People say that life is the thing, but I prefer reading.

Logan Pearsall Smith, Trivia, 1917

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Ngô Hồng Dương
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 17398 / 715
Cập nhật: 2016-04-09 07:24:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 27
ừ ngày về làng Bôn không nhìn dải Trường Sơn, nghĩ sẽ chẳng bao giờ còn quay lại nơi đó. Màu xanh điệp trùng ẩn chứa bao kinh hoàng. Như kẻ từ địa ngục quay về không dám ngoái nhìn con sông không bờ không đáy phân chia nhân gian với cõi u tỳ anh không muốn nhìn lại dải rừng già con quái vật vô song con ma cà-rồng thiên hình vạn trạng đã hút cạn máu đã hút kiệt nguồn sinh lực và tuổi trẻ của anh. Anh muốn nó vĩnh viễn là mồ chôn quá khứ. Tất cả những gì liên quan tới nó khiến anh hãi hùng. Vì thế khi đám cựu chiến binh trong làng rủ anh gia nhập phường săn anh từ chối phắt. Vì thế mỗi khi mùa săn lảng bảng tới tiếng kèn đâu đó vọng về da thịt anh lại sởn gai ốc. Trong tiếng kèn u uột đó anh nghe trập trùng tiếng kêu của lũ chim ăn xác tiếng thì thào của các bóng ma tiếng rít của bầy rắn đêm tiếng thở than não nề của gió trong hang sâu vực thẳm, anh lại nhìn thấy những đám cây quằn quại sôi nhựa xèo xèo trong lửa na-pan những khúc chân tay bị quăng ném những cái sọ vỡ toang óc trắng nhầy như cháo nếp... Tất cả những gì đã trải nếm là quá sức đối với tâm hồn và thể xác Bôn. Ðôi lúc anh hình dung mình đã bước vào dải núi xanh rì kia là một chàng trai trẻ và ra khỏi nó dưới bộ dạng của xác con cua lột, chẳng còn gì bên trong lớp vỏ xác xơ. Bôn thù ghét rừng già, vừa thù ghét vừa khiếp đảm. Nó quá lớn mạnh quá thiêng liêng quá bất trắc quá tàn bạo đối với anh. Anh thèm muốn biển khơi và bất cứ lúc nào rảnh rỗi anh cũng quay về hướng Ðông nơi mặt trời mọc nơi có biển có sóng có nghề chài lưới có những đám trai da rám nâu bắp tay bắp chân cuồn cuộn ngửi hít khí trời giông bão nổi ầm ầm như sóng và chắc chắn ngủ với đàn bà không mỏi mệt:
Nếu ta sinh ra trong một làng chài, ta sẽ trở thành...
Giấc mơ cỏn con và muộn màng vẫn thường lặp đi lặp lại.
Vậy mà mùa săn năm nay tiếng kèn xa xôi khởi đầu từ chân trời nào đó vọng tới đã khuấy động tâm hồn thiu thiu ngủ của Bôn. Thoạt tiên, nó là tiếng nức nở tuổi thơ anh âm vang trở lại. Tiếng nức nở nào? Anh không biết. Có thể là trận đòn oan uổng do lũ trẻ láng giềng mách bố mẹ anh hồi anh bé tí ti, có thể là tiếng khóc sau linh cữu khi họ theo nhau về chầu tiên tổ, có thể là lời nỉ non hồn tủi vào khoảnh khắc chông chênh khắc nghiệt khi tuổi niên thiếu chưa qua và tuổi thanh xuân sắp đến anh chợt nhận ra sự thua thiệt ghê gớm khi phải độc hành bước vào tương lai không một chút gia sản trong tay không cha nâng mẹ đỡ... Tiếng nức nở nào... anh không nhớ rõ nhưng chúng khiến tim anh thắt nghẹn:
Mẹ ơi, cha ơi... Tại sao sinh con ra rồi bỏ con trơ trọi lại cõi đời... Giá như...
Giá như, giá như... Anh mường tượng cha mẹ anh khỏe khoắn và giàu sang. Khi anh làm đám cưới cũng như lúc anh trở về họ sẽ dựng rạp lớn rạp nhỏ mổ bò mổ lợn giết dê mời làng xóm ăn mừng. Vợ chồng anh sẽ sống trong ngôi nhà khang trang cao rộng như những đứa con cụ Phiều, ông Hơn, bà Giá... Và rồi họ sẽ nuôi anh tiếp tục học đại học, theo đuổi giấc mơ thời trai trẻ bị đứt đoạn bởi chiến tranh trong lúc Miên ở nhà coi sóc nương vườn và đẻ cho anh những đứa con kháu khỉnh. Giá như những nương tiêu của cha mẹ anh đã xanh rờn, những nương cà-phê đã chín đỏ lúc anh quay về hẳn anh sẽ không phải cuốc đồi vỡ nương tới ngất xỉu, sẽ không phải sống nhờ đồng tiền của Miên và không phải cưu mang gia đình người chị bần hàn vô sỉ... Giá như giấc mơ đó là sự thật, tình thế sẽ khác đi... Giá như, nhưng anh biết chữ giá như đó không có. Cha mẹ anh hiền lành nhưng vô năng. Họ cần mẫn kiếm miếng cơm như lũ kiến kiếm mồi và tất thảy mọi ước mộng dồn trút lên vai anh từ khi anh bé tí... "Làm rạng danh tổ tông, làm dòng tộc nở mày nở mặt với thiên hạ."... Chao ôi giấc mộng lớn lao. Khủng khiếp. Họ đã ăn sắn và ăn ngô dành cho anh cơm trắng, họ ăn mắm tôm vằm ớt sả để xẻ vào bát anh con cá suối bé tẻo teo hoặc miếng thịt lợn vào ngày giỗ tết. Tình yêu của họ giằng trói anh. Tuổi thiếu niên anh đã gánh lệch vai giấc mơ khổng lồ kia cái ước nguyện khổng lồ thiêu đốt trái tim trong trắng như than đỏ trong lò, anh đã lệch vai gánh củi đốt than kiếm tiền đèn sách, anh đã học đến kiệt hơi như thằng rồ ngoài việc cắm mặt xuống trang sách không còn tơ tưởng đến bất cứ trò chơi nào thú vui nào khác... Và cánh cửa tương lai đã mở ra với anh. Vào buổi sáng anh xuống thành phố thi học sinh giỏi toàn diện của tỉnh, thầy giáo chủ nhiệm lẫn thầy hiệu trưởng đều đưa tiễn anh, đều nở nụ cười lạc quan và nụ cười đó, trên gương mặt hom hem với hàm răng ám vàng khói thuốc của họ giống như mảnh bùa hộ mạng dán vào trán anh suốt cuộc chiến tranh đinh ninh rằng khi ra khỏi cuộc chiến này ném đi tấm áo lính ám mùi khói súng anh sẽ mặc lại chiếc sơ-mi trắng để bước vào cửa trường đại học, tuy có chút muộn màng về tuổi tác nhưng vẫn dư thừa niềm tin và sinh lực...
