Đôi khi, những thành quả tuyệt vời lại xuất phát từ những thất bại sớm gặp phải.

Thomas H. Huxley

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Nguyên tác: Electronic Warfare - From The Battle Of Tsushima To The Falklands And Lebanon
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 23
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1605 / 46
Cập nhật: 2016-06-18 07:56:43 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8: Tác Chiến Điện Tử Trên Bầu Trời Nước Đức
au những tổn thất nghiêm trọng trong Trận chiến nước Anh, Không quân Đức được điều động khỏi Mặt trận phía Tây và triển khai đến các căn cứ không quân ở Đông Đức, để tham gia vào chiến dịch nước Nga, được đặt tên mã – “Operation Barbarossa”. Do đó, Không quân Hoàng gia đã có cơ hội ra đòn trả đũa ồ ạt không trở ngại, dưới hình thức các cuộc dội bom không kích dữ dội xuống nước Đức như là một phần của chiến lược hủy diệt, cần phải có để đảm bảo chiến thắng của quân Đồng minh.
Các trận ném bom ban ngày nước Đức không thắng lợi, chủ yếu do tính dễ tổn thương của máy bay ném bom trước tiêm kích đối phương, và máy bay tiêm kích của Không quân Hoàng gia không có khả năng để đảm bảo yểm trợ xa hơn vì giới hạn tầm bay của họ, nên dần dần người Anh chuyển sang các cuộc tấn công ban đêm. Bây giờ, vai trò của kẻ thù trong “cuộc chiến chùm tia” đã thay đổi ngược lại; thời gian này, người Anh phải phát triển được các hệ thống ổn định trước các sai số để có thể dẫn đường đến mục tiêu cho máy bay ném bom của họ, và người Đức – phải tìm ra biện pháp đối kháng hiệu quả.
Trong Trận chiến nước Anh, người Anh đã nhận thấy máy bay ném bom của người Đức khó khăn thế nào để có thể đánh trúng mục tiêu, bất chấp các công cụ điện tử phức tạp mà họ có sẵn. Người Anh nay phải đối mặt với cùng một vấn đề, khi tiến hành không kích nước Đức.
Người Anh hy vọng đánh trúng các mục tiêu ở Đức mà không làm chủ được phương tiện dẫn đường vô tuyến chính xác hỗ trợ cuộc ném bom chăng? Bộ Chỉ huy Không quân Hoàng gia vô cùng hoài nghi hiệu quả các vụ ném bom đầu tiên đất Đức. Thống chế Không quân Robert Saundby, Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Không quân ném bom Không lực Hoàng gia Anh, một lần có nhận xét với bộ tham mưu của mình rằng khi một phi đội máy bay ném bom báo cáo rằng bom đã thả xuống mục tiêu xác định, thì chỉ có thể chắc chắn rằng những quả bom này đã được “gửi” đến mục tiêu đó mà thôi.
May mắn thay, người Anh đã phát triển vào năm 1938 một hệ thống định vị, tuy rằng tại thời điểm đó chưa bắt đầu sản xuất hàng loạt do quyền ưu tiên đã trao cho các dự án khác. Hệ thống này, được gọi là Gee, bao gồm ba máy phát, bố trí trên bờ biển, cách nhau 160 km. Công việc của chúng là đồng bộ hóa để phát ra một chuỗi xung phức tạp tuân theo một thứ tự xác định. Các hoa tiêu máy bay ném bom có máy thu đặc biệt có thể đo lường sự khác biệt giữa sự xuất hiện của các xung phát tới từ các trạm trên. Đối chiếu với lưới bản đồ đặc biệt của châu Âu, các hoa tiêu có thể xác định vị trí của mình với sai số tối đa khoảng 10 km trên khoảng cách 650 km – 1.000 km tính từ trạm phát sóng.
o O o
Gee không dễ chế áp như với các hệ thống dẫn đường vô tuyến đầu tiên được người Đức sử dụng. Tuy nhiên, chẳng mấy mà người Đức nhận thấy các vụ ném bom của quân Anh đã trở nên chính xác hơn, họ dồn tất cả những nỗ lực của mình để tìm hiểu hệ thống dẫn đường mới này. Trong năm 1942, họ đã thành công trong việc đó, và để đối kháng họ tạo ra các máy phát nhiễu công suất mạnh, gọi là Heinrich. Chúng được đặt tại các trạm mặt đất trong các nước bị chiếm đóng như Pháp, Bỉ và Hà Lan, và với sự giúp đỡ của chúng, người Đức gần như hoàn toàn vô hiệu hóa bức xạ Gee, làm cho nó thực tế thành vô dụng ở lục địa châu Âu.
Sau khi hệ thống Gee bị vô hiệu, người Anh cố gắng đưa ra các hệ thống định vị khác, nhưng không hệ nào trong số đó đảm bảo được cho các vụ ném bom đạt độ chính xác cần thiết. Cuối cùng, họ phát triển hệ Oboe (“Quan sát và đánh bom kẻ thù”), đó là kết quả của một quá trình nghiên cứu công phu hệ thống Knickebein của Đức. Hệ thống Oboe bao gồm một máy hỏi dành cho bức xạ tín hiệu và lắp đặt trên máy bay ném bom, hai trạm mặt đất cách nhau một khoảng cách nhất định, được trang bị các máy phát (để tiếp nhận tín hiệu). Chúng được gọi, tương ứng, là Mèo và Chuột. Trạm mặt đất có thể tự động đo khoảng cách tới máy bay đang bay. Hệ thống Oboe góp phần vào thành công đáng kể của các ném bom của quân Đồng minh xuống các nhà máy của Krupp tại Essen vào tháng Mười Hai năm 1942.
o O o
Sau một thời gian, hệ thống Oboe bị người Đức phát hiện, họ ngay lập tức phát triển một quy trình REP thích hợp. Vì vậy, để thay thế Oboe, hoặc ít nhất là để loại bỏ các hạn chế của nó, người Anh cải tiến hệ thống dưới tên gọi H2S. Nó có chức năng kép: chỉ dẫn chính xác đường đi và đảm bảo ném bom chính xác hơn vào ban đêm. Không giống như các hệ thống trước đó, H2S không cần các trạm mặt đất: “trái tim” của nó là một radar được phát triển gần đây, có thể lắp đặt trên máy bay. Hệ thống này sử dụng một đèn điện tử đặc biệt công suất rất mạnh gọi là magnetron, phát ra công suất 10 kW ở bước sóng 10 cm. Vì lý do này, radar mới được gọi là radar xăng-ti-mét, để phân biệt với các radar trước đó hoạt động ở bước sóng dài hơn nhiều.
o O o
Mẫu thử nghiệm được lắp đặt trên máy bay phục vụ thử nghiệm và đánh giá, kiểm tra để sử dụng trên các máy bay tiêm kích bay đêm. Các chuyến bay thử nghiệm chỉ ra rằng radar mới có thể phân biệt giữa khu vực xây dựng với vùng nông thôn và bề mặt biển với mặt đất. Chuyến bay thử nghiệm được tiến hành trong năm 1941, nhưng hệ thống chỉ được lực lượng không quân tiếp thu vào biên chế trang bị rất lâu về sau, vì người Anh lo ngại nó có thể rơi vào tay của người Đức và được sao chép sử dụng trên máy bay của họ. Quyết định cuối cùng về việc sử dụng H2S là do tổn thất máy bay ném bom của Không quân Hoàng gia trong các cuộc không kích ban đêm trên đất Đức ngày càng tăng.
Bộ Tư lệnh tối cao Anh cũng lo lắng về việc người Đức có các hệ thống radar phòng không hay không. Ít nhất khi chiến tranh mới bắt đầu, nhiều người bị thuyết phục rằng họ không có thứ tương tự như người Anh, đang bố trí dọc theo bờ biển Vương quốc Anh, các ăng-ten khổng lồ nằm trên đất Đức hoặc các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Tuy nhiên, người Đức, trên thực tế, ngay từ đầu chiến tranh đã có radar phòng không, nhưng vì họ luôn luôn tiến bộ, nên xét thấy không cần thiết phải lập một mạng lưới radar phòng không, vốn đòi hỏi các ăng-ten khổng lồ tương tự như ăng-ten radar Anh của hệ Chain Home.
o O o
Và số thương vong máy bay ném bom Không quân Hoàng gia Anh ngày càng tiếp tục tăng, đã bắt buộc họ phải có thêm nhiều hơn nữa thông tin về radar phòng không Đức, để phát triển biện pháp đối kháng thích hợp có thể vô hiệu hóa hệ thống đó. Vì vậy, để đạt được điều này, trong một vài tháng, tình báo quân Đồng minh cố gắng thu thập thông tin về nó nhiều đến mức có thể. Trên bầu trời nước Đức, để tìm kiếm các ăng-ten radar, thường xuyên có các chuyến bay trinh sát, các tù binh bị thẩm vấn, và tất cả máy bay Đức bị bắn rơi ở Anh, được khám xét kỹ lưỡng từng mảnh xác.
Trong tháng Mười Một năm 1940, từ trên không trung, gần Cherbourg, tại nước Pháp bị chiếm đóng, người ta đã thực hiện chụp được một bức ảnh thú vị. Trên ảnh có một đối tượng chưa biết, không có thể là bất cứ cái gì khác, ngoài radar, nhưng do ảnh được chụp từ một độ cao rất lớn, vật thể đó không thể nhận dạng được. Chỉ trong tháng 2 năm 1941, Không quân Hoàng gia đã chụp được một loạt các hình ảnh ở độ cao đủ thấp, để xác định vật thể bí ẩn này, trên thực tế, đó là ăng-ten của một trong những radar đầu tiên của Đức tên là Freya (nữ thần tình yêu và sắc đẹp của người Scandinavia vùng Bắc Âu), được phát triển từ năm 1939. Chức năng chính của nó là phát hiện máy bay địch ở tầm xa nhất có thể – mà ngày nay chúng ta gọi là phát hiện sớm.
o O o
Radar này hoạt động ở bước sóng 2,5 m, có tầm phát hiện khoảng 160-200 km. Đến khoảng cách tối thiểu là 36 km, radar có thể phát hiện và theo dõi máy bay với độ chính xác khoảng một km rưỡi về cự ly và 1 độ về phương vị. Anten phát của nó gồm một tập hợp lưỡng cực.
Các radar Freya đầu tiên được lắp đặt tại các trạm mặt đất cố định trải dài dọc theo bờ biển phía bắc các nước Pháp, Bỉ và Đức trên các tuyến tiếp cận của máy bay ném bom Không quân Hoàng gia Anh. Để bù đắp cho khuyết điểm của nó phải làm nhiệm vụ phái sinh chỉ huy xạ kích pháo cao xạ PK, xuất phát từ việc hạn chế tầm phát hiện tối thiểu 36 km, người ta thêm vào các radar này các đèn chiếu công suất lớn để chiếu sáng máy bay. Tuy nhiên, phương pháp này quá phụ thuộc vào thời tiết xấu vốn là đặc điểm của khu vực, đặc biệt là những đám mây, do đó ngành công nghiệp Đức đã phải chế tạo một radar khác, đảm bảo cung cấp thông tin chính xác hơn cho việc dẫn bắn pháo cao xạ và máy bay tiêm kích đánh chặn chống các máy bay ném bom của đối phương ở cự ly ngắn.
o O o
Người Anh, biết được tần số hoạt động và các đặc tính khác của radar Freya, bây giờ có cơ hội phát triển biện pháp REP thích hợp để vô hiệu hóa hoặc ít nhất làm giảm hiệu quả của các radar Đức. Ban đầu, khá dễ làm điều đó, vì tất cả các radar Freya đều làm việc trên cùng một tần số (120-130 MHz), tần số đó dễ dàng bị bao phủ bởi máy phát nhiễu Mandrel đang có của người Anh. Máy phát này phát ra tiếng ồn hỗn loạn tại các tần số hoạt động của Freya và do đó làm mù mắt nó. Thiết bị phát nhiễu Mandrel được cài đặt trên một chiếc máy bay đặc biệt đi kèm đội hình chiến đấu của các máy bay ném bom trong các cuộc tấn công của họ, giúp họ thâm nhập vào không phận của Đức. Người Đức đã cố gắng tránh chế áp bằng phương pháp thay đổi liên tục tần số hoạt động, bởi vậy người Anh không chịu thua kém, phải sản xuất một số lượng lớn các loại máy phát nhiễu các loại khác nhau để gây nhiễu các tần số khác nhau.
Trong một thời gian ngắn, tổn thất của người Anh giảm nhẹ, nhưng vào cuối năm 1942, thiệt hại bắt đầu tăng trở lại. Người Đức tạo ra một radar mới, cực kỳ hoàn hảo, gọi là Wurzburg, làm việc ở bước sóng khoảng 50 cm (565 MHz), có tầm xa khoảng 70 km và có khả năng đo lường không chỉ khoảng cách và hướng đến máy bay kẻ thù, mà còn đo cả cao độ của nó. Ngoài ra, nó cũng có một chùm tia rất hẹp, và khi sở hữu tất cả những phẩm chất này, radar có thể cung cấp với độ chính xác cao hơn hai chức năng đặc biệt quan trọng của hệ thống phòng không: hướng dẫn máy bay tiêm kích đánh chặn máy bay ném bom địch và điều khiển xạ kích pháo cao xạ PK.
Bước tiến bộ hơn nữa trong lĩnh vực radar đã được thực hiện, khi người Đức tạo ra một radar mới, gọi là Liechtenstein BC để lắp đặt nó trên các máy bay tiêm kích đánh đêm. Mặc dù nó chỉ có tầm 12 km, nhưng đóng một vai trò rất quan trọng trong hệ thống phòng không tích hợp. Hệ thống mô-đun này bao gồm một số lượng lớn các trạm, mỗi một trong số đó có nhiệm vụ bao quát một khu vực-ô vuông nhất định, mà toàn bộ lãnh thổ của đế chế Đức được phân chia thành các ô vuông như thế. Các trạm này tên gọi Himmelbett (giường giăng màn bốn cọc). Mỗi một trạm trong số đó có một radar Freya, hai radar Wurzburg, một trạm quản lý chỉ huy, một trạm liên lạc. Việc phát hiện ban đầu nhóm máy bay Anh thường do Freya đảm nhiệm, sau đó nó lập tức báo cáo phát hiện của mình về trạm điều hành chỉ huy. Máy bay tiêm kích bay đêm, trang bị radar Liechtenstein BC ngay lập tức được phái lên đánh chặn kẻ thù dưới sự chỉ huy của một trong những radar Wurzburg. Một radar Wurzburg khác bám sát máy bay địch và dẫn bắn cho hỏa lực pháo cao xạ, ngay sau khi máy bay tiến vào cự ly tiêu diệt. Tất cả dữ liệu về các tọa độ và độ cao của máy bay ném bom đối phương và tiêm kích bay đêm đánh chặn được đưa lên một bản đồ đặc biệt, được gọi là “bàn chiến thuật”. Các điều hành viên, sử dụng thông tin của nó có thể làm các tính toán cần thiết để thực hiện cuộc chặn kích. Thông tin về tuyến đường bay, tốc độ và độ cao truyền qua trạm liên lạc thích hợp đến phi công máy bay tiêm kích bay đêm, bằng cách đó được dẫn đến bán cầu sau (задния полусфера – ЗПС) của mục tiêu từ bất kỳ vị trí có thể nào của máy bay anh ta. Khi máy bay tiêm kích Đức ở trong phạm vi một km rười đến hai km cách máy bay địch, trắc thủ trên máy bay bật radar Liechtenstein BC, nó sẽ khóa mục tiêu, đưa đường cho tiêm kích xông đến máy bay địch. Khi máy bay tiêm kích ở trong phạm vi tầm xạ kích, Liechtenstein BC được sử dụng để điều khiển bắn pháo. Từ thời điểm này, cơ hội thoát thân của máy bay ném bom đối phương trở nên rất mờ nhạt.
Hệ thống này làm việc rất tốt và có thể được coi là tiền thân của hệ thống phòng không hiện đại, mặc dù khả năng giới hạn của nó trong việc bám sát chỉ được một mục tiêu duy nhất. Bằng cách triển khai các hệ thống dọc theo bờ biển phía bắc, bắt đầu từ Pháp và tiếp tục về phía đông, một mạng lưới phòng không đã được thiết lập. Ngoài nước Đức, các hệ thống được bố trí ở cự ly cách nhau 32 km, còn trong nước Đức – ở khoảng cách 80 km.
o O o
Đến cuối năm 1942, khi tổn thất máy bay của quân Đồng minh do các máy bay tiêm kích bay đêm Không quân Đức và các khẩu đội pháo phòng không trở nên quá cao, người Anh bắt đầu thường xuyên phái các máy bay trang bị máy gây nhiễu Mandrel đến bờ biển của Đức, để phát nhiễu và gây khó dễ cho việc phát hiện tầm xa của radar Freya. Tuy nhiên, bất chấp tất cả các biện pháp trên, khi tổn thất của họ không hề giảm, họ mới rõ rằng sự thành công của phòng không Đức phụ thuộc không chỉ vào Freya radar, hay radar phối hợp Wurzburg, về điều này thì người Anh không có thông tin đầy đủ, nên không có khả năng chế áp.
Đồng thời, người Đức quyết định cố gắng tìm cách bảo vệ radar Wurzburg chống lại sự gây nhiễu của đối phương. Họ quyết định liên tục thay đổi tần số hoạt động, nhưng nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều so với dự kiến, vì để làm điều đó cần giải quyết những vấn đề kỹ thuật đáng kể. Tuy nhiên, họ đã phát triển thành công một hệ thống luân phiên thay đổi ba tần số hoạt động cho radar Wuirzburg.
Trong khi đó, tình báo Anh phát hiện gần Le Havre, trên đất Pháp bị chiếm đóng, một tổ hợp radar, một radar được xác định chắc chắn là Freya, trong khi hai radar khác được coi chính là loại mà máy bay ném bom Anh phải đối mặt – radar Wurzburg. Vì người Anh hoàn toàn không biết các đặc tính của radar (tần số, độ rộng xung, v.v), do đó họ không thể tìm được REP thích hợp, họ không có sự lựa chọn nào ngoài việc đánh chiếm nó.
Vào đêm ngày 27 sang ngày 28 tháng 2 năm 1943, tại trạm radar Bruneval, gần Le Havre, một nhóm lính nhảy dù được thả xuống, nhiệm vụ của họ là đưa về Vương quốc Anh những thành phần chính của radar Wurzburg. Lính nhảy dù, vận đồ đen, mặt dính đầy bụi than, đã thành công trong việc đột nhập vào trạm radar, và sau khi giết chết đội bảo vệ, họ tháo dỡ radar Wurzburg. Ngay sau khi chiến dịch hoàn thành, nhóm tiến ra bờ biển, nơi câch bờ một vài dặm, tàu ngầm đã chờ đợi họ. Tàu ngầm cần phải đưa người và số hàng hóa kỳ lạ của họ về Vương quốc Anh. Ngay sau khi các chuyên gia Anh nhận được trong tay mình các bộ phận này, họ lập tức bắt tay phát triển biện pháp đối kháng để vô hiệu hóa Wurzburg.
Một đêm tháng 5 năm 1943, một chiếc Junkers Đức Ju88R-1, có phi hành đoàn quyết định đào ngũ, máy bay của họ hạ cánh xuống một sân bay Anh. Đó là một thành công bất ngờ với người Anh, họ lập tức bắt đầu nghiên cứu radar của Ju88. Thậm chí họ còn tổ chức một chuyến bay thử nghiệm – tấn công trên không máy bay ném bom Anh Handley – Page Halifax. Theo cách này, họ nhận được rất nhiều thông tin hữu ích, quan trọng nhất trong số đó là radar có ăng-ten khẩu độ mở bị hạn chế – chỉ 25 độ. Trận chiến mô phỏng với máy bay ném bom Halifax cho thấy việc chuyển sang bổ nhào thoải sẽ ngắt được việc radar Đức bám sát máy bay ném bom.
o O o
Người Đức, đến lượt mình, không ngủ yên trên vinh quang của họ, cũng tìm cách vô hiệu hóa radar của Anh bằng cách sử dụng nhiễu điện tử. Họ tạo ra thiết bị gây nhiễu đối với từng loại radar Anh, bao gồm cả radar dẫn bắn.
Chẳng bao lâu, quân Đồng minh nghĩ ra một máy gây nhiễu mới được gọi là Carpet (Tấm thảm), loại máy này cuối cùng đã có thể chế áp được radar Wurzburg của Đức. Đầu tiên, nó được lắp trên các máy bay ném bom Mỹ Boeing B-17, và nhờ có hệ thống chiến tranh điện tử mới, tổn thất của máy bay ném bom quân Đồng Minh bắt đầu giảm ngay và giảm dần liên tục: trong vụ ném bom Bremen của Tập đoàn quân Không quân Mỹ số 8, tổn thất của Đồng Minh giảm 50 %.
Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất đối với Luftwaffe vẫn còn chưa tới. Chiều tối ngày 24 tháng 7 năm 1943, các trạm radar của Đức tại Ostend phát hiện một nhóm máy bay Anh tiếp cận từ hướng Biển Bắc. Radar Wurzburg ở Hamburg, cũng phát hiện một nhóm địch và báo về ban tham mưu Bộ chỉ huy tương ứng: “máy bay đối phương đang tiếp cận ở độ cao 3300 mét”. Đó là sự quan sát mục tiêu cuối cùng của họ, vì đột ngột số lượng các tín hiệu phản hồi của các mục tiêu trên màn hình toàn bộ các radar Wurzburg tăng lên mà không tỉ lệ tương xứng với nhau trước sự sửng sốt của các khai thác viên, họ không thể hiểu có thực hàng ngàn máy bay đang tham gia cuộc không kích này hay không. Cuối cùng, họ báo cáo rằng radar của họ không hoạt động đúng và yêu cầu được hướng dẫn.
Trong khi đó, một nhóm máy bay quân Đồng minh đã bay gần đến vùng ngoại ô Hamburg, vì các khẩu đội PPK và các phi đội tiêm kích không thể đối phó với mối đe dọa do thiếu lệnh hướng dẫn của radar Wurzburg. Như thể bị bịt mắt một phần, người Đức không thể hiểu rằng một nhóm lớn gồm 718 máy bay ném bom hai động cơ và 73 máy bay ném bom bốn động cơ, không cần bất kỳ sự hộ tống nào, đã bay đến trung tâm thành phố. Bộ chỉ huy Phòng không Hamburg, bối rối vì thiếu thông tin, cần để cho phép họ có ra lệnh khai hỏa hệ thống PK của mình hay không, và để không đưa ra xác nhận tính hiệu quả của biện pháp đối kháng điện tử của đối thủ của mình, họ dã ra lệnh bắn mù vào các máy bay ném bom. Tuy nhiên, đối phương sau khi đến được mục tiêu của họ, đã hoàn thành thành công một trong những cuộc không kích khủng khiếp nhất trong lịch sử.
Đó là một phương tiện đơn giản nhưng hiệu quả của đối kháng điện tử, lần đầu tiên được sử dụng chống lại radar Wurzburg – Window. Phương tiện đối kháng điện tử này nằm ở chỗ ném khỏi máy bay những lá kim loại mỏng có chiều dài nhất định. Để chế áp có hiệu quả radar đối phương, chiều dài của dải lá phải phù hợp với nửa bước sóng hoạt động của radar. Các bó giấy kim loại sau đó mở tung, dải lá kim loại tạo ra tín hiệu đáp ứng của các mục tiêu trên các màn hình radar và che dấu các tín hiệu phản xạ của các máy bay thật hay mô phỏng sự hiện diện của một số lượng lớn kẻ địch. Các trắc thủ radar hoàn toàn bối rối bởi vô số chấm sáng nhấp nháy xuất hiện trên màn hình radar và không thể xác định số lượng và vị trí của số máy bay đối phương đang tới gần.
Người Anh suy nghĩ về phương tiện đối kháng này cả năm trước đây, ngay sau cuộc đột kích commando của họ vào Le Havre, trong đó một số thành phần radar Wurzburg đã bị thu giữ. Tuy nhiên, một thời gian họ ngần ngại áp dụng vì sợ rằng nó sẽ rơi vào tay kẻ thù, và có thể được sử dụng chống lại chính họ. Cuối cùng, Winston Churchill phải đích thân ra lệnh sử dụng trong cuộc không kích vào Hamburg dự kiến vào tháng 7 năm 1943. Mệnh lệnh của Không quân Hoàng gia về việc sử dụng phương tiện đối kháng điện tử này là đưa ra một câu điều kiện: “Hãy mở cửa sổ (window)” và vì vậy sau này, dải lá kim loại được gọi là cửa sổ, nhưng người Mỹ gọi chúng là “chaff” (“trấu”) (trong thuật ngữ tiếng Nga chúng ta gọi nó là lưỡng cực hay phần tử phản xạ chống radar (PRLO – противо-радиолокационными отражателями – ПРЛО). Từ đây về sau sẽ viết tắt là PRLO. Ghi chú của bản dịch tiếng Nga) – một thuật ngữ mà bây giờ được dùng để chỉ những phương tiện REP thụ động.
o O o
Phương pháp đối kháng điện tử này đảm bảo thành công lớn cho cuộc không kích Hamburg. Bị hoảng loạn bởi quá nhiều tín hiệu giả trên màn hình radar của họ, các khẩu đội PPK Đức không thể khai hỏa, còn các máy bay tiêm kích không còn nhận được lệnh từ mặt đất. Các yếu tố khác góp phần vào thắng lợi của quân Đồng minh là điều kiện thời tiết tuyệt vời trong ngày hôm đó, sự rõ ràng của hình ảnh trên màn hình radar H2S của họ, do có sự tương phản rõ rệt giữa các tín hiệu phản xạ từ mặt đất và từ mặt nước cửa sông Elbe.
Mức độ tàn phá và thiệt hại về người do các cuộc không kích của Anh xuống Hamburg rất lớn. Chỉ trong hai tiếng rưỡi đồng hồ, 2.300 tấn bom đã trút xuống cảng và trung tâm thành phố. Đám cháy bùng lên rất mạnh biến thành một quả cầu lửa hút rất nhiều oxy, gây ra những trận gió rất mạnh kéo bật rễ cây, quét các vật và người xuống biển.
Trong số 791 máy bay ném bom tham gia cuộc không kích, chỉ có mười hai chiếc không trở về, một tỷ lệ tổn thất máy bay ít hơn một phần ba so với tổn thất trung bình trong các cuộc không kích ban đêm gần đây nhất vào nước Đức. Ngoài ra, sự hỗn loạn phát sinh trong hệ thống phòng không của Đức, cho phép người Anh đánh bom thành phố với độ chính xác lớn hơn bao giờ hết. Cuộc ném bom Hamburg, chắc chắn là cuộc không kích thành công nhất từng thực hiện của các máy bay ném bom Không quân Hoàng gia và thành công của nó trên một mức độ đáng kể thuộc về việc sử dụng biện pháp đối kháng điện tử đơn giản nhưng hiệu quả, đó là việc áp dụng các dải lá kim loại thông thường!
Đáng ngạc nhiên, nhưng lần đầu tiên ý tưởng áp dụng các lá kim loại cho mục đích này được chính người Đức đưa ra. Họ đã phát triển nó trong quá trình nghiên cứu radar nhiều năm trước khi chiến tranh bắt đầu. Khi Hitler đã được thông báo về khả năng sử dụng dải lá kim loại, mà người Đức gọi là Duppel, ông ta liền ra lệnh chấm dứt nghiên cứu và tiêu hủy tất cả các tài liệu kỹ thuật. Cũng như người Anh, ông ta sợ rằng các công cụ mới để đối kháng điện tử lại rơi vào tay kẻ thù và chúng có thể bị sao chép. Do đó, hệ thống cứ điểm phòng thủ đường không của Hamburg bị bất ngờ khi phương tiện này được sử dụng. Kể từ cái đêm khủng khiếp, giết chết hàng chục ngàn người, không ai có ý tưởng dù là nhỏ nhất về những gì thực sự đã xảy ra, và thậm chí cả các sĩ quan cấp cao của Bộ Tư lệnh Phòng không Đức, được báo cáo về điều đó, đã ra lệnh: “Đừng chạm vào những dải kim loại đó, nó có thể tẩm chất độc đấy”.
Phải mất một thời gian dài trước khi người Đức nhận ra rằng vật thể lạ rơi xuống như mưa từ trên trời, là một công cụ đơn giản để đánh lừa radar và hệ thống dẫn đường. Ít nhất là hai mươi lăm dải là đủ để tạo ra một tín hiệu đáp ứng tương đương tín hiệu phản xạ của máy bay trên màn hình radar; một cách ngẫu nhiên là phần lớn radar Đức hoạt động ở các tần số từ 550 MHz đến 570 MHz là những radar dễ bị nhiễu nhất, do đó để tạo nhiễu cho chúng chỉ cần số lượng tối thiểu dải lá kim loại. Trong thời gian cuộc không kích Hamburg, mỗi chiếc máy bay được giao vai trò đó, đã thả xuống hai tấn PRLO – tổng cộng 2.000 lá PRLO trong một phút!
Sau hai đêm cuộc không kích Hamburg được lặp lại, sau đó tiếp đến các cuộc không kích các thành phố lớn khác của Đức, và trong tất cả các cuộc ném bom đó đều sử dụng biện pháp đối kháng điện tử mới. Trong sáu cuộc không kích đầu tiên đã có 4.000 phi vụ được thực hiện, tổn thất chỉ là 124 máy bay ném bom (3 % tổng số), thấp hơn nhiều so với tổn thất phải chịu trong các cuộc không kích trước đó. Sau vài tháng, tướng Wolfgang Martini, người lãnh đạo ngành TTLL Không quân Đức, thừa nhận rằng thành công về mặt chiến thuật của kẻ thù là tuyệt đối.
o O o
Tuy nhiên, như luôn luôn xảy ra trong TCĐT, điêu đó sẽ sớm chấm dứt. Một thời gian ngắn sau khi cú sốc ban đầu đã trôi qua, người Đức tìm ra cách giải quyết vấn đề mới. Sau một thời gian, các trắc thủ khai thác radar có kinh nghiệm nhận thấy có thể phân biệt các tín hiệu phản hồi từ máy bay ném bom với các tín hiệu cửa sổ, vì máy bay bay với tốc độ không đổi theo một hướng nhất định, còn dải nhiễu dường như cố định trên màn hình radar. Người Anh trả đũa bằng cách ném một số lượng lớn dải nhiễu lá kim, điều đó hoàn toàn phủ kín màn hình radar của đối phương.
Tại thời điểm này, người Đức quyết định tự mình sản xuất những dải lá kim vô giá ấy, và sáu tuần sau khi cuộc ném bom Hamburg, họ sử dụng chúng với kết quả cực tốt trong một cuộc không kích của các máy bay ném bom của mình xuống một căn cứ không quân Anh.
Ngoài ra, khi cố gắng nâng cao hiệu quả hệ thống phòng không, người Đức đã đưa ra một loạt phương tiện khác để thực hành phản-đối kháng điện tử (phản-REP). Một số trong đó sử dụng phương pháp phân biệt tín hiệu phản hồi từ máy bay với tín hiệu phản xạ từ các vật kim loại khác. Mặt khác họ sử dụng rộng rãi thiết bị cho phép radar thay đổi tần số hoạt động, ngay khi nó vừa dính nhiễu của đối phương. Và trong cùng một hệ thống còn sử dụng hiệu ứng Doppler: sự thay đổi tần số của tín hiệu, xảy ra do sự chuyển động tương đối của máy thu với nguồn tín hiệu, do đó cho phép tính toán vận tốc xuyên tâm của mục tiêu. Trong trường hợp này, người Đức chuyển từ chế độ “video” sang chế độ “âm thanh”, thay thế màn hình radar sang tai nghe, thông qua đó các phi công máy bay tiêm kích đánh đêm có thể nghe thấy âm thanh cụ thể phát ra từ radar đối phương. Hệ thống này phản ánh sự biến đổi tốc độ của máy bay đối phương qua sự thay đổi tín hiệu âm thanh, và các trắc thủ khai thác có thể phân biệt ngay cả việc máy bay địch đang làm gì – bổ nhào hay kéo cao.
Những thiết bị này được thiết kế để vô hiệu hoặc làm giảm hiệu quả của REP, được gọi là phương tiện phản REP. Hiện nay, trong mỗi radar quân sự về mặt cấu trúc đều có một số biện pháp phản REP có sẵn; điều này thường được thực hiện bằng chuyển mạch mục tiêu-góc của radar, hoặc thay đổi các tham số của nó (tần số, các tham số xung, v.v.). Ngày nay, rất nhiều phương pháp phản-đối kháng điện tử đang được sử dụng, và số lượng của chúng là vô hạn, vì đối với mỗi biện pháp đối kháng điện tử đều có một biện pháp phản đối kháng, còn đối với mỗi biện pháp phản đối kháng điện tử lại có một biện pháp phản-phản-đối kháng khác, và cứ như vậy.
o O o
Tuy nhiên, mặc cho tất cả các biện pháp được người Đức thực hiện để khắc phục tình hình, đêm này qua đêm khác, các thành phố của họ liên tục bị Bộ chỉ huy Không quân ném bom Không lực Hoàng gia phá hủy. Trong suốt mùa hè năm 1943, việc các máy bay ném bom Đồng minh sử dụng Window với cường độ cao trên thực tế đã làm tê liệt hệ thống phòng không của Đức vào ban đêm, và trong điều kiện tầm nhìn kém, khi nó chủ yếu dựa vào radar Wurzburg. Do đó, các trí tuệ siêu việt nhất của nước Đức trong lĩnh vực điện tử đã được huy động làm công việc phát triển các phương pháp khôi phục tính hiệu quả của hệ thống phòng không của họ.
Cần phải phát triển một radar mới hoạt động ở tần số khác nhiều so với các tần số hoạt động của các radar Wurzburg và Liechtensrein BC ở trong các băng tần liền kề để tránh sự chế áp của các phương tiện REP của quân Đồng minh như các thiết bị chủ động (máy phát nhiễu Carpet), và thụ động (Window). Các nghiên cứu được tiến hành với một tốc độ khủng khiếp, vì mỗi ngày và đêm mất đi có nghĩa là lại có thêm sự hủy diệt của một thành phố nước Đức.
Trong tháng 10 năm 1943, một mẫu thiết bị mới đã sẵn sàng và trong những ngày đầu năm 1944 một radar mới, gọi là Liechtenstein SN2, đã được cài đặt trong gần như tất cả các máy bay tiêm kích đánh đêm của Đức. Nó làm việc ở bước sóng 3,3 m, tương ứng với tần số khoảng 90 MHz, thấp hơn so với tần số hoạt động của cả radar Liechtenstein BC và radar Wurzburg một cách đáng kể. Và mặc dù nó có kích thước ăng ten lớn hơn nhiều, khá cồng kềnh, song nó có một lợi thế rõ rệt – góc quét quan sát là 120 độ theo hướn; chiều rộng như vậy của chùm tia radar đảm bảo gia tăng sức mạnh của radar, làm cho nó không cần thiết bức xạ định hướng. Bây giờ, các máy bay ném bom của Anh gần như không thể thoát sau khi bị radar phát hiện, nhưng lợi thế lớn nhất của chùm tia rộng của radar nằm ở chỗ các máy bay tiêm kích Đức bây giờ đã có thể theo dõi máy bay ném bom của đối phương mà không cần dẫn đường, ngay lập tức sau khi nhận thông tin về thành phần các nhóm địch và tuyến đường bay gần đúng của nó.
Việc phát hiện các máy bay ném bom đối phương dễ dàng hơn nhờ hai yếu tố: tầm xa đặc biệt của radar mới là 64 km và thực tế là các máy bay ném bom Anh gần đây đã chuyển sang một chiến thuật mới để tiếp cận mục tiêu, cách tiếp cận này quả thật đã làm cho việc phát hiện ra chúng bởi hệ thống mới của Đức đơn giản hơn nhiều. Biết rằng hệ thống phòng không của quân Đức chỉ có thể đồng thời theo dõi một máy bay, họ đã quyết định bay liền sau nhau thay vì sử dụng đội hình bậc thang như họ đã làm trước đây. Nhưng các nhóm lớn như vậy có thể bị phát hiện từ mặt đất thậm chí khi không có radar.
Nhờ radar mới, chiến thuật phòng không của quân Đức đã được sửa đổi và cập nhật hoàn toàn, vì việc phòng thủ khu vực, phụ thuộc cứng nhắc vào dẫn đường của radar mặt đất, đã có thể bỏ qua. Bây giờ, các trạm kiểm soát chỉ huy mặt đất chỉ cần dẫn hướng các máy bay tiêm kích tới nhóm địch, sau đó tiêm kích có thể tự thân hoạt động. Họ từ phía sau tiếp cận với nhóm máy bay ném bom của đối phương và bắt đầu “cuộc tàn sát” các máy bay ném bom xấu số của quân Đồng minh. Trước đó, sau khi vượt qua bức tường radar phòng không, các máy bay ném bom phải tranh đua chỉ với pháo cao xạ phòng không bảo vệ khu vực mục tiêu; nhưng giờ đây chúng liên tục bị đe dọa tấn công trong suốt quá trình bay đến mục tiêu, bắt đầu từ Bỉ và Hà Lan và ngược lại – cho đến Biển Bắc, sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
o O o
Sự tiến bộ của người Đức trong lĩnh vực điện tử chưa kết thúc. Máy bay tiêm kích được trang bị radar Liechtenstein SN2, và cả các RWR mới. RWR – là thiết bị có chức năng phát hiện bức xạ radar; nó thu nhận tín hiệu radar, nhưng bản thân không phát xạ. Công việc của RWR trên máy bay có thể so sánh với công việc của RWR Metox, hồi đầu chiến tranh được lắp đặt trên các tàu mặt nước và tàu ngầm Đức. Như đã đề cập ở trên, nó có hai lợi thế quan trọng đối với radar: đầu tiên nó là hệ thống hoàn toàn thụ động không phát ra năng lượng điện từ, không có khả năng phát lộ sự hiện diện của nó cho đối phương; và thứ hai, nó có tầm hoạt động lớn hơn so với radar. vì thế nó sẽ thu được bức xạ radar của đối phương sớm hơn là đối phương có thể thu nhận các tín hiệu phản hồi từ vật mang, mà trên đó lắp đặt RWR. Trên thực tế, điều này có nghĩa là các máy bay tiêm kích Đức có thể thu được bức xạ radar máy bay ném bom quân Đồng minh ở khoảng cách gần gấp hai lần so với cự ly radar trên máy bay ném bom có thể phát hiện máy bay tiêm kích Đức. Do đó, các máy bay tiêm kích có thời gian dự trữ lớn hơn để lên kế hoạch tấn công của mình. RWR cũng có thể dẫn đường máy bay tiêm kích tới nhóm máy bay địch, vì mặc dù nó không có khả năng đo khoảng cách tới radar của đối phương, nhưng vẫn đưa ra được khá chính xác hướng mà từ đó thu được bức xạ. Ngoài ra, do hoàn toàn thụ động, RWR không nhạy cảm với nhiễu tạo ra bởi các dải lá kim loại, vốn gây rất nhiều rắc rối trong các trường hợp khác!
Đến đầu năm 1944, Đức đã có hai loại RWR trên các máy bay-tiêm kích của họ. Đầu tiên, radar Naxos, có thể thu được bức xạ radar Anh H2S. Vì radar H2S, tại thời điểm đó chỉ được cài đặt trên các máy bay chuyên dụng của lực lượng Dò đường Pathfinder (PFF-Pathfinder Force) ( lực lượng tìm kiếm đường tiếp cận mục tiêu) thuộc Không quân Hoàng gia, có nhiệm vụ đánh dấu mục tiêu cho các máy bay ném bom bằng pháo sáng, bom phốt pho (lân tinh), Naxos dẫn đường cho máy bay tiêm kích Đức đến thẳng chặn các máy bay trên, loại đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược của người Anh.
RWR Đức thứ hai – Flensburg, được điều chỉnh để thu nhận bức xạ của một loại radar máy bay Anh khác – radar Monica, được cài đặt trong phần đuôi máy bay ném bom Không quân Hoàng gia và cung cấp cảnh báo về sự tiếp cận của máy bay tiêm kích đối phương ở bán cầu sau, điều đó cho họ thời gian để thực hiện động tác cơ động phòng thủ thích hợp. Người Đức tìm thấy một trong những hệ thống radar này trong đống xác của máy bay ném bom Anh bị họ bắn rơi, và đi đến ý tưởng tuyệt vời sử dụng bức xạ của nó để tạo ra không nhiều hơn cũng không ít hơn một cách bám vào đuôi máy bay ném bom của người Anh!
RWR Flensburg đúng ra là một hệ thống tự dẫn đường, có thể dẫn máy bay tiêm kích xộc thẳng vào đuôi đối thủ, nơi đặt radar của họ. Flensburg bao gồm bộ máy thu-so sánh và hai ăng-ten giống hệt nhau được lắp đặt trong đuôi máy bay tiêm kích cách nhau góc 60 độ. Khi ăng-ten trái nhận được tín hiệu và RWR hiển thị nó trên mà chỉ thị của mình, đó chính là nó cho biết rằng máy bay ném bom đang ở bên trái máy bay tiêm kích (khu trục), và nếu ăng-ten bên phải nhận được tín hiệu, có nghĩa là máy bay ném bom ở bên phải. Khi hai ăng-ten đều thu nhận được tín hiệu có cường độ bằng nhau, điều này có nghĩa rằng máy bay ném bom kẻ thù ở ngay trước mặt. Với một thiết bị vô tuyến điện tử đặc biệt như vậy, Không quân Đức, lần đầu tiên, đạt được những kết quả to lớn.
Năm 1944, sự phá hủy hoàn toàn Berlin được ngăn chặn, điều đó trên một mức độ lớn chính là nhờ sự tiến bộ của người Đức trong lĩnh vực điện tử. Hiệu quả của các máy bay tiêm kích đánh đêm của Đức được hỗ trợ bởi LLPPK được tổ chức tốt, không cho phép Không quân Hoàng Gia Anh gây ra sự tàn phá lớn ở quy mô khủng khiếp như sự tàn phá thành phố cảng Hamburg.
o O o
Trong thời gian này, tổn thất của Không quân Hoàng gia tăng đáng kể, còn tinh thần chiến đấu giảm đáng kể. Nhiều người trong số các phi công tốt nhất của Anh đã kiệt sức nghiêm trọng và thường xuyên, với những nguy hiểm không đáng kể hoặc khi phải đối mặt với khó khăn, thả bom trên biển hoặc trên đồng trống. Nghe tiếng ồn không thể lay chuyển của máy bay tiêm kích đang tiếp cận, các xạ thủ trên không hoảng sợ bắt đầu thiêu đốt tất cả những gì tưởng tượng ra, và đôi khi do nhầm lẫn, họ bắn hạ máy bay của quân mình.
Tình trạng hỗn loạn như thế đạt đến đỉnh cao trong các đêm từ ngày 30 sang ngày 31 tháng 3 năm 1944 khi các máy bay tiêm kích Đức, được các RWR của mình dẫn đường, tấn công một nhóm máy bay ném bom của Không quân Hoàng gia trên bâif trời Brussels và buộc họ phải bước vào một cuộc không chiến, kéo dài suốt đoạn đường đến Nuremburg – mục tiêu không kích, và trên toàn bộ đoạn đường trở lại. Quân Đồng minh bị mất 95 trong tổng số 795 máy bay ném bom tham gia cuộc không kích, còn 71 máy bay khác quay trở lại sân bay của mình với nhiều vết thương nặng, 12 chiếc khác gặp nạn khi hạ cánh. Kết quả cuối cùng – tổn thất 115 máy bay ném bom và 800 thành viên phi hành đoàn giàu kinh nghiệm. Đó là một thắng lợi lớn cho người Đức; một trong các phi công bắn rơi bảy máy bay ném bom, nhiều người khác – bắn hạ từ hai đến ba đối thủ. Chiến thắng này phần lớn có thể được giải thích nhờ tính ưu việt của nước Đức trong giai đoạn này của cuộc chiến tranh trong lĩnh vực tác chiến điện tử (REB).
Hoàn cảnh đối với Không quân Hoàng gia trở nên ngày càng tồi tệ và tồi tệ hơn cho đến khi thành công không bất ngờ đổ xuống đầu họ và họ không có được cơ hội sửa chữa tình hình bằng sự trả đũa điện tử tương ứng. Vào rạng sáng ngày 13 tháng 7 năm 1944, một trong những máy bay tiêm kích đánh đêm của Đức hiện đại nhất – Junkers Ju 88G-1, do lỗi hệ thống định vị dẫn đường đã bay lạc và hạ cánh xuống đất Anh. Nó được trang bị các thiết bị điện tử mới nhất (radar SN2, radar cảnh báo sớm Flensburg và một số đài liên lạc vô tuyến điện mới rất hiệu quả), ngoại trừ radar cảnh báo sớm RWR Naxos, mà may mắn thay cho người Đức, vẫn chưa được cài đặt trên máy bay này. Các chuyên gia người Anh ngay lập tức bắt tay kiểm tra kỹ lưỡng tất cả các thiết bị trên máy bay và rất lo lắng khi họ nhận ra nhiệm vụ của Flensburg. Thay vì bảo vệ các máy bay ném bom chống lại máy bay khu trục của đối phương, các radar được lắp đặt ở đuôi máy bay lại thu hút chúng như một miếng thịt thu hút lũ ruồi và tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi cho chúng tấn công họ.
Để xua tan sự hoài nghi của Bộ Chỉ huy Không quân Hoàng gia, các chuyến bay thử nghiệm đã được tổ chức, trong đó bảy mươi máy bay ném bom cùng loại Lancaster, mỗi chiếc trong số đó được trang bị một radar đuôi, được lệnh mô phỏng một cuộc không kích vào đất Đức tương tự như nhiệm vụ quân sự thực. Khi một máy bay chiến đấu Ju88, điều khiển bởi phi hành đoàn Anh, cất cánh, tất cả các máy bay ném bom được lệnh phải bật thiết bị điện tử của mình. RWR Flensburg có thể phát hiện bức xạ radar Anh ở cự ly gần 80 km và không bật radar riêng của mình, Ju88 đã có cơ hội tiến vào đuôi các máy bay ném bom Lancaster và chiếm vị trí thuận lợi nhất để nổ súng. Nghi ngờ về hiệu quả của Flensburg đã tan biến và toàn bộ thiết bị radar nhanh chóng được gỡ bỏ khỏi các máy bay ném bom Không quân Hoàng gia.
Trong khi đó, một số lượng lớn dải lá kim loại đã được sản xuất, chúng được cắt sao cho phù hợp với bước sóng của radar Liechtenstein SN2 và từ cuối tháng 7 năm 1944 đã được áp dụng. Việc sử dụng Window mới và gỡ bỏ các radar đuôi máy bay, đã làm cho tổn thất của người Anh trong các cuộc không kích đêm trên đất Đức bắt đầu giảm đáng kể.
Khi đó, người Đức cố gắng tìm giải pháp kỹ thuật khác để làm giảm nhiễu tạo ra bởi Window, chẳng hạn như sửa đổi ăng-ten radar của họ. Khi người Anh biết điều này, họ bắt đầu sử dụng các dải kim loại rất dài (đến 120 mét) gắn liền với một chiếc dù nhỏ, mỗi dải kim loại có thể mô phỏng tín hiệu phản hồi của một chiếc máy bay lớn. Người Đức đã buộc phải sửa đổi radar của họ một lần nữa, cố gắng để thoát khỏi tác động của các phương tiện đối kháng điện tử mới của Vương quốc Anh.
Đồng thời, chiến tranh tiếp diễn, người Đức bắt đầu trải nghiệm một loạt các vấn đề khác nhau: tổn thất ngày càng tăng của các phi công dũng cảm và giàu kinh nghiệm của họ, những khó khăn của việc đào tạo người mới bù cho những người đã mất và sự thiếu hụt nhiên liệu ngày càng tăng.
Trong lúc đó, người Anh đang ngày càng bị thuyết phục rằng cần dồn mọi nỗ lực để vô hiệu hóa các thành phần điện tử của hệ thống PK Đức. Để làm điều này, họ xây dựng một phi đội máy bay đặc biệt, chủ yếu là Short Stirling với thiết bị gây nhiễu Mandrel trên máy bay, có khả năng gây nhiễu radar cảnh báo sớm Freya. Máy bay Short Stirling cũng mang một số lượng lớn các PRLO Window, cho phép chúng, đơn độc hoặc theo từng cặp, tạo ra trên màn hình radar của kẻ thù các tín hiệu phản xạ giả sự hiện diện của một nhóm lớn máy bay ném bom. Điều đó sẽ đánh lạc hướng sự chú ý của hệ thống PK Đức khỏi các máy bay ném thực, đã tiến hành một cuộc ném bom trên một đối tượng khác.
Tuy nhiên, cho đến khi kết thúc chiến tranh, ngành công nghiệp Đức đã có thể bắt kịp với người Anh, khi tạo ra hai hệ thống radar mới, mà các phương tiện đối kháng điện tử của phe Đồng minh chống lại nó không hiệu quả. Hệ đầu tiên gọi là Neptun và có thể được cấu trúc lại để làm việc trên một trong sáu tần số từ 158-187 MHz – ở các bước sóng dài tương ứng từ 1,9 đến 1,6 m, mà không thể gây nhiễu nhờ PRLO Window. Radar thứ hai, được gọi là Berlin, vào thời của mình, là một phát minh mang tính cách mạng và làm việc trong dải bước sóng cm. Ăng-ten của nó không còn là một hệ thống phức tạp các lưỡng cực được lắp đặt ở một khoảng cách nhỏ với vỏ máy bay, còn có một ăng-ten parabol được lắp đặt trong phần mũi máy bay. Tuy nhiên, cho đến khi chiến tranh kết thúc mới chỉ có một vài mẫu của radar này được ra đời.
Các máy bay Đức Junkers 88G-7b được trang bị radar Neptun, cũng như thiết bị có thể phân biệt máy bay địch-ta, là tiền thân của hệ thống nhận dạng quốc tịch, hiện đang được cài đặt trên tất cả các máy bay chiến đấu hiện đại, và có thể phân biệt máy bay địch với máy bay mình. Chúng cũng được trang bị radar vô tuyến đo cao, la bàn vô tuyến, máy thu dẫn đường an toàn, máy in mã Morse đơn giản tọa độ máy bay truyền về cho trạm mặt đất, thiết bị cho máy bay hạ cánh và hai đài vô tuyến mới băng sóng ngắn KV và cực ngắn UKV. Vì radar Neptun được xây dựng trên cơ sở bức xạ định hướng và công suất lớn, còn các tín hiệu của máy thu-teletype “thông qua” rất tốt nhờ sử dụng mã Morse, các hệ thống này rất bền vững trước sự chế áp. Máy bay kiểu Junkers Ju88G-7b cũng được trang bị RWR Naxos, còn RWR Flensburg được thay thế bằng máy tầm phương nhiệt Kiel, loại này phản ứng với bức xạ hồng ngoại của các “điểm nhiệt” – ống xả động cơ các máy bay địch.
Trong những tháng cuối của cuộc chiến tranh, hai bên bắt đầu sử dụng các thủ đoạn dưới dạng các mục tiêu giả. Radar không thể xác định hình thức và đặc tính của đối tượng phát hiện, do đó chỉ có thể sử dụng các vật kim loại khác nhau để tạo ra các tín hiệu giả, mà trong một số trường hợp nhất định sẽ được coi là các máy bay thực, tàu biển thực v.v.
Người Đức sử dụng nhiều mục tiêu giả ở khu vực Berlin để ngăn chặn sự phá hủy hoàn toàn thủ đô của họ. Trong các hồ ở gần đó họ bố trí một số lượng lớn các mục tiêu bằng kim loại, hy vọng đánh lừa các máy bay ném bom của quân Đồng Minh, những người sử dụng radar H2S để ném bom mù.
Những phương tiện khác tinh vi hơn đã được cả hai bên sử dụng trong giai đoạn cuối chiến tranh. Trên bầu trời nước Đức diễn ra một cuộc đấu tranh liên tục giữa radar, đối kháng điện tử, và phản đối kháng điện tử. Chắc chắn, nó là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất của cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Hai và xét từ quan điểm khoa học, khi cả hai đối thủ không vượt được nhau trong sự hoàn thiện về kỹ thuật, và xét từ quan điểm ứng dụng tác chiến, trong đó hai bên đã chiến đấu với longg quyết tâm tuyệt vọng, lòng can đảm và những kinh nghiệm tuyệt vời.
Sau khi Hoa Kỳ tham gia Chiến tranh Thế giới II, số lượng máy bay tham gia vào mỗi chiến dịch quân sự đã tăng lên đáng kể. Trong những tháng cuối cùng của chiến tranh, nước Đức đã bị ném bom dữ dội hàng ngày với không ít hơn 1.000 máy bay ném bom được hộ tống bởi 600-700 máy bay tiêm kích, còn ban đêm – gần như cùng một số lượng như vậy các máy bay ném bom của Không quân Hoàng gia.
o O o
Cuộc đối đầu giữa bản thân các máy bay tiêm kích, chiến thuật đánh đêm và đánh ngày, tổ chức và hiệu quả của hệ thống phòng không, những cải tiến liên tục trong lĩnh vực phát hiện, công tác dẫn đường và chỉ huy mặt đất là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả của cuộc chiến tranh, mà kết quả không rõ ràng cho đến tận ngày cuối cùng của nó. Thiệt hại máy bay trên đất Đức của quân Đồng minh đặc biệt lớn; người ta tính rằng tổn thất nằm trong khoảng 12-15.000 máy bay.
Cũng như trong Trận chiến nước Anh, cuộc đấu tranh giữa radar và đối kháng điện tử đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các chiến dịch đường không trên bầu trời nước Đức, lần đầu tiên có lợi cho một bên, sau đó lại là bên khác, nếu đánh giá theo hiệu quả của việc áp dụng các thiết bị điện tử mới và sử dụng các yếu tố bất ngờ để bắt kẻ thù trở thành không vũ khí.
Chiến Tranh Vô Tuyến Điện Tử (Từ Eo Đối Mã Đến Liban Và Quần Đảo Falkland) Chiến Tranh Vô Tuyến Điện Tử (Từ Eo Đối Mã Đến Liban Và Quần Đảo Falkland) - Mario De Arcangelis Chiến Tranh Vô Tuyến Điện Tử (Từ Eo Đối Mã Đến Liban Và Quần Đảo Falkland)