You practice mindfulness, on the one hand, to be calm and peaceful. On the other hand, as you practice mindfulness and live a life of peace, you inspire hope for a future of peace.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Kim Lân
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Lê Đình Thắng
Số chương: 3
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3995 / 67
Cập nhật: 2016-08-22 11:06:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
on Vện đã gầy nhỏm gầy nhom, giơ xương sườn xương sống ra lại còn mắc bệnh lường. Lông rụng nham nhở, chỉ còn lơ phơ vài cụm; da sần sùi mốc thếch có chỗ ve cắn rớm cả máu. Dáng thấp lách chách, đi bên nọ dẻo bên kia. Nhất là những lúc chữa bệnh lường bị bôi mẻ với bánh đúc thiu đầy mình, nó lăn lộn, chu chéo kêu vì xót thì thật không còn thể sao khá ra được. Thế mà không hiểu nó có những ẩn tướng gì mà cả Nội quý nó thế. Đã có lần ông đánh cậu Khôi - con câu tự - ba chiếc roi mây quắn tỹ vì cậu đã đá con Vện một chiếc vì tội nó ăn vụng miếng chả. Cho nên cả nhà từ cô Hương, cô Sở, đến bà cả, ai ai cũng ra ý ghét con Vện. Bà dằn vặt ông:
- Bán cổ mẹ nó đi! Báu gì con chó ốm ấy.
Những lời bà nói ông không thèm để vào lỗ tai: "cái trò đàn bà biết gì". Ông đã có mấy ông bạn hôm nào cũng đến ngắm nghía chó với con mắt thèm muốn và ganh tỵ làm ông nở nang từng khúc ruột. Nhiều lần có ông nói ra miệng:
- Sao ông cả may thế! Bơ phờ thế nào vớ ngay được con chó này. Mình thì chả gặp cho!
Cả Nội tươi cười, nói bông:
- Chuyện? Quý vật tầm quý nhân mà lại?
Cả đến khán Ích chả hiểu chó má ra sao cả cũng sang chơi luôn, và hay tẩn mẩn hỏi han cách chơi. Ông cũng muốn tập tành cho biết cái nghề săn. Theo ý ông, nhà cũng gọi là có mà không biết chơi bời cái gì cũng đụt.
- Này ông cả này! - Khán Ích hỏi - Chơi chó săn thế này có khó không nhỉ? Chứ con Vện này, thực tình tôi trông chả được vẻ gì cả.
Cả Nội chậm rãi:
- Kể ra cũng chẳng khó. Cần nhất phải đi săn nhiều mới hiểu được. Còn như chọn chó, thì đã có kiểu sẵn. Một con chó săn hoàn toàn phải như thế này: sườn dê, khoeo mãn, chân múi quýt, đít lồng bàn, mắt mê, mí sập, mũi ba ba, mõm phạt ống giầu, tai sim, đuôi vòi đàn hoặc tam phốc, lông kim sào và thấp ràn 1.
Khán Ích cười bỡ ngỡ:
- Khó thế thì làm sao biết được "sườn dê" với chả "khoeo mãn"? Sao cứ phải đúng kiểu vậy mới săn được?
- À trông mãi nó quen đi chứ. Còn như những kiểu ấy rất cần cho con chó săn cầy. Có "sườn dê" mới chịu luồn lỏi chui rúc. "Khoeo mãn" mới nhanh nhẩu rẻo rang. Mắt mê mới gan. Mí sập mới không sợ gai. Thấp ràn mới dễ chui. Nói cho cùng có những kiểu trên kia con chó mới dễ dàng xông xáo luồn lách trong bụi cây gai góc rậm rạp được.
- À, ra thế đấy. Cứ con nào đủ kiểu vậy là chó săn hay đấy!
- Như thế đã đủ sao được? Còn nhiều cái khác nữa. Chẳng hạn. con chó đã đủ kiểu rồi lại phải "khai tiền khai hậu" 2 mới rộng đất săn chứ.
- Rộng đất săn! Hì, thế nào là rộng đất săn ông nhỉ?
- Ông này hỏi lẩn thẩn quá.
- Chuyện! Không biết mà lại!
- Rộng đất săn là con chó dám bỏ chủ đi rất xa tìm hơi cầy. Mới bắt được "hơi gió" tìm ra "lũy ống".
- Gớm, kỳ cầu quá nhỉ?