Mười bốn năm trôi qua, trở lại Xóm Núi sinh lực chẳng còn nhưng niềm tin của anh vẫn đầy ắp. Có lẽ cha mẹ anh giàu mơ mộng và sự kế thừa cái tài sản phù du đó đem cho anh những thời khắc tột cùng sung sướng, bay bổng tột cùng trong cõi phù vân. Thay vì ước mộng bước vào trường đại học anh mơ tưởng sẽ trở thành chủ trang trại với người đàn bà anh yêu, anh mơ ngày anh giàu có đủ tiền xây mồ cho cha mẹ, đủ tiền làm một chuyến du lịch khắp đất nước thăm những gia đình bạn hữu, đồng đội, người còn cũng như kẻ mất trước hết là bà cô tiểu đội trưởng. Mơ mộng và mộng mơ... Không có chúng làm sao mà sống được? Nhưng có chúng người ta cũng chẳng thể sống bình an. Vào buổi sáng Hoan bước vào căn buồng tồi tàn của anh, anh biết mọi sự đã hết. Cái người đàn ông cao lớn da trắng môi đỏ mái tóc đổ xuống trán mềm và bóng như tóc đàn bà đó đã khiến anh đứng sững giữa sân, nghẹt thở. Chính hắn, chính anh ta, chủ sở hữu chiếc quần thun màu xám sọc đỏ. Trong giây lát, mắt mũi anh tối sầm, toàn thân anh run bắn, và mồ hôi bắt đầu toát dọc sống lưng. Phải, chính người đàn ông đó. Anh ta giống cái gì đó đã từng quen thuộc và từng làm anh khiếp sợ? Không phải một người bằng xương bằng thịt, nhưng là một thứ thật khủng khiếp, mơ hồ, vĩ đại, bí ẩn, đầy quyền năng... Sau cơn choáng váng dài, rất dài tưởng như không bao giờ chấm dứt, Bôn đã lấy lại được hơi thở và anh hiểu người đàn ông cao lớn đường bệ có vẻ quyến rũ dịu dàng đó là ai: Anh ta là dải Trường Sơn thứ hai, một thực tế toàn năng, một ông trời tàn bạo dưới dáng vẻ ôn hòa, kẻ sẽ thế chân dải rừng già khắc nghiệt kia phá hủy nốt phần đời còn lại của anh, con ma cà-rồng sẽ hút cạn tới giọt cuối cùng hy vọng và niềm vui sống còn rơi sót.
Thế là hết.
Những ngày sau đó trôi qua ra sao, anh không nhớ. Miên đi rồi gian phòng của anh chỉ còn là mái lều hoang, nơi lũ con Tá cùng đám gián chuột tha hồ kiểm soát, nơi thấp thoáng bóng ma xưa thăm hỏi khi là tiểu đội trưởng khi là cha mẹ anh hoặc một vài đồng đội cũ người nào cũng vội vàng người nào cũng câm lặng nhìn anh với cái nhìn xanh xao vàng vọt người nào cũng giơ lên những đốt xương tay vẫy chào anh khi đứng ở ngưỡng cửa buồng. Bao lần anh gọi họ, chẳng ai đáp lời, kể cả tiểu đội trưởng. Vì sao, anh không rõ, đồ chừng các bóng ma không thể cất lời ở những nơi nhiều dương khí. Lũ con Tá và đám trẻ láng giềng khiến họ câm nín và chắc hẳn anh phải ra bãi tha ma hoặc đồi hoang nếu muốn cùng họ chuyện trò. Nhưng anh ốm, không thể cất lưng khỏi giường, anh nằm ngày này qua ngày khác thi thoảng ăn bát cháo do cô Soan hoặc lũ con Xá chột đem tới, ăn vài củ khoai luộc do Tá mang vào. Những ngày ấy khung trời ngoài cửa bị chôn vùi trong mây khói. Anh không thấy màu trời, không thấy các đám mây không thấy cả những ngọn soan xác xơ vẫn thường đong đưa nỗi cô đơn sầu muộn. Anh chỉ hồi nhớ cánh cửa đã một lần hé mở trước mắt anh, cánh cửa tương lai. Anh nhớ cậu thiếu niên hăm hở xuống thành phố, nhận phần thưởng cuộc thi cả gương mặt lẫn hai mang tai nóng ran máu chạy rần rật như kiến bò, anh nhớ tiếng cười xưa cũ... Tất cả ở trên một chuyến tàu chuyến tàu đó chạy đã xa bỏ lại anh trên sân ga hoang phế.
Ta là kẻ lỡ tàu, chuyến tàu đó không bao giờ quay lại. Sân ga chỉ còn cỏ lẫn lá khô, không hành khách đợi tàu, không cả dấu vết con tàu cũ... Phải, ta đã nhầm, con tàu cuộc đời chỉ chạy một ca, đã rời ga không còn trở lại...
Anh đã mang quá nhiều ước vọng và niềm tin, thứ ánh sáng nổi trôi trên dòng nước, càng đuổi bắt chúng càng tuột khỏi tay. Mười bốn năm chiến tranh. Cánh cửa nào đóng trong mười bốn năm cũng rỉ sét không còn cơ mở được.
Ta là kẻ lỡ tàu. Kẻ trắng tay không còn cơ để tự lừa dối bản thân thêm một lần nữa...
Ðó là lần đầu tiên anh tự thú nhận rằng anh đã tự lừa, tự huyễn mình suốt thời gian qua. Vào lúc anh bấu chặt tay cánh tay người nữ hộ sinh gào lên:
- Con tôi đâu? Cô giấu nó ở đâu? Cô đánh tráo nó cho ai rồi?
Trái tim anh đầy tràn phẫn nộ và ráo rốt khao khát. Anh nóng lòng nhìn thấy đứa con trai, hy vọng duy nhất cây cầu duy nhất nối anh với tương lai, anh đinh ninh rằng người ta đã đánh tráo nó cho kẻ nào đó khát đứa con thừa tự người ta đã sắp đặt những âm mưu để lừa dối anh một gã đàn ông hiền lành miền sơn dã. Nhưng người nữ hộ sinh to lớn có gương mặt vuông đã quay lại nhìn anh với cặp mắt lạnh như nước đá. Cái nhìn đó rọi thẳng vào mắt anh, uy nghiêm. Rồi hất mái đầu lờm xờm một cách giận dữ, cô ta cất tiếng:
- Anh nói bậy bạ gì thế?
Bôn không đáp, chỉ lập lại câu hỏi:
- Con tôi đâu? Cho tôi xem....
Cô ta gằn giọng:
- Có thật anh muốn xem không?
- Có.
Bôn gào lên tức khắc. Người hộ sinh nắm lấy cánh tay anh kéo xềnh xệch vào phòng trong, căn phòng trắng toát như tấm khăn tang và rồi ở đó, cô ta kéo chiếc xô loảng xoảng trên nền gạch lát, mở chiếc nắp xô cũng với cử chỉ dữ dằn như vậy:
- Ðó. Con anh đó. Cúi xuống mà xem.
Anh cúi xuống. Cái đó. Cái vật đó. Cái thai đó. Con anh. Tất cả những gì còn lại trong tương lai và cho tương lai của anh... Anh không dám tin. Một khúc thịt đỏ bầm nằm giữa đám máu lầy nhầy, hai tay và hai chân co lại. Một bộ não hiện lờ mờ dưới tấm màng, như bộ óc người ngâm trong lọ phoóc-môn phòng thí nghiệm trường cấp ba tỉnh. Cái cổ bào thai phình to, giống như quả da ếch. Và không còn gì nữa. Trời ơi, anh đã tơ tưởng bao nhiêu ngày, thầm ước mắt nó giống anh, còn sống mũi làn da khuôn miệng và thân hình giống Miên bởi anh biết anh chỉ có một thứ khả dĩ là đôi mắt. Anh đã đợi chờ phút nó mở mắt để soi mắt anh vào mắt nó để nó hướng về anh cái nhìn trong trẻo bởi ánh sáng trong đôi mắt nó là tất cả nguồn sáng chiếu rọi tương lai anh, bù trả anh khung trời đã mất. Nó là sức mạnh của anh, là lý do để anh tồn tại. Ðôi mắt đó không có. Không có cả gương mặt của Miên, sống mũi và khóe môi của Miên. Không gì hết.
Tại sao con người không chết đi khi họ chẳng còn gì để sống?
Anh đã tự hỏi anh bao nhiêu lần. Bấy nhiêu lần anh ra lệnh: Mình phải chết. Cần phải chết. Càng nhanh càng tốt. Một sợi dây thôi. Xà ngang đủ chắc chắn để thực hiện điều đó...
Và sau bấy nhiêu lần anh vẫn nằm dán lưng trên giường, khi Soan đem cháo tới anh ngồi lên lau mặt bằng tấm khăn bông lâu chưa giặt ăn bát cháo nóng do người đàn bà hồn hậu kia nấu rồi lại tiếp tục lau mồ hôi bằng tấm khăn bông, vừa lau vừa lơ mơ cảm thấy một cơn khoan khoái nhẹ nhàng nâng đỡ tâm hồn cùng thể xác.
