Trong mỗi khó khăn, thất bại, và cả những nỗi khổ tâm đều chứa đựng mầm mống của thành quả tốt đẹp hoặc hơn thế nữa.

Napoleon Hill

 
 
 
 
 
Tác giả: Bùi Việt Sỹ
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 18
Cập nhật: 2020-10-08 21:15:23 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10
ăm mươi vạn quân Nguyên đóng trại suốt từ Quế Sơn qua Từ Sơn (Bắc Ninh) xuống Yên Viên, Gia Lâm và Thăng Long. Hưng Đạo vương để Minh Hiếu vương Trần Quốc Uẩn và Hưng Trí vương Trần Quốc Hiện cùng mười vạn quân ở lại đại bản doanh Vạn Kiếp chống với mười lăm vạn quân của A Bát Xích, Tích Lệ Cơ Ngọc và Phàn Tiếp ở Quế Sơn. Gần hai mươi vạn quân còn lại Người rút về mạn bắc sông Cái, đối diện với Thăng Long cùng năm vạn quân của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật và năm vạn quân của Đô tướng Nguyễn Khoái chống với ba lăm vạn quân của Thoát Hoan ở kinh thành Thăng Long và vùng phụ cận.
Thoát Hoan sai Ô Mã Nhi, Trương Hiển, A Lạt, A Lý Hải Nha cùng bọn Lý Hằng, Lý Quán dùng thuyền lớn ghép lại thành cầu phao vượt sông Cái sang đánh nhau với quân Trần. Nhiều trận chiến ác liệt đã diễn ra. Mùa đông nước sông Cái cạn, quân Nguyên bắn tên xuống nước. Chỗ nào tên không nổi lên thì biết là chỗ ấy cạn thúc ngựa vượt qua. Phạm Ngũ Lão, Trần Quốc Tảng, Trần Quốc Nghiễn phải căng sức ra chống đỡ với quân giặc.
Có lần Ô Mã Nhi đã ghép thuyền gần vượt được sông thì Nguyễn Khoái từ phía bắc thả thuyền xuôi xuống. Hai bên đánh nhau hết sức dữ dội. Ô Mã Nhi đấu với Nguyễn Khoái hơn năm mươi hiệp mà không đánh đổ được gã mặt đen, râu quai nón, mắt nhỏ, cằm bạnh, người tròn to như một gốc lim cổ thụ. Ô Mã Nhi vừa đánh vừa nghĩ thầm: “Tưởng là Đại Việt chỉ có một tên Phạm Ngũ Lão, giờ lại nẩy nòi ra thằng này. càng thêm khó gặm…”. Vừa nghĩ tới đó thì có tiếng Phạm Ngũ Lão gọi to:
- Hiền huynh Nguyễn Khoái! Có Ngũ Lão đến trợ chiến đây!
Ô Mã Nhi cả sợ nếu bị hai tướng Đại Việt giáp công hai mặt nên vội rút về. Nguyễn Khoái đánh cắt đôi đoàn thuyền của Ô Mã Nhi, quân Nguyên phần bị giết phần bị ngã xuống sông lạnh, chết đuối vô kể.
Sau trận ấy hai bên gần như cắm binh cầm cự.
Nhưng những ngày đông rét mướt tưởng dài như vô tận. Ngựa không có thóc đã đành, cỏ khô cũng thiếu. Còn khẩu phần cho lính cũng rút đi một nửa. Nhiều đêm đi tuần Ngũ Lão thấy lính đốt lửa sưởi, lại ngửi thấy mùi khét. Hóa ra đói quá, binh lính phải lấy lại da ngựa, da trâu đã thuộc khô nướng ăn. Ngũ Lão cũng sà xuống. Hơ đôi bàn tay lạnh cứng trên bếp lửa. Binh lính cắt cho chàng một miếng da bằng bàn tay. Ngũ Lão đưa lên miệng thấy chan chát và dai ngoách vô cùng. Nhưng nhai kỹ cũng thấy đường được. Hai hàm răng phải cố nghiền cho miếng da khô mềm ra rồi mới dám nuốt xuống dạ dày trống không. Hai gò má nhô cao khiến cho hai má hóp lại. Chỉ có đôi mắt to dưới đôi lông mày lưỡi mác của chàng là vẫn bừng lên ánh sáng kiên nghị. Đói, rét… khổ sở trăm bề, nhưng Ngũ Lão luôn giữ tác phong nghiêm chỉnh, lúc nào cũng ăn vận võ phục gọn gàng. Lính dưới quyền Ngũ Lão cũng một mực giữ quy củ như thế. Bất kể sáng, trưa, chiều tối hay đêm khuya, chỗ nào giặc đánh sang mà quân Đại Việt có phần núng là Ngũ Lão cùng đoàn quân của chàng có mặt. Thấy bóng chàng là bọn giặc hò nhau rút chạy.
