Có 04 bước để đạt thành tựu: lên kế hoạch một cách có mục đích, chuẩn bị kỹ lưỡng, tích cực thực hiện, và kiên trì theo đuổi.

William A. Ward

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Ngô Hồng Dương
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 17398 / 713
Cập nhật: 2016-04-09 07:24:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 12
hành phố không có trăng, hoặc nói đúng hơn, trăng thành phố bẽ bàng nhợt nhạt. Chìm lấp dưới các loại đèn mầu trăng biến thành xác ướp của chị Hằng treo lửng lơ giữa bầu trời đầy bụi và khói.
Nhưng ở đây, trên bãi biển vắng tanh vắng ngắt này, trăng ngự trị với vẻ đẹp vẹn toàn, kiêu hãnh. Không vời gọi, không huyền bí như trăng miền sơn dã nhưng lộng lẫy hơn, uy nghi hơn, hùng mạnh hơn.
Biển bờ, sóng nước, những vàng lưới giăng mắc trên bãi cát, đám thuyền nằm chờ đợi... tất thảy đều tôn vinh quyền uy vô song của nó. Không gợn mây vương. Gió chạy ù ù qua rừng phi lao, reo trên sóng nước. Mùi biển đẫm không gian như từng thớ gỗ thuyền, từng hạt cát, từng bông cỏ mặt trời, từng tế bào trên da thịt con người đều thấm đầy vị muối cùng mùi sóng, thứ mùi vị tẩm liệm tâm hồn bất cứ kẻ nào sinh ra và lớn lên ven biển.
Hoan rít liên tục hết điếu thuốc này tới điếu thuốc khác. Những đọt lọc thuốc ném rải rác trên mô cát trước mặt anh dưới ánh trăng vẫn nhìn rõ:
Một bao rưỡi, từ lúc ra đây mình đã hút hết bao rưỡi...
Anh thoáng nghĩ rồi tiếp tục châm nữa, hút mà không còn nhận ra mùi thơm, không còn ngửi thấy vị khói, rít liên hồi như thợ muối đẩy bàn trang trên mặt ruộng. Từ nơi anh ngồi tới mép sóng chừng dăm thước, nhìn rõ đường lươn dập dờn của làn nước, đám bọt mờ nơi đỉnh sóng lẫn những gợn cát khi chúng rút ra xa. Anh nghe rõ tiếng đổ ập của con sóng vào, nặng nề hối hả như nỗi cồn cào của kẻ đói yêu và lặng lờ khi sóng lui xa, bồng bềnh như tiếng thở dài vừa mãn nguyện vừa nuối tiếc. Biển tuổi thơ của anh giờ đổi khác: Nó là biển của kẻ đã từng trải và thôi không còn sung sướng... Ðã một tháng. Trăng đêm nay không tròn hẳn mà ngả sang hạ tuần, giống như đêm trăng Xóm Núi.
Từ đêm anh dắt Miên lên sân thượng tới nay đã tròn một tháng.
Thời gian chẳng tiếc thương ai. Ngày lại đêm, trăng tròn rồi khuyết, Hoan không hiểu anh đã sống vật vờ qua ba mươi ngày ấy ra sao? Một hình nộm hay một bóng ma câm lặng? Không, có lẽ anh vẫn giữ được dáng vẻ đường hoàng chững chạc bên ngoài. Giữ tư thế của một người đàn ông đứng đắn, chừng mực, con nhà có cốt cách. Những quy chế đạo đức nghiêm nhặt của ông giáo Huy vẫn kiểm soát từng hành vi, từng lời ăn tiếng nói của anh. Anh vẫn làm việc một cách bình tĩnh sáng suốt, tính toán rạch ròi đâu ra đấy, thiết kế lại cửa hàng, thuê người thi công, chọn nhân viên mới, thay đổi mặt hàng tìm mối manh để kiếm thêm những mặt hàng ưu thế rồi thuê người áp tải từ Sàigòn và Ðà Nẵng ra. Cửa hàng của anh giờ không còn bán tạp hóa mà chuyển sang các vật liệu nội thất, đồ điện đồ gỗ và một ít đồ trang trí loại đắt tiền. Công việc tiến triển như có phép tiên. Mới một tháng tròn mà sự thay đổi khiến cả thành phố trầm trồ.
