People sacrifice the present for the future. But life is available only in the present. That is why we should walk in such a way that every step can bring us to the here and the now.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Marc Levy
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4518 / 166
Cập nhật: 2019-03-13 21:52:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
n sáng xong, Paul nhận ra mình đã để đâu mất điện thoại di động. Anh lộn trái các túi áo vest, bới đám giấy tờ chất đống trên bàn làm việc lên, nhìn lướt qua các tầng giá sách, kiểm tra xem có để quên trong phòng tắm không rồi cố gắng nhớ lại lần cuối cùng mình sử dụng điện thoại. Anh nhớ ra đã đưa điện thoại cho Mia để cô đọc tin nhắn của Arthur. Giờ thì anh đã chắc chắn rồi, anh đã để quên điện thoại trên bàn nhà hàng. Anh bực bội gọi điện thoại đến nhà hàng Uma nhưng gặp phải hộp thư thoại. Nhà hàng còn chưa mở cửa.
Nếu nhân viên phục vụ bàn nhìn thấy điện thoại của anh, có lẽ cô ta đã mang về nhà, nói cho cùng thì anh đã để lại một khoản tiền boa khá hậu...anh bấm số di động của chính mình, biết đâu lại gặp may.
* * *
Mia đang dùng bữa sáng cùng Daisy thì ca khúc "I Will Survive" cất lên gần khung cửa kính với giọng hát của Gloria Gaynor.
Cả hai đều tỏ vẻ ngạc nhiên.
- Tớ nghĩ âm thanh phát ra từ trường kỷ, Daisy nói bằng giọng dửng dưng.
- Cậu có một cái trường kỷ phát nhạc à, lạ nhỉ?
- Nghe như túi xách của cậu đag luyện thanh buổi sáng đó chứ.
Mia trọn tròn mắt rồi chạy vội về phía đồ vật khả nghi.
Cô đang lùa tay vào bên trong túi thì giọng hát ngừng bặt.
- Gloria đột nhiên bị mệt hay sao thế? Daisy đang đứng trong bếp cất giọng uể oải mỉa mia.
Giọng hát lại cất lên hay hơn bao giờ hết.
- À không, cô nói tiếp, nàng ta giữ giọng để hát lại một lần nữa theo yêu cầu khán giả. Gloria tuyệt thật, cô nàng biết cách hâm nóng khán phòng đấy chứ!
Lần này thì Mia chộp lấy điện thoại kịp lúc liền bấm nút nhận cuộc gọi.
- Vâng, cô nhỏ giọng. Không, tôi không phải phục vụ bàn…phải rồi, là tôi đây, tôi không nghĩ anh lại gọi sớm thế...tôi hiểu rồi, tôi đã nói đùa anh... Được chứ, tôi đến được...ở đâu nhỉ?... Tôi không biết...trước cửa Opéra Garnier lúc 13 giờ...rõ rồi, hẹn lát nữa gặp...vâng, tạm biệt...dĩ nhiên, không sao mà...tam biệt.
Mia cất điện thoại vào túi xách rồi quay lại ngồi vào bàn. Daisy rót thêm cho bạn một tách trà rồi nhìn cô chằm chằm.
- Nhân viên dẫn chỗ trong rạp cũng là người Thụy Điển sao?
- Gì kia?
- Gloria Gaynor ấy mà, ai gọi vậy?
- Ai đó đã để quên điện thoại ở rạp chiếu phim, tớ đã bắt được và anh ta gọi cho tớ nhờ trả lại.
- Người Anh các cậu văn minh thật đấy...cậu định tới tận nhà hát Garnier để trả điện thoại cho một người xa lạ à!
- Đó là chuyện nên làm mà, phải không? Nếu đó là điện thoại của tớ, tớ cũng rất vui nếu người bắt được nó là ai đó lịch thiệp.
- Thế còn nhân viên phục vụ bàn?
- Nhân viên phục vụ bàn nào kia?
- Thôi bỏ đi, tớ thà không biết gì còn hơn buộc phải nghĩ cậu đang coi tớ như một con ngốc.
- Được rồi, Mia đành nhượng bộ trong lúc tìm cách chữa lại câu nói hớ. Thấy phim chán quá nên tớ rời khỏi phòng chiếu, người ngồi cạnh tớ cũng vậy, bọn tớ gặp nhau trên vỉa hè và đã tìm một quán cà phê để cùng uống
một ly. Anh ta ra về nhưng bỏ quên điện thoại, tớ cầm điện thoại của anh ta và sắp đi trả lại cho anh ta. Giờ thì cậu biết đầu đuôi câu chuyện rồi đấy, cậu hài lòng chưa?
