Trong mỗi khó khăn đều ẩn chứa một cơ hội.

Albert Einstein

 
 
 
 
 
Tác giả: Bùi Việt Sỹ
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 18
Cập nhật: 2020-10-08 21:15:23 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
ốn ngày sau, vào buổi sáng tại sân sau phủ Tiết Chế phía tây thành Thăng Long, Hưng Đạo vương đang đi bài Tinh hoa kiếm thì Dã Tượng bước vào, ông bảo gia nhân vào vác đao của Dã Tượng ra, nói:
- Voi rừng hãy tỉ thí với cha dăm chục hiệp.
Dã Tượng miễn cưỡng cầm đao đón đỡ. Hưng Đạo vương quát;
- Ngươi dám trái lệnh cha à! Nếu ngươi không hết sức, lưỡi gươm của ta sẽ lấy mạng ngươi.
Đã gần ngũ tuần nhưng đường gươm của Hưng Đạo vương vẫn còn đầy uy lực và biến hóa bay bướm như “tuyết rơi, hoa nở”, khiến Dã Tượng là vị tướng thực sự cũng phải mướt mồ hôi mới chống đỡ được. Càng đánh càng hăng, đường gươm vừa che phủ kín bản thân, vừa có những biến hóa nhằm vào các chỗ hiểm của “voi rừng”. Dã Tượng vung đao nhằm vai Quốc công xả xuống, người vừa đưa kiếm lên đỡ, thì đường đao lia xuống ống chân. Hưng Đạo vương nhẩy vọt lên, rồi bất ngờ, dùng một chân giẫm xuống lưỡi đao của Dã Tượng. Voi rừng cố sức rút lên mà không nổi. Trong khi đó lưỡi gươm sắc lẹm của Người đã kề vào cổ Voi rừng. Hưng Đạo vương quát to:
- Mi không tuân lệnh, dám nhường cha! Tội thật đáng chết!
Rồi bỗng cười vang, vứt thanh gươm báu xuống cỏ và bảo gia nhân châm một ấm trà Thái dạng mộc (chưa có ướp hoa hòe, hoa sói). Người chỉ thích dùng trà Thái mộc vào buổi sáng.
Khi chủ và tớ đã ngồi quanh chiếc bàn tròn gỗ lim dày cộp trên có lọng xanh xòe rộng, Hưng Đạo vương mở lời trước:
- Con uống nước đi! Chắc con đến bẩm với cha chuyện của Ngũ Lão, đúng không?
- Vâng! Thưa, thám mã đã về nói về người ấy từ đêm qua. Sáng nay con vội vào bẩm, để cha mừng.
- Tin tốt lành chứ?
- Bẩm những lời Ngũ Lão bẩm với cha hôm trước đều là sự thật cả. Còn về tình tiết thì ly kỳ lắm cha ơi.
- Vậy vừa uống trà, vừa từ từ kể cha nghe.
- Cạnh chùa Bảo Sơn tại làng Phù Ủng có một cây sao cao vút…
Dã Tượng bắt đầu thuật lại lời của người thám mã. Năm đó Ngũ Lão mới sáu bẩy tuổi. Một sáng thơ thẩn qua chùa chơi nhặt hoa đại rơi. Bỗng thấy chú chim non kêu chíp chíp liên hồi một cách thảm thiết gọi mẹ dưới gốc sao. Hai con chim bố mẹ bay lên rồi lại sà xuống quanh chú chim non mà không tài nào cứu con đưa lên to được. Cậu bé Ngũ Lão tần ngần đứng nhìn hồi lâu ra vẻ nghĩ ngợi lắm rồi vụt đưa ra một quyết định. Chú bé tóc trái đào nâng niu nhặt chú chim non bỏ vào túi áo nâu của mình. Hai con chim bố mẹ sà vào vai chú bé mổ tới tấp. Mặc kệ, Ngũ Lão cứ bám cái thân cây trèo lên.
Tổ chim ở chạc cao vút. Gần tới nơi mặt Ngũ Lão bị chim bố mẹ mổ cho sướt sát. May mà không có cú nào vào mắt. Trong tổ lúc nhúc mấy chú chim non nữa. Một tay bám chắc vào cành sao. Tay kia khẽ khàng thò vào túi móc chú chim non ra thả vào tổ… Nhưng lúc xuống mới là chuyện đáng nói. Lên thì còn có thể bíu chỗ này bám chỗ khác, chứ xuống tới đoạn gốc mới là điểm khó khăn nan giải. Ngũ Lão đang định thả cho người rơi xuống thì có tiếng của vị sư già cất lên:
- Cứ bám chặt đấy! Chờ ta vác chiếc thang dài ra.
