Tôi chưa từng biết ai phải khổ sở vì làm việc nhiều quá. Chỉ có rất nhiều người khổ sở vì có tham vọng nhiều quá mà lại không có đủ hành động.

Dr. James Mantague

 
 
 
 
 
Tác giả: Bùi Việt Sỹ
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 18
Cập nhật: 2020-10-08 21:15:23 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 17
ăm 1297, mùa hạ, tháng năm quân Ai Lao với một đàn voi dữ xâm vào vùng thượng nguồn sông Mã của Ái Châu. Chúng quấy phá vườn tược, hoa mầu, giết hại dân chúng rất nhiều. Nơi là thánh địa của hai vua Trần giai đoạn chống Nguyên Mông lần hai bị đe dọa nghiêm trọng. Quan trấn thủ Ái Châu không địch nổi sự hung hãn của giặc, dâng biểu cầu cứu về triều. Anh Tông họp bàn với các quần thần. Trần Khắc Chung bàn riêng với vua:
- Giặc Ai Lao kỳ này rất nguy hiểm. Chỉ có cử Phạm Ngũ Lão đi đánh dẹp mới khuất phục bọn chúng được. Năm 1294 chính Ngũ Lão đánh chúng phải chạy tan tác ở Hoan Châu, bắt được voi ngựa rất nhiều… Ngũ Lão là quan võ. Ngồi lâu trong triều chân tay bứt rứt, ngứa ngáy. Đợt vừa rồi không có Nguyễn Chế Nghĩa can ngăn kịp thời thì không biết chuyện gì đã xảy ra với Nhân Huệ vương. Ý đồ của Khắc Chung và Khánh Dư là muốn đẩy Ngũ Lão vào chốn hiểm nguy, nếu thắng được Ai Lao cũng chỉ là việc nhỏ. Mà lỡ thua, tử trận thì bằng “nhổ được cái gai trong mắt”. Kế đó được Khánh Dư cười (tất nhiên có kèm theo một bọc tiền) và gọi là kế MƯỢN DAO GIẾT NGƯỜI.
- Việc này để trẫm bàn với Ngũ Lão đã - Vua Anh Tông nói - Dù sao chức Điện súy là rất quan trọng.
Trần Thì Kiến biết Phạm Ngũ Lão buồn bèn đến nhà chơi.
Thì Kiến ngạc nhiên thấy phủ đệ của Ngũ Lão quá sơ sài. Tiếp khách thì trải chiếu ngồi dưới nền gạch bát. Chỉ có hai phòng gác trổ ra để một làm phòng thờ và một làm phòng đọc sách gọi là tương đối tươm tất.
Triều chính hiện giờ rất còn thịnh. Ấy là nhờ vào Đức vua anh minh. Các tướng tài thời chống Nguyên Mông vẫn còn là trụ cột. Tuy nhiên các loại “sâu mọt” đang liên kết lại với nhau để đục khoét, kiếm chác. - Thì Kiến nói - Đệ đi các nơi đều nghe nói: thứ nhất quan hệ (chỉ sự kết bè, kết cánh với nhau; thứ nhì tiền tệ (ý nói việc gì cũng có thể dùng tiền để mua bán được); thứ ba là hậu duệ (chỉ con cháu, họ hàng của lớp vương hầu, quý tộc bấy giờ). Đây thực sự là quốc nạn, một thứ NỘI XÂM gặm mòn đất nước.
- Thế ngươi đã báo với Quốc công Tiết chế chưa? - Ngũ Lão hỏi lại.
- Báo rồi! Đệ với Đoàn Nhữ Hài, Trương Hán Siêu lên gặp Đại vương ở Vạn Kiếp…
- Đại vương bảo sao - Ngũ Lão sốt ruột hỏi lại.
- Đại vương chỉ thở dài, không nói gì.
- Huynh thấy chán nản lắm! Cũng định lên thăm Đại vương một ngày gần đây. - Ngũ Lão đáp.
Trần Thì Kiến vừa về thì có trát của vua mời vào gặp riêng.
