Những lần thất bại chính là hạt giống gieo mầm cho thành công sau này. Bạn có thể buồn nhưng đừng tuyệt vọng.

Khuyết danh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Ngô Hồng Dương
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 17398 / 714
Cập nhật: 2016-04-09 07:24:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
răng càng đêm càng ngời trên các vòm cây.
Sau mưa, những phiến lá trơn bóng như những mảnh gương nhỏ bằng đồng. Chúng phản chiếu ánh trăng nhân lên hàng vạn đốm lửa xanh rắc lổ đổ khắp nơi khiến vườn đêm xao động. Miên chăm chăm nhìn vườn cây ngoài khuôn cửa. Bóng lá lẫn ánh trăng nô rỡn tạo nên những hình thù kỳ bí. Một lũ đom đóm đuổi nhau, chui luồn qua kẽ lá. Những viền sáng bất chợt hắt lên khi ngọn gió thổi qua... Vườn của chị, nhưng chưa lần nào chị để mắt tới một cách kỹ lưỡng. Ðêm nay là lần đầu. Bởi chị sắp lìa xa.
Miên biết chị sắp phải rời ngôi nhà thênh thang này, vườn cây thênh thang này trở về gian nhà cũ nát của Bôn, nơi mười bốn năm qua chị chưa một lần ghé mắt. Gia sản của Bôn chỉ có vậy và một khi quay lại sống với anh chị phải chấp thuận cái phần hẩm hiu số phận đã dành cho mình. Lúc đun nồi nước tẩy trần cho Bôn, chị nhìn những tàn than tung bay trên ngọn lửa tự hỏi mình một trăm lần vì sao đã quyết định quay lại sống với người chồng cũ. Một trăm lần, câu trả lời bật lên tức khắc, không đắn đo không ngập ngừng: Ta phải quay về, không có con đường nào khác.
Ý nghĩ đó đã bật ra ngay sau lời tuyên bố của ông chủ tịch. Ông xách cặp quay ra sân, tấm lưng ông bỗng biến thành bản cáo thị, trên đó chạy chi chít những dòng chữ đen xì. Những con chữ tựa hồ những chiếc móc sắt nối vào nhau. Và bên dưới in hình con triện. Con triện ấy tròn hay vuông, Miên không định nổi. Chị chỉ biết rằng tấm cáo thị kia đã chỉ định phần đời phía trước của chị. Và con triện kia là dấu hiệu của quyền uy, của mệnh lệnh không ai được phép cưỡng.
Ðã mấy lần trái tim ương bướng của chị lên tiếng:
Rõ ràng tấm cáo thị đó là do trí tưởng tượng đặt bày. Chẳng ai ra lệnh cho ta. Cũng chẳng ai có quyền xui khiến ta rời bỏ cuộc sống ấm êm này. Cuộc hôn nhân giữa Hoan và ta được cả trời lẫn người chấp nhận...
Lần nào cũng có tiếng đáp tức thì:
Cuộc hôn nhân thứ nhất cũng được trời và người chấp nhận. Thêm nữa, trời đã tạo ra sự dở dang trời sẽ lại lấp đầy. Người được cuộc sẽ là kẻ từ mặt trận quay về. Cứ nhìn vào mắt đám đông vây quanh ta là thấy...
Ngồi trước bếp lửa nhưng Miên lạnh toát. Mồ hôi thoát đầy hai bả vai chảy theo rãnh lưng. Chị ngỡ mình bị nhấn chìm dưới dòng nước. Không con thuyền lai vãng. Không mảnh ván trôi. Trong cơn tuyệt vọng ấy trái tim nhỏ bé của chị vẫn nhắc chị rằng chị đã thuộc về người chồng thứ hai, cả tâm hồn cùng thân xác, rằng chị sẽ chẳng bao giờ có được hạnh phúc nếu rời bỏ anh, rằng anh là người đàn ông tài ba và cao thượng, may mắn lắm chị mới gặp được anh trên cõi đời và lìa xa anh là hành động điên rồ hay ngu xuẩn... Miên biết những gì trái tim chị mách bảo đều là sự thật. Nhưng trái tim chị quá nhỏ bé. Nhỏ bé và lẻ loi. Nó đơn độc, dai dẳng tuyệt vọng trong cái góc cỏn con của cõi đời. Phần còn lại, không gian bao la kia thuộc về những kẻ khác. Trên phần đất mênh mông ấy, trùng điệp người. Ức triệu người. Những người lính xếp thành đội ngũ rùng rùng chuyển động dưới lớp lá ngụy trang. Những tổ tiên xa xưa của chị, người quần vải áo lĩnh người váy sồi áo đũi, người xách ô kẻ vấn khăn... đi thành đám như trẩy hội. Giữa hai đám người ấy là những kẻ cùng thời: chủ tịch xã bận sơ-mi trắng, bí thư đảng ủy vận áo sọc bỏ ngoài quần lính bạc màu, lũ trẻ choai choai mặc áo dệt kim in hoa lòe loẹt. Ðám đàn bà xóm Núi vẫn mặc bộ đồ đồng màu như thường nhật. Và tất thảy đều hướng cặp mắt soi mói về phía chị:
Thế nào, chị không bỏ rơi người anh em của chúng tôi chứ? Chúng tôi đi giết giặc. Tuổi xuân của chúng tôi mòn mỏi, máu chúng tôi đổ xuống, thân xác chúng tôi vùi dưới đất và khắp mọi miền cỏ cây xanh tốt nhờ thịt xương chúng tôi rữa nát trong đất đen... Những kẻ may mắn quay về không lẽ bị chính người thân ruồng rẫy?
Những người lính lên tiếng trước tiên. Bởi họ đi thành hàng trùng trùng điệp điệp, tiếng nói của họ được lặp đi lặp lại như chúng vọng qua ngàn vạn hang sâu:
Nào, người đàn bà xinh đẹp, hãy trả lời đi, chị không cắt phần hạnh phúc người đồng đội của chúng tôi chứ?
Người lính già ở hàng đầu tiên ngẩng lên nhìn Miên, mắt anh ta bắn thẳng vào mặt chị những tia lửa bỏng rát, giọng nói nửa như chòng ghẹo nửa như huấn lệnh.
Rồi nheo mắt thay cho một lời chào, anh ta tiếp tục bước, gương mặt lấp dưới vầng lá ngụy trang. Người thứ hai ngẩng lên nhắc lại câu hỏi cũ. Người thứ hai ngừng lời, tiếp đến người thứ ba. Rồi người thứ tư, thứ năm. Hai người tiếp theo lần này là hai người lính già râu ria tua tủa giọng nói dữ dằn vang ồm ồm như tiếng sấm khan... Ðoàn quân rùng rùng bước. Những người lính không ngớt lập đi lập lại câu hỏi. Cái điệp khúc ghê rợn không mệt mỏi ấy hòa nhịp quân hành xoáy vào óc não Miên. Miên bủn rủn chân tay. Những ánh mắt lạnh buốt của họ vừa cảnh cáo vừa hứa hẹn sự trừng phạt. Miên không thể cất lời, không thể bịt chặt lỗ tai, không thể né tránh ánh mắt gươm dao của những hồn ma oan nghiệt chưa từ bỏ lòng khát khao trần thế giờ đây trút lên vai chị tất cả cừu thù của những cơn nuối tiếc chưa nguôi. Họ vẫn rùng rùng bước đi trong cuộc hành quân bất tận. Lời họ nối nhau vang rền trong nhịp trống âm u tàn khốc, nhịp trống chờ đợi chị, kẻ tội phạm bước ra pháp trường.
Ngọn lửa bếp nhảy nhót trước mặt Miên. Chị nhìn thấy trong ngọn lửa ấy, hình ảnh của những ngọn lửa thiêu phạm nhân thời xưa cũ, và phía sau ngọn lửa trừng phạt đó, sừng sững những pháp đình xưa cũ, những pháp đình được dựng nên trong những hoàng hôn thời ly loạn và trong những Mùa Ðông đầu tiên của loài người, khi họ vừa biết nhóm lửa biết sống tụ thành đoàn trong các hang đá lớn.
Khi các đoàn quân xa khuất, đám người cổ xưa đủng đỉnh tiến đến. Khăn the áo lĩnh, váy chùng sát đất, êm nhẹ sẽ sàng. Ống tay áo rộng phất phơ của họ vẫy trong không gian những bóng sáng mờ ảo xen màu tím chết và màu đen, ánh mờ trắng giao thoa một rạng đông phôi thai với một đêm rừng tàn úa. Ðám người đó tiến đến gần chị, đường bệ uy nghi, thủng thẳng buông lời:
Thế nào, con suy tính kĩ chưa? Phận làm người phải biết quên thân vì nghĩa. Người đàn bà đoan trang trước tiên hãy học chữ nén lòng. Làm theo lẽ phải khó khăn lắm, nhưng cần biết theo lẽ phải. Trời đã sinh ra người đàn bà để làm cây cột cái đỡ mái nhà, truyền nhân tính và giáo lí cho thế hệ sau qua dòng sữa. Người đàn bà không biết đến đức hy sinh, lòng cao thượng, không giữ đức hạnh cho tôn nghiêm không thể làm tròn chức phận của mình.
Các bà già không nhau trầu, lặng lẽ nghe các ông già răn dạy, rồi họ kéo vạt áo tứ thân một cách nhẹ nhàng đường bệ quay lưng bước đi. Những ông già khô đét, mắt long lanh, giọng chậm rãi âm u, thả mỗi lời như thả một con chim sầu buồn băng giá. Nói xong, họ chống ô bước về góc trời mù sương phía đông. Lời họ nói, giống như những con chim u sầu đập cánh trong hang đá, khiến các vách đá truyền mãi những âm thanh huyền bí đầy quyền năng...
Ðoàn người cổ xưa trôi dạt như mây nơi chân trời, những mép quần vải trắng của các cụ ông xen mớ váy lĩnh đen nhức của các cụ bà tạo thành bức ảnh trắng đen chuyển động. Giờ tới lượt của những kẻ cùng thời. Họ ào tới vây quanh chị như sóng bủa vây từ bốn phía. Cả những kẻ gần gũi lẫn những người quen biết sơ sài. Mọi gương mặt, mọi ánh mắt bỗng dưng trở nên lạnh lùng, nghiệt ngã. Miên kinh hãi khi thấy những kẻ bình thường vẫn lui tới nhà chị, khi xin viên thuốc kháng sinh cho đứa con viêm phổi, khi xin mật ong cho bà mẹ ngậm ho, khi nhờ chị cho mượn chiếc máy bơm tưới nương, khi lân la vay tiền đi chợ... Những kẻ thường nhật tỏ ra thân tình hoặc quỵ lụy bỗng dưng có bộ mặt quan tòa. Dường như việc Bôn trở về đã cho phép họ thay đổi ngôi bậc. Giờ đây chị là người chịu sự phán quyết của họ, người đàn bà giàu sang nhất xóm Núi bỗng sa cơ, biến thành kẻ đứng trước vành móng ngựa của tòa án lương tâm:
Thế nào, chị đã hiểu phận sự của mình rồi chứ? Hay cuộc sống giàu sang đã khiến chị tối tăm mắt mũi, khiến chị quay lưng lại với người chồng thuở hàn vi? Ðừng quên rằng tất thảy mọi gia đình trên dải đất Việt Nam đều có người ra trận, số phận của Bôn cũng là số phận chung của những người trai đã hy sinh tuổi trẻ nơi trận mạc, đã lãnh phần thua thiệt cho kẻ khác an hưởng thanh bình. Trong nỗi mất mát của anh ấy có một phần đau khổ của thân nhân chúng tôi. Chúng tôi đứng về phía Bôn.
Phải, họ không nói ra lời chi cũng biết họ đứng về phía Bôn. Tất cả. Ðám người quây lấy chị vòng trong vòng ngoài, từ ngõ đến sân, từ sân vào trong nhà... Tất cả nhìn chị hau háu. Ánh mắt họ giống những mũi tên bịt sắt chọc thủng lớp da mặt chị, khoan xoáy vào thớ thịt. Miên chợt nhớ lần nào đó, chị quan sát con chó săn của ông già hàng xóm rình mồi suốt buổi sáng. Lần ấy chị xiết bao kinh ngạc, và chị đã thán phục sự kiên trì quyết liệt của con vật. Giờ đây, chị thấy ánh mắt nó giống hệt ánh mắt của những kẻ đang vây quanh mình. Cũng những tia sáng bắn tóe lên, háo hức, chăm chú, không lơi lỏng một giây, cũng vẻ bồn chồn dai dẳng, sự tàn nhẫn và khoái cảm đợi chờ... Niềm khoái cảm của những kẻ chăng lưới, chờ con mồi sa bẫy...
Sẽ không còn con đường nào khác.
Số phận giơ tay bỏ phiếu cho Bôn. Chị sẽ chết nếu chống lại phán quyết của định mệnh. Phải quay lại với Bôn, sống cuộc sống vợ chồng chắp nối mối tình nguội lạnh phôi pha, mối tình giống như một hồn ma chỉ lai vãng quanh mộ chí:
Ngày xưa, ngày xưa ta đã sống cuộc sống vợ chồng với Bôn ra sao nhỉ? Ðã có một trưa hè oi nóng, đám con gái xóm Núi chòng ghẹo ta và Bôn tới...
Chị nhớ rặng phượng vĩ chạy theo bìa đồi, trên lối vào rừng. Rặng phượng trổ hoa suốt mùa hè, đỏ hung hãn một trời lửa đỏ. Hồi ấy Miên gầy bé yếu ớt. Một lần đi kiếm củi, đám bạn xô chị xuống khúc suối sâu rồi bỏ chạy. Cô nào cô nấy gánh gánh củi trên vai, vừa chạy vừa cười như nắc nẻ:
- Miên ơi, cố lội lên mai tao cho nắm bỏng rang.
- Miên ơi, bơi chó mà vào mai tao dạy bơi kiểu ếch...
Các bạn Miên không hiểu trò đùa tai ác của họ đã bẻ quặt đời chị sang lối rẽ không lường định. Miên vốn không biết bơi. Kẻ nào không biết bơi cũng sợ nước. Thuở nhỏ, cha chị thường dẫn chị tới con hồ Trăng Nguyền cách nơi họ ở vài quãng đồng. Ông dạy Miên bơi bằng đủ cách: Ném xuống nước, buộc dây bụng, cho chuồn chuồn cắn rốn, cột lưng vào thuyền... Miên vẫn không học nổi. Có lẽ năm bảy kiếp trước chị từng là loài thủy quái bị đầy ải ngàn năm dằng dặc dưới biển sâu nên khi trở thành người chị không còn muốn nhìn lại nơi tiền oan nghiệp chướng...
Bố Miên dạy mãi không xong, đành thở dài bảo mẹ chị:
- Con bé này hẳn sẽ sống trọn đời miền sơn cước.
Vài năm sau ông qua đời. Ðiều tiên cảm của ông đã thành sự thực Miên đưa các em về sống với dì Huyên nơi xóm Núi. Chị không ngờ rằng ngay nơi miền sơn cước chị cũng phải đối mặt với dòng nước, sự hiểm nguy và nỗi lo âu thường trực theo suốt cuộc đời những kẻ không biết bơi.
Lần ấy đám bạn Miên tưởng chị sẽ lóp ngóp lội vào bờ và hôm sau cả bọn được mẻ cười rũ rượi. Nhưng Miên đã trượt chân, sa xuống lòng suối. Khúc suối không quá sâu nhưng có rất nhiều tảng đá rêu phủ trơn nhầy. Từ tảng đá này trượt xuống tảng đá kia, càng trượt càng xa bờ và càng uống no bụng nước. Miên thu hết can đảm sờ soạng lối lên. Nhưng nước đã xộc lên sống mũi, óc chị choáng váng và mắt nảy hoa cà hoa cải... Chị không thể cất tiếng kêu bởi làn nước đã dềnh lên sống mũi. Chị ngỡ chị sắp sửa chìm xuống, chìm mãi mãi... Ðúng lúc ấy, Bôn gánh củi tới. Chàng trai nhảy thoăn thoắt qua bãi đá, lội xuống kéo Miên lên. Ðến bờ, một lúc lâu Miên mới hết cơn choáng váng. Bôn bảo chị cách nhảy lò cò nghiêng tai cho nước chảy ra, cách bịt mũi thở mạnh để tống hết nước còn đọng trong đường hô hấp, cách xoa nóng hai thái dương và sống mũi để tránh cơn cảm lạnh. Hai người ngồi ven suối đến non chiều Miên mới hoàn hồn. Lúc đó, Bôn cười:
- Ấy sợ quá hả?
- Sợ.
- Ðể mai tớ ghè cho lũ ranh một trận.
- Thôi.
- Tại sao?
- Tôi chẳng muốn mua thù chuốc oán...
Quần áo Miên đã se, chị bảo:
- Về đi.
Họ đứng lên. Mắt Bôn nhìn chằm chằm vào khoảng da cổ của chị:
- Ấy trắng gớm nhỉ?
- Trắng gì mà trắng?
- Trắng thật đấy, nõn như bông... Cả cổ tay cũng trắng như bông.
Tới đó, Bôn ngâm nga một câu ca dao quen thuộc:
Nói rồi anh nắm cổ tay
Ai nặn nên trắng, ai xây nên tròn.
- Ðằng ấy có bằng lòng cho tớ nắm cổ tay không?
Miên nóng bừng mặt, chị lặng thinh. Bôn đưa ánh mắt xuống, nơi cặp vú dậy thì của Miên phập phồng dưới làn áo ướt.
Cuộc tình của họ bắt đầu từ buổi chiều ấy. Những ngày sau đó ra sao chị không còn nhớ rõ... Họ đã hẹn nhau nhiều lần dưới gốc cây phượng vĩ cuối đồi. Con đường làng đầy cỏ leo, hai bên là đồi dứa. Lúc phượng nở cũng là mùa dứa chín. Lần nào Bôn cũng ngửi hít khoảng da cổ trắng nõn của Miên như con lợn háu ăn sục mũi vào máng cám. Anh giục cưới. Dì Huyên không thích Bôn nhưng cũng chấp thuận. Hai người bằng tuổi nhau nên Bôn bắt Miên thề sau đám cưới phải gọi Bôn là anh...
Ðám cưới thời chiến, giống nghĩa vụ hoặc món quà của dân làng tặng cho các chàng trai trước ngày anh ta ra trận...
"Ngày mai anh lên đường, ngày mai anh ra chiến trường..." Câu hát ấy cất leo lẻo trên miệng đám đàn bà con gái, dù còn son hay đã tới tuổi nạ dòng. Chủ hôn do ủy ban chỉ định. Nam thanh gồm các thiếu niên mười bốn, mười lăm. Nữ tú kéo từ tuổi mười bảy tới ba lăm, tất cả áo xống gọn gàng, đầu con trai chải mượt, tóc con gái gài hoa. Chú rể Bôn là chàng trai mười bảy tuổi duy nhất còn lại trong xã, sau đám cưới bốn mươi hai ngày anh sẽ tòng quân...
Rồi ta đã sống ra sao sau đám cưới sơ sài ấy? Ta chẳng còn nhớ. Ta đã rời căn buồng của Bôn ngay sau ngày anh ấy lên đường. Ta ghê sợ cảnh sống bê tha của Tá... Ngoài ra, không còn chút kỷ niệm nào. Trí nhớ ta mịt mù như khói đốt nương...
Miên lục vấn, truy tìm quá khứ. Nhưng ngoài lần bị xô xuống suối và màu hoa phượng đỏ, Bôn chẳng còn để lại trong tim chị tình cảm nào sâu đậm hơn. Kỷ niệm cũ quá mong manh, quá xa vời, tựa cây đa trên bến đò cũ. Bến đò ở tít thượng nguồn. Con thuyền đời chị xuôi theo dòng nước, qua sông, ra biển...
Người đàn bà vươn tay qua song cửa, vít một cành cam. Cành lá ướt sương, mát lạnh. Vườn cam này chị nhớ từng gốc được vạch vôi đánh số. Giống Bố Hạ đưa vào từ miền Bắc, giống Miến Ðiện gửi mua từ hải cảng miền Nam. Mồ hôi, tiền bạc, và ước mộng của vợ chồng chị. Như ngôi nhà, như nương tiêu, nương cà-phê, trải khắp các khu đồi chung quanh, như bể nước mưa sau bếp, như cái giếng khoan trong veo trong vắt, như rặng mẫu đơn và thạch thảo trước sân, như gốc dạ lan hương nơi góc vườn, và những cây mộc sát mé tường hoa bên trái... Tất thảy đều ghi nhận một cuộc sống chung mặn nồng, tất cả đều là dấu vết của tình ái lẫn hy vọng...
Vì sao, vì sao số phận du đẩy ta đến cảnh trớ trêu này? Ta chưa từng ác độc với ai, chẳng biết dối lừa, cũng không tham lam kiếm chác trên lưng người khác?
Miên rên rỉ. Biết rằng chẳng ai trả lời chị. Chị sắp phải từ bỏ cuộc sống ấm nồng này để bơi ngược dòng sông, tìm lại một bóng hình mờ ảo, tìm tro tàn của mối tình cũ, tìm gốc đa già trên bến nước mười bốn năm xưa. Chị biết chị sẽ chìm nghỉm dưới dòng sông ấy, nhưng vẫn phải liều thân nhảy xuống, phải cam chịu điều số phận đã đặt bày:
Có lẽ kiếp trước ta có nợ với Bôn, và kiếp này chưa trả hết...
Chốn Vắng Chốn Vắng - Dương Thu Hương Chốn Vắng