One does not fall “in” or “out” of love. One grows in love.

Leo Buscaglia

 
 
 
 
 
Tác giả: Lê Văn Nghĩa
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 45
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1679 / 48
Cập nhật: 2018-06-11 22:41:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 23
hông hiểu sao, trong bụng chú Hai Ngon hôm nay có cảm giác bồn chồn lo lắng. Chú lắp cuộn phim Như Lai thần chưởng vào máy mà cà trật, cà vuột. Mấy hôm nay không thấy thằng Minh lại rạp chơi với chú. Bỗng dưng chú có cảm giác thèm nói chuyện với nó vô cùng. Có lẽ khi được nói chuyện với nó thì lòng chú sẽ dịu lại hơn chăng?
Khi chú vừa lắp được bành phim vào trục máy là vừa lúc ông chủ rạp mở cửa bước vào phòng chiếu. Trước khi vào phòng máy, ông chủ rạp cẩn thận nhìn trước, ngó sau rồi mới đẩy cửa bước vào.
Chú vẫn bình tĩnh lắp phim vào máy và sau khi kéo cầu dao cho máy chạy mới gật đầu chào ông chủ rạp. Linh tính báo cho chú biết là sắp có chuyện chẳng lành xảy ra. Quả đúng như vậy thật. Ông chủ rạp nói giọng buồn buồn:
- Thiệt tình tôi cũng không biết nói sao với anh nhưng tôi phải để anh nghỉ việc...
Chú Hai Ngon lắp bắp:
- Tôi đâu có làm gì trật đâu...
- Có chứ... có chứ... Anh cắt phim thời sự là chết cha tôi rồi... Anh không có biết...
Giọng ông chủ rạp bỗng dưng thầm thì mặc dù trong phòng chỉ có hai người. Tiếng nói của ông ta bị tiếng rè rè của cái máy chiếu phim át gần hết vậy mà ông ta còn hạ thấp giọng nữa làm cho chú phải căng lỗ tai lên mà nghe vẫn còn tiếng lặn, tiếng hụp.
Theo lời ông chủ rạp kể lại, sáng hôm nay có hai người đàn ông, đeo kính đen, gương mặt dữ dằn bước vào. Nhìn bộ dạng ông chủ rạp biết ngay là công an, mật vụ, lính kín. Mấy sắc lính này dữ lắm. Tụi nó mà ghét ai thì vu oan giá họa cho ở tù mục xương. Hai người đàn ông này hỏi tỉ mỉ về thân thế chú Hai Ngon. Rằng chú vào đây làm từ lúc nào? Có đi lính tráng gì không? Gia đình ở đâu? Tại sao chú được giao làm thợ chiếu phim. Và sau cùng, một người, có vẻ là sếp hỏi một câu mà ông chủ rạp biết là nguyên nhân đã đưa hai người này đến gặp ông:
- Tại sao rạp của ông hay cắt phim thời sự?
- Hả, cắt phim thời sự? Chắc tại phim cũ quá, nó đứt.
- Không phải... Rạp của ông cắt những đoạn phim có Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia Nguyễn văn Thiệu, tổng trưởng đi kinh lý, hình ảnh quân đội...
- Hả... Tôi đâu có biết. Để tôi hỏi lại người chiếu phim... Mà chắc là phim cũ quá. Một cuốn phim thời sự chiếu hoài nó phải đứt chớ. Để tôi nói nó nối phim lại. Tôi bảo đảm với hai thầy như vậy mà...
Vừa nói xong, ông chủ rạp móc túi lấy ra mấy tờ giấy năm trăm nhét vào túi người vừa kết tội ông:
- Hà... mấy anh... lấy cái này đi uống cà phê, cà pháo. Tôi bảo đảm với mấy thầy là sẽ chiếu đầy đủ phim hết. Không có bỏ sót đoạn nào. Nếu có bỏ sót thì mấy thầy lại đóng cửa rạp của tui há...
Tên sếp mật vụ móc tiền trong túi ra, nhìn rồi nhếch mép cười:
- Rạp của ông chiếu một ngày từ sáng đến tối, thường trực, ít nhất cũng mười suất mà tiền cà phê có bao nhiêu đây, làm sao tụi tui đủ sở hụi mà nộp cho cấp trên hả?
Hiểu ý, ông chủ rạp móc túi lấy thêm vài tờ năm trăm nữa nhét vào túi tên mật vụ. Hắn gật đầu.
- Phải biết điều mới được. Tụi tui sẽ kiểm tra nếu ông còn cắt phim thời sự nữa thì coi như là đóng cửa rạp luôn đi nghe, không ai cứu nổi đâu!
Khoảng tháng trước, sau xuất chiếu chiều, ông chủ rạp hát Tân Lạc cho gọi chú Hai Ngon lên văn phòng bảo:
- Anh phải cắt phim bớt, phim dài quá. Phim dài kiểu này mỗi ngày mất hết một suất chiếu, mất sở hụi hết.
Chú Hai Ngon biết đây là vấn đề nan giải. Lúc này các bộ phim chưởng của Hồng Kông ngày càng dài, có bộ phim lên đến 12 hộp. Điều này có nghĩa là thời gian chiếu một bộ phim từ một giờ hai mươi phút sẽ lên đến một giờ bốn mươi phút, chưa kể phim thời sự và những đoạn quảng cáo phim sắp chiếu.
- Dạ, ông chủ. Chỉ sợ khán giả họ biết mình cắt phim, họ không coi rạp hát mình nữa...
- Thì anh cắt phim làm sao cho nó hay... hay... Không ai biết mình cắt phim thì làm sao họ đi coi rạp khác được. À mà... rạp nào cũng cắt phim hết thì họ cũng phải xem rạp của mình thôi..
Ngoài mặt, chú Hai dạ... dạ với ông chủ rạp nhưng trong lòng chú cảm thấy khi cắt phim - nghĩa là cho nó nhảy đoạn, phim cũ chưa hết hộp, phải thay hộp phim mới vào thì tội nghiệp cho khán giả và trước sau gì họ cũng biết. Ông là người bị khán giả chửi trước tiên chứ không phải ông chủ rạp. Còn chuyện cắt phim hay không cắt phim thì làm sao ông chủ rạp biết được.
Chú nghĩ ra cách giải quyết là cắt bớt phim thời sự. Khán giả không khoái coi phim thời sự. Phim thời sự gì mà toàn là chuyện của mấy tháng trước. Khán giả xem phim thường xuyên của rạp mỗi lần xem một phim mới phải xem lại phim thời sự cũ sì. Phim vừa chiếu là họ đã có thể biết được phim sẽ chiếu những gì. Chú thầm nghĩ. Nếu có cắt phim thì phải cắt phim gì cho khán giả khỏi bị thiệt thòi, miễn sao rút ngắn thời gian chiếu phim trong một suất là được.
Nghĩ vậy, chú Hai Ngon thoải mái cắt phim thời sự. Các tướng lãnh, Tổng trưởng vừa đi kinh lý thì thấy hình ảnh mấy con bò đang gặm cỏ trong trại chăn nuôi. Thanh niên đang hăng hái tham gia nhân dân tự vệ thì phim nhảy cóc qua đoạn cảnh sát công lộ đang đứng làm chim bay cò bay [1] ở các ngã tư thành phố. Các gương mặt sầu thảm của cô nhi quả phụ, các nạn nhân chiến cuộc đang nằm trên màn hình thì lại xuất hiện cảnh ông tướng Vùng hai chiến thuật đang cầm ly rượu cười toe toét bên cố vấn quân sự Mỹ... Cứ thế... cứ thế... Cắt phim theo cách này, chú đã làm vừa lòng ông chủ rạp, vừa lòng khán giả và vừa lòng với lương tâm chức nghiệp... phụ trách phòng chiếu phim của mình.
Chú Hai Ngon cúi đầu, lặng thinh. Chú hiểu rằng việc cắt phim của mình đã làm ảnh hưởng đến chủ rạp. Và ông ta sẽ trừ tiền lương của mình để bù lại tiền đã hối lộ cho hai thằng thầy chú mật vụ. Nghĩ thế nên ông nói:
- Dạ, ông chủ cứ trừ lương tôi tháng này. Từ rày về sau, tôi sẽ không cắt phim thời sự nữa.
- Hà, không phải vậy đâu. Anh phải nghỉ việc liền ngay hôm nay...
- Hả, nghỉ việc...
- Phải... phải...
- Ông chủ đuổi tôi chỉ vì cái chuyện cắt phim.
- Không phải đuổi. Cái này là anh hiểu lầm tôi rồi... Tôi không có đuổi anh nhưng mà anh phải nghỉ để đi trốn.
Chú Hai ngạc nhiên:
- Đi trốn, tôi phải đi trốn mà tôi làm gì để đi trốn chứ?
- Tôi có quen mấy thầy chú trên quận 6. Tôi có hỏi thì mấy thầy chú này cho biết là sẽ bắt anh vì cái tội... cái tội gì... tôi không nhớ được... à cái tội tình nghi Việt cộng nằm vùng.
Chú Hai rùng mình. Dính vô cái tội này thì ở tù mọt gông chứ không chơi. Mấy thằng mật vụ nhìn ai cũng thấy là Việt cộng. Nghề của tụi nó là phải đi bắt người. Đi bắt người mới có cơm ăn, mới có la-de [2] nhậu nhẹt mỗi buổi chiều, mới có thuốc Capstan, Ruby [3] mà hút...
Ông chủ móc trong túi quần ra mấy tờ giấy bạc đưa cho ông Hai Ngon:
- Giữ tiền đi. Tiền này là tiền lương của anh cộng với tiền bồi thường cho anh để anh đi tìm việc khác.
Thấy chú ngần ngừ, ông chủ nói tiếp:
- Anh phải có tiền để đi trốn xuống mấy tỉnh miền Tây, càng xa càng tốt. Ờ... mà tôi có người bạn làm chủ rạp chiếu phim Hồng Tiến ở Gành Hào [4] dưới Bạc Liêu. Hôm trước lên Sài Gòn, gặp tôi ảnh có nói là đang cần người phụ chiếu phim vì người chiếu phim hiện tại bây giờ đã lớn tuổi. Anh có thể trốn xuống dưới tỉnh Bạc Liêu. Để tôi viết thư giới thiệu cho anh.
Chú Hai Ngon xúc động vì tấm lòng của ông chủ rạp, nước mắt bỗng dưng ứa ra, nghẹn ngào:
- Lỗi tại tôi mà làm ông chủ phải tốn kém...
- Không sao đâu mà... Thôi, hết suất này anh phải nghỉ chiếu và nội trong hôm nay anh phải đi liền. Nếu chậm trễ thì nguy hiểm. Trước khi đi ghé văn phòng tôi lấy cái thơ giới thiệu... Nhưng mà chú ý là đừng để cho ai thấy!
Chú thích:
[1] Ra hiệu bằng tay điều khiển giao thông.
[2] Bia.
[3] Tên những loại thuốc lá thơm, đắt tiền.
[4] Nay được đặt tên mới là Đông Hải.
Chú Chiếu Bóng, Nhà Ảo Thuật, Tay Đánh Bài & Tụi Con Nít Xóm Nhỏ Sài Gòn Năm Ấy Chú Chiếu Bóng, Nhà Ảo Thuật, Tay Đánh Bài & Tụi Con Nít Xóm Nhỏ Sài Gòn Năm Ấy - Lê Văn Nghĩa Chú Chiếu Bóng, Nhà Ảo Thuật, Tay Đánh Bài & Tụi Con Nít Xóm Nhỏ Sài Gòn Năm Ấy