- Trẫm định cử Điện súy đi dẹp loạn Ai Lao ở bắc Ái châu - Mở đầu Anh Tông nói - song muốn xem ý của Điện súy thế nào? Vì việc quản quân cấm vệ cũng là điều tối hệ trọng. Nếu Điện súy không đi, trẫm sẽ cử tướng khác.
- Quân Ai Lao nhiều lần khinh nhờn vì cậy có nhiều voi dữ. Kỳ này nếu Thánh thượng cử mạt tướng đi - Ngũ Lão đáp. - Xin cho quan coi quân khí chế cho thật nhiều pháo đùng và cấp cho thật nhiều cung tên. Còn việc ai quản quân cấm vệ đã có Hầu gia Đỗ Hành và Đô tướng Nguyễn Chế Nghĩa đều là những người tài giỏi cẩn trọng, nên không có gì phải lưu tâm cả… Mạt tướng có một việc không biết có nên bẩm với Thánh thượng hay không?
- Điện súy có gì cứ nói! Thượng hoàng Trần Nhân Tông cũng rất yêu quý Điện súy. Có lần Người đã than, nếu có Điện súy đi hộ giá lần ấy thì chưa chắc Trần Bình Trọng đã phải bỏ mình.
- Thượng hoàng quá khen thôi. “Chứ tài đức của mạt tướng cũng chẳng có gì đáng phải để ý… Còn chuyện mạt tướng muốn tâu với Thánh thượng hôm nay là… mạt tướng tuy chưa già nhưng đã cảm thấy mỏi mệt… không hẳn là muốn từ quan… Mà muốn Thánh thượng bố trí cho việc… có thời gian rảnh rỗi một chút… để còn thực hiện di nguyện của sư phụ.
- Được rồi! Trẫm ghi nhớ lời thỉnh này của Điện súy. Sau lần này về… trẫm sẽ tính với Điện súy sau.
Ngũ Lão từ tạ ra về. Phóng ngựa lên Vạn Kiếp gặp Hưng Đạo Đại vương.
Vừa gặp Người. Ngũ Lão đã quỳ xuống sụp lạy:
- Ngũ Lão ít lên thăm… Mong Đại vương xá tội cho.
Hưng Đạo Đại vương vuốt chòm râu đã lốm đốm bạc nói:
- Con giờ giữ trọng trách trong triều. Làm gì có dư giả thời giờ mà đi đây đi đó được… Nhưng mà cái việc con quá nóng nảy, toan chém Nhân Huệ vương, theo cha là nên kiềm chế… phải kiềm chế. Không phải giữ cho mình mà là giữ cho triều đình, tức là giữ cho nước.
- Cha đã dạy thế. Con xin tạ tội trước cha… Vì Ngũ Lão này trước sau vẫn chỉ là gã nhà quê đan sọt, không thể gạt bỏ bản tính lỗ mãng được…
- Con nói lại càng sai rồi… Vả lại sự việc nói cho cùng vẫn chưa xảy ra.
- Con nghĩ việc làm của Nhân Huệ vương đối với dân chúng, không phải việc này mà nhiều, rất nhiều việc khác nữa như mua gia nô, sắm ruộng đất nhân thiên tai, mất mùa… thực chất là một tội ác với dân chúng. Mà đã là tội ác… thì không thể làm ngơ mãi được!
- Con ơi! Con đã đọc muôn vàn cuốn sách. Hẳn có nghe nói “ném chuột còn phải giữ bình quý” sao? Nhân Huệ vương tuy là có tội với dân, nhưng trước đây đã có công với nước (tức là có công với dân)… Bởi thế không thể thẳng tay như các kẻ khác được. Vả lại nước ta, từ ngàn năm nay đến giờ… Vẫn vậy. Việc chống xâm lược phương bắc bao giờ cũng là việc hệ trọng nhất, việc được đặt lên hàng đầu. Rồi lịch sử sau này, người ta chỉ thấy nổi rõ việc Nhân Huệ vương đốt cháy tan tành bảy mươi vạn thạch lương của Nguyên Mông, mà thấy mờ nhạt chuyện bóc lột, ức hiếp dân chúng. Đó là nỗi đau của người dân Đại Việt mà có lần Quốc Tảng cũng đã nói với cha, nhưng cha không tài nào an ủi nó được.