Trong khi đó thì ba ngàn hàng binh Tống vẫn án binh bất động, chỉ luyện tập ở trong trại. Xuất ăn vẫn như bình thường. Quân phục sạch sẽ tinh tươm, sắc mặt rất “trơn lông, đỏ da”. Tướng Triệu Trung thì sốt ruột vô cùng, luôn vào bẩm với Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật cho xuất trận.
Lần nào Vương cũng quát:
- Quốc công Tiết chế dặn rồi: “Nuôi lính ba năm dụng một giờ” hãy về mà sơn sửa thuyền bè cho bóng đẹp. May cờ hiệu nước Tống cho tinh tươm. Hễ còn đòi ra đánh nữa là… chém!
Tống tướng Triệu Trung ôm đầu lủi thủi ra về, không hiểu cơ sự ra làm sao?
Ô Mã Nhi bàn với Thoát Hoan:
- Không ngờ quân Đại Việt mạnh mẽ và ngoan cường thế! Thế trận cứ giằng co mãi thế này… rất bất lợi cho quân ta. Bởi đường vận lương luôn bị cướp phá. Tuyến từ Lạng Sơn xuống cũng rất khó khăn. Mười phần chỉ còn được hai ba. Đi đường biển cũng bị chặn cướp rất rát. Mười thuyền cũng chỉ trót lọt như vậy. Quân lính đói đã bắt đầu giết ngựa để ăn thịt rồi!
Thoát Hoan bảo:
- Ta cũng đã tính nát nước rồi… mà chưa có cách nào phá được quân Đại Việt. Thôi thì đành đợi sang hè. Ta đã hẹn trước với Toa Đô rồi… Hè Toa Đô sẽ đánh từ Chiêm Thành ra. Trước tiên chiếm châu Ái, châu Hoan… Rồi ngược sông Cái ra… Hội quân ở Thăng Long. Đến lúc ấy mới đủ sức đánh bại quân Đại Việt.
Ô Mã Nhi dạ, lui ra. Quay về lều vui đùa, hú hí với lũ “đầm non” Tiểu Nga-la-tư (tức Ukraina bây giờ), Ô Mã Nhi không thích ở trong cung điện. Chỉ thích ở trong lều trại bằng da dê. Phía dưới trải lông cừu. Vừa ấm áp, vừa khô ráo tránh được cái lạnh và nhất là sự ẩm ướt rất khó chịu của cảnh mưa dầm, gió Bấc. Nhiều tối Ô Mã Nhi đem đám “đầm non” lên Hồ Tây. Vào quán gió, uống rượu chân sâm cầm, ăn món cá chép om dưa hoặc ba ba nấu với thịt ba chỉ, chuối xanh và đậu phụ. Mấy cô đầm Tiểu Nga thì thích món bún ốc với nước chấm vừa cay, vừa chua lại vừa ngòn ngọt. Ăn uống no say, Ô Mã Nhi chỉ đánh một chiếc khố nằm lăn ra sàn, xung quanh là các cô đầm mặc váy ngắn đến bẹn, như lũ lợn bột rúc vào nách chú “lợn sề” bụng to đùng, trắng ởn của Ô Mã Nhi. Chưa hết, có lúc hứng lên, Ô Mã Nhi còn ôm cây đàn hình tam giác, chuôi khá dài, gần giống với chiếc đàn đáy của Đại Việt - theo tiếng Nga-la-tư gốc là đàn Balalaica, tấu lên một vài bản nhạc dân gian rất rộn rã. Những lúc đó, những cô gái Tiểu Nga, như các tiên nữ giáng trần, hai má đỏ như hai trái táo Tây chín. Mắt xanh, da trắng, tóc vàng với cặp đùi dài, non tơ hấp dẫn như một cây giò lụa cùng vỗ tay nhẩy múa những điệu rất vui nhộn. Không bao giờ Ô Mã Nhi ngủ ngoài lều. Khoảng canh hai, khi đã “ăn no, rượu say” Ô Mã Nhi đem lũ “đầm non” trở về lều căng bằng da dê, dưới có trải lông cừu bắt đầu hành lạc cho đến tận gần giờ Ngọ hôm sau…
Cả quân Nguyên Mông lẫn tướng sĩ nhà Trần đều đỏ mắt trông cho mùa đông chóng qua, mùa hè chóng tới. Còn thời gian thì dù ai đó có mong hay ai đó không đợi thì nó vẫn cứ trôi. Và tháng tư những tia nắng hoe vàng đầu tiên đã hé rạng. Rồi tháng năm trời nóng như đổ lửa đã ập xuống. Như lời hẹn trước lúc xuất mười lăm vạn quân với một ngàn chiến thuyền vượt biển vào đánh Chiêm Thành năm 1282, ba năm sau dù chiếm được Chiêm hay không thì Toa Đô cũng sẽ đem binh ngược ra Bắc, hội với Thoát Hoan ở kinh thành Thăng Long thành hai gọng kìm nguy hiểm kẹp quân Trần vào giữa mà Trần Hưng Đạo gọi là hai chiếc càng của con cua khổng lồ đã thành tinh. Và thời khắc đó đã đến.