Chị Châu bảo:
- Hóa ra chính cậu mới có tay buôn. Cậu làm một tháng bằng chị cầy cục mấy năm ròng. Lẽ ra cậu phải về thành phố từ ngày hòa bình mới phải.
Hoan không đáp.
Chị anh chợt nhận ra sự im lặng của đứa em trai, chị lúng túng nói:
- Ấy, là chị nói thế... Chị xin lỗi...
Và chị lẩn ngay đi nơi khác.
Giữa những quãng thời gian tính toán hoặc kiểm soát hàng hóa, Hoan thường ngồi nhìn đường phố. Dòng đời diễu qua như con nước chảy. Trước đây vài năm có ai ngờ phố xá sầm uất đến thế này.
Cũng chẳng ai tưởng tượng nổi ngôi nhà của ông bà nội anh bị trưng thu được trả lại đột ngột không kèn không trống. Lúc đó, Hoan còn ở Xóm Núi. Chị Châu, chị Nền cùng gia đình về thành phố.
Sau khi mẹ anh chết, chị Châu thế chân bà bán hàng trong cửa hành bách hóa tổng hợp thành phố, vẫn dưới quyền lãnh đạo của bà Kim Lan. Chị anh đã phải chịu mọi sự trả thù hèn hạ của người đàn bà đỏng đảnh lăng loàn sau khi cuộc hôn nhân giữa anh và cô Kim Liên tan vỡ. Bất ngờ một buổi, có chiếc xe hơi xịch đỗ trước cửa. Trên xe bước xuống hai người đàn ông. Một trong hai người ngó nghiêng cửa hàng bách hóa và hỏi:
- Ðây có phải nhà anh giáo Huy không nhỉ?
Chị Châu bước ra đáp:
- Dạ thưa ông ba tôi đã mất. Nhà này trước đây của ông bà tôi.
Người khách đứng ngẩn ra nhìn chị hồi lâu rồi nói như quát:
- Con cái Châu hả? Mày lại dám xưng tôi với chú mày a? Mày biết tao là ai không?
Chị Châu hoảng hồn không biết ăn nói ra sao, ông khách lạ lùng kia đã kéo người bạn vào nhà:
- Vào trong này, tôi phải thắp hương cho ông anh tôi đã.
Ðoạn ông quay sang bảo chị Châu:
- Tao là chú Huyến hiểu chưa? Tao bỏ quê đi mấy chục năm trời.
Ba mày có nhắc đến tao không đấy?
- Dạ, ba mẹ cháu có nhắc tên chú luôn.
- Phải, ngày xưa ba đứa chúng tao vẫn chơi tam cúc ăn tiền... Mẹ mày ra sao?
- Ba cháu mất năm trước mẹ cháu mất năm sau, vừa hết giỗ đầu ông cụ...
- Cũng phải vậy thôi... Cái đời này yêu nhau lắm, người dương kẻ âm sao được?
Nói xong ông cười sằng sặc nhưng nước mắt ràn rụa. Rút khăn lau mặt, ông bảo người đi cùng:
- Bây giờ già rồi, đâm ra hay khóc... Tôi xa quê lâu quá... Xa quê gần hết cuộc đời...
Nói rồi ông lại khóc. Vị khách đi cùng lẫn mọi người đều đứng yên chờ ông khóc cho hết cơn. Chị Châu đưa ông qua cửa hàng vào gian nhà trong, nơi đặt bàn thờ ông bà giáo. Ông khách thắp ba nén nhang cắm vào bát, gọi hồn người chết cũng ngỗ ngược, suồng sã như ông nói với người sống. Khấn vái, than thở xong ông rút ví đưa cho chị Châu nắm tiền:
- Ngày mai mua đồ lễ cúng ba mẹ mày.
- Thưa chú, mai chưa phải ngày kị...
- Tao đã khấn bất cứ ngày nào bố mẹ mày cũng phải đội mồ đi lên.