Phạm Ngũ Lão buồn rầu đáp lại một tiếng “Vâng” - Rồi mãi một lúc sau mới đề đạt:
- Cha ạ! Con có việc này muốn lên nhờ cha giúp đây!
- Việc gì vậy, con cứ nói. Cha con với nhau có gì mà ngại!
- Chả là Thánh thượng sai con đi dẹp loạn Ai Lao ở bắc Ái châu! Con muốn xin cha cho Dã Tượng đi cùng.
- À, tưởng chuyện gì, chứ việc ấy cha bằng lòng ngay. Và chắc Dã Tượng cũng thích thú nữa. Vậy cha sẽ giao cho con Dã Tượng làm tùy tướng, để con sai bảo.
- Ấy chết! Nếu thế thì con không dám nhận đâu! Dã Tượng là anh em với con làm tùy tướng cho con sao tiện. Nếu cha đồng ý để Dã Tượng làm Phó tướng… con mới đồng ý.
- Điện súy vẫn nghĩ đến tình anh em xưa… quả rất quý. - Hưng Đạo Đại vương nói vui.
- Cha giễu con thế làm con tổn thọ mất!
Thế là hai cha con cùng cười phá lên…
Ngũ Lão kể cho Đại vương việc sư phụ của mình trăng trối phải tìm được “truyền nhân” để giữ cho được ngọn lửa truyền thống thượng võ, nhằm chống lại sự xâm lược, bành trướng của giặc phương bắc sau này. Hưng Đạo Đại vương nói:
- Sư phụ của con thực sự là Đại anh hùng. Đại anh hùng giấu mặt. Người nghĩ xa như vậy là rất đúng. Cha cũng đã tính rồi nhà Nguyên giỏi lắm còn đứng được khoảng bốn chục năm nữa là cùng, bây giờ đã bắt đầu loạn rồi. Nhà nước mới nào lên cầm quyền ở phương Bắc cũng đều nghĩ tới việc xâm chiếm Đại Việt. Để làm bàn đạp đánh xuống Chiêm Thành, Chân Lạp. Phía tây thì chiếm Ai Lao rồi Xiêm La. Và còn đi xa hơn nữa. Nhà Nguyên cũng đã tính như vậy nên mới phong cho Thái tử Thoát Hoan làm Trấn Nam vương là với ý đồ đó. Nhưng bị Đại Việt ta chặn đứng được.
- Con thật là người có phúc lớn nên mới gặp được sư phụ con và cha. - Ngũ Lão nói.
- Con chỉ mới nói đúng một nửa thôi. Phải nói thêm là sư phụ con có cơ duyên lớn mới phát hiện ra con và truyền dạy võ thuật thượng đẳng cho con. Còn cha cũng có duyên để rèn giũa, dạy thêm cho con về binh pháp… Do đó việc sư phụ dặn con như con vừa nói là rất đúng. Đánh mấy sự quấy nhiễu của Ai Lao, Chiêm Thành chỉ là việc gãi mấy nốt ghẻ bên ngoài. Phải chuẩn bị cho lâu dài để chống giặc phương bắc mới là chuyện của gan một của Đại Việt. Cha nghĩ đất Hoan - Ái thời nào cũng là đất rường cột của quốc gia. Con có thể vào đó để tìm “truyền nhân”. Tìm được dăm bảy người thì càng tốt. Số này phải tiếp tục làm công việc ấy cho thế hệ sau, như là một cuộc chạy tiếp sức vậy.
- Con xin ghi nhớ lời cha. Sau khi dẹp Ai Lao xong, trở về con sẽ bắt tay ngay vào việc đó.
Phạm Ngũ Lão tâu với vua xin ba vạn quân và đề cử bổ nhiệm Dã Tượng làm Phó tướng.
- Sao không đốc xuất năm vạn cho chắc thắng - Vua Anh Tông quan tâm hỏi lại.
- Dạ, bẩm! Quân chỉ cốt tinh chứ không cốt đông.
- Thôi được tùy Điện súy! Ngoài ra có cần lấy ai làm tiên phong nữa không?
