You practice mindfulness, on the one hand, to be calm and peaceful. On the other hand, as you practice mindfulness and live a life of peace, you inspire hope for a future of peace.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Bùi Việt Sỹ
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 18
Cập nhật: 2020-10-08 21:15:23 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 14
uân Mông Cổ và Đại Việt quần nhau suốt cả mùa đông năm 1287. Nhiều lần Ô Mã Nhi theo lệnh Thoát Hoan đem bọn A Lý, A Sáng đánh vào Thăng Long, nhưng bị Phạm Ngũ Lão đánh trả quyết liệt. Hai bên tả hữu quân của Nguyễn Chế Nghĩa và Trần Nhật Duật đánh kẹp vào khiến quân Nguyên Mông không tiến lên được, còn bị chết khá nhiều. Địa hình đa phần là sông, ngòi, hồ, ao khiến kỵ binh không thể thi thố. Vấn đề lương thảo vẫn luôn là chuyện nan giải cho Thoát Hoan. Các đoàn vận lương từ phía Bắc xuống, từ vịnh Bắc Bộ vào luôn bị chặn đánh, đốt, cướp, phá… mười phần chỉ còn một hai. Trong khi đó lương thảo của quân Đại Việt đã khá hơn mấy năm trước rất nhiều. Cả vùng Hoan - Ái rộng lớn và trù phú đã cấp cho gần bốn chục vạn quân vượt qua mùa đông khắc nghiệt.
Thoát Hoan gửi thư về. Hốt Tất Liệt quyết định tung toàn bộ lương thảo chuẩn bị cho việc chinh phục Phù Tang xuống phía nam. Và khi quân đội đã có “thực túc” rồi thì tung quân đánh quyết liệt trên mọi vùng miền, mặt trận, quyết tiêu diệt Đại Việt trong năm 1288. Cuối mùa xuân, tháng ba, Trương Văn Hổ vận lương từ lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây) qua vịnh Hải Đông để vào Quế Sơn. Đoàn thuyền rồng rắn, dài đến bẩy tám dặm.
Trương Văn Hổ sợ có “sơ suất” gì chăng, cho thuyền nhỏ lẻn vào trước báo cho Thoát Hoan cho quân ra tiếp ứng. Thoát Hoan sai Ô Mã Nhi đem chiến thuyền cùng một vạn quân tinh nhuệ đi đón Trương Văn Hổ.
Thám mã của Đại Việt báo tin về kinh thành. Vua Trần Nhân Tông cũng như Hưng Đạo vương tức tốc cho người cầm lệnh ra chỗ Trần Khánh Dư “bằng mọi giá phải đánh tan được đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ”. Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng bẩm với Hưng Đạo vương:
- Thưa cha, chắc chắn người Nguyên đã có đề phòng cẩn thận. Lại thêm có Ô Mã Nhi dẫn quân ra tiếp ứng. Con nghĩ cha cũng phải tăng cường cho Khánh Dư. Cụ thể cha cho con và Yết Kiêu ra trợ giúp cho hắn. Nếu đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ vào Đại Việt trót lọt thì chiến trận sẽ còn kéo dài và ác liệt. Sẽ biết bao sinh mạng binh sĩ ta sẽ phải bỏ ra. Lúc này việc thù hận nhau phải bỏ qua một bên. Tất cả phải vì chiến thắng của Đại Việt.
- Khá khen cho ý tốt của con. Hưng Đạo vương nói - Nhưng binh pháp có câu: “Bỏ vào đất chết mới tìm ra chỗ sống. Bỏ vào chỗ mất mới tìm ra chỗ còn”. Cứ để Trần Khánh Dư tự xoay xở một mình mới thành công được. Nuôi lính ba năm dụng một giờ mà. Nếu ta đưa quân ra tiếp viện cho hắn chẳng khác gì “vẽ rắn thêm chân”. Cha nói thế không phải là bỏ mặc cho Khánh Dư mà thực chất là cha vô cùng tin vào tài năng xoay chuyển tình thế, biến nguy thành an của hắn. Nói “bỏ vào chỗ chết mới tìm ra chỗ sống” là nói với các tướng tài. Khi xưa khi quân Hán đánh Triệu, Hàn Tín đã lập trại tựa lưng vào bờ sông, các tướng đều lấy làm kinh hãi, nhưng sợ Tín không dám nói ra. Đến khi bị quân Triệu dồn đánh. Đến bờ sông Hàn Tín mới hô to lên rằng “Các tướng không liều chết quay lại đánh để bị dìm xuống sông chết đuối cả ư?”. Nghe thấy thế bọn Phàn Khoái, Chu Bột vội tỉnh ngộ, quay lại cùng ba quân liều chết xông vào đánh giặc. Nhờ thế mà chỉ trong một buổi sáng đã phá được hai mươi vạn quân Triệu. Còn thời Tam quốc, lão tướng Hoàng Trung đóng quân trên núi mà chém được Hạ Hầu Uyên, tướng yêu và là họ hàng của Tào Tháo, về sau Mã Tốc cũng bắt chước cách ấy. Nhưng Tốc bất tài khi Tốc hô quân đánh xuống thì quân lính sợ Tư Mã Ý rúm cả lại. Đến khi Tư Mã vơ cỏ đốt phía dưới thì quân Tốc hoảng loạn, bỏ chạy tán loạn cả. Nhiều lần trước đây cha đã từng nói Trần Khánh Dư là tướng tài, tướng văn võ song toàn. Lần này chúng ta sẽ xem Khánh Dư lập nên kỳ công, đi vào lịch sử chống Nguyên Mông của Đại Việt ta.
Nghe Hưng Đạo vương giảng giải một hồi Trần Quốc Tảng đuối lý không cãi lại được. Nhưng trong lòng vẫn áy náy không yên. Không phải là không tin cha, mà là không tin được rằng Tran Khánh Dư lại có được tài như Hàn Tín.
Trở lại phía Nguyên Mông, Ô Mã Nhi hăm hở dẫn đoàn chiến thuyền đi đón Trương Văn Hổ. Trong thư kín gửi riêng cho Ô Mã Nhi, Trương Văn Hổ cho hay, ngoài lương thảo, ngự tửu của vua ban còn có năm nàng “tiên nữ” Tiểu Nga-la-tư. Ô Mã Nhi gặp Trương Văn Hổ ở phía ngoài vịnh Hải Đông. Hổ mang rượu ra đãi. Ô Mã Nhi uống suốt đêm, đến sáng thì giục Trương Văn Hổ thúc thuyền tiến lên. Ô Mã Nhi trà trộn vào đám quân coi lương ở giữa đoàn thuyền vận tải. Còn lá cờ có con ó lớn cưỡi trên mình chú ngựa nhỏ thì phấp phới bay ở đoàn chiến thuyền đi trước. Trần Khánh Dư sau khi cho lính quan sát động tĩnh “vô cùng chắc chắn” mới thân dẫn đoàn chiến thuyền hai vạn quân, đánh thẳng vào giữa đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ. Khánh Dư hăng hái đi trước, lao thuyền vào định cắt đôi đoàn thuyền lương ra. Bất ngờ Ô Mã Nhi xuất hiện, lừng lững chui ra từ một thuyền chở rượu. Tuy bị bất ngờ, nhưng Trần Khánh Dư vẫn giữ được bình tĩnh, vung kiếm lăn xả vào đánh. Ô Mã Nhi vung đao đón đỡ. Đường đao của Ô Mã Nhi quá mạnh khiến người Khánh Dư lạng đi. Song Trần Khánh Dư vẫn lấy hết can đảm vung gươm lên đối địch. Đánh được ngoài hai mươi hiệp, biết đánh tiếp có thể mất mạng nên co cặp chân dài nhảy phắt trở lại chiến thuyền của mình. Quân của Ô Mã Nhi và quân áp tải lương của Trương Văn Hổ thừa thế đánh cho quân của Trần Khánh Dư bỏ chạy tán loạn. Trong lúc nguy nan trong đầu Trần Khánh Dư vẫn vang lên lời tựa của chính mình viết cho cuốn “Vạn Kiếp bí truyền tông” của Trần Hưng Đạo rằng “Tướng khéo thua thì không chết…” Khánh Dư tả xung hữu đột mở được đường máu thoát ra, đồng thời lệnh cho quân sĩ phất cờ lệnh “mạnh ai hãy cố sức mà bỏ chạy thoát thân”. Nhờ thế mà tung ra hai vạn quân và bốn trăm chiến truyền mới bị tổn thất một nửa. Tin Trần Khánh Dư đại bại truyền về kinh đô. Vua Trần Nhân Tông nổi giận sai người tức tốc phi ngựa ra Vân Đồn xích Trần Khánh Dư giải về theo điều sáu của quân luật là “Quân thua chém tướng”. Khánh Dư nói với viên quan ra bắt mình rằng:
- Ngươi hãy về tâu với hai Thánh thượng và Quốc công Tiết chế rằng, hãy để cho đầu của Khánh Dư nằm trên cổ hắn thêm ba ngày. Rồi Khánh Dư sẽ đem đầu về chịu chém!
Hưng Đạo vương nghe tin đoàn chiến thuyền của Khánh Dư bị đánh tan thì lại vô cùng mừng rỡ. Người lập tức tập hợp lũ thám mã lại ra các lệnh:
- Ra cửa sông Bạch Đằng nói với Nguyễn Khoái đóng thêm cọc lim và chuẩn bị căng dây xích để đón đánh sáu trăm thuyền chiến khổng lồ của Nguyên Mông chắc chắn sẽ phải rút chạy qua đó.
