Reading means borrowing.

Georg Christoph Lichtenberg, Aphorisms

 
 
 
 
 
Tác giả: Bích Thủy
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1926 / 13
Cập nhật: 2015-11-06 01:31:44 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 16
ới xô cửa bước vào, bà Ba đã sững người đứng nhìn: ông Cả, cặp kính lão hất ngược trên trán, đang lúc lắc củ cà rốt trên đầu một đứa bé để dứ nó với theo và bước những bước chập chững, trong lúc Bình vừa theo đỡ đứa bé vừa vỗ tay khuyến khích.
Bà thốt kêu:
- Trời đất quỉ thần ơi! Cái gì mà chộn rộn thế hả? Sao lại có cả con nhỏ này nữa?
Bé Hạnh hốt hoảng nhìn tấm thân đồ sộ của bà Ba đứng án ngữ nơi cửa sợ hãi ôm vội lấy chân Bình.
Ông Cả hạ cặp kính xuống:
- Chào bà Ba, mời bà vào trong này!
Bình khó chịu vì bị bà Ba phá đám, lặng lẽ vuốt mái tóc bé Hạnh và tính bồng nó vào trong nhà.
Ông Cả xởi lởi tiếp:
- Cháu bé này là của cậu Bình mới đem về!
Đôi mắt bà Ba trợn tròn, tay đặt lên ngực như cố trấn giữ cảm xúc:
- Ủa, té ra nó là… của thằng Bình à? Cháu lấy vợ hồi nào mà cả Ngã Ba này không ai hay biết gì hết?
Ông Cả lắc đầu:
- Không phải!...
Nhưng bà Ba đã mở "máy" nói rồi. Bà cướp lời:
- Thế nó đem đâu về đứa nhỏ này đây?
Ông Cả thở dài, cố giảng giải:
- Cậu Bình thấy nó mồ côi, nên nhận nó làm em nuôi đấy.
Bà Ba cười:
- Thế mà tôi cứ tưởng…
Bình cau mày bực bội:
- Thím sao ăn nói tầm bậy quá, không suy xét gì hết, cháu mới bây lớn mà tưởng cái gì!
Bà Ba vênh mặt:
- Chớ sao! Mấy cô mấy cậu bây giờ cũng quá lắm...
Bình gắt:
- Nhưng cháu khác!
Bà Ba đấu dịu:
- Tao nghĩ sao nói vậy. Như cháu Bình không có thì thôi, đừng giận. Nhưng cháu cũng lớn tuổi rồi, nên lo làm ăn cho đàng hoàng đừng có theo đòi mấy đứa trắc nết...
Ông Cả cười hề hề. Ông biết tính Bình rất hiền lành ngay thẳng, nhưng cũng hay nổi cáu. Anh con trai mới lớn lên này tuy hiền mà cứng cỏi, kiểu ngựa non háo đá, nên không ưa ai chỉ trích mình, dù chỉ để khuyên lơn. Bởi vậy, muốn tránh cho Bình có thể văng ra một lời nói cộc cằn làm bà Ba sượng mặt, ông cười giảng hoà, và để lảng chuyện, ông vờ gọi bé Hạnh:
- Bé Hạnh lại đây nào!
Bé Hạnh từ nãy vẫn giương đôi mắt thỏ nhìn bà Ba vội vã bò lại phía ông Cả.
Nhưng bà Ba đã tranh đón lấy nó, nựng nịu nó trên tay. Bà đã từng bồng ẵm trẻ nhiều lần, biết cách dỗ dành chăm nom trẻ. Trong vòng tay của bà, bé Hạnh sung sướng toét miệng cười. Nhìn gương mặt dễ yêu của bé, bà Ba cảm thương cho số phận côi cút của nó, và cũng chạnh nghĩ đến cảnh hẩm hiu của mình.
Bà Ba góa chồng từ lâu. Hồi ông Ba còn sống, ông không cho bà được đứa con nào. Giá có một vài mụn con, cuộc đời goá bụa của bà cũng đỡ trống trải. Bồng bé Hạnh, bà thầm nghĩ: Ông Cả và Bình dù có chăm nom bé Hạnh cũng không sao bằng một người đàn bà. Trẻ thơ phải có bàn tay dịu hiền của người mẹ. Bà ước ao được thay thế vào chỗ trống đó, được đóng vai bà mẹ của bé Hạnh. Bà nựng bé Hạnh, vừa như hỏi dò ý ông Cả và Bình.
- Con nhỏ thiệt dễ ghét! Ông Cả và cháu Bình có bằng lòng để tôi săn sóc nó hộ không?
Bình chưa kịp phản đối, thì ông Cả vui vẻ, bảo:
- Ồ, nếu vậy thì bé Hạnh lại có thêm một người mẹ nữa rồi.
Bà Ba mừng rỡ rung tít bé Hạnh trên tay:
- Ừ ngoan nhé. Rồi bé sẽ được cả nhà cưng!
Nhưng Bình đã dằng lấy bé Hạnh, càu nhàu:
- Ối thôi, khỏi cần đi.
Bà Ba chưng hửng nhìn Bình ôm bé Hạnh vào trong nhà. Để bà Ba khỏi mất lòng vì thái độ thô lỗ của Bình, ông Cả khôn khéo hỏi lảng sang chuyện khác.
- Bà Ba qua chơi nhà chúng tôi, có chuyện gì không?
Bà Ba cười gượng:
- Ờ thì… cũng có, nghe bên này cười nói om xòm nên tui qua hỏi thăm chơi. Biết bên này có thêm được con bé Hạnh, tôi cũng mừng. Nhà có trẻ vui lắm chớ, phải không ông?
Ông Cả đưa đẩy:
- Dạ!
- Thôi tôi dìa nghe ông Cả. Khi nào rảnh tôi lại qua coi chừng con nhỏ dùm.
Ông Cả ân cần:
- Vâng, cảm ơn bà lắm.
Bà Ba ra rồi, ông Cả xoa tay lẩm bẩm:
- Bé Hạnh thật may, có thêm bà Ba chăm sóc nữa, cũng đỡ cho mình lắm.
Ở buồng trong, Bình ngồi xụ mặt nhìn bé Hạnh. Nó đùa mệt, nên đặt lên giường là lăn ra ngủ. Nhìn bé Hạnh xỡn xơ trong bộ áo mới, Bình cảm thấy tự hào và không khỏi có ý nghĩ ghen tức về lời đề nghị của bà Ba. Anh thầm nhủ:
- Bé Hạnh là của mình. Mình đủ sức nuôi nó, cần chi phải dính thêm bà Ba vô?
Với ý nghĩ ghen tức đó, Bình buồn bã nhớ đến Thảo. Anh đứng tựa bên thành cửa sổ nhìn ra ngoài, lòng mênh mang trống trải.
Mọi khi gặp ngày chủ nhật nghỉ, bao giờ Thảo cũng ra bãi xem Bình đá banh với các bạn. Thảo ngồi dưới bóng cây bên vệ đường giữ hộ áo cho Bình và nhìn xuống bãi theo dõi một cách say sưa những đường banh được giao qua giao lại giữa hai phe. Mỗi lần Bình nhận được banh, Thảo lại hồi hộp, và khi Bình lừa đá được một cú lọt lưới thì Thảo cũng vỗ tay reo hò khiến cuộc chơi của Bình thêm phấn khởi.
Tan cuộc, Bình chạy lên ngồi nghỉ bên cạnh Thảo, mời Thảo giải khát với mình.
- Thảo uống nước mía nhé?
- Không, Thảo ăn cà rem kia.
- Nếu thế Bình cũng ăn cà rem!
Bình chạy đi mua, cầm hai cây cà rem lạnh bốc hơi, chìa cho Thảo, rồi hai đứa vừa ăn vừa cười với nhau.
Bây giờ, Thảo không muốn gặp Bình nữa. Thảo giận Bình rồi. Mà trăm tội chỉ tại cái con Huệ lắm chuyện kia thôi.
Bình hằn học thầm nghĩ: "Con khốn nạn, thế nào cũng có ngày mình đánh cho nó một cái bạt tai!"
Phải chi Thảo đừng giận Bình thì lúc này vui biết mấy. Hai đứa cùng chung lo cho bé Hạnh. Thảo sẽ đóng vai chị gái, và có đủ thẩm quyền để ông Cả và Bình nghe theo trong việc chăm sóc bé Hạnh.
Đã có lần ông Cả nhắc đến Thảo, hỏi Bình tại sao không thấy Thảo tới chơi. Bình chỉ ậm ờ không biết trả lời thế nào.
Thẩn thờ, Bình nghĩ cách làm hòa với Thảo, tưởng tượng ra lúc Thảo gặp một tai nạn nào đó và anh tới vừa kịp để cứu, hoặc Bình bỗng nhiên trúng số, bỗng nhiên trở nên giàu có, bận quần áo bảnh bao, lái xe hơi tới trước cửa tiệm giặt đón Thảo đì chơi, hoặc nữa, anh được làm phi công và lái phi cơ cho rà sát mái nhà của Thảo, ném cho Thảo một bó hoa, khiến cho Thảo phải ngạc nhiên mà quên hết mọi giận hờn. Rồi Thảo sẽ lại ăn cà rem với Bình và hai đứa lại trò chuyện vui vẻ như xưa.
Bé Hạnh cựa mình đưa ngón tay vào miệng nút ngon lành rồi chợp ngủ. Bình toan tiếp nối những mộng tưởng bên cửa sổ, thì ông Cả ló đầu vào bảo:
- Đứng làm gì đấy Bình? Ra ngoài này bác bảo.
Bình hỏi:
- Bà Ba về rồi hả bác?
- Về rồi! Bà ấy nói gì kệ bà ấy! Mình biết mình thôi. Ra đây bác bàn với cháu điều này.
Bình theo ông Cả ra nhà ngoài, ông Cả chỉ ghế cho Bình ngồi đối diện với ông, đoạn hỏi:
- Cậu còn muốn làm cho xưởng nhôm bên Khánh Hội nữa thôi?
Bình ngó sững ông Cả, hỏi:
- Để chi vậy bác?
- Thì để bàn tính chuyện làm ăn. Bác bây giờ cũng có tuổi rồi, không làm nổi những việc nặng nhọc nữa. Đóng xong cái tủ này cho người ta, bác định thôi không nhận thêm nữa để làm việc khác. Nếu cháu thuận giúp bác một tay, bác cháu mình có thể sống được.
- Nhưng...
- Ðừng từ chối vội. Hãy nghe bác nói đã. Cậu đừng quên là hiện giờ bác cháu mình có trách nhiệm phải lo cho cả bé Hạnh nữa, phải không nào?
- Dạ… phải...
- Hồi nãy, thấy thái độ của cháu đối với bà Ba, bác cũng biết là cháu không muốn ai động đến bé Hạnh. Nhưng cháu nên nhớ, có ngày cháu phải nhờ đến bà ấy.
- Sao vậy?
- Bởi vì dầu muốn hay không, bác cháu mình cũng không thạo việc nuôi trẻ bằng bà ấy được.
Bình cứng đầu:
- Để coi!
- Việc ấy sau rồi sẽ biết. Bây giờ nói tiếp chuyện làm ăn cái đã. Bác thấy cháu làm nhôm bên Khánh Hội vừa vất vả mà lương lậu cũng chẳng bao nhiêu phải không?
- Dạ. Nên cháu cũng không ham lắm. Có việc khác tốt hơn, cháu sẽ thôi ngay.
- Vậy bác đề nghị với cháu: bác cháu mình hợp tác làm việc ở nhà.
Thấy Bình tỏ vẻ ngạc nhiên, ông Cả mỉm cười tiếp:
- Như bác vừa nói với cháu, dạo này bác không làm nổi những việc nặng nữa. Bác tính xoay nghề: làm đồ chơi bán cho trẻ con. Bác có quen mấy hiệu buôn trên phố, và họ cũng khuyến khích bác lắm, nhất là vào dịp tết Trung Thu và lễ Giáng Sinh. Phần cháu, cháu lo việc tiêu thụ đem hàng đi chào bán tại các tiệm tạp hóa, các chợ. Cháu tự do tổ chức việc tiêu thụ theo ý cháu, muốn đi giờ nào về giờ nào cũng được, miễn là giao được nhiều hàng thì thôi. Lời được bao nhiêu, bác cháu mình chia đôi.
Bình ngẩn ngơ hỏi:
- Thế tức là bác cháu mình "canh ty" với nhau?
Ông Cả cười:
- Ừ, cháu bằng lòng chứ?
Bình mừng rỡ gật đầu:
- Dạ bằng lòng.
- Vậy ngày mai chúng ta sẽ khởi công, còn bây giờ thì bác cháu mình hãy nghỉ cho khỏe.
° ° °
Mấy ngày đầu bắt tay vào việc mới Bình không thấy thích thú lắm. Việc chế tạo đồ chơi đòi hỏi nhiều công việc phức tạp. Trước hết là phải tìm kiếm nguyên liệu: thiếc, gỗ, dây kẽm, vỏ ốc, nút bấc v.v... trăm thứ tạp nhạp, mà Bình rất ghét. Cũng may có đủ nguyên liệu rồi thì công việc chế tạo lại trở nên hấp dẫn.
Gian nhà ngoài là nơi ông Cả dùng làm xưởng được dọn một góc cho bé Hạnh ngồi. Nó thảnh thơi nghịch phá trên mảnh chiếu với những mẩu gỗ vụn. Bình giúp ông Cả cưa, cắt, rắp nối những hình thù ngộ nghĩnh.
Ông Cả thật khéo tay và nhiều sáng kiến. Ông cho biết hồi còn trẻ, ông đã học được của người Nhật cách thức biến chế một khúc tre, một vỏ dừa, một con ốc, hay mấy cái lông chim thành những món đồ thật đẹp.
Bình phục ông Cả sát đất, và cố theo rõi việc làm tỉ mỉ của ông. Sau khi sơn phết tô điểm xong, hai bác cháu có một lô hàng mẫu. Bình làm một bản thống kê với giá tiền từng món, xếp cẩn thận các mẫu hàng vào một chiếc thùng giấy rồi đem lên phố đưa đến cho các tiệm buôn quen biết của ông Cả. Xem qua mẫu hàng, các ông bà chủ hiệu buôn đều mãn ý vì đồ chơi ông Cả làm ra đều ngộ nghĩnh lại rẻ tiền. Họ dặn Bình:
- Cậu bảo ông Cả làm cho tôi hai chục con "thỏ đánh trống" này!
- Tôi "còm măng" 50 con vịt cạp mỏ và 10 con ngựa kéo xe.
- Ồ, còn chú lính nhảy dù này ngộ quá, có cả dù đeo sau lưng. Thứ này phải cho tôi cả trăm mới được.
- Cậu về dặn ông Cả nhớ giao hàng trước Tết Trung Thu cho tôi nhé. Nếu bán được tôi sẽ đặt nhiều cho lễ Giáng Sinh.
Bình thấy phấn khởi lạ. Anh trở về với vẻ mặt kiêu hãnh, bảo ông Cả:
- Khá lắm, bác ơi! Bác cháu mình có việc làm lu bù rồi. Chỉ còn lo sang đầu năm sau hàng sẽ bị ế thôi, vì lúc đó còn ai mua đồ chơi làm gì?
Ông Cả cười:
- Cháu biết lo xa thế là phải. Đồ chơi bán có mùa, chỉ chạy nhất vào dịp Trung Thu và Giáng Sinh. Nhưng ngày thường vẫn còn bán lai rai được. Cháu cứ yên trí bác cháu mình sẽ khá mà.
Bình cũng cười, yên tâm vào nhà trong. Cứ sau mỗi ngày bận rộn, nhọc mệt, Bình lại muốn tìm cái thú đứng mơ mộng một mình bên cửa sổ. Anh nghĩ đến khi có tiền sẽ sắm thêm cho bé Hạnh chiếc áo đầm, với đôi giầy thật xinh xắn. Bình muốn nó được ăn mặc như một đứa trẻ con nhà giầu. Chỉ tiếc rằng Thảo chưa biết bé Hạnh, và Thảo vẫn cỏn giận Bình. Anh định bụng đến ngày mai, khi đi giao hàng, sẽ đạp xe qua tiệm giặt ngóng chừng Thảo xem sao. Lâu không gặp Thảo Bình thấy thiếu vắng lạ.
Ngày hôm sau như đã định, Bình lảng vảng đầu phố Thảo ở. Vừa may Thảo ở trong nhà bước ra đi về phía bến xe. Bình toan tiến lên nhưng anh sửng sốt đứng lại. Giang, bạn anh, đứng chờ sẵn ở bến xe, thấy Thảo đã vội chạy lại đón.
Bình không trông nhầm: Rõ ràng Thảo cùng đi với Giang lại bến xe. Bình cắn chặt môi:
- Chắc hai đứa hẹn nhau lên phố.
Và Bình ngao ngán với ý nghĩ: Thảo đã cắt đứt cảm tình với anh rồi.
Buồn rầu, Bình quay đi, và khi trở về nhà, anh đứng nhìn thật lâu tấm hình của Thảo, người bạn gái thời thơ ấu treo trên vách. Anh không hạ tấm hình xuống, xé đi, hay cất vào ngăn bàn; Bình chỉ lặng lẽ, cầm mẩu bút chì vạch chéo lên hai đường và không lai vãng đến chỗ Thảo ở nữa.
Những ngày buồn tẻ thường hay nối tiếp nhau. Bé Hạnh đang khỏe mạnh bỗng nhiên bị cảm, và ho sù sụ. Bình phải bỏ hết công việc để săn sóc nó. Nhưng sau ba ngày thuốc men, nó vẫn nóng hầm hập và ho rũ từng cơn. Ông Cả lo ngại liền đi tìm bà Ba. Không đợi phải mời, bà Ba ôm sang một đống khăn bông với các thứ dầu nóng, thuốc ho, thuốc cảm.
Bà bảo Bình:
- Để nó đấy, tao lo cho. Con trẻ ươn mình là thường.
Bình cau có, nhường chỗ cho bà Ba đến bên Bé Hạnh. Chỉ mấy phút sau bé Hạnh được đánh dầu khắp người và ủ kín trong khăn bông. Con bé hầu như cảm thấy dễ chịu, ấm áp trong hơi hướng êm ái của người mẹ nên lim dim nhắm mắt.
Bà Ba nhẹ ru:
- Ù… ơ… Lên non mới biết non cao,
Nuôi con mới biết công lao mẹ già...
Nghe những lời ru, bé Hạnh thiếp ngủ. Bà Ba đặt nhẹ nó xuống giường rồi nhón gót đi ra. Trước khi về bà nói:
- Con nhỏ này chỉ tại bị nhốt suốt ngày trong nhà nên không được khỏe. Phải để nó ra ngoài cho dạn nắng dạn gió mới được.
Bình quay mặt đi, tránh tia mắt của ông Cả nhìn mình. Hình như ông có ý bảo: "Đấy, cậu thấy chưa? Trước sau gì rồi cũng có lúc phải nhờ tới bà Ba!" Nhưng ông không nói câu ấy, chỉ khoát tay bảo:
- Thôi, để cho nó ngủ yên. Ra làm việc.
Bình ngồi sơn phết mấy con vịt gỗ, ngẫm nghĩ không hiểu tại sao bé Hạnh bị cảm ho mà bà Ba lại bảo phải cho nó ra ngoài nơi thoáng khí.
Như đoán được ý nghĩ của Bình, ông Cả nói:
- Trẻ con nếu cứ để nó ở trong nhà, thiếu khí trời, ánh nắng, nó cớm người đi. Gặp thời tiết thay đổi là rất dễ bị ốm.
Bình ngẩn mặt nhìn ông Cả:
- Bác cháu mình bận cả ngày, có ai rãnh mà bồng nó rong chơi được đâu?
- Dĩ nhiên, bác cháu mình thì chịu rồi. Họa may có bà Ba là giúp được. Nhưng chắc gì bà ấy nhận.
-Tại sao?
Ông Cả mỉa mai:
- Còn tại sao nữa. Cậu cứ tự hỏi cậu xem. Với bộ tịch cau có và cách tiếp đãi lạnh nhạt của cậu, bà ấy không giận là may. Còn hòng gì bà ấy giúp!
Bình im lặng một lúc rồi thở dài mỉm cười gượng gạo:
- Bác nói có lý. Có lẽ cháu phải nhờ bà ấy mới xong.
Ông Cả nhún vai nói sang chuyện khác. Nhưng Bình lại thắc mắc:
- Không biết bà Ba có chịu nhận bồng bé Hạnh đi chơi mỗi ngày một lát không bác nhỉ?
Có lẽ ông Cả không nỡ hành Bình nhiều hơn, nên ông nói:
- Cậu cứ thử nhờ bà ấy xem. Cốt cho bé Hạnh khỏe mạnh là tốt rồi.
Chiều hôm ấy vừa rảnh tay Bình đã chạy sang nhà bà Ba. Anh phải dẹp hết tự ái, cố gắng nói:
- Nhờ thím qua chăm nom cho bé Hạnh và thỉnh thoảng bồng nó dạo chơi một vòng.
Giọng nói của Bình lễ phép không ngạo mạn như mọi lần. Bình chỉ lo bà Ba từ chối. Nhưng không, nụ cười bà nở rộng, và bà cảm động nói:
- Ừ cháu cứ yên tâm. Thím sang ngay bây giờ.
Và bà cười lớn tiếng:
- Rồi cháu coi, bé Hạnh sẽ khỏe mạnh và chóng lớn như thổi.
Từ ngày đó, bé Hạnh lại có thêm một bà mẹ nuôi nữa...
Chiếc Xe Thổ Mộ Chiếc Xe Thổ Mộ - Bích Thủy Chiếc Xe Thổ Mộ