Ngày xưa, tao còn đưa thư tình cho anh chị ấy rồi mới bỏ nhà theo cách mạng... Trưa mai, họp xong chú sẽ về thắp hương cho ba mẹ cháu...
Nói đoạn ông Huyến kéo tay người đồng hành:
- Ði cậu.
Ra tới hè, khi lái xe đã mở cửa bỗng nhiên ông lôi ông ta quay lại:
- Cái nhà này là thế nào hở?
Vị khách ngượng ngùng đáp:
- Trưng dụng làm cửa hàng bách hóa từ năm 56... Thời đó, các anh ấy đã quyết định...
Ông Huyến trợn mắt lên:
- Trưng dụng... Nhà anh giáo Huy mà còn trưng dụng thì ăn ở đượcvới ai?
Ông kia đáp:
- Việc đó do lịch sử để lại.
Ông Huyến bảo:
- Lịch sử sai cũng phải sửa. Lịch sử là do mấy lão tiền bối của bọn ta làm, có lão tả khuynh, có lão hữu khuynh, có lão thích trò mị dân, có lão thích chơi chiêu của bọn quá khích và khủng bố... Phải xét cái gì đúng cái gì sai mà làm chứ? Không lẽ bây giờ trong đám dân chúng của cậu có đứa lỡ chửa hoang cậu cũng gọt đầu bôi vôi rồi bỏ rọ trôi sông như lịch sử ngày xưa?
Vị khách thấy ông Huyến tức giận lại to tiếng ngay trên hè phố vội kéo vào ô tô:
- Ðược rồi... Tôi biết rồi... Ðể tôi bảo chúng nó...
Xe chạy vụt đi.
Trưa sau, đúng ngọ ông Huyến quay lại. Ði theo ông là viên thư ký của bí thư tỉnh ủy, người hôm qua bị ông tấn công. Viên thư ký đem theo sắc lệnh tức khắc trả lại nhà cho gia đình ân nhân cách mạng, kèm theo khoản bồi thường. Bà Kim Lan và các nhân viên khác phải tức khắc chuyển hàng hóa về kho của Ty Thương Nghiệp để chờ phân công việc mới.
Chuyện xảy ra như mơ. Chị Châu lên Xóm Núi kể lại tường tận với Hoan và bảo anh đưa gia đình về phố. Nhưng Hoan đã giao cho chị toàn quyền quyết định. Anh không thiếu tiền, và đời sống miền sơn dã vẫn lôi cuốn anh hơn. Chị Châu về phố, cắt mảnh đất làm đôi xây hai ngôi nhà cùng kích thước, cùng kiểu mẫu bằng số tiền bà giáo quá cố giao phó và tiền riêng chị dành dụm được. Xây xong, chị dọn hai cửa hàng bách hóa, giao chị Nền trông coi cửa hàng của Hoan, tháng tháng kiểm kê thu chi và xếp những đồng tiền lời vào hộp, dành cho đứa em trai, kẻ nối dõi tông đường của ông bà
giáo...
Hôm Hoan từ Xóm Núi trở về, anh ứa nước mắt khi hai người đàn bà giao nộp tiền ấy cho anh cùng với chùm khóa. Anh hiểu những hạt giống cha anh gieo không mất. Anh quyết định phá vỡ bức tường ngăn hai cửa hiệu, làm thành cửa hàng thênh thanh nhất thành phố, trang trí nội thất lại và thay đổi mặt hàng. Anh muốn gầy dựng cho những người đã tận tụy với anh một cuộc sống phong lưu, giữ gìn mối tình cảm nồng ấm và nghiêm túc giữa các thành viên trong gia đình, theo đúng nguyên tắc của cha anh ngày trước. Hoan thành công mau lẹ. Một lực lượng thần bí đã phù trợ anh. Một ngón tay linh thiêng trỏ anh từng đường đi nước bước. Bất cứ mặt hàng hóa nào Hoan đụng tới đều mau lẹ trở thành hàng hóa thời thượng và chúng đem lại cho anh những món lãi khổng lồ. Mặt hàng này chưa vãn, Hoan đã thay mặt hàng khác và những kẻ chạy theo chân anh chỉ còn biết vuốt bụng thở dài:
- Thằng cha ấy vào vận đỏ... Trời phù hộ cho nó.