- Anh ta trông thế nào, người ngồi cạnh cậu trong rạp chiếu phim ấy?
- Chẳng thế nào cả, rốt cuộc ý tớ là trông bình thường, dễ mến.
- Bình thường và dễ mến kia đấy!
- Thôi nào, Daisy, bọn tớ chỉ cùng nhau uống một ly thôi, chẳng có gì hơn.
- Thật buồn cười vì đêm qua lúc về đến nhà cậu chẳng kể với tớ chuyện đó, trong khi một ngày trước đó cậu còn huyên thuyên đủ chuyện.
- Tớ buồn muốn chết đi được, tớ đã muốn đi uống một ly, cậu đừng tưởng tượng gì thêm vì chẳng có gì để mà tưởng tượng hết. Tớ trả lại điện thoại cho anh ta rồi mọi chuyện sẽ dừng lại ở đó.
- Cậu đã nói thế thì thôi vậy. Tối nay cậu ghé qua nhà hàng phụ tớ một tay chứ?
- Ừ, tại sao không nhỉ?
- Biết đâu cậu lại muốn quay lại rạp chiếu phim.
Mia đứng dậy. Bỏ đĩa của mình vào bồn rửa rồi đi tắm, không nói thêm lời nào.
* * *
Paul đang chờ giữa đám đông tụ tập trên sân trước nhà hát Garnier. Anh nhận ra khuôn mặt cô giữa dòng người vừa rời khỏi lối ra tàu điện ngầm. Cô đeo kính râm, quàng khăn và khoác túi xách trên tay.
Anh vẫy tay ra hiệu cho cô, cô đáp lại bằng nụ cười e lệ rồi tiến về phía anh.
- Đừng hỏi tôi tại sao, tôi không biết gì đâu, cô nói thay cho lời chào.
- Tại sao cái gì kia? Paul hỏi lại.
- Đúng là tôi không biết gì đâu, tôi nghĩ chắc nó trượt xuống thôi.
- Giờ còn quá sớm để hình dung là cô đã hơi quá chén.
- Chờ một lát, cô vừa nói vừa lùa tay vào túi xách.
Vì lục lọi một lúc mà vẫn không thấy gì, cô bèn co một chân lên để đặt túi lên đầu gối rồi tiếp tục tiềm kiếm trong tư thế thăng bằng tạm thời đó.
- Một cô hồng hạc chăng?
Cô nhìn anh ra chiều trách móc rồi lôi chiếc điện thoại ra vẻ đắc thắng.
- Tôi không phải kẻ cắp, tôi không biết bằng cách nào nó lại hạ cánh trong túi xách của mình.
- Tôi không mảy may có ý nghĩ đó.
- Chúng ta nhất trí là cuộc hẹn này không tính nhé.
- Không tính cho cái gì kia?
- Anh không gọi cho tôi vì anh muốn thế và tôi không đến gặp anh vì tôi muốn thế, điện thoại của anh là lý do duy nhất cho cuộc gặp gỡ này.
- Nhất trí, lần này không tính. Giờ thì cô trả điện thoại cho tôi chứ?
Cô giơ chiếc điện thoại ra.
- Tại sao lại là Opéra?
Paul quay về phía nhà hát Opéra Garnier.
- Đây là bối cảnh trong cuốn tiểu thuyết sắp tới của tôi.
- Tôi hiểu rồi.
- Tôi nghi ngờ chuyện cô hiểu được gì nhiều đấy, câu chuyện diễn ra chủ yếu bên trong kia.
- Có chứ, tôi hiểu mà.
- Cô bướng bỉnh thật đấy! Ít ra thì cô cũng từng bước chân vào bên trong đó rồi chứ?
- Thế còn anh?
- Hàng chục lần rồi ấy chứ, kể cả lúc nó đóng cửa không phục vụ công chúng nữa kìa.
- Khoa trương!
- Không hề, tôi khá thân với giám đốc.
- Và bên trong Opéra diễn ra chuyện gì vậy?
- Cô thấy rõ là mình không hiểu gì rồi nhé. Nhân vật nữ chính của tôi là một ca sĩ đã mất giọng và thường lui tới nơi này.
- Ra thế đấy!
- Tại sao lại "Ra thế đấy"?
- Không có gì.
- Cô sẽ không bỏ đi để tôi lại đây với một câu "Ra thế đấy" và một câu "Không có gì" chứ!
