The walls of books around him, dense with the past, formed a kind of insulation against the present world and its disasters.

Ross MacDonald

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Nguyên tác: Electronic Warfare - From The Battle Of Tsushima To The Falklands And Lebanon
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 23
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1605 / 46
Cập nhật: 2016-06-18 07:56:43 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 18: Phương Tiện Hồng Ngoại
rong những năm của cuộc chiến tranh dài ngày tại Việt Nam, người Mỹ đã đưa vào sử dụng nhiều loại phương tiện chế áp điện tử khác nhau, cho phép họ hầu như hoàn toàn vô hiệu hóa được tính hiệu quả của các radar như một phương tiện phát hiện và dẫn đường. Radar dẫn bắn FanSong của tổ hợp S-75 thường bị tắc nghẽn hoàn toàn bởi nhiễu tạp hoặc bị đánh lạc hướng bởi nhiễu mô phỏng, còn tên lửa không-đối-không Soviet của các máy bay MiG trở nên vô dụng trong không chiến chống các máy bay Mỹ, được trang bị các máy phát nhiễu mô phỏng “thông minh”. Đáp lại, công tác nghiên cứu và phát triển các hệ thống mới dẫn đường tên lửa dựa trên việc sử dụng năng lượng hồng ngoại đã được bắt đầu.
Việc sử dụng loại năng lượng này không phải là điều mới. Năng lượng hồng ngoại được tình cờ phát hiện vào năm 1800 bởi nhà thiên văn học người Anh Sir William Herschel, người đã được thế giới biết đến khi phát hiện ra hành tinh Sao Thiên Vương (Uranus). Ông đã thử nghiệm với nhiều bộ kính lọc màu khác nhau, để bảo vệ đôi mắt trước ánh sáng mặt trời, gây ra nhiều bất tiện trong thời gian thực hiện các thí nghiệm thiên văn của mình. Trong lúc thí nghiệm, ông nhận thấy việc giảm nhiệt không tương đương với việc giảm ánh sáng. Vì vậy, ông nghĩ ra một thí nghiệm trong đó quang phổ ánh sáng mặt trời được chiếu lên màn hình thông qua một lăng kính thủy tinh. Khi ông đưa nhiệt kế tới mỗi một trong các màu sắc được chiếu, thì nhận thấy nhiệt độ tăng lên ứng với mức độ chuyển dịch từ màu xanh sang màu đỏ. Tiếp nữa, ông kinh ngạc nhận thấy rằng sau khi qua vùng màu đỏ và chuyển sang vùng “trống”, nhiệt kế tiếp tục cho thấy sự gia tăng nhiệt độ; từ đó khu vực này được gọi là khu vực hồng ngoại hoặc dải hồng ngoại. Trong thực tế, ông phát hiện ra rằng quang phổ của ánh sáng mặt trời có chứa các tia không nhìn thấy được bằng mắt thường và do đó, ông gọi chúng là “những tia vô hình”. Herschel không hoàn toàn đánh giá đúng tầm quan trọng khám phá của ông, và than ôi, chỉ sau nhiều năm thì nghiên cứu đó mới lại tiếp tục. Đoạn ngừng này có thể được giải thích bởi thực tế là ngoài một nhiệt kế thông thường sẵn có hồi đó, không có thiết bị đo lường khác để đo nhiệt.
Trong thời gian Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, việc phát triển ứng dụng thực tế của tia hồng ngoại đã đạt được tiến bộ đáng kể. Cả hai phe đối địch nhanh chóng nhận ra tầm quan trọng của việc sử dụng bức xạ hồng ngoại vào mục địch quân sự như một phương tiện quan sát bí mật kẻ thù vào ban đêm, phát hiện các mục tiêu theo bức xạ nhiệt chúng phát ra và duy trì thông tin liên lạc an toàn – vốn rất khó đánh chặn. Trong những năm đó, đã phát triển, mặc dù chỉ ở dạng mẫu thử nghiệm, đèn tín hiệu (semaphore) dựa trên các xung bức xạ hồng ngoại với cự ly hoạt động 3,2 km và các thiết bị nhìn đêm có thể phát hiện máy bay bay ở độ cao lên đến 1500 mét hoặc con người ở khoảng cách 270 mét.