Phần Hoan, chính anh cũng không biết vì sao anh làm mọi chuyện dễ dàng đến thế. Việc buôn bán của anh giống trò đùa. Ðể quên mối sầu buồn anh đi liên tục. Hết Ðà Nẵng vào Nha Trang, từ Nha Trang lên Ðà Lạt. Từ Ðà Lạt xuống Sài Gòn. Từ Sài Gòn lại quay ra Ðà Nẵng. Trong những chuyến ngao du ấy anh nhận thấy người đời cần thứ này hoặc thứ kia, rằng hôm nay họ thích mốt này ngày mai họ thích cái khác. Những quyết định đến mau lẹ sau một vài giờ tính toán. Chuyến hàng nào của anh cũng chóng vánh theo kiểu người ta gọi: Ðánh nhanh rút nhanh. Chưa lần nào thất bại. Công việc đã vào guồng tự nó cuốn theo. Hoan vẫn có thời gian rảnh rỗi. Anh nhờ người kiếm hồng tường vi và cây móng rồng trồng quanh vườn. Anh cho người đi mua bể cạn. Anh tái tạo lại cái khung cảnh thời thơ trẻ và đắm mình vào kỷ niệm, mường tượng những buổi chiều mẹ anh làm lễ vọng trời đất, mường tượng người đàn ông tao nhã dịu dàng thường vuốt mớ tóc trước trán anh, mường tượng chàng trai mười tám xưa trên sân bóng rổ...
Nhưng những điều ấy không làm anh được giải thoát. Quá vãng chỉ là quá vãng. Nhiều lắm nó cũng chỉ cho con người sự êm dịu và ảo ảnh về một sức mạnh. Nó không là cuộc sống. Cuộc sống của anh đã ở ngoài anh, ngoài gã đàn ông chĩnh chện giàu sang và nhàn nhã, thường ngồi sau ly cà phê ngắm phố phường với cặp mắt không ánh sáng, không niềm vui. Ðôi khi, anh tự tách khỏi bản thân để nhìn ngắm mình như ngắm nghía một kẻ lạ lùng nào đó, một thương gia trẻ đang vào vận đỏ, kẻ được cả thành phố thán phục, kẻ làm mồi cho tất thảy những toan tính của đám đàn bà trẻ hoặc của đám gái đến tuổi kén chồng... Anh không lạ gì những ánh mắt ấy. Anh từng cười nói, chào hỏi, bắt tay người này rút thuốc lá mời người kia, lịch sự lui bước nhường đường cho một cô ả xinh đẹp õng ẹo mà anh thừa biết cô ả đang cố ý chìa cặp mông về phía anh, cố ngoáy đôi chân cho thật giống các nữ minh tinh màn bạc, cố vén đôi môi cười sao thật khêu gợi và toàn bộ cuộc chinh phạt đó nhắc anh tới ly rượu đỏ của bà Kim Lan thuở xưa...
Anh thấy mình khốn khổ.
Một nỗi khốn khổ không được thổ lộ cùng ai và khó bề giải thoát. Chị Châu và chị Nền thương anh, chăm chút anh nhưng họ kính sợ anh như kính sợ một vị chúa đất và vì quá giản đơn họ không thể chia sẻ được điều gì... Tuần một lần, anh về Xóm Núi thăm con, kiểm tra rương rẫy và bàn bạc với ông già Lư, người quản gia anh đã chọn từ vùng Quảng Trị. Con trai anh xinh xắn, thông minh, hiền lành... Vẻ đẹp của nó là vẻ đẹp của hai người hòa trộn nên mỗi lần nhìn nó một gương mặt khác lại hiện lên, một thân thể khác lại áp kề, một mùi da thịt khác kêu gọi... Nỗi mừng gặp con ngắn hơn nỗi đau một người thiếu vắng. Anh bị kéo căng ở hai đầu, như một kẻ tà đạo phải chịu hình phạt cho ngựa xé. Cuộc sống phố phường cuồn cuộn. Âm thanh, màu sắc, ánh sáng hòa trộn xáo động không ngưng nghỉ, cũng chỉ lôi cuốn được anh vài khoảnh khắc.
Sau rồi, anh không còn cảm giác gì nữa, như ngũ quan của anh đã mất, chẳng thấy ánh sáng nào, âm thanh nào, mùi vị nàocòn tác động nổi.
Tối nay Hoan trèo lên sân thượng, nhìn thành phố. Anh ngồi như thế giờ lâu rồi bỗng dưng anh thấy dưới kia không còn nhà cửa, phố xá đèn đường, xe ô-tô xe gắn máy, không người đi lại không biển quảng cáo và tiếng ồn của cuộc sống. Dưới kia, là sa mạc. Một chốn không người. Mình anh trơ trọi. Nỗi cô liêu là một vòm trời khác còn rộng rênh hơn bao trùm cà vòm trời trên đầu anh. Anh sợ. Anh nghĩ anh có thể là người cuối cùng còn lại sau cơn tai biến, một nạn hồng thủy hoặc trận bão bom nhiệt hạch. Anh vội xuống nhà, nhảy lên xe, phóng ra bờ biển...
Giờ biển ở trước mặt anh. Nó cứu anh khỏi cơn hoảng loạn. Đầu óc anh dần tĩnh lặng trong gió đêm. Anh nhìn những con sóng không ngừng xô giỡn và biết rằng chỉ cần rút đôi chân khỏi giầy, lột tất đi hơn chục bước, anh sẽ thấy sóng ngay trên chân mình, sóng sẽ liếm chân anh như hơn ba mươi năm trước nó đã từng liếm đôi chân bé nhỏ của cậu bé Hoan. Mỗi bận cha anh cho ra biển tắm, Hoan thường ngạc nhiên thích thú khi bọt nước bám vào chân lông và khi vỡ nó tạo nên cảm giác ngưa ngứa, nhồn nhột...
Nếu giờ đây ta lột áo quần, phóng vào làn thủy triều kia để toàn thân được ngọn sóng vuốt ve, trùm phủ?
Hoan nghĩ tới những vuốt ve nô dỡn của sóng nước khi anh còn thơ trẻ và nỗi khao khát được trở lại một lần hạnh phúc thời quá vãng khiến tim anh nao nức... Anh đứng dậy, cởi hàng nút áo trước ngực. Nhưng khi cởi tới chiếc nút thứ ba, bàn tay anh chạm vào rốn và nó bỗng rơi thõng xuống. Anh chợt hiểu rằng anh không còn là chú bé ngày xưa... Cậu bé Hoan ngày xưa vẫn được cha cho ngồi trên vai dạo chơi trên bãi cát... Cậu bé Hoan say mê tắm biển thấy chân trời cuộc sống nằm dưới đà bay của cú nhảy sóng, mọi bí ẩn của vũ trụ bừng sáng lên sau một hơi lặn dài và làn sóng nước bao la mặn mòi hơi biển cả là nguồn sung sướng vô biên chẳng bao giờ vơi cạn...
Anh đã qua tuổi... Tam thập nhi lập rồi. Anh đã ba mươi bảy. Một gã đàn ông xa con và mồ côi vợ không thể tự cứu mình bằng cái trò tồng ngồng nhảy sóng của hơn hai mươi năm trước. Trong hơn hai thập kỉ ấy, bao nhiêu dòng nước đã cuốn từ cửa sông ra biển, và biển đã luân chuyển các guột nước trong lòng sâu của nó bao nhiêu lần? Anh lại ngồi xuống cát, châm điếu thuốc khác...
Biển của anh giờ không còn ở nơi đây. Từ xa, một bóng người đang cắm cúi đi tới. Một cái bóng bé nhỏ, chúi về phía trước, bên tay cắp chiếc thúng con. Có lẽ là một đứa bé bán quà rong. Những người tắm biển đã về từ lúc lặn mặt trời, cớ sao nó còn chầu chực nơi đây? Có lẽ nó ế hàng nên phải rình những cặp trai gái đang tình tự để năn nỉ. Và bây giờ nó gặp gã khách côi cút là anh?
Hoan đoán đúng. Đứa bé cắp thúng hàng nhằm hướng anh ngồi đi miết. Chẳng mấy chốc nó tới nơi, quỳ gối trước mặt anh vừa thở hồng hộc vừa rút cây đèn pin soi những món hàng ế ẩm: - Chú ơi, mua giùm con ít đồ nhậu.
- Chú không uống rượu.
- Vậy chú ăn quà cho vui miệng.
- Nhưng cha chú bắt chú sau khi ăn quà phải xúc miệng bằng nước muối không sợ hư răng... Ở đây, cháu có nước muối không?
Hoan vừa nói vừa nhớ tới đứa con trai, nhớ vẻ mặt phụng phịu của nó mỗi lần phải thực thi cái nguyên tắc vệ sinh nghiêm nhặt đó. Đứa bé bán hàng ngắc ngứ, đần mặt nhìn anh. Nó không hiểu ông khách nói thật hay bỡn. Cây đèn pin trong tay nó vếch lên, soi một gương mặt đen đủi, ranh mãnh với cặp môi xinh nhỏ:
Nó còn bé quá... Nó đã phải rời học đường đi kiếm sống... Có lẽ cha mẹ nó chết sớm, như Miên ngày xưa...
- Nào, cháu có món gì, để chú mua về đãi hàng phố vậy.
- Dạ, con xin chú, chú mua giùm con...
Con bé nhanh nhảu van nài. Cây đèn pin quẹt qua quẹt lại trên mấy món đồ thảm hại: Một chồng bánh đa kẹp kẹo lạc đã chảy. Một bát lạc luộc. Vài quả ổi dập nát vẹo vọ, hẳn được mót từ mảnh vườn cằn cỗi nào đó đem mớ cho trẻ nghèo. Mấy con mực nướng trong túi ni-lông. Hai gói thuốc lá rẻ tiền đã móp vỏ.
- Cháu có đi học không?
- Dạ không.
- Cha mẹ cháu không cho đi học?
- Thưa không. Con phải bán hàng. Đi học lấy chi mà ăn.
- Cha mẹ cháu làm gì?
- Mẹ con bán ốc hương ở chợ, còn cha con bán tào-phớ-rong.
- Nhà cháu đông người không?
- Có cha mẹ với năm anh em con.
- Không đứa nào đi học cả?
- Thưa không.
- Cháu có thích học không?
- Thưa không. Có hồi cậu con đã dạy chữ cho tụi con nhưng chữ không vào. Cậu bảo óc đặc không học nổi. Đi bán hàng là sướng nhất. Vừa kiếm được tiền mua gạo vừa chơi rong...
À, ra thế... Hóa ra trên đời có những đứa bé không thích học. Chẳng phải ai cũng than vãn việc học hành lở dở như người đàn bà của ta. Ta biết Miên thông minh nhường nào...
- Thôi được, chú mua hết cho. Cả thảy bao nhiêu?
Cặp mắt đứa bé đảo nhanh như chớp và ngay tức khắc mặt nó hiện lên vẻ tinh ranh của đám dân thị thành. Hoan chăm chú nhìn nó tính toán từng món một, nâng giá món này lên vài hào hoặc tính gian món kia vài chiếc, cặp môi xinh nhỏ chụm lại và đôi mắt đong đưa trên cái vương quốc bần hàn.
Hoan bảo: - Thôi, không cần đếm đi đếm lại từng cái kẹo như vậy... Tất cả bao nhiêu, cứ gộp hết vào...
- Dạ. Cả thảy đáng lẽ mười một đồng nhưng vì chú mua cả mớ nên con bớt cho chú một đồng còn mười đồng chẵn.
Xuýt nữa Hoan phá ra cười:
Con cáo con, nó tưởng mình là người trên sao Hỏa vừa xuống... Nhưng nó tưởng thế cũng có lý, chẳng ai rồ dại ngồi một mình trên bãi biển đêm thế này...
- Con ranh, mày tính kiểu gì vậy? Cả mớ hàng cháu bán nhiều lắm cũng chỉ được bốn năm đồng... Lần sau muốn bịp thì phải chọn người khác nhé...
