Trong lúc vươn tới các vì sao, có thể bạn sẽ không thể chạm tay tới ngôi sao nào cả, nhưng chắc chắn một điều chân tay bạn cũng không phải lấm lem vì bùn.

Leo Burnett

 
 
 
 
 
Tác giả: Bùi Việt Sỹ
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 18
Cập nhật: 2020-10-08 21:15:23 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 22
hững ngày trên giường bệnh Phạm Ngũ Lão được sống quây quần đầm ấm bên vợ con. Quận chúa An Nguyên cũng đã già yếu đi nhiều, nhưng sắc mặt lúc nào cũng vui vẻ bên chồng. Vừa uống một bát thuốc bổ xong, Phạm Ngũ Lão cầm tay vợ bảo:
- Lấy ta, nàng luôn phải chịu thiệt thòi. Gần như suốt cả đời “nam chinh - bắc chiến”. Hai lần chống Nguyên Mông, bốn lần bình định Ai Lao gây rối, hai lần dẹp Chiêm Thành. Việc triều chính cũng thật nặng nề bởi cái chức Điện súy, phải lo an nguy cho Thánh thượng… Có đêm “nửa đêm nửa hôm” Thánh thượng có chỉ truyền vào, dù mưa rét cũng phải đi. Để lại nàng trơ trọi một mình.
- Phu quân ơi! Xin chàng đừng nói gì nữa. Đời thiếp gặp được chàng là phúc lớn, tu được từ kiếp trước… Chàng có biết không, như trước đây thiếp đã từng nói, có biết bao nhiêu kẻ muốn lấy thiếp. Thiếp biết họ đâu có cần gì thiếp mà cái họ cần là cái chức của Nghĩa phụ thiếp. Đến khi Nghĩa phụ “hai năm mươi” thì họ sẵn sàng vứt thiếp vào sọt rác như quả chanh đã vắt nước. Nghĩa mẫu là hiểu thiếp. Bởi thế Phu nhân bảo chỉ đám nào An Nguyên gật thì Phu nhân mới gả. Hôm Nghĩa phụ đưa chàng về. Nghĩa mẫu nhìn thiếp thấy mặt thiếp đỏ xuống tận cổ thì Phu nhân biết là “cá đã cắn câu rồi”. Chúng ta có hai con. Trai có, gái có. Con gái Tĩnh Huệ được vua Anh Tông hỏi làm thứ phi, thiếp đã không lấy làm mừng, cả chàng cũng vậy. Tĩnh Huệ không có con đâu phải là nó không sinh được. Là đàn bà thiếp biết, các cuộc tranh giành nơi hậu cung không chỉ mất mạng bản thân mà nhiều khi còn mất mạng cả gia tộc, ba họ. Chàng thử nghĩ xem, chàng là Điện súy, quyền cao chức trọng, lại được vua rất sủng ái. Nếu Tĩnh Huệ có con trai nữa thì… Cái đó sẽ là cái gai trong mắt rất nhiều người. Vậy thì tốt nhất là cho nó… tịt ngòi. Chuyện này dễ hơn trở bàn tay. Chỉ một cánh thuốc nhỏ như hạt gạo, không mùi, không vị cho vào thức ăn, đồ uống là… êm ru thôi mà. May mà Tĩnh Huệ được trở về, đi tu. Ấy cũng là nhờ cái đức của chàng. Chứ hàng chục người khác, chết già, chết héo nơi thâm cung lạnh lẽo. Còn Phạm Ngộ làm quan được tiếng là thanh liêm. Tài không bằng Trương Hán Siêu. Nhưng đức độ chả kém ai. Hẳn chàng còn nhớ chuyện Hán Siêu nói chơi: “Phạm Ngộ và Lê Duy ăn hối lộ”. Vua nghe được liền phán: “Hán Siêu là hành khiển làm quan ở sảnh, Phạm Ngộ là thẩm hình làm quan ở viện, ta đều tin như nhau cả, sao lại để cho ta tin quan ở sảnh, mà ngờ quan ở viện”. Rồi bèn cho đối chất. Hán Siêu đuối lý phải phạt 300 quan tiền. Không bao lâu sau lấy Phạm Ngộ làm quan tri chính sự đồng trị, Thượng thư tả trị sự, chức ngang với Hán Siêu.
