giúp con một tay nào, - Xighe nói, đứng vào bên chiếc bàn làm bếp. - Đấy là cái cô bán hoa mọi khi vẫn đến phải không?
- Vâng.
- Con có thấy ở cha những cuốn vựng tập con tặng cha không?
- Con không để ý.
- Ông ấy chỉ có mang chúng đi theo thôi.
Đó là những cuốn vựng tập các phiên bản tranh của Paul Klee, Matisse, Chagall 10 và một số họa sĩ trừu tượng muộn hơn. Chieko mua chúng cho cha với hy vọng rằng chúng sẽ có tác dụng gợi ra cho ông những ý tưởng mới.
- Sao ông ấy phải vẽ? Việc của ông ấy là bán cái người khác đã làm. Vậy đâu cần... - Người mẹ ngừng lại, không nói hết câu.
° ° °
- Còn con thì lúc nào cũng mặc kimono may theo mẫu của cha - Xighe nói tiếp sau một lúc im lặng. - Đáng lẽ mẹ phải cám ơn con về chuyện ấy.
- Cảm ơn ư?! Chẳng qua con thích thì con mặc thôi mà.
- Cha không nói những kimono và thắt lưng con dùng nó có vẻ buồn bã thế nào ấy hay sao?
- Mẹ ạ, chúng giản dị, nhưng nếu để ý nhìn kỹ sẽ thấy ngay chúng có phong vị thẩm mỹ. Thậm chí một số người còn ca ngợi là khác. Chieko nhớ lại cuộc nói chuyện với cha hôm nay.
- Ừ thì những kimono giản dị đúng là hợp với con gái có nhan sắc, mặc dù... - Xighe vừa nói vừa khẽ nhắc cái vung xoong lên và lấy đũa gỗ đảo thức ăn đang nấu. - Không rõ vì sao cha con lại thôi làm các phác thảo thời trang cho loại kimono mặc diện.
-...
- Chứ thủa xưa ông ấy rất say mê các họa tiết khác thường, sặc sỡ cơ mà...
Chieko gật đầu.
- Mẹ này, thế sao không bao giờ mẹ mặc kimono làm theo phác thảo của cha? - Nàng hỏi.
- Mẹ con thì già quá rồi còn gì.
- Mẹ cứ nói luôn: già, già, thế mẹ bao nhiêu tuổi cơ?
- Mẹ là bà lão rồi. - Xighe chỉ trả lời vậy, không đi sâu vào chi tiết.
- Kimono có họa tiết kiểu Edo, tinh tế, giản dị thuộc sáng tác của Komiya mà người ta vẫn gọi là "bảo vật văn hóa", hay không thì cũng "tài sản quốc gia" rất hợp với giới trẻ đấy chứ. Đến khách qua đường cũng phải ngoái lại nhìn.
- Con đừng mang ông Takichiro so với bậc thày lớn Komiya.
- Sao lại không ạ? Cha của chúng ta tìm tòi đến tận những ngóc ngách sâu thẳm của tâm linh con người...
- Đừng nói năng cao siêu như thế, mẹ không hiểu đâu, - Xighe ngắt lời nàng, mặt cúi xuống - khuôn mặt trắng trẻo, điển hình của phụ nữ Kyoto. - Con biết không, Chieko, cha hứa sẽ chuẩn bị cho lễ cưới của con một chiếc kimono thật đặc sắc... Cả mẹ cũng đã từ lâu đợi chờ cái ngày ấy đến...
- Chuẩn bị cho lễ cưới của con ư? - Vẻ mặt Chieko hơi có chiều phiền muộn. Rồi nàng ngước lên nhìn mẹ và hỏi: - Mẹ ơi, mẹ nói đi, có bao giờ trong đời xảy ra điều gì khiến trái tim mẹ rung chuyển, tâm hồn mẹ xáo động không?
- Có hai bận. Hình như mẹ đã nói với con rồi - lúc mẹ lấy ông Takichiro làm chồng và lúc mẹ cùng ông ấy đánh cắp cô bé Chieko còn nhỏ xíu. Bấy giờ cha mẹ lén mang con lên ôtô đưa đi. Hai mươi năm đã trôi qua kể từ buổi ấy, thế mà giờ đây, mỗi khi nhớ lại chuyện đó, trái tim chỉ chực nhảy khỏi lồng ngực. Con sờ mà xem...
- Mẹ ạ, người ta không vứt bỏ con thật chứ?
- Không, không, con lầm tưởng đấy! - Xighe lắc đầu ngay một cách quá ư quả quyết.
° ° °
- Con người ta ít ra cũng một lần trong đời có hành vi xấu xa, tồi tệ - Xighe tiếp. - Đánh cắp một đứa trẻ, đấy là tội lỗi còn trầm trọng hơn trộm tiền, hơn bất cứ hành vi trộm cắp nào khác. Mẹ nghĩ, điều đó tệ hơn cả giết người.
- Mẹ cứ hình dung, cha mẹ con đau khổ đến thế nào, - vì chuyện đó dám phát điên lắm! Mỗi khi nghĩ đến điều ấy mẹ bỗng cảm thấy ngay bây giờ mẹ có thể thuận lòng hoàn lại con cho họ... Nhưng không, mẹ sẽ không trao con cho ai hết. Dĩ nhiên, nếu như con tìm ra họ và có ý nguyện quay về với cha mẹ đẻ thì quả thật cũng đành, song... mẹ sẽ làm sao chịu đựng nổi. Có lẽ đến chết vì đau khổ mất.
- Mẹ ơi, mẹ đừng nói thế. Trên đời này con chỉ có một người mẹ, đấy là mẹ...
- Mẹ hiểu, và như thế càng làm cho lỗi lầm của mẹ thêm trầm trọng...Cha với mẹ đều hiểu rằng đã sẵn có một chỗ dưới địa ngục dành cho cha mẹ, nhưng cớ gì lại là địa ngục nếu cha mẹ đã có may mắn nuôi dạy cô con gái rất đỗi tuyệt vời.
Những giọt lệ ứa ra trên khuôn mặt xúc động của người mẹ.
Chieko cũng òa lên khóc.
- Mẹ nói thật với con đi: con là đứa trẻ bị bỏ rơi phải không hở mẹ? - Vẻ nài nỉ trong giọng nói, nàng hỏi.
- Không, không! Mẹ đã nói cho con rồi kia mà, - Xighe quả quyết lắc đầu. Sao con còn hoài nghi những lời mẹ nói?
- Con không tài nào tin nổi những người như mẹ, như cha, lại có thể đánh cắp một đứa trẻ.
- Vừa nãy ta chả bảo con rằng đời cũng một lần con người ta có hành vi xấu xa đó sao?
- Mẹ nói đi, mẹ đánh cắp con ở đâu?
- Ở Ghion, - không hề ấp úng, Xighe đáp. - Cha mẹ đến đấy vào buổi chiều để ngắm anh đào nở và thấy có đứa bé đang nằm trên ghế băng dưới gốc cây đào - nó đẹp như một nụ hoa vậy - cha mẹ cúi xuống nhìn nó - nó mỉm cười với cha mẹ. Mẹ ẵm nó lên tay - và thế là không một sức mạnh nào có thể bắt mẹ đặt nó xuống được nữa. Mẹ áp má vào má nó, còn cha thì nhìn mẹ và nói: "Xighe, ta "xoáy" nó thôi? Chạy đi, chạy khỏi đây nhanh lên?!' Những gì sau đó diễn ra như trong mộng. Mẹ chỉ nhớ cha mẹ đã chạy ào về phía quán Hirano, cái quán mà con biết đấy, nổi danh vì món imobo 11 - cha mẹ để ôtô ở đó mà, rồi phóng về nhà.
-...
- Mẹ của con chắc là bận đi đâu đấy một lát, thế là cha mẹ đã lợi dụng ngay phút ấy.
Câu chuyện của Xighe không phải là đã thừa tính hợp lý bên trong.
- Âu cũng số phận... Vậy là con trở thành con gái của cha mẹ, Chieko ạ. Từ bấy giờ hai mươi năm đã qua rồi. Cha mẹ xử sự có lương tâm không, mẹ không rõ, nhưng cho dù có lương thiện đi, trong thâm tâm mẹ vẫn chắp tay cầu khấn, ráng mong được tha thứ cái hành vi đã phạm. Có lẽ, cả cha cũng vậy.
- Mẹ ơi, xin mẹ đừng tự trách móc làm gì. Con vẫn luôn nhủ mình: ta may mắn biết chừng nào! - Chieko áp chặt hai lòng bàn tay vào mắt.
- Chieko có bị đánh cắp hay bị vứt bỏ ra sao mặc lòng, trong gia phả nàng vẫn được ghi là người thừa kế hợp pháp của dòng họ Xada.
Khi cha mẹ lần đầu tiên - bấy giờ nàng đã vào trung học - thú nhận với Chieko rằng nàng không phải là con đẻ, cô bé chưa nhìn nhận chuyện này một cách nghiêm túc và thậm chí còn nghĩ có lẽ cha mẹ nói vậy bởi nàng cư xử tồi.
Hình như họ e nàng sẽ tỏ tường trước hết từ miệng hàng xóm. Mà cũng có thể, họ tin ở sự bền chặt nơi tình yêu thương của người con nên quyết định: cô bé đã khá trưởng thành, có thể nói thật với cô.
