The more that you read, the more things you will know. The more that you learn, the more places you'll go.

Dr. Seuss

 
 
 
 
 
Tác giả: Lê Văn Nghĩa
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 45
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1679 / 48
Cập nhật: 2018-06-11 22:41:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 39
ay cô Lan Sinh run lên. Dấu hiệu của một cơn giận dữ bất ngờ. Cô cố kiềm nén lại nhưng vẫn không thể làm chủ được cơn giận của mình. Cô ngồi nhắm mắt, hít thở thật sâu để cho cơn nóng dịu lại.
Cô thật không tin vào mắt của mình khi đọc vào quyển tập mà thằng Vân - liên toán trưởng đã đưa cho cô. Với những dòng chữ viết nắn nót, nhưng nội dung lại mập mờ, thằng Minh ghi lại số tiền mà một số học sinh trong lớp cô cũng như các lớp khác đã đóng tiền. Số tiền không lớn với cô nhưng lại không nhỏ với tụi nó. Nhưng không phải vấn đề là tiền mà là ý muốn kiếm tiền của thằng Minh khi nó vẫn còn đang ở lứa tuổi học trò.
Cô ngồi dựa hẳn vào ghế, bỗng dưng tâm trí cô trở lại với những ngày cô còn là giáo sinh trường Quốc gia Sư phạm, đang hăm hở với những lý thuyết về giáo dục, nhiệm vụ của giáo chức trong việc đào tạo học sinh tiểu học về bốn phương diện: trí, đức, thể dục và xã hội. Cô được dạy rằng ngôi trường tiểu học là nơi để rèn luyện học sinh trở thành những công dân gương mẫu cho mai sau. Trong chương trình lớp nhì và lớp nhất, giáo chức dạy cho trẻ con biết thế nào là lòng “nhân”, thế nào là tinh thần gia đình, thế nào là lòng thương mến quê hương, tổ quốc. Ngoài giờ học, trong giờ chơi, ngoài đường hoặc ở nhà của trẻ con, giáo chức, nếu có thể được, cần luôn luôn theo dõi chúng để xem chúng có áp dụng những bài luân lý đã được học rồi không?
Cô còn nhớ, buổi học cuối cùng của đời giáo sinh, giáo sư Trần văn Quế [1] nghiêm khắc nói những lời tâm huyết: “Các em đừng xem nghề giáo viên tiểu học như một nghề để kiếm cơm. Các em nên nhớ các em là những viên gạch để xây dựng nền móng cho ngôi trường tiểu học - chiếm hạ tầng của cơ quan giáo dục trong một nước. Nó rất quan trọng vì phạm vi của nó rất rộng lớn và bao trùm tất cả thế hệ thanh thiếu niên của nước ta. Nó lại còn quan trọng hơn nữa ở chỗ nó là nền tảng của chế độ giáo dục trong một nước. Nếu nền tảng ấy không vững chãi thì công trình đồ sộ kiến thiết trên đây sẽ sụp đổ ngay. Nước nhà thịnh hay suy, hùng cường hay bạc nhược, thảy đều do đó mà ra cả”.
Thầy còn nhấn mạnh “Phần nhiều trẻ con sau khi đã học qua năm năm bậc sơ tiểu, thì vì hoàn cảnh gia đình thiếu hụt, phải ra đời tìm kế sinh nhai. Vì lẽ ấy mà ngay trong giai đoạn sơ tiểu này, nhà trường phải dạy con trẻ một cách đầy đủ về bốn mặt: trí, đức, thể dục và xã hội. Và nhà trường là ai? Chính là các em, là giáo chức tương lai với đầy đủ lương tâm, bổn phận, vinh dự và trách nhiệm của mình”.
Nhìn những dãy bàn trống, với những chiếc cặp, sách vở, bút thước nằm bừa bãi - nhìn ra ngoài sân trường, thấy lũ trẻ hồn nhiên chơi đùa, cô Sinh tự hỏi mình đã làm tròn chức năng của một giáo chức như đã được dạy từ trường sư phạm chưa? Có phải do cô đã quan tâm quá mức đến trí mà bỏ quên phần đức: sợ các các em không đủ sức thi đậu vào đệ thất nên cô đã quá tập trung vào các môn sẽ thi. Việc này cô Sinh cảm thấy đã khá thành công vì những đứa học trò không khá toán lắm bây giờ đã giải được những bài toán đã ra trong những kỳ thi trước. Cụ thể là trò Minh. Nhưng bây giờ em ấy lại làm tiền các bạn bằng cách hứa cho các bạn xem La Thoại Tân, Thẩm Thúy Hằng. Trẻ nhỏ, dễ tin nhau. Nhưng khi niềm tin đã bị lừa dối thì rất dễ mang trong lòng sự mất niềm tin ngay từ nhỏ.
Tiếng trống vang lên báo hiệu giờ tan trường, cô Lan Sinh liền ra hiệu kêu thằng Minh ở lại. Cô Lan Sinh không muốn hỏi chuyện nó trong giờ học vì như thế sẽ làm nó xấu hổ với bạn bè. Nó sẽ nhục nhã và bị tổn thương. Tuổi trẻ rất dễ bị tổn thương và sự tổn thương này sẽ đeo đẳng nó suốt cuộc đời sau này. Giáo dục không phải là sự trừng phạt mà là sự giáo huấn nhân cách học sinh bằng những nguyên tắc của chính bản thân sự giáo dục.
Thằng Minh đứng khoanh tay trước mặt cô Lan Sinh, im lặng. Nó tự hỏi không biết cô gọi nó có chuyện gì? Hay là cô hỏi về sự vắng mặt mấy hôm nay của thằng Chim. Không muốn việc thằng Chim bị bắt lan ra trong lớp, nó nói với má thằng Chim làm đơn xin cho thằng này nghỉ học vài hôm vì bị bệnh quai bị. Quai bị là bệnh hay lây nên học sinh thường được ở nhà cả tuần, và cũng không ai dám đến thăm vì sợ bị lây bệnh. “Cô đã biết mình nói láo” - Thằng Minh lo sợ thầm nghĩ.
Cô Lan Sinh chỉ vào cuốn tập quyên tiền coi phim Thẩm Thúy Hằng cho thằng Minh:
- Em có thể nói cho cô nghe về cuốn tập này không?
Thằng Minh nhìn cuốn tập, lấm lét:
- Dạ... dạ...
- Tại sao em lại lấy tiền của các bạn, lại còn lừa gạt là sẽ cho các bạn sẽ xem phim La Thoại Tân, Thẩm Thúy Hằng?
Thằng Minh ngẩng đầu lên:
- Dạ, thưa cô, em không lừa gạt các bạn...
- Em quyên tiền để làm gì?
- Dạ, thưa em quyên tiền cho thằng Chim...
Biết không thể giấu cô giáo được nữa, thằng Minh kể hết cho cô nghe về chuyện thằng Chim đang bị bắt và bọn tụi nó đang có kế hoạch quyên tiền để bảo lãnh cho thằng này ra sao. Khi nghe xong câu chuyện, cô Lan Sinh ngồi thừ người, im lặng. Những điều thằng Minh kể hết sức bất ngờ, vượt xa tầm suy nghĩ của cô về tụi nó. Trong lòng cô Lan Sinh rất vui vì hành động biết quan tâm, lo lắng cho bạn của nhóm thằng Minh. Cuộc sống của bọn nó không vị kỷ mà lại biết hướng đến tha nhân, đó không phải là mục đích của giáo dục hay sao? Là cô giáo của bọn chúng, cô cũng tự hào ít nhiều vì bọn trẻ đã biết quan tâm đến người khác - dù cho đây là phương châm giáo dục nhưng cũng là kết quả từ sự dạy dỗ trực tiếp của cô. Tuy vậy, cô cũng băn khoăn:
- Em nói là sẽ cho các bạn xem La Thoại Tân đóng với Thẩm Thúy Hằng?
- Dạ, có thêm Kim Cương và Vân Hùng nữa cô.
Cô Sinh tròn mắt, ngạc nhiên:
- Thật không? Bằng cách nào?
Thằng Minh cười, gương mặt đầy lém lỉnh:
- Dạ, thưa cô, thiên cơ bất khả lộ!
Chú thích:
1 - Giáo sư trường Quốc gia Sư phạm (Sài Gòn) đoạn này trích từ tác phẩm “Sư phạm Lý thuyết” của ông.
Chú Chiếu Bóng, Nhà Ảo Thuật, Tay Đánh Bài & Tụi Con Nít Xóm Nhỏ Sài Gòn Năm Ấy Chú Chiếu Bóng, Nhà Ảo Thuật, Tay Đánh Bài & Tụi Con Nít Xóm Nhỏ Sài Gòn Năm Ấy - Lê Văn Nghĩa Chú Chiếu Bóng, Nhà Ảo Thuật, Tay Đánh Bài & Tụi Con Nít Xóm Nhỏ Sài Gòn Năm Ấy