Thế chiến II đã thúc đẩy việc nghiên cứu trong lĩnh vực ứng dụng thực tế bức xạ hồng ngoại. Thật thú vị khi thấy kết quả của điều đó là một đánh giá sai lầm của người Đức tiến trình Trận chiến Đại Tây Dương giữa các đoàn tàu vận tải phe Đồng Minh và các tàu ngầm Đức. Lực lượng chống ngầm của Đồng Minh ngừng sử dụng các radar tìm kiếm dải tần số L, bởi vì bức xạ của chúng có thể dễ dàng bị tàu ngầm của Đức phát hiện, chúng được các bộ RWR của mình cảnh báo về khả năng bị phát hiện, sẽ lặn khẩn cấp và trốn thoát. Các Đồng Minh đã đưa vào trang bị các radar dải tần số X và điều này, đương nhiên, ngay lập tức mang lại kết quả; tổn thất tàu ngầm Đức, mà nguyên nhân của nó người Đức không thể giải thích được, đã tăng lên. Cơ quan tình báo Đức được giao nhiệm vụ tìm giải đáp cho điều đó, và họ lầm tưởng rằng các nước Đồng Minh đã bắt đầu sử dụng các cảm biến hồng ngoại.
Kết luận sai lầm này cướp đi của người Đức rất nhiều thời gian, và không nghi ngờ gì, nó đóng góp một phần nhất định vào thất bại chung cuộc của tàu ngầm của họ trong Trận chiến Đại Tây Dương. Mặt khác, công việc của người Đức hướng cụ thể vào các nghiên cứu trong lĩnh vực IR, đã dẫn đến những thành tựu quan trọng. Nhiều người Đức vẫn còn nhớ những nỗi kinh sợ và sự hân hoan mà họ trải qua khi những cỗ xe bọc thép khổng lồ, không hề có một ngọn đèn nào, gầm thét chạy ngang qua họ trong bóng tối như hũ nút! Đây là những chiếc xe đầu kéo vận chuyển tên lửa hành trình nổi tiếng V-1 trên bờ biển nước Pháp đến eo biển Anh. Để tránh bị phát hiện bởi máy bay địch, chúng được lắp đặt các thiết bị bao gồm đèn chiếu sáng IR và các bộ chuyển đổi hình ảnh đảm bảo cho lái xe khả năng nhìn trong bóng tối. Đó là vào thời gian cuối chiến tranh, khi nước Đức chịu các cuộc không kích thường xuyên và dữ dội của quân Đồng Minh.
Ngoài ra, người Đức đã sử dụng tia hồng ngoại để tạo ra hệ thống thông tin liên lạc từ tàu đến tàu, từ tàu vào bờ và trên mặt trận Libya, để liên lạc giữa các xe tăng. Trong trận El Alamein năm 1942, một trong những hệ thống trên rơi vào tay người Anh, sau đó, quân Đồng minh bắt đầu các nghiên cứu của mình trong lĩnh vực sử dụng các bức xạ hồng ngoại cho mục đích quân sự.
Người Mỹ sử dụng các thiết bị trên nguyên tắc của tia hồng ngoại cho súng trường bắn đêm. Điều này cho phép đạt được độ chính xác đáng kể khi xạ kích vào con người ở cự ly khoảng 70 mét. Vũ khí này được gọi là Sniperscope, lần đầu tiên được lính Mỹ sử dụng khi đổ bộ xuống các đảo trên Thái Bình Dương và gây sự kinh ngạc lớn trong các binh sĩ Nhật Bản.
Ở Ý, các thiết bị dựa trên nguyên tắc của tia hồng ngoại đã được Hải quân Ý đánh giá về mặt thực nghiệm lần đầu tiên trong những năm 1941-1942 để xác định cự ly, có thể phát hiện mục tiêu trong bóng tối và sương mù. Để làm điều này, đã sử dụng một máy thu, gồm một gương parabol có đường kính 50 cm có lắp đặt trong đó cảm biến nhiệt-điện. Các thí nghiệm về đêm đã chứng minh rằng có thể quan sát được con người ở cự ly khoảng 900 mét, còn xe ô tô có động cơ đang làm việc – 450 m; tàu tuần dương “Taranto” được nhìn thấy ở khoảng cách 5 km, thậm chí bất chấp thực tế là động cơ của nó không làm việc ở công suất tối đa.
o O o
Sau chiến tranh, nghiên cứu về các hệ thống hồng ngoại tiếp tục. Bây giờ, giá trị của chúng như một phương tiện phát hiện khi bản thân đối tượng khó thấy được đánh giá cao. Tiến bộ liên tục trong lĩnh vực này đã dẫn đến một hàng dài các phát minh quân sự.