Ðoạn anh móc túi lấy ra ba tờ bạc năm đồng:
- Này, chú cho mười lăm đồng, ôm mớ quà của cháu về luôn đi... Thôi, đi cho mau kẻo lạnh...
- Dạ, con xin cảm ơn chú, con xin đội ơn chú...
Ðứa bé cầm tiền rạp đầu xuống chào anh rồi sau đó nó ôm thúng hàng lủi nhanh như sóc. Hoan nhìn theo cái bóng đen bé nhỏ hút xa dần, cồn cào gan ruột. Viền môi hồng nhỏ xíu của nó gợi cho anh một viền môi khác. Và từ điểm nhớ ấy, nỗi nhớ lan rộng, tăng trưởng, dựng nên một hình bóng thân quên.
Tại sao ta lại ngồi đây nhỉ?
Vào giờ này, lẽ ra anh đang ngồi trên sân thượng uống trà, tán gẫu với đám láng giềng Xóm Núi và vừa tiếp chuyện họ anh vừa lắng nghe tiếng đứa con trai bi bô với mẹ nó dưới sân. Gặp ngày vắng khách, cả ba người ngồi trước hiên hóng gió. Không gian vây bọc họ luôn tẩm ướp hương các loại hoa trong vườn, ấy là tiểu vũ trụ an bình và say đắm được tạo ra từ người đàn bà anh yêu và yêu anh. Cuộc đời anh đã định vị ở nơi đó, sao bỗng dưng bị đẩy ra ngoài, rơi vào khoảng chân không, một cõi lạnh lùng xa lạ nơi bất cứ vật gì cũng khiến anh ngờ vực.
Nhiều lần Hoan tự hỏi:
Vì sao nhỉ? Ta vốn là dân thành phố, sinh trưởng và lớn lên ở nơi đây, hít thở không khí nơi đây để trở thành người, vậy mà ta luôn có cảm giác mình là khách qua đường, là kẻ ăn nhờ ở đậu...
Nỗi bất an thường trực ở trong anh.
Mỗi khi tiếp chuyện những kẻ môi giới, các chủ hàng hoặc đám bạn buôn, anh thấy rõ mình chẳng còn là mình, chỉ là kẻ sắm vai, là hình nộm phải diễn. Một cái bắt tay sớm hay muộn, một tiếng thở dài buông ra đúng lúc hay không đúng lúc, một tiếng cười trật
khấc hoặc đáng giá ngàn vàng hoặc làm sụt lở một phần gia sản một cuộc trà dư tửu hậu có thể củng cố được các mối quan hệ hữu ích hoặc khai thác những sơ hở của đối phương... Những bài học của xã hội buôn bán cạnh tranh mà tất thảy những kẻ nhập cuộc phải thuộc lòng... Nhưng sắm vai trò ấy, anh luôn luôn thấy mình ngộp thở.
Hoan là kẻ thèm khí trời. Anh cần khoảng không gian bao la thanh sạch. Không gian ấy anh đã tìm và đã thấy ở nơi khác. Trong thành phố này, chỉ riêng khu vườn là nơi duy nhất anh có thể hít thở dễ dàng, tránh mọi cuộc tiếp xúc với ngoại giới và được quyền ném mặt nạ lại phía sau... Nhưng khu vườn quá nhỏ. Và mùi hoa móng rồng với tường vi chẳng lấp đầy nỗi thiếu vắng một mùi hương khác. Nỗi thiếu vắng ấy càng ngày càng nung đốt anh, từ không gian thấm sâu vào gân cốt máu thịt. Và tới lúc nó hòa nhập cùng cơn đói tình dục...
Lại có người đi tới. Lần này, không phải một mà là ba cái bóng cao lớn nghênh ngang, vẻ như ba gã trai. Họ tiến đến gần anh vừa đi vừa chuyện oang oang, giọng người chài lưới, át cả tiếng sóng:á
- Mi ưng con nớ hỉ?
- Kệ tau, mi hỏi làm chi?
- Nếu ưng nó tau thôi... Răng không, tau xáp vô liền.