- Anh muốn tôi làm gì?
- Tôi không rõ, nhưng cần phải tìm ra câu gì đó chứ.
- Chúng ta có thể cùng ngắm nhìn mặt tiền nhà hát trong vài phút chăng?
- Thôi nào, cô cứ cười nhạo đi! Việc viết lách bấp bênh lắm, cô không thể hình dung được nó bấp bênh đến mức nào đâu. Câu "Ra thế đấy" có thể khiến tôi dính phải trang trắng ba ngày liên tiếp đấy.
- Câu "Ra thế đấy" của tôi có quyền năng như vậy sao? Tôi đảm bảo với anh rằng đó là một câu "Ra thế đấy" hết sức vô hại.
- Cô nghĩ một trang bìa bốn là vô hại sao? Nó nắm quyền sinh sát đối với số phận của cuốn sách đấy.
- Bìa bốn là cái gì vậy?
- Phần tóm tắt nội dung được in sau lưng sách ấy...trang bìa cuối.
- Yên tâm đi, đoạn anh vừa kể cho tôi nghe đâu phải phần tóm tắt nội dung?
- Càng lúc càng hay hớm rồi đấy, giờ thì ta sẽ dính phải trang trắng ít nhất một tuần!
- Vậy thì tốt nhất là tôi nên im miệng!
- Quá muộn rồi,ta họa đã giáng xuống.
- Anh bịp tôi chứ gì.
- Không hề! Thiên hạ cứ nghĩ đây là một nghề dễ ợt, và xét trên một số phương diện thì nó đúng là như thế đấy. Không bị gò bó về giờ giấc, không có cấp trên, không cần cấu trúc, nhưng chính ra, làm việc không cần cấu trúc lại giống như lèo lái một con thuyền độc mộc giữa đại dương. Chỉ cần một cơn sóng nhỏ bất ngờ ụp tới là ùm, ta sẽ bị ướp muối ngay. Cứ hỏi một diễn viên liệu họ có nguy cơ quên lời thoại không nếu ai đó buộc miệng ho giữa buổi biểu diễn thì khắc rõ. Cô không thể hiểu được đâu.
- Không, có lẽ là không, Mia đáp lại bằng giọng hơi bị chạm nọc. Anh thấy là tôi đang hối hận rồi đấy, tôi không muốn câu "Ra thế đấy" của mình khiến anh khó xử đến mức đó.
- Xin lỗi, tâm trạng tôi không được tốt thôi. Từ khi về nhà tối qua, mặc dù thức rất khuya nhưng tôi chưa rặn ra thêm được dòng nào.
- Vì bữa tối của chúng ta sao?
- Tôi không định ám chỉ như vậy đâu.
Mia chăm chú quan sát Paul.
- Ở đây đông người quá, cô thốt lên.
Và vì Paul có vẻ lúng túng, cô liền nắm tay anh kéo về phía những bậc thềm dẫn lên nhà hát Garnier.
- Anh ngồi đây nhé, cô ra lệnh rồi ngồi ra đằng sau cách anh hai bậc. Nhân vật nữ chính của anh đang gặp phải chuyện gì nhỉ?
- Cô thực sự quan tâm đến chuyện đó sao?
- Tôi đang hỏi anh đấy thôi.
- Không ai hiểu tại sao cô ấy lại mất giọng, cô ấy không bệnh tật gì cả. Suy sụp vì trải qua nhiều đợt điều trị không có kết quả, cô ấy sống ẩn dật trong căn hộ riêng. Bởi vì nhà hát Opéra là cả cuộc đời của cô ấy, và vì thậm chí không còn tiền để bước vào đó với tư cách khán giả, cô ấy phải tới đó xin làm một chân dẫn chỗ. Vẫn là những người xưa kia thường trả cả gia tài để tới nghe cô ấy biểu diễn giờ lại boa tiền mỗi khi cô ấy dẫn họ tới chỗ ngồi trong nhà hát. Một ngày nọ, một nhà phê bình âm nhạc tin rằng mình đã nhận ra nữ danh ca sau khi nhìn kỹ khuôn mặt cô ấy.
- Vai hay đấy. Đầy hứa hẹn. Tiếp theo thế nào?
- Tôi còn chưa viết đoạn tiếp theo.
- Chuyện kết thúc có hậu chứ?
- Tôi làm sao biết được.
- Ra thế đấy, chúng ta nói rõ xem nào, kết thúc có hậu chứ gì!
