Outside of a dog, a book is man's best friend. Inside of a dog it's too dark to read.

Attributed to Groucho Marx

 
 
 
 
 
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 6
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2026 / 15
Cập nhật: 2015-07-10 14:37:50 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
m đã lầm khi nghĩ rằng các bạn cùng lớp không còn hoài nghi mình. Bởi vì chỉ không lâu sau kết quả thi học kỳ một, lại xuất hiện những lời làm em phải buồn lòng.
"Con Hương đứng hạng cao nhờ điểm môn toán của cô Thục Viên và điểm môn lý của thầy Phiên".
"Con Hương mà học giỏi hơn con Châu, ai tin cho được. Chẳng qua vì con Châu bị bệnh trước kỳ thi chớ không thì con Hương đừng có mong..."
"Hay không bằng hên. Hãnh diện gì."
Tại sao vậy? Con Hương hạng năm. Con Hương hạng bảy. Con Hương hạng ba. Con Hương hạng nhì... Tại sao vậy? Tại sao bất cứ chuyện gì có liên quan đến em, thì dù chỉ là chuyện nhỏ nhặt, cả lớp cũng chú ý đến. Những lời nghi ngờ khi em được điểm cao. Những lời chê bai khi em bị điểm kém... Em chỉ muốn yên thân để học. Chừng đó thôi. Em có phải là một diễn viên trên sân khấu đâu mà mọi người cứ nhìn vào em rồi bình phẩm?
Em từng hứa với cô Thục Viên sẽ bỏ ngoài tai hết thảy những lời nọ kia của bạn. Nhưng em không thể... Em lại bị ảnh hưởng rồi... Em lại trở về tình trạng tự hoài nghi...
Cô Thục Viên biết hết. Một hôm, cô kể cho em nghe một câu chuyện ngày xưa. Ðó là chuyện cha con nhà nọ đi bán lừa. Họ dắt lừa ra chợ. Một người qua đường nói: "Cha con nhà anh thật ngốc, có con lừa mà lại chịu đi bộ". Nghe vậy, hai cha con bèn leo lên lưng lừa bắt nó chở đi. Một người qua đường khác nói: "Có mỗi con lừa mà tới hai người cởi, nó kiệt sức thì bán với chác gì nữa". Người cha bèn nhường cho con ngồi, mình xuống đi bộ. Người qua đường thứ ba dèm xiểm: "Ở đời sao có chuyện kỳ khôi, con thì ngồi ung dung trên lưng lừa để cha già yếu đuối phải đi bộ". Rốt cuộc, hai cha con cùng xuống cuốc bộ như trước. Người cha ngửa mặt mà than thở: "Biết làm sao cho vừa lòng mọi người được".
Em hiểu ngụ ý của câu chuyện. Cô Thục Viên muốn khuyên em bền chí trong việc học. Nhưng... cô Thục Viên ơi! Chị Thục Viên của Ánh Nga ơi! Em cảm nhận như trong lòng mình còn thiếu một cái gì đó, cái gì đó giúp em chịu đựng, giúp em vững vàng...
° ° °
Chủ nhiệm lớp em là cô Oanh. Cô dạy văn lớp em năm nay và cũng từng dạy năm ngoái, nên cô rất hiểu bọn em. Vì thế khi cô đề cử nhỏ Phụng làm trưởng ban tổ chức buổi tất niên, cả lớp bằng lòng ngay.
Nhỏ Phụng lên bục giảng để sắp xếp công việc. Trước hết, nhỏ hỏi cả lớp:
- Năm nay các bạn muốn ăn mặn hay ăn ngọt xin cho biết ý kiến để tôi ước tính chi phí.
Cả lớp đưa ý kiến hỗn loạn:
- Đồ ngọt!
- Đồ mặn!
- Mặn ngọt đi! Cổ kim hòa điệu!
Cô Oanh gõ thước giữ im lặng. Nhỏ Phụng lớn giọng:
- Ai muốn ăn mặn thì giơ tay lên?
Hơn nửa lớp đưa tay. Nhỏ Phụng lại hỏi:
- Thế còn những ai muốn ăn ngọt?
Chỉ có hơn mười cánh tay giơ cao.
Nhỏ Phụng viết lên bảng: "Quyết định của lớp: ăn đồ mặn". Sau đó, nhỏ tính toán gì đó ở một góc bảng. Cuối cùng, nhỏ quay xuống lớp tuyên bố:
- Theo ước tính của tôi, thì mỗi bạn sẽ đóng góp ba ngàn.
Cả lớp nhao nhao phản đối:
- Sao nhiều thế? Mày có tính sai không hả Phụng?
- Mỗi đứa ba ngàn, nhân cho năm chục đứa, vị chi một trăm năm chục ngàn. Mày tính mua bán gì mà nhiều vậy?
- Mày có tính bớt xén "công quỹ" hay không đó?
Nhỏ Phụng "hứ" một tiếng:
- Tiền nào của nấy! Ăn mặn, tối thiểu cũng phải hai ngàn.
- Nó bớt xuống rồi tụi mày ơi.
- Thôi, ngàn rưỡi đi.
- Ngàn sáu cũng được!
Cô Oanh can thiệp:
- Cô nghĩ rằng ta nên liệu cơm gắp mắm. Phụng cho biểu quyết xem những ai bằng lòng đóng góp hai ngàn đi.
Nhỏ Phụng ra giá "Ba ngàn" trước. Chỉ có năm đứa đồng ý. Phụng hạ "Hai ngàn rưỡi". Được mười hai đứa. Phụng hô: "Hai ngàn", cũng chỉ được hai mươi đứa, chưa quá nửa lớp. Nó than:
- Đứa nào cũng muốn ăn ngon mà tiền thì không chịu đóng góp cho đủ. Biết làm sao bây giờ?
Em đề nghị:
- Nếu vậy mình sẽ ăn đồ ngọt. Tôi đề nghị mỗi người đóng một ngàn thôi.
Vài nhỏ đồng ý:
- Con Hương nói có lý. Thôi, ăn đồ ngọt đi.
- Đóng góp một ngàn là vừa túi tiền rồi.
- Hoan hô con Hương. Hoan hô!
Nhưng lập tức có những ý kiến phản đối:
- Hoan hô cái gì? Ăn ngọt để bị đau bụng ấy hả?
- Ăn ngọt thì thà không ăn tất niên còn hơn. Hứ!
- Cả lớp đã quyết định ăn đồ mặn rồi. Ăn mặn. Ăn mặn!
Nhỏ Thu nói rồi la lớn, kéo theo một nhóm cùng la rập khuôn:
- Ăn mặn! Ăn mặn!
Nhỏ Phụng rất khôn. Nhỏ nắm ngay thời cơ và hỏi:
- Tôi xin hỏi lại. Ai bằng lòng góp hai ngàn?
Thật lạ lùng, lần này, gần hết cả lớp giơ cao tay. Nhỏ Ngân, một tay giơ cao, tay kia tát nhẹ lên má em, nói:
- Mày thua rồi Hương ơi!
Câu nói hồn nhiên của Ngân lại khiến em chạnh nghĩ tới mình. Em tự hỏi phải chăng chỉ vì em phát biểu ý kiến mà cả lớp có thái độ khác với trước đó. Các nhỏ ấy thà chịu đóng hai ngàn đồng còn hơn chịu theo đề nghị của em?
Em chẳng muốn góp ý gì nữa khi cả lớp bàn tiếp các việc khác. Nhưng cô Oanh gọi đến tên em. Cô giao cho em phụ trách phần văn nghệ vì năm ngoái em đã từng làm việc đó. Cô hỏi cả lớp:
- Các em có đồng ý không?
Các nhỏ im lặng, nhìn nhau dò ý. Nhỏ Thu nói trước:
- Em phản đối.
Kế đó là nhỏ Hạnh:
- Em cũng vậy.
Các nhỏ khác nhao nhao lên:
- Giao cho đứa khác, thay đổi không khí đi cô.
- Năm nay cho con Hương "về vườn".
Thật lòng, em chẳng ham gì công việc tổ chức văn nghệ cho buổi tất niên. Nhưng thái độ của bạn bè khiến em thấy mình bị cô lập. Em nhớ lời khuyên của cô Thục Viên, cố dàn lòng... Hương ơi! Hãy bỏ ngoài tai tất cả...
° ° °
Thấy em không dự tiệc tất niên, cô Thục Viên đến nhà để hỏi. Bởi vậy, mẹ em biết mọi chuyện. Cô Thục Viên thấy không thể tiếp tục giấu mẹ em, đành kể hết những gì em từng thố lