Nguồn gốc của thiên tài là nguồn gốc của nhiệt huyết.

Benjamin Disraeli

 
 
 
 
 
Tác giả: Bích Thủy
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1926 / 13
Cập nhật: 2015-11-06 01:31:44 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
au vụ đưa anh em Thúy Liễu ra ga xe lửa kịp giờ tàu chạy, cụ Lâm tỏ vẻ mãn nguyện vô cùng. Tuy nhiên, khi ở nhà ga bước ra, nhìn trời mưa tầm tã, cụ nhún vai nói:
- Trời mưa hoài, ác hại quá. Các cháu mau lên xe lấy bạt che hai bên cho khỏi ướt đi.
Lần này cụ Lâm tự cầm lấy giây cương vì nhận thấy con Long mã sau một cuốc chạy vội vừa rồi, chân nó có hơi khập khiễng.
Bình hỏi ông:
- Mưa lớn thế này, làm sao đây nội?
Cụ Lâm đáp:
- Đi về thôi cháu ạ.
Bình giật mình:
- Ủa, sao đã về?
Cụ Lâm quay lại nhìn cháu mỉm cười ái ngại:
- Ừ, về, chứ mưa như thế này còn làm ăn chi được.
Bình muốn phản đối, nhưng lại ngồi im. Anh biết nội anh có lý. Trong lúc trời mưa chẳng ai muốn leo lên xe thổ mộ vừa gò bó vừa ướt át. Nếu cần phải xê dịch, họ leo lên xe tắc-xi hay xích lô máy. Hơn nữa, Bình không thể nói rõ lý do tại sao anh muốn nấn ná đón khách kiếm thêm tiền ngày hôm nay. Anh thầm trách ông nội vừa rồi đã làm mặt bảnh khi từ chối số tiền Thúy Liễu trả công. Vì, không có tiền … thì Bình không làm giỗ ba được như đã dự tính với Thảo.
Bình có cảm giác như vừa rớt từ trên cao xuống, như vừa tỉnh một giấc mộng.
Trong lúc cụ Lâm lúi húi nắm chân con Long mã xem vì sao mà nó đi khập khiễng, Bình thẫn thờ nói nhỏ với Thảo:
- Bữa giỗ thế là tiêu rồi!
Thảo đã nhìn Bình với cặp mắt đen láy và buồn rầu đáp lại:
- Đành đến bữa khác vậy.
Nhưng Bình nói:
- Bữa khác còn nói làm chi nữa. Ngày giỗ, mỗi năm chỉ có một lần thôi chứ!
° ° °
Đường về như dài thêm ra. Con Long mã mệt nhọc chỉ đi bước một. Mưa tuy đã ngớt nhưng bầu trời vẫn còn nặng chĩu mây đen.
Ba ông cháu cụ Lâm đều ướt cả, và chẳng ai buồn nói lời nào. Mãi khi tới Hòa Hưng, Thảo mới lên tiếng:
- Ông cho cháu xuống đây thôi. Cháu về kẻo ngoại cháu mong.
Cụ Lâm hãm xe cho Thảo xuống. Cô bé lấy tay che đầu chạy vụt đi. Con Long mã lại đủng đỉnh tiến bước. Trời vẫn còn u ám, chiếc xe chạy lọc cọc, lắc lư làm cụ Lâm nặng mắt muốn ngủ. Bình vẫn chán ngán ngồi im.
Bỗng nhiên có tiếng la lớn:
- Cho vào Đề-bô! Cho vào Đề-bô!
Tiếng la đó đủ để cụ Lâm bừng tỉnh. Cụ càu nhàu:
- Hừ lại thằng khốn nạn! Thằng Hai hàng thịt!
Bình nhìn sang hè phố, thấy chú Hai, thím hai và thằng Tân mập đứng trước cửa tiệm. Chú Hai vừa giơ chân múa tay vừa chế riễu chiếc xe thổ mộ, trong lúc thằng Tân ôm bụng cười ngặt nghẽo.
Cụ Lâm thản nhiên cho xe đi thẳng chỉ bĩu môi tỏ vẻ khinh bỉ. Nhưng khi xe vừa ngang qua cửa hàng thịt, cụ bỗng thấy chú Hai trượt chân ngã oạch trên hè. Cái ngã đau lắm vì tấm thân đồ sộ của chú Hai gieo nặng trên gạch, bốn vó chổng cả lên trời. Vợ chú và thằng Tân cố nâng chú dậy, nhưng không sao nổi. Chú Hai cứ nằm chình ình ra đó rên rỉ đau đớn. Thím Hai vốn là người đàn bà vào loại mồm loa mép giải nên tay ngoắc cụ Lâm miệng gọi:
- Này, ngưng lại!
Cụ Lâm ghì dây cương:
- Muốn gì đó thím Hai?
- Muốn gì à? Chồng tôi ngã là lỗi tại ông đó!
- Ủa, con mẹ này nói năng mới hàm hồ chớ. Chồng thím ngã là tại nó đứng không vững chứ mắc mớ gì lại đổ lỗi cho tôi?
Thím Hai hét:
- Tôi bảo tại ông đó! Xời ơi, ngã một cái đau điếng mà. Chưa biết có làm sao không đây. Ông phải chở chồng tôi đi bác sĩ.
Nghe thím Hai nói cụ Lâm muốn nổi sùng. Cụ không ưa ai nói với cụ bằng cái giọng trịch thượng ấy. Nhưng một ý tinh nghịch lóe lên, cụ giả bộ tỉnh khô:
- Được rồi để tôi chở chồng thím đi. Mà chắc không sao đâu. Chỉ giập cái bàn tọa sơ sơ thôi.
Quay sang Bình cụ Lâm nói:
- Nào, xuống đỡ với ông một tay cháu.
Không đầy vài phút, chú Hai đã được xốc nách dìu lên xe. Thím Hai và thằng Tân mập cũng lên theo.
Sau khi nói nhỏ với Bình, cụ Lâm cho quay xe trở lại, xe tới ngã sáu Lê văn Duyệt cụ Lâm quẹo sang đường Yên Đổ đỗ trước một công thự, rồi cùng Bình dìu xuống. Chú Hai người mềm oặt như bún để mặc ông cháu Bình dìu đi. Chú được đặt ngồi trên thềm cửa ngay bên dưới tấm biển đồng của công thự. Thím Hai hỏi:
- Đây là đâu? Phải nhà ông bác sĩ không?
Cụ Lâm cười:
- Phải, ông trong đó cũng là bác sĩ. Thím vào xin gặp ông đi.
Thím Hai ngó cặp mắt ranh mãnh của cụ Lâm, hồ nghi bảo con:
- Tân, mày đọc bảng coi nhà ông bác sĩ nào đó?
Lúc ấy thằng Tân mới kịp nhìn lên tấm biển đồng:
- Đây là ty Thú y má à.
Thím Hai trợn tròn đôi mắt, nói văng cả bọt mép:
- Sao lại đưa chồng tôi tới đây. Bộ chồng tôi là giống vật sao mà đưa tới ty thú y để chữa?
Cụ Lâm cười giả lả:
- Chồng thím phải để ông bác sĩ này chữa mới hạp. Hơn nữa chắc chú Hai cũng muốn thế vì sau sân Thú y là Đề-bô đó. Hồi nãy chú ấy thấy xe tôi chẳng vừa ngoắc vừa bảo: Vào Đề-bô, vào Đề-bô là gì? Bởi vậy tôi mới đưa chú ấy tới đây để nhờ ông thú y coi dùm. Nếu như ông ấy chữa không được thì thím đưa ngay chú ấy vào Đề-bô luôn cho xong.
Nói mấy câu ấy xong cụ Lâm cười khà khà kéo Bình ra xe giật cương đi thẳng. Bình không nhịn được cười bảo ông:
- Nội chơi họ một vố hay quá.
Cụ Lâm nheo mắt:
- Cười người hôm trước hôm sau người cười mà cháu. Nội muốn cho thằng Hai một bài học, đừng có lên mặt khi dể ông cháu mình.
Thằng Tân mập chạy theo, nắm tay đấm không khí.
- Được há, rồi bay biết tay tụi tao.
Cụ Lâm nháy Bình:
- Cháu nghe không? Thằng đó cũng lớn miệng như cha nó vậy.
Bình dẩu môi:
- Ồ thằng đó là thằng hèn nhất ở Ngã ba Ông Tạ đó nội!
Xe về nhà thì đã quá trưa. Mưa đã tạnh hẳn. Những đám mây đen trôi dồn về phía chân trời.
Cụ Lâm dong xe vào trong vườn, thở ra:
- Ngày hôm nay gặp thật lắm chuyện.
Nghe ông nói với giọng mệt nhọc, Bình vội an ủi:
- Lắm chuyện thật nhưng cũng vui chứ nội. Mà thôi nội đi thay quần áo và nằm nghỉ, để xe và ngựa đó cháu lo cho.
Chiếc Xe Thổ Mộ Chiếc Xe Thổ Mộ - Bích Thủy Chiếc Xe Thổ Mộ