- Dạ, bẩm! Dã Tượng là Phó tướng kiêm tiên phong là đủ ạ!
Mùa thu, tháng Tám Phạm Ngũ Lão làm Chánh tướng. Dã tượng làm Phó kiêm tiên phong dẫn ba vạn quân vào miền tây Ái châu. Quân Ai Lao đang hoành hành dữ dội ở vùng thượng nguồn sông Mã nhờ vào đội tượng binh năm chục con, trong đó có một con voi trắng khổng lồ vô cùng hung hãn.
Biết Phạm Ngũ Lão đem quân đến, tướng Ai Lao sai rào giậu trại hết sức chắc chắn rồi dẫn đội tượng binh ra nghênh chiến. Ngũ Lão sai quân cung nỏ bắn chặn quyết liệt khiến chúng không dám xông thẳng vào quân ta, mà chỉ ở phía quân Ai Lao, múa vòi và đú[5] lên các tiếng ghê rợn. Ngũ Lão ghé vào tai Dã Tượng:
- Đệ ra bắt sống con voi trắng về đây.
Dã Tượng vâng lệnh cưỡi ngựa xông lên, bên lưng giắt hai búa gỗ lim lớn. Tay cầm một sợi dây mây rất dẻo và vót nhọn đầu. Không chờ lệnh tướng Ai Lao, con voi trắng hung hãn xông ra. Ngựa và voi tiếp giáp nhau. Dã Tượng tung người nhảy lên cổ voi, thả cho ngựa chạy về bên trận Đại Việt. Con voi tung vòi lên, định cuốn Dã Tượng quật xuống đất rồi dùng chân di chết. Chỉ chờ có thế, Dã Tượng đã trong chớp mắt luồn sợi dây mây qua lỗ mũi rồi quấn luôn mấy vòng quanh cổ voi. Con voi bị “trói” vòi, chạy lồng lên để quật Dã Tượng xuống. Dã Tượng quắp chặt hai chân vào cổ voi, hai tay rút hai búa gỗ lim bên sườn nện tới tấp vào hai bên mang tai con quái vật. Tướng Ai Lao thúc năm chục con voi ra trợ chiến. Phạm Ngũ Lão cho nổ pháo đùng đinh tai nhức óc, lửa xanh, lửa đỏ bắn tóe ra xung quanh khiến lũ voi khiếp sợ co vòi lùi lại.
Sau một hồi đập đã tay, con voi trắng thực sự bị choáng. Đến lúc đó Dã Tượng mới giắt hai chiếc búa gỗ vào sườn, vừa xoa hai bàn tay vào vùng mang tai vừa cúi xuống thủ thỉ mấy câu gì, con voi trắng có vẻ ưng thuận. Dã Tượng quát một câu gì đó, con voi trắng vội quỳ hai chân trước xuống, xin hàng.
Ngũ Lão thúc trống liên hồi thúc kỵ binh Đại Việt tràn sang. Quân Ai Lao lui về, đóng chặt cửa trại cố thủ, không dám ra dánh.
Dã Tượng dong con voi trắng về, tháo sợi dây mây luồn qua lỗ mũi ở vòi nó ra. Rồi sai lính lôi ra hai vác mía cho nó ăn. Lúc đầu nó còn đưa mắt nhìn Dã Tượng như muốn hỏi xem Dã Tượng có đồng ý không. Dã Tượng gật đầu. Con voi trắng từ tốn dùng vòi quấn từng cây mía rất bụ, đã đến thời cho nước ngọt đút lên miệng, ăn ngon lành. Mọi người kể cả quân Ai Lao đều kinh sợ trước tài thuần dưỡng voi dữ của Dã Tượng.