Mình yếu đuối quá. Mình nhát nhúa quá... Có lẽ vì cha mẹ đã ngăn cản, hoặc vì chưa đến số và trời phật chưa cho phép lìa bỏ cõi trần... Mẹ ơi, sao mà nhớ mẹ...
Anh nghĩ. Sau ý nghĩ đó anh ngủ thiếp đi.
Một sợi dây mong manh lung linh nối liền cuộc sống của anh với cõi xa mù, nơi đó có bóng dáng một người đàn bà. Mẹ anh, Miên, người đàn bà Lào câm điếc hay những cô thanh niên xung phong những thôn nữ anh gặp trong những cuộc gặp gỡ chóng vánh hối hả ven lề chiến tranh? Bôn không biết. Nhưng anh biết đó là đàn bà. Anh ngửi thấy mùi đàn bà. Anh cảm thấy từ trường của họ mùi mồ hôi mùi da thịt mùi tóc và hơi nóng thần bí toát ra từ thân thể họ. Sợi dây mong manh đó giằng trói anh.
Buổi sáng Miên quay lại đem cho anh liễn cháo gà nóng hổi anh đã nhìn chị như nhìn một người đàn bà mới lạ, vừa là người đã từng cùng anh chăn gối vừa như ai đó vừa bước tới từ một cõi đất khác chân trời khác. Buồn và tủi, vui sướng lẫn hững hờ, anh xúc cháo ăn không hiểu vì sao vị cháo ngon lành đến thế và gương mặt chị không còn khiến anh say đắm hãi hùng. Gương mặt đó đã ở ngoài khung trời của anh.
Miên và chẳng còn là Miên...
Anh nghĩ, không còn thấy tim đau thót không còn thấy các mạch máu đập dồn dập nơi thái dương và trên định đầu như trước kia mịi lần anh yêu đương hay hờn giận chị. Cảm giác đó khiến anh đỡ hồi hịp đỡ đau địn. Những cơn quặn thắt cồn cào trong gan ruịt dịu nhẹ dần.
Miên và chẳng còn là Miên...
Ý nghĩ đó được lặp lại, một cách mạch lạc hơn và thanh thản hơn. Mùi cháo thơm nức khiến anh bị lôi cuốn. Khi những giọt mồ hôi lớn toát ra đầy mặt, đầy cổ anh đặt bát cháo xuống rút khăn lau. Càng lau, anh càng thấy dễ chịu. Thân xác anh nhẹ bổng như mây, và tâm hồn anh bình lặng. Ngọn triều đã rút. Và bãi cát phẳng lì phơi trong nắng ấm.
Ngày thứ ba Miên tới, chị bảo anh hãy về cùng với chị. Bôn ư hử nhưng trong thâm tâm, một tiếng đáp tức khắc bật lên:
Sao không? Miên và chẳng còn là Miên ngày xưa. Nhưng một người đàn bà. Miền yên ấm. Giải cát phẳng lặng ven biển khi thủy triều đã lùi xa...
Anh thầm nghĩ và mường tượng giải bờ cát anh đã thấy hồi trai trẻ. Cái sợi dây mong manh lung linh kia nối anh với một người đàn bà, anh chỉ nhìn thấy tấm lưng mà không rõ mặt. Tấm lưng thon nhỏ với cái hông đong đưa mỗi bước chân... Miên, mẹ anh, người đàn bà Lào câm điếc, các cô gái dọc đường hành quân? Người đàn bà có thể mang bất cứ gương mặt nào bởi vì mặt họ ẩn giấu trong sương mù anh chỉ nhìn rõ eo lưng, cặp mông dày và cong, cái hông đong đưa theo nhịp bước.
Khi ngọn gió thổi tới mùi thơm của tỏi xào rau muống anh bỗng nhớ mẹ xống xang gan ruột. Anh xách ba-lô quần áo theo Miên, đúng hơn là theo sau cái người đàn bà vô tên tuổi đã níu giữ anh với trần thế bởi một sợi dây lung linh huyền ảo. Anh không để ý ánh mắt tò mò của làng xóm cũng không để ý tới bất cứ ai anh gặp trên đường, anh chào hỏi họ nhưng tâm hồn anh chìm đắm giữa sương mù kỉ niệm. Mùi rau muống xào tỏi đem lại cho anh nỗi êm dịu khôn cùng. Vừa đi anh vừa mỉm cười:
Mẹ biết không, bao nhiêu lần con đã được tiểu đội trưởng khen vì xào rau muống với tỏi ngon tuyệt... Ấy là nhờ món ăn tủ của mẹ. Hình như trước kia không phải bà ngoại mà là một người bạn lấy chồng dưới phố đã dạy mẹ cách xào rau?
Mẹ mỉm cười. Bà không trả lời nhưng lại vạch áo cho anh thấy bầu vú trái có một nốt ruồi lớn bằng nửa hạt gạo. Hồi nhỏ anh vẫn thích mân mê cái nốt ruồi đó... Anh đưa tay rờ vú mẹ và thấy tuổi thơ ấu tái hồi.
Mẹ ơi, con nhớ mẹ...
Anh kêu to. Mẹ vuốt tóc anh rồi bay đi, bay như một đám khói bốc lên từ miệng nồi cơm vừa bắc trên bếp than xuống. Anh đã sống dưới mái nhà của Miên, như người khách, như người thân, như người bạn cũ:
Ờ, có sao đâu? Chúng ta đã từng yêu nhau từng là vợ chồng và giờ đây là bạn. Như thời tiết luân chuyển, tàn hạ sang thu. Căn nhà này đặt trong từ trường của Miên, của người đàn bà, người thân thiết...
Anh dần quen cuộc sống mới. Ăn cơm sáng với ông Lư, ăn cơm trưa với ông Lư, ăn cơm tối với ông Lư. Khoảng sau bữa cơm tối, có tiếng xe máy ngoài cổng, và Miên dắt con trai vào. Chị vừa bước lên thềm vừa cất tiếng:
- Hôm nay ở nhà mọi người ăn gì thế?
Khi là ông Lư và khi là anh đáp lời:
- Chúng tôi ăn canh dưa nấu cá với lạc rang.
Hoặc:
- Chúng tôi ăn trứng tráng với rau luộc.
Hoặc:
- Hôm nay chúng tôi bắt con gà nấu cháo.
Miên rút trong làn khi vài trái cây mua từ thành phố, khi phong bánh mới hoặc gói kẹo đặt lên bàn:
- Bác Lư cất đi để hai người uống trà.
Sau thủ tục đó chị đem con xuống nhà tắm rửa ráy, thay quần áo cho cả hai mẹ con rồi vào buồng riêng. Bao giờ chị cũng xách theo cái bô tráng men để không phải rời khỏi buồng ban đêm. Sau đó chị gài chốt cửa và khóa lại. Bôn nghe rất rõ tiếng chốt cửa sau đó tiếng khóa xoay trong ổ. Những tiếng động đó đâm nhói vào tim anh, nhưng vì nỗi đau đớn nào, anh không muốn hiểu và không muốn nhớ. Sáng hôm sau, Bôn chưa thức giấc Hoan đã tới đón mẹ con Miên. Thường khi anh rời khỏi giường cũng là lúc tiếng động cơ từ ngoài cổng nhỏ dần rồi tắt hẳn.
Miên đi rồi. Nhọ mặt người cô ấy mới quay lại...
Anh thầm nghĩ rồi xuống bếp uống trà với người quản gia. Và ông Lư tức khắc bắt chuyện, lúc nào ông già gầy như hạc này cũng có chuyện để nói, cặp mắt già nua dường như không bao giờ mỏi mệt và đôi tai dường như không bỏ sót một tiếng động nhỏ nhoi nào. Bôn nghĩ rằng ông ta biết tất cả những gì anh nghĩ nhưng với vẻ câm lặng ôn nhu ông tỏ ra trìu mến với anh. Chính ông đã sắc thuốc cho anh uống, những thang thuốc Miên nhờ người cắt dưới thành phố. Chính ông hỏi và nấu những món ăn anh ưa thích. Cũng chính ông bày cho anh cách ngâm chân vào nước muối nóng trước khi đi ngủ cách xoa bóp lưng lẫn hai đùi khi vừa thức giấc. Trong ngôi nhà thênh thang lẫn vườn tược thênh thang ấy, mối gắn bó giữa hai người đàn ông côi đơn cũng dễ nảy sinh. Khỏe dần lên, Bôn theo ông lên coi sóc các nương tiêu nương cà-phê, một ngày ông chợt hỏi:
- Ông có còn giữ ý định làm nương riêng nữa không?
Bôn lúng búng không trả lời được. Khu đồi xã phân cho anh bỏ hoang lâu giờ đã cho một cặp vợ chồng trẻ khai phá tuy danh nghĩa chỉ là cho mượn. Cặp vợ chồng này đang tuổi trẻ bẻ gẫy sừng trâu lại đang cơn khát khao tát cạn biển Ðông nên họ làm ngày làm đêm và giờ đây những cây tiêu đã leo cao già non một thước. Tuy chẳng có văn bản, luật lệ nhưng dù muốn Bôn cũng không thể đòi lại đất, mảnh đất đang sắp sửa hái ra tiền nhờ tưới đẫm mồ hôi kẻ khác. Thấy anh lúng búng ông Lư nói tiếp:
- Tôi thấy bà Miên đối với ông rất tốt.
Biết người quản gia dò ý, anh đáp:
- Tôi rõ điều đó.
Ông cụ gật đầu:
- Ông là người đã từng luân lạc, chắc hiểu sự đời. Chẳng có nơi nào là cõi tiên dành cho đám người trần mắt thịt như chúng ta nhưng cũng có nơi đất lành nơi đất dữ. Chim đã mỏi cánh rồi gặp đất lành thì đậu lại.
- Tôi biết.
Bôn lặp lại câu trả lời cũ và hiểu rằng người quản gia đã nói lên ý nguyện của Hoan và Miên, họ sẵn lòng nuôi anh cho tới mãn đời trong vai trò người anh hoặc người bạn hoặc người quản gia thứ hai cùng ông Lư chăm sóc vườn tược, nhà cửa một khi anh đã hoàn toàn bình phục và muốn làm việc để tránh sự buồn chán trong cảnh ăn không ngồi rồi. Anh sẽ được chấp nhận dưới mái nhà này tới lúc chết nếu anh giữ đúng bản hợp đồng ấy.
Người chồng ngày xưa và người bạn ngày nay. Ta sẽ ăn cơm nơi Miên từng nấu cơm, ta sẽ sống dưới cùng mái nhà với Miên nhưng ở đầu này hồi nhìn sang đầu hồi bên kia như kẻ đứng bên này nhìn sang bờ sông bên kia và giữa hai bờ không phải dòng nước trôi mà là dầu cháy... Nhưng có sao, đời đẩy đưa đến cảnh trớ trêu này. Ta đã theo Miên về đây không phải như người chồng theo vợ mà là kẻ mồ côi đi tới nhà bảo trợ, như kẻ bị bỏ rơi tìm tới miền đất ấm...
- Ngày hôm nay trời đẹp thật.
Bôn bỗng thốt lên dù anh chẳng hề đưa mắt nhìn trời mà đang đăm đăm nhìn chùm cà-phê non nơi kẽ lá. Người quản gia chớp mắt rồi đáp:
- Dạ. Trời đẹp thật. Thời tiết thuận, mùa này hẳn bội thu.
Họ không nói gì thêm.
Từ ngày họ nói chuyện đó tới hôm nay bao nhiêu tuần trăng trôi qua. Bôn ngỡ rằng anh đã hoàn toàn thích ứng với cảnh sống mới nhưng chợt một đêm nào đó cơ thể anh nổi loạn. Anh không ngủ được. Những đợt sóng u cuồng râm ran nổi lên trong da thịt trong máu huyết. Những đợt sóng không thể làm an dịu. Không gì làm nguôi dịu. Chúng cuộn lên, cuộn lên dập dồn dập dồn khiến anh như tắc thở, chúng tràn qua tim anh nhận chìm nó dưới những xung đột hối hả không ngưng nghỉ, chúng vọt lên óc não anh đập tan mọi ý nghĩ, che phủ mọi hình ảnh và chỉ còn lại duy nhất cái hình ảnh trần tục và dâm đãng của những con đàn bà cởi truồng, những con vật giống cái lang thang trong rừng anh từng bắt gặp. Hình ảnh dâm đãng ấy mỗi lúc mỗi nở phồng lên, như được chiếu vào tấm gương phóng đại, nó choán hết tâm trí anh không cho anh lối thoát lui. Anh bóp chặt hai thái dương nóng rực, anh nằm úp mặt xuống chiếu cố tình dùng sức mạnh trấn áp cơn ham muốn, anh nghiến chặt hai hàm răng để khỏi bật ra tiếng rên rỉ. Tất cả đều vô hiệu. Những đợt sóng u cuồng chuyển sắc, từ màu đỏ sang màu đỏ bầm của máu đọng rồi màu tím dữ dằn của ráng mây chiều giông gió. Trong huyết mạch anh không còn máu mà chỉ còn những dòng chì nung lỏng, sôi sục, thiêu đốt khoan xoáy làm tê bại thân xác lẫn tâm hồn, và từ trong cái thân xác quằn quại đó trong cái tâm hồn điên dại ấy bỗng vụt lên tiếng thét:
Miên, Miên... Em là người đàn bà của tôi, của tôi...
Ngồi bật dậy, anh bóp chặt hai đầu gối để chống lại ý muốn chạy sang căn buồng gian hãm người đàn bà của anh, húc đổ cánh cửa dù nó được gài chốt và được khóa bằng ổ khóa lớn hơn cả bàn tay... Anh đủ sức đập tan bất cứ ổ khóa nào đủ sức khá vỡ bất cứ cánh cửa nào... Thời gian đã trả lại cho anh sức lực. Anh đang còn trẻ. Anh mới ngoài tuổi ba mươi... Nhưng anh vẫn bóp chặt hai đầu gối vì hiểu mình đã bị trói buộc bởi một hợp đồng.
Miên không còn yêu ta nữa... Mọi cố gắng đều vô ích... Bởi ta không thể cưỡng ép cô ấy yêu ta...
Phần lý trí sót lại trong anh lên tiếng. Nhưng tức khắc một tiếng nói khác mãnh liệt hơn hung dữ hơn rốt ráo hơn đáp lại:
Nhưng ta yêu Miên, ta đã tìm lại đường về, tìm vầng trăng bằng chính sinh mạng mình, những ngày chui lủi vượt rừng chống lại đói khát muỗi vắt và các bóng ma thù nghịch... những ngày ấy đã hút kiệt sinh lực của ta. Trái tim ta hàng ngàn lần tưởng vỡ vụn vì sợ hãi, ta đã phải tự trói mình vào thân cây ban đêm giấc ngủ mong manh mướt lạnh mồ hôi vì tiếng rít của trăn gió và rắn độc, ta đã phải sống như thú vật bằng cây củ và lá rừng... tất cả những nhục nhằn ấy là vì em... Em không có quyền đuổi tôi ra khỏi trái tim em. Tôi đã đánh canh bạc này bằng chính cuộc đời tôi, hoặc tôi phải được chia phần hoặc tôi chết...
Mắt anh mờ đi, mồ hôi anh vã đầy ngực lẫn hai bả vai. Anh giật cửa ra ngoài.
- Ông không ngủ được hay sao? Ra uống nước chè với tôi. Ðêm nay tôi cũng chẳng làm sao chợp mắt...
Người quản gia cất tiếng. Ông ta đang ngồi trước khay trà, ngọn đèn đêm đã được khêu to và dường như tất cả đã sắp đặt:
- A... bác đã dậy rồi ư ư?
Bôn lúng túng đáp hai thái dương vẫn nóng ran.
Ông già Lư đứng lên đổ thêm nước sôi vào ấm trà, ung dung đáp:
- Tôi chưa ngủ... Người già thường ít ngủ.
Và không chờ anh trả lời, ông nói tiếp:
- Trà ướp nhài đợt này thơm lắm, mời ông ra uống cho nóng. Tôi vừa bóc phong bánh đậu xanh bà Miên đưa ngày hôm qua. Ăn thứ bánh này với nước trà thật phải vị.