- Cũng chẳng kỳ cầu đâu. Rồi con Vện này "nổi" lên ông sẽ biết hết.
Chầm bạp ba tháng, con Vện khỏi lường, béo tốt ra. Lông mượt mà óng ả. Dáng dấp mạnh mẽ, nhanh nhẹn, không dặt dẹo như trước nữa.
Biết rằng đã có thể "vực" được rồi, cả Nội rút ở hồi nhà ra một chiếc đuôi cầy khô cắm vào thanh tre vót nhẵn nhụi. Xích chó ra một nơi; ông ra vườn quệt chiếc đuôi cầy khô xuống đất. Đi ngoằn ngoèo một quãng rồi cắm vào khe tường, và lấp đất ra ngoài. Đoạn, ông dắt con Vện ra; luôn miệng bắt nó tìm:
- Hẩy! Hẩy!... Hẩy! Hẩy! Tìm xem nào? Tìm xem nào?
Con Vện gằm đầu xuống, tung tăng chạy, mũi phì phò đánh hơi. Bỗng nó hít rất mạnh mấy lần, ấm ứ kêu, đuôi ngoáy tít.
Bắt gặp hơi cầy, nó chạy loạn ngoằn theo đường đuôi quệt khi nãy. Đến khe tường, chỗ giấu cái đuôi, con Vện hục hặc, ấm ẳng cắn ran. Hai chân trước bới tung đất lên. Cả Nội nở một nụ cười mãn nguyện chạy lại vuốt ve con chó.
Từ đấy, trong khu vườn cây ăn quả rườm rà, xanh um, hôm nào cả Nội cũng đem chó ra vực. Trước còn giấu chỗ dễ và gần, sau càng xa và hiểm hóc hơn. Có khi cách tường, cách ao, cách lũy. Bao giờ con Vện cũng tìm ra một cách mỹ mãn.
Một lần khán Ích sang chơi, cả Nội thử cho xem. Ông Khán khoái chí vỗ tay reo:
- Khá quá! Khá quá! Hôm nào đẹp giời, ta đi săn một chuyến xem sao.
Cả Nội lắc đầu:
- Đã săn thế nào được! Còn là vực chán. Với lại đến tháng Tám này mới bắt đầu vụ săn cơ mà! (ông lên giọng giảng giải): Giống cầy khôn lắm. Bao giờ cũng ở những lũy cao và dầy, mà ở ba hang: Một "hang quần" 3, một hang "sí" 4 và một "hang chính" chứ có phải độc một chỗ như mình giấu đuôi đâu.
- Thế thì biết hang nào chính mà đào?
- Chuyện, thế mới phải vực nữa.
Hôm sau, cả Nội không vực chó ở vườn. Ông đem con Vện ra lũy. Cứ "Hẩy! Hẩy!" mồm không sai chó tìm hơi.
Vực chó về tháng Sáu rất tốt. Vì cầy non cả hơi và xung quanh lũy nhiều nước cầy không đi ăn xa được, chó rất dễ tìm. Ngày nào cũng như ngày nào, đem chó ra đến lũy là cả Nội quát tháo, sai khiến như vị tướng điều khiển quân sĩ.
- Tìm xem nào! Tìm xem nào! "Trâm tra" xem nào! Quần hay sí! Cầy thì quát (sủa)! Cầy thì bới nào!
Còn con Vện đuôi ngoáy tít, mõm vục vào miệng hang hít lấy hít để. Cũng có khi bới nhầm phải "hang quần" hay "hang sí". Những lúc ấy cả Nội đánh, mắng không cho bới.
Nhờ sự chăm chỉ và lối vực có phương pháp, hai tháng sau con Vện đã thành chó "phu", săn tạm được.
Nhưng mãi đến vụ săn năm sau con Vện mới thành chó "lọc". Một con chó "lọc" hoàn toàn có nhiều tài riêng, con khác không thể có được.
Bây giờ trong những bữa rượu thịt cầy, cả Nội thường lên mặt với bạn làng săn cái tài "vực" chó của mình:
- Con Vện ở tay tôi chứ ở tay người khác không thể hay thế được.
Thể nào cũng có một vài ông khen nịnh:
- Chuyện? Chim hay tại nó, chó hay tại người, mà lại!
Chó Săn Chó Săn - Kim Lân Chó Săn