Trên mỗi ngọn núi đều có những lối đi mà khi đứng dưới thung lũng, bạn không thể nhìn thấy được.

James Rogers

 
 
 
 
 
Tác giả: Bùi Việt Sỹ
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 18
Cập nhật: 2020-10-08 21:15:23 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9
ại nói mặc dù đã có sự chuẩn bị trước, nhưng vua tôi nhà Trần không thể ngờ được quân Nguyên Mông lại tiến nhanh đến vậy. Chưa đầy một ngày hơn mười vạn quân tiên phong của Nguyên soái Ô Mã Nhi đã từ ải Nội Bàng tràn xuống đến Gia Lâm, đóng trại và dựng một lá cờ lớn. Hai mươi vạn quân của Thái tử Thoát Hoan tiến theo đóng ở vùng Yên Viên. Mười lăm vạn quân còn lại động ở Quế Sơn gần cửa Lục Đầu giang, để đón hàng tiếp tế thủy bộ đều rất tiện.
Tình hình vô cùng nguy cấp. Chập tối vua Trần Nhân Tông muốn sai người sang trại giặc để dò tin tức mà chưa biết chọn ai. Chi hậu cục thủ là Đỗ Khắc Chung bước ra tâu:
- Thần là kẻ ti tiện không có tài gì xin đi!
Vua mừng lắm nói:
- Biết đâu trong đám ngựa kéo xe muối lại có ngựa kỳ ngựa ký.
Rồi bèn sai Đỗ Khắc Chung đem thư đến trại Ô Mã Nhi xin giảng hòa. Ô Mã Nhi hỏi như trách mắng:
- Vua nước ngươi vô lễ, sai người thích chữ “SÁT THÁT”, khinh nhờn quân thiên triều, lỗi ấy to lắm. Lại sai tên nhà quê Phạm Ngũ Lão đón đánh quân ta ở ải Chi Lăng. Cái thằng nhà quê ấy đã bắn rách tai ngựa quý của ta. Cái tội ấy là to lắm.
Đỗ Khắc Chung lựa lời mềm dẻo nhưng cứng cỏi đáp:
- Chó trong nhà cắn người lạ vì không phải là chủ nó. Do lòng trung thành tức giận họ tự thích chữ SÁT THÁT. Quốc vương tôi có biết đâu. Tôi là người hầu gần, sao việc ấy lại không có! - Rồi giơ cánh tay vạch áo cho Ô Mã Nhi xem.
Ô Mã Nhi giận dữ nói:
- Đại quân ta ở xa đến đây, nước ngươi sao không trở ngược giáo, đến ra mắt, mà lại dàn quân chống cự lại. Càng con bọ ngựa chống lại bánh xe, rồi sẽ ra sao?
Đỗ Khắc Chung bình tĩnh đáp:
- Hiền tướng không theo kế sách của Hàn Tín bình nước Triệu ngày xưa, đóng quân ở đầu địa giới, đưa thư đến trước, nếu không chịu hòa hiếu mới là có lỗi. Nay đem quân bức nhau, tức như người ta nói: “Muông thú cùng phải đánh lại, chim cùng phải mổ lại” huống chi là người.
Ô Mã Nhi vờ dịu giọng:
- Đại quân nước ta mượn đường nước ngươi để đánh Chiêm Thành, giống như khi xưa ta và Nguyên soái Toa Đô mượn đường nước Tiểu Nga-la-tư (tức Ukraina bây giờ) để đánh Bảo-gia-lợi (tức Bungagi) và Hung-gia-lợi (tức Hunggari ngày nay). Song vua tôi xứ Tiểu Nga cũng đem binh chống lại. Kết cục là kinh đô Kiev tráng lệ với các mái nhà thờ dát vàng, cung điện dát ngọc bích đều biến thành gạch vụn cả. Bản thân từ vua đến các vương công quý tộc đều biến thành nô lệ. Đây, người hãy xem bức tranh này thì rõ. - Nói tới đây, Ô Mã Nhi sai lính hầu đưa ra mấy bức tranh vẽ trên thảm và trải rộng trước mặt Đỗ Khắc Chung. Đó là một bức tranh mầu khá đẹp - Đấy ngươi thấy chưa, từ vua đến các quý tộc đều phải lấy đầu để quân ta kê ván lên làm sàn nhảy. Còn phía trên là quân thiên triều đang khiêu vũ với các thiếu nữ Tiểu Nga khỏa thân, da trắng, mắt xanh, tóc vàng, đẹp không kém gì tiên nữ. Ngươi có muốn chiêm ngưỡng không? - Rồi không đợi Đỗ Khắc Chung có đồng ý hay không, Ô Mã Nhi vỗ tay mấy cái lập tức có bốn năm thiếu nữ vận váy ngắn đến bẹn, để lộ ra những cặp đùi trắng nõn nà, trông ngon như khúc giò lụa: - Theo ta thì sống, chống ta thì chết. Nếu vua ngươi quả thật muốn hòa thì sang đây gặp nhau thì trong nước yên ổn, không xâm phạm mảy may. Còn nếu cứ chấp nê thì trong khoảng giây phút núi sông sẽ hóa đất bằng, vua tôi sẽ thành cỏ mục. Cũng như thằng Ngũ Lão ấy ta muốn mời hắn ra nói chuyện, hắn đã thẳng cánh giương cung bắn vào tay vịn xe đẩy của ta. Thật là vô lễ. Nhưng nếu hai bên hòa hiếu, nếu hắn nhận làm tiên phong, trước đánh Chiêm Thành, sau tràn xuống Lục Chân Lạp rồi Thủy Chân Lạp rồi ngược lên nước Ai-lao, và vượt sông Mê Kông sang Xiêm La và xuống Mã Lai… Và tiến xa hơn nữa. Nói cho nó biết, nếu được như thế, một tước vương cho hắn, vua nước ta chẳng hẹp hòi gì mà không ban… Ngoài kia, gió đông bắc, mưa phùn rét lắm. Trong lều trại bằng lông cừu của ta, ngươi có thấy ấm không? - Đột ngột Ô Mã Nhi hỏi Khắc Chung, rồi lại tự trả lời - Nhưng nếu ngay phút này, Thái tử ra lệnh ta sẽ cất quân vượt sông Cái (tức sông Hồng) tiến vào Hoàng thành Thăng Long ngay!
Đỗ Khắc Chung đáp:
- Tôi sẽ xin về tâu lại với vua tôi.
Khi Đỗ Khắc Chung đi rồi, Ô Mã Nhi nói với thủ hạ:
- Người ấy đương lúc bị uy lực áp chế mà sắc mặt vẫn tự nhiên. Thậm chí còn thích thú, ngắm đùi mấy cô đầm Tiểu Nga-la-tư. Không hạ chủ nó là chính, không nịnh hót ta là Nghiêu, về văn như thế cũng coi là giỏi. Về võ có Phạm Ngũ Lão. Đại Việt có những người như thế chưa dễ lấy được - Rồi sai người đuổi theo nhưng Đỗ Khắc Cung đã biến vào bóng đêm.
Trở lại Kinh thành, Đỗ Khắc Chung nói lại tất cả mọi chuyện với hai vua Trần. Giữa lúc bấn loạn thì thấy công chúa An Tư bước ra:
- Hưng Đạo vương có lần nói với ta “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng”. Bây giờ chưa có danh tướng nào chặn được giặc. Ta xin sang trại Thoát Hoan làm “thư giãn loạn nước” vậy.
Hai vua Trần ưng thuận sai kẻ cận thần là Đào Kiên cùng hai thị nữ đưa An Tư sang trại Thoát Hoan.
Lính hầu vào bẩm với Trấn Nam vương Thoát Hoan. Vốn đã quen với việc được dâng mỹ nữ nên Thái tử Thoát Hoan truyền cho vào. Bước vào căn lều cao rộng, đèn đuốc sáng trưng, quân thị vệ gươm tuốt sáng lòa, nhưng công chúa An Tư vẫn ngẩng cao đầu, bước những bước kiêu sa đến trước mặt Thoát Hoan và nói:
- Thái tử đã biết cả ngàn con gái Mông, Hoa, Kim, Hạ, Liêu… Hôm nay Thái tử thử xem mùi vị con gái Đại Việt thế nào?
Nói rồi nàng cởi chiếc áo choàng bằng da thú trắng vứt xuống sàn và ra hiệu cho Đào Kiên và hai thị nữ quay về. Thoát Hoan có phần ngây ngất trước vẻ đẹp kiêu sa mà rắn rỏi của An Tư. Hắn tiến đến định đưa đôi tay dài ôm lấy thân thể tròn lẳn với cặp tuyết lê căng tròn thì An Tư lùi lại và nói, giọng kiên quyết:
- Xin Thái tử dừng cho một phút. - Tiếp theo, nàng làm một động tác nhanh đến bất ngờ là rút phăng con dao cong chuỗi ngọc áp sát vào bầu vú trái của mình.
- Thái tử hãy nghe ta nói một lời. Bây giờ Thái tử đã là Phò mã của Đại Việt. Bởi thế ta nói với Phò mã hãy ra lệnh cho tướng sĩ rằng: “Thăng Long phi chiến địa. Bởi thế ngày mai vào thành, ta cấm tướng sĩ không được cướp phá, hãm hiếp đàn bà, con gái. Ai trái lệnh ta chém”. Nếu Thái tử không ra lệnh ấy An Tư xin chết ngay trước mặt Thái tử.
Nhìn lưỡi dao sắc lẹm đặt ngay dưới bầu vú căng tròn đã khiến Thoát Hoan động lòng “thương hoa - tiếc ngọc”.
Thoát Hoan thét lớn:
- Quân bay đâu! Truyền khắp các trại lệnh của ta. Ngày mai vào Thăng Long tướng sĩ không ai được cướp bóc, đốt phá, hãm hiếp đàn bà, con gái. Ai trái lệnh. Chém!
Được lời như cởi tấm lòng. An Tư vội vứt con dao găm chuôi ngọc xuống đất rồi ngả người đổ vào vòng tay đang chờ sẵn của Thoát Hoan.
Mặc dù chưa có tí kinh nghiệm nào, nhưng đêm ấy An Tư hầu hạ Thoát Hoan hết lòng. Trời đã sáng rõ, nhưng An Tư vẫn nũng nịu kéo Thoát Hoan nằm xuống tấm nệm da cừu ấm áp:
- Còn sớm mà! Thái tử đã vội gì! Hai Thánh thượng đang chờ Thái tử - Phò mã trưa nay sang dự yến tiệc ở điện Kính Thiên trong Hoàng Thành…
Quá giờ Ngọ đại quân của Thoát Hoan mới tiến vào Hoàng Thành. Nhưng tất cả đã vườn không nhà trống.
Không thấy hai vua Trần ra đón như lời của An Tư đêm qua. Nhưng Thoát Hoan cũng không tỏ ra giận dữ gì. Ô Mã Nhi thì nói:
- Hai vua Trần có chạy tới đâu thì ta cũng sẽ đuổi theo tới đó.
An Tư đã dùng tấm thân ngà ngọc, trong trắng của mình để hoàn thành kế “giãn binh”. Nhưng tiếc thay hai vua Trần không tận dụng đêm dài vàng ngọc đó để lên thuyền chạy xuống Thiên Trường, ra biển vượt vào châu Ái mà lại nghe lời Đỗ Khắc Chung dùng thuyền Ngự ra vùng Ngọc Sơn Móng Cái để đánh lạc hướng. Còn thuyền nhỏ chạy ra vùng Tam Trì thuộc Ba Chẽ - lộ Hải Đông (tức tỉnh Quảng Ninh bây giờ).
Tên Hán gian tham quân kiêm hướng đạo, ranh ma tâu với Thoát Hoan:
- Ngộ biết rồi! Thuyền rồng ra Móng Cái để đánh lừa thôi. Thuyền nhỏ ra Tam Trì… mới là thuyền chở hai vua Trần chạy trốn.
Thoát Hoan nghe theo, liền cử tướng A Bát Xích đem năm ngàn quân kỵ, phóng như bay ra hướng Ba Chẽ.
Trở lại chuyện Hưng Đạo vương vừa ổn định được số binh sĩ do bốn con trai đem đến thì nhận được tin cấp báo của thám mã như thế, như thế. Quốc công Tiết chế tái mặt cả sợ. Vỗ tay xuống án thư quát lớn:
- Đứa nào hiến kế để hai vua Trần chạy trốn ra Ba Chẽ nên đem chém. Kế cũ là theo dòng sông Cái, rồi vượt biển vào Ái châu cơ mà!
Rồi lập tức sai Phạm Ngũ Lão điểm ba ngàn quân kỵ tinh nhuệ nhất đi cứu giá hai vua Trần. Đồng thời sai Trần Quốc Tảng đem ba vạn quân ra chẹn đường về Thăng Long của A Bát Xích và đón đánh quân tiếp viện nếu có. Phạm Ngũ Lão thúc con Tía dẫn đầu đoàn kỵ binh nhằm hướng Hải Đông phóng tới. Phóng suốt từ gần trưa ngày hôm trước tới giờ Sửu ngày hôm sau thì thấy phía trước mặt đèn đuốc sáng trưng, tiếng quân hò reo vang động cả một góc trời. Thì ra năm ngàn kỵ binh của A Bát Xích đang vây bắt hai vua Trần trên một ngọn đồi thuộc vùng Ba Chẽ. Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng sai giám binh Đỗ Hành giữ gìn bảo vệ hai vua. Còn mình đích thân chỉ huy tám trăm quân Thánh dực giao chiến với năm ngàn quân Mông Cổ. Trận đánh đã diễn ra hơn một canh giờ. Thế của quân Trần đã có phần nao núng. Bỗng thấy hậu quân của A Bát Xích rối loạn. Rồi thấy một tướng cao lớn, múa đao cắt đôi đội hình quân Mông Cổ đánh thốc lên đồi. Tướng ấy xông xáo tới đâu quân Mông Cổ rẽ ra đến đấy, như phi ngựa vào chốn không người. Theo sau là đội quân kỵ vô cùng dũng mãnh.
- Có viện binh rồi. - Trần Bình Trọng reo lên và thúc ngựa múa thương đánh thốc xuống.
- Có Phạm Ngũ Lão đến đây! Xin hai thánh thượng chớ lo. - Ngũ Lão cũng thét lớn.
A Bát Xích là tướng Mông Cổ vô cùng thiện chiến, cũng đã từng theo Ô Mã Nhi và Toa Đô chinh phục tại châu Âu. Nhưng A Bát Xích cũng đã biết võ nghệ và sức khỏe phi thường của Phạm Ngũ Lão ở ải Chi Lăng mấy ngày trước nên lui quân tháo chạy. Phạm Ngũ Lão thúc quân đuổi riết hơn hai mươi dặm, giết gần năm trăm quân địch, bắt được vô số ngựa không còn chủ, rồi mới quay lên đồi.
- Tội Ngũ Lão đến cứu giá muộn, đáng muôn chết! - Ngũ Lão dập đầu cúi lạy hai vua Trần.
- Ôi! Ngũ Lão có mặt ở đây là trẫm an tâm rồi! - Vua Trần Nhân Tông vỗ về - rồi người hỏi tiếp - Có gì ăn được không?
- Dạ! Bẩm… - Ngũ Lão nói rồi móc từ ngực ra một vắt cơm nắm trộn muối vừng, bẻ đôi rồi quỳ hai chân xuống đất, mỗi tay dâng một nửa nắm cơm cho Thái thượng hoàng và vua Trần Nhân Tông.
Cơm khô và cứng nhưng vua Trần lại khen:
- Cơm dẻo và muối vừng thơm quá! Có nước uống không?
- Dạ! Bẩm!… - Nói rồi Ngũ Lão ra chỗ con Tía tháo từ cổ ngựa ra một túi da dê. Lắc thấy còn được một nửa vội dâng cho Thái thượng hoàng trước, rồi đến vua Trần sau.
- Không có Ngũ Lão đến kịp thời thì hai Thánh thượng nguy mất! Không biết kẻ nào tiết lộ hướng chạy của hai Thánh thượng nhỉ? - Trần Bình Trọng đứng bên nói.
- Quốc công Tiết chế nghe thám mã phi ngựa về báo đã thét lớn: “Kẻ nào đưa ra hạ sách này, nên chém đi!” - Ngũ Lão nói.
Đỗ Khắc Chung vừa đói, vừa khát, vừa sợ, nghe thấy Ngũ Lão nói thế thì mặt cắt không còn hạt máu. Song không thấy hai vua Trần nói gì thì có phần vững dạ. Nhưng từ đó đem tâm thù Phạm Ngũ Lão và thì thầm trong bụng: “Rồi có ngày ta sẽ cho thằng đan sọt này biết tay”.
Phạm Ngũ Lão bàn với Trần Bình Trọng:
- Bảo Nghĩa vương có chơi với Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư. Từ đây đến Vân Đồn khoảng gần một trăm dặm. Việc bảo vệ hai thánh thượng xin cứ giao cho giám quân Đỗ Hành và Ngũ Lão. Bảo Nghĩa vương hãy đem hơn trăm quân kỵ khỏe nhất phóng ra Vân Đồn. Nói với Nhân Huệ vương điều cho hai nhăm thuyền chiến lớn và khoảng năm trăm thủy thủ thạo nghề đi biển, tập kết ở vùng vịnh Hải Đông, rồi đưa hai Thánh thượng vượt biển vào Ái Châu sớm lúc nào hay lúc ấy.
- Cũng không còn cách nào khác! Ta tin vào thanh đao của ngươi đó!… Nhưng quân địch cho thêm tiếp viện quay trở lại thì làm thế nào? - Trần Bình Trọng đáp.
- Quốc công Tiết chế đã sai Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng đem ba vạn quân chặn quân tiếp viện và đón đánh bại quân của A Bát Xích, không để chúng trở về Thăng Long báo tin cho Thoát Hoan…
- Như vậy thì ta yên tâm được rồi! - Nói xong Trần Bình Trọng sụp lạy hai vua Trần, dẫn theo một trăm quân kỵ nhằm hướng Vân Đồn phi như gió lốc.
Phạm Ngũ Lão sai lính vơ cỏ khô trên đồi, trải thành đệm để hai vua Trần nằm, rồi sai lính vào thôn xóm lân cận tìm mua gạo và thức ăn nấu nướng cho hai thánh thượng ăn. Riêng mình và ba ngàn binh lính Ngũ Lão sai giết các con ngựa bị thương của giặc, mổ lấy thịt nướng ăn, số còn lại phân phát cho mỗi người một hai cân làm lương khô. Giám quân Đỗ Hành người cao lớn. Vốn cùng quê Thiên Trường Nam Định nên mới được xung vào đội quân Thánh dực. Đỗ Hành vốn rất mến mộ Ngũ Lão nên nói:
- Tướng quân còn trẻ mà sao việc gì cũng tháo vát vậy.
- À, vốn là một năm nay được ở gần Quốc công Tiết chế nên được người dạy dỗ, chỉ bảo cho nhiều. - Ngũ Lão thật thà đáp.
Làng mạc ở cách đây khá xa. Quân lính không tài nào tìm mua được gạo. Có một bác nông dân già, hay tin đem đến một niêu cơm, dâng lên hai vua Trần. Cơm thổi vội nên hơi khô, tuy nhiên vua Trần vẫn khen:
- Cơm sao mà dẻo và thơm thế!
Sau khi hai Thánh thượng “dùng bữa” xong. Ngũ Lão quỳ bên cạnh thưa:
- Dạ! Khởi bẩm hai Thánh thượng. Tình hình ở Vạn Kiếp bây giờ đã rất vững… Vững như bàn thạch rồi ạ! Bốn vị vương con của Quốc công Tiết chế đã đem hai chục vạn quân về. Cộng với số quân còn lại là khoảng hai nhăm hai sáu vạn. Số quân của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật là năm vạn. Số quân của đô tướng Nguyễn Khoái cũng là năm. Đều là quân tinh nhuệ cả… Như vậy là ta có ba nhăm, ba bảy vạn đủ để Quốc công Tiết chế địch với năm mươi vạn của giặc Hồ (chỉ quân Nguyên Mông) Quốc công Tiết chế có bẩm với hai Thánh thượng là… Sau kiếp nạn này… chỉ đến mùa hè sang năm là… Quốc công Tiết chế sẽ rước hai Thánh thượng trở lại kinh thành Thăng Long… thôi ạ!
Hai vua Trần nghe Phạm Ngũ Lão trình bày. Nhưng trong lòng thì còn đang ngổn ngang hàng trăm nỗi lo, nên gần như chỉ “Ờ! Ờ! Ờ…” cho qua chuyện. Trời mùa đông, nắng hanh, ngày ngắn nhưng hai vua cảm thấy dài như vô tận. Đến giờ Dậu thì Trần Bình Trọng cùng một trăm quân kỵ thở hồng hộc quay ngựa trở về.
Phạm Ngũ Lão nhanh nhảu chạy xuống đón và hỏi:
- Mọi việc thế nào?
- Có hai nhăm thuyền lớn và năm trăm thủy thủ khỏe mạnh. Hơn một canh giờ nữa… hẹn nhau ở vùng vịnh Hải Đông. - Trần Bình Trọng vừa thở dốc vừa đáp.
- Như vậy là tốt quá rồi! Phải đưa hai Thánh thượng đi ngay thôi! - Ngũ Lão đáp rồi cắm cổ bước gấp lên đồi, hô quân lính tập hợp đội ngũ.
Trần Bình Trọng bẩm với hai vua Trần:
- Dạ! Bẩm thưa hai Thánh thượng! Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư tâu: “Mong hai Thánh thượng tha cho tội chết. Bởi Khánh Dư không thể bỏ quan ải trọng yếu do Quốc công Tiết chế sai trấn giữ để đi theo hộ giá hai Thánh thượng được, nhất là nay giặc Hổ (chỉ quân Nguyên đã đánh sang). Thuyền, lương thực, nước uống và lính tinh nhuệ thần đã bàn giao cho Bảo Nghĩa vương đầy đủ như chỉ dụ của hai Thánh thượng”
- Thôi được thế là tốt quá rồi - Vua Trần Nhân Tông đáp. Thực ra khi nghe tin hai vua Trần có mặt ở Tam Tri Trần Khánh Dư đã rụng rời hết vía. Chuyện bỏ quan ải đi phò giá hai vua là việc trọng, không ai có thể trách cứ được. Nhưng liệu vài chục, thậm chí vài trăm chiến thuyền của Đại Việt thì so bì thế nào được với những thuyền lớn của rợ Hồ. Rủi gặp nhau ở vùng biển lạ thì chỉ có mà… Trời thì rét căm căm, ở đây chăn ấm nệm êm. Rượu ngon, gái đẹp… Sơn hào, hải vị, không thiếu gì. Không có vua này thì lập vua khác. Sau khi đã cân nhắc đủ mọi nhẽ, Khánh Dư mới “tạ sự” ra như thế để thoái thác trọng việc.
Mùa đông, tháng Mười, dưới ánh trăng đầu tuần lạnh lẽo đoàn quân do Trần Bình Trọng và Phạm Ngũ Lão ngựa tháo nhạc, người ngậm tăm hộ giá hai vua Trần ra vịnh.
Hai nhăm chiến thuyền đã quay đuôi vào bờ nghênh đón. Phạm Ngũ Lão cõng Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông xuống thuyền trước. Khi quay lại đã thấy Đỗ Khắc Chung đang lập cập dò từng bước một dưới các bậc đá gập ghềnh, trên lưng cũng đang cõng vua Trần Nhân Tông. Thấy vậy Ngũ Lão nói với nhà vua:
- Xin Thánh thượng cứ ngự trên lưng Đỗ Khắc Chung. Thần tuy bất tài cũng xin cõng cả hai xuống thuyền.
Miệng nói tay làm, Ngũ Lão quay lưng lại bốc cả hai người bước đi phăm phăm. Đến đầu thanh ván bắc xuống thuyền bập bềnh. Ngũ Lão co chân nhảy vọt xuống, nhẹ như cánh chim.
Vua Trần Nhân Tông có ý muốn giữ Ngũ Lão ở lại dưới thuyền cùng Trần Bình Trọng hộ giá vào Ái châu nhưng Đỗ Khắc Chung đã bấm vào vế nhà vua. Vua biết Khắc Chung có ý can ngăn, nên phân vân không biết thế nào, đành nín lặng. Lúc thuyền đã rời bến Khắc Chung nói nhỏ: “Phạm Ngũ Lão bây giờ đã là con rể của Quốc công Tiết chế. Nhỡ Quốc công Tiết chế có lòng đổi thay, thì ngay cả đến Trần Bình Trọng cũng không phải là đối thủ của hắn”.
Trước lúc chia tay, Phạm Ngũ Lão nói với Trần Bình Trọng:
- Sự an nguy của hai Thánh thượng nhờ tất cả vào ngọn thương vô địch của Bão Nghĩa vương đó!
Trần Bình Trọng khảng khái đáp:
- Nhờ ngươi về báo với Quốc công Tiết chế rằng Bình Trọng này có thịt nát, xương tan, gan óc lầy đất cũng không để giặc Hồ đụng được đến một sợi lông chân của hai Thánh thượng.
Vua Trần Nhân Tông nghe Trần Bình Trọng nói thế thì cảm khái thành thơ:
Cối Kê chuyện cũ người nên nhớ,
Hoan Diễn còn kia chục vạn quân.
Nghe xong Phạm Ngũ Lão vỗ tay khiến quân sĩ cũng vỗ theo, rồi cùng reo reo ầm cả lên:
- Hai Thánh thượng vạn tuế! Vạn vạn tuế… Mong hai Thánh thượng bảo trọng! Kính chúc hai Thánh thượng thượng lộ bình an!
Hai mươi lăm chiến thuyền chở theo một ngàn ba trăm binh lính và hơn một trăm ngựa chiến. Giám quân Đỗ Hành đi trước. Trần Bình Trọng cùng hai vua Trần đi ở thuyền giữa. Buồm căng gió đông bắc gối sóng, lướt như ngựa phi trên biển cả. Tới tang tảng sáng thì tới cửa sông Cái, dẫn vào phủ Thiên Trường. Trần Bình Trọng cho đoàn thuyền quây lại và hỏi:
- Ai dám ở lại chặn giặc cùng ta.
Tám trăm quân Thánh dực đều hô to “Sát Thát”.
Trần Bình Trọng giữ lại năm trăm người cùng tám chiến thuyền, số còn lại giao cho giám quân Đỗ Hành hộ giá hai vua chạy vào châu Ái. Vua Trần Nhân Tông cầm tay Trần Bình Trọng, nước mắt lưng tròng nói:
- Ngươi không khác gì Kỷ Tín cứu chúa Lưu Bang khi xưa!
Tám chiến thuyền cùng năm trăm quân ngược lên Thiên Trường. Đến bãi Mạn Trù, Bình Trọng cho ghé thuyền lên, sai quân lính dựng lều trại. Có cắm cờ long, phụng như có hai vua đang nghỉ chân ở đó.
Trở lại chuyện A Bát Xích bị Phạm Ngũ Lão đánh tan, là viên tướng rất từng trải, khôn ngoan nên biết quay lại đường cũ ắt có quân chặn nên nhằm hướng Quế Sơn, cắt đường phi ngựa tới. Về tới nơi A Bát Xích sai thám mã phi ngựa cấp tốc về Thăng Long báo cho Thoát Hoan việc hai vua Trần có thể vượt biển trốn vào Ái châu. Thoát Hoan muốn sai Ô Mã Nhi đem chiến thuyền lớn đuổi theo, thì Lý Hằng, Lý Quán bước ra thưa.
- Giết gà việc gì phải dùng đến dao mổ trâu. Hai mạt tướng xin đi! Quyết bắt được hai vua Trần mới nghe.
Hơn một trăm chiến thuyền với năm ngàn quân xuôi theo sông Cái (tức sông Hồng). Đến cuối giờ Thìn (khoảng 9 giờ sáng) thì Lý Hằng, Lý Quán phát hiện thấy cờ long, phụng cắm trên bãi Mạn Trù bèn cho thuyền dừng lại. Tham quân kiêm hướng đạo Phạm Nhan nheo mắt quan sát rồi nói:
- Trong đám quân kia không có hai vua Trần!
Lý Hằng bảo:
- Bọn chúng chỉ có một dúm! Ta cứ lên chỉ loáng một cái là tóm sống tất cả. Có hai vua Trần thì tốt. Không có đuổi sau cũng không muộn.
Rồi hô năm ngàn quân nhất tề xông lên. Năm trăm quân Thánh dực xếp thành năm khối vuông. Ở giữa là trại có cắm cờ long, phụng. Trần Bình Trọng thúc ngựa ra tận mép nước thách Lý Hằng, Lý Quán cùng vào giao chiến. Hai tướng giặc không nói không rằng cùng thúc ngựa, múa đao xông vào. Ngọn thương của Trần Bình Trọng lúc hăng hái, lúc ngập ngừng lui dần vào trong. Khi Lý Hằng, Lý Quán vào đến giữa trận thì năm khối vuông quây chặt lấy chúng. Một nửa quay mặt ra ngoài chống với năm ngàn quân giặc. Lúc này ngọn thương của Trần Bình Trọng mới thể hiện là đệ nhất Đại Việt. Lúc đâm vào giữa ngực Lý Hằng, lại trổ sang phải nhằm vào mặt Lý Quán như một mãng xà mổ tới. Hai tướng bị quây chặt vào các đường thương của Trần Bình Trọng và hàng trăm quân vây quanh biết là bị mắc kế “điệu hổ ly sơn” muốn thoát ra, để hô quân lính xuống thuyền đuổi theo hai vua Trần, nhưng không tài nào thoát ra nổi. Trần Bình Trọng càng đánh càng hăng, mặc cho số quân cứ mỗi lúc một vơi dần. Nhưng giờ Tỵ, giờ Ngọ đã qua mà các khối vuông có ngót đi, nhưng ngọn thương và số quân của Trần Bình Trọng vẫn cứ bám riết lấy cả hai tướng giặc, không tài nào bứt thoát ra được. Hăng tiết Lý Hằng, Lý Quán quyết “ăn thua” với Trần Bình Trọng mà không nghĩ đến việc đuổi theo hai vua Trần nữa. Mà thực tế cũng không tài nào thoát ra để xuống thuyền được.
Trời nắng hanh, tiết trời tuyệt đẹp của những ngày đầu đông, khi năm trăm quân lính đã gục cả xuống, bản thân Trần Bình Trọng đã bị mấy vết thương ở sườn, ở đùi nhưng ngọn thương vẫn tung hoành giữa đám giặc dữ. Bọn chúng không thể hiểu nổi một chàng trai có dáng dấp thư sinh hơn là một võ tướng mà gân sức lại dẻo dai đến lạ kỳ như vậy. Cuối cùng bị một mũi tên bắn vào hạ sườn. Trần Bình Trọng mới gục xuống. Bọn giặc định phóng giáo để giết chàng thì Lý Hằng giơ tay ngăn lại. Hằng sai lấy bàn ghế từ dưới thuyền lên, rồi đích thân dìu chàng lên ghế. Hằng bưng nước mời Trần Bình Trọng uống. Bình Trọng lấy tay gạt phăng âu nước trong tay Lý Hằng. Nhưng Hằng vẫn kiên trì nhỏ nhẹ khuyên chàng:
- Ngươi còn trẻ tuổi, tài cao, trí dũng song toàn. Nếu theo về với nhà Nguyên thì vinh hoa, phú quý không thể kể xiết. Thậm chí còn hơn cả ta bây giờ…
Trần Bình Trọng đã khảng khái quát vào mặt giặc:
- Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc.
Rồi cố thu hết sức còn lại, đứng bật dậy nắm lấy ngọn giáo của tên lính đang chĩa vào mình, đâm xuyên qua bụng.
Trần Bình Trọng ngã ngửa ra. Hé mắt thấy mặt trời mùa đông đã gác về phía tây. Miệng chàng khẽ mỉm cười. Chàng đoán lúc này chắc chắn hai vua Trần đã vượt biển vào đến Ái châu, nơi Chiêu Minh vương Thái sư Trần Quang Khải đang nắm giữ mười vạn quân tinh nhuệ.
Trần Bình Trọng chết lúc mới hai mươi sáu tuổi. Để lại công chúa Thụy Bảo góa bụa lần thứ hai…
Trần Bình Trọng vốn dòng dõi vua Lê Đại Hành. Thời đầu nhà Trần ông cha có công lớn trong việc gây dựng triều chính và chống Nguyên Mông lần thứ nhất nên được đổi quốc tính, mang họ vua…
Lý Hằng, Lý Quán quay thuyền về báo lại sự tình với Thoát Hoan. Thoát Hoan chưa kịp trách cứ thì Ô Mã Nhi đã nói thêm một lần nữa:
- Được rồi! Hai vua Trần chạy trốn tới đâu, ta sẽ đuổi theo tới đó!
Chim Ưng Và Chàng Đan Sọt Chim Ưng Và Chàng Đan Sọt - Bùi Việt Sỹ Chim Ưng Và Chàng Đan Sọt