Cuối tháng tư, đầu tháng Năm năm 1285, đại quân của Toa Đô đánh vào Ái châu. Chương Hiến hầu Trần Kiện là con của Tĩnh Quốc vương Trần Quốc Khang, một phần biết sức yếu, thế cô không thể chống lại được, phần nữa bất mãn với chính sách chống Nguyên của nhà Trần nên đã đem ba vạn quân hàng giặc. Rồi dẫn đường cho Toa Đô đánh Trần Quang Khải. Toa Đô cùng hàm nguyên soái với Ô Mã Nhi, nhưng tính cách thì khác hẳn. Toa Đô tính tình điềm tĩnh, ít nói mà thay vào đó là hành động. Lúc lâm trận, đầu đội mũ sư tử, giáp trụ đàng hoàng (chứ không ăn mặc tuềnh toàng và lắm lời như Ô Mã Nhi), tay phải cầm một quả trùy gai lớn, có dây xích sắt nối vào cổ tay. Với sức khỏe kinh hồn và võ nghệ vào loại thượng thặng không kém gì Ô Mã Nhi, mỗi khi quả trùy tung vào đâu là ở đó có người vỡ sọ, dập thây. Hai vua Trần cùng Trần Quang Khải, đem mười vạn quân, dàn trận đón đánh Toa Đô ở ngoại thành Ái Châu. Nhưng với sức Toa Đô quá mạnh, cộng với sự dẫn đường của Trần Kiện, hai vua Trần cùng Trần Quang Khải bị thua, phải lui binh để bảo toàn lực lượng. Trong vòng nửa tháng chiếm luôn được cả thành Hoan Châu, tạo thành thanh thế rất lớn. Nhưng mục đích của Toa Đô không phải là chiếm vùng Hoan Ái mà cái chính là ra hội quân với Thoát Hoan.
Mười lăm vạn quân Nguyên Mông cùng một ngàn chiến thuyền lớn vượt biển kéo vào cửa Đại Hoàng (cửa sông Hồng) nhằm hướng kinh đô thẳng tiến. Thoát Hoan hay tin cử Ô Mã Nhi đem theo thuyền nhẹ cùng tham quân kiêm hướng đạo Phạm Nhan đi đón Toa Đô. Do hành tung bí mật, bất ngờ của Ô Mã Nhi dễ dàng chọc thủng phòng tuyến của quân Trần, gặp được Toa Đô ở cửa sông Cái.
Lúc này theo kế sách đã được định trước hai vua Trần cùng Trần Quang Khải đánh tập hậu vào đoàn chiến thuyền của Toa Đô gây cho giặc khá nhiều tổn thất. Toa Đô nhờ Ô Mã Nhi đánh chặn hậu, còn mình tự lĩnh ấn tiên phong tiến lên phía trước. Đến cửa Hàm Tử đại quân Trần bắt đầu xuất trận. Đầu tiên là Đô tướng Thủy quân Nguyễn Khoái, đem năm vạn quân chặn đánh quyết liệt. Tiếp đến là quân của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật. Đêm đêm các thổ hào ở hai bên bờ sông cũng liên tiếp tập kích. Đặc biệt Yết Kiêu với đội “người nhái” cảm tử, mỗi ngày đánh đắm từ bốn mươi đến năm mươi chiến thuyền, khiến cho quân giặc vô cùng khiếp hãi. Cách đánh của Yết Kiêu hết sức độc đáo là khoét lỗ dưới đáy thuyền rồi bịt giẻ có nối với một sợi dây. Khi khoét mỗi thuyền được khoảng chín mười lỗ thì giật dây. Nước từ các lỗ ào vào, chỉ trong khoảnh khắc, thuyền bị đánh chìm. Đòn hiểm này đánh vào các thuyền chở lương thảo hoặc chở ngựa khiến cả Toa Đô lẫn Ô Mã Nhi đều vô cùng tức giận và sợ hãi. Một lần chúng dùng lưới đánh cá bắt được Yết Kiêu. Đưa lên thuyền Ô Mã Nhi hỏi:
- Chúng bay có bao nhiêu người tài giỏi như ngươi.
- Độ ba bốn chục - Yết Kiêu đáp. - Song họ đều là người nhà của tôi. Nếu nguyên soái muốn chiêu dụ chỉ cần cấp cho mỗi người vài cân vàng là dụ được.
Ô Mã Nhi đang gật gù tính toán, nhân lúc có sơ hở, Yết Kiêu tung mình như một chú cá quẫy (mặc dù chân tay đang bị trói) lặn xuống sông mất tăm. Ô Mã Nhi sai cung thủ bắn tên xuống, nhưng như “tăm cá” Yết Kiêu đã mất dạng. Và đêm đó bốn chục chiến thuyền lại bị đánh chìm.
Hoang mang về tinh thần, thiệt hại về vật chất (chiến thuyền) nhưng cuối cùng đoàn quân của Toa Đô cũng đã tiến tới được bến Chương Dương, trước kinh thành Thăng Long, xuôi về phía nam chừng năm dặm. Tại đây kế hoạch chặt đứt “càng cua” khổng lồ Toa Đô của Hưng Đạo vương đã diễn ra bằng một trận ác chiến phối hợp nhịp nhàng giữa thủy quân và lục quân.
Đầu tiên là đoàn chiến thuyền với năm vạn quân của Trần Nhật Duật. Ở phía bên trái có ba ngàn binh Tống do Triệu Trung, tay cầm trùy lớn, dựng cờ Tống lớn dẫn đầu. Các binh sĩ Tống người nào cũng tề chỉnh trong bộ quân phục Tống mới tinh, cờ xí Tống bay phần phật. Người người đều béo tốt, “trơn lông, đỏ da” một tay cầm gươm hoặc cầm giáo, tay kia thì cầm loa.
Và cuộc chiến của các chiến binh Tống bắt đầu bằng các tiếng loa đĩnh đạc, đàng hoàng:
- Hỡi các binh sĩ người Hoa, người Liêu, người Hạ, người Mãn, người Kim… Đất nước Trung Quốc đã được giải phóng… Triều Tống đã được lập lại… Vua Tống sai Triệu Trung và chúng tôi đến đón anh em đây! Hỡi anh em. Hãy quay gươm, giáo lại! Đừng làm tôi tớ cho bọn giặc Hồ hung ác… Hãy cùng sát cánh với quân nhà Trần tìm diệt lũ sài lang Nguyên Mông.
Trong hàng ngũ quân Toa Đô có sự xôn xao. Trong số mười lăm vạn quân thì có tới năm vạn là hàng binh Tống. Họ theo Toa Đô chinh chiến đã ba năm. Không hay biết gì về tình hình của nước nhà. Nay trước những tiếng loa kêu gọi thống thiết như vậy, từ lúc đầu còn hoài nghi… cuối cùng họ tin là thật.
Toa Đô tức giận sai quân tập trung cung bắn vào đoàn chiến thuyền quân Tống. Hàng vạn mũi tên bay sang như châu chấu. Nhưng những tấm mộc đã được dựng lên ở trước cả các mái thuyền. Và tiếng loa vẫn cứ phát ra mỗi lúc một thống thiết…
Mặc cho đội thuyền đang có sự lộn xộn, Toa Đô vẫn thúc “súy thuyền” tiến lên. Trần Nhật Duật nói với Triệu Trung:
- Người ra đấu với Toa Đô vài chục hiệp xem sao?
Triệu Trung vâng lệnh thúc thuyền tiến lên. Rồi từ mũi thuyền quân Tống, Triệu Trung nhảy vọt sang “súy thuyền” của Toa Đô. Hai quả chùy, một gai, một trơn được tung ra. Nhưng những đòn đánh của Toa Đô thật là chát chúa. Triệu Trung chỉ lo chống đỡ đã toát mồ hôi, chứ không đánh trả được đòn nào. Mới được hơn mười hiệp đã loạng choạng ngã xuống thuyền mình để “lính Tống” chèo lui.
Giữa lúc đó có một đoàn thuyền xông đến. Chiếc đi đầu cắm một cây cờ lớn thêu sáu chữ vàng “Phá cường địch báo hoàng ân” Trần Nhật Duật nhận ra tướng trẻ tuổi chừng mười sáu, mười bẩy chính là Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản, cậu thiếu niên đã bóp nát quả cam ở Hội nghị Bình Than năm nào. Do bực tức không được hai vua Trần mời vào dự họp. Trần Quốc Toản đã về nhà, bán hết gia sản, tập trung các thiếu niên cùng trang lứa được hơn một ngàn người, nhờ thầy huấn luyện cung, thương, đao, kiếm. Chính đoàn quân thiếu niên do Trần Quốc Toản cầm đầu cũng đã tham chiến, đeo bám và đón đánh đoàn chiến thuyền của Toa Đô suốt từ của Hàm Tử (phía trên Thiên Trường, dưới huyện Khoái Châu, Hưng Yên hiện nay) về đến đây.
Hai thuyền chạm nhau, Trần Quốc Toản vung kiếm nhằm thẳng đầu Toa Đô bổ tới. Đang mải thúc quân sĩ, Toa Đô quay lại, vung cây chùy gai lên đỡ. Thanh gươm của Trần Quốc Toản cong lại. Còn tấm thân của cậu thiếu niên chưa đến tuổi trưởng thành văng ra một trượng. Toa Đô tung xích, cây chùy gai nhằm thẳng vào Trần Quốc Toản đập xuống. Nhanh như cắt người bõ già, cũng là thầy dạy võ của Trần Quốc Toản vội lao xuống, đưa tấm lưng hứng lấy quả chùy của Toa Đô. Tấm lưng của người nát vụn ra. Tranh thủ Trần Quốc Toản xoay mấy vòng rơi xuống thuyền của mình. Nhưng chàng thiếu niên vẫn không chịu bỏ cuộc. Chàng hô các “dũng sĩ” trẻ bỏ gươm, giáo lấy cung nhất tề nhằm vào Toa Đô nhả tên. Nhưng đối với viên hổ tướng từng “Nam chinh Bắc chiến” thì những mũi tên đó chỉ là “lũ châu chấu đá voi”. Chiếc chùy gai trong tay hắn huơ lên, tên rơi lả tả xuống mặt thuyền. Một vài dũng sĩ của Đại Việt xông lên, cùng lúc vung gươm, đao, lăn xả vào hắn chém tới tấp. Song chỉ loáng một cái, tất cả đã tan thây dưới cây chùy “quỷ sứ” của hắn. Và chiếc “súy thuyền” của hắn vẫn phăm phăm đè sóng, đè lên các thuyền nhỏ của Đại Việt tiến lên. Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật thấy thế thì vô cùng sốt ruột. Người hô lớn:
- Nguyễn Khoái đâu! Để ta đốc chiến cho. Ngươi hãy nhảy lên kiềm chế bớt sự hung tợn của Toa Đô lại.
Nguyễn Khoái vâng lời, nhẩy từ chiến thuyền Đại Việt này sang chiến thuyền Đại Việt khác, rồi nhảy phắt lên “súy thuyền” của Toa Đô. Vốn sải tay đã dài, lại nối thêm một đoạn xích nên cây chùy của Toa Đô lúc đầu khiến Nguyễn Khoái khá lúng túng. Lừa lúc cây chùy vừa quăng vụt ra xa, Nguyễn Khoái sấn lại gần, lia đao nhằm ngang người Toa Đô phạt tới. Nhanh nhẹn đến không ngờ, Toa Đô đã thu xích lại, tung quả chùy ra đón đỡ. Thế là hai bên xoắn lấy nhau. Tiếng chùy tiếng đao vang lên chan chát, nhiều lúc tóe lửa. Đánh được gần năm chục hiệp mà không bên nào hạ được bên nào. Nguyễn Khoái càng đánh càng hăng khiến Toa Đô vô cùng sốt ruột.
Lợi dụng thời cơ đó các chiến thuyền quân Tống hòa vào các chiến thuyền Nguyên Mông. Tiếng gọi người thân, tiếng gọi đồng hương vang dậy cả một khúc sông. Năm vạn lính Hoa nằm trong đội quân mười lăm vạn của Toa Đô dường như đã buông gươm, quăng giáo. Một số đã quay lại kịch chiến với lính Mông Cổ.
Còn Trần Nhật Duật thì cũng nhân thời cơ đó đốc chiến rất hiệu quả. Các chiến thuyền của Đại Việt như đã hòa vào đoàn chiến thuyền khổng lồ của Nguyên Mông.
Trấn Nam vương Thoát Hoan mỏi mắt trông chờ đoàn thuyền của Toa Đô thì bây giờ, đứng trên tòa địch lâu của kinh thành Thăng Long, thấy trong quân đã có biến, và cả đoàn thuyền khổng lồ mỗi lúc một bị chia cắt nhỏ ra bèn tung quân ra ứng cứu. Năm vạn kỵ binh Mông Cổ mở tung cửa thành phía nam ào ạt tiến ra. Đoàn kỵ binh như một cơn lốc cuốn tiếp cận được các chiến thuyền của Toa Đô, chắc chắn sẽ thổi bay các chiến thuyển nhỏ bé của Đại Việt. Nhưng tất cả đã nằm trong sự tính toán chính xác đến từng ly, từng tí của Hưng Đạo vương. Khi năm vạn kỵ binh Mông Cổ vừa ra khỏi thành thì phía đông năm vạn quân của Trần Quốc Nghiễn từ trận địa mai phục phía ngoài đê áp vào. Phía nam năm vạn quân của Trần Quốc Tảng cũng áp tới. Mười vạn quân của hai vị vương không công thành mà chỉ tạo một chiếc nút, nút chặt hai cổng Đông và Nam để Thoát Hoan có muốn phái quân ra tăng viện cũng không có đường… Trong khi đó, năm vạn quân của Phạm Ngũ Lão đào hào chờ sẵn. Khi năm vạn kỵ binh Mông Cổ đang ào ạt xông ra, lọt vào trận địa đã được bí mật từ các chiến hào và hố cá nhân thò lên, những chiếc câu liêm sắc lẹm giật đứt chân các vó ngựa Mông Cổ. Hàng ngàn rồi hàng vạn kỵ sĩ bị ngã ngựa, lộn cổ xuống đất. Nhiều tên bị xác ngựa đè lên không thể rút chân đứng lên được. Tiếng ngựa hí vang động cả một góc trời. Khi các kỵ sĩ Mông Cổ đã đồng loạt ngã ngựa thì năm vạn đại quân Việt như ở dưới đất độn thổ lên. Lúc này những thanh câu liêm thương dài đã được thay bằng đoản đao và kiếm. Các kỵ sĩ Mông Cổ khi còn trên lưng ngựa thì quả thực là các chiến binh vô địch trong thời đại đó. Chả thế mà họ tiến từ Á sang Âu, xuống cả vùng Trung Cận Đông và lại lộn trở về Á. Đến đâu cũng như là tiến vào chỗ không người. Nhưng khi họ đã bị quật xuống mặt đất thì lại hoàn toàn ngược lại. Các chiến binh Mông Cổ to béo trở thành những “bị thịt” dưới mũi kiếm, nhát đao của các chiến binh Đại Việt.
Tiếng ngựa hí đau đớn, tiếng hô “Sát Thát” vang động cả một góc trời. Trấn Nam vương Thoát Hoan cay đắng chứng kiến tận mắt đoàn quân con cưng của mình bị “xả thây” mà đành bất lực. Còn Toa Đô mặc dù đang bị Nguyễn Khoái xoắn lấy đánh, không dời ra nửa bước, nhưng là viên tướng dày dạn trận mạc mấy chục năm, thì nghe tiếng hô, tiếng kêu và đảo mắt nhìn vào phía bờ sông là đã hiểu ra tất cả. Toa Đô không dám ham đánh nữa. Hắn vung bậy một chùy rồi nhảy vào trong thuyền. Sai lính dắt ra con ngựa “hoàng long câu” phi dưới nước như phi trên đất bằng. Bỏ mặc hơn chục vạn quân, nhảy lên lưng ngựa, tung chùy ra tứ phía mở đường phi sang bờ sông bên kia, dự tính tìm đường về Quế Sơn.
Lúc này năm vạn quân của Phạm Ngũ Lão, sau khi đã diệt gọn năm vạn kỵ binh Mông Cổ thì thét vang hai tiếng “Sát Thát” ùa cả lên thuyền. Nguyễn Khoái chặn Phạm Ngũ Lão lại và nói lớn:
- Toa Đô chạy rồi! Để ta hỗ trợ cho đệ, để đệ vững tâm bắn Toa Đô! Đừng để hắn chạy thoát.
Nguyễn Khoái vừa chỉ tay cho Phạm Ngũ Lão hướng Toa Đô đang chạy, rồi vung đao tạo thành vòng tròn an toàn cho Phạm Ngũ Lão, để Ngũ Lão “chỉ việc chú tâm” vào việc tiêu diệt Toa Đô. Ngũ Lão tháo cung ở bên sườn, thò tay rút tên ở trên lưng, kéo hết dây. Con ngựa chở Toa Đô trên lưng lúc chồi lên, lúc sụp xuống. Ngũ Lão vẫn kiên trì đứng choãi chân, căng hết cung mà chưa buông dây. Hàng trăm con mắt đổ dồn vào đường tên của Ngũ Lão. Thân hình cao lớn của Toa Đô vẫn nhịp nhàng chồi lên, sụp xuống. Khoảng cách đã xa tới gần ba trăm bước chân. Ngũ Lão vẫn tập trung tinh lực, chờ tới lúc vó ngựa của Toa Đô đặt bước đầu tiến lên bờ sông. Toàn bộ cái gáy của hắn lồ lộ hiện ra gần như bất động. Ngũ Lão thả dây cung. Mũi tên xé gió lao đi vun vút. Chưa đến một chớp mắt thì đã cắm xuyên qua gáy tên tướng giặc hung hãn vào loại bậc nhất thời bấy giờ. Mọi người đều tưởng hắn đã bật ngửa trở lại, ngã tòm xuống sông. Nhưng không! Hắn vẫn thúc ngựa phi lên mặt đê, đem theo cả mũi tên cắm xuyên qua gáy và mất hút dần sau chân đê.
Trần Nhật Duật kinh hoàng trước sức chịu đựng phi thường của hắn. Người bèn sai hơn chục tên lính bên cạnh lấy ngựa khỏe, dắt lên bờ phi đuổi theo. Toa Đô đeo cả mũi tên xuyên qua gáy phi ngựa, cách bến Chương Dương hơn ba chục dặm mới ngã lăn ra chết. Lính Đại Việt theo vết chân ngựa đuổi theo, bèn chặt lấy đầu Toa Đô đem về. Còn con ngựa quý của hắn thì không tài nào bắt nổi phải phóng giáo giết chết.
Trở lại bến Chương Dương lúc này, năm vạn binh Tống trong đội quân Toa Đô đã bó giáo quy hàng. Còn lại mười vạn tên đang bị chia cắt thành từng nhóm, trước vòng vây ngày một thít chặt của quân Đại Việt, Ô Mã Nhi ở đoạn hậu thấy tình thế nguy cấp, liền nhảy lên một chiếc thuyền của Đại Việt. Hắn lia đao một vòng, hai chục lính Đại Việt đều chết lăn trên thuyền hoặc rơi tòm xuống sông. Rồi vớ lấy mái chèo hai cánh tay vâm váp như hai cột đình, khua mái chèo xuôi dòng sông Cái, hướng ra biển. Khi Phạm ngũ Lão và Nguyễn Khoái xuống tới nơi, thì thấy chiếc thuyền chở hắn chỉ nhỏ bằng quả bưởi. Nguyễn Khoái nói:
- Có đuổi theo cũng không kịp. Thôi để hắn làm mồi cho cá biển cũng được.
Phạm Ngũ Lão dè dặt hơn:
- Cái thằng quỷ này chưa biết thế nào? Trên đường trốn chạy, hắn sẽ cướp thuyền buôn, hoặc thuyền đánh cá, để lấy lương thực, nước uống chèo thuyền về Ung Châu hoặc Liên Châu…
Lời tiên đoán của Phạm Ngũ Lão quả nhiên là đúng. Một mình trên con thuyền nhỏ nhoi không lương thực không nước uống. Ấy vậy mà qua ba ngày, ba đêm liên tục hắn đã cho thuyền cặp bến ở thành Ung Châu. Bỏ mái chèo, bước lên bờ, vươn vai cười sảng khoái, trước sự kinh hoàng của binh lính Nguyên Mông, như ma như quỷ hiện hình về…
Thoát Hoan cay đắng nhìn đoàn chiến thuyền hùng hậu với mười lăm vạn quân cùng hai hổ tướng bị quân Đại Việt đánh tan ngay trước mặt. Toa Đô thì bị bắn chết. Còn Ô Mã Nhi thì chưa biết thế nào? Mười vạn quân của Trần Quốc Nghiễn và Trần Quốc Tảng ở hai cửa Đông và Nam vẫn chỉ vây chặt, chứ không công thành.
Ruột gan rối bời, cái điều mà hắn chờ đợi và hy vọng gần suốt một mùa đông dài, cuối cùng lại có kết cục thê thảm ngay trước mặt. Từ tòa địch lâu, Thoát Hoan bước vào hoàng cung ra lệnh cho bọn A Lý, A Lạt Hải Nha, Lý Hằng, Lý Quán… chuẩn bị mở cửa Bắc, vượt sông chạy về Từ Sơn (Bắc Ninh). Đóng trại liên hoàn với Quế Sơn chờ viện binh từ phương Bắc xuống.
Yết Kiêu bắt sống được tên Hán gian Phạm Nhan, giải tới trước mặt Hưng Đạo vương. Hắn hoa chân múa tay nói:
- Ngộ có ba đầu. Chém đầu này mọc đầu khác.
Hưng Đạo vương quát lôi ra chém. Một lát sau quân lính xách ba chiếc đầu như đầu búp bê vào. Hưng Đạo vương và Phạm Ngũ Lão thấy lạ cùng bước ra. Ngũ Lão cười bảo:
- Chẳng qua là người học được phép “độn đầu” chứ làm quái gì có phép nào! Để ta chẻ đôi người ngươi ra, xem ngươi có thoát chết được không?
Ngũ Lão vừa tuốt gươm thì Phạm Nhan đã van xin rối rít.
- Ngộ biết ngộ vạn lần đáng chết! Nhưng sau khi ngộ chết rồi, xin Quốc công Tiết chế sai lính thắp cho ngộ một nén hương và chút lễ vật gì để xuống âm phủ không phải làm ma đói.
Hưng Đạo vương vốn căm ghét tên Hán gian này cực độ. Người phóng giầy đá thẳng vào ngực hắn và quát lớn:
- Cúng! Cúng cho ngươi váy máu… đàn bà…
Cùng lúc lưỡi gươm của Phạm Ngũ Lão chém xuống, xả thân hình cổ quái ra làm hai mảnh.
Về sau trong lúc vui vẻ, cao hứng, Phạm Ngũ Lão đã bộc bạch với Hưng Đạo vương:
- Sao lúc ấy cha… chua ngoa thế!
Hưng Đạo Vương cười ha hả mà rằng:
- Mọi người tin ta là Thánh. Đức Thánh Trần. Nhưng thực ra ta cũng chỉ là một con người bình thường thôi.
