He fed his spirit with the bread of books.

Edwin Markham

 
 
 
 
 
Tác giả: Lê Văn Nghĩa
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 45
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1679 / 48
Cập nhật: 2018-06-11 22:41:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
hi nhìn thấy anh chiếu bóng thùng lạ hoắc đang thế chỗ chú Hai Ngon, thằng Minh đứng chết lặng. Hèn chi cách đây tuần trước, sau khi vãn khách xem phim, chú Hai Ngon hỏi nó:
- Ê, đi tiệm nước làm cái xây chừng [1] hông mậy? Hôm trước tao có hứa là bao mầy ăn hủ tiếu.
- Hôm nay chú làm Mạnh Thường Quân bao tân khách?
- Ủa, mầy cũng biết chuyện Mạnh Thường Quân nữa à? Ừ, bữa nay tao làm mạnh thường quân một bữa, ngày mai tao làm yếu thường quân.
Chú Hai Ngon đâu biết thằng này thường đọc cuốn Cổ Học Tinh Hoa trong ngăn tủ bí mật của nó.
Tưởng chú Hai Ngon hỏi giỡn chơi, nó cũng đáp lại bằng cái giọng anh chị:
- Đi tiệm nước ai uống xây chừng, phải sực [2] một tô phảnh-mìn [3] với thiếm sực [4] xíu mại, dào cháo quẩy chớ.
- Hôm nay tao bao cho mầy ăn bể bụng luôn.
- Chú trúng đề hay trúng xổ số hả? [5]
- Tao đâu có chơi đề mậy. Mà bộ không trúng đề thì không có tiền bao mầy ăn hủ tiếu mì sao?
- Ăn ở tiệm nào chú?
- Chú Quẩy dưới dốc cầu Chợ Lớn, được không mậy?
- Tiệm đó ngon tổ sư bồ đề đó chú.
Chú Hai Ngon chở thằng Minh đến tiệm nước chú Quẩy bằng cách để nó ngồi lên bình xăng phía trước. Chạy một đoạn trên đường Phạm văn Chí, ngay gần nhà bảo sanh cô Mụ Mười, chú Hai Ngon phải ngừng xe cho một đám tang đi qua. Thằng Minh bớp chớp:
- Gặp đám ma chắc ngày nay hên rồi chú hả?
Chú Hai Ngon không trả lời nó vì đang bận giở nón chờ cho đám ma đi qua chú mới đội nón lên. Chú hỏi cắc cớ:
- Bộ cô giáo mầy không dạy là gặp đám ma thì phải giở nón để tỏ lòng tôn trọng người chết sao mậy?
- Có chứ. Học hồi lớp ba lận. Môn công dân giáo dục. Nhưng con đâu có đội nón mà giở. Tại chú đội nón thì chú phải giở nón chứ.
Chú Hai Ngon cười, chửi yêu:
- Cái thằng bẻm mép. Mầy thuộc loại mồm miệng đỡ tay chân. Sau này đi học làm trạng sư đi nghe mậy.
- À... à... giống bà Phùng Há đóng tuồng trạng sư cãi cho con Bạch Tuyết đâm chết thằng cha Việt Hùng khùng khùng trong tuồng cải lương Đoạn tuyệt đó hả chú?
- Sao mầy rành cải lương quá vậy mậy?
- À... à... tại con đi coi... cọp thường xuyên. Tới rồi, tới rồi, sao chú không ngừng?
Hai chú cháu cứ lo nói chuyện, xe chạy đến tiệm nước Hải Ký mì gia mà chú không hay, chạy qua luôn làm thằng Minh sợ chú hứa lèo nên nó kêu ríu rít.
Tiệm nước của chú Quẩy thường mở cửa từ năm giờ sáng nhưng bây giờ đã hơn 9 giờ mà tiệm vẫn còn đông khách ngồi “dẩm chà” [6], uống cà phê, ăn hủ tiếu. Quán nằm ở ngã tư, nhìn sang khu hành chánh quận 6, một bên nhìn sang nhà thờ Tin Lành của người Hoa, dưới chân dốc cầu Chợ Lớn [7], thuộc khu thị tứ, lại ngon nên lúc nào cũng đông khách. Quán có chừng mười cái bàn tròn. Giữa bàn là một bình trà với mấy cái ly nhỏ nằm úp trên dĩa để cho thực khách có thể thoải mái uống trà trong khi chờ đợi món ăn. Án ngữ phía trước quán là một quầy nấu hủ tiếu, mì đang bốc hơi nghi ngút. Chú Quẩy, là chủ quán, kiêm luôn việc đứng nấu hủ tiếu, mì. Nghe người ta nói chú Quẩy chỉ là người tiếp tục công việc bán quán của người cha để lại. Khi ba của chú, từ Quảng Đông sang đã mở một cái quán nhỏ tại đây - một khu vực hoang vắng, ít người qua lại. Dù cho thời gian trôi qua, mặc cho khu phố này ngày càng phát triển, sầm uất, nhiều nhà lầu mọc lên thì cái tiệm nước Hải Ký mì gia cũng y như vậy. Nhiều người là thân chủ ruột của chú Quẩy cho biết là chú đã có mấy căn nhà cho thuê bên Chợ Lớn nhưng chú nhất quyết không bỏ tiệm nước này và cũng không thèm xây dựng cho nó thật to và bề thế như những tiệm nước khác. Dù trải qua bao nhiêu năm tháng, cái quán này vẫn vậy về hình thức cũng như hương vị đặc biệt của nó cũng không thay đổi, chỉ có tấm bảng hiệu ngày càng mờ đi vì bụi bặm, khói bám nhện giăng. Trên bức tường nham nhở vết vôi cũ hòa với nước mưa là những dòng chữ Hoa, có những con số đi theo bên cạnh. Có những dòng chữ đã được gạch, xóa. Có những dòng chữ còn tươi màu phấn trắng. Đó là danh sách những con nợ là khách “dẩm chà” quen thuộc. Có người nợ vì mậu lúi - không tiền. Cũng có người nợ vì làm biếng trả hàng ngày, cứ ghi nợ lên tường, cuối tháng trả một lần cho nó tiện. Ai nợ, trả tiền xong là chú Quẩy gạch ra khỏi bảng “phong thần” nợ, còn ai chưa trả thì chú cứ để đó. Viết cái tên, với số tiền nợ lên tường, để nhìn, để nhớ, để biết rằng mình từng có những người khách mắc nợ của quán chứ chú không có đòi. Thỉnh thoảng, có những người khách đi làm ăn xa, biệt tăm, biệt tích vài năm, quay trở lại và câu nói đầu tiên là “Phảnh-mìn, ca-phé, ngộ còn nợ nị bao nhiêu, hôm nay dậu lúi - có tiền rồi, trả đủ”. Chú chỉ cười khà khà “Hảo lớ, thầy Hai... có bao nhiêu, từ từ tính. Gia đình ngộ sống lược cũng nhờ mấy nàm dành như thầy Hai chớ. Hồi ló, ba của ngộ từ Quảng Lông qua, bán cái xe mì, nghèo thiệt là nghèo nhờ nàm dành sực mìn mới dậu lúi - có xìn Ùm Cối xay - cám ơn nhiều... nhiều há”.
Vợ chồng chú thì ngày càng già đi nhưng chú vẫn đứng nấu bếp, vợ chú bán cà phê y như ngày còn son trẻ. Đứa con gái thì phụ việc bếp núc và rửa chén. Còn thằng con trai thì chú Quẩy đang truyền nghề lại bằng cách bắt làm “phổ ky” [8]. Hầy à, cái quán lầy trước sau gì ló cũng làm chủ. Muốn làm chủ “hảo lớ” thì phải biết cách phục vụ khách chớ... Chú thường nói như vậy với người quen bằng thứ tiếng nửa Tàu nửa Việt.
Chú Hai Ngon chọn cái bàn còn lại ở trong góc. Trong quán, đa số thực khách là người Hoa đang nói chuyện xí xô xí xào bằng tiếng Phổ thông, Quảng Đông, tiếng Tiều, tiếng Hẹ.
Họ ăn mặc khá thoải mái. Có người thì mặc cái áo thun ba lỗ đã ngả màu cháo lòng, lòi cả lông nách ra ngoài. Có người thì mặc cái quần tà lỏn, vắt cái khăn lên cần cổ, ngồi gác cả chân lên ghế. Họ ăn, họ húp cà phê xì xụp, họ nói văng nước miếng, ồn ào như thể trong tiệm nước này không có ai. Chú Hai Ngon và thằng Minh cũng xử sự như họ. Vừa ngồi xuống ghế đẩu, chú lớn tiếng gọi:
- Phổ ky.
- Có ngay... có ngay...
Thằng con trai chú Quẩy, vai cũng vắt khăn lông, tay bưng một mâm nhỏ, trên đó có đựng mấy chén xíu mại, bánh bao. Anh ta đặt mấy chén xíu mại, dĩa bánh bao xuống bàn rồi hỏi bằng cái giọng tiếng Việt lơ lớ:
- Xì thẩu, ăn cái gì?
- Cho ngộ một tô hủ tíu mì, một cái xây nại [9]. Còn mầy ăn cái gì mậy, nhỏ?
Thằng Minh gãi đầu suy nghĩ. Lâu lâu được ăn tiệm nước một lần, món gì nó cũng muốn ăn hết nhưng cái bụng nó chứa không nổi. Nó suy nghĩ lung lắm để chọn món cho xứng đáng đồng tiền bát gạo:
- Cho ngộ cũng vậy luôn. Nhưng ngộ uống cà phê đá.
Sau khi nghe chú Hai Ngon và thằng Minh gọi món xong, người phổ ky đứng tại chỗ la lớn lên bằng tiếng Quảng:
- Lượng co phảnh mìn, dách co xây nại, dách co hắc xịt, xập hù. [10]
Chú Quẩy đang đứng nấu nghe không rõ hỏi lại:
- Lượng co phảnh mìn?
Anh phổ ky đứng tại chỗ la lên:
- Hầy a. Lượng co phảnh mìn... Cẩu hù, bàn số chín... xấu lúi, tính tiền...
Trong khi chú Quẩy nấu hủ tiếu thì thím Quẩy đứng trong quầy pha cà phê. Thím múc cà phê đổ vào một cái vợt mà dân ghiền cà phê thường gọi là vớ - màu đen sậm vì lâu ngày chất cà phê đóng đầy lên sớ vải. Chủ các tiệm nước không bao giờ giặt vợt pha cà phê bằng xà bông vì sợ làm mất mùi thơm của cà phê. Vợt cà phê càng đen thì cà phê càng đậm đà hương vị. Thím Quẩy bỏ vợt đựng đầy cà phê vào một cái siêu đất to rồi đổ nước sôi thật già vào vợt, đậy nắp siêu lại chờ cho cà phê thật ngấm. Sau đó, thím rót cà phê từ trong siêu vào những cái ly có sữa hay đường để sẵn. Phổ ky chỉ việc đến lấy rồi bưng ra cho khách.
Chú Hai Ngon bưng ly cà phê lên mũi ngửi, hít một hơi thật sâu như để mùi cà phê sữa thơm nồng chạy tận vào phổi. Cà phê này là cà phê thứ thiệt vì hàng ngày chú thấy một ông già Tàu ngồi rang bên hông tiệm. Chú thận trọng cầm ly cà phê sữa, đổ vào cái dĩa đựng ly cà phê, thổi phù phù, rồi cầm cái dĩa lên húp từng ngụm. Dân uống cà phê tiệm nước phải uống cà phê đựng trong dĩa thì mới gọi là chánh hiệu dầu cù là Miến Điện.
Trong lúc chú Hai Ngon uống cà phê thì thằng Minh “đớp” liền cái xíu mại với dào cháo quảy. Thằng Minh nghĩ xíu mại ăn với dào cháo quảy thì ngon hơn ăn với bánh mì vì bánh mì thì cứng, không mềm bằng dào cháo quảy và không có mùi dầu chiên. Khi phổ ky vừa bưng hai tô hủ tiếu mì vừa la “nước sôi, nước sôi” tới bàn thì nó đã cho hai cái xíu mại vào bụng.
Đến tiệm nước, chú Hai Ngon khoái uống cà phê sữa hơn là ăn hủ tiếu mì vì chú chỉ khoái ăn món này từ những cái xe có tranh kiếng vẽ những nhân vật từ truyện Tam Quốc như Lữ Bố, Quan Công, Trương Phi trong các tích Lữ Bố hí Điêu Thuyền, Vườn đào kết nghĩa, Quan Công tha Tào ở Huê Dung đạo... đặc trưng của xe bán hủ tiếu mì người Tàu. Chỉ cần nhìn cái xe đó thì ông biết ngay đó là xe bán hủ tiếu mì chứ nhất định không bán thức ăn gì khác. Nhưng chú muốn cho thằng Minh có được một buổi ăn trong tiệm nước - một niềm vui không dễ gì có được đối với nó.
Vừa đưa vắt mì lên miệng chú hỏi:
- Mầy biết hông?
- Biết cái gì chú? Chú chưa nói làm sao con biết.
- Mì Tàu chính cống là mấy tiệm mì, xe mì có chữ ký phía sau. Thí dụ như Tài Ký, Minh Ký, Tân Ký... Mầy để ý coi, tiệm nào cũng có chữ ký hết. Có chữ ký mới ngon.
- Ký viết i ngắn hay y-cà-lết [11] vậy chú?
- Y dài hay i ngắn đều được. Mà nó viết Hải kí mì gia hay Hải ký mì gia cũng như nhau, miễn là nó nấu ngon là được... Chánh tả đâu có liên quan gì đến nước lèo đâu! Mì dở thì có mười chữ ký như tiệm mì Ký ký ký ký ký ký... cũng dở ẹc. Cũng giống như chữ hủ tiếu có ê hay hủ tíu không ê đâu có quan trọng, miễn ngon là được.
- Nói thiệt nghen chú, con ăn tiệm mì nào cũng thấy ngon hết.
- Không phải đâu mầy. Mì Tàu thì phải là người Tàu nấu mới ngon. Người Việt nấu dở ẹc. Cũng như phở thì chỉ có người Việt nấu mới ngon chứ người Hoa, người Tây, người Nhựt Bổn nấu cũng dở ẹc.
- Con thấy mì nào cũng ngon hết.
- Tại sao mầy thấy mì nào cũng ngon?
- Lâu thiệt lâu con mới được ăn mì một lần thì mì nào cũng số dách.
- Mầy khoái ăn món gì nhất.
- Món gì con cũng khoái hết.
- Hông, tao nói những món đặc biệt kìa.
- Thì bột chiên hột vịt, bánh ướt tôm khô. Có một ông người Tàu đẩy xe bán bánh ướt tôm khô ngon tổ sư bồ đề luôn. Con chỉ ăn được bánh ướt của bà già người Tàu. Bánh ướt mà chan nước tương chứ không phải nước mắm.
Chú Hai Ngon gật gù:
- Chừng nào tao ngon lành rồi tao bao mầy ăn một món đặc biệt, trong Chợ Lớn không có.
- Món gì mà đặc biệt vậy chú?
- Phở Tàu Bay ở Sài Gòn.
- Nó ra làm sao chú? Ở Sài Gòn là chỗ nào?
- Quán phở Tàu Bay ở gần chợ cá Trần Quốc Toản [12]. Một tô phở bự vầy nè, cỡ mầy ăn xong chắc phải no hai ngày.
Mặc dù thắc mắc, nhưng thằng Minh vẫn không bỏ lỡ việc gắp mì đưa vào miệng:
- Nhưng phở là cái gì chú?
- Ừ... nó có thịt bò tái, thịt bò chín, có gân bò, có mỡ bò...
- Thịt bò không à?
- Không, nó nấu với bánh phở, giông giống như sợi hủ tiếu nhưng mềm hơn, nhưng nước lèo của nó nấu bằng xương bò với quế, riềng, hồi, thảo quả thơm, ngọt, ngon lành lắm.
- Con chỉ biết xe bán cháo lòng bò của một bà người Tàu ở ngã tư cầu Bình Tiên đường Minh Phụng, năm đồng một tô. Má con nói chừng nào thi đậu đệ thất bả sẽ thưởng cho ăn hai tô.
Bưng tô mì lên, húp nước lèo rột rột, sau đó thằng Minh ợ một cái, nhưng vẫn tiếp tục thắc mắc để sau này nó có thể nói dóc với bọn thằng Chim:
- Món phở của người Tàu hả chú?
- Không, người Bắc kỳ đem vào? Ê, đừng ợ như vậy, ghê quá mậy.
- Người Bắc kỳ không phải là người Việt hay người Tàu hả chú?
Chú Hai Ngon cười hăng hắc:
- Người Bắc kỳ là người Việt Nam chứ người xứ nào mậy! Mầy đi học bộ không biết ải Nam Quan sao?
- À... à... người Bắc kỳ là người nói tiếng Huế, không phải tiếng Việt như cô giáo của con. Dễ ẹc, gì mà không biết. Đất nước Việt Nam hình chữ S, kéo dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Ải Nam Quan là nơi ông Nguyễn Trãi tiễn cha là Nguyễn Phi Khanh bị giặc bắt. Cha ông Nguyễn Trãi có nói với ổng là hãy về nhà mà lo việc nước...
- Đọ... đọ... Người Bắc kỳ là người ở ải Nam Quan đó. Người Bắc có món phở phải nói là quỷ kiến sầu [13]. Tại tao mê chiếu bóng chứ không sau này tao đi học nghề bán phở.
- Ừ, chú bán phở đi để con ăn ké.
- Cần gì mậy, chừng nào tao ngon lành tao sẽ bao mầy đi ăn phở Tàu Bay...
- Ngon lành là sao chú? Ngon lành mới ăn được hả?
- Ừ. Một tô phở mắc lắm nha mậy. Nhứt là khi mầy “thiếm sực” một chén bò tái hay làm thêm chén nước béo. Phải ngon lành mới có tiền ăn nha con... Ủa, mầy làm cái gì vậy?
Trong lòng bàn tay thằng Minh là một cục nhân thịt mà nó đã lén lấy từ cái bánh bao để trên bàn. Đây là trò “ảo thuật” có tên là “moi ruột” do thằng Ti chỉ cho tụi nó khi muốn ăn ruột bánh bao không tốn tiền. Khi vào tiệm nước, gọi ly cà phê đen rồi nhân lúc phổ ky không để ý tụi nó gỡ miếng giấy phía dưới bánh bao, moi lấy cái nhân thịt ở trong ra ăn. Sau đó dán miếng giấy che kín cái lỗ thủng phía dưới bánh bao lại y như cũ. Khi phổ ky dọn bàn, thấy cái bánh bao vẫn nguyên vẹn nhưng đâu biết đó chỉ còn lại cái vỏ, còn cái nhân thịt trong ruột bánh đã đi vào bao tử tụi nó.
- Dạ, con lấy cái ruột bánh bao.
- Ăn thì trả tiền đàng hoàng chứ mậy!
- Tại con ghét thằng cha Quẩy này. Bữa nọ con mua một đồng trà đá, thằng chả không bán.
- Ghét thì đừng ăn quán của người ta, còn ăn thì phải trả tiền sòng phẳng. Lỡ tụi nó bắt được thì nó coi mấy thằng người Việt mình ra gì mậy. Đừng để ai khinh mình hết. Bị người ta ghét thì được chứ đừng để bị người ta khinh. Dầu hèn cũng thể chứ mậy.
Bị bắt tại trận, để đỡ ngượng, nó đánh trống lảng:
- Chú có xem Chú Thòn lãnh vợ hôn? Cái tuồng mà thằng Xuân Phát đóng vai chú Thòn - người Tàu - đi lãnh vợ là người Việt do con Trương Ánh Loan [14] đóng bị bắt vô bót cảnh sát vì đi làm gái bán ba đó... - nói tới đây nó hát “Ngọ có chết li thì cũng theo Chời theo Phật á... Chỉ sợ mấy lứa con khờ nhỏ dại ai nuôi”... Vậy mà còn bị con Trương Ánh Loan đánh lên đầu một cái, máu chảy dầm dề. Tội quá chừng chừng.
- Mầy nói chuyện tầm bậy quá. Có ăn, có học mà cứ nói chuyện như đồ không học...
- Con nói làm sao chú?
- Sao mầy cứ gọi là thằng Xuân Phát, con Trương Ánh Loan... Họ lớn tuổi bằng tao mà mầy cứ gọi là thằng này con kia. Tao nghi mầy gọi tao là thằng Hai Ngon khi nói chuyện với người khác quá.
Thằng Minh cười, biết lỗi:
- Tụi con nói vậy quen rồi chú ơi. Từ từ con sửa...
- Phải gọi là nghệ sĩ, tài tử hoặc bằng tên không cũng được, như vậy mới là người có lễ phép. Mình có thể ăn bậy, uống bậy chứ không được nói bậy!
- Dạ. Cho con xí một chút. Nhưng mà con hỏi chú cái này nghe... Sao cái gì chú cũng biết hết vậy?
Chú Hai Ngon đổ phần cà phê còn lại trong ly vào dĩa húp cái rột, nói từ từ:
- Cái gì không biết thì hỏi. Hỏi thì chỉ dốt một lần, không hỏi thì dốt suốt đời. Dầu hèn cũng thể chứ mậy. Nát vỏ cũng còn bờ tre mà.
- Dầu hèn cũng thể. Nát vỏ cũng còn bờ tre là gì chú. Chú cắt nghĩa cho con nghe đi...
- Là... là bể cái lu vẫn còn cái khạp! Ngon lành mà mậy!
Đến bây giờ, thằng Minh vẫn chưa hiểu hai tiếng ngon lành của chú Hai Ngon cũng như “dầu hèn cũng thể” mà chú hay nói. Chắc chú bán cái xe chiếu bóng thùng cũ này để đi tìm “ngon lành”. Chú Hai mà ngon lành thì nó sẽ được ăn món phở của người Việt ở ải Nam Quan không tốn tiền. Nhưng để được ăn tô phở mà không gặp được chú Hai Ngon thì nó cũng thấy buồn, thiêu thiếu cái gì đó một cách mơ hồ thân thiết. Như vậy, chẳng thà không ăn phở còn hơn. Nó nhớ lại buổi đi ăn tiệm nước, chú Hai Ngon hỏi nó:
- Ba mầy làm nghề gì mậy?
- Đi làm ăn xa chưa về từ lúc con còn nhỏ.
Chú Hai Ngon móc trong túi áo ra một điếu thuốc Ruby. Chú vuốt vuốt cho nó thẳng, sau đó lấy hộp diêm con ra, đốt một que diêm châm thuốc. Chú rít một hơi, mắt lim dim, rồi xì khói ra hai lỗ mũi. Mùi khói thuốc Ruby thơm lựng. Thằng Minh ngạc nhiên hỏi:
- Sao mọi hôm con thấy chú hút thuốc Bastos xanh mà.
- Ừ, bữa nay hút thuốc thơm cho nó thơm râu.
- Thơm gì mà thơm, hôi rình.
- Ừ, ghiền thuốc không tốt, nó có hại, dễ bị ho lao lắm, tao định bỏ đây, nhưng khó quá. Cái gì ghiền rồi thì khó bỏ, nhất là những thói xấu. Sau này, lớn lên đừng bày đặt đi theo mấy thằng cao bồi, tóc tai dài thoòng ở xóm mầy phì phèo thuốc lá không có hay đâu nghen mậy. Còn nhỏ phải ráng học. Học tiểu học, rồi trung học. Mầy có Tú Tài là mầy ngon lành lắm. Má mầy chắc nhờ được rồi. Chỉ sợ lúc đó ham lấy vợ, quýnh đít luôn...
- Hồi nhỏ chú có đi học không?
- Có chứ mậy, nhưng không tới nơi. Tao mà học hành đàng hoàng thì bây giờ ngon lành rồi, đâu có đi chiếu bóng dạo cho mấy thằng không có tiền như mầy xem đâu mậy.
Chú Hai Ngon khoái nhắc đến mấy tiếng ngon lành. Bây giờ, thằng Minh ngẫm lại chắc ổng đang đi tìm sự ngon lành ở đâu đó. Còn nó muốn ngon lành thì phải ráng học để đậu đệ thất, vào trường công. “Không biết có gì ngon lành ở trong trường công?” Nó sực cười, bây giờ nó lại nói “ngon lành” như chú.
- Hổng biết bây giờ chú ấy đi đâu mầy há?
- Chỗ ngon lành.
- Chỗ ngon lành là sao? - Thằng Ti ngơ ngác.
- Chỗ ngon lành là chỗ được ăn phở buổi sáng.
- Ăn phở là ăn món gì mậy?
- Một món ăn đặc biệt của người ở ải Nam Quan nấu.
- Chắc nhờ ăn món này mà người ải Nam Quan mới đánh thắng quân Tàu được mầy hở?
- Chắc vậy.
Thằng Ti thở dài:
- Còn tụi mình bị trường bắt uống sữa bột, ăn phô mai mặn chát hôi rình, trốn không được. Ăn cái này chạy té re thì làm sao mà đá banh được đây hổng biết.
Chú thích:
[1] Cà phê đen nhỏ.
[2] Ăn.
[3] Hủ tiếu mì.
[4] Ăn thêm. Tất cả là tiếng Quảng Đông.
[5] Trước năm 1975, toàn miền Nam chỉ có một loại vé số là Xổ số Kiến thiết quốc gia do Bộ Kế hoạch và Kiến thiết Quốc gia phát hành với giá 10 đồng. Giải trúng cao nhất là một triệu đồng (có đến ba giải). Mỗi tuần chỉ xổ một lần, lúc 4 giờ tại rạp Thống Nhất - đường Thống Nhất - nay là Trung tâm xổ xố Kiến thiết TPHCM đường Lê Duẩn. Chương trình xổ số kiến thiết bắt đầu bằng bởi hát qua giọng ca của Trần văn Trạch (nhạc sĩ, em ruột của Giáo sư Trần văn Khê) “... Mua số mau lên/ Xổ số gần đến/ Kiến thiết quốc gia/ Giúp đồng bào ta/ Xây đắp muôn người/ Được nên cửa nhà...” Trong chương trình xổ số có phụ diễn thêm phần văn nghệ do các nghệ sĩ nổi tiếng thực hiện. Số đề được xổ vào 12 giờ hàng ngày, do một tư nhân trùm đề tên Bảy Diệm tổ chức xổ không theo kết quả của Xổ số Kiến thiết. Lúc đó, đề chỉ có 40 con, từ số 1 đến 40, mỗi số tượng trưng cho một con vật hoặc con người. Thí dụ, con chó là số 11, con ngựa là số 21, con dê số 35, con ốc số 2... Trung tâm xổ đề hàng ngày tại Cây Da Xà (Q.6).
[6] Uống trà.
[7] Cầu Bình Tây bắc từ đường Phạm văn Chí sang Phạm Đình Hổ. Nay đã giải tỏa.
[8] Phục vụ.
[9] Cà phê sữa.
[10] Hai hủ tiếu mì, một cà phê sữa, một cà phê đen đó, số mười.
[11] Y dài.
[12] Nay là Trung tâm thương mại ở góc đường Ba tháng Hai và Nguyễn Tri Phương.
[13] Tiếng lóng: quá tốt, quá ngon, quá giỏi, quá dữ.
[14] Đào chánh đoàn cải lương Kim Chưởng.
Chú Chiếu Bóng, Nhà Ảo Thuật, Tay Đánh Bài & Tụi Con Nít Xóm Nhỏ Sài Gòn Năm Ấy Chú Chiếu Bóng, Nhà Ảo Thuật, Tay Đánh Bài & Tụi Con Nít Xóm Nhỏ Sài Gòn Năm Ấy - Lê Văn Nghĩa Chú Chiếu Bóng, Nhà Ảo Thuật, Tay Đánh Bài & Tụi Con Nít Xóm Nhỏ Sài Gòn Năm Ấy