My test of a good novel is dreading to begin the last chapter.

Thomas Helm

 
 
 
 
 
Tác giả: Bùi Việt Sỹ
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 18
Cập nhật: 2020-10-08 21:15:23 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 16
Ở trên đời thực quả có quá nhiều bất công, người tử tế, dù có may mắn thành đạt vẫn không tránh khỏi những nỗi niềm những bi kịch đau xót.
Sau chiến tranh một số cung điện, đền đài, dinh thự… của vua quan và các vương tôn công tử bị phá hoại hoàn toàn hoặc một phần. Việc xây dựng, sửa sang lại tốn rất nhiều sức dân. Nhân nạn đói 1290 - 1291, một số quan lại quý tộc như “bắt được vàng” với việc mua một “nhân mạng” chỉ mất có một đồng bạc. Do vậy có người một lúc đã mua được cả ngàn người, vừa bóc lột được sức lao động, vừa tăng đáng kể đội quân “gia binh” của mình. Riêng Trần Khánh Dư vốn có tiềm lực từ khi còn ở Vân Đồn thì làm bằng “cả hai tay”. Một tay tăng cường đội gia binh lên tới bốn ngàn người đông vào loại bậc nhất các vương thời bấy giờ. Tay thứ hai là tích tụ ruộng đất. Biết vùng nào đói to, Khánh Dư móc nối với các quan lại địa phương nhờ họ làm “cai thầu” mua “cả lố” liền bờ, liền thửa cả trăm mẫu một. Ruộng của Nhân Huệ vương thẳng cánh cò bay, có tới cả ba ngàn mẫu, hơn cả Hưng Đạo vương khi xưa chỉ có hai ngàn.
Số ruộng đất tích tụ được Trần Khánh Dư dùng vào việc canh tác một phần. Một phần lớn cải tạo thành các sân đua ngựa, như sân đua ở Thượng Hồng. Theo tính toán khá nhạy bén của Vương thì Thượng Hồng tưởng xa mà lại hóa gần. Chỉ cần qua đò Sông Cái, đi ngựa một thôi đường ngắn là tới nơi. Cái lợi của việc đua ngựa không chỉ nằm ở việc “bán vé” mà nguồn chính là các tổ chức “cá độ” cho các vương giả, cùng các con cháu “lắm của nhiều tiền” lại sẵn máu me ăn thua cờ bạc. Tuy nhiên công trình này của Nhân Huệ vương mất tới sáu bảy năm vẫn không thực hiện được vì vướng một số thửa ruộng nằm trong diện “xôi đỗ” mà chủ nhân của nó là những phú hộ có máu mặt ở địa phương, lại đã từng có đóng góp “sức của” vào ba cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông nên các quan từ cấp phủ, cấp huyện đến cấp hương cũng phải kiềng…
Thời điểm sau chiến tranh, đất đai bỏ hoang hóa cũng nhiều. Nhất là các vùng ven biển, ven đồi, ven rừng hay xa các thị trấn… Triều đình lại có chính sách cho khai khẩn các vùng hoang hóa, không phải nộp thuế trong vòng mười năm, kể từ khi bắt đầu canh tác được. Trần Khánh Dư là một con người lạ kỳ. Việc gì cũng làm tận sức. Phải nói là đánh giặc cũng tận lòng, được xếp vào loại “tứ trụ” có công. Việc làm ăn cũng say sưa không kém. Cái thú ăn chơi, gái gú cũng nức tiếng thời bấy giờ. Vương hơn hẳn các tay ăn chơi khác là có hẳn ba cô Tiểu Nga-la-tư. Chiến lợi phẩm “bắt được” từ chiến thắng Vân Đồn lẫy lừng. Cùng với giá một đồng bạc một gái đồng trinh thủa đói kém, nhà Nhân Huệ vương có tới dăm bảy trăm người, ở Phủ đệ tại Thăng Long và các tòa dinh thự tại các đảo lớn nhỏ tại Vân Đồn.
Áp dụng phương châm “đi buôn có bạn - đi bán có phường” Nhân Huệ vương liên kết với một số quan lại trong triều cùng có sở thích như vương. Người có tiền thì rủ cùng hùn hạp làm ăn. Người có vị trí thì đóng góp “cổ phần” bằng tiếng nói của mình để “tranh thủ ý kiến “ủng hộ” hoặc “cho qua” của Thượng hoàng hoặc vua.
Một trong số bạn “thâm giao” nhất của Trần Khánh Dư thời bấy giờ là Đỗ Khắc Chung, người đã dám “to gan” vác cái xác của “ngựa kéo xe muối” đến trại Ô Mã Nhi những ngày đầu quân Nguyên Mông ồ ạt tiến sát Thăng Long để dò xét và xin “giảng hòa”, nhờ thế mà được vua Trần Nhân Tôn thẳng một bước xếp vào loại “ngựa kỳ”. Rồi đến lần xa giá phải trốn chạy ra Tam Trí, Khắc Chung cũng bắt chước Phạm Ngũ Lão, đưa tấm lưng mảnh mai ra cõng vua Trần xuống thuyền chạy trốn vào Ái châu. Những ngày gian khổ đó, Khắc Chung luôn có mặt bên cạnh hai Thánh thượng, chịu khó “bưng bô, đổ vịt” mà lập nên công trạng lớn, được mang quốc tính từ họ Đỗ sang Trần thành Trần Khắc Chung và được phong làm Nhập nội hành khiển, được ở bên vua để giải quyết các việc “văn phòng” và tranh thủ tâu hót những việc hai Thánh thượng còn phân vân. Và cuối đời được phong chức Đại hành khiển, tước quan Nội hầu. Khắc Chung cũng dìu em là Đỗ Thiên Hứ vào triều. Được cử đi sứ sang nhà Nguyên. Khắc Chung còn liên kết với một số quan lại khác, sau này vu vạ cho Thượng tể Quốc Chẩn làm phản bị giết cả nhà hơn một trăm người.
Trần Khắc Chung có tài xiểm nịnh, uốn lưỡi từ trái sang phải hoặc từ phải sang trái hết sức tài tình. Dưới đây là một thí dụ nhỏ. Năm 1290, vua Trần Nhân Tông đích thân đem quân đi đánh Ai Lao. Khắc Chung can:
- Giặc Nguyên mới lui, vết thương chưa khỏi, sao có thể nổi binh?
Vua hơi giận vặn lại:
- Chỉ có lúc này mới đáng ra quân mà thôi. Vì là sau khi quân giặc lui rồi, thì ba cõi (chỉ Ai Lao, Chiêm Thành và Chân Lạp) tất cho là quân và ngựa của ta chết hại, thế không thể tránh khỏi được, sợ có sự khinh nhờn đối với ta. Cho nên cần đem đại quân đi đánh để thị uy.
Trần Khắc Chung thấy thế bèn đỡ lời.
- Nhà vua há chẳng biết làm khó nhọc dân là việc đáng lo, nhưng còn việc đáng lo hơn thế nữa. Đó là Thánh nhân lo xa bọn thần không thể nghĩ tới được.
Trở lại việc Trần Khánh Dư khai khẩn đất hoang ở Ý Yên (Nam Định), Trường Yên (Ninh Bình), Lý Nhân (Hà Nam)… Nguyên đất ở đây là vùng đầm lầy. Nhưng với nhãn quan làm ăn từ thời còn ở Vân Đồn, Khánh Dư biết nên cải tạo thành các hồ nuôi tôm thì rất đắc địa. Thời đó thương nhân Trung Quốc sang Đại Việt “ăn tôm” tươi, bằng cách chở cả thuyền lớn tôm cùng với nước, đem về bán lãi một gấp mười, số tôm ở Vân Đồn không đủ cung cấp cho thương lái Tầu. Bởi thế Khánh Dư mới tập hợp dân lưu tán lại, ứng cho ba đồng để khai khẩn một vuông tôm (rộng bằng một mẫu Bắc Bộ 360m2). Hẹn canh tác sau mười năm thì trả lại ao cho vương. Ba bốn năm khó nhọc ăn đói, mặc rét, thau chua, rửa mặn, nạo vét hút bùn các vuông tôm mới được hình thành. Nhưng Nhân Huệ vương đã nuốt lời hứa mới sau ba năm canh tác đã đến thu hồi, tước đoạt.
Dân hỏi tại sao lại có sự lật lọng thế, Vương đáp:
- Đất đai là quốc gia công thổ, vua ra lệnh thu hồi.
- Lệnh của vua đâu? - Dân hỏi lại.
- Ta là vương, ta là được thay mặt vua rồi, việc gì phải hỏi nữa.
Một số hộ dân quá uất ức, bị tước mất miếng cơm, manh áo, đẩy gia đình họ vào chỗ bần cùng đã vũ trang chống lại. Nhân Huệ vương cho gia binh đến đàn áp, nhưng ra lệnh “chỉ được đánh què, chứ không đánh chết”. Rồi dỡ nhà cửa, phá vườn tược của họ ở trên bờ, đuổi đi chỗ khác, đưa gia nhân của mình đến canh tác. Tiếng kêu dậy đất, đơn gửi đến quan huyện, quan phủ đều không có hồi âm vì phần sợ uy thế của vương, phần khác, mỗi vuông “giải tỏa” được, các quan đều được chia một đồng bạc. Dân tụ họp vài trăm người kéo lên kinh thành. Vua sai Trần Khắc Chung ra nhận đơn khiếu kiện. Sau vài ngày “thụ lí” Chung vào tâu với vua:
- Việc làm ăn chỉ có thỏa thuận miệng. Không có khế ước nên không biết “Ai đúng, ai sai. Ai phải, ai trái” thì làm sao khu xử được.
Vua sai Trần Thì Kiến, một môn hạ của Hưng Đạo Đại vương, lúc đó mới được bổ làm quan Kiểm pháp, nhậm chức Đại an phủ kinh sư. Thì Kiến tính người cương trực. Khi được Hưng Đạo vương tiến cử làm An phủ sứ Thiên Trường. Có người đem biếu mâm cỗ. Thì Kiến hỏi vì cớ gì mà biếu, người ấy nói:
- Vì ở gần trụ sở cho nên đem biếu. Chứ không có kêu xin gì cả.
Mấy ngày sau thì đến kêu xin việc tranh tụng ruộng đất. Thì Kiến móc họng mửa ra, rồi sai lính đuổi về. Rồi được thăng làm quan Kiểm pháp. Mỗi khi có việc kiện, lấy lý mà bẻ, việc đến thì dùng phép đối phó. Mọi người đều coi là người giỏi xử đoán kiện tụng.
Trần Thì Kiến nhận đơn của dân ở các phủ Lý Nhân, Trường Yên và Ý Yên. Thân đến tận nơi xem xét cặn kẽ sự việc. Không chỉ đi một lần, mà đi tới ba, bốn lần. Sau khi nắm rõ vụ việc, Trần Thì Kiến thấy dân kiện là đúng nên khi khai triều, đem sự việc tâu lên vua. Lúc đó Khánh Dư mới ở bãi Tám (có lẽ là vùng ven biển Hải Phòng bây giờ) về kinh thành. Vua hỏi Khánh Dư: “Vì sao lại có chuyện tiền hậu bất nhất như thế, để dân kiện là đúng hay sai?”.
Khánh Dư thản nhiên bước ra tâu rằng:
- Quan lại, quý tộc là chim ưng. Quân dân là con vịt. Bởi thế đem vịt mà nuôi chim ưng là lẽ tự nhiên. Có gì mà lạ!
Vua giận lắm, định mắng lại thì Trần Khắc Chung đã đưa mắt cho Khánh Dư. Dư viện cớ đau bụng ra ngoài.
Đó là năm 1296, lúc đó Phạm Ngũ Lão đã là Điện súy, chỉ huy quân Thánh dực. Là người duy nhất ở hàng quan võ lên triều không phải cởi gươm. Thấy Khánh Dư nói như vậy thì lửa giận bốc lên đùng đùng. Bao nhiêu sự hy sinh xương máu của dân chúng qua các cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, cùng với sự đói khổ lầm than đến cùng cực vì nạn tham quan ô lại, lẫn thời tiết khắc nghiệt gây mất mùa; ấy vậy mà Khánh Dư lại “tuyên bố” đến ghê sợ như vậy đã khiến Ngũ Lão không kìm nổi, đuổi theo Khánh Dư, tuốt gươm ra định chém. Nguyễn Chế Nghĩa lúc đó cũng đang là Đô tướng, Phó chỉ huy quân Thánh dực thấy vậy vội đuổi theo, ôm chặt người Ngũ Lão lại và van vỉ:
- Hiền huynh, đừng xúc động quá! Việc này không thể nóng giận mà giải quyết được.
Phạm Ngũ Lão ấn mạnh gươm vào vỏ rồi nói:
- Đệ chịu đựng được thì ở lại! Huynh phải từ quan thôi!
Vua Trần Anh Tông (lên ngôi năm 1293) vốn là vị vua thông minh. Biết tất cả việc làm sai trái của Trần Khánh Dư. Nhưng vì Khánh Dư là đại công thần trong cả ba lần chống Nguyên Mông nên không thể tùy tiện trị tội được. Anh Tông bèn bàn với các triều thần là Trần Thì Kiến, Đoàn Nhữ Hài và Trần Khắc Chung. Để xoa dịu dư luận cũng như kiềm chế bớt sự tác oai, tác quái của một số quan lại biến chất nên đã đề ra sắc luật mới là CHO NHỮNG NGƯỜI ĐÃ BÁN THÂN HOẶC BÁN RUỘNG TRONG VÒNG NĂM NĂM CÓ THỂ CHUỘC ĐƯỢC THÂN VÀ ĐƯỢC RUỘNG. Quá năm năm thì thôi. Riêng các vùng nuôi tôm của Trần Khánh Dư có chỉ dụ riêng, cho dân khai phá thuê được phép sử dụng thêm hai năm nữa.
Trần Khánh Dư sau lần ấy, sợ vua quở trách nên rất ít khi vào triều. Nếu có vào cũng dự không quá bốn ngày. Mọi tình hình Khánh Dư đều nắm qua Trần Khắc Chung, tất nhiên là có dùng tiền bạc để “hối lộ” nhân vật này. Trần Khánh Dư và Trần Khắc Chung trở thành cặp bài trùng trong các vụ việc làm ăn, chạy chức, chạy quyền, chạy tiền, chạy tội. Bằng cách đó Khắc Chung đã đưa được em là Đô Thiên Hứ vào làm Hành khiển trong cung, trở thành bàn tay nối dài nữa cho Trần Khánh Dư.
Chim Ưng Và Chàng Đan Sọt Chim Ưng Và Chàng Đan Sọt - Bùi Việt Sỹ Chim Ưng Và Chàng Đan Sọt