Hôm sau Ngũ Lão cho vây ba cửa đông, nam, bắc của giặc. Riêng cửa tây thì bỏ ngỏ. Pháo đùng nổ ròn rã, đinh tai, nhức óc. Quân lính dùng búa bổ bứt tung các cửa trại. Rồi kỵ binh và bộ binh xông vào. Tướng Ai Lao biết không địch nổi, bèn dẫn quân tháo chạy ra cửa tây. Chạy chừng mười dặm, bỗng thấy một loạt pháo nổ vang. Khói pháo vừa tan đã thấy Dã Tượng cầm đao lớn, hiên ngang ngồi trên cổ voi trắng, phía sau là năm ngàn quân kỵ, cung tên, giáo mác, đao kiếm sát khí đằng đằng. Tướng Ai Lao quay đầu dẫn quân chạy lộn lại, vừa mới được hai dặm đã thấy Ngũ Lão oai phong lẫm liệt trên mình con ngựa ô đen bóng. Quân lính phía sau cũng đằng đằng sát khí, luống cuống chưa biết xử trí thế nào thì thấy Ngũ Lão hỏi:
- Tướng Ai Lao, không xuống voi hàng đi! Còn chờ đến lúc nào nữa. Hàng thì sống! Chống thì chết.
Quân Đại Việt cũng hô lớn: “Hàng thì sống! Chống thì chết!” Biết không có đường nào khác tướng Ai Lao xuống voi, giơ đao lên trời xin hàng.
Một toán quân Đại Việt đã lọt vào chiếm trại từ lúc nào. Phạm Ngũ Lão oai vệ ngồi trên chiếc ghế bành lớn. Phía sau Dã Tượng cầm đao “đứng hầu”. Quân lính áp giải tướng Ai Lao vào. Ngũ Lão trông thấy vội đứng bật dậy, rút con dao găm bên sườn ra, cắt dây trói cho tướng Ai Lao ra. Rồi sai lính đem ghế và bầy rượu cùng ngồi uống và hàn huyên.
Ngũ Lão hỏi:
- Quân Ai Lao có mạnh bằng quân Nguyên Mông không?
- Dạ làm sao mà so với binh mã Thiên triều ạ!
- Ấy thế mà rợ Hồ đã bại trận ba lần trước Đại Việt. Vậy cớ gì mà Ai Lao lại cứ sang quấy rối Đại Việt vậy?
Tướng Ai Lao ấp úng. Ngũ Lão phải gặng hỏi mãi mới đáp:
- Dạ! Là do Xiêm La xui ạ!
- Xui thế nào?
- Sứ giả Xiêm La sang bảo Đại Việt có rất nhiều công chúa đẹp hỏi chắc là họ không gả đâu! Mà Ai Lao lại có đội tượng binh hùng mạnh thì cứ đem sang mà quấy nhiễu. Muốn được yên ổn thì phải gả công chúa cho.
- Thế ngươi có biết thâm ý của người Xiêm La là thế nào không?
- Dạ, mạt tướng chỉ nghe theo lệnh vua sai, làm sao mà biết được!
- Chính vì thế mà ta mới “mời” tướng quân cùng ngồi ở đây uống rượu để giảng giải cho tướng quân nghe. Sau đó trở về tướng quân nói lại thiệt hơn cho vua Ai Lao nghe. Vốn là Xiêm La từ xưa đã rất thèm khát vùng vựa lúa phì nhiêu của Ai Lao ở phía Tây Bắc, bên bờ Mê Kông. Xiêm La xui Ai Lao chiến tranh với Đại Việt để Ai Lao hao người, tốn của. Sau yếu đi. Lúc đó Xiêm La mới có cơ hội làm được việc đó.
- Quả thật là vua tôi chúng tôi không biết gì về thâm ý này của Xiêm La ạ! Bây giờ Điện súy nói tôi mới rõ. Nếu Điện súy tha về, nhất định tôi sẽ trình bầy hơn thiệt ý của Điện súy với vua của tôi.
- Để tỏ sự đại lượng của Đại Việt, ta sẽ tha cho tướng quân cùng các quân sĩ được trở về Ai Lao. Không giữ lại một ai. Riêng đội tượng binh thì phải giữ lại. Không có vua Ai Lao lại dùng chúng để tiếp tục quấy nhiễu Đại Việt lần nữa.
- Nếu được như vậy thì bại tướng đây, xin quỳ lạy Điện súy ba lạy. - Nói rồi tướng Ai Lao đứng dậy. Nhưng Ngũ Lão đã đỡ lại và bảo:
- Tướng quân không phải làm vậy! Cái cốt yếu là phải giữ chữ tín với nhau là được.