Để ứng dụng trong hàng không, đã phát triển các thiết bị theo dõi-hồng ngoại có khả năng phát tín hiệu về cao độ và góc phương vị của bất kỳ mục tiêu nào bức xạ nhiệt trong không trung, trên đất liền, trên biển và dưới nước; cũng như chúng có thể được sử dụng trong hệ thống thiết bị hạ cánh cho máy bay và quan sát thủy văn dọc bờ biển. Một phát minh quan trọng là ảnh nhiệt hoặc hệ thống quan sát hồng ngoại (Forward Looking Infra Red – FLIR). Thiết bị này cho phép các phi công, bay trong mây hay bóng tối hoàn toàn, “nhìn thấy” các đối tượng trên mặt đất hay trên bầu trời, được phân biệt bởi nhiệt độ đo bằng bức xạ kế của mình so với môi trường xung quanh. Các hệ IR đặc biệt hữu ích trong lĩnh vực công nghệ tên lửa và giám sát chiến lược; được gắn trên vệ tinh, chúng cung cấp cảnh báo tức thì về việc phóng ICBM từ bất kỳ điểm nào trên địa cầu. Nhằm mục đích theo dõi đã phát triển các thiết bị có thể phát hiện sự hiện diện trong khí quyển các chất độc và khí độc hại. Để cải thiện khả năng của radar, người ta bổ sung cảm biến hồng ngoại cho nó. Điều này đặc biệt quan trọng khi tuân thủ sự im lặng radar.
Nhu cầu quân sự cho các thiết bị hồng ngoại tạo ra sự tiến bộ công nghệ nhanh chóng trong lĩnh vực này và dẫn đến sự phát triển các thiết bị còn cao cấp hơn nữa như các cảm biến công suất, các bức xạ kế và các thiết bị đo IR khác.
Ứng dụng IR trong lĩnh vực thuần túy khoa học, công nghiệp và y tế đa dạng đến mức bói về điều đó cần kể cụ thể. Các hệ thống IR được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, từ kiểm tra lớp phủ asphalt đường ô tô đến chẩn đoán sớm bệnh ung thư và nhiều bệnh khác, đặc biệt là bệnh tim mạch, từ lò nướng hồng ngoại để chuẩn bị thức ăn cho đến lồng ấp IR, từ sơn ô tô đến đo nhiệt độ các ngôi sao. Một trong những ứng dụng nổi tiếng nhất của nó, tất nhiên, là nhiếp ảnh. Thí nghiệm đầu tiên với chụp ảnh IR được thực hiện vào những năm 30, dẫn đến một loạt các sáng chế trong lĩnh vực này. Ví dụ, có thể làm ra một bức ảnh tốt bằng cách sử dụng công nghệ hồng ngoại, với cự ly khoảng 1.000 km; điều đó đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực trắc địa. Ảnh hồng ngoại cũng hữu ích đối với công tác khảo sát chất lượng của thảm thực vật theo màu sắc lá của nó, mà rõ ràng có thể nhìn thấy trong những bức ảnh hồng ngoại, cho phép phân biệt loại có bệnh so với loại khỏe mạnh.
Trong địa chất, ảnh chụp hồng ngoại các tầng khoáng vật cho thấy sự hình thành tuổi địa chất của chúng, vì nó phân biệt rõ ràng sự hiện diện của vi khuẩn trong những phiến đá, bởi vi khuẩn và đất bao phủ có nhiệt độ bức xạ khác nhau. Công nghệ tương tự đặc biệt hữu ích đối với việc phát hiện các trung tâm chỉ huy dưới lòng đất và các kho ngầm, cũng như các đối tượng khảo cổ học, các thành phố đã biến mất. Công nghệ hồng ngoại cũng đặc biệt hữu ích cho việc phát hiện chữ viết và tài liệu giả mạo, vì một số loại mực bị phát hiện bởi chiếu xạ IR. Ứng dụng tia hồng ngoại trong lĩnh vực hệ thống thông tin liên lạc là rất thú vị và hiện đang có các nghiên cứu tập trung vào sự phát triển các hệ thống, thông qua đó tín hiệu được truyền đi như qua sóng điện từ phổ hồng ngoại bằng cáp quang. Ứng dụng này đặc biệt được quan tâm trong tất cả các lĩnh vực viễn thông, như: điện thoại, truyền hình, truyền hình cáp và truyền dữ liệu.
Để tiếp tục câu chuyện về ứng dụng năng lượng hồng ngoại, đầu tiên sẽ rất hữu ích khi nhớ lại một số khái niệm của lĩnh vực vật lý.
Được biết, võng mạc của mắt người nhạy cảm với chỉ một phạm vi nhỏ của phổ tần số, nghĩa là phần nhìn thấy của phổ điện từ; hơn nữa, sự nhạy cảm của mắt là không liên tục và thay đổi tùy theo thang màu ánh sáng. Ví dụ, tác động kích thích của ánh sáng màu vàng hơn gần 100 000 lần so với ánh sáng màu đỏ, tỷ lệ đó là ít mạnh mẽ nhất trong lĩnh vực này. Bước sóng màu vàng – khoảng 0,0005 mm, ở về phía lớn hơn và nhỏ hơn nó, độ nhạy của mắt người giảm mạnh. Trong phần xa của quang phổ, mắt vẫn có thể phân biệt các bước sóng khoảng 0,0008 mm, nhưng sau giá trị này là bóng tối ngự trị, vì kích thước của võng mạc ở bức xạ như vậy là quá nhỏ để tạo ra một phản ứng của cơ quan thị giác của chúng ta. Các bước sóng lớn hơn 0,0008 mm nằm trong phạm vi hồng ngoại, và nếu chúng có cường độ đáng kể, thì sẽ được chúng ta nhận thức như nhiệt. Vì vậy, yếu tố chủ chốt phân biệt năng lượng hồng ngoại so với bức xạ ánh sáng nằm trong chiều dài bước sóng của nó. Dải hồng ngoại bắt đầu ở nơi kết thúc màu đỏ của quang phổ nhìn thấy và chấm dứt phía trước dải siêu cao tần (vi sóng), được sử dụng cho các radar có độ phân giải cao (EHF). Dải IR bản thân được chia thành 4 phần: gần, trung, xa và cực xa. Các yếu tố cơ bản của hệ thống IR chính là các nguồn, bộ phát năng lượng hồng ngoại và các cảm biến hoặc bộ dò.
o O o
Năng lượng hồng ngoại phát ra một cách tự nhiên bởi tất cả các cơ quan có nhiệt độ trên không độ tuyệt đối (- 273 độ C). Quá trình này gây ra bởi các dao động mạng phân tử, vì thế phụ thuộc trực tiếp vào nhiệt độ.
Cảm biến hồng ngoại nguyên mẫu có thể tìm thấy trong tự nhiên, trong thế giới động vật hoang dã. Loại sau có các loài rắn xuất hiện trên Trái đất – bộ rắn hổ pip viper rất độc, cư trú Bắc và Nam Mỹ, và đặc biệt ở Đông Nam Á, có hai lúm đồng tiền nhỏ giữa mắt và lỗ mũi chứa hai cảm biến hồng ngoại tuyệt vời, cho phép chúng phát hiện và xác định vị trí của tất cả các đối tượng ấm hơn hoặc mát hơn môi trường xung quanh. Các cảm biến này cực kỳ nhạy cảm và có thể phát hiện các thay đổi cực nhỏ về nhiệt độ.
Chúng bao gồm một màng chứa đầy các sợi thần kinh đặc biệt và được kéo dài sang một khoang nhỏ, chứa đầy không khí và phản ứng với nhiệt. Với sự giúp đỡ của chúng, con rắn, thường xuyên ẩn trong các khe nứt của hang ổ, trong bóng tối hoàn toàn vẫn có thể phát hiện sự hiện diện của ếch nhái, chuột, hoặc một sinh vật không may nào khác rơi vào vùng hoạt động của nó và giết chết đối tượng.