- Sau chuyện đó ta đã dặn nó. - Ngũ Lão mỉm cười nói - Làm quan mà chỉ cốt giữ cho thanh liêm là chỉ biết lo cho bản thân mình. Là vị quan tốt trước hết phải biết lo điều dân lo. Thấy dân bị oan sai, dù có phải mất chức cũng vì dân mà đòi cho được công bằng, lẽ phải. Nó nghe ra khiến ta rất mừng.
Phạm Ngũ Lão biết mình không thể qua khỏi mới dặn vợ con rằng:
- Sau khi ta mất thì chôn ở phủ Vườn Cau. Ba năm sau cải táng, lấy da con ngựa tía đã thuộc để trong phòng đọc sách của ta gói xương ta lại rồi cho vào tiểu, đưa về quê nhà. Không được xây lăng mộ to làm gì. Cứ đặt xương cốt của ta phía dưới phần mộ của ông bà nội là được.
Năm 1320, mùa đông tháng 11, Điện súy Phạm Ngũ Lão qua đời, thọ 66 tuổi. Vua Minh Tông thương tiếc vô cùng, nghỉ chầu năm ngày[7]. Đó là ân điển đặc biệt.
Ngay sau khi Phạm Ngũ Lão mất, dân làng Phù Ủng tự góp tiền xây đền thờ ông ở ngay tại nền đất ngôi nhà ông sinh ra. Hàng năm, dân làng còn tổ chức lễ hội từ 11 đến 14 tháng Giêng để tưởng niệm người anh hùng “đan sọt” có công cứu nước giúp đời. Không chỉ có dân làng Phù Ủng mà dân ở phủ Thượng Hồng và nhiều địa phương khác trên toàn quốc về dự hội… Phạm Ngũ Lão còn được phối thờ ở đền Kiếp Bạc bên cạnh Hưng Đạo Đại vương.
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới hai nhân vật chính nữa là Trần Khắc Chung và Trần Khánh Dư. Đại Việt sử ký toàn thư có nói về Trần Khắc Chung là kẻ giả dối để cầu tiếng khen, không chăm sóc sản nghiệp cửa nhà. Mỗi khi buổi sáng vào chầu thì nghỉ tạm ở cục Thượng Liễn cửa Vĩnh Xương, xem kỹ các bản tấu để dự bị bầy tâu. Khi tan chầu ra về thì đến Đông cung (Minh Tông khi ấy còn ở Đông cung) dạy học đều là miễn cưỡng kiềm sức mà làm. Thường cùng với học sĩ Nguyễn Sĩ Cố đánh bạc, có khi thâu đêm suốt sáng hai ba ngày đêm, thường ngồi ngay trên bàn mà xúc cháo ăn, không nghỉ lúc nào. Lại như các bạn bè gặp những ngày đầy tuổi con, mừng nhà mới có mời là đến. Thậm chí nhà quan, thầy thuốc có món ngon cũng đến ăn. Người thết đãi thì khen ngợi vợ, con họ. Trước Khắc Chung lấy nàng Bảo Hoàn thời giặc Nguyên xâm lấn, cha mẹ Bảo Hoàn hàng giặc, điền sản đều bị xung công. Đến khi vua mới lên ngôi, xuống chiếu trả lại cho, nhưng Khắc Chung cũng không đem điền sản ấy dùng vào việc thờ cúng. Bởi thế khi con trai là Công Xước lấy vợ, Khắc Chung không đồng ý mới mắng rằng: “Mày lấy con gái nhà ấy, sao không báo cho tao biết”. Con trai cãi lại: “Thì ông đối với mẹ và đằng ngoại nhà tôi có ra gì đâu mà phải hỏi”.