Bôn không nói được gì, anh đi tới kéo ghế ngồi đối diện với người quản gia tâm hồn sục sôi căm uất:
Thằng già này đúng là con chó săn của tay Hoan. Sẽ có ngày ta cho mi về chầu tiên tổ...
Anh uống trà, nói vài câu nhạt nhẽo với người quản gia hiểu rằng tất cả những thiện cảm ông ta dành cho anh chỉ là chút tình thương phổ biến giữa con người với con người và điều hệ trọng là chính ông, người gác ngục tận tụy trung thành sẽ không bao giờ cho phép anh được bước tới cánh cửa buồng của Miên, người đàn bà của anh hơn mười sáu năm trước, người đàn bà của Hoan bây giờ. Anh uống liên tiếp hai chén trà và tâm hồn anh rền rĩ:
Ðồ chó săn già, mi đã bao giờ yêu chưa nhỉ? Mi cũng có tuổi trẻ, không lẽ mi chưa từng yêu chưa từng thất tình chưa từng bị thân xác dày vò hành hạ?
Người quản gia đổ ấm trà cũ, tra nhúm trà mới rồi chế nước sôi, mọi cử chỉ khoan thai. Ðôi mắt ông chăm chú nhìn vào ấm pha trà nhưng Bôn biết rằng chúng không bỏ sót hành vi nào của anh và hẳn chúng cũng đọc thấu những gì anh nghĩ. Ngọn đèn đêm mọi ngày vẫn đặt trên nóc tủ chè, đêm nay được khêu tỏ đặt ngay trên mặt bàn uống nước, sát căn buồng của anh. Vẻ mặt ông già chứng tỏ ông đã thức dậy từ lâu, đã nghe rõ tiếng thở hổn hển và những cơn vật vã của anh. Mọi dáng nét, cử chỉ lẫn cặp mắt trầm tư bình thản kia chứng tỏ ông đã tính mọi đường đi nước bước để phòng thủ, và nếu anh có manh động hẳn cũng chẳng thu được chút hy vọng nào.
Ta không thể làm gì được sao? Ta phải sống trong ngôi nhà này như một bóng ma sao?
Trái tim anh tiếp tục rền rĩ và anh tưởng anh có thể chồm qua bàn dáng cây đèn pin hoặc chiếc giá nến đồng vào cái sọ già nua của ông Lư. Nhưng phần tinh khôn sót lại trong óc não anh run sợ. Anh biết con người đó mạnh hơn anh, khôn ngoan hơn anh, tỉnh táo hơn anh, nhiều ưu thắng hơn anh. Vài lần, đi ra nghĩa địa làng anh thấy lũ trẻ đi theo. Thoạt đầu, anh tưởng chúng cùng đi chơi nên quay lại vui vẻ chào hỏi, chuyện trò. Nhưng lần sau, anh chợt nhận thấy nỗi tò mò và sự sợ hãi trong mắt chúng, và dù đi theo anh chúng vẫn chuẩn bị sẵn sàng tư thế quay một trăm tám mươi độ để tháo chạy. Lúc đó, anh nghĩ người đời vốn sợ những kẻ hay lân la ngoài nghĩa địa cho rằng họ thường dắt lối đưa đường cho ma quỷ về thôn xóm trêu ghẹo dân chúng. Nhưng có một ý nghĩ khác lờ mờ ẩn núp sau ý nghĩ đó giống như bóng đen núp sau pho tượng trong chùa. Anh sợ. Anh không dám nghĩ tiếp...
Giờ đây, cái bóng đen phía sau ý nghĩ của anh lại hiện về:
Phải chăng lũ trẻ tò mò kia có lý? Ta điên chăng? Hay ta đã mắc căn bệnh bất thường nào đó mà tất cả mọi người cả Miên cả ông Lư đều không nói cho ta biết?
Một con bướm đêm to tướng bay qua cửa sổ vào nhà, chập chờn múa lượn quanh cây đèn ánh lửa xuyên qua đôi cánh bướm nhuộm thắm những nét vẽ những đốm màu khiến con bướm đẹp một vẻ đẹp anh chưa từng nhận biết. Bôn đặt chén nước xuống, mê mải nhìn con bướm chợt nhớ một mùa Xuân xa xôi, anh cùng Toàn béo, Hải đen đứng ngắm lũ bướm vờn quanh lèn núi. Hàng triệu con bướm cùng bay lượn hân hoan rối rít chấp chới lộng lẫy. Vũ điệu của chúng làm quay cuồng rừng núi. Ba thằng lính nhẩy cẫng. Lần đầu họ thấy một cảnh kì diệu đến thế. Những năm sau màu sắc rực rỡ của lũ bướm xuân không còn cuốn hút họ như trước, họ không còn đứng hàng giờ ngắm chúng múa lượn, lò dò trên bãi cỏ rình những đôi bướm giao phối rơi xuống. Lũ lính trẻ quay sang rình những cặp khỉ phủ nhau. Một lần, họ bắt gặp một cặp đười ươi trong cơn say mê tình ái. Cặp đười ươi đó rất giống người, động tác làm tình cũng vậy, chúng dai dẳng đến độ người ta thần phục và thèm muốn. Bôn hình dung lại cảnh tượng đó, anh nhìn thấy bộ mặt con đực nằm trên, tiếng rên, vành môi nhếch nhe những chiếc răng trắng nhởn... Trong giây lát máu trong cơ thể anh sôi trào lên, anh khép chặt hai đùi nốc cạn chén trà thứ ba rồi nói với người quản gia:
- Bác ngồi uống trà nhé... Tôi đi ngủ.
Ông già gật đầu:
- Ông đi đi. Ðêm nay chắc tôi không nhắm mắt được.
Anh vào buồng gài chặt chốt cửa như để tự ngăn cấm vì ngày thường không có lý do nào làm việc ấy. Ðoạn anh lên giường phủ phục mặt úp xuống gối như đứa trẻ sắp phải ăn đòn, hai bàn tay nắm chặt.
Thôi đi thôi đi thôi đi...
Anh tự nhủ. Nhưng không thôi được. Bộ phận kín cương cứng như con ngựa chiến sung mãn chờ phút sổng khỏi chuồng. Nó thống lĩnh tâm hồn cùng thể xác anh. Anh không thể nghĩ tới điều gì khác. Màn hình trong óc não anh chỉ hiện lên hình ảnh duy nhất là hình ảnh cặp đười ươi đang làm tình. Cặp vợ chồng khỉ đểu giả đó không ngừng lôi cuốn anh, kích thích anh, kể từ giây lát trí nhớ lôi cuốn chúng khỏi cánh rừng dĩ vãng. Anh nhớ lại từng tiếng kêu khoái lạc của chúng, từng động tác nhỏ nhặt trong giao phối, cánh mũi chúng nở to trong cơn hứng tình, vẻ mệt nhọc đờ đẫn sau khi thỏa mãn...
Trời ơi, sao tôi khốn khổ thế này?
Tâm hồn bầm giập của anh kêu thét lên. Và bỗng dưng anh căm ghét cái nhúm thịt thừa giữa hai bẹn mình, cái cục thịt thối tha đã hành hạ anh một cách giảo quyệt tàn nhẫn. Khi anh cần nó hùng mạnh, anh vỗ về chăm chút nó bằng đủ loại thuốc lẫn các món ăn bổ dưỡng thì nó rũ xuống như lá cờ buộc ở đầu gậy thằng chăn vịt. Khi anh cần nó an nhu, chấp thuận một đời sống êm lành chay tịnh thì nó dựng ngược lên, kêu gào cơn thỏa mãn dục tình:
Ðịt mẹ mày... Ðịt con mẹ mày nhé...
Anh thầm cất tiếng chửi, giống năm nào anh chửi lũ kền kền đã moi ruột tiểu đội trưởng trong rừng khộp xem như cách thức bắt buộc để khạc nhổ nỗi uất hận trong lòng. Nhưng nhúm thịt đểu cáng thối tha kia điếc đặc, nó không chịu nghe chửi, nó cứ ngỏng lên một cách lì lợm và tàn nhẫn. Bôn đành thọc tay vào trong quần, tìm mọi cách làm nguôi dịu cái bộ phận cơ thể đã phản bội đã trở thành một con vật xa lạ quái dị, ở ngoài mọi điều anh nghĩ và anh muốn.