Hưng Đạo vương rước hai vua Trần trở lại Thăng Long, đúng như lời hứa vào giữa mùa hè 1285. Vua Trần Nhân Tông thiết triều. Bọn hữu ti (lính hầu bên cạnh nhà vua) khênh ra một hòm gỗ. Nhiều vị quan tái mặt. Vua Trần Nhân Tông phán:
- Những lũ phản quốc đã bị trị tội và sẽ bị trị tội. Còn trong chiếc hòm này có nhiều biểu xin hàng của các quan trong lúc nước nhà nguy nan. Thật có, giả có. Để mọi người an tâm phụng sự Đại Việt, Trẫm sai đốt ngay tại sân rồng.
Hữu ti lại đem thủ cấp của Toa Đô dâng lên Vua Trần Nhân Tông, vua rơm rớm nước mắt, cởi áo ngự đang mặc bọc lấy đầu Toa Đô mà nói rằng:
- Kẻ làm tôi phải như thế này.
Ý nói tới sự tận tụy phục vụ Hốt Tất Liệt của Toa Đô để các quan lấy thế mà noi theo. Rồi sai người đem chôn tại phía nam kinh thành.
- Ai là người đã bắn chết Toa Đô? - Vua hỏi.
Phó đô tướng Đỗ Hành quyền chỉ huy quân Thánh dực tâu:
- Khởi bẩm Thánh thượng! Người đó là Phạm Ngũ Lão.
Phạm Ngũ Lão vội quỳ lạy trước sập rồng tâu:
- Muôn tâu hai Thánh thượng! Công đầu phải thuộc về Quốc công Tiết chế, người đã đem tất cả tâm lực bầy binh bố trận, dẫn Toa Đô vào cửa tử. Người thứ hai là Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật. Người thứ ba là Đô tướng Thủy quân Nguyễn Khoái. Còn thần chỉ là người cuối cùng buông dây cung thôi ạ!
Vua Trần Nhân Tông rất lấy làm ưng ý, phán:
- Bây giờ chưa phải lúc “tranh công, đổ tội”. Nhưng trẫm đều biết cả. Gần năm mươi vạn quân Nguyên Mông còn đang ở phía Bắc. Để làm nức lòng tướng sĩ trẫm tạm phong thưởng riêng cho Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Khoái chức Hổ oai tướng quân, tước hầu. Gọi tắt là Hổ hầu.
Tất cả các quan có mặt đều nhất tề hô:
- Thánh thượng thật anh minh.
Hưng Đạo vương bước ra tâu:
- Muôn tâu hai Thánh thượng! Con cua đã thành tinh Thoát Hoan đã bị chặt gẫy một càng là đạo quân của Toa Đô. Nay còn một càng nữa là Quế Sơn đã đến lúc phải chặt nốt. Lúc đó chỉ còn chiếc mai và tám cẳng xem Thoát Hoan chạy đi đâu?
- Việc này từ đầu trẫm đã giao cho Quốc công Tiết chế toàn quyền khu xử - Vua Trần Nhân Tông đáp.
- Vậy thì nay lệnh cho quân sĩ nghỉ ngơi ba ngày để lấy lại sức và chỉnh đốn quân mã.
Sai Hổ hầu Phạm Ngũ Lão đem năm vạn quân, đánh vào trại giữa do tướng Mông Cổ A Bát Xích trấn giữ. Sai Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn đem năm vạn quân đánh trại bên tả do tướng Mông Cổ Tích Lệ Cơ Ngọc trấn giữ. Sai Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng đem năm vạn quân đánh trại bên hữu do tướng Mông Cổ Phàn Tiếp trấn giữ. Sai Hổ hầu Nguyễn Khoái đem năm vạn thủy quân từ Lục Đầu giang đổ bộ lên, đánh tập hậu vào ba trại trên để tạo thế gọng kìm và gây thanh thế cho ba đạo quân phía trước.
Tất cả các tướng sĩ còn lại chuẩn bị, sau khi chiếc càng cua Quế Sơn bị chặt đứt thì tổng công kích truy đuổi quân Thoát Hoan đến cùng. Giết hoặc bắt sống được Thoát Hoan được thì càng tốt.
Tất cả các tướng có mặt đều dạ ran.
- Ta lấy thế nhân thay cường bạo. - Vua Trần Nhân Tông nói tiếp. Nay trẫm có chiếu rằng, tất cả kẻ địch khi đã bỏ giáo tháo chạy, thì không ai được truy đuổi, giết chóc hoặc bắt giữ.
- Thánh thượng thật là nhân từ. Từ cổ chí kim thật là hiếm có. - Tất cả các quan đều đồng thanh hô.
Chim Ưng Và Chàng Đan Sọt Chim Ưng Và Chàng Đan Sọt - Bùi Việt Sỹ Chim Ưng Và Chàng Đan Sọt