Đến việc giết Quốc phụ Thượng tế Quốc Chẩn cùng gia quyến hơn một trăm người, cũng có bàn tay của Trần Khắc Chung tham gia. Khi ấy vua Minh Tông đã ở ngôi được 15 năm, tuổi đã cao mà chưa lập Thế tử, cha sinh ra hoàng hậu là Quốc Chẩn có ý chủ trương nên đợi hoàng hậu sinh ra con đích tôn sẽ lập. Đông cung Văn Hiến hầu (không rõ tên) là cháu của Thái sư Trần Nhật Duật muốn đánh đổ hoàng hậu để lập hoàng tử Vượng, mới đem của đút cho gia nhân của Quốc Chẩn là Trần Phẫu 100 lượng vàng, và bảo Phẫu vu cáo cho Quốc Chẩn việc mưu phản. Vua tin là thực, giam Quốc Chẩn ở chùa Tư Phúc, rồi đem việc ấy hỏi Trần Khắc Chung. Khắc Chung vào hùa với Văn Hiến hầu vì cùng với mẹ sinh ra hoàng tử Vượng đều là người ở Giáp Sơn (quê Khắc Chung), lại từng dạy Vượng học, nên mới trả lời, rằng: “Bắt hổ thì dễ, thả hổ thì khó”. Vua mới cấm tiệt không cho Quốc Chẩn ăn uống, bắt phải tự tử. Hoàng Hậu lấy áo tẩm nước đưa vào cho Quốc Chẩn uống, uống xong thì chết. Bắt hơn 100 người xét hỏi, tất cả đều kêu oan. Vài năm sau, gặp khi vợ cả, vợ lẽ tên Phẫu ghen nhau, đem việc Văn Hiến hầu dúi vàng tâu lên vua. Vua giao xuống cho ngục quan xét. Lê Duy là người cương trực, xét hỏi ngay ngày hôm ấy. Tên Phẫu bị tội lăng trì. Văn Hiến được miễn tội chết, giáng xuống làm thứ dân, xóa tên trong sổ hoàng tộc. Việc nhẫn tâm đến như thế mà Khắc Chung còn vào hùa làm được thì việc gì hắn không dám làm. Chỉ có việc đi sứ gặp Ô Mã Nhi để cầu hòa và dò xét tình hình địch là khả quan thôi, cho nên được khen là người giỏi. Đưa về chôn ở Giáp Sơn. Gia nô của Huệ Võ vương Quốc Chẩn đào mồ lên, băm nát xác ra.
Về Trần Khánh Dư, theo Đại Việt Sử ký toàn thư ghi, năm 1340 Nhân Huệ vương chết không biết sử có ghi nhầm không, chứ ngay từ lần quân Mông Cổ xâm lược đầu tiên (năm 1258) Trần Khánh Dư lúc đó khoảng mười tám đôi mươi rồi. Nếu quả như thế thì Trần Khánh Dư sống trên dưới một trăm tuổi sao?
Người ta thường chúc nhau ba chữ Phúc - Lộc - Thọ. Khánh Dư không có chữ Phúc. Nên ứng với câu thiên hạ than “đa thọ - đa nhục”, cuối đời, con thì không thấy mà cháu cũng chết cả rồi. Chỉ còn lại con chim ưng lông đỏ, mỏ quặp làm bạn với Nhân Huệ vương lúc xế chiều. Tuy nhiên nó cũng đã “lụ khụ” lắm rồi, lông lá xù xì, không thể nhảy được nữa, huống chi là bay. Cũng không thể tự mổ bụng vịt ra ăn, mà phải nhờ đám gia nhân vứt cho ít thịt vụn. Nhiều lúc nó xoẹt cả ra sập của Trần Khánh Dư.
Nhân Huệ Vương chết được mấy hôm thì con chim ưng cũng bỏ ăn mà chết. Gia nhân không đem chôn mà vứt xác nó vào nhà tiêu.
Về người anh hùng có tài và cũng có nhiều tật (tội thì chính xác hơn) thì mãi hơn một trăm năm sau ngày mất, mới được ai đó dựng đền thờ ở mãi tận đảo Quan Lạn, cách thành phố Hạ Long bây giờ khoảng 40 km. Vào gần mười năm trở lại đây, dân đánh hàng “tiểu ngạch” qua Trung Quốc và ngược lại, cũng gom góp tiền xây đền thờ Trần Khánh Dư tại đảo Cái Bầu - thuộc Vịnh Hạ Long. Hơn bảy trăm năm sau ngày Đại phá quân Nguyên ở cửa sông Bạch Đằng, chính phủ đã có quyết định thành lập khu kinh tế mở tại cảng Vân Đồn, nơi Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư trấn thủ và lập nên chiến công, giống như khu kinh tế Thâm Quyến ở bên Tầu.
Có thể tới lúc đó, tại quảng trường chính của khu kinh tế người ta sẽ dựng tượng Trần Khánh Dư, ngồi trên mình ngựa trắng, đầu đội mũ có cắm lông công, trên vai có chú chim ưng lông đỏ mỏ quặp đậu. Bên sườn đeo kiếm dài, tay trái đặt vào đốc kiếm. Còn tay phải, bàn tay mở ra năm ngón chụm lại kiêu hãnh chĩa thẳng ra biển Đông…
HẾT
Chim Ưng Và Chàng Đan Sọt Chim Ưng Và Chàng Đan Sọt - Bùi Việt Sỹ Chim Ưng Và Chàng Đan Sọt