Chiều hôm sau Bôn chờ Miên về. Anh vờ bế cu Hạnh mặc dù thằng bé luôn luôn giữ vẻ xa cách và dè chừng. Khi Miên xuống nhà tắm anh bế đứa bé xuống theo, chặn chị ngay ở cửa phòng tắm:
- Miên này, tôi có chuyện muốn nói.
Miên quay lại nhìn anh, anh biết chị đã hiểu điều anh muốn nói. Chính chị lên tiếng trước:
- Anh Bôn, em đã nói rồi. Chúng ta không còn tình nhưng còn nghĩa. Và em sẵn lòng coi anh như anh trai mình. Ngoài ra, không thể có gì hơn.
Anh gật đầu:
- Tôi vẫn biết thế. Nhưng tôi không thể sống mãi như thế này. Tôi biết Miên có người đàn ông khác nhưng tôi vẫn yêu Miên, tôi muốn có phần của tôi.
Chị nhìn anh bằng cặp mắt lạ lùng:
- Em không hiểu.
Anh gắng nuốt nước bọt, gắng ghìm giữ nỗi nhục và nói tiếp:
- Chuyện thường thôi... Ngày xưa người đàn ông có năm thê bảy thiếp. Giờ chúng ta cũng có thể chung sống hòa bình theo kiểu đó... Tôi không dám đòi hỏi nhiều... Nhưng tôi yêu em, tôi phải có phần của tôi.
Mặt Miên vutỳ đỏ dựng lên, chị đưa mắt rất nhanh nhìn về phía bếp như sợ người quản gia nghe thấy. Rồi chị nghiêm mặt lại, một vẻ lạnh lùng dữ tợn hiện trong đôi mắt:
- Anh đừng bao giờ nhắc lại chuyện này lần nữa, với bất cứ ai. Nếu không xóm giềng sẽ cho anh là kẻ điên dại hoặc vô luân. Không người đàn bà tử tế nào lại làm chuyện đó.
Anh không dám nhìn vào mắt chị, nhưng tiếp tục nói:
- Tôi không phải quan hoạn... Tôi không thể sống mãi như thế này.
- Vậy anh có thể rời khỏi đây...
Miên đáp, giọng lạnh lùng và gương mặt chị rắn lại như đá:
- Anh có thể về lại nhà, em sẽ gắng giúp anh vốn làm ăn. Rồi anh tìm người nào đó thương yêu anh xây dựng cuộc đời mới.
- Không. Tôi không muốn...
Anh đáp. Ðoạn đặt đứa bé xuống, bỏ lên nhà trên. Miên không gọi anh, không nói gì thêm, bế đứa con vào phòng tắm. Ở đó chị gọi vóng xuống bếp:
- Bác Lư xem giùm tôi nồi nước.
Tiếng người quản gia đáp lại tức thì:
- Nước được từ lâu. Bà chờ tôi đem lại ngay.
Dường như bất cứ lúc nào người quản gia cũng chờ đợi và sẵn sàng làm theo ý muốn của Miên. Bôn nhìn ông ta bưng nồi nước lá qua sân, cái bóng rắn rỏi hắt dài trên nền gạch và biết rằng ông Lư không chỉ là con chó trung thành của Hoan mà còn là kẻ tháp tùng tín cẩn của Miên. Ông ta cùng một lúc sùng phục cả hai, với người này có lẽ do gắn bó quyền lợi và với người kia là tự nguyện. Anh là kẻ đứng một mình trong ngôi nhà này. Và có lẽ anh là kẻ đứng một mình trên trái đất.
Ðêm ấy Bôn mơ giấc mơ siêu tuyệt. Giấc mơ đem cho anh cảm giác vẹn toàn về hạnh phúc, một thứ hạnh phúc sung mãn chưa bao giờ mon men tới trong đời sống thật. Anh mơ một cơn đại hồng thủy bao trùm toàn trái đất, nhấn chìm tất cả các châu lục, các quản gia, mọi giống người da vàng da đen da trắng đều chết sạch, duy mình anh được Ðấng Tối Cao ban cho cây bè. Trên mặt nước mênh mông có triệu triệu người chết đuối hoặc đang lóp ngóp một cách tuyệt vọng giữa các đám bọt nước anh đã kịp tìm thấy Miên, chị chìa bàn tay chới với trên mặt nước về phía anh, hướng đôi mắt cầu khẩn về phía anh và lần nữa anh trở thành người hùng cứu chị thoát khỏi cái chết. Anh ôm Miên vào lòng, người đàn bà của anh run rẩy nhợt nhạt vì sợ hãi. Anh vuốt ve an ủi chị, vắt kiệt những lọn tóc ướt sũng cho chị, cởi áo mình cho chị rồi lái cây bè vượt qua biển xác chết anh đưa chị tới mỏm đảo hoang duy nhất còn nhô lên trong cơn hồng thủy, biết rằng đó là mảnh đất Ðấng Tối Cao dành cho anh, để anh cùng người đàn bà anh yêu sản sinh ra một nhân loại mới. Trên đảo hoang trơ trọi giữa bốn bề nước và thây ma, tình yêu của họ sống lại, mãnh liệt gấp trăm lần thuở trước. Anh ái ân với Miên trên cỏ, dưới trời sao dưới cả nắng mai, những cuộc ái ân hung dữ hơn cơn động tình của hổ báo, dai dẳng hơn loài khỉ đột hoặc đười ươi, dường như trong thân xác họ chảy những dòng máu hòa trộn của muôn loài... Bôn thức giấc vào buổi sáng hôm sau, ngơ ngẩn tiếc, và rờ tay xuống chiếc đũng quần ẩm ướt, anh cố triệu hồi niềm hạnh phúc tót vời thứ khoái lạc tót vời vừa nếm trải...
Rồi ngày nọ tiếp nối ngày kia, anh vẫn lên đồi ra nương cùng người quản gia, ngồi tiếp ông uống trà ăn bánh đậu, vẫn cùng ông lúi húi nấu cháo gà hoặc bún bung những khi họ muốn đổi món, sống cuộc sống sung túc nhiều người dân Xóm Núi thèm muốn. Vào những đêm hứng tình, anh triệu hồi giấc mộng cũ, mơ tưởng mùa ái ân của các loài thú trong rừng, giải thoát cơn hành hạ dục tình một cách khốn khổ và không ngừng thèm muốn đập vỡ một cánh cửa buồng, bẻ gẫy một ổ khóa. Ðã đôi lần, anh nghĩ:
Hay ta ra đi... Hãy thử đến cái nông trường Xá chột đã nói. Hơn hai trăm cô thanh niên xung phong quá lứa đang ở đó, tha hồ chọn, còn hơn sống nhục nhã thế này... Như thế, ta cũng giải thoát cho cả Miên, Miên có thể lên trại Suối Nhỏ với Hoan hoặc gọi anh ta trở về ngôi nhà cũ. Hẳn Miên sẽ giúp ta đủ vốn liếng làm ăn. Người đàn ông kia không thiếu tiền, anh ta sẽ chẳng dè dặt khi trả giá cho một hạnh phúc vẹn toàn. Rồi mai đây, ta cũng sẽ có một mái ấm một đứa con với người đàn bà mới, người đàn bà ta tuyển chọn trong đám hơn hai trăm cô gái quá thì...
Thoạt đầu, ý nghĩ mình được quyền tuyển lựa một người đàn bà giữa đám hai trăm cô gái quá lứa làm anh sung sướng, lờ mờ thú nhận điều đó cho phép anh có được quyền năng và sự hãnh diện của một vị vua. Nhưng sau thoáng kiêu hãnh, anh chợt hiểu ra rằng hơn hai trăm cô gái quá lứa kia đối với anh chỉ là một đám bụi mịt mờ, một khối đen đặc không hình thù đường nét không gương mặt nào rõ rệt và lôi cuốn. Hai trăm cô gái chẳng phải là một số lượng ghê gớm bởi anh từng gặp đến ngàn cô gái trên lề chiến tranh... Và chẳng mảy may xúc động... Cũng có thể những cuộc gặp gỡ trong chiến tranh chỉ là những tụ hợp phù du, ít ỏi là vài giờ đồng hồ, nhiều nhặn lắm cũng hai ba ngày không bao giờ đủ thời gian để làm quen... nhưng cũng có thể vì con tim anh đã bị cột chặt với một người đàn bà, mối tình đầu ác hại, và rồi sau đó bởi chính anh đã đặt cược sinh mệnh vào người đàn bà đó, nên anh không còn chỗ tháo lui. Anh đã quăng thân vào bao nhiêu cuộc phiêu lưu đến suy kiệt tinh thần hao mòn thể xác giờ đây những cuộc phiêu lưu đó đọng lại trong anh như một thứ cặn lắng, bít bùng, mờ tối:
Không, không, không, ta không thể xách ba-lô tới một nơi xa lạ, tìm trong đám đông xa lạ kia một người đàn bà nào đó có thể trở thành thân thiết, hơn nữa có thể cùng chia sẻ gối chăn... Ta chẳng còn sức để lao vào một cuộc phiêu lưu như thế...
Chỉ mới nghĩ đến một con đường trải ra phía trước anh đã thấy gân cốt rã rời, những khớp xương muốn long rụng tơi tả. Chỉ mới mường tượng một cuộc ra đi da thịt anh đã ớn lạnh và những chân tóc anh dựng lên như chúng sắp sửa phải chống chọi với hơi giá rừng già, với gió độc lùa dưới vực sâu, với mưa sương trên những vòm lá dày rớt xuống... Không, anh không còn sức cho một cuộc phiêu lưu mới. Vả chăng, tại sao anh phải ra đi như một kẻ trắng tay, để người đàn bà anh yêu hoàn toàn thuộc về người đàn ông khác? Tại sao anh lại chịu thua cuộc nhục nhã và vô điều kiện như thế, sau bấy nhiêu nỗ lực gian truân? Và lờ mờ, trong đáy sâu con tim anh, niềm hy vọng tuy mong manh vẫn le lói chiếu:
Biết đâu đấy, biết đâu một ngày nào?
Anh tự nhủ. Nhưng ngày nào và có sự gì xảy ra, anh mơ tưởng điều gì... anh hoàn toàn không biết.
Và bỗng dưng mùa săn năm nay tiếng kèn xa xăm kia không còn làm anh run sợ. Những âm thanh lúc đều đều buồn tẻ lúc vót gắt rền rĩ của nó lay động góc trời tĩnh lặng trong anh, gọi về tuổi thơ, nức nở khúc ca sầu muộn. Anh ngồi trên đồi vắng khoanh tay nghe giờ này qua giờ khác. Rồi một chiều những âm thanh kia vang động hơn, xô dạt hơn, vừa như sóng biển vừa như nhịp quân hành vẳng lại. Bôn chợt nhìn thấy một khoảng trời trong veo trong vắt, những nương ngô trổ bông phơi dưới nắng chiều, những thân mía tím mập mạp cao trên đầu anh phủ đầy phấn trắng và bao trùm lên tất cả khung cảnh đó là một không gian trầm lặng, thanh sạch với tiếng ong rù rì êm ả...
Khung trời này ở đâu và những nương ngô kia ở đâu? Ta đã từng gặp, đã từng sống... Chúng ở đâu trên cõi đất này?
Anh lục tìm trí nhớ. Quá khứ như hang động mịt mù khói phủ. Lạnh. U buồn. Kinh hoàng. Da diết. Tan loãng. Tơi tả. Ngoài ra anh không thấy một cảnh tượng nào. Anh ngồi đăm đăm nhìn mặt trời từ từ chìm xuống núi. Khi mặt trời tắt trên các rặng núi phía Tây cũng là lúc mặt trời trong trí nhớ anh nhô khỏi cánh rừng u tối thổi tan lớp khói mịt mù, rọi vào cái hang sâu bị rấp lối. Và anh chợt bật lên tiếng kêu:
- Bản Kheo.
Tiếng kêu của anh vọng trên các nương tiêu nương cà-phê lẫn dải đồi xung quanh. Vài người chăn dê chăn bò đang lùa gia súc về làng giật mình đưa mắt nhìn anh nhưng anh không nhận thấy. Ðứng thẳng dậy, anh hét thật to cái tên vừa tìm thấy:
- Bản Kheo... Ðúng là Bản Kheo. Bản Kheo. Bản Kheo. Bản Kheo...
Và cùng tiếng vọng, âm vang trong anh tiếng xe trâu kẽo kẹt, tiếng gà gáy vọng qua thung lũng, tiếng bọt củi nổ lách tách tiếng sôi của mật nấu trong chảo, tiếng chim ríu ran thanh bình tiếng cười nói lao xao nghe thân ái và nhu mì dù rằng đó là thứ ngôn ngữ lạ lùng anh không rõ nghĩa. Giờ Bôn đã nhận diện được Bản Kheo, nơi anh sống với người đàn bà Lào câm điếc, người chưa cùng anh kết hôn theo thủ tục của Việt Nam nhưng đã kết hôn theo phong tục địa phương cô sinh thành. Bôn nhớ lại vị xôi trắng lẫn thịt nướng ngày đó, nhớ cử chỉ của trưởng tộc khi ông cầu chúc lễ hợp hôn của họ, nhớ gương mặt với cặp mắt xếch sáng loáng của người anh trai cô dâu và rọi soi trên tất cả các ảnh hình ấy, lung linh trên tất cả các ảnh hình ấy là ngọn lửa lớn, một bếp lửa chụm bởi các thân gỗ to hơn đùi người cháy suốt ngày đêm không tàn, ngọn lửa vĩnh cửu nơi Bản Kheo:
Phải, đó chính là nơi ta sống với người đàn bà có một rương đầy váy áo. Cô đã trải tất cả đám váy áo rực rỡ ấy lên sàn cho ta xem trước ngày làm lễ hợp hôn. Và đêm đó cô đã đun nồi nước lá thơm cao gần đến thắt lưng để hai người cùng tắm... Ðêm ấy ta đã hạnh phúc. Dẫu sao cũng vẫn là hạnh phúc. Mùi nệm mới ủ lá thơm bốc lên ngào ngạt sao...
Anh nhắm mắt lại, thấy mình được tắm rửa sạch sẽ thơm tho nằm trần truồng trên tấm nệm lanh thêu rực rỡ, thân thể trần truồng của một người đàn bà kề bên. Cách họ chừng vài thước bếp lửa cháy bừng bừng, lửa đỏ tỏa hơi ấm và rọi sáng... Anh nhớ lại cảm giác mãn nguyện khi người đàn bà tì đôi vú nặng của cô vào ngực anh, đôi tay cô ve vuốt cơ thể anh, và những động tác của cuộc làm tình đưa dẫn anh tới ngọn triều khoái lạc. Sự hồi nhớ khiến cơn thèm muốn dục tình trong anh bật dậy.
Ta đã từng được sung sướng với người đàn bà ấy... Tại sao ta rời bỏ cô ta? Giờ ta ao ước được như cặp đười ươi phủ nhau trong xó rừng... Tại sao con người ngu xuẩn như vậy?
Nỗi hối tiếc điên cuồng vò xé tim Bôn. Con giống anh đã dựng ngược lên trong quần. Cái con vật quái gở khốn kiếp đó càng lồng lộn hung dữ, cơn hồi nhớ càng gợi lại rõ rệt những khoái lạc anh từng nếm trải nơi Bản Kheo. Những đường chỉ thêu trên tấm nệm lanh hiện lên cùng cặp vú người đàn bà. Bộ phận thầm kín cùng cặp đùi rắn như sắt của người con gái miền sơn cước. Chính anh đã biến cô thành đàn bà, khi thấy những giọt máu in lên tấm nệm cô ngồi nhỏm dậy, giơ tay chỉ cho anh biết. Vào khoảnh khắc ấy, cô không còn xấu xí, vào khoảnh khắc ấy mắt cô long lanh và ánh lửa rọi biến cô thành một nữ sơn thần với mái tóc xõa quanh vai.
