Most books, like their authors, are born to die; of only a few books can it be said that death hath no dominion over them; they live, and their influence lives forever.

J. Swartz

 
 
 
 
 
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 5
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 328 / 39
Cập nhật: 2019-11-10 14:20:29 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần Thứ Ba
ột chiếc IPHA của đơn vị thả hai chú cháu xuống thị xã Cẩm Phả. Suốt ngày ngồi trong thùng xe, Hùng chỉ nghĩ tới một cái tên: Cẩm Phả. Phải rồi, hình ảnh cái thị xã lầm lụi như người thợ mỏ chưa hề phai nhạt trong đầu óc nó. Hùng nhớ lại khoảng bốn, năm năm trước đây, lúc nó lên chín tuổi, hai mẹ con xuống tàu thủy ra Hòn Gai. Hải Phòng lùi dần về chân trời, sau những rừng sú vẹt và bãi sông hoang vắng. Ngồi trong con tàu khách chật ních, ông bố dượng đứng tuổi có khuôn mặt càu cạu, hai tay chống vào đùi, trầm ngâm. Mẹ Hùng bấy giờ đang mang thai cái Bông, tay cầm cái nón úp vào bụng, vẻ nhịn nhục. Hùng thì không rời mắt khỏi khoảng trời ngoài cửa sổ. Biển đây rồi. Lần đầu tiên nó được đi tàu thủy, mà lại đi giữa biển khơi. Lòng nó tràn trề hi vọng. Nơi ở mới còn xa, nhưng đã hiện lên trong tưởng tượng của nó những hình ảnh thích thú. Sự thật, Cẩm Phả là than, là bụi, là những tiếng ầm ì, gào thét suốt ngày của máy móc, xe con gấu, xe bò tót, xe goòng đầu trâu, tàu hỏa chạy than… Người bố dượng cũng không “hiền lành như đất” như mẹ nói với Hùng. Ông ấy lầm lì, ít nói và hay uống rượu. Hễ bao giờ chai cạn đến đáy là y như có chửi bới, đánh đập, đổ vỡ trong nhà. Để bù lại, Cẩm Phả có biển, có vịnh Bái Tử Long và đám bạn bè dân mỏ hào hiệp, nồng nhiệt của Hùng. Hùng cứ tự nhiên lớn lên giữa cái đầm ấy. Cho đến ngày nó thấy Cẩm Phả đúng là của nó. Của nó trong từng hơi thở con tàu sáng sớm, trong tiếng hú còi tầm cất lên từ sau dãy núi đen của khu mỏ, những trò tinh nghịch của đám trẻ con được thả rong ngoài giờ học… Bây giờ, tất cả đang sống lại khiến nó như nghẹt thở.
Hùng đi bên cạnh chú Quảng. Hai chú cháu dừng lại trước dãy nhà tập thể một tầng mái lợp ngói xi măng đã biến màu muội đen qua năm tháng. Một chị công nhân ra mở cửa. Hùng không nhận ra được chị là ai. Nó biết chắc chị cũng là dân “đi lò” nhờ vào những vết đen bụi than còn đọng lại trong vành tai của chị. Chị mời hai chú cháu vào nhà và cho biết gia đình bác Lư không còn ở đây nữa. Bác Lư đến làm thợ ở xưởng cơ khí của hợp tác xã đánh cá ngoài đảo, còn cô ấy thì nghe nói chưa biết làm gì, nhưng cô phải đi theo chồng, gian nhà này mỏ phân phối cho người khác.
Hùng sững người. Nó muốn tìm đến lũ bạn để hỏi rõ thêm về mẹ, về thằng Dũng và cái Bông, cái Xoan, hai đứa em nhỏ, nhưng nó chỉ biết làm thinh, hai mắt rơm rớm. Chú Quảng uống một chén nước rồi bảo nó:
– Uống nước rồi hai chú cháu mình lại đi. Ra đường, Hùng hỏi chú:
– Chú định đưa cháu ra đảo phải không ạ?
– Không. Ta sẽ về Hải Phòng. Mỗi tuần chỉ có một chuyến tàu ra Cô Tô mà chú thì không thể chờ được. Ngày hôm nay chú phải về, công việc đang chờ chú. Còn cháu thì về tạm quê Nam mà ăn học. Chú sẽ gửi tiền nuôi cháu. Trong hoàn cảnh hiện nay, cháu về nông thôn là tốt hơn cả.
Chú Quảng vẫy một chiếc xe con xin đi nhờ về Hòn Gai, ra bến phà Bãi Cháy. Những con tàu ăn than đợi ngoài cửa Lục làm Hùng nôn nao. Tất cả đều vẽ ra trước mặt nó một cuộc sống tươi vui, không cần dối trá, ẩn nấp và mưu mô, khác hẳn cuộc sống mà nó vừa trải qua trong nhà má Thảo hay ở ngôi nhà đổ. Được cùng đi với chú Quảng thật thích. Mọi việc chú Quảng sắp xếp đều tốt, đều hợp lí cả. Chỉ còn một điều… Hùng nhìn chú và thấy mạnh dạn lên. Nó đánh bạo hỏi:
– Còn lão Cóc Vàng thì sao hả chú?
Chú Quảng mỉm cười, phác một cử chỉ nhỏ như muốn nói rằng Hùng không mấy liên quan gì đến chuyện đó, đúng hơn, chú không muốn Hùng dây vào chuyện đó. Chú nói:
– Cháu hãy quên ông ta đi. Sẽ có bao nhiêu người chơi trò bịt mắt bắt dê với ông ta. Bây giờ cháu hãy nghĩ đến sách vở. Còn nửa tháng nữa là đến ngày khai trường rồi.
o O o
Hùng và Nam đi đơm tép vừa về đến nhà thì bác Thành gái đã nói khẽ, giọng bí mật:
– Nhà có khách. Đố cu Nam biết là ai nào?
– Bố phải không mẹ?
– Bố thì sao gọi là khách! Nhưng thôi, nói nhỏ cho khách ngủ. Hai anh em ăn khoai đi, để mẹ làm tép cho. Chà, ngon quá nhỉ! Mai Chủ nhật mà bố về thì ta làm một bữa bánh tép cho cả nhà.
Bánh tép, Hùng vừa nghe thấy đã nhỏ dãi. Thứ bánh của người nghèo này trước đây mẹ Hùng thỉnh thoảng vẫn làm. Khuấy bột gạo thật lỏng, xào tép với mỡ trộn vào, đặt chảo lên, tráng từng miếng bánh vàng thơm. Nhưng đó là chuyện của ngày Chủ nhật. Bây giờ ăn xong củ khoai bở như bánh khảo này đã rồi xem ông khách đang ngủ trong cái màn một kia là ai.
Hai đứa rón rén lên nhà. Nam đi trước. Nó vặn to ngọn đèn giữa bàn rồi như một con mèo con, nó cúi người lom khom, vén cái lá màn cũ đã ngả màu cháo lòng lên.
– Anh Yêm! Mẹ ơi, anh Yêm về rồi. Thế mà mẹ cũng bảo là khách.
Người trong màn ngồi dậy, tỉnh ngay. Anh mặc áo may ô, quần đùi, bộ quần áo bộ đội xếp ngay ngắn kê dưới đầu làm gối. Câu đầu tiên anh hỏi:
– Hùng Lé đâu?
Hùng lặng im. Nó không hiểu vì sao anh Yêm biết mình, lại biết cả tên Hùng Lé. Tim nó đập mạnh. Chắc là có chuyện gì bất thường xảy ra. Nam cũng trố mắt nhìn anh bộ đội. Nó cảm thấy anh Yêm về là vì Hùng chứ không phải vì nó. Nhưng nó chỉ đưa mắt nhìn người lính đặc công trước đây đóng quân ở nhà nó mà nó mong chờ gặp lại từng ngày một.
– Sao chú mày ngẩn tò te thế, Nam? Hùng Lé đây phải không?
Anh Yêm bước tới, đặt tay lên vai Hùng. Hai cậu bé nhìn anh không chớp mắt. Cả hai đều cảm thấy rõ rằng “có chuyện” nên anh Yêm mới về đây. Hùng mạnh dạn lên. Cũng như trong những trường hợp khác, nó vẫn giữ được bình tĩnh.
– Sao anh biết em ạ? – Nó hỏi.
– Anh là lính của chú Quảng – Giọng anh có vẻ buồn – Em sắp xếp đi, sáng tinh mơ ngày mai em phải về gặp chú Quảng. Chú ấy… nhưng thôi, để mai anh sẽ nói.
Bây giờ, Hùng mới chú ý đến chiếc xe Honda cũ dựng ở góc sân. Nó biết ngày mai anh Yêm sẽ đặt nó lên yên chiếc xe kia để đưa về gặp chú Quảng.
– Em phải đi lâu không ạ?
– Một hai hôm gì đó. Không mang quần áo nhiều. Một bộ để thay là đủ. Bây giờ thì đi ngủ đi. Nam vào màn với anh. Chú mày vừa đi đơm đó mướp về hẳn? Chắc là mải nghịch nên chẳng thấy lớn chút nào.
o O o
Chiếc xe phóng nhanh như gió. Anh Yêm không nói không rằng, trong khi ruột Hùng nóng như lửa. Linh tính cho nó biết có chuyện gì không hay xảy ra. Nhưng anh lính không chịu mở miệng, chỉ thỉnh thoảng nhắc: “Nắm chặt dây da vào, thật chặt!”. Và anh cứ thế kéo ga, chiếc xe lách qua dòng người xuôi ngược và những đường xe tải. Qua cầu xe hỏa, anh Yêm cho xe rẽ vào lối bệnh viện. Anh gửi xe, nắm tay Hùng lôi đi.
– Bây giờ ta vào bệnh viện.
– Để làm gì hả anh?
– Gặp chú Quảng. Cách đây mấy ngày, trong khi truy lùng một bọn tội phạm, chú ấy bị thằng nào đó bắn lén vào ngực. Ban đầu cũng tưởng là gắp viên đạn ra là xong, nhưng không phải thế. Bác sĩ cho biết có lẽ chú ấy nguy mất.
Hùng không hỏi thêm. Nó muốn trông thấy chú Quảng ngay. Chú Quảng đối với nó là tất cả. Nó run lẩy bẩy bước theo chân anh Yêm, tê tái vì tin bất ngờ.
Ngồi bên giường bệnh chú Quảng lúc đó chỉ có một người mặc sắc phục cảnh sát. Mặt chú Quảng tái nhợt, sắc mặt của người mới mổ, bị mất máu. Nhìn thấy Hùng, đôi mắt lờ đờ của chú chợt sáng lên như một ngọn đèn đã cạn dầu lóe lên trước khi tắt.
– Hùng! – Chú Quảng gọi khẽ và đưa mắt cho người mặc sắc phục cảnh sát ngồi bên mép giường chú – Hùng đây.
Người ấy đứng dậy, vỗ vai Hùng:
– Biết tên lâu rồi mà bây giờ mới gặp mặt. Chú là Miên, trước cùng làm với chú Quảng. Bắt tay cái nào!
Hùng đưa tay cho chú Miên nhưng mắt vẫn không rời chú Quảng.
– Câu chuyện duyên nợ giữa hai chú cháu mình coi như xong. Cháu ngồi xuống đi, chú về. Chú vào thăm chú Quảng từ sáng sớm kia.
Nói xong, chú Miên đi ra cùng với anh Yêm.
– Cháu ngồi xuống – Chú Quảng nói rồi lần tìm bàn tay Hùng. Chú muốn nắm thật mạnh nhưng hình như không đủ sức.
– Đứa nào bắn chú? – Hùng hỏi.
– Chưa biết. Là kẻ thù, thế thôi.
– Hay là Cóc Vàng hả chú?
– Có lẽ không phải. Thằng này đang là cá trên thớt, nó không dại gì gây sự. Một bọn cướp tàu. Nhưng chẳng hề gì. Cháu nghe chú đây. Chú rất buồn vì xảy ra chuyện không hay này. Nếu qua được thì chú khéo phải giải ngũ mất. Vậy mà việc trên giao cho chú vẫn chưa làm xong. Buồn quá!
Hùng rưng rưng nhìn và nghe chú.
– Chỉ còn lại cháu là một trong những người hiếm hoi biết được mặt Cóc Vàng. Bác Thành cũng đã gặp mặt hắn, nhưng không thể lôi một người có núi công việc ở nhà máy như bác ấy vào chuyện này được. Chỉ có chú và một người nữa là cháu, biết rõ hắn. Chú đã quan sát hắn nửa tiếng đồng hồ, cách đây mười năm. Còn cháu thì đã chung sống với hắn vừa mới đây thôi. Chú hỏi thật cháu, trong trường hợp Cóc Vàng cải trang thật khéo léo, cháu có thể nhận ra hắn không?
– Có thể được ạ! – Hùng nói. Quả thật Hùng cảm thấy có thể được.
– Vậy là cháu sẽ rất có ích cho việc truy lùng. Mà cũng là mối nguy hiểm cho hắn. Trên đã cử một người tạm thay chú trong vụ Cóc Vàng. Thằng này đang trở thành một đối tượng nguy hiểm. Cháu có thể giúp đỡ nhiều cho tổ công tác.
Nhưng cháu chẳng được gặp các chú ấy đâu. Lúc nào cần, anh Yêm sẽ tìm cháu. Còn trước mắt thì cháu hãy giữ mình. Chú nhắc lại, cháu đang là mối nguy hiểm cho Cóc Vàng. Và cả Sáu Xồm nữa, thằng này vừa mới vượt ngục. Phải luôn luôn nhớ điều đó, không được coi thường. Trước đây chú có bảo cháu là phải quên thằng Cóc Vàng đi để nhớ tới sách vở. Nhưng bây giờ thì đã khác. Chú phải rút khỏi trận chiến đấu này, tình huống đã không còn như cũ nữa. Cháu phải cố gắng học tập nhưng đừng quên Cóc Vàng và Sáu Xồm đang lẩn quẩn đâu đó quanh cháu.
Chú Quảng ngừng nói, nhìn lên trần. Mạch máu nơi cổ chú đập mạnh. Hùng cầm tay chú – một bàn tay lạnh yếu ớt. Nó xin phép chú ra ngoài. Ở ngoài thềm, Hùng ngồi xổm xuống nền gạch, nước mắt nó trào ra giàn giụa. Nó thương chú Quảng quá. Nó muốn làm tất cả mọi việc để chú Quảng có thể sống. Giá mà Hùng có thể thay chú Quảng! Nó biết thế nào là một người chết rồi. Như bố nó, chết là đi mãi mãi chẳng bao giờ còn trở lại nữa.
Hùng quanh quẩn bên chú Quảng mãi đến tận trưa. Cứ vài chục phút lại có một chị y tá hoặc bác sĩ đến đặt tay lên trán, cặp nhiệt độ, tiêm thuốc, tiếp xê-rum hay bơm sữa và thuốc bổ cho chú. Thần sắc chú có khá hơn trước. Hình như có Hùng bên cạnh, chú vui hơn và khỏe hơn. Còn Hùng thì nghĩ bụng: Nếu không còn chú Quảng nữa thì nó sẽ sống như thế nào?
Gần trưa, chú Quảng nói với chị y tá:
– Cho cháu… ăn cơm.
– Anh không lo, sẽ có cơm cho cháu.
Sau đó chị mang đến một cái cặp lồng. Bữa cơm trưa của bệnh viện có thịt kho, giá đỗ xào măng, nhưng Hùng không nuốt được. Nó nghẹn ngào, cơm chan nước mắt.
Ở bên giường bệnh chú Quảng còn một chị hộ lý nữa. Chị còn trẻ lắm, tên là Hoa, người mảnh dẻ, tay chân trắng như ngó sen. Việc gì chị cũng vui vẻ làm, kể cả lúc đi đổ bô và những thứ bẩn thỉu của người bệnh. Nhìn thấy chị, người bệnh nguy nan nhất cũng thêm vững lòng. Ai cũng vui lây nụ cười của chị Hoa. Chẳng mấy chốc mà hai chị em làm thân với nhau. Đầu tiên chị tưởng Hùng là con trai chú Quảng, sau đó chị lại đùa Hùng là liên lạc chìm của công an, được cử đến bảo vệ một cán bộ trinh sát “quan trọng” nhưng đã bị lộ quá sớm. Khi Hùng nói rằng mình không hề là một trong những người mà chị đoán mò thì chị lại cười, nói chữa thẹn rằng Hùng chắc là một người do Bụt phái đến để giúp đỡ chị hộ lý trong những ngày bận rộn này. Quả thật, có Hùng ở trong phòng chú Quảng, chị Hoa cũng đỡ mệt đôi chút, nhất là những lúc phải lật chú bên này sang bên kia để chú đỡ mỏi.
Đêm đó, Hùng và anh Yêm thay nhau ngồi bên chú Quảng. Lúc nào buồn ngủ quá Hùng nằm xuống bên cạnh, cố gắng trăn trở nhẹ nhàng để làm chú khỏi đau. Đến nửa đêm, nó thức giấc. Có tiếng chú Quảng ú ớ. Anh Yêm gọi, chú không thưa. Hùng chạy đến phòng trực, lay chị y tá. Chốc lát, phòng chú Quảng đã chật ních người mặc áo choàng trắng. Nét mặt người nào cũng lo âu. Bác sĩ Quang, đã có tuổi, vén đôi mi nhắm nghiền của chú, bắt mạch nơi cổ tay chú rồi lắc đầu:
– Đã làm tất cả rồi…
Ông đứng lên, khoanh tay vào vòng ngực, lặng lẽ nhìn thân hình bất động của chú Quảng. Y sĩ, y tá, người này tiếp người kia nhìn ông như muốn hỏi ông bây giờ phải làm gì. Ông chỉ nhìn lại họ mà không nói.
Bỗng chú Quảng mở mắt. Chú nhìn bác sĩ, mấp máy: “Cảm ơn”, rồi nghiêng nghiêng khuôn mặt đang trắng như sáp bỗng trở vàng sang phía Hùng:
– Ngồi xuống đây… Về nhà… Mẹ…
Mắt chú trở nên khác thường, tròng đen dần dần co co lại như hạt nhãn.
Bây giờ thì phòng bệnh trống trơn rồi. Trên cái giường đã được thu dọn hết nệm gối, tấm lò xo thỉnh thoảng lại trở mình như nhắc tới một chút gì của con người vừa ở đây ra đi mãi mãi. Anh Yêm và các chú công an còn bận lo các thủ tục mai táng. Chỉ còn chị Hoa ngồi bên cạnh Hùng, thỉnh thoảng đưa tay lên vuốt mái tóc nó.
– Vậy là Hùng không còn ai thân thích ở Phòng này à?
– …
– Bố Hùng ở đâu?
– Bố em chết rồi.
– Còn mẹ?
– Ở tận đảo Cô Tô, xa lắm.
– Bây giờ em định thế nào?
– Em sẽ tìm đường về nhà. Nhưng em sẽ không về tay không sau khi ra đi ba năm trời, chị ạ. Em muốn kiếm ít tiền để giúp đỡ mẹ em.
– Thì cứ về là được rồi. Mẹ em cần em chứ đâu cần tiền của em.
Chị Hoa im lặng một lát rồi nói bằng giọng buồn buồn.
– Bố mẹ chị cũng mất cùng một ngày, trong một trận bom, lúc đó chị mới mười tuổi. Mười tuổi, chị vừa đi làm nuôi đứa em trai, vừa đi học. Vậy mà chị cũng học xong cấp hai đấy. Em trai chị thì học hết cấp ba. Nó học giỏi lắm nên được đi nước ngoài. Bây giờ thì chị hết khổ rồi. Chị có việc làm, cậu em hứa sẽ gửi về cho chị cái xe đạp.
– Mười tuổi thì chị làm gì?
– Chị lấy lạc rang của một người mù đi bán rong các phố. Sáng nào chị cũng chực ở lò đậu, nói khó với người ta, nhận đậu đi giao cho hàng cơm. Lớn chút nữa thì chị móc chỉ, nhận hàng xuất khẩu về làm. Chị không làm như vậy thì chị hư lâu rồi.
– Người tốt như chị thì làm sao hư được?
– Không chịu làm gì thì tốt mấy cũng hư. Mấy chị hàng xóm rủ chị đi chạy hàng cho cánh buôn xách trong ngõ: ra tàu lượm hàng họ vứt xuống để trốn thuế, đi Hà Nội, mang về một cái túi đựng thuốc lá, cà phê… Được họ chiều chuộng, lại có tiền mua sắm. Nhưng chị không đi theo họ, chị đi làm. Năm sau bác sĩ Quang hứa là sẽ cho chị đi học y sĩ.
– Em không làm được như chị, nhưng em sẽ làm, nhất định em sẽ làm việc gì đó.
– Làm gì cũng được, miễn là đừng đi ăn cắp, đừng ngửa tay xin xỏ. Hùng này, bây giờ chị ở một mình. Hay là Hùng về ở tạm với chị vậy.
Đề nghị của chị Hoa thật bất ngờ đối với Hùng. Sau cái chết của chú Quảng, nó không muốn về ở nhà bác Thành nữa, nhưng cũng chưa đủ thân để đến với chị Hoa.
Cuối cùng nó lắc đầu:
– Em không về với chị đâu. Lúc nào cần, em sẽ đến. Trong đầu Hùng nung nấu một ý định. Nó viết cho bác Thành một lá thư xin phép được ở lại thành phố và gửi ngay.
Hùng hăm hở đi về khu nhà đổ. Từ hôm qua đến giờ nó chỉ ăn toàn bánh mì. Ba đồng một ổ bánh mì con, mua mỗi lần hai cái ủ trong cặp lẫn với quần áo, bẻ từng miếng gặm dần những lúc đói. Khát thì đến bà Quớu, uống một cốc chè tươi. Bánh nở ra, nó cũng thấy no no. Hãy đến cái chuồng cu ấy rồi hẵng hay. Khu vườn vẫn vắng vẻ như trước. Người ta không dọn gạch vụn đi mà lại còn chở gạch từ các nơi khác về chất đầy những lối đi mọc la liệt cỏ gà, cây bìm bìm leo quanh. Hùng lần theo lối cầu thang đổ. Gian chuồng cu mở toang. Có lẽ từ ngày Cóc Vàng bỏ đi đến nay, công ty nhà ở chưa tìm được người thay thế. Nó bước vào gian phòng ẩm ướt, hôi mùi phân dơi, cứt chuột, lần tìm viên gạch đậy ngoài cái hốc ở bên tường. Nó rút viên gạch ra. Một cái hốc trống không. Con búp bê gỗ không còn ở đó nữa. Buồn bã, Hùng thở dài, lần xuống cầu thang. Vậy là không còn hi vọng tìm lại cho bé Liên con búp bê ấy rồi. Không biết cô bé bây giờ còn khóc nữa hay thôi? Giá mà Hùng có thể chạy đến gặp bé Liên một chút.
Xuống đến chân cầu thang thì Hùng thấy đói cồn cào. Hai chục bạc mang từ nhà bác Thành ra đi đã gần hết. Ăn bánh mì, uống nước chè suông như hôm qua đến nay, cũng chỉ đủ tiêu trong hai ngày nữa.
Bây giờ phải tìm cách sống. Hùng không biết chắc nữa, ngày mai, mình sẽ làm gì, tìm được việc gì. Trước đây, lúc lang thang trên hè phố, túi không còn một xu, nó cứ tỉnh không. Bước lên vài bước là có thể “mổ” ngay được cái gì đó, bán đi, ăn cho căng bụng vào rồi lại lang thang. Cùng lắm thì về thuyền Sáu Xồm tham gia một cuộc bật xà, đâu lại vào đó ngay. Nhưng hôm nay, cũng như hôm từ cổng đồn công an cảng đi ra, Hùng chưa biết mình sẽ làm gì để có miếng ăn, chỉ biết chắc chắn là Hùng sẽ không ăn cắp, không ngửa tay xin xỏ ai nữa. Giống như leo lên một cái dốc cao, Hùng dừng lại nghỉ ở cái trạm đó, cái trạm ngăn cách cuộc đời cũ với cuộc đời mới chông gai đang mở ra trước mắt. Bây giờ màđảo qua một vòng sân ga có thể gặp lại mấy thằng hẩu. Bặt tin mấy tháng rồi, gặp Hùng chắc chúng mừng lắm. Chúng sẽ đãi Hùng ăn, cho Hùng tiền. Nhưng Hùng quyết không về sân ga nữa. Nó cho tay vào túi, vừa đi vừa huýt sáo, ra phố Bờ Sông.
Cảnh thuyền bè chen chúc, người đi lại tấp nập, hàng quán chật chội chen lấn nhau bên vỉa hè, trước đây từng làm Hùng say mê thì nay bỗng gợi nó nhớ lại làng Phượng Vĩ.
Ôi, làng Phượng êm đềm và thoáng mát, cảnh gia đình ấm cúng nhà bác Thành, thằng Nam tồ nhưng dễ thương và bé Kì Nam nhiều tình cảm. Kỷ niệm chồng chất vụt sống trở lại. Giá như chú Quảng không hy sinh, giá Hùng có thể ở lại làng Phượng thêm vài tháng nữa cho hết năm học. Nhưng đâu có lường được chữ ngờ! Trong lòng Hùng chỉ còn một tình cảm tiếc nuối da diết. Nó tự bảo mình không được buồn rầu, yếu đuối, mà phải can đảm xông vào sóng gió. Nó biết những ngày sắp tới không êm dịu gì, đòi hỏi nó phải dũng cảm và tự tin.
Đang mơ mộng, Hùng vấp phải một thằng bé mặc quần soóc có thêu hoa đang ngồi thả thuyền giấy bên cái rãnh nước ri rỉ chảy từ trong một hốc tường ra. Chân thằng bé cột một sợi dây dù dài màu cỏ úa. Đầu kia sợi dây buộc vào một cái hòm gỗ. Bên trên hòm là một cái êtô, một sợi dây thép treo lủng lẳng nhiều chùm chìa khóa. Cạnh hòm, một người đàn ông gù lưng đang cúi xuống dũa dũa cái gì đó. Người đàn ông ngẩng đầu lên nhìn. Hùng nhận ra anh ta. Nó gọi:
– Anh Đảm!
– Hùng Lé phải không? Mày đi đâu mà biệt tích?
– Sao anh buộc dây vào thằng bé thế này?
– Phải chăn nó không thì nó biến ngay xuống đường, xe kẹp chết. Vợ tao đi làm rồi, nó giao thằng bé cho tao.
Anh Đảm gù lưng, chân phải bị teo từ nhỏ. Anh không làm được việc nặng nên mang hòm đồ ra vỉa hè mà chữa khóa. Anh kể rằng cách đây chục năm, một đêm mưa gió, có một ông già gõ cửa nhà anh xin trú nhờ. Anh mời ông vào, dọn cơm cho ông ăn. Ông bị cảm lạnh, anh cho ông ở trong nhà chạy chữa gần nửa tháng trời. Biết vợ chồng anh tử tế mà anh thì tàn tật, ông già truyền lại cho nghề chữa khóa, cái nghề đã nuôi ông năm chục năm nay và dắt ông lang thang từ thành phố này đến thành phố khác. Hồi Hùng còn “làm ăn” với Sáu Xồm, anh Đảm là người chuyên đánh cho Hùng những chiếc chìa khóa theo mẫu nến hay mẫu vẽ chì của nó. Trong chùm chìa khóa “vạn năng” mà Hùng đã vứt xuống sông Tam Bạc có hơn một nửa là do anh Đảm đánh. Những chìa khóa anh làm không chê vào đâu được. Chính xác đến mức tưởng chỉ chạm vào là ổ khóa cũng bật ra. Có tiền, Hùng trả công anh hào phóng, hết tiền thì nó ngồi với anh, đưa cái tài mở khóa ra giúp anh. Không có ổ khóa nào khách đưa đến mà Hùng không tìm ra mẫu chìa. Anh Đảm cứ thế mà dũa, đỡ được bao nhiêu công mò, lại làm vừa lòng khách. Chắc chắn là anh Đảm biết Hùng đánh chìa khóa không phải để chơi hay mở hòm xiểng nhà nó. Nhưng tính anh vốn hiền, lại sẵn cái ù lì vốn có của những người thợ khóa, anh không hề chõ mũi vào công việc của Hùng. Chỉ có một lần, dạo đó anh Đảm quá đông khách, công việc làm không xuể, anh bảo Hùng làm khóa chung với anh, lời lãi hai anh em chia đôi. “Còn hơn là dân mổ!” – Anh nói. Nhưng dạo đó thì Hùng thiết gì. Làm sao một con chim đang bay nhảy, tự do như Hùng lại chịu ngồi gò lưng suốt ngày với chiếc dũa lấy vài đồng bạc!
Anh Đảm gọi, con bé bán nước bên cạnh đưa cho hai anh em hai cốc nước chè và hai điếu CAPSTAN. Anh Đảm đưa một điếu cho Hùng.
– Anh trúng gì mà xài sang thế? – Hùng hỏi.
– Trúng gì cái nghề sửa khóa! Nhưng dạo này người ta sắm khóa nhiều, tao đông khách lắm, kì cạch là có hào. Tao cứ nhớ lời ông cụ Bàn: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Thế mà đúng. Không biết ông cụ trôi giạt đến phương nào. Thoát được mày, nhiều lúc tao cũng mừng. Từ nay tao không có đánh chìa khóa cho chú mày nữa đâu nha. Thất đức lắm. Tao có con trai rồi, tao phải lo cho tương lai của nó, mày thông cảm.
– Anh khỏi lo. Em bỏ hội chúng nó hơn nửa năm nay rồi.
Mắt anh Đảm chợt sáng. Hình như đó là điều anh mong ước cho Hùng từ bao lâu mà do bản tính hiền lành, chịu đựng, anh không nói ra được.
– Vậy à? Thế thì tao mừng cho mày. Phải đấy Hùng ạ. Tương lai mày còn dài, mày phải tu tỉnh dần đi chứ. Vậy bây giờ mày làm gì?
– Chưa làm gì cả. Đang lang thang thì gặp anh đấy.
– Ở đây làm khóa với tao! Có mày thì tao còn đông khách nữa. Anh em đùm bọc lấy nhau, Hùng, mày ưng chứ?
Anh lại nhìn Hùng, đôi mắt buồn buồn của con người tàn tật, chịu thương chịu khó lóe lên tia hi vọng. Hình như anh chưa tin vào lời Hùng nói. Làm sao trong vài ba tháng lại có thể thay đổi được Hùng Lé, Hùng-vạn-năng, thành một thằng bé ngoan ngoãn? Cái gì xảy ra vậy? Hùng nhìn lại anh. Nó hiểu những câu hỏi không thành lời trong đôi mắt ấy. Ôi giá mà anh Đảm biết Hùng đã sống những năm tháng vừa qua như thế nào. Giá anh biết Hùng đã gặp, đã được đùm bọc thương yêu giữa những người tốt bụng như thế nào. Chắc là anh sẽ không nhìn Hùng ngạc nhiên như vậy đâu.
– Xong rồi, anh Đảm ạ. Em sẽ làm với anh.
Thế là từ hôm đó Hùng ở lại nhà anh Đảm. Nhà anh xây gạch, lợp giấy dầu, ở sâu vào trong ngõ, cách chỗ anh bày hàng không xa. Chị Đảm trẻ hơn anh bảy, tám tuổi, trông nhí nhảnh như trẻ con. Chị làm thợ hàn ở xí nghiệp đánh cá. Sáng sớm, chị dậy từ lúc đài nói, nấu cơm, đơm vào cặp lồng mang đi ăn trưa, mãi đến chiều tối mới về. Hôm nào mắt chị cũng đỏ hoe như vừa khóc. Những lúc đó trông mắt chị càng đẹp. Nó toát lên vẻ dịu dàng, âu yếm nữa. Hùng tự hỏi không hiểu sao chị lại lấy một người tàn tật và xấu trai như anh Đảm. Nhưng chỉ qua vài hôm là Hùng tự giải đáp được điều đó. Chị là một người ít nghĩ đến mình, ít tính toán chi li như vài người đàn bà mà Hùng biết. Hầu như ngoài công việc nhà máy ra, chị chỉ lo lắng cho thằng Minh và anh Đảm. Bây giờ trong nhà có thêm Hùng, chị san sẻ ngay sự chăm lo đó cho Hùng mà không một chút gợn trong mắt, không một lời nặng nhẹ. Có những ngày đông khách, sẩm tối hai anh em mới về, Hùng thấy bàn đã bày sẵn cơm canh. Và trên dây, cái áo lấm lem dầu mỡ của Hùng đã được phơi phóng cạnh bộ quần áo thợ của chị. Về khoản tiền nong, chính là chị chứ không phải anh Đảm lo toan. Ngoài tiền ăn uống mà Hùng biết chị lấy rất ít, chị chia số còn lại làm ba phần. Chị đưa cho Hùng một. Anh Đảm gò cho Hùng một cái hộp tôn, hàn kín lại, chỉ chừa một khe nhỏ. Lúc nào chị đưa tiền, Hùng nhét tất cả vào đấy. Hùng quyết chừa thói ăn quà vặt đã quen từ bao năm. Với cái đà công việc suôn chảy như thế này, khoảng nửa năm là Hùng đã có thể cầm trong tay một số tiền kha khá do mồ hôi nước mắt của mình làm ra. Nó sẽ gói số tiền dính dầu mỡ của bàn tay vào một tờ giấy sạch sẽ và hôm nào đó, sẽ đưa cho mẹ. Cảnh sống khó khăn của một gia đình đông con ở khu mỏ luôn ám ảnh nó từ ngày ra đi và nó không nghĩ được gì khác hơn để bày tỏ tình thương đối với mẹ mình bằng cách đó. Khi Hùng nói tới chuyện ấy, chị Đảm vui vẻ:
– Hôm ấy thế nào chị cũng gửi thằng Minh rồi đi với em. Chị im lặng một lát rồi nói tiếp:
– Nhưng chắc gì mẹ em đã sung sướng vì em đưa tiền về.
– Mẹ em nghèo lắm.
Chị giắt kim vào miếng vải đang khâu dở, nhìn Hùng:
– Trước đây chị chưa biết điều này, nhưng bây giờ chị đã có con trai, chị thấy thế này, Hùng ạ. Người mẹ nào cũng thương con, hy sinh cho con. Người mẹ nào cũng tận tụy như con gà mái, luôn biết bới móc cho đàn con mình no bụng. Cuộc sống có khó khăn đến đâu, nghèo khổ đến đâu cũng không làm các bà mẹ nản lòng. Miễn là… Hùng đừng giận chị nhé, miễn là họ nhìn thấy con mình ngoan ngoãn, chịu khó học hành và không hư hỏng. Chị nói thật với em, phần thưởng làm vui lòng mẹ em nhất chính là con người em đó!
Chị hỏi Hùng về việc học tập. Khi biết Hùng đang học dở lớp sáu, chị vui vẻ:
– Vậy là em với chị cùng học một lớp rồi. Để tuần này chị gặp cán bộ văn hóa nhà máy hỏi xem, chị em ta cùng đi học lớp bổ túc nhà máy. Đêm nào cũng thấy hai anh em ngồi đánh bài, sốt cả ruột.
Nói là làm, hai hôm sau chị bảo đã xin cho Hùng vào lớp. Từ nay, thứ Hai và thứ Năm, ăn cơm xong hai chị em sẽ ngồi chung xe đạp, cùng đi.
– Chị không rẻ rúng nghề chữa khóa – Chị nói – nếu thế thì chị đã không lấy anh Đảm. Nhưng anh Đảm khác, mà em khác, Hùng ạ. Em có thể làm một nghề gì đó có ích cho xã hội nhiều hơn nghề chữa khóa. Em có muốn làm thợ hàn không? Nên dành việc nhẹ cho những người như anh Đảm. Học xong cấp hai, chị sẽ xin cho em vào lớp học nghề của xí nghiệp. Chị sẽ bảo thêm cho em, kèm cặp cho em.
Lúc đó Hùng không trả lời chị, nó rơm rớm nước mắt. Trước hết hãy đi học văn hóa với chị Đảm cái đã. Trước mắt, cuộc sống đang mỉm cười. Hùng thấy được sống lại trong tình thương yêu như ngày còn ở dưới mái tranh nhà bác Thành. Nhưng khác xa với hồi đó. Giờ đây nó có một việc làm thích hợp với khả năng, có tiền để dành từng ngày một. Và vui sướng làm sao, có một người chị tuyệt vời biết dẫn dắt nó tới một tương lai tươi sáng.
Hùng-vạn-năng đã lại thành thợ chữa khóa. Cây mở khóa có hạng vài năm trước đây bây giờ ngồi giũa chìa khóa, tẩn mẩn góp nhặt, lựa chọn những cái lò xo, những viên bi bé tẹo, tháo tháo, lắp lắp bên cạnh một anh gù với cái chân thọt nhũng nhẵng. Kiếm ra đồng tiền cũng chẳng dễ gì. Nhiều lúc mỏi lưng, đau tay, Hùng muốn đứng dậy, bỏ tất cả đó mà lang thang một lúc. Nhưng nó bặm môi lại làm việc, biết rằng, nếu có lần nào đó bỏ đi, tức là có thể bỏ đi mãi mãi. Và không biết cái thành phố rộng lớn này sẽ nuốt chửng nó đến lúc nào mới nhả ra.
Phố Bờ Sông có những đặc điểm riêng của thành phố cửa biển. Nhánh sông nước mặn ngoẹo từ sông Cấm vào đây trút lên bờ những đống hàng hóa từ biển: ràng ràng, mai mực, cá khô, những thứ hải sản không đếm xuể. Những cánh buôn từ các đảo về, từ các tỉnh lân cận đến bằng thuyền, bằng ca nô chạy máy. Rồi gỗ lạt, những bè gỗ thối hoăng hoắc mùi cỏ cây ngấm nước. Bên vỉa hè thì hàng quán mọc như nấm. Trứng vịt lộn, sò huyết, sò lông ăn với bánh đa nướng, can bia hơi xếp hàng dãy, cạnh những cái hỏa lò quạt than, mực nướng thơm ngát mũi. Rồi các thứ nghề vặt: thợ khóa, thợ đồng hồ, chữa xe đạp, người buôn lậu hàng xa xỉ, những người bán rong thuốc hắc lào, hôi nách, trẻ con rao kem bằng những chiếc còi hơi toe toe.
Cái hòm đồ nghề có dây chìa khóa lủng lẳng của hai anh em Hùng lọt thỏm vào khung cảnh ồn ào, sầm uất ấy suốt ngày. Tất cả đã thành quen. Nhiều lúc, vẫn ngồi giữa chỗ huyên náo mà Hùng không nghe thấy gì hết. Nó chăm chú vào công việc, chỉ ngẩng lên nói một hai câu với khách hàng rồi lại cúi xuống, cái dũa, cái búa con luôn tay.
Nhưng mấy hôm nay có một người trong đám đông vẫn thường ăn uống, qua lại bên vỉa hè đối diện, chú ý đến chú bé chữa khóa. Gã đến đây uống bia, ăn sò, tán mấy cô gái bán trứng vịt lộn và mắt vẫn không rời cái hòm gỗ và hai người thợ khóa. Có lúc gã vờ như không có chuyện gì làm, hỏi cô bán bia:
– Này, Đảm gù tha được ở đâu về thằng nhóc kháu khỉnh nhỉ?
– Em nuôi đấy – Cô gái nói – Từ ngày có nó cùng làm, hàng khóa ông Đảm đông hẳn lên. Nghe nói tài nghệ thằng bé “trên tay can” ông anh nữa kia.
– Quý hóa nhỉ! Thằng bé tên gì vậy cô em?
– Thì ông anh sang đó mà hỏi. Nghe ông Đảm gọi nó là Hùng Lé, nhưng nào có thấy lé gì đâu.
Người thanh niên đứng dậy và chiều hôm sau gã mang đến một cái khóa xe đạp hỏng. Lúc bấy giờ bóng tối đã chờn vờn trên mặt sông, đọng lại thành hốc đen đen giữa các bè gỗ dập dềnh. Phố chưa lên đèn, thành ra hai anh em phải bê hòm gỗ lùi xa bức tường cao, ăn mày chút nắng lọt qua ngôi nhà trệt phía sau.
– Này, chú em, chữa hộ cái khóa xe.
Gã thanh niên đưa chiếc khóa hỏng cho Hùng. Theo thói quen, Hùng chưa vội nhìn khách mà chỉ lật đi lật lại cái khóa.
– Làm đủ hai chìa, anh cho sáu đồng. Em tính rẻ. Mai anh lại lấy.
Hùng ngẩng đầu nhìn khách. Một hơi gió lạnh chạy dọc xương sống nó. Một khuôn mặt quen quen. Đúng là Hùng đã gặp gã thanh niên ở đâu rồi mà không nhớ ra được. Nó cúi đầu xuống nhìn cái khóa để che sự bối rối.
– Được, mai lấy. Làm tốt thì đến nhà chữa hộ cái khóa tủ bị hóc. Nhớ nhá!
Anh Đảm vui vẻ vì được khen. Đối với anh, niềm vui lớn nhất là lời khen của khách hàng. Với một người tàn phế như anh, niềm vui ấy thật dễ hiểu.
Thôi, đúng rồi, Hùng chợt thấy tia sáng trong đầu. Một thằng trong “hội trên sông”. Một lần, khi Sáu Xồm bàn chuyện làm ăn với hội này đầu mui thuyền 162, Hùng tò mò nhìn chúng qua khe hở vách thuyền và chú ý đến gã thanh niên này. Lúc đó hắn tỏ ra là một tay tài ba. Sáu Xồm có vẻ nể gã. Bỗng chốc những kỷ niệm khủng khiếp về con thuyền TX 162 sống dậy. Hùng muốn đẩy lùi chúng vào quá khứ, nhưng chúng vẫn không buông tha Hùng. Nên thế nào đây? Hùng quyết định rất nhanh. Không, trong hoàn cảnh này, Hùng không thể chỉ là một anh thợ khóa bình thường, kiếm sống qua ngày. Hùng còn phải trả món nợ đối với chú Quảng, đối với những người đã bao bọc Hùng trong tình thương mến. Đây có thể là sự khởi đầu cho một cuộc phiêu lưu mới đầy rẫy hiểm nghèo. Nhưng không thể nào khác được. Mong sao đây là cuộc phiêu lưu cuối cùng. Tạm biệt nghề chữa khóa, tạm biệt những ngày sống êm đềm dưới mái nhà anh chị Đảm.
– Nếu anh Đảm nhận lời thì em sẽ đi với anh – Hùng nói – Nhưng anh định chi cho bao nhiêu? Nếu đến nhà chữa thì giá phải khác đấy.
– Chú mày không lo cái khoản ấy. Chẳng nhẽ anh đây không đủ tiền trả công cho chú mày sao?
– Vậy thì chiều mai anh đến đây, em sẽ đi!
– Đúng đấy – Anh Đảm nói – Chiều mai mới được. Bây giờ tối rồi.
Gã thanh niên do dự. Nhưng gã thấy đòi hỏi của chú bé thợ khóa là hợp lí.
– Được, chiều mai. Năm giờ.
Tối đó, khi Hùng ra phố, chị Đảm nhìn theo, đôi mắt lo ngại. Ôi, giá có thể nói với chị tất cả để chị khỏi lo lắng về em. Nhưng xin khất chị dịp khác.
Ở nhà chị Hoa, anh Yêm ôm chầm lấy Hùng. Chị Hoa đang lúi húi luộc ốc dưới bếp.
– Anh chắc là em sẽ đến. Nếu không, anh cũng tìm em – Anh hạ giọng – Vì chú Quảng mất đột ngột nên các anh ấy phải thử thách và kiểm tra em một thời gian. Em đừng trách là tại sao mấy tháng nay anh không gặp em. Không gặp nhưng không hề quên em. Và có thể là không rời em nữa cơ đấy. Đến hôm nay các anh ấy cho phép anh nói với em một số chi tiết để em hiểu mà tìm cách đối phó trong những hoàn cảnh bất thường.
Hùng nói:
– Một thằng ở hội trên sông tìm em…
– Trước đây em có quen hắn không?
– Em nhìn thấy hắn, nhưng hắn không biết em.
– Vậy à? Có thể là tình cờ nhưng cũng có thể là Sáu… Sáu Xồm! Em hiểu chưa! Nói một cách khác, may ra có thể đó là một dúm lông cọp cho ta biết cọp vừa đi qua. Chắc chú Quảng đã nói cho em biết Sáu Xồm đã vượt ngục? Mấy tháng nay không thấy bóng dáng nó đâu.
– Em có nên đi với thằng trên sông kia không anh?
Anh Yêm suy nghĩ một lúc. Anh ngước nhìn cái cầu thang gỗ trong nhà chị Hoa. Anh nói:
– Như cái thang kia. Chúng ta sẽ bước lên từng bước một. Cho đến bậc cuối cùng. Hùng ạ, anh nói thật với Hùng, hiện nay Sáu Xồm và Cóc Vàng đều biến mất, không một cái tăm! Mọi cố gắng của chúng ta đều vô hiệu. Trong tình thế đó thì hẳn em biết, việc một thằng ở hội trên sông, vốn là chỗ cánh hẩu làm ăn với Sáu Xồm, đến tìm em có giá trị như thế nào. Đây là những cái bậc thang: em, thằng hội trên sông… sau nó là ai? Hãy giả thiết là Sáu Xồm. Và sau Sáu Xồm… Nhưng tất cả chỉ mới là phán đoán. Vậy thì hãy đi bước đầu tiên. Giao việc này cho em đó.
– Nghĩa là anh cho em đi với nó. Nhưng em phải làm gì?
– Thế này, đơn giản thôi. Ta không biết con cọp đang nằm chỗ nào trong rừng thẳm. Ta đành thả ra một chú nai con. Theo dấu chân nai thì dễ vì đó là một con nai nhà. Và may ra có thể lần ra con cọp. Em cứ đi với hắn. Tất nhiên ngay từ bây giờ, bọn anh sẽ không rời em một bước. Bọn anh sẽ bám sát em. Em hiểu chưa?
– Em hiểu. Nhưng em phải làm gì?
– Đẹp nhất là vào được băng của chúng nó. Vào đó rồi em sẽ làm gì thì anh không thể nói trước với em được. Chỉ có thể dặn em một câu là phải dũng cảm và tỉnh táo. Luôn luôn tin rằng các anh sẽ không rời em. Em làm được chứ, Hùng?
– Em làm được.
– Hai anh em bàn nhau chuyện gì có vẻ bí mật vậy? – Chị Hoa từ dưới bếp lên. Tay chị bưng một rá ốc giấy bốc hơi thơm ngào ngạt.
– Anh đang đố Hùng cái gì mồm bò mà không phải mồm bò, mà lại chính là mồm bò. Vậy mà Hùng chịu đấy.
– Em nghĩ ra rồi. Con ốc. Đúng là con ốc!
Ôi, giá như không còn cái lũ kia mà chiều tối nào cũng được đến nhà chị Hoa ăn ốc luộc với hai người này chứ?
Hùng mang theo một chùm chìa khóa chưa giũa, đi theo gã thanh niên. Bé Minh, từ lâu nay nhờ có Hùng mà thoát khỏi cái dây dù lằng nhằng ở cổ chân, mếu máo đòi đi theo. Hùng ôm bé lên, hôn mấy cái vào má bé. Có thể là phải lâu lắm nữa mới gặp lại bé, anh chị Đảm và phố Bờ Sông quen thuộc. Hùng muốn khóc quá đi mất. Nó chùi những giọt nước mắt của bé Minh vương vào má mình, rồi bước đi.
Trời đã tối. Dạo này thiếu điện nên không có đèn đường. Cả điện trong các dãy nhà hai bên phố cũng bị cắt. Tối như đường làng. Gã thanh niên đưa thuốc cho Hùng hút, thân mật khoác tay Hùng, dẫn Hùng vào một cái ngõ. Hai người dừng lại trước một hàng rào râm bụt. Xung quanh im ắng như tờ. Hải Phòng có những cái ngõ ăn từ đường phố chính vào, nhưng vừa đưa chân được mấy bước là người ta tưởng mình đang ở nhà quê. Hàng rào râm bụt, rãnh nước chảy róc rách, tiếng chó sủa, gà gáy lẫn với mùi hương trầm xa xôi và yên tĩnh.
Gã thanh niên đẩy cánh cửa gỗ cạnh hàng rào. Một con chó xồ ra. “Bi!” – Gã mắng con chó rồi đưa tay mở khóa cửa. Ai đó trong nhà vặn to ngọn đèn dầu. Hùng thấy lóa. Nó định thần, đưa tay lên che ngang mắt. Trước mắt nó, ngồi choán chật cả một cái xa lông bọc vải nhựa là một người đàn ông to lớn, cằm ngựa. Sáu Xồm! Đúng là hắn, chỉ hơi khác là bộ râu xồm đã biến mất.
– Anh Sáu! – Hùng chủ động chào hỏi người chủ nhà. Một tràng cười gằn làm Hùng sởn da gà.
– Xin chào Hùng Lé! Chào chiến hữu! Chú mình đâu có ngờ được gặp lại anh Sáu, anh chính là anh Sáu của chú mình đấy, nhà thám tử nửa mùa ạ.
Gã thanh niên khép cửa lại. “Bi, ra sân!” – Gã ra lệnh cho con chó.
– Nói gọn thế này nhá – Sáu kéo Hùng lại, ấn nó ngồi vào cái thành cong của chiếc ghế xa lông – Mọi ân oán giang hồ và tất cả tội lỗi anh tha cho chú mày. Chú mày biết anh rồi đấy. Anh đã hứa là như đinh đóng cột.
– Em có lỗi gì đâu? – Hùng đã lấy được bình tĩnh. Câu nói của Sáu Xồm kéo nó trở lại không khí quen thuộc trước đây. Nó nhập vai nhanh, không chút hồi hộp – Anh bảo em có tội gì nào?
– Đừng bắt anh phải kể ra, Hùng Lé. Đã bảo tha là tha. Khỏi bàn. Vả lại, kể từ lúc này trở đi, nếu chú mày muốn phản thùng anh lần nữa thì chỉ có chết. Bởi vì chú mày sẽ mãi mãi bên cạnh anh, trong vòng tay của anh. Chú mày hiểu chưa? – Sáu đứng dậy châm thuốc hút – Nếu thằng đệ tử nào khác phản anh, nó sẽ lãnh đủ. Nhưng với Hùng Lé, anh không nỡ. Vả lại, anh cũng đang cần chú. Hút đi, CAPSTAN đấy. Lạ thật, ngồi trong tù tưởng tượng gặp lại mày tao sẽ băm mày ra, nhưng cuối cùng mày vẫn làm tao mến. Mày tin là tao tha rồi chứ?
– Em chẳng có tội gì mà anh phải tha.
Mắt Sáu ánh lên một tia giận dữ nhưng dịu ngay lại:
– Tội gì á? Mày đã bán tao cho công an! Đáng lẽ tao phải ót mày. Nhưng tao không nỡ. Tao nhớ những lần mày đã cứu tao. Mày có nhớ không, Hùng? Hôm suýt nữa tao bị chúng tít bên sông Tam Bạc khi tao vừa luộc một thằng thuyền chài. Mày đã liều mình đánh lạc hướng bọn cá để tao có thì giờ chạy thoát. Không biết ơn đệ tử đối với mình thì không đáng mặt thủ lĩnh. Tao không phải là loại người như vậy. Vả lại, dù sao thì mày cũng chỉ là một thằng ranh con, tao không chấp. Tao tha!
– Em tin anh, anh Sáu – Hùng điềm nhiên nói.
– Thôi, tin hay không, khỏi bàn. Bây giờ tao đánh bài mở với mày vì mày đang trong tay tao. Thế này, cánh chúng ta đã chuẩn bị xong để vù. Vài ngày đi biển là đổi đời, tha hồ vi vu.
– Anh đi làm gì, anh Sáu? Ở đây anh làm thủ lĩnh có phải oai hơn không? Sang bên đó anh chỉ là một lính mổ.
– Ha! Ha! Chú mày đánh giá ông anh thấp quá đấy, Hùng Lé ạ. Thế chú mày tưởng anh sang Hồng Kông, sang Canada để quét rác hay đổ bô cho lũ Tây đầm hôi như chuột chù ấy à? Sang đó tao cũng sẽ làm thủ lĩnh! Tao sẽ lập một băng của tao. Nếu bên đó có Maphia của Ý, có Báo Đen của tụi Tàu thì sao lại không thể có một băng của tao, một Voi Ngà của người Việt! Xem ra người Việt Nam mình đâu có thua gì tụi nó.
Xem cung cách ăn nói của Sáu Xồm, Hùng thấy chuyện ra đi của họ đang tính từng ngày một. Có lẽ chờ đến phút chót họ mới tìm cách nhử Hùng đến. Vậy là giờ đã điểm. Con nai con của anh Yêm đang nằm trong vuốt cọp mà con cọp thì sắp nhảy qua hàng rào để biến vào rừng xanh. Cần phải trì hoãn chuyến đi của chúng chừng nào hay chừng đó. Hùng tin rằng mình nghĩ đúng. Phải giữ con cọp ở bên này hàng rào.
– Vậy thì các anh cứ đi – Hùng nói – Các anh cần gì em nữa?
– À, đây là chuyện tình nghĩa, chú mày hiểu chưa? Đã gọi là mở bài ra thì anh cũng chẳng giấu gì chú. Thế này, chú sẽ đi với bọn anh!
– Các anh bỏ tiền ra cho một thằng như em đi để làm gì cho phí?
– Không đâu, Hùng ạ. Trong chốn giang hồ anh chưa gặp được thằng bé nào tài hoa như chú – Sáu đặt tay lên tóc Hùng tỏ vẻ dịu dàng – Anh không muốn bỏ phí một tài năng. Sang bên đó em hữu dụng lắm.
– Em không đi đâu. Em sợ lắm.
– Còn sợ cái cóc khô gì cơ chứ? Nhưng hôm nay anh đưa chú đến đây đâu phải để hỏi chú muốn đi hay không đi. Chú biết rồi đó, chuyện ấy không phải là quyền ở chú.
– Thế nghĩa là các anh bắt cóc em à?
– Đúng như thế đấy. Vả lại, đâu chỉ là do anh. Ông Lớn cũng muốn chú đi cùng. Anh phải làm theo ý ông.
– Ông Lớn là ai?
– Chú mày tò mò nhiều quá đấy. Cũng không phải sợ chú mà anh giấu đâu. Nhưng chính anh cũng không biết rõ Ông Lớn là ai nữa. Chỉ biết đó là người bỏ tiền ra cho tất cả chuyến đi này. Bọn anh tiêu tiền của ổng và phải làm theo lệnh của ổng.
Sáu Xồm đưa tay xem đồng hồ rồi quay sang gã thanh niên.
– Chú mày ra bến lần nữa đi. Hẹn họ đúng mười hai giờ, phải ra lần nữa cho chắc chắn.
Hùng mếu máo:
– Các anh định đi đêm nay thật à? Anh Sáu, anh ác lắm.
Em còn mẹ, còn em… Vậy mà anh nỡ…
– Đẹp ra thì con nuôi má, tàn đời thì con nuôi cá, hoặc là má nuôi con. Chú mày hiểu rồi chứ? Vài ngày lênh đênh là cuộc đời chú mày lên tiên, chú mày gửi hòm đồ về cho mẹ. Rủi to thì vào bụng cá. Rủi vừa vừa thì lộn về, mẹ chú mày sẽ đưa cơm nuôi chú mày trong nhà tù. Nam nhi là đời phải thế. Vậy mà anh cứ tưởng Hùng Lé là đấng nam nhi cơ đấy.
– Nếu anh không thả em ra, em kêu lên thì sao?
– Nếu vậy là chú mày quên phứt rằng anh là Sáu Xồm chứ đâu phải một thằng quỷnh. Chú mày quên anh là ai rồi à?
– Chẳng thà em chết trong tay anh còn hơn.
– Yêng hùng nhỉ. Trong đời giang hồ, anh chưa gặp ca nào thế này. Không thằng nào chọn cái chết đâu. Chú mày khó gạt anh lắm. Thôi, nói thế đủ rồi, chợp mắt một tí đi. Đồ đạc khỏi cần. Tất cả đã có sẵn ở địa điểm chính. Ta sẽ ra đi như người đi cầu vậy thôi.
Sáu Xồm thuê một chiếc xích lô chở cả ba ra phố Bờ Sông. Hùng ngồi kẹt vào giữa Sáu Xồm và gã thanh niên. Trời lún phún mưa nên cái mui xe bỏ xuống một cách khá tự nhiên. Hùng không định nhảy xuống, tuy rằng có muốn vậy cũng chẳng làm được. Nó ngồi như con khỉ con giữa hai tài tử xiếc có võ thuật cao cường. Một cựa quậy nhỏ cũng không xong. Nhưng Hùng tin rằng các chú công an “cho phép” Hùng đi với Sáu Xồm không phải để giúp hắn tổ chức một chuyến chạy trốn trót lọt. Trừ phi là trời sụp! Nghĩ vậy, nó bình tĩnh hơn và chỉ còn tính cách đối phó với những tình huống bất ngờ.
Một chiếc thuyền chạy biển nhỏ đã đợi sẵn ở bến. Khi chiếc xích lô dừng lại thì, gọn gàng như một anh đồ tể lành nghề, Sáu Xồm kéo Hùng xuống cầu ván trong một chớp mắt. Gã thanh niên trả tiền xích lô. Gã than vãn rằng đi câu tôm mà “chém nhau thế này thì lỗ cả vốn”. Hùng biết gã nấn ná lại trên bờ sông để xem có “đuôi” không. Một chốc, gã nhảy vào khoang thuyền:
– Phới thôi, anh Sáu!
– Xem lại giấy tờ đi, thế nào cũng bị chẩm ở trạm Hoàng Châu đấy.
– Khỏi lo, anh Sáu. Chẳng ông công an nào thức vào giờ này đâu.
– Chú mày ngốc lắm. Không bị chẩm thì mới là đáng ngại.
Mày tưởng người ta sinh ra bộ đội biên phòng để ngủ à?
Một mình gã thanh niên xoay xở với con thuyền và lá buồm cánh dơi. Vốn là hội trên sông, gã tỏ ra thành thạo với đống dây dợ, vải vóc rối rắm trên mui thuyền. Hùng biết trong chuyến vượt biển này Sáu Xồm cần gã còn hơn Hùng nữa. Vì sao Sáu cay cú đưa Hùng đi cho bằng được? Hùng tìm cách tự giải đáp câu hỏi vẫn lởn vởn trong đầu nó từ tối tới giờ mà không được.
Sáu Xồm kẹp chặt Hùng trong tay hắn. Hình như hắn muốn kiểm soát cả ý nghĩ của Hùng nữa. Trong khi đó thì gã thanh niên đi lại trên mui thuyền. Buồm đã giương, con thuyền rời bến.
Gió mùa đông bắc thổi chênh chếch ngược hướng thuyền đi. Gã thanh niên ngồi cầm lái. Cứ mỗi lúc thuyền đi sang bờ này thì gã lật buồm, ăn gió bên kia. Con thuyền đi chữ chi trên sông Cẩm thật chật chội tàu bè, hướng ra biển.
Ánh sáng của tàu nước ngoài đậu trên bến cảng rọi chút ít vào khoang thuyền tối om. Hùng nhìn thấy Sáu Xồm đổ mồ hôi trán. Mặt mũi hắn toát lên một nỗi sợ thực sự. Hồi tối hắn tự tin bao nhiêu thì bây giờ nom hắn lúng túng bấy nhiêu. Cái sợ của hắn lây sang Hùng. Những phút căng thẳng trong thuyền thật quá sức chịu đựng của chú bé. Tay Hùng run run trong tay Sáu.
– Sợ hả, chú em? Anh cũng sợ lắm. Nhưng chịu khó một chốc nữa thôi. Ngoài kia là biển cả, là tự do rồi.
– Sắp đến Hoàng Châu, anh Sáu!
Gã thanh niên nói vọng trên mui thuyền xuống. Sáu Xồm đưa mạnh tay phải quật Hùng xuống chiếu. Nhanh như cắt hắn trói cổ tay Hùng rồi cột giò lại với chân như người ta trói một con lợn. Không để cho Hùng kịp phản ứng gì, hắn nhét chiếc khăn rửa mặt đầy miệng Hùng, mở tấm ván sạp thuyền ra, đặt Hùng xuống. Hắn nói:
– Chịu khó nằm dưới này một chút, chú em nhé. Hắn đậy tấm ván lại.
Hùng nghe tiếng ca nô tiến lại gần con thuyền.
– Vâng, có ngay. Mời các anh vào thuyền uống nước đã. Cạch. Mạn ca nô chạm vào vách thuyền. Có tiếng nói.
Tiếng trả lời. Tiếng “dạ” ngọt ngào của Sáu và gã thanh niên.
Tiếng ca nô rời xa. Bây giờ chỉ nghe thấy sóng biển ầm ì.
Tấm ván được kéo ra. Sáu Xồm nhấc Hùng lên:
– Chú mày thông cảm, tình thế phải vậy. Nếu không làm thế, chú mình nộp bọn anh cho mấy ông biên phòng thì sao?
Hắn rút chiếc khăn trong miệng Hùng ra, cởi trói cho nó.
– Bây giờ thì chú em lên mui thuyền ngồi chơi thoải mái.
Nhớ là đừng nhảy xuống làm mồi cho cá đấy!
Sau những giờ phút bị trói gô lại như con lợn trong lòng thuyền mà được bó gối ngồi ngắm cảnh cũng thích. Mặt biển sáng trăng non. Cơn mưa nhỏ tạnh từ lúc nào. Bầu trời trong suốt lộ ra những chòm sao màu trắng. Hùng nhìn thấy vệt chân trời đen đen phía Nam. Nó biết đấy là Đồ Sơn. Ngọn đèn biển Hòn Dấu nhấp nháy rọi xuống mặt biển xa xăm luồng ánh sáng nhọn hoắt như lưỡi kiếm. Phía bên trái Hùng là những đỉnh núi hình răng cưa của đảo Cát Bà. Hình núi non trông như mây giông mọc lên giữa biển. Xa hơn nữa là ngọn đèn biển Long Châu, thỉnh thoảng lập lòe như tìm tòi gì ở vùng biển dưới chân nó. Biển không ngủ trong đêm. Những đợt sóng ào đến nâng bổng con thuyền nhỏ bé lên cao rồi thả xuống như muốn đùa giỡn. Ngoài tiếng sóng ra, biển lặng thinh và dửng dưng. Không một bóng thuyền. Không một dấu hiệu của con người và mặt đất. Cả đến lửa chài cũng không thấy. Hùng đâm sợ. Nếu Sáu Xồm thoát với con thuyền này thì đời Hùng sẽ ra sao? Sẽ phải chia tay với tất cả. Với Hải Phòng và những người Hùng vô cùng yêu mến, những người Hùng mang nặng công ơn mà chưa đền đáp được mảy may. Nhưng Hùng tự trách mình đã nghĩ vớ vẩn. Làm sao Sáu Xồm có thể vượt biển với con thuyền nhỏ bé này? Trong thuyền lại không có hành trang, thực phẩm, dầu mỡ. Vậy thì điểm hẹn ở đâu? Họ sẽ đi bằng phương tiện gì? Hùng lấy tay phải bẹo vào má để khỏi ngủ quên. Lúc này Hùng cần phải tỉnh táo. Bây giờ chỉ còn mỗi mình Hùng giữa biển khơi với hai thằng cướp. Phía sau, phía trước không một bóng thuyền.
Tảng sáng, thuyền đến Cát Bà. Từ xa, Hùng đã nhìn thấy cảng cá với những cột buồm cao ngất và bóng dáng quen thuộc của đám tàu đánh cá Hạ Long. Một đoàn thuyền đánh cá ra khơi. Tiếng máy nổ giòn trong sáng sớm. Đoàn thuyền máy nối đuôi nhau đi về phía có một tảng mây trắng đang đùn lên ở chân trời đằng Đông. Hùng nghe người ta nói, hôm nào có mây trắng đùn ở phía Đông thì hôm đó cá vào lộng, dân đánh cá vẫn gọi là cá áp lộng. Biển vẫn thanh bình, dửng dưng như không hay biết có con thuyền hiền lành mang những âm mưu mờ ám này. Phía Đồ Sơn, một con tàu trắng lừ lừ vào cửa Nam Triệu. Nghe vẳng xa một tiếng còi tàu. Tiếng còi như bò rống trên mặt biển.
Gã thanh niên không cho thuyền vào cảng cá. Gã lái vòng ra phía sau một hòn núi đá không cao lắm. Đến đây, cả cảng cá Cát Bà bị hòn núi che khuất.
– Vào trạm nuôi đồi mồi! – Sáu Xồm nói với gã thanh niên và hắn ló đầu ra khỏi khoang thuyền – Hùng, xuống đây.
“Hắn lại trói mình chắc?” – Hùng nghĩ. Nhưng lần này hắn lại không trói. Hắn bảo Hùng ngồi cạnh và rút dưới sạp thuyền ra một chiếc bánh mì kẹp patê.
– Ăn tạm miếng bánh, chú mình! Hùng ăn ngon lành.
– Bây giờ thế này nhé. Thuyền sẽ vào điểm hẹn. Ở đó thuyền mẹ gắn máy đã chờ sẵn rồi. Chỉ cần nhảy sang, nổ máy là ra khơi.
– Anh không sợ công an người ta giữ lại à?
– Khỏi lo. Vẫn có một con tàu của đoàn khảo sát đậu ở đây và chiếc tàu này thì giống y hệt. Nhưng nếu có chuyện xảy ra thì… – Sáu Xồm rút trong người ra một khẩu súng ngắn – cái này sẽ nói chuyện với bọn cá chứ không có cách nào khác.
– Nếu thế thì em phải làm gì?
– Tùy chú. Tốt nhất là chui vào một chỗ nào đó, đủ để tránh đạn. Nếu chú mày trở quẻ thì viên đạn đầu tiên của anh là để dành cho chú em đấy.
– Nhưng sao các anh không đi vào ban đêm mà lại giữa ban ngày ban mặt thế kia?
– Tất cả đã được Ông Lớn sắp xếp chu đáo. Người ta có tiền, có rất nhiều tiền, chú hiểu chưa, gì mà người ta chẳng làm được.
Xung quanh đảo Cát Bà có những cái vũng biển hẹp và sâu. Thỉnh thoảng, dưới chân những hòn núi đá lem luốc màu lam, một bãi cát con nhô ra. Cát một màu vàng thắm, nổi bật lên giữa màu xanh nước biển và núi đá. Biển thì xanh rờn và yên ắng như mặt hồ. Khỉ chíu chít đâu đó bên sườn núi và Hùng nhìn thấy một đàn dê trông bé như đám hạt đậu đang nhảy nhót trên những mỏm đá nhọn ở đỉnh núi. Tiếng dê be be nghe như trong mơ. Cảnh vật chung quanh Hùng thật đẹp. Nhưng nó đâu có bình tĩnh như đêm hôm qua ngồi trên thuyền ngắm cảnh biển nữa! Biết đâu có chuyện gì đó bất trắc xảy ra? Hay là từ đêm qua đến nay Hùng phạm một sai sót nào đó làm Sáu Xồm nghi ngờ và hắn đã thay đổi kế hoạch. Gã thanh niên đã ra khỏi nhà trước khi thuyền rời bến khoảng một giờ. Trong thời gian đó gã có thể làm được khối việc. Có thể lúc gã đi, Sáu đã ra lệnh cho gã bằng một mật hiệu nào đó mà Hùng không để ý? Những suy nghĩ mông lung ấy làm đầu óc Hùng quay cuồng. Nó cố lấy lại bình tĩnh. Dù có chuyện gì xảy ra, hy sinh cũng được, Hùng sẽ húc vào bụng ai đó như đã làm trước đây, lúc đối mặt với Thoại Khuỳnh.
Chiếc thuyền con lặng lẽ cặp mạn thuyền lớn. Phải gọi đây là chiếc tàu thì đúng hơn. Gã thanh niên nhảy sang trước, rồi Sáu Xồm kéo Hùng sang theo. Trong tàu đã có hai người, một gầy, một mập. Họ hất hàm chào Sáu Xồm rồi đưa mắt nhìn Hùng khinh khỉnh.
– Chột đâu rồi? – Sáu hỏi.
– Con cáo ấy chưa đến. Hắn chờ đến phút cuối cùng – Người béo nói – Mấy thằng một mắt khó chơi bỏ mẹ.
– Thôi, ông anh – Sáu cười ra vẻ đàn anh – đã dắt díu nhau trao mình cho số phận thì cũng nên chín bỏ làm mười. Chột nó cẩn thận là phải. Vậy là chỉ thiếu Chột và Ông Lớn nữa thôi. Các thứ thì sao?
– Chỉ lo thừa chứ không thiếu.
Sáu Xồm mở lỉn thuyền đếm lại những can nước ngọt và dầu chạy máy. Sữa hộp, lạp xưởng, ruốc thịt đựng trong những cái làn bọc màng mỏng ni lông.
– Xếp và lính (Súng và đạn).
– Đủ.
– Tôi chỉ lo thiếu gan với mật thôi – Sáu nói rồi rút thuốc mời mọi người.
Ngay lúc đó, như từ biển chui lên, một người đàn ông ăn mặc như dân đánh cá, áo xanh rộng ống, quần ta vải diềm bâu nhuộm đà, vai vác một cái te, bước từ một chiếc thẻng – một thứ thuyền con của ngư dân Cát Bà – lên mạn thuyền lớn. Hùng thấy ông ta chỉ có một mắt.
– Ông Lớn đâu rồi? – Sáu Xồm hỏi người chột.
– Ổng ở lại. Ổng cho phép chúng mình đi trước rồi gặp nhau sau.
Sáu chồm đến trước ngực Chột, nhìn hắn bằng đôi mắt lạnh như dao.
– Mày đùa hay thật đấy con?
Hùng biết rằng nếu cần thì Sáu có thể bóp chết ngay con mồi của hắn.
Chột tìm cách vùng ra khỏi vòng tay Sáu. Mặt hắn tái xanh như nhuộm chàm.
– Tôi nào biết được. Tôi chỉ theo lệnh của ổng.
– Mày là mo phải không? Mày định đưa chúng tao vào tròng hả? Sớm sủa quá đấy, ông anh ạ. Tao thịt mày!
“Nếu giết thì hắn đã giết rồi – Hùng nghĩ – thế là thằng Chột thoát”. Và nó dửng dưng theo dõi màn kịch đang diễn ra trong thuyền. Buồn sao, thế là Ông Lớn lại sổng mất!
Sáu buông Chột ra.
– Để tôi nói anh Sáu nghe. Theo tôi thì Ông Lớn không xuống tàu ở đây là phải. Đây mới là cửa ải thứ hai. Anh có thể bị tóm ở Hải Phòng, chúng ta có thể bị xiềng ngay ở đây, nhưng nếu cả hai chuyện ấy xảy ra Ông Lớn vẫn ngoài vòng! Anh hiểu chưa? Tôi chắc rằng ổng sẽ lên tàu với chúng ta.
– Sao mày biết?
– Vì ông ấy chỉ cấp dầu cho ta đủ ra Minh Châu. Ổng dặn là vượt qua Cửa Đối thì sẽ có thuyền tiếp dầu sang mạn ở ngoài biển. Tôi chắc ông ấy sẽ đợi chúng ta ngoài Cửa Đối.
– Đúng là một con cáo già! Nó xua bầy chồn háu ăn vào bẫy, bẫy không sập nó mới đặt chân vào!
– Ông ấy trả tiền cho tất cả, anh nên biết thế.
– Bến bãi thế nào? – Sáu hất hàm.
– Mua bán xong rồi. Anh biết không, quãng biển này bọn áo xanh lại giao cho dân quân canh gác mới đẹp chứ.
– Vậy thì ta đi thôi!
Họ neo chiếc thuyền con không người của Sáu lại giữa vũng biển, lấy mấy cái áo quần vải màu phơi trên mui thuyền, nhóm bếp rồi đổ mùn cưa lên. Gió làm bay tà áo phụ nữ, khói phía sau lái uốn éo, tan dần trên mặt nước. Trông từ xa, người ta tưởng đó là chiếc thuyền câu của một đôi vợ chồng dân chài mới cưới.
Chiếc tàu nổ máy ra đi. Hùng bị dồn vào một góc tối. Nó nhắc thầm những cái tên không thể quên được: Minh Châu, Cửa Đối… Sao thân thuộc lạ lùng, những cái tên đã nghe nhiều lần hồi nhỏ, hồi ở Cẩm Phả. Hãy nhớ lấy: Cửa Đối, Minh Châu…
Thời gian trôi qua chậm chạp, ít nhất là Hùng cũng cảm thấy như thế. Nhờ vào tiếng âm vang đập vào vách tàu, Hùng biết con tàu đang len lách giữa những vũng biển Cát Bà, hai bên là núi đá. Nó cũng biết rằng tàu không ra khơi mà đi về phía Hạ Long. Nhưng thời gian trôi qua sao chậm thế, thật là quá chậm!
o O o
Không phải riêng Hùng mà tất cả mọi người trong tàu đều hồi hộp, sợ hãi. Gã gầy lấy kính trắng ra đeo, ngồi bên cỗ máy tàu. Trông hắn bẹp như gián và cũng chăm chú như con gián khi nó gặp một miếng đường. Hắn không nhìn ai, không nói chuyện với ai. Hình như hắn chỉ có một mối lo sợ: Cỗ máy, phải, nếu máy ngừng thì tính mạng của hắn sẽ ra sao? Thỉnh thoảng Sáu Xồm vứt cho hắn một điếu thuốc. Hắn đưa tay chộp lấy, lặng lẽ châm lửa, đôi mắt lờ đờ sau cặp kính. Gã béo thì đóng vào một bộ quần áo thủy thủ, ra ngồi ngoài mũi tàu. Hùng không thể biết gã làm gì ngoài đó, chỉ nghe tiếng lách cách và thỉnh thoảng gã nói chõ vào bên trong: “Đẹp lắm! Đẹp lắm”. Chắc là gã thấy con tàu ra đi một cách trót lọt. Một con tàu khảo sát vẫn đi về theo kế hoạch vạch trước mà. Nó đã quen thuộc trước ống nhòm và ra-đa của bộ đội biên phòng và hải quân.
Chột và Sáu Xồm ngồi hai bên mạn. Cả hai cùng ló đầu ra ngoài để cảnh giới và hút thuốc luôn mồm, trong khi gã thanh niên im như thóc, tập trung vào tay lái. Trán gã vã mồ hôi. Hùng biết gã lái tàu một cách dễ dàng nhưng đúng là gã đang sợ. Chỉ có Sáu Xồm là giữ được bình tĩnh. Một mình hắn, hắn có thể sợ. Nhưng trước mặt bọn đàn em, ít khi Sáu tỏ ra nao núng. Lúc này cằm hắn trông càng bạnh ra và những bắp thịt nhỏ trên mặt hắn run run. Hắn đang tập trung tư tưởng. Trong khi đó, từ góc tối của con tàu, Hùng thấy Sáu không rời bàn tay phải ra khỏi nẹp quần. Phía dưới đó là một khẩu súng.
– Anh Sáu này – Chột nói. Hùng thấy thằng này hơi lắm mồm, hình như hắn không quen chịu đựng những giây phút im lặng căng thẳng – Tôi thấy Ông Lớn móc được với chúng mình là phúc cho ổng. Thật đó, một mình ổng thì đổ vàng vào cũng chịu thôi.
– Tao không cần biết điều đó – Sáu nói – Mỗi người một mục đích – Hắn hất hàm về phía Hùng – Có điều là, chỉ vì thằng nhóc này mà sang bên đó tao phải dính dấp với Ông Lớn. Cho đến nay tao cũng chưa biết mặt ông ta ra sao.
– Thì tôi cũng hơn gì anh. Tôi nhận lệnh và tiền của ổng qua một người đàn bà. Tôi chỉ biết bà ta, mỗi bà ta thôi.
– Bà ta có đi không?
– Tôi không biết.
– Hay Ông Lớn chính là bà ta?
– Cũng có thể, anh Sáu ạ.
– Hay chính Ông Lớn là mày đó, Chột?
– Tôi cũng không biết nữa. Nhưng anh cật vấn tôi làm gì phí lời. Theo tôi thì anh nên lo liệu cho thằng nhỏ của anh trước đi thì hơn.
– Thằng chết không phải lo cho thằng khiêng, Chột. Từ nay trở đi nó là em tao.
– Còn Ông Lớn thì sao? Ổng bảo tôi là anh không được quên thằng bé. Ổng nhắc hoài. Khéo rồi có chuyện lôi thôi giữa anh và Ông Lớn quanh thằng bé đó, anh Sáu ạ.
– Mày khỏi lo. Mày hãy xem lại chỗ giấy tờ đi. Bọn biên phòng có thể ló mặt lúc nào không biết đâu.
– Tôi thấy anh đi luồng này là quá nguy hiểm.
– Mày ngu lắm. Có ai nghi ngờ gì một chiếc tàu con hai mươi ba mã lực từ Cát Bà đi về phía Hòn Gai cơ chứ? Chẳng lẽ dân Hải Phòng vượt biển trốn ra thị xã Hòn Gai à? Từ Hòn Gai chúng mình sẽ làm một cú nhảy. Mày hiểu không? Tao sẽ luồn lách trong vịnh Hạ Long, chơi ú tim với bọn chúng, sẽ đóng vai tàu khảo sát tới cùng. Lúc nào đó, như kiểu mô tô bay ấy mà, ta sẽ vọt! Nhưng mày, xem lại giấy tờ đi. Phải bình tĩnh nghe. Tao sẽ yểm trợ mày.
Từ mũi, Béo gọi:
– Có ca nô, anh Sáu!
Tim Hùng đập mạnh. Không phải một mà hình như hai chiếc ca nô từ hai phía chạy đến con tàu. Hùng nghe thấy tiếng máy nổ giòn tan.
– Chúng nó phục kích, anh Sáu. Bọn dân quân lừa chúng mình rồi. Chỗ này bình thường có trạm kiểm soát đâu.
– Mày cứ lo việc mày đi. Đừng tự nhát mình nữa.
Con tàu bị va mạnh làm người Hùng đong đưa. Nó ngồi dậy, mắt không rời bàn tay đặt trên nẹp quần của Sáu Xồm.
– Tàu khảo sát đấy phải không các cậu? – Từ phía ngoài, trên chiếc ca nô có tiếng người nói.
– Phải đấy, các anh! Bọn tôi đi lấy dầu ở Hòn Gai đây mà.
Mời các ông anh lên tàu uống nước.
– Có gì thổi không?
– Cáp-tăng thôi anh à.
– Sang nhỉ. Lên tàu khảo sát chơi tí các cậu ơi!
Hai chiếc ca nô tuần tiễu áp sát mạn tàu phía sau. Bàn tay phải của Sáu tụt dần và cuối cùng Sáu cho tay vào túi quần.
Mấy anh bộ đội biên phòng cầm AK tư thế bắn, nhảy lên tàu. Trời ơi, anh Yêm! Hùng suýt kêu lên và bỗng chốc nó muốn khóc. Nhưng mắt nó vẫn không rời bàn tay phải của Sáu Xồm. Lập tức, nó xoay người tạo ra một tư thế thuận lợi lúc cần thiết.
– Các anh đã bị bắt!
Mấy khẩu AK trong tay các chú biên phòng chĩa vào chúng. Đủ cho mấy thằng hai khẩu. Hùng vẫn không rời mắt khỏi bàn tay của Sáu Xồm. Nó biết rằng, nếu có thằng nào đó nổ súng chống lại thì đó chính là Sáu. Nhưng Sáu từ từ giơ tay lên. Những đứa khác làm theo. Sắc mặt chúng vẫn bình thường. Hùng nghĩ rằng, chính lúc này chúng lại cảm thấy được an toàn nhất. Thôi, thế là hết. Hết hi vọng, lo âu và phấp phỏng. Những cái khóa tay lách cách. Bọn tội phạm ngồi dồn lại một góc trong tàu. Hùng nhìn anh Yêm, không biết có nên gọi anh, ôm lấy anh không? Phải chăng lúc này là quá sớm?
Nhưng anh Yêm làm như không có nó trên tàu. Anh lặng lẽ quan sát bọn tội phạm. Rồi anh lơ đễnh nhìn ra mặt biển vàng rực sát mạn tàu. Nét mặt thanh tú của anh thoáng một vẻ thất vọng. Anh nhìn một người nhiều tuổi đang cầm AK canh giữ bọn vừa bị khóa tay. Người này ngăm đen, đứng cạnh anh Yêm tưởng như một ông bố. Bỗng anh Yêm quay về phía người đó, nói:
– Báo cáo anh thế là… chúng ta để tuột con mồi rồi.
Hùng ngạc nhiên nghe anh nói. Nó không biết ai là người chỉ huy cuộc vây bắt này nữa. Anh Yêm mang quân hàm Thiếu úy hay người binh nhất kia? Người lính già nhìn tất cả một chớp mắt. Nét mặt ông lặng đi. Rõ là ông đang suy nghĩ.
Một chiến sĩ trẻ sau khi lục soát con tàu nhảy từ trên mui xuống, đứng trước mặt anh Yêm.
– Báo cáo, tất cả đã được khám xét kĩ. Không còn đứa nào khác nữa.
– Xin anh cho ý kiến – Anh Yêm nói với người binh nhất già.
– Cho anh em đưa tàu vào đồn.
Hùng đứng dậy. Con tàu tròng trành làm nó lảo đảo. Anh Yêm cầm lấy tay nó, nói với người binh nhất:
– Báo cáo anh, đây là Hùng Lé. Người binh nhất đưa tay cho Hùng.
– Chúng ta sang ca nô đi – Bác binh nhất nói.
o O o
Trong ca bin ca nô, bác “binh nhất” ngồi trầm ngâm trước mặt chú bé. Bác hỏi Hùng:
– Đúng là chúng nó còn đón người ở Cửa Đối?
– Thưa bác, Chột và Sáu Xồm nói vậy ạ.
– Và cháu chắc chắn trong những đứa này không có Cóc Vàng?
– Cháu xin cam đoan với bác.
– Cháu sang quan sát chúng lần nữa xem.
Một chút sau, Hùng trở về:
– Thưa Thiếu tá – Hùng lễ phép, anh Yêm đã nói thầm với nó, bác “binh nhất” chính là Thiếu tá Đoàn – Không ạ, không thể có Cóc Vàng trong số này ạ.
– Cháu tin chắc chứ?
– Cháu tin như vậy ạ.
– Tốt – Thiếu tá nói – Dù là một cậu bé con thì cũng phải biết tự tin vào mình. Yêm, cho thằng Chột sang đây.
Anh chiến sĩ phải chật vật lắm mới dẫn được Chột sang bên ca nô. Nó run như sậy, còn chiếc tàu thì đang mở tốc độ chạy về đồn biên phòng.
– Phạm Văn Ngọ, tức Chột, anh đang ngồi trước cơ quan chính quyền. Những lời khai ngay từ giờ phút này là thước đo xem anh thành khẩn để chuộc tội đếnmức nào. Anh nhớ điều đó.
– Bẩm ông, tôi nhớ.
– Ngoài những người này, trong chuyến đi này còn ai nữa không?
– Dạ, còn một người mà chúng tôi vẫn gọi là Ông Lớn.
– Hắn ở đâu?
– Tôi không biết nữa. Chỉ mới tối hôm qua ông ta đột nhiên cho tôi biết là ông ta không đi nữa.
– Anh gặp ông ta à, cái Ông Lớn ấy?
– Dạ, tôi chưa hề biết mặt ông ta. Một người đàn bà có tên là Chị Cả vẫn liên lạc qua lại giữa tôi và ổng. Ổng cấp tiền cho chúng tôi qua bà ta.
– Tối qua bà ta nói với anh thế nào?
– Bà ta cho biết rằng, Ông Lớn đến phút cuối cùng quyết định không đi chuyến này nữa.
– Anh trả lời thế nào?
– Tôi nói rằng mọi việc đã chuẩn bị sẵn sàng. Riêng dầu chạy máy chỉ mới đủ cho tàu ra khỏi vịnh. Chúng tôi tin rằng hôm nay Ông Lớn sẽ cho chở đến. Bà ta bảo tôi rằng chuyện ấy khỏi lo, tàu ra Minh Châu, vượt qua Cửa Đối sẽ có thuyền tiếp dầu sang mạn.
– Mật hiệu an toàn cho thuyền tiếp dầu?
– Đèn xanh bên trái nhấp nháy hai lần một.
– Không an toàn?
– Đèn đỏ mũi tàu nháy liên tục hoặc không tín hiệu gì cả.
– Anh kí và cam đoan về lời khai của anh đi. Chúng tôi sẽ cho anh cùng đi ra Cửa Đối.
Chú Bé Có Tài Mở Khóa Chú Bé Có Tài Mở Khóa - Nguyễn Quang Thân Chú Bé Có Tài Mở Khóa