Khi xuống tới đất, sư già nhìn vầng trán rộng, đôi mắt sáng, hai má như hai trái đào chín của Ngũ Lão thì hỏi:
- Sao con nghịch dại thế? Mà lũ chim đang sống yên ổn lại lên phá tổ của chúng?
Ngũ Lão trần tình lại đầu đuôi sự việc. Sư già buột ra tiếng khen:
- Con còn nhỏ tuổi mà đã có lòng “hiếu sinh”? Thật là đáng khen!… Thế nhà có ở gần đây không?
- Thưa sư cụ! Nhà con ở thẳng đường lớn này ạ! Cách đây một thôi đường. Cũng gần ạ!
- Thế tối nay, vào giờ Dậu, lúc gà lên chuồng, con bảo ta mời bố mẹ sang chùa để ta nói chuyện.
- Xin sư cụ đừng mách cha con chuyện sáng nay?
- Không, ta muốn bàn với cha con việc khác cơ. Nhớ nói cha ngươi đừng lỡ hẹn.
Tối, cha Ngũ Lão sang chùa. Sư cụ nói:
- Ta ngắm thấy thằng bé mặt mũi sáng sủa, hơi thở nhẹ nhàng, lại rất có thiện tâm. Bởi thế ta nói từ mai để hắn sang chùa, quét sân và làm các việc lặt vặt. Lúc rảnh rỗi ta sẽ dạy chữ cho. Cơm ăn hai bữa nhà chùa nuôi.
Người cha sung sướng đến bàng hoàng, chỉ lắp bắp đáp được mấy tiếng:
- Đa tạ sư cụ! Thật là phúc cho nhà chúng con quá.
Ngũ Lão chăm chỉ làm việc. Cái chổi cao gấp đôi người, nhưng trong sân, ngoài ngõ, những ngóc ngách trong chùa, chỗ nào cũng sạch như lau. Còn về cái sự học, Ngũ Lão sáng dạ hơn người. Sư cụ dạy tới đâu Ngũ Lão nhập tâm ngay tới đó. Năm Ngũ Lão bẩy tuổi sư phụ bắt đầu cho luyện võ. Mảnh vườn trồng rau rộng sau chùa, sư cụ cho trồng chuối bạt ngàn. Sau những bài đi quyền, xuống tấn, sư cụ bảo Ngũ Lão ra vườn xỉa vào các thân chuối. Phía góc chùa bên phải có một quả đôi đất đá ong nhỏ. Sư cụ bảo Ngũ Lão ra đấy, tung chân mà đạp vào đồi đất. Khi nào đất ở đó bằng như sân chùa là được.
Năm Ngũ Lão mười ba tuổi võ nghệ đã tinh thông. Chữ nghĩa cũng đã đọc xong vài trăm quyển. Sư cụ cho đào một hố nhảy dài. Dưới hố thay vì trải cát, sư cụ cho cắm cái vật sắc nhọn rồi bảo Ngũ Lão nhảy qua. Không một chút chần chừ mắm môi mắm lợi Ngũ Lão chạy lấy đà nhảy qua hố. Sự cụ đứng ở giữa chừng, tay thủ sẵn một chiếc gậy gỗ sau lưng. Khi Ngũ Lão sắp sa xuống hố chông thì sư cụ vung gậy gạt vào lưng, đẩy Ngũ Lão vọt qua.
- Nếu ta không giúp được con bay qua hố chông thì sẽ thế nào? - Sư phụ hỏi.
- Dạ! Sư phụ có bảo con nhảy vào dầu sôi lửa bỏng, con cũng không từ huống là mấy cái gai cái chông này thì có hề hấn gì - Ngũ Lão khảng khái đáp.
Sư phụ quăng cái gậy gỗ, nghiêm trang nói với Ngũ Lão:
- Từ mai con không phải làm bất cứ việc gì trong chùa để chuyên tâm vào việc học văn, luyện võ.
Ngũ Lão kính cẩn đáp:
- Bẩm sư phụ! Con không động tay, động chân vào việc đồng áng là ngứa ngáy không chịu được. Con sẽ dậy sớm thức khuya hơn. Sư phụ bằng lòng cho con đi!
Sư phụ ngửa cổ lên trời mà khen rằng:
- Con mới tí tuổi đầu mà đã có chí khí của kẻ trượng phu.
Cha mất sớm từ khi Ngũ Lão mới lên mười. Mẹ lại yếu đau luôn. Ngũ Lão phụng dưỡng mẹ rất có hiếu. Mọi việc nặng nhọc trong nhà. Ngũ Lão giành lấy làm cả. Thức ăn nhà chùa cho về, bao giờ Ngũ Lão cũng mời mẹ trước.
Năm 17, Ngũ Lão đã trở thành thợ cày giỏi nhất hương. Có nhà phú ông thách Ngũ Lão cày năm mẫu ruộng trong một ngày. Ngũ Lão đáp:
- Sức người có thể kham nổi. Nhưng sức trâu thì không kham được.
- Người nói thế nào thế? Chả lẽ sức người lại hơn cả sức trâu à? Phú ông hỏi lại.
- Vâng!
- Nhà ta có gần chục con trâu cày. Người muốn thay mấy con tùy ý. Cày xong năm mẫu trong ngày ta thưởng cho mười bồ thóc. Không cày xong phải lĩnh năm mươi hèo.
Sáng sớm Ngũ Lão dong trâu ra đồng. Cày đến chính Ngọ thì tháo trâu, xà xuống đôi quang gánh một bên là rổ khoai lang luộc, bên kia là nồi nước chè xanh. Loáng một cái Ngũ Lão đã đả hết rổ khoai và uống cạn nồi nước chè. Rồi thay trâu cày tiếp đến hết giờ Mùi.
Trời nắng như đổ lửa. Cánh đồng vắng tanh, vắt ngắt không một bóng người. Ngũ Lão thay con trâu thứ ba cày tiếp. Đến đầu giờ Dậu thì cả năm mẫu ruộng đã được cày xới ngon lành. Đường cày thẳng băng, không sâu quá mà cũng không nông quá. Chỗ vào góc, đường lượn gọn gàng ôm khít bờ mương. Ai ra trông cũng phải lắc đầu lè lưỡi. Tối phú ông lên giữ Ngũ Lão ở lại dùng cơm rượu, uống được vài tuần thì phú ông cáo nhức đầu đi nằm. Tiếp Ngũ Lão chỉ còn cô con gái của gia chủ. Cô đã cứng tuổi ở độ ngoài hai mươi. Mắt đen, môi đỏ, da trắng hồng. Mượn men rượu cô nói với Ngũ Lão nhưng giọng lại rất nghiêm trang:
- Mẹ ta mất sớm! Bố ta sinh được mỗi một mụn con gái là ta. Cơ ngơi này trải qua bao nhiêu đời mới gây dựng lên được. Nay vì không có con trai nối dõi, ta không dành lòng nhìn mồ hôi, công sức của ông cha ta rơi vào tay kẻ khác. Bởi thế ta mới không lấy chồng. Mặc dù có đến chục đám con nhà cũng khá giả, thuộc loại “con ông cháu cha” rắp ranh “bắn sẻ”. Song ta đều từ chối cả. Ta đã thề sẽ kiếm một đứa con riêng, nó sẽ mang họ ta. Lớn lên cho học hành tử tế, để cai quản cái gia sản này. Tuy nhiên tìm mãi chưa được người. Nay ta thấy người thật thà, khỏe mạnh muốn xin người một đứa con. Ta sẽ trả ngươi một trăm quan tiền.
- Đa tạ sự tin cậy của cô nương! Nhưng việc vợ chồng là “cái duyên ông trời se cái que ông trời buộc”. Có phải là loài vật như con trâu, con bò đâu mà phối giống là được! - Ngũ Lão nghiêm trang đáp.
- Ngươi dám mạt sát ta chăng? - Cô chủ giận dữ đáp.
- Ngũ Lão này không dám! Chỉ muốn nói về cái đạo lý làm người thôi.
- Vậy thì ngươi về đi! Ngày mai ta sẽ cho người chở mười bồ thóc sang nhà trả công cho ngươi.
Khi Ngũ Lão đã ra đến ngõ rồi thì tiếng cô chủ liến láu gọi theo:
- Chờ ta một tí. Ta có chút quà gọi là có chút lòng gửi cho mẹ ngươi.
Ngũ Lão dừng lại. Trời không trăng, dưới rặng tre đầu ngõ tối om. Cô chủ nhào tới quàng lên cổ Ngũ Lão một tấm lụa tơ tằm mát rượi. Tiện tay cô chủ đặt lên vòm ngực nở nang như cánh diều của Ngũ Lão. Và đặt ở đó rất lâu. Ngũ Lão cảm nhận bàn tay của cô chủ mỗi lúc một ấm lên. Đến khi cô chủ ngả đầu vào vai mình thì Ngũ Lão nhẹ nhàng đẩy ra và nói:
- Tôi về đây! Nhỡ ai trông thấy thì chết!
- Ta là gái còn không sợ thì ngươi sợ cái gì? Làng muốn bắt vạ ta. Ta không chồng mà chửa thì ta mổ ba bò, chín trâu khao cả làng chứ xá gì! - Cô chủ bỗng gào lên.
Dã Tượng kể tới đó thì Hưng Đạo Vương cũng bật cười và hỏi lại:
- Các ngươi lấy đâu ra những chuyện ngóc ngách tận sau lũy tre ấy!
- Thưa cha! Ở làng quê có cái gì giấu được ai đâu! Lúc cô chủ ngồi uống rượu với Ngũ Lão đã có vài ba đôi mắt lấm lét từ các phía săm soi rồi. Lại chuyện này nữa. Đầu năm, sau dịp tết Nguyên đán, từ Rằm tháng Giêng trở ra, ở châu Thượng Hồng thường tổ chức hội vật. Các già làng muốn Ngũ Lão tham dự để mang tiếng thơm về cho quê hương bản quán. Ngũ Lão đều từ chối. Nhiều người chê Ngũ Lão là “nhát” thì Ngũ Lão đáp lại “Biết mình hơn người ta thì đấu làm gì? Thế chẳng phải là lấy mạnh hiếp yếu sao?”
Nhưng rồi trước sự giục giã của cả làng, năm ấy Ngũ Lão phải lên xới. Ngũ Lão cởi trần, đóng khố bước ra giữa xới vật nghiêm giọng thách đấu:
- Ta không vật lại! Ai bằng cách gì làm ngã được ta thì người ấy thắng cuộc.
Nhiều đô vật đã lao vào. Mắm môi mắm lợi ôm lấy đùi Ngũ Lão hòng nhấc bổng lên rồi quật Ngũ Lão xuống. Song hai chân Ngũ Lão như rễ cây cổ thụ đã cắm sâu xuống đất. Một đô quá tức tối, bèn lùi lại rồi chạy lấy đà dùng đầu húc cực mạnh vào giữa ngực Ngũ Lão. Ngũ Lão vẫn điềm nhiên như không. Còn đô vật kia thì bắn xa ra mấy thước.
Rồi vái lạy hàng ngàn người, Ngũ Lão dời khỏi xới vật, khoác chiếc áo cánh nâu rảo bước ra về. Dân làng Phù Ủng đi theo, khoanh tay thành kiệu mời Ngũ Lão ngồi lên, Ngũ Lão đã chắp tay từ chối.
Biết Ngũ Lão có sức khỏe và võ nghệ hơn người, mấy lần ngồi uống rượu tướng Triệu Trung đã ngỏ ý tiến cử Ngũ Lão với Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật. Nhưng Ngũ Lão lảng đi, hỏi sang chuyện khác.
- Có chuyện đó thật sao? - Hưng Đạo vương bật dậy hỏi lại.
- Thưa cha có chuyện đó thực như mặt trời mọc buổi sáng.
Rồi, gã Voi rừng ở gần người trí tuệ như Hưng Đạo vương nên cũng dần “sáng dạ” ra, ngẫu hứng mà rằng:
- Đúng là chim khôn biết chọn cây mà đậu! Người khôn biết chọn chủ mà thờ!
Câu cảm thán đó của Voi rừng khiến Hưng Đạo vương vô cùng đắc ý. Người vươn vai đứng dậy. Và trong giữa buổi sáng mùa thu đẹp trời ở đất Thăng Long, càng khiến cho tinh thần của Người thêm phấn chấn. Người bước ra sân cỏ, cúi xuống nhặt thanh kiếm báu lên; nghiêm trang đứng thẳng người cầm gươm chỉ về phương Bắc mà nói lớn rằng:
- Bớ lũ giặc phương Bắc kia! Chúng bay đừng hòng mơ tưởng đến, dù là một tấc đất của Đại Việt ta!…
Chim Ưng Và Chàng Đan Sọt Chim Ưng Và Chàng Đan Sọt - Bùi Việt Sỹ Chim Ưng Và Chàng Đan Sọt