Tại sao ta đã quăng thân vào cuộc phiêu lưu để đến nỗi hơi tàn lực kiệt? Phải chăng ta là kẻ tham mồi bắt bóng, phụ người yêu mình để chạy theo một thứ không thể nắm được trong tay? Và những giây phút cực nhục này là sự trừng phạt xứng đáng? Anh hồi nhớ cặp mắt lạnh như băng của Miên khi chị từ chối lời cầu xin của anh, cầu xin một miếng cháy đáy nồi cơm, một vụn lẻ tình yêu nơi chị. Và anh lại hồi nhớ cặp mắt sưng mọng những tiếng van vỉ ú ớ của người đàn bà Lào, nhớ mái tóc xác xơ phủ phục dưới chân anh, nhớ bóng dáng thảm thê của cô ngồi trước cây cầu thang canh giữ. Không phải riêng cô mà cả gia đình người anh trai cả dân Bản Kheo, đám người khác ngôn ngữ và phong tục ấy đã níu giữ, vây bắt anh không vì một ác ý nào, chỉ vì anh cần cho người con gái thiếu may mắn kia...
Trong ngôi nhà sàn xếp ngay ngắn những dãy bịch đựng ngô đựng nếp, những chum mật, đường phèn xếp thành tầng trên dàn tre giữa các lớp lá chuối khô, bí ngô già chất thành đống. Những lùm cây trước sàn rất nhiều chim, cả rạng đông lẫn chiều hôm tiếng chim ríu ran làm đầy khoảng không gian yên ả. Bầu trời Bản Kheo trong vắt, khói bẩn của chiến tranh không bay tới rẻo đất hẻo lánh này... Tại sao đến tận giờ anh mới nhận thấy cảnh sống thanh bình như vậy đủ lấp đầy cuộc đời gian truân cơ cực của mình? Cái gì đã thúc đẩy anh ra đi, chạy trốn khỏi mái nhà sàn ấm áp đó? Bôn nghĩ mãi, nghĩ mãi nhưng không tìm được lời giải đáp. Anh cứ ngồi trên đồi cho tới lúc đêm đen vây phủ, mê man trong các hồi tưởng, quay quắt vì tìm kiếm lời giải đáp, quằn quại bởi cơn đói dục tình. Tất cả những nỗi dằn vặt ấy hòa trộn nhau, đồng hiện. Chúng căng anh ra như mảnh da bị kéo cả bốn bề. Thời khắc cứ thế trôi. Cỏ xung quanh đã ướt sương, tay Bôn quệt vào chúng. Anh thả tay áo sơ-mi gài cúc tay, gài cúc cổ. Anh quên lối về nhà. Co hai chân lên cho đỡ lạnh, anh bó gối ngửa mặt nhìn trời. Và rồi, trăng lên. Trên riềm núi phía Tây nó từ từ trồi lên như một khối bạc tròn trĩnh, như gương mặt an hòa, thanh thản...
Hằng Nga...
Một cái tên vọt lên giữa đáy vực sâu. Một con cá óng ánh đột nhiên nhảy khỏi mặt hồ ảm đạm. Một tia sáng vụt xuyên qua đường hầm tối trong óc não Bôn.
Anh vùng đứng lên, thét vang trời:
Hằng Nga... Mặt trăng, chính là mặt trăng... Chính nó...
Bây giờ anh đã nhớ. Chính những đêm Bản Kheo anh đã ngửa mặt nhìn trời. Giữa đường cắt hình cánh nhạn của hai trái núi, mặt trăng đã nhô lên như vầng trăng đêm nay. Chính vầng trăng quyến rũ ấy đã mê hoặc, đã bỏ bùa ngải vào trái tim anh, làm tê bại óc não anh và anh đã bỏ trốn đi theo nó, rời khỏi Bản Kheo. Anh đã bỏ người đàn bà hiền lành khốn khổ yêu mê anh, tôn thờ anh như bị thần giáng thế. Chính là trăng, kẻ đầu độc anh, dẫn anh tới nỗi thống khổ này. Anh phải tiêu diệt nó, nếu không có cung tên, anh sẽ dùng súng, và cũng có thể là thuốc nổ. Phải trả thù vầng trăng lừa lọc đó...
Nhưng nó chính là Miên... Sau khối tròn bạc ấy chính là gương mặt của Miên... Người đàn bà ta yêu...
Trái tim anh lên tiếng, và cơm uất hận trong anh như ngọn lửa bị nước dội. Bôn lại buông xuôi hai tay, ngồi xuống. Ðám cỏ đọng sương thấm ướt quần. Có lời thầm thì nào đó vừa thoáng qua tai, anh chưa kịp nghe thấy. Anh bó gối, giỏng tai lên chờ đón. Chỉ còn mình anh trên ngọn đồi tối đen này, xung quanh là nương vườn và các đồi dứa chưa tới mùa đơm trái. Gió khẽ rì rầm, rì rầm, nhẹ nhàng và mơn trớn. Côn trùng rỉ ran. Tiếng sột soạt đâu đó của những con chuột núi hoặc lũ chồn cáo. Tiếng rụng của các cọng lá khô... Nhưng anh vẫn kiên tâm chờ đợi tiếng thì thầm... Và sau rốt, lời thì thầm kia lặp lại:
Miên và có thể chẳng là Miên. Em là vầng trăng của tôi và kẻ kia lại là vầng trăng của em. Em đã quyến rũ tôi ra đi và hắn lại quyến rũ em rời bỏ tôi... Ðó là trò hoán chỗ...
Trái tim anh dường như ngừng đập. Óc não anh cũng gần như tê liệt trong cơn choáng váng. Khoảnh khắc đó qua đi, anh mới có thể tiếp tục nói với chính mình:
Phải, đó chính là trò chơi đổi chỗ. Ðiều đấy thật giản đơn mà sao giờ ta mới nghĩ ra? Nàng Thoọng khốn khổ không bắn nổi vầng trăng quyến rũ kia... Nhưng tôi, tôi sẽ bắn rụng vầng trăng của em, để không còn gì lôi cuốn em ra khỏi tôi, và chúng ta sẽ sống cùng nhau, cùng nhau mãi mãi...
Nỗi sung sướng khiến Bôn lặng đi. Lần này anh không hét lên mà cúi xuống hà hơi vào lòng bàn tay, thì thầm:
Bôn ơi là Bôn, sao mà mày ngu dại, sao mà mày chậm hiểu thế? Ðáng lẽ mày phải tính đến chuyện này từ lâu, từ lâu...
Trí óc anh trở nên tỉnh táo, sắc bén. Tức khắc, nó phác ra kế hoạch hành động một cách tường tận, tỉ mỉ:
Mai ta đến nhà Xá chột. May sao cậu ta vừa về thăm vợ đẻ. Ta hỏi mượn khẩu súng săn, nói rằng phường săn bên xã thiếu tay súng và vì trưởng phường có họ xa nên ta phải nể tình giúp họ. Xá đang sướng rơn vì cửa hàng mới, vì vợ đẻ con trai nên không thể nghi ngờ. Từ nhà Xá, ta sẽ theo cong đường vòng qua thung lũng Ớt để tránh gặp dân làng. Ta sẽ đón họ ở bìa rừng bên kia Suối Lớn. Ở đó, định hình rất lợi. Vả chăng hắn cao to nhất phường săn một mục tiêu như thế dễ dàng bị hạ. Trước kia, ta bắn cũng không đến nỗi nào. Chẳng là thiện xạ nhưng cũng hơn hẳn gã lái buôn dân thành phố... Ngày mai sẽ là ngày cuối cùng hắn được hưởng cuộc đời may mắn của mình...
Bôn đứng dậy, men theo lối đi đã thuộc trở về làng. Lẹ làng như một con mèo và gian manh như con cáo gã đàn ông đang mưu tính giành giật lại hạnh phúc mỉm cười. Hẳn đó là nụ cười đắc thắng...
Chốn Vắng Chốn Vắng - Dương Thu Hương Chốn Vắng