Lời thú nhận của cha mẹ khiến Chieko bị đột ngột, song không thể nói là nàng buồn gì lắm. Cả khi đã lớn nàng cũng không lấy gì làm quá đau khổ. Tình thương yêu của nàng đối với ông Takichiro và bà Xighe không chút thay đổi, quan hệ giữa họ với nhau cũng không hề phức tạp lên. Nói tóm lại, trong lòng nàng không nảy sinh điều gì đến mức phải cố tình dằn nén. Có lẽ, bản tính Chieko có dự phần trong chuyện đó.
Nhưng nếu nàng không phải con ông Takichiro và bà Xighe thì có nghĩa là cha mẹ đẻ của nàng hiện đang sống ở đâu đấy; không khéo nàng còn có anh em, chị em. "Chắc gì ta gặp được họ, - Chieko suy tư, - và chắc là họ long đong vất vả chứ đâu được như ta".
Song đó chưa phải điều chủ yếu. Nỗi phiền muộn mà không chừng nàng sẽ gây ra cho cha mẹ hiện thời - các chủ nhân ngôi nhà có hàng rào cổ - mới đáng ngại hơn.
Đấy là lý do tại sao Chieko đang áp chặt tay vào mắt mình kia, trong bếp.
- Chieko, - Xighe đặt tay lên vai nàng, - con đừng cặn vặn quá khứ nữa. Thế gian đã được sắp đặt sao cho không ai lường trước được ở đâu và bao giờ ngọc quý sẽ rơi vào tay mình.
- Ngọc quý ư?? Cách ví von tán dương quá chăng, chứ con hẳn là sung sướng nếu như nó vừa khít với chiếc nhẫn của mẹ, - Chieko thì thầm rồi miệt mài làm cơm.
Sau bữa tối, Xighe và Chieko lên căn phòng đầu kia trên gác.
Ở phần mặt tiền tầng hai là căn phòng xuềnh xoàng có cửa sổ nhỏ, trần thấp, nơi thợ học việc và đám tùy phái ngủ lại. Một hành lang dọc bên cạnh dẫn từ sân trong đến tận những gian phòng đầu kia. Ở cửa hàng có thể vào thẳng đấy.
Người ta thường tiếp các khách mua hàng kỳ cựu, được trọng vọng nhất trong các phòng phía xa ấy. Họ cũng trọ lại ở đó khi có dịp.
Việc thương lượng với những khách hàng thông thường được tiến hành ở phòng khách nhìn vào sân trong dưới tầng một. Đây là gian phòng lớn, chạy từ cửa hàng đến phần hậu ngôi nhà. Dọc các bức tường là giá bày hàng. Ở đây, trên mặt sàn trải chiếu lau, người ta bày vải vóc và áo kimono ra để người mua có thể dễ dàng xem xét.
Ở tầng hai còn có hai buồng nhỏ trần cao - phòng ngủ của cha mẹ và của Chieko.
Chieko ngồi trước gương, buông xõa mớ tóc dài, đẹp tuyệt vời.
- Mẹ! - Nàng gọi Xighe đã sắp ngã bên kia phuxuma 12. Mà biết bao cảm xúc khác biệt kết hợp lại trong một tiếng ấy...
--------------------------------
1 Tofu: món ăn làm bằng đậu phụ.
2 Kana: bảng chữ cái theo âm tiết tiếng Nhật.
3 Có lẽ ý muốn nói Yositsune Fudgioara (1169-1206), thi sĩ và nhà thảo mĩ tự nổi tiếng.
4 Sotatsu (1576-1643): họa sĩ thời Tokugana, còn gọi là thời tiền Edo. Ogata Korin (1658-1716): họa sĩ thời trung Edo.
5 Teppoyaki: cá hay chim, chiếu với ớt và bột đậu.
6 Đây là nói thứ chữ tượng hình, kiểu Hán tự hay chữ Nôm của ông cha ta ngày xưa.
7 Dama: Buồng nền bằng đất trong nhà ở Nhật Bản.
8 Inari: Thần bảo hộ vụ thu hoạch lúa.
9 Xakaki: loài cây thiêng của đạo Thần.
10 Paul Klee: họa sĩ Đức (1879-1940). Henri Matisse: họa sĩ Pháp (1869- 1954). Marc Chagall: họa sĩ Nga (1887-1985).
11 Imobo: một trong những món nổi tiếng của cơm Kyoto: khoai lang nấu với cá tuyết phơi khô.
12 Phuxuma: vách ngăn di động được trong nhà Nhật Bản.
Cố Đô Cố Đô - Yasunari Kawabata Cố Đô