- Tôi xin thề với Điện súy là lần sau vua có sai tôi sang quấy nhiễu Đại Việt, dù có bị chém đầu tôi cũng không đi.
- Tướng quân đã nói vậy là đủ rồi.
Phạm Ngũ Lão tha hết cho quân Ai Lao về, chỉ giữ lại đội tượng binh đem về kinh thành. Riêng con voi trắng khi ra gần đến cửa rừng già thì Dã Tượng bảo với nó:
- Ngươi nguyên là thú hoang dã. Vậy hãy trở về với đại ngàn đi.
Con voi trắng dùng dằng không nghe. Dã Tượng bảo:
- Dù có về Thăng Long, người cũng không được ở cùng ta đâu. Ngươi là “báu vật” thế này, sứ Nguyên biết thế nào cũng đòi Đại Việt phải đem cống. Sang đẩy tất sẽ bị xích chân vào cột đá trong vườn thú, cho mọi người chiêm ngưỡng, về với đại ngàn sống đời tự do có sướng hơn không?
Con voi trắng khổng lồ đú lên một tiếng lớn, rồi quỳ hai chân trước, phủ phục trước mặt Dã Tượng. Tự nhiên từ hai đôi mắt nhỏ của nó chảy ra hai dòng nước mắt.
Dã Tượng dặn thêm:
- Về với đại ngàn, ngươi chớ có cậy sức mạnh mà ăn hiếp đồng loại. Nhất là việc tranh giành voi cái nhé!
Nó lại đú lên một tiếng như đáp lại lời căn dặn chí tình, chí cốt ấy.
Đoàn quân đi khuất rồi, mà con voi trắng vẫn phủ phục nơi bìa rừng. Mãi một lúc lâu sau, Dã Tượng lại nghe thấy ba tiếng đú cực lớn của nó. Dã Tượng biết đó là lời chào từ biệt, và đến lúc đó nó mới trở vào rừng.
Vua Anh Tông thân ra cửa nam đón đoàn quân chiến thắng của Phạm Ngũ Lão và Dã Tượng trở về. Điện súy kể hết lại mọi chuyện đã nói với tướng Ai Lao cho Anh Tông nghe. Anh Tông cảm động lắm nói:
- Điện súy quả là rường cột của quốc gia. Vũ đã giỏi mà văn (ý nói là trí) cũng tài.
Và để tìm mọi cách phủ dụ Phạm Ngũ Lão, một năm rưỡi sau, khi con gái của Ngũ Lão là Phạm Thị tự là Tĩnh Huệ, vừa tròn mười sáu tuổi, vua Anh Tông đã sai người mai mối, cưới làm thứ phi.
Mười năm sau vào năm 1308 vì Phạm Thị không có con, nên xin với vua được ra ngoài để đi tu. Cũng vì nể trọng Phạm Ngũ Lão nên được vua Anh Tông đồng ý ngay. Chứ nhiều trường hợp khác đành sống lủi thủi một mình suốt đời trong cung cấm. Phạm Thị về làng Phù Ủng, một hôm lên chùa Bảo Sơn thấy chùa đổ nát, tiêu điều thì than: “Chùa này là nơi tiên quân ta (chỉ Phạm Ngũ Lão) từng luyện tập võ nghệ mà có được ngày hôm nay. Ta về đây tu sửa lại chùa, có thể thờ vua, lại có thể thờ gia tiên và sư phụ thay cho cha ta, trung hiếu vẹn cả đôi đường, đó cũng là sở nguyện của ta”. Bèn bán hết tư trang, dồn tiền sửa lại chùa, làm điện ở phía bên đông chùa, lại làm nhà riêng ở đằng sau để làm nơi thờ cúng tổ tiên. Khi làm xong Thượng hoàng ngự đến xem, ban cho biển ngạch để tỏ lòng ưng ý.
Chim Ưng Và Chàng Đan Sọt Chim Ưng Và Chàng Đan Sọt - Bùi Việt Sỹ Chim Ưng Và Chàng Đan Sọt