Như một dạng năng lượng điện từ, bức xạ hồng ngoại có thể được hấp thụ và chuyển hóa thành nhiệt hoặc chuyển đổi theo một số cách khác, để làm cho nó có thể nhìn thấy, ví dụ, nó có thể được chuyển đổi thành dòng điện hoặc chiếu lên phim nhạy cảm với tia hồng ngoại. Từ quan điểm ứng dụng quân sự, cảm biến hồng ngoại đã chứng tỏ giá trị thực tế của nó vào cuối Chiến tranh Thế giới thứ Hai, khi lần đầu tiên chúng được sử dụng để phát hiện và theo dõi máy bay. Tất cả các thiết bị IR được sử dụng trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai gần như hoàn toàn thuộc loại thiết bị chủ động, khi chùm tia năng lượng hồng ngoại hội tụ vào mục tiêu. Tuy nhiên, người Đức cũng đã thử nghiệm với một hệ thống hoàn toàn thụ động mà không phát ra năng lượng hồng ngoại – tương như một con rắn chuông. Hệ thống này được thiết kế để phát hiện máy bay ở khoảng cách 12 km, nhưng không bao giờ được sử dụng trong thực tế chiến đấu, có thể là do sự không hoàn hảo trong công nghệ IR thời bấy giờ, nó không cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống như vậy.
Sau chiến tranh, các cường quốc lớn trên thế giới tiếp tục các nghiên cứu về tia hồng ngoại, tập trung vào các hệ thống thụ động dẫn đường cho vũ khí.
Các hệ thống này có những ưu điểm: không phát lộ sự hiện diện của vũ khí có điều khiển, có độ chính xác cao, và hơn nữa, không nhạy cảm với ECW. Năm 1950, các nghiên cứu đó dẫn đến sự phát triển của hệ thống dẫn đường hồng ngoại thụ động đầu tiên cho tên lửa. Tên lửa đầu tiên được dẫn bằng một hệ thống như vậy là tên lửa AIM-9 Sidewinder của người Mỹ, sau đó tiếp đến AIM-4 Falcon, Firestreak của Anh và Matra R.550 Magic của Pháp.
o O o
Nổi tiếng nhất trong số này là AIM-9 Sidewinder của người Mỹ, nó khẳng định được tính chính xác ngay trong các vụ phóng thử nghiệm đầu tiên. Các bia-mục tiêu điều khiển bằng vô tuyến được sử dụng để bắn thử nghiệm đã bị phá hủy mạnh một cách có hệ thống bởi tên lửa này, nó tự dẫn thẳng vào ống xả của mục tiêu động cơ phản lực. Để giảm chi phí phục hồi của các mục tiêu đắt tiền, trên công-xôn cánh của nó đặt một nguồn bức xạ hồng ngoại mạnh, sẽ làm cho việc sửa chữa dễ dàng hơn nhiều. Sau đó, độ chính xác cao của Sidewinder được xác nhận bởi sự kiện bi thảm xảy ra vào năm 1961 tại Hoa Kỳ trong một chuyến bay huấn luyện. Máy bay ném bom B-52 Stratofortress đã vô tình trúng một tên lửa Sidewinder phóng đi từ máy bay tiêm kích-ném bom F-100 của Không quân Mỹ. Tên lửa lao vào phễu ống xả của một trong những động cơ và phát nổ, công-xôn cánh bị gãy và máy bay đâm xuống đất. Hầu hết các thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
o O o
Qua một số năm, xung quanh tên lửa Sidewinder bao bọc một “câu chuyện” gián điệp chưa từng có, nhiều khía cạnh của nó không rõ ràng cho đến tận bây giờ. Một điệp viên Liên Xô tháo vát đã biết cách đánh cắp thành công quả tên lửa Sidewinder cùng với đầu tự dẫn hồng ngoại của nó tại một căn cứ không quân ở Tây Đức và bí mật chở nó về Moscow. Tên lửa được bọc kín trong một tấm thảm, điệp viên đi trên xe hơi của mình, lái xe qua nửa nước Đức, và sau đó gửi nó bằng xe lửa qua biên giới sau khi khai báo là hành lý của mình “không có giá trị thương mại”! Ngay sau đó, người Nga bắt đầu phóng tên lửa có đầu tự dẫn hồng ngoại R-3, gần như giống hoàn toàn Sidewinder của Mỹ.