- Thì mi cứ xáp vô.
- Mi thách hả?
- Tau chẳng thách.
- Ðừng thách tau. Bộ mi xớ rớ cả tháng chưa mần ăn được chi, chớ tau cứ rờ tới con nào con nớ mềm nhũn ra ngay... Giờ trước giờ sau là tau quất...
- Ðừng nói trạng... Chứ tau thách mi đó. Mi mần đi.
Giọng thứ ba cất lên:
- Thôi đi chúng bay... Thiếu chó gì gái mà phải mất nghĩa mất tình vậy? Người ta đổi gái chứ không ai đổi bạn từ thuở cởi truồng. Mà mắt tụi bay có vẩy ốc chớ tau nỏ thấy nó đẹp đẽ chi. Hai trái vú to như hai trái dừa mà mông thì lép kẹp. Thằng đàn ông nào mà lấy nó suốt đời phải cam phận nằm dưới, chẳng sung sướng chi.
Tiếng cười khằng khặc ầm ĩ. Ba gã trai vừa đi vừa đá sóng tung tóe. Nước vọt lên dưới những cú đá mạnh rồi rơi xuống rào rào:
- Ai kia?
Một gã cất lời, giọng bả lả. Gã thứ hai tiếp theo:
- Răng ngồi một mình buồn bã vậy? Ði với bọn tui không?
Hoan im lặng. Anh cố hình dung gương mặt những gã trai làng chài có giọng cười thật khả ố và thật sung sướng.
Gã thứ nhất lại lên tiếng:
- Bộ kia là bị người tình ruồng... Ðừng bó gối cho tội thân. Ði chơi đi. Thiếu gì đàn bà trên đời, con nào cũng cái nớ cả...
Giọng thứ ba lại cất lên, can ngăn:
- Im đi chúng bay. Ðể yên cho người ta ngồi... Tổ cha mấy thằng chó dại, nốc có hai chén rượu mà sủa như lũ điên...
Rồi ba gã vượt qua mặt anh, đi tiếp về phía trước, nơi dãy lều chứa lưới in dãy bóng đen thù lù dọc theo bờ cát. Tiếng họ mỗi lúc mỗi hút dần trong gió biển. Càng đêm, gió càng dữ, càng lạnh. Trời như rộng thêm ra và chân trời tan biến trong mù sương, như không còn biển còn mây còn trăng, tất cả hòa thành một cõi huyền hoặc. Anh phóng tầm nhìn ra xa, cố tìm trong khoảng không bao la một chút gì thân thuộc: Tiếng còi báo giờ nơi người gác hải đăng, tiếng buồm reo phần phật trong gió đêm, tiếng hải âu lẻ bạn tình khắc khoải, bóng thuyền câu mực và ánh lấp lóa những ngọn đèn soi cá đêm... Nhưng tất thảy những ảnh hình, những âm thanh quen thuộc của tuổi thơ đã tắt. Biển cũng hoang hoải như thành phố, sa mạc như thành phố và anh chỉ còn lại một mình dù không có nạn hồng thủy hay bão bom nhiệt hạch.
Hoan đứng dậy.
Biển tuổi thơ của anh đã mất.
Và biển của anh bây giờ không còn ở nơi đây.
Anh nổ máy quay xe về thành phố. Quầng sáng hiện lên phía trước khiến anh chán chường, chân tay bải hoải. Nhưng khi nghe tiếng động cơ nổ thuần thục đã giảm dần âm thanh anh nghe rõ tiếng sóng ào ạt sau lưng. Tiếng sóng đuổi theo anh và mỗi lúc càng giống tiếng gọi mơ hồ nào vọng tới. Tiếng gọi của ngày đã qua hay ngày sắp tới? Hoặc đó chính là tiếng vọng nhịp đập của trái tim sầu muộn trong ngực anh, dưới tấm áo tẩm sương? Anh không biết và tiếp tục phóng xe đi, cảm thấy mình đang theo đuổi một mục tiêu vô hình vô thanh nhưng không sao cưỡng nổi...
Chốn Vắng Chốn Vắng - Dương Thu Hương Chốn Vắng