Nếu bạn cứ chằm chằm nhìn vào mặt xấu của một ai đó sẽ làm anh ta càng trở nên tồi tệ hơn. Nhưng nếu khuyến khích anh ta vươn tới những điều hay mà anh ta có thể, chắc chắn anh ta sẽ làm được.

Johann Goethe

 
 
 
 
 
Tác giả: Ma Văn Kháng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 42
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 178 / 17
Cập nhật: 2020-06-05 02:27:21 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 19
ùa cốm rụt rè tới. Tới như một lời hò hẹn, trong nỗi nhớ, niềm mong của con người. Nếp đã vào đòng được hơn một tuần trăng, phổng phao từng chuỗi hạt, vít cong ngọn mỗi thân lúa. Bầy én đã chuyển cư, nhưng chèo beng lại về từng bầy. Những con chèo beng lông xanh bóng, đuôi xẻ đôi, dập dờn cặp cánh lượn, cất tiếng hót liên hồi giữa làn hương sữa thơm tỏa lên mỗi lúc một ngào ngạt từ mỗi khu đồng. Khôn thế, những con chim ri đá nhỏ như những cái chấm, không biết từ đâu cũng đã bay về cả đàn, treo mình trên các thân lúa, rúc rích như tiếng xa[88] quay, rỉa dòng sữa đang quánh dần trong mỗi hạt thóc mới. Vui cùng chim, đàn vịt trắng phau màu bông gòn tràn lên mặt ruộng, huýt sáo liên hồi dưới những gốc lúa rùm ròa tốt tươi đang hớn hở vào mùa.
“Thưởng cho mày cái gì nữa nhỉ?” Tiển dắt con trâu qua suối, lội xuống mảnh ruộng nhà mình, ngắt mấy bông nếp đặt trước mõm nó.
- Anh Tố đặt tên mày là Trâu Kháng Chiến đấy, có biết không! Nếp làm cốm đấy. Ăn đi rồi lên rừng. Đừng để thằng Tây đồn nó thấy nó tìm cách trả thù đấy.
Đợi con trâu ăn xong mấy bông lúa cốm, đủng đỉnh rẽ lên rừng, Tiển mới rút cây sáo, đi lên bốt Cối Ngàn.
Bốt Cối Ngàn ở trên một quả đồi không bóng cây. Chân đồi là nơi đặt hai cái cối ngàn của lí Tăm và tổng đoàn Ngao. Từ ngày bị anh Lẳng phá, sau đó lại bị con ma cối ngàn ám, giờ hai chiếc cối vẫn chỏng chơ mấy cái thớt đá. Đường lên bốt nhỏ, đánh bậc. Giữa bốt là một cái chòi gác dựng trên bốn thân cau, lên xuống bằng một cái thang tre. Cách chòi mươi bước chân là một cái lô cốt đắp đất, lỗ châu mai chò chõ nhìn xuống khu đồng. Dãy nhà lính hẹp và dài, lợp gianh, ở sườn đồi bên kia. Khoanh vòng tất cả nhà ở, bốt, chòi, cánh gác nọ là một cái hào giao thông bờ ken vầu nông choèn.
Công việc xây dựng bốt cho tới nay vẫn chưa xong. Dân làng Thác không chịu nộp cau, tre. Mới đây, lí Tăm ép dân phải bán. Bán thì bán tại chỗ, dõng phải xuống chặt và vác lên. Vác được một cây cau, một cây tre lên cái đỉnh đồi cao như vậy đâu có dễ. Đêm thì tuần tra, ngày thì lao dịch, sức nào mà họ chịu thấu. Tiểu đội dõng của cai Sẩu hồi này lại yếu đau nhiều. Yếu đau và bực bội. Vì Brusex đã năm lần bảy lượt, nay hứa mai hẹn, mà mấy tháng nay anh em đã có được đồng lương nào, ngoài ngày hai bữa cơm với cá khô và rau cải nấu nước suối. Thành ra, sáng nào cũng vậy, nghe còi rúc dậy, họ còn nằm ườn tán gẫu chán mới chịu dậy cho. Biết vậy, nhưng Sẩu cũng mặc họ. Vì chính anh cũng mệt mỏi quá rồi.