R-3 được vũ trang cho các máy bay MiG và Sidewinder, được lắp trên các loại máy bay chiến đấu khác nhau của Mỹ, trở thành vũ khí chính của các trận không chiến trong chiến tranh Việt Nam. Năm 1966, lần đầu tiên Sidewinder bắn rơi MiG Bắc Việt.
Năm 1973, vài tháng sau khi chiến tranh bùng nổ ở Trung Cận Đông, tên lửa tự dẫn hồng ngoại Shafrir của Israel, có thiết kế dựa trên thiết kế của Sidewinder, đã bắn rơi khoảng một chục máy bay Syria. Tháng 10 năm 1973, trên mặt trận Ai Cập, Israel đã bị tổn thất nặng vì tên lửa của Liên Xô có đầu tự dẫn hồng ngoại “Strela -2M”. Tên lửa PK có điều khiển “Strela-2M” được trang bị các bộ lọc, loại được ở một mức độ nhất định một trong những điểm yếu cơ bản của hệ thống IR-homing – xác suất cao xảy ra cảnh báo sai, gây nên bởi việc nó chuyển thu các nguồn nhiệt khác. Khai thác sử dụng MANPADS “Strela -2M” khá đơn giản, chúng có thể được người lính mang vác trên vai mình. Chúng là loại vũ khí chết người đối với các máy bay của Israel, buộc phải bay thấp để tránh bị phát hiện bởi radar tìm kiếm và radar dẫn bắn SAM “Kub”. May mắn cho người Israel, sức mạnh của đầu nổ đạn TLPK có điều khiển “Strela -2M” bị giới hạn bởi kích thước nhỏ của nó, nếu không nó sẽ trở thành sát thủ thực sự của máy bay Israel.
Tuy nhiên, tên lửa có đầu tự dẫn hồng ngoại có một vài khuyết điểm. Khuyết điểm nghiêm trọng nhất của Sidewinder là thường xuyên, thay vì dẫn vào mục tiêu, nó bay đến nguồn công suất lớn hơn: mặt trời, ánh sáng mặt trời phản xạ từ đám mây, các đối tượng nhiệt trên mặt đất, và thậm chí, trong một số trường hợp, lao vào chính máy bay của quân mình. Ngoài ra, nó có một hạn chế nghiêm trọng, và đòi hỏi thực tế phải tiến hành công kích từ góc nguy hiểm nhất với máy bay – bán cầu sau, nhằm hướng tên lửa tới điểm nóng nhất của máy bay – miệng xả động cơ phản lực.
o O o
Các hạn chế nghiêm trọng như vậy gây nên bởi thực tế là các bộ cảm biến hồng ngoại đầu radar tự dẫn không nhạy cảm với phần sóng dài của quang phổ hồng ngoại. Ví dụ, máy bay bị buộc phải tấn công từ bán cầu sau, vì cảm biến chì sunfat của tên lửa Sidewinder phản ứng chỉ với các bước sóng liên quan đến bức xạ của kim loại bị làm nóng của thiết bị đầu ra động cơ phản lực. Cần phải có cảm biến hồng ngoại, phản ứng với toàn bộ phổ bức xạ của phần đuôi động cơ phản lực, để tên lửa có thể tấn công không phụ thuộc vào vị trí không gian hoặc quỹ đạo của máy bay địch. Xét từ quan điểm công nghệ, cần phát triển một cảm biến hồng ngoại không phản ứng với các bước sóng 2,5 micromet (liên quan đến chùm tia mặt trời phản xạ từ đám mây và bức xạ của kim loại bị nung nóng của miệng phễu xả động cơ phản lực), và bước sóng 5 micron – bức xạ của khí ga đang cạn. Điều đó đã đạt được bằng cách làm lạnh bộ cảm biến đến nhiệt độ, được gọi là nhiệt độ đông lạnh (từ tiếng Hy Lạp “Krios” – làm lạnh sâu). Nhiệt độ này thấp hơn đáng kể so với các nhiệt độ có thể đạt được nhờ các thiết bị làm mát thông thường.