Cử Trần Nhật Duật vào thay Phạm Ngũ Lão. Còn Ngũ Lão thì tuyển năm ngàn kỵ binh tinh nhuệ nhất, chờ có lệnh ra cửa sông Bạch Đằng tiếp ứng cho Nguyễn Khoái.
Lệnh cho tất cả các đạo quân, chuẩn bị tổng công kích đuổi giặc ra khỏi bờ cõi.
Các tướng đều ngạc nhiên, ngơ ngác nhìn nhau không hiểu thế này là thế nào kể cả Trần Quốc Tảng. Nhưng không ai đám hé răng hỏi nửa lời. Tất cả đều tuân lệnh răm rắp.
Lại nói chuyện Trần Khánh Dư thoát chết chạy về được Vân Đồn bèn tụ họp đám tàn binh lại vẫn còn được một vạn, cộng một vạn quân giữ nhà là hai. Số thuyền bè cũng còn trên bốn trăm. Khánh Dư cho tập hợp toàn bộ quân lính và thuyền bè lại nói rằng:
- Nếu chúng ta không liều chết tiêu hủy đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ thì tất cả đều bị triều đình xử chém. Vậy chỉ có đánh mới còn con đường sống. Vậy các ngươi nghĩ thế nào?
Hai vạn quân đều đồng loạt hô to: “Sát Thát”. Khánh Dư lấy làm mừng lắm, trèo lên cột buồm cao nhất của một chiến thuyền, phóng tầm mắt “chim ưng” về vùng biển Hải Đông. Lúc này đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ sau khi nghi binh để Ô Mã Nhi đánh tan quân của Trần Khánh Dư, mới kềnh càng, nặng nề tiến vào vịnh. Trong đoàn thuyền dài tưởng như vô tận ấy Khánh Dư thấy có hình con ó lớn cưỡi trên lưng con ngựa nhỏ của Ô Mã Nhi cắm ở đầu, ở giữa và cả ở cuối thì cười thầm trong bụng mà đoán rằng chắc chắn không có Ô Mã Nhi trong đoàn thuyền vận lương này. Phải nói thật rằng Trần Khánh Dư quả là thần toán. Ngay lúc đánh tan đoàn chiến thuyền của quân Trần, Ô Mã Nhi đã dương dương tự đắc nói với Trương Văn Hổ rằng:
- Quân Đại Việt đã sợ đến mất mật rồi! Có cho kẹo chúng cũng không dám bén mảng tới gần đoàn thuyền lương. Rồi gã chọn lấy hai “tiên nữ” tiểu Nga-la-tư đang độ tuổi trăng rằm, cùng mấy thung ngự tửu và vài chục tảng thịt cừu muối vứt lên một chiến thuyền nhẹ, căng buồm lướt sóng, phóng về Quế Sơn trước.
- Ô Mã Nhi chắc chắn không còn ở đây! - Vừa tụt từ cột buồm xuống Trần Khánh Dư đã nói như đinh đóng cột. - Mà kể cả hắn còn ở đây thì ta thà chết dưới tay hắn, chứ không chịu chết dưới đao phủ của triều đình vì là một tên bại tướng.