Sáng nay, đã định nằm rốn lúc nữa rồi mới gọi anh em dậy, thì bỗng nghe có tiếng sáo ai thổi vọng tới tai, Sẩu nhổm dậy, bước ra ngoài.
Nhà em không người cày
Bông lúa gầy như cỏ may
Anh đừng chê anh nhé...
Tiển đang ngồi thổi sáo trên mỏm đá trước cửa bốt.
Mùa cốm thơm đã về
Đây mùa cốm mới...
Hỡi bản làng ơi...
Ở đất Cam Đồng này, Sẩu đã qua hai mùa cốm rồi. Không ruộng nương, cha mẹ mất sớm, Sẩu lưu lạc tới đất Cam Đồng này sau một lần đi phu làm đường xe lửa Yên Bái - Lào Cai cho Tây. "Độc thay lam chướng nghìn trùng.” Ốm thương hàn một trận tưởng chết, không một đồng bạc trong túi, chẳng còn cách nào trở về quê bên Cao Bằng được nữa, anh phải vào làm tá điền cho lí Tăm. Ở với lí Tăm được sáu tháng thì anh đăng lính, những mong tìm một cuộc sống đỡ tủi nhục hơn. Nào ngờ tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa. Làm dõng gác châu được một năm thì anh được chuyển về Cam Đồng. Ở đây, phải sống dưới quyền của Brusex tàn bạo, tổng đoàn Ngao hung ác, lí Tăm thâm hiểm, anh càng chán ngán cuộc đời hiện tại của mình. Anh trễ nải hẳn đi với công việc. Tựu trung, anh vẫn là một nông dân chất phác, vẫn còn là một con người biết liêm sỉ. Anh nghĩ. Thôi thì cố mà cắn răng chịu đựng, đừng tàn ác với ai, sống đời lính vài năm nữa, dành dụm được ít tiền, rồi xin giải ngũ về, lấy vợ sinh con, lấy đất này làm quê hương vậy.
Bây giờ nghe tiếng sáo của Tiển, lòng dạ anh cứ ngẩn ngơ, buồn buồn thế nào.
Tiển ngừng sáo, nhìn Sẩu đang thẫn thờ, hồn nhiên:
- Anh Sẩu à, tối nay pò em bảo anh xuống nhà em ăn cốm nhé.
- Để anh xem đã...
- Anh phải xuống đấy. Chị Va bảo mời anh với mấy anh ở trên bốt xuống giã cốm cho vui.
Sẩu đứng dậy nhìn xuống đồng lúa đang loáng thoáng những bóng chàm.
o O o
Chạy thẳng về nhà, Tiển xách cái thuổng ra bờ suối. Mùa này con suối kiệt nước, giữa dòng mà chỉ còn sâu đến bụng chân, loang loáng những viên cuội trắng phau. Nhiều đoạn cạn, luồn qua các khối đá, dòng nước mỏng mảnh chảy chỉ còn nghe thấy đôi ba tiếng róc rách.
Tiển ấn mạnh lưỡi thuổng. Đất cát pha, lưỡi thép ăn đất sùn sụt. Cái lò rang cốm đang được khởi công. Thoạt đầu nó chỉ là một cái hố tròn, sâu nửa thước. Khó là thành vách phải thẳng thớm, nhẵn mịn. Khó là cái cửa lò bán nguyệt phải khoét thật khéo, sao cho hút gió, để lửa thốc lên cao.
Thoáng cái, lò rang cốm đã đào xong. Rún chân nhảy lên bờ, nhìn xuôi theo dòng nước, bây giờ Tiển mới biết rằng, tất cả các nhà ở làng Thác dọc theo con suối đều đã bắt đầu đào lò rang cốm.
Xế trưa, các lò rang đều đã ăn lửa. Hai bờ suối đùn lên những đám khói xanh, và trên mặt suối bấy giờ đã lấp lánh ánh lửa vàng nhánh hắt ra từ các cửa lò.
- Anh Tiển, anh Tiển!
Tiển cắp sói lúa nếp anh Sào mới ngắt ra tới lò thì nghe thấy tiếng gọi. Đặt sói lúa xuống, Tiển quay lại, hơi ngạc nhiên:
- Phin đấy à?
Cô bé Phin mặc áo dài, thắt lưng hoa lí, ngang lưng buộc cái bao dao bằng gỗ, đang nhóm lò. Chà, Phin đã lớn chừng này rồi cơ à? Thấy Tiển bước lại, Phin ngẩng lên, cặp mắt bồ câu trong vắt, hiền hậu:
- Anh cũng biết rang cốm à, anh Tiến?
- Biết chứ. - Tiển ngồi xuống cạnh cửa lò. - Phin à, có phải hôm qua lí Tăm nó sai người đến nhà Phin đấy không?
- Vâng, nó định bắt em về chăn trâu cho nhà nó. Nó bảo: Anh Lẳng trốn đi thì em phải về nhà nó thay anh em làm cần khỏi.
- Không có về nhé! Nó mà sai người đến bắt em thì phải báo cho anh biết ngay đấy!
Tiển đứng dậy, bước về phía lò của mình. Phin chạy theo:
- Anh Tiển, anh Tiển, để em xếp củi vào lò cho.
Phin bước tới trước cửa lò. Gài mấy sợi tóc mai lên vành tai trắng hồng xinh xắn, Phin ngồi xuống. Thanh gỗ nhỏ làm nòm[89] xếp dưới, gộc củi lớn đặt trên, thoáng cái, sấp củi đã được đôi bàn tay của Phin khéo léo gác lên nhau như hình cái cũi. Tiển cúi xuống, ngùi ngùi, cay xè hai sống mũi. Trông đôi tay Phin nho nhỏ sứt sát, dấu vết của những ngày ở nhà lí Tăm, Tiển thấy thương Phin quá. Đã không có bố mẹ, giờ lại không có cả anh Lẳng, Phin sống thế nào đây? “Anh Tiển xem em xếp củi thế này có được không?” Phin ngước lên, ngoái lại. Ôi, hai con mắt Phin, cặp mắt bồ câu đẹp thơ ngây và dịu hiền làm sao!
- Anh Tả có xuống ăn cốm không, anh Tiển?
- Tả đang bận làm lễ đặt tên.
- Lễ đặt tên là gì, hả anh?
- Con trai Dao phải qua lễ đặt tên mới được coi là người lớn. Tục lệ là thế, Phin à!
- Em làm một ít cốm, mang lên cho anh ấy nhé.
Lửa đã bén lên mấy gộc củi to. Loáng cái, lửa đã bốc phần phật ở thành lò.
Dưới kia, Va cũng vừa gánh hai sói lúa về. Đi sau chị, một người phụ nữ nhỏ nhắn cắp một cái thúng lớn. Đặt hai sói lúa xuống trước cửa lò, cởi khăn quàng, giũ mạnh, chị Va nhìn người phụ nữ nhỏ nhắn nọ, giọng khấp khởi:
- Chị Yên à, chị về bây giờ là đúng lúc rồi đấy nhé!
- Thật tình, nhà bà bên Gia Phù cũng neo người quá! - Chị Yên đáp khẽ.
- Chị về bên ấy, em cũng buồn mà anh Cắm cũng lo cho chị lắm đấy.
- Lo gì! Tôi nói thật với cô Va nhé. Trước một phần cũng là tôi chưa hiểu. Nhưng, phần khác, tôi cũng tức anh ấy nữa kia. Vợ chồng gì mà anh ấy làm gì cũng chẳng nói với tôi một câu. Coi thường tôi thế à? Sống không có tình nghĩa thế à? Tôi về là tôi nhớ mùa cốm làng ta thôi chứ!
- Sao bảo anh ấy viết thư mời chị về.
- Nhắn mồm người ta thôi. Thư với từ gì?
- Thôi, chín nhớ mười thương, chị đừng giận anh ấy.
- Chín nhớ mười thương! Cô thế thì có!
Mặt Va chợt đỏ ửng. Chị Yên dịch lại gần miệng lò, thủ thỉ:
- Va này, nghe nói cô sắp đi làm cán bộ thoát li, hả?
- Phạ ơi! Ai nói vậy với chị thế?
- Cô đừng giấu tôi nữa. Mà cũng phải, kim đâu chỉ đấy, Va à. Dà! Nghe chị em nói lại tôi mới biết. Hồi cô bị tổng Ngao nó bắt, anh ấy lo đến gầy sút đi đến nửa người đấy!
Thèn thẹn, đỏ nhừ lên tận chân tóc, Va gằm mặt xuống cửa lò, chẳng biết nói thế nào. Thì may cho cô, vừa lúc ấy, mè tất tưởi đi tới. Vứt bó củi khô xuống đất, bà cụ bước lại cạnh con gái:
- Lò ăn lửa rồi. Để đấy mè rang cho. - Nói rồi, bà cụ ngồi xuống, nhanh nhẹn đưa tay nhấc mấy dẻ lúa, nhẹ nhàng đặt lên mặt giàn. Lửa lò bốc lên đỏ hồng. - Va à, con gái Tày mà không biết rang cốm, người ta chê đấy. Rang lửa lò ngon hơn rang lửa chảo, con à. Già lửa, cốm cứng, non lửa, cốm nát, vừa lửa, cốm dẻo, cốm xanh. Con nhớ nhé...
Hạt lúa gặp hơi lửa căng mọng, nở lục bục. Mặt sàng lấm chấm những chấm hoa trắng muốt. Hương cốm tỏa thơm thơm. Bà cụ lật dẻ lúa. Chiếc vòng bạc hoen hoen màu chàm xoay tròn trên cổ tay. Đôi đũa con tẽ dẻ lúa xoè hình cái quạt. Lục bục, lục bục... Lần lượt từng hạt nếp nối tiếp nhau mở hội hoa đăng. Văng vẳng từ đâu bay về một tiếng hát ngọt ngào:
Lúa chắc xanh cho anh giã cốm
Trăng đêm khuya xanh ngát hản làng
Tiếng sáo ai văng vâng trong sương
Vì thương anh nên chày em lỡ nhịp...
Va đứng dậy. Trời đã về chiều. Lửa lò rải rác hai bên bờ hắt ánh vàng xuống mặt suối, trông như một buổi rước đuốc vừa âm thẳm vừa xôn xao.
o O o
Đêm giã cốm mới thật là vui. Cốm không giã riêng từng nhà. Đêm giã cốm là đêm hò hẹn gặp gỡ, vui chung của con trai con gái trong làng. Năm nay, người làng Nhớn đem cốm vào giã ở làng Thác. Làng Thác đã là “làng hoàn toàn”, ai cũng thầm biết thế. Vừa giã cốm, vừa trao đổi trò chuyện, tiện lợi biết bao.
Căn nhà ông Yểng là nơi đêm nay sẽ có nhiều người tới giã cốm. Từ chiều, ông Yểng đã vác cái loóng dài lên sàn. Cái loóng bằng gỗ chò, hình chiếc thuyền độc mộc, lên nước đen như mun. Tám cái chày rửa sạch, đặt cạnh bếp hong đã khô.
Trăng vừa ló ở đầu hồi, căn nhà đã đẩy tiếng nói cười. Sào mở cái bao tải ủ cốm rang, đổ thóc vào lòng loóng.
Ông Yểng tập tễnh đứng lên, hồ hởi:
- Nào, đứng dậy cả đi. Giã gạo thì ốm, giã cốm thì khỏe nào!
Đám các anh các chị đứng dậy, khúc khích cười. Như đã xếp sắp từ trước, hai hàng nam nữ đã cầm chày đứng sóng đôi bên loóng. Bên kia là chị Va, chị Yên, hai chị làng Nhớn, bên này là anh Mòn và ba anh làng Thác.
Nhịp chày nổi. Cái loóng nghiêng chao. Thoạt đầu, chưa ăn nhịp, chày khua chật chương như chân ngựa mới ra chuồng. Nhưng chỉ mấy nhát chày sau, như bài hát câu ca đã đúng phách, đúng nhịp, như âm thanh đã vào cung bậc, nhịp chày đã đều, đã quện. Thật khéo, loạt chày bên nữ vừa hạ, loạt chày bên nam liền nhấc. Chày hạ xuống dội lên tiếng “kình” đùng đục, chày nhấc lên lướt nhẹ thành loóng ngân lên tiếng “coong”, trong như tiếng chuông đồng. Kình! Coong! Kình! Coong! Tiếng trầm đục, tiếng thanh trong đều đặn, rộn ràng, lúc dồn dập, khi khoan thai. Hơi thở dồn, mắt trong mắt, tay chày nhấc, tay chày hạ, càng lúc càng hòa hợp nhịp nhàng, càng lúc càng tưng bừng, mê mải.
Hương cốm thơm tỏa. Căn nhà rung rinh và ngoài thôn, trong tiếng kình coong là chủ âm của đêm mùa thu yên tĩnh, chợt thấy như bóng trăng khe khẽ lay động. Không còn một âm thanh, một giai điệu nào nữa. Tiếng cối ngàn từ lâu đã tắt. Đêm thu thơm ngào ngạt gợi nhớ cảnh thanh bình và những ước vọng xa xôi.
Ông Yểng đứng dậy. Tiếng chày gọi ông về thời trai trẻ. Ông chen vào, thay chỗ Mòn, người bừng bừng, dẫn nhịp cả đám. Quên cả tuổi tác, quên cả tàn tật, ông tươi trẻ như tuổi hai mươi, đưa nhịp chày dồn như vó ngựa phi. Lâu nay, ông Yểng đã như thế. Con người cương trực, thẳng thắn ấy chống gậy, leo lên các hang dơi trên U Sung lấy phân dơi về làm thuốc súng. Ông đi lại trong làng, gặp người này, thăm hỏi người kia, ông đi tuyên truyền kháng chiến.
Cốm đã sắp được. Vỏ lúa đã trật hết. Hạt cốm dẹt, mảnh như lá cây trinh nữ, xanh mờ đầy lòng loóng. Hương cốm càng lúc càng náo nức thơm lừng. Nhịp chày cối thứ nhất vừa dứt đoạn thì ngoài cửa có tiếng chân người.
Ông Yểng quay ra, vồn vã:
- A lúi! Anh Sẩu, các anh trên bốt! Vào đây! Vào đây!
Cai Sẩu cùng ba người lính áo quần xanh bạc, mũ lưỡi trai, bước vào. Sẩu bỏ mũ. Gương mặt có cái trán cao, hàng ria mép xanh mờ và cái mũi hơi khoằm như mỏ chim thoáng vẻ bối rối. Vứt mẩu thuốc lá vào lửa, Sẩu xoa tay:
- Sáng nay, em Tiển lên bốt bảo ông có cho gọi chúng con xuống chơi. Mấy anh em bàn nhau: Đi! Tội gì mà đi gác con ma cối ngàn. Tội gì mà làm thân con lợn ủn ỉn chân thang.
Ông Yểng đã biết chuyện Tiển đi cà kheo làm ma cối ngàn, cười ha hả, đầu gật gật:
- Phải rồi! Lúc làm, lúc nghỉ mới phải. Con trâu nó còn thế vớ. Tết cốm này, tết cơm mới này, thế nào cũng phải về, thế mới đúng tục người Tày ta.
Nói đoạn, ông Yểng quay ra, phất tay bảo đám thanh niên:
- Làm cối thứ hai đi! Chú Sẩu, các chú còn nhớ giã cốm không? Quê chú có giã bằng loóng không?
- Có chứ ạ. - Sẩu đáp. - Dà, mấy năm nay không được giã cốm rồi đấy.
Cai Sẩu và ba người lính đứng về phía bên này loóng. Chày lại nổi nhịp, náo nhiệt cả căn nhà.
Cối cốm thứ hai vừa chín thì cốm ở cối thứ nhất đã sàng sẩy xong. Cốm đầy rá, đầy giỏ mây, đặt cạnh bếp. Sẩu và mấy người ngồi quanh bếp lửa sáng ấm.
Ông Yểng gãi gãi cái trán dô, gật gù:
- Chú Sẩu giã cốm giỏi vớ. Bỏ lâu rồi mà vẫn nhớ nhỉ! Nào, các chú ăn đi. Đừng làm khách nhé.
Mấy người lính bốc cốm vào mảnh lá chuối.
- Cốm này mà trộn đường và đỗ xanh thì còn ngon nữa. - Ông Yểng vừa nhấp thử mấy hạt vừa nói. - Các chú đã ăn kiểu này bao giờ chưa? Lấy nước nóng rưới lên, gói lại, ngâm trong ang nước, hôm sau vớt lên, chấm mật ăn.
Một người dõng mặt rỗ hoa đáp:
- Tôi chưa được ăn lối ấy bao giờ ạ. Sáng qua tôi thấy nhà lí Tăm băm thịt vịt trộn với cốm, gói lá rồi luộc với nước canh vịt.
- Sang quá nhỉ. - Người dõng răng vàng chặc chặc lưỡi.
Ông Yểng lầm bẩm:
- Ôi, nó lại bắt dân làng Giềng nộp cốm chứ gì?
- Phải đấy. - Người dõng mặt rỗ nói. - Nó làm xong thì đem lên đồn.
- Cho Tây à?
- Cho ông một. Ông một mấy hôm nay bị đau. Nghe đâu bị trâu húc.
- Vẩy! Sao lại trâu húc?
- Chẳng hiểu ông ấy trêu chọc nó thế nào, nó mới húc cho ngã chổng kềnh. May mà nó chỉ giẫm vào tay.
- Lắm chuyện thế. Việt Minh nhốt lí Tăm. Ma cối ngàn đuổi tổng đoàn Ngao! Trâu húc Tây đồn!
Ông Yểng cười ha hả:
- Con trâu tiếng là con vật mà tinh khôn như người vớ. Ai thiện, ai ác nó biết cả. Kìa, các chú ăn đi. Có túi lấy một ít mang về cho anh em trên đồn ăn với chứ.
Sẩu xoa tay:
- Thôi, chúng con ăn ở đây là đủ rồi ạ.
- Đêm nay các anh phải ở đây đấy! - Ông Yểng đứng dậy, giao hẹn. - Trai Tày đã giã là phải giã mười cối một lúc. Ngồi ăn cốm nhé. Tôi xuống dưới này một tí rồi lên ngay.
Ông Yểng xuống thang rồi leo lên túp nhà nhỏ ở sườn đỗi. Đứng lặng một lát, nghe thấy tiếng chày nổi ở trên nhà sàn, ông mới ngồi xuống, đưa tay rờ rẫm tìm cái cối đá. Ông đổ diêm sinh vào lòng cối, đặt chày. Ông nghiền diêm sinh làm thuốc súng. Mùi diêm sinh bốc lên khen khét, sặc sụa, át hẳn mùi cốm thơm. Đêm nay làng Tày không chỉ có hương cốm. Đêm nay làng Tày có bao nhiêu người ầm thầm giã thuốc súng. Đêm nay...
Lát sau, đang miết chày vào lòng cối, ông Yểng bỗng thấy một bóng người lọt vào cửa. Ông nhận ngay ra là Cắm. Cấm ngồi xuống:
- Ông à, nhà con đã về phải không, ông?
- Chị ấy về lúc sáng, đang ở trên nhà ấy.
- Trên ấy có lính, hả ông?
- Mấy người dõng ở bốt Cối Ngàn thôi.
- Ông để con ở đây. Lát nữa, con sẽ lên gặp nhà con rồi cùng anh Mòn trò chuyện với anh em dõng.
Ông Yểng nhấc chày. Một lát, bỗng nghe thấy tiếng ai như tiếng hai đứa trẻ ở gầm căn nhà sàn. Bảo Cắm ngồi đó, bỏ việc nghiền thuốc súng đó, ông lò dò theo cầu thang đi xuống. Trong bóng đêm mờ mờ, ông nhận ra là Phin và Tiển, Tiển lưng dựa cột sàn, Phin đứng bên cạnh.
- Phin có sợ tổng đoàn Ngao, lí Tăm không?
- Không, em chỉ ghét chúng nó.
- Thế Tây đồn?
- Em cũng không sợ. Em muốn được như anh, như anh Tả.
Ngừng một lát, nghe tiếng Tiển cất lên, thật thân thiết và thoáng chút bồi hồi:
- Được rồi! Để anh nói với anh Tố, anh Cắm. Mà Phin này, Phin có nghe anh nói không? Anh biết là anh Lẳng em trong nay mai thôi rồi cũng sẽ trở về. Nhưng còn bây giờ. Để anh nói với pò, em sang nhà anh ở nhé. Anh thương em lắm, Phin à, Phin có biết không?
- Anh Tiển! Em biết anh thương em. Mà em cũng quý anh lắm. Nhưng mè chị Va đã đón em về ở cùng rồi. Anh Tiển à. Em nghe chị Va nói, sau này, Cam Đồng giải phóng rồi, anh sẽ đi công tác hay đi học xa, có đúng không?
- Anh đi thì Phin có nhớ anh không?
- Em không biết nói đâu. Chị Va kể, hôm nọ, anh Tố hỏi chị, Cam Đồng giải phóng, anh đi nhận nhiệm vụ mới thì em có đi cùng không? Chị Va đáp: Chài pay. Slíp pi ngỏ tố thư. Hả pi ngỏ tố ngấừ[90].
“Ồi, thì ra hai đứa trẻ này cũng có những tâm sự riêng và chúng đang trò chuyện với nhau.” Ông Yểng nghĩ, xúc động. Đêm nay, trong cái tết cốm cổ truyền, có bao nhiêu việc tốt đẹp đang diễn ra. Theo kế hoạch, lát nữa Cắm và Mòn sẽ thuyết phục cai Sẩu và anh em dõng trên bốt Cối Ngàn đem súng trở về với kháng chiến. Ông thì nghiền thuốc súng. Định quay trở lại phía gầm sàn đằng này để lên lại túp lều của mình thì ông chợt dừng chân. Trong bóng đêm ao ảo dưới gẩm căn nhà sàn có hai bóng người vừa đi tới và đang đứng sát vào nhau. Nghe tiếng nói thì thào của họ, ông nhận ra đó là Va và Tố:
- Anh! Chị Yên đã về lại làng Nhớn rồi, anh à.
- Anh biết.
- Anh! Ngày nào không nhìn thấy anh một lần là em thấy thiếu thiếu thế nào ấy.
- Còn anh, lúc nào anh nhớ đến em là anh lại như nhìn thấy cặp mắt đẫm lệ yêu thương của em.
- Anh à, mấy hôm nay anh lo lắng gì mà sao em thấy anh gầy sút hẳn đi thế?
- Đừng lo cho anh. Anh vẫn khỏe. Tạng anh nó thế. Còn em, em có biết khi em bị tổng Ngao bắt, anh lo cho em đến thế nào không? Anh yêu em, Va à.
- Anh!
- Đi cùng đường với anh mãi mãi nhé!
- Vâng!
Hai bóng người đã áp chặt vào nhau. Ông Yểng vội quay đi. Đó là lúc cả Tố và Va đang sống trong những cảm xúc yêu đương rạo rực thần tiên.
Ôi, Va của anh. Một cặp mắt đẫm lệ yêu thương. Còn lúc này, ôm tấm thân thiếu nữ ấm áp như một ngọn lửa của Va, Tố nhận ra cô như đang đắm chìm vào một cơn nức nở không sao kìm nén lại được. Và đang như trong mê man vậy, cô bỗng ngẩng lên rồi thình lình vuột khỏi vòng tay anh. “Anh! Em ngạt thở quá! Cho em cởi cái khuy áo cổ đã.” Cô vừa nói vừa nôn nả và cuống quýt giật tung hàng khuy cài ở bên sườn chiếc áo lam dài. Rồi ngay lập tức nồng nã ôm choàng lấy anh như sợ đánh mất anh. Anh thấy mình đang la đà trong hương thơm thiếu nữ hòa trong hương cốm thơm và mùi chàm tươi nguyên.
Mọi việc diễn ra thế là tốt đẹp. Ông Yểng nghĩ vui vui. Ông không biết một điều hệ trọng khác: Đêm nay, Brusex và tổng đoàn Ngao dẫn quân lên U Sung bắt Sào, kẻ đã xúi giục làng Dao U Sung nổi dậy.
Chim Én Liệng Trời Cao Chim Én Liệng Trời Cao - Ma Văn Kháng Chim Én Liệng Trời Cao