Ngày nay, hầu hết các hạn chế của tên lửa có đầu tự dẫn hồng ngoại đã được loại bỏ bằng nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như sử dụng bộ lọc, và bây giờ chúng là một vũ khí quan trọng trong kho vũ khí của nhiều quốc gia. Ngày nay, các hệ thống dẫn đường kết hợp thường được sử dụng, trong đó radar sử dụng để đo cự ly, còn hệ thống hồng ngoại để tìm mục tiêu hoặc làm nhiệm vụ phương tiện ECW hỗ trợ trong trường hợp radar bị vô hiệu hóa. Ngoài ra các hệ thống hồng ngoại được sử dụng để phân biệt các mục tiêu “nóng” (ví dụ, tàu và máy bay) khỏi những vật không phát xạ nhiệt (ví dụ PRLO).
Nhìn lại một vài thập kỷ trước, chúng ta có thể thấy rằng mỗi khi trên chiến trường xuất hiện một hệ thống vũ khí mới, thì song song với nó, các phương tiện đối phó lại được phát triển, có khả năng vô hiệu hóa hoặc làm giảm hiệu quả của nó. Đầu tiên những diễn biến như vậy đã xảy ra với radar, còn bây giờ đang diễn ra với hệ thống hồng ngoại. Tuy nhiên, thông tin liên quan đến đối kháng hồng ngoại (IRCM), rất khó có được, vì các phát triển đó là đối tượng bí mật đặc biệt. Tuy nhiên, không nghi ngờ gì, nhiều nước đã phân bổ các nguồn lực trí tuệ và tài chính đáng kể cho sự phát triển các phương tiện đối kháng với hệ thống vũ khí dẫn đường bằng hồng ngoại.
o O o
Thiết bị hồng ngoại cảnh báo sớm hay Hệ thống cảnh báo bị tấn công tên lửa (Системы предупреждения о ракетной атаке – СПРА, Missile Approach Warning – MAW), có chức năng giống hệt RWR ( Radar Warning Receivers), đang tồn tại. Khi được lắp trên máy bay, chúng cảnh báo phi công về tên lửa đang đến gần. Cảm biến hồng ngoại hoặc sẽ phát hiện nhiệt (năng lượng hồng ngoại) phát ra bởi tên lửa trong thời gian phóng; hoặc trong phân đoạn hoạt động chủ động của đường bay (khi động cơ đang làm việc. Ghi chú. Người dịch bản tiếng Nga); hoặc phát hiện sự sưởi nóng thân quả đạn, gây ra bởi ma sát trong khí quyển của tên lửa. Cảnh báo sớm kiểu này cho phép phi công thực hiện cơ động tránh hỏa lực PK thích hợp, bắn bẫy hồng ngoại hoặc bật hệ thống hồng ngoại để tác động đến quỹ đạo của tên lửa nếu nó có hệ dẫn đường hồng ngoại. Thiết bị như vậy gây nhiễu hoặc đánh lừa tên lửa có đầu tự dẫn hồng ngoại có cơ sở dựa trên những nguyên lý mới, chẳng hạn như bức xạ của chùm tia laser, có thể làm hỏng hoặc thậm chí đốt cháy các cảm biến hồng ngoại. Phương pháp IRCM khác là cấp nhiệt cho màng vật liệu chuyên dụng dễ nóng có bức xạ được điều chế theo quy luật đặc thù của năng lượng hồng ngoại. Trong các hệ thống khác, để sinh năng lượng hồng ngoại tác động đến đầu radar tự dẫn hồng ngoại của tên lửa, người ta sử dụng khí propane chứa trong các thùng chứa đặc biệt hoặc đèn hồ quang.
Trong cuộc chiến tranh Yom-Kippur, việc sử dụng các mồi bẫy hồng ngoại đã mang lại những thành công đáng kể. Để làm lệch hướng tên lửa có đầu tự dẫn hồng ngoại, người ta thả hoặc bắn ra các sản phẩm kỹ thuật pháo hoa: đạn hồng ngoại và bẫy hồng ngoại, sinh ra năng lượng lớn hơn đáng kể so với mục tiêu cần bảo vệ, nhưng có cùng các tham số IR. Một lĩnh vực hoàn toàn mới của tác chiến điện tử đã mở ra.
Chiến Tranh Vô Tuyến Điện Tử (Từ Eo Đối Mã Đến Liban Và Quần Đảo Falkland) Chiến Tranh Vô Tuyến Điện Tử (Từ Eo Đối Mã Đến Liban Và Quần Đảo Falkland) - Mario De Arcangelis Chiến Tranh Vô Tuyến Điện Tử (Từ Eo Đối Mã Đến Liban Và Quần Đảo Falkland)