In order to heal others, we first need to heal ourselves. And to heal ourselves, we need to know how to deal with ourselves.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Bích Thủy
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1926 / 13
Cập nhật: 2015-11-06 01:31:44 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
iếng nói từ trong bếp vọng ra. Bình cau mày thầm bảo Thảo:
- Lão Mạnh, Thảo ạ!
Thảo đáp nhẹ:
- Đúng rồi. Làm sao đây anh?
Thảo biết cuộc hội kiến giữa ông Mạnh với ông nội Bình tất sẽ gay cấn có thể đưa tới chuyện không hay. Nội khu xóm này ai cũng biết ông Mạnh cả. Ông ta giàu, có nhiều xe xích lô, xe ba gác cho thuê, và là hàng xóm kế cận với ông nội Bình.
Bất giác Thảo đưa mắt nhìn vào phía giậu găng ngăn đôi khu đất của ông Mạnh với mảnh vườn bé nhỏ Thảo đang đứng. Bên kia hàng giậu có mấy dãy mái lợp tôn, làm chỗ chứa và sửa chữa xe. Khoảng giữa là một ngôi nhà gạch, nhà ở của ông Mạnh. Phía ngoài cùng quay mặt ra đường cái, là cửa hàng của ông Hai hàng thịt, em rể của ông.
Nhìn sang cơ ngơi của ông Mạnh, Thảo nhớ ngay ra đã có lần ông Mạnh ngỏ ý đòi mua mảnh vườn của ông nội Bình. Mua không phải để trồng trọt, mà muốn mở rộng thêm phạm vi nghề nghiệp của ông ta.
Thảo nhắc lại câu vừa hỏi:
- Làm sao bây giờ, anh Bình?
Bình gắt:
- Im để nghe coi đã, sao hỏi hoài vậy!
Mặt Bình tái mét làm Thảo cũng hoảng sợ. Cô bé biết ông nội Bình không khi nào chịu bán mảnh vườn đó cho ông Mạnh. Có lẽ tại xe xích lô và xe thổ mộ thuộc hai loại khác nhau, và hai giới khác nhau. Ông Mạnh trước khi là chủ xe là một người thợ máy. Còn ông nội Bình trước khi chạy xe thổ mộ đã là một tay đua tuyệt phích. Xe xích lô, nhất là xích lô máy bây giờ lại đang thịnh hành, có cơ hội đè bẹp giới xe thổ mộ. Nên chi ông nội Bình vẫn hằn học từ chối mỗi lần ông Mạnh đề nghị mua nốt mảnh vườn bên này. Ông coi đó là một sự lấn áp của giới xích lô. Có lần, ông đã nói với Bình có cả mặt Thảo, rằng mảnh vườn đó, bán cho ai thì được, chớ không khi nào chịu bán cho ông Mạnh!
Đôi trẻ vẫn đứng yên lắng nghe những lời lẽ qua lại từ bên trong vẳng ra.
Lần này ông nội Bình lớn tiếng nói:
- Tôi đã nói là không bán sao ông còn cứ quấy rầy tôi? Bộ ông tưởng tôi thay đổi ý kiến rồi sao? Ông vừa hỏi tôi mới cách đây mươi ngày mà!
Tiếng ông Mạnh trả lời:
- Kìa, cụ Lâm – Lâm là tên ông nội của Bình - cụ nên bình tĩnh một chút chớ. Bữa nọ tôi có thấy ông Thày chích ghé đây …
- Thì sao?
- Tôi sợ cụ bị đau lại, và có thể phải đi nằm bệnh viện …
- Hả? Cái gì mà bệnh viện … gì mà đau lại? …
- Nội xóm này ai cũng đồn thế đó. Hồi nãy gặp thằng Tân con chú Hai hàng thịt, nó cũng nói với tôi như vậy. Dầu sao, theo tôi nghĩ thì cụ cũng có tuổi rồi. Già yếu như cụ chuyện đau yếu là thường chứ! Bởi vậy cụ nên suy tính cho kỹ. Tôi có sẵn tiền đây. Nếu cụ bằng lòng bán cho tôi mảnh vườn của cụ, tôi xin trả liền bằng tiền mặt.
Sau lời rào đón của ông Mạnh, im lặng kéo dài một cách nặng nề. Rồi tiếng cụ Lâm gay gắt vang lên:
- Này ông Mạnh, tôi bảo thật cho ông biết: ông làm rộn tôi nhiều rồi. Không bao giờ tôi nhường lại cho ông một tấc đất nào cả, dù tôi có đau yếu, có phải vào nằm bệnh viện đi nữa. Ông nghe rõ chưa!
- Cụ nghĩ kỹ lại đi, kẻo sau lại tiếc đấy cụ Lâm à!
- Không hối tiếc gì cả. Ông cút đi!
- Ấy ấy, cụ làm gì mà dữ thế!
Thảo sợ hãi bảo Bình:
- Nguy quá! Khéo họ đập lộn nhau mất.
Bình chưa kịp xông vào thì cụ Lâm, mặt đỏ gay, đã xô ông Mạnh ra tới cửa.
Bình vội kêu:
- Nội! Nội!
Ông Mạnh bị cụ Lâm xô đẩy, lính quýnh lùi bước. Cụ Lâm quá giận mắt trợn tròn quát tháo:
- Cút ngay! Cút! Cút!
Tuy còn vạm vỡ sức lực hơn cụ Lâm, nhưng ông Mạnh không khỏi lúng túng trước cơn phẩn nộ của ông già. Mặt ông tái xanh, cố gắng gỡ hai tay của cụ Lâm nắm chặt trên bâu áo, ông bị cụ Lâm đẩy ra tới vườn mới vùng ra được, liền vội vàng bỏ chạy. Vượt qua hàng rào găng, tới phần đất của mình, ông Mạnh mới quay lại chỉ mặt cụ Lâm hăm he:
- Giỏi thật. Rồi lão già biết tay tao. Sau này có quì lạy xin bán, đây cũng chẳng thèm!
Cụ Lâm đứng lại ở giữa vườn, người còn run vì tức giận. Rồi đầu óc bỗng nhiên choáng váng, cụ xỉu người đứng tựa vào một thân cây.
Bình như tỉnh cơn sửng sốt trước sự việc xảy ra, vội chạy đến, vừa kịp đỡ cho cụ Lâm khỏi ngã. Anh lo ngại gọi Thảo, và cả hai hợp lực dìu cụ vô nhà.
Bình đặt ông nội ngồi lên ghế, trong khi Thảo rót một ly nước đem tới, đặt lên miệng cụ Lâm.
Nhấp uống từng ngụm nước nhỏ, cụ Lâm lấy lại được bình tĩnh, hơi thở điều hòa trở lại cụ gật đầu bảo Thảo.
- Con Tún đó hả! Thôi, cám ơn cháu.
Tún là tên tục của Thảo. Hồi còn nhỏ, mẹ Thảo vẫn âu yếm gọi con bằng cái tên đó. Bây giờ chỉ còn bà ngoại và ông nội Bình gọi Thảo bằng cái tên ấy.
Bình quỳ xuống cạnh ông trách móc:
- Nội giận làm chi cho mệt vậy nội.
Cụ Lâm vung tay nói:
- Cháu thấy ông đuổi nó không? Lần sau cho kẹo hắn cũng không dám sang đây nữa …
Bình nhận thấy tay ông nội còn run. Từ hôm bị bệnh tới nay, tay cụ Lâm vẫn run như thế. Cơn giận vừa rồi càng làm tay cụ run hơn.
Để trấn tĩnh ông nội, Bình nói lảng sang chuyện khác. Anh kể cho nội nghe lúc ông cụ nghĩ trưa, anh đã lau chùi chiếc xe, đánh bóng bộ cương, và tắm rửa con Long mã.
Nghe nhắc đến tên con Long mã, cụ Lâm nhếch mép cười. Cụ quí con Long mã lắm. Nó gắn liền với đời cụ, và cụ mến thương nó như mến thương Bình vậy.
Bình toan hỏi ông, xem đến mai chủ nhật, ông có dong xe kiếm mối như đã trù định không. Nhưng anh chỉ nói:
- Nội ăn một chút cho khỏe nhé.