Nói rồi Trần Khánh Dư chia hơn bốn trăm chiến thuyền ra làm hai trăm cặp. Cứ một chiến thuyền chở binh lính đi kèm với một chiến thuyền chở đồ hỏa khí. Tất cả cung tên đều phải mang theo thùng chở dầu. Trần Khánh Dư tự dẫn một hỏa thuyền đâm thẳng vào giữa đội hình của đoàn thuyền vận lương của Trương Văn Hổ. Còn các đội hỏa thuyền khác, cứ cách một thuyền thì tấn công đốt một thuyền. Chạng vạng tối bốn trăm chiến thuyền của Trần Khánh Dư xuất phát. Biển động nhẹ, gió heo may khô. Còn cách đoàn thuyền vận lương của Trương Văn Hổ chừng năm chục bước chân, Trần Khánh Dư cho đốt các đồ dẫn hỏa trên chính thuyền của mình rồi lao thẳng vào giữa đoàn thuyền giặc. Các thuyền khác thấy vậy cũng đồng loạt hành động theo. Trương Văn Hổ chợt thấy những “con rồng lửa” nhất tề lao vào đoàn thuyền lương của mình thì vô cùng kinh hãi. Đang đi ở gần đầu đoàn, Trương Văn Hổ cho thuyền quay lại. Vừa hay gặp chiến thuyền của Trần Khánh Dư. Dư nhảy phắt sang thuyền của Hổ. Thanh kiếm trong tay múa tít. Chỉ loáng một cái đã chém gần chục thủy quân Nguyên Mông gục xuống biển hoặc rơi vào lòng thuyền. Trương Văn Hổ vác đại đao lại đối địch. Trần Khánh Dư miệng thét lớn: “Sát Thát”, rồi phóng thẳng mũi kiếm vào ngực Hổ. Cũng là chiến tướng có tài và nhiều kinh nghiệm, Hổ vung đao đánh lại hết sức dữ dội. Nếu đằng thẳng ra thì chưa biết “mèo nào cắn mỉu nào”. Nhưng tâm trí của Hổ lúc này đang phải để vào đoàn thuyền lương. Thấy ba bề bốn bên lửa đã bắt đầu cháy rừng rực thì không còn tâm trí đâu mà giao đấu với Khánh Dư nữa. Thừa cơ Khánh Dư vung kiếm chém tới tấp, một nhát xả vào vai phải khiến cây đại đao rơi xuống lòng thuyền. Thấy chủ tướng bị nguy, mấy chục tên quân thân tín vung đao, kiếm vào cứu chủ. Trần Khánh Dư cũng không ham đánh, lùi ra mũi thuyền rồi nhảy phắt về thuyền mình đang ở thế áp mạn. Khánh Dư ra lệnh cho thủy thủ đưa thuyền cho mình đi đốc chiến. Lúc này lửa đã cháy khắp nơi. Các thuyền chở cỏ khô cháy dữ dội nhất, rồi đến các thuyền chở gạo và cả thuyền chở rượu, ngọn lửa bốc lên xanh lè!
Cùng với tiếng lửa reo phần phật là tiếng hô: “Sát Thát” vang động cả vùng vịnh vốn lặng im.
Trương Văn Hổ biết không thể cứu vãn được, kể cả có Ô Mã Nhi ở lại thì cũng đành bó tay nên ra lệnh cho lính quay mũi thuyền chạy về Quảng Đông. Còn viên giám quân, cũng vô cùng kinh khiếp, thần hồn nát thần tính, cho thuyền giong buôm chạy mãi vào tận… Chiêm Thành. Trong đám lửa cháy, quân reo, Trần Khánh Dư chợt nghe thấy những tiếng kêu thất thanh, nhưng giọng lại rất lạ, phát ra từ một thuyền chở rượu. Khánh Dư cho thuyền ghé vào thì vừa ngạc nhiên, vừa mừng rỡ thấy ba thiếu nữ mặc váy, đang ôm nhau kêu khóc. Thuyền chưa cặp mạn, Khánh Dư đã nhảy vọt sang, hai tay cắp hai “nàng tiên” tiểu Nga-la-tư quăng sang thuyền của mình. Lửa đã cháy vào chiếc váy liền áo của cô thứ ba. Khánh Dư lại nhảy sang tiếp, mặc cho lửa rát bỏng bủa vây xung quanh, cắp ngang người cô gái cùng nhảy ùm xuống biển. Vùng vẫy một lúc cho lửa tắt Khánh Dư mới cắp cô gái bám vào mạn thuyền chèo lên. Mới mấy canh giờ trước Trần Khánh Dư còn là kẻ tội đồ, chờ xích lại đưa về triều đình xử trảm. Thì bây giờ đã trở thành người anh hùng dân tộc, lập được kỳ công có một không hai trong trận chiến chống Nguyên Mông của quân dân Đại Việt.
Phần thưởng cho Trần Khánh Dư còn có cả ba “tiên nữ” Tiểu Nga-la-tư, da trắng, mắt xanh, tóc vàng mà dù có nằm mơ cũng không thay được.
Nửa đêm trở về bản doanh Khánh Dư viết thư về cho hai vua Trần và Quốc công Tiết chế, chỉ có đúng hai chữ: Thắng rồi! Và sai đích thân mấy kẻ mang xích ra bắt mình phi ngựa ngay trong đêm về triều bẩm báo.
Nhận được thư của Khánh Dư các tướng đều quỳ xuống vái lạy Trần Hưng Đạo. Theo thói quen, Người vừa vuốt chòm râu còn đen nhánh, vừa nói:
- Đã đến lúc ta đánh cho Nguyên Mông một trận để đời. Chỉ cần nghĩ tới Đại Việt là toát mồ hôi hột ra!
Rồi người sai Phạm Ngũ Lão đem năm ngàn quân kỵ, tức tốc đến cửa sông Bạch Đằng ứng giúp cho Nguyễn Khoái. Và hẹn đại quân do đích thân Người sẽ đến sau.
Trở lại chuyện Trần Khánh Dư đã khôn ngoan thả cho một vài chiến thuyền của Nguyên Mông trốn được về Quế Sơn báo tin. Thoát Hoan rụng rời hết vía, lưng toát mồ hôi. Riêng Ô Mã Nhi vẫn nói cứng:
- Ta tạm rút binh về. Chờ biện lương đầy đủ đã, lại kéo sang lần nữa. Vội gì!…
Không còn cách nào khác Thoát Hoan sai Ô Mã Nhi cùng Tích Lệ Cơ Ngọc thống lĩnh sáu vạn quân cùng sáu trăm chiến thuyền “khủng” rút theo đường Bạch Đằng. Sai Phàn Tiếp đem năm ngàn quân kỵ đi theo đường bộ hộ tống ra tới biển. Còn đích thân Thoát Hoan dẫn bọn A Sáng, A Lý và các tướng khác tháo chạy theo đường Chi Lăng - Lạng Sơn.
Lại nói Phạm Ngũ Lão đem năm ngàn quân kỵ cắt đường từ Thăng Long ra cửa sông Bạch Đằng. Quân phóng suốt đêm không nghỉ, đến quá giờ Ngọ thì gặp toán quân của Phàn Tiếp. Không nói nửa lời, Ngũ Lão vỗ ngựa lao vào vung đao chém tới tấp. Phàn Tiếp biết Ngũ Lão là hổ oai tướng quân của Đại Việt nên vẫy quân vây chặt lấy Ngũ Lão vào giữa. Toàn là kỵ binh Mông Cổ nên chúng rất thiện chiến. Những luỡi gươm cong sắc bén vung lên bổ xuống thật nhịp nhàng, thiện nghệ. Nhưng lúc này thời gian là vàng ngọc, không thể để Nguyễn Khoái phải đơn độc chống với Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ Ngọc cùng sáu vạn quân và sáu trăm chiến thuyền “khủng”. Ngũ Lão gầm lên một tiếng thị uy rồi lia đao ra tứ phía. Những chiến binh Mông Cổ gục xuống như chuối bị chém. Phàn Tiếp cả sợ không dám giao phong. Hô quân rút chạy về phía Quế Sơn.
Khi Phạm Ngũ Lão cùng năm nghìn kỵ binh đến cửa sông Bạch Đằng thì đúng vào lúc thủy triều đang lên. Quân của Nguyễn Khoái đang gồng mình chặn đánh đoàn thuyền rút chạy của Ô Mã Nhi. Những xích sắt căng lên đã cản không cho chiến thuyền của giặc trôi ra. Sau một hồi lúng túng, đứng trên súy thuyền Ô Mã Nhi đã phát hiện ra. Hắn sai lính mang búa khai sơn xuống chặt xích chắn. Cuộc chiến ác liệt và đẫm máu diễn ra quanh và trên các sợi xích giữa quân Nguyên Mông và quân Đại Việt.
- Hiền huynh Nguyễn Khoái! Có Ngũ Lão đến trợ chiến với huynh đây! - Ngũ Lão giao ngựa cho giám mã, vác đao chạy lên mặt đê và quát lớn.
Nguyễn Khoái đang ở một chiến thuyền ở giữa sông đốc thúc quân lính tác chiến thấy vậy trả lời.
- Ngũ Lão! Hãy đánh thẳng vào súy thuyền. Chui vào trong chém hết các tay chèo. Rồi bẻ lái cho thuyền quay ngang ra!
- Tuân lệnh! - Nói rồi Ngũ Lão cắp đao nhảy phắt từ bờ đê lên một chiến thuyền gần bờ của giặc. Vừa đánh giết, vừa tìm đường đến súy thuyền của Ô Mã Nhi. Thấy Ngũ Lão dũng mãnh quá, bọn giặc dạt hết cả ra.
Chui được vào khoang súy thuyền, Ngũ Lão vung đao chém hết bên phải lại bên trái. Xác giặc đổ xuống như ngả rạ. Rồi túm gáy một tên bắt hắn bẻ bánh lái cho thuyền quặt ngang ra. Tên lính vừa yếu vừa sợ, run lẩy bẩy khiến Ngũ Lão phải quẳng hắn sang một bên rồi bẻ ngang bánh lái. Nước bắt đầu chảy xiết chứng tỏ thủy triều đang xuống, Ngũ Lão phải vận hết công lực mới làm được cho con thuyền khổng lồ quay ngang ra, chặn hẳn đoạn giữa của lòng sông, khiến cả đoàn thuyền tắc lại.
Hưng Đạo vương khởi mười vạn quân tiếp ứng. Nhưng trên đường hành quân, con voi chiến của Người bị sa lầy, Hưng Đạo vương đành gạt nước mắt xuống ngựa để kịp đưa quân ra tiếp ứng cho Nguyễn Khoái.
Hai vua Trần cũng chỉ để Thái sư Trần Quang Khải giữ kinh đô, thân chinh dẫn đội quân Thánh dực ra Bạch Đằng trợ chiến.
Chưa bao giờ Ô Mã Nhi lại hung tợn như lúc này, nhất là từ lúc chiếc súy thuyền bị quay ngang ra. Và thủy triều xuống. Các cọc lim được cắm từ trước bắt đầu đâm thủng các chiến thuyền. Nhưng vừa hay đại quân của Hưng Đạo vương đã đến kịp thời. Tất cả nhất loạt xông lên, cận chiến với giặc ngay trên các chiến thuyền khủng của chúng. Tuy nhiên lính Đại Việt không thể đến gần Ô Mã Nhi được. Cây đao của hắn là cây “ma đao” nhuốm máu hàng trăm tướng sĩ nhà Trần.
- Nguyễn Khoái đâu! Hãy nhảy lên chặn bàn tay hung thần của Ô Mã Nhi lại! - Hưng Đạo vương đứng chỉ huy trên bờ đê quát xuống.
Nguyễn Khoái vâng mệnh, nhảy phắt lên. Ô Mã Nhi vẫn gầm gừ như con hổ dữ bị dồn vào con đường cùng vung đao chém hết sức mãnh liệt. Cũng đã từng giao đấu vài lần với Ô Mã Nhi nhưng chưa lần nào Nguyễn Khoái thấy hắn dũng mãnh lợi hại như lúc này. Phó đô tướng Đỗ Hành xin phép hai vua Trần cũng xông lên thuyền trợ chiến. Hành nhảy đến bên Nguyễn Khoái vung đao chém. Ô Mã Nhi đỡ quật lại, khiến cây đao của Đỗ Hành văng xuống nước. Còn bản thân bị bắn ra mấy bước. Nguyễn Khoái phải lăn xả vào đánh để cứu Đỗ Hành. Vừa lúc đó trên nóc súy thuyền tiếng Phạm Ngũ Lão vọng xuống:
- Hiền huynh có Ngũ Lão ở trên này!
Hiểu ý Nguyễn Khoái vung đao nhằm cẳng chân Ô Mã Nhi lia tới, buộc Ô Mã Nhi phải ghìm đao đón đỡ. Chỉ trong một tia tích tắc thôi, Phạm Ngũ Lão biết rất rõ điều này, nếu không hạ được Ô Mã Nhi, để hắn chém ngược đao lên thì Nguyễn Khoái rất khó toàn mạng. Phóng đao xuống tấm lưng to như cánh phản của hắn thì vô cùng dễ. Nhưng việc phải bắt sống được hắn mới làm uy danh của Đại Việt tăng lên bội phần. Thế là Phạm Ngũ lão bèn dùng hai chân nhảy xuống đạp vào đúng hai thùy phổi sau lưng của hắn, đôi chân đã từng tập cả chục năm, đạp bằng cả một ngọn đồi sỏi đá đã khiến toàn thân Ô Mã Nhi đổ sập xuống. Nguyễn Khoái kề đao vào gáy. Còn Đỗ Hành kiếm đâu được một đoạn xích, xích tay hắn lại. Nhưng vừa đứng lên, bỗng hắn gầm lên một tiếng, giằng hai tay một cái đoạn xích bị bật tung ra. Ngũ Lão đứng phía sau điểm huyệt rất nhanh vào hai bên bả vai hắn. Rồi bẻ quặt hai tay hắn ra sau lưng, rút từ thắt lưng ra một sợi dây cước câu cá. Bẻ hai ngón tay cái Ô Mã Nhi lại, Ngũ Lão lấy đoạn cước trói chặt lại rồi giải huyệt. Ô Mã Nhi cố giằng ra, nhưng càng giằng sợi dây cước càng thít hai ngón cái của hắn lại, đau buốt đến tận óc. Ngũ Lão đẩy cái thân xác “quái vật” của Ô Mã Nhi về phía Đỗ Hành và vui vẻ bảo:
- Huynh hãy giải hắn về nộp cho Hoàng thượng mà lĩnh thưởng! Nhưng nhớ xích chân, tay hắn lại cho Hoàng thượng đỡ sợ!… Đây là món quà trả nghĩa bữa tiệc của huynh với chúng tôi ở quán gió Hồ Tây năm rồi!…
Đỗ Hành đứng ngẩn người ra một lúc mới hiểu… Trần Quốc Tảng bắt sống Tích Lệ Cơ Ngọc. Trận chiến vừa kết thúc Hưng Đạo vương lại sai Phạm Ngũ Lão, Trần Quốc Nghiễn, Trần Quốc Tảng đem mười vạn quân phối hợp với Nguyễn Chế Nghĩa, Trần Quốc Uẩn và Trần Quốc Hiện đem theo mười lăm vạn quân từ Thăng Long và Vạn Kiếp đuổi đánh hơn hai mươi vạn quân của Thoát Hoan.
Sáu trăm chiến thuyền “khủng” cộng với gần sáu vạn xác chết của lính Nguyên Mông đã làm tắc nghẹn hoàn toàn đoạn sông Bạch Đằng ấy. Sông phải đổi hướng chảy về hướng khác. (Rồi khúc sông ấy trở thành bãi bồi, để gần bẩy trăm năm sau, tình cờ làm thủy lợi, người dân ở tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện ra bãi cọc. Một vài chiếc đã được đưa về Bảo tàng lịch sử Việt Nam ở Hà Nội. Một số khác được đưa về Bảo tàng Quảng Ninh.)
Trần Quốc Uẩn khiến tướng Trương Hiển phải đầu hàng. Bọn A Sáng, Lý Hằng cố sống cố chết bảo vệ Thoát Hoan. Nguyễn Chế Nghĩa bắn chết A Sáng. Trần Quốc Nghiễn bắn chết A Lý. Phàn Tiếp lẩn vào đám tàn quân hòng chạy trốn, bị Phạm Ngũ Lão phát hiện bắn xuyên qua lưng. Một ngàn quân thiết kỵ bảo vệ Thoát Hoan chạy được về thị trấn Tư Minh bên Trung Quốc (cách Lạng Sơn chừng hai mươi dặm). Thế là ba chục vạn quân Nguyên Mông tinh nhuệ đã bị Đại Việt tiêu diệt vào cuối mùa xuân 1288[4].
Mùa hạ, tháng Tư, bàn xét công dẹp giặc Nguyên, hai vua Trần đã tiến phong Hưng Đạo vương làm Đại vương (tức Hưng Đạo Đại vương) Hưng Vũ vương được phong Khai quốc công. Hưng Nhượng vương làm Tiết độ sứ. Những người có công được ban quốc tính, trong đó có Đỗ Khắc Chung được trở thành Trần Khắc Chung lại cho làm Đại hành khiển. Đỗ Hành chỉ được phong quan nội hầu (lẽ ra là Liệt hầu tước hầu cao nhất) vì khi bắt được Ô Mã Nhi không dâng lên vua mà lại dâng lên thượng hoàng, như vậy là báo công vượt cấp. Hưng Trí vương Trần Quốc Hiện không được thăng trật, vì đã có chiếu cho người Nguyên về nước, các tướng không được cản trở mà lại đón đánh và bắt giữ. Cho Man trưởng ở Lạng Giang là Lương Uất làm trại chủ Quy Hóa. Hà Tất Năng làm quan Phục tuần vì có công đem người Man ra đánh giặc.
Gia phong cho Nguyễn Khoái làm Liệt hầu, vì không nhận đất ở kinh đô, cho một quận làm ấp thang mộc gọi là Khoái Lộ (nay là huyện Khoái Châu, Hưng Yên). Truy phong cho Trần Quốc Toản từ tước hầu lên tước vương.
Phạm Ngũ Lão được giao cho cai quản quân Thánh dực với chức Hữu Kim Ngô Đại tướng quân tước quan nội hầu. Đến thời vua Anh Tông. Phạm Ngũ Lão được phong đến chức Điện súy Thượng tướng quân.
Trần Khánh Dư được trả lại chức Phiêu kỵ tướng quân. Chức chỉ được phong cho hoàng tử.
Về phạt bọn tướng làm phản như Trần Kiện, Trần Lộng đã chết hoặc trốn sang Tầu không được mang họ Trần mà đổi thành họ Mai. Riêng Trần Ích Tắc được gọi là Á Trần, có ý khinh bỉ coi như đàn bà…
Ngày khải hoàn vua Trần Nhân Tông có hai câu thơ vừa như tổng kết cuộc kháng chiến, vừa như di chúc cho hậu thế về trách nhiệm giữ nước:
Đất nước hai phen bon ngựa đá,
Non sông ngàn thủa vững âu vàng.
Phạm Ngũ Lão cũng xin được đọc bài thơ “Ngỏ Lòng”. Vua đồng ý. Bài thơ có bốn câu:
Vung giáo non sông trải mấy thu,
Ba quân tựa cọp nuốt trôi trâu.
Trai chưa trả nợ công danh được,
Luống hổ tai nghe chuyện Vũ Hầu.
Các quan đều vỗ tay tán thưởng. Duy có Nguyễn Khoái bước ra tâu:
- Muôn tâu hai Thánh thượng, thần không rõ Vũ Hầu là ai mà Ngũ Lão “Huống hổ tai nghe”… Bởi vậy thần xin phép đổi thành: “Luống hổ tai nghe Hịch tướng sĩ của Quốc công Tiết chế” ạ!
Tất cả mọi người cười ầm cả lên, vui vẻ. Vua Trần Nhân Tông cười mà rằng:
- Nguyễn Khoái thế mà hóm hỉnh, thưởng cho một bát rượu lớn.
Uống xong, Nguyễn Khoái lại quỳ xuống tâu:
- Muôn tâu hai Thánh thượng, có thằng giặc Ô Mã Nhi đã từng nói: “Hai Thánh thượng đi tới đâu hắn “sẽ đuổi theo tới đó”. Giữ lời hứa nên hôm nay hắn đã có mặt ở dưới chân điện Kính Thiên này. Chỉ có điều hai chân bị xích vào cột đá. Vậy có nên thưởng ngự tửu cho hắn không ạ?
Vua Trần Nhân Tông lại cười lớn và bảo:
- Nguyễn Khoái ơi là Nguyễn Khoái! Ngươi đáng được thưởng một bình ngự tửu… Còn thằng giặc Ô Mã Nhi đang bị xích dưới kia… cũng nên cho hắn “chung vui” với ta. Quân đâu! Đem cho hắn một vò rượu và một đùi bê thui.
Ô Mã Nhi hai chân bị xiềng vào nhau và xích vào một cột đá. Còn hai tay được tự do. Khi rượu và đùi bê thui được mang đến, hắn vồ lấy nốc luôn nửa bình. Rồi loáng một cái đã ngoạm xong đùi bê thui. Tu nốt nửa bình rượu, hắn dùng hai tay quệt mép tỏ vẻ vẫn thòm thèm. Nguyễn Khoái hỏi:
- Ngự tửu của Đại Việt có ngon không?
- Ngon! Ngon hơn… nước đái ngựa của Mông Cổ một chút.
Nguyễn Khoái nổi giận giật lấy ngọn giáo của một tên lính đứng bên. Chĩa vào chiếc bụng như chiếc trống cái của hắn, rít răng mà nói rằng:
- Ngươi thật không biết điều! Để ta chọc bình rượu trong bụng ra vậy!
Vừa lúc đó Hưng Đạo Đại vương bước tới. Người đặt bàn tay rắn chắc lên vai Nguyễn Khoái chậm rãi giải thích.
- Chớ có động vào hắn. Hòa ước giữa Đại Việt và Nguyên Mông đã được ký rồi. Trong đó có điều khoản phải thả Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ Ngọc về.
Nguyễn Khoái nín lặng bước lên triều. Hưng Đạo vương cũng lên sau, đến chỗ Yết Kiêu đang đứng trong đám tùy tùng, gọi riêng ra, rỉ tai: Cứ như thế! Như thế!
Yết Kiêu vâng lệnh, ra lấy ngựa phi như bay về hướng Vân Đồn.
Hôm sau Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ Ngọc được trao trả cho sứ giả nhà Nguyên. Cả hai được đưa xuống một chiếc thuyền rất gọn nhẹ nhưng chắc chắn. Gần như mới đóng. Rượu, thịt, thức ăn, nước uống được chất lên ê hề. Sử giả chứng kiến và ký vào biên bản.
Thuyền rời bến, Ô Mã Nhi nhoẻn miệng cười, hẹn gặp lại Thăng Long.
Ba ngày sau, một chuyến xe bốn ngựa hộc tốc phóng từ vùng biển Vân Đồn về. Trên xe chở xác Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ Ngọc.
Theo lời giải thích của viên giám mã đánh xe:
- Ô Mã Nhi say rượu, đòi vớt trăng dưới đáy vịnh! Rồi vật nhau với Tích Lệ Cơ Ngọc khiến thuyền bị lật và cả hai cùng chết đuối. May mà quân lính ở Vân Đồn phát hiện kịp thời nên còn vớt được xác.
Sứ giả nhà Nguyên cạy đắng nhìn xác hai danh tướng lừng lẫy một thời từ Á sang Âu, rồi lại từ Âu về Á. Biết bị chơi khăm, nhưng không có tang chứng đành “ngậm bồ hòn” làm ngọt.
Hưng Đạo Đại vương sai lính làm hai cỗ áo quan bằng gỗ trầm hương, đặt hai cái xác được tẩm nước thơm cẩn thận. Chỉ đậy sơ nắp quan tài rồi giao cho sứ Nguyên, chở bằng xe ngựa theo đường bộ Chi Lăng - Lạng Sơn…
Chim Ưng Và Chàng Đan Sọt Chim Ưng Và Chàng Đan Sọt - Bùi Việt Sỹ Chim Ưng Và Chàng Đan Sọt