- Cô thôi cái kiểu "Ra thế đấy" đi, tôi còn chưa quyết định kết thúc sẽ thế nào mà.
- Anh đang thấy trong đời sống thực không đủ bi kịch, thấy mọi người bị đè nặng bởi bất hạnh, lừa lọc, hèn nhát và nhỏ nhen chưa đủ, anh còn muốn chất thêm vào gánh nặng đó sao? Làm mất thời gian của họ bằng cách kể cho họ nghe những câu chuyện kết thúc không có hậu ư?
- Tiểu thuyết có nhiệm vụ gắn chặt với một hiện thực nào đó, chấp nhận nguy cơ tỏ ra cảm tính.
- Nhưng người ta lại không coi họ ra gì, những người không thích những câu chuyện kết thúc có hậu ấy, bảo rằng họ lội bì bõm trong thói bi quan quá đà, như vậy họ đã khiến chúng ta toát mồ hôi kha khá rồi, hơn nữa người ta sẽ không để họ nói lời cuối đâu.
- Đó cũng là một quan điểm.
- Không, đây là vấn đề lương tri và dũng khí. Biểu diễn, viết văn, vẽ hay điêu khắc là để làm gì, chấp nhận bấy nhiêu nguy cơ để làm gì nếu không phải để mang lại hạnh phúc cho người khác? Để tiếng khóc vang lên trong những túp lều tranh, bởi vì như thế có ích hơn chăng? Anh có biết ngày nay để giật một giải Oscar thì cần phải làm gì không? Cần phải mất đi đôi tay hoặc đôi chân, bố hoặc mẹ, mất cả bốn thứ đó thì càng tốt. Một liều lớn những khốn nạn, bần tiện, hèn hạ để lấy đi từ anh những giọt nước mắt và được người ta ca ngợi là thiên tài, nhưng việc chọc cười và khiến khán giả mơ mộng lại không được đánh giá cao. Tôi chán ngấy sự lên ngôi của tâm lý bi quan trong lĩnh vực văn hóa rồi. Thế nên cuốn tiểu thuyết của anh sẽ kết thúc có hậu, chấm hết!
- Rõ rồi, Paul rụt rè đáp.
Bối rối khi thấy cô xúc động, anh không muốn trái lời cô vì bất cứ lý do nào.
- Rồi cô ấy sẽ tìm lại được giọng hát chứ? Mia hỏi.
- Để xem thế nào đã.
- Tốt nhất là nên thế, nếu không tôi sẽ không mua tiểu thuyết đó đâu.
- Tôi sẽ tặng cho cô.
- Tôi sẽ không đọc.
- Nhất trí, tôi sẽ viết theo hướng đó.
- Tôi tin ở anh. Giờ thì chúng ta đi uống cà phê nhé, và anh sẽ kể cho tôi nghe phản ứng của nhà phê bình kia khi anh ta nhận ra nữ danh ca. Mà đó là một anh chàng tử tế hay gã khốn thế?
Và trước khi Paul kịp trả lời, cô đã nói tiếp, vẫn hăng hái như thế.
- Tuyệt nhất là ban đầu anh ta là một gã khốn, tồi sau đó nhờ có nữ chính mà anh ta hồi tâm chuyển ý trở thành người tốt, còn nữ chính sẽ nhờ anh ta mà tìm lại được giọng hát. Đó không phải một ý tuyệt hay sao?
Paul rút từ trong túi ra cây bút rồi đưa cho Mia.
- Trên đường tới quán cà phê, cô cứ việc viết tiểu thuyết thay tôi nhé, trong thời gian đó tôi sẽ đi nấu món xúp cá.
- Anh không tình cờ có tính cách dễ cáu bẳn đấy chứ?
- Tôi nghĩ là không.
- Bởi vì tôi không hề muốn uống cà phê cùng một người dễ nổi cáu.
- Nhưng tôi khẳng định mình không phải loại người đó.
- Nhất trí, nhưng vụ này vẫn không tính đâu nhé.
- Nhân viên của cô hẳn là thích lắm khi làm việc dưới quyền một bếp trưởng như cô đấy nhỉ?
- Đây là một lời khen ngợi hay châm chọc vậy?
- Cẩn thận nào, cô sẽ khiến mình bị xe tông mất thôi, anh vừa thốt lên vừa giữ chặt cánh tay Mia khi thấy cô dợm bước xuống long đường. Chúng ta đang ở Paris chứ không phải London đâu, xe cộ lao tới từ bên kia cơ mà.
Họ ngồi trên sân hiên của quán Café de la Paix.
- Tôi đói quá, Mia tuyên bố.
Paul đưa cho cô quyển thực đơn.
- Nhà hàng của cô đóng cửa vào giờ ăn trưa sao?
- Không.
- Thế ai phụ trách nhà hàng?
- Người chung vốn với tôi, Mia cuối gằm mặt đáp.
- Có người chung vốn tiện thật, nhưng tiếc là trong nghề của tôi thì khó mà tìm được.
- Nói theo cách nào đó thì nữ dịch giả của anh cũng là một kiểu cộng sự còn gì.
- Cô ấy không thay tôi viết tiểu thuyết những khi tôi vắng mặt. Tại sao cô lại rời nước Anh tới Pháp?
- Tôi chỉ việc vượt eo biển Manche thôi, đâu phải vượt cả một đại dương. Còn anh?
- Tôi là người đặt câu hỏi trước kia mà.
- Tôi cho là do một mong muốn thôi, một nhu cầu thay đổi cuộc sống.
- Vì bạn trai cũ của cô chứ gì? Dù sao cũng không phải cô vừa mới tới Pháp hôm qua chứ?
- Tôi thà không nhắc tới chuyện đó còn hơn, giải thích cho tôi biết tại sao anh lại rời khỏi San Francisco đi.
- Để sau khi gọi món nhé. Tôi cũng đang đói đây.
Ngay khi bồi bàn để họ lại với nhau, Paul kể cho Mia nghe những chuyện xảy ra sau khi cuốn tiểu thuyết đầu tay của anh được xuất bản, về danh tiếng nho nhỏ đã hiện ra trước mắt anh như một thử thách khó khăn.
- Anh đã bị danh tiếng đó quật ngã sao? Mia hỏi vẻ thích thú.
- Đừng nói nói quá lên thế chứ, một nhà văn không bao giờ có được danh tiếng lẫy lừng như một ca sĩ nhạc rock hay một ngôi sao điện ảnh, nhưng tôi thì không đóng vai nào cả, tôi chỉ bày cả gan ruột của mình lên trang giấy thôi, dĩ nhiên đó chỉ là một cách nói, và tôi lại còn là tuýp người cả thẹn đến mức bệnh hoạn, chuyện đó là vậy. Phải thú nhận với cô là đến thời trung học, tôi vẫn mặc quần đùi tắm dưới vòi sen đấy.
- Ảnh chụp anh in trên trang nhất báo và ngày hôm sau, cũng là trang báo đó được dùng để gói Fish & Chips. Danh tiếng có thể tóm gọn thành chừng đó thôi mà, Mia nói.
- Cô đã bán nhiều Fish & Chips rồi sao?
- Món đó giờ đang thành mốt trở lại mà, cô mỉm cười đốp lại. Ngốc thật, anh vừa làm tôi thèm món đó rồi đây.
- Cô nhớ quê nhà chăng?
- Không, về mặt đó thì chẳng có nhớ nhung gì hết.
- Anh ta đã khiến cô đau khổ đến mức đó sao?
- Tôi như người hụt chân ngã từ trên cao xuống, tôi là người duy nhất không nhìn thấy điều gì đang diễn ra rành rành trên màn ảnh.
- Màn ảnh nào kia?
- Đó cũng chỉ là một cách nói thôi.
- Tình yêu khiến người ta mù quáng mà.
- Tôi cho là trong trường hợp của bản thân tôi, sự tầm thường thảm hại này mang tính chân thật. Điều gì thực sự ngăn cản anh tới gặp nàng dịch giả của mình? Một nhà văn có thể làm việc ở bất cứ đâu kia mà, không phải vậy sao?
- Tôi không biết liệu cô ấy có muốn thế không. Nếu muốn, cô ấy đã ra tín hiệu cho tôi.
- Chưa chắc. Hai người có thường xuyên liên lạc không.?
- Mỗi tuần một lần chúng tôi trò chuyện qua Skype, và thỉnh thoảng viết mail qua lại. Tôi chỉ biết một góc nhỏ trong căn hộ của cô ấy, cái góc hiện lên trên màn hình máy tính của tôi, phần còn lại thì tôi mường tượng ra.
- Hồi hai mươi tuổi, tôi phải lòng một anh chàng dân New York, tôi nghĩ chính khoảng cách đã góp phần nhân tình cảm của tôi dành cho anh ta lên gấp bội. Không thể gặp nhau, không thể chạm vào nhau, mọi thứ đều phải nhờ đến trí tưởng tượng. Một ngày nọ, tôi gom góp hết tiền tiết kiệm rồi lên máy bay. Tôi đã trải qua một trong những tuần lễ đẹp nhất đời. Tôi quay về nhà mà vẫn ngây ngất men say của chuyến đi ấy, trà trề hy vọng và quyết tâm tìm ra cách nào đó để quay trở lại đó sống ở đó.
- Cô thành công chứ?
- Không, ngay khi tôi thông báo cho anh ta biết kế hoạch đó, mọi thứ liền thay đổi. Các cuộc gọi của anh ta thưa dần, gần đến mùa đông thì mối quan hệ giữa chúng tôi cũng héo úa luôn. Tôi đã mất một quãng thời gian dài mới quên được anh ta, nhưng tôi không bao giờ hối tiếc vì đã trải nghiệm cuộc phiêu lưu đó.
- Có lẽ chính là vì lẽ đó mà tôi ở lại đây... Phải mất một thời gian dài mới quên được.
- Vậy là nỗi sợ mấy bay không có lỗi gì trong chuyện này?
- À có chứ, kiểu gì chẳng phải có một cái cớ hợp lý để từ chối chấp nhận thực tế. Còn cô, cô viện cớ gì đây?
Mia đẩy đĩa đồ ăn lùi ra, uống một hơi cạn cốc nước rồi đặt nó xuống mặt bàn.
- Chúng ta có thể viện cớ gì cho cuộc gặp gỡ tiếp theo đây? Cô hỏi rồi nhoẻn miệng cười.
- Nhất định phải viện cớ gì đó sao?
- Trừ phi anh chấp nhận là người đầu tiên trong hai ta nảy sinh ý muốn gọi cho đối phương.
- Không, không, không, như thế dễ dàng quá. Chẳng điều luật nào quy định là trong tình bạn, đàn ông buộc phải là người chủ động tiến tới cả, vả lại tôi thấy nhân danh bình đẳng giới, phụ nữ nên đảm nhận việc đó mới phải.
- Tôi hoàn toàn không đồng ý với anh.
- Dĩ nhiên, bởi vì làm vậy thì tiện cho cô quá mà.
Họ im lặng một lát, quan sát người qua lại trên phố.
- Cô có thích tham quan Opéra trong giờ đóng cửa không? Paul lên tiếng.
- Có thật là có một cái hồ ngầm dưới lòng đất không?
- Và những tổ ong trên mái.
- Tôi nghĩ mình sẽ rất thích đấy.
Hay lắm, tôi sẽ phụ trách vụ đó, tôi sẽ gọi điện thoại báo cho cô biết khi nào thì được nhé.
- Trước tiên tôi phải cho anh số di động của tôi đã.
Paul lấy bút rồi mở sổ tay ra.
- Tôi đang nghe cô đây?
- Anh đã không hỏi tôi số điện thoại kia mà. Và đừng có nhìn tôi như thế, dù trong tình bạn thì người ta cũng phải tuân thủ phép lịch sự chứ.
- Tôi có thể hỏi xin số điện thoại của cô không? Paul thở dài.
Mia lấy cây bút từ tay anh rồi viết thoáy trên một trang sổ. Paul ngạc nhiên.
- Cô vẫn giữ cách viết từ phải sang trái theo kiểu Anh sao?
- Phải, cô bối rối thú nhận.
- Cô phải thừa nhận là mình rất phức tạp đi.
- Tôi hay là phụ nữ nói chung?
- Phụ nữ nói chung, Paul làu bàu.
- Đàn ông các anh sẽ buồn chán lắm đó nếu chúng tôi không phức tạp. Lần này tôi sẽ trả tiền cà phê và anh đừng có cự nự đấy nhé.
- Nếu bồi bàn nhận tiền của cô thì tôi sẽ lấy làm ngạc nhiên đấy. Cứ hai ngày tôi lại ăn trưa tại đây một bữa mà. Anh ta quen nghe theo tôi rồi, vả lại e rằng thẻ tín dụng của cô cũng chỉ sử dụng được trên đất Anh thôi...
Mia buộc phải chấp nhận.
- Vậy thì hẹn sớm gặp lại, cô nói rồi chìa tay ra cho anh bắt.
- Hẹn sớm gặp lại, Paul đáp.
Anh nhìn cô biến mất trong lối ra vào bến tàu điện ngầm.
Chuyện Chàng Nàng Chuyện Chàng Nàng - Marc Levy Chuyện Chàng Nàng