Anh chỉ tay ra ngoài cửa tiếp:
- Trời sắp tối rồi nội ạ.
Cụ Lâm lắc đầu:
- Không, nội không ăn vì không thấy đói. Nội chỉ muốn nằm nghỉ và ngủ sớm.
Bình đỡ ông nội lại giường, để ông nằm xuống, đoạn khép cửa sổ, rồi vẫy Thảo đi ra.
Xuống tới bếp, cả hai đều im lặng, nét mặt buồn thiu. Bình lo ngại cho ngày mai, vì không chắc gì nội có thể đánh xe đi được. Ông nội Bình còn yếu quá. Và như vậy thì Bình chẳng còn hy vọng gì đi trại hè nữa.
Thảo ngập ngừng nói:
- Hồi nãy anh có bảo với Thảo là …
- Gì nhỉ?
- Về truyện con Long mã đó …
- À phải! Hồi nãy Bình lạc quan nên vui miệng bảo thế, chứ bây giờ … Nhưng Thảo cứ ở đây, để Bình lấy xuống cho mà coi.
Một lát Bình đem xuống tờ báo, mầu giấy đã vàng.
Thảo hỏi:
- Giấy gì đó anh?
- Tờ phụ trương của Báo Gió Nam.
- Có gì trong ấy thế?
Bình mở rộng tờ phụ trương, chỉ vào một tấm hình:
- Hình con Long mã, chụp lúc nội đang giắt nó vào trường đua. Người đội mũ kết mặc đồ chẽn ngồi trên ngựa là ba anh đó.
Thảo mở to mắt nhìn bức hình, rồi đọc những dòng chú thích bên dưới:
“Con Long mà từng đoạt giải Quốc Khánh 1957, giải Mùa Xuân 1957 và liên tiếp nhiều giải khác, nay lại chiếm giải Trung Thu 1958 …”
Thảo không thể hình dung ra được con Long mã phi như tên bắn giữa những tiếng hoan hô cuồng nhiệt của hàng ngàn khán giả ở trường đua. Cô bé chỉ nhìn sững bức hình và nói:
- Con Long mã giỏi quá anh nhỉ!
Bình gập tờ phụ trương lại, tiếp:
- Trung Thu năm ấy sau khi chiếm giải, con Long mã giải nghệ, vì không có nài cưỡi.
- Tại sao?
- Vì ba Bình không may mắc bạo bệnh chết luôn trong tháng đó. Tin ba mất cũng có đăng ở mục Trường Đua. Ba mất ngày 25 tháng 8 … Mọi năm ông nội Bình vẫn làm giỗ ba vào ngày này. Nhưng vài năm gần đây, nội già yếu, lại thêm thời buổi khó khăn …
Thảo ngắt lời:
- Năm nay anh tính làm giỗ ba anh hả?
- Ừ. Bình đã tính rồi. Nếu ông nội khỏe lại, đi xe kiếm tiền được Bình sẽ dành ra một số tiền để tới ngày đó mua ít rượu thịt mời mấy bà con lối xóm …
Thảo xoa tay:
- Nếu anh làm giỗ, chắc nội bằng lòng lắm.
Bình gật đầu:
- Hẳn rồi! Nhưng bây giờ thì ý định ấy phải bỏ đi Thảo ạ. Vì còn có việc khác lo hơn.
- Tiếc nhỉ!
- Tiếc. Nhưng biết sao được.
Ngoài vườn tàng cây trứng cá mang sắc lá hoàng hôn đang đổi màu sắp chìm vào bóng tối. Thảo nói:
- Sắp tối rồi. Thảo phải về thôi.
- Liệu ngày mai, anh có đi nữa không?
- Nếu nội khỏe thì đi. Khoảng chín giờ sáng Thảo cứ chờ sẵn ở trước cửa nhé.
Thảo bước hẳn ra đường:
- Thôi, Thảo về nhé!
Bình giơ tay chào lại, và trước khi khép cánh cổng anh còn nói với ra:
- Cám ơn Thảo đã giặt ủi hộ Bình cái áo!
Chiếc Xe Thổ Mộ Chiếc Xe Thổ Mộ - Bích Thủy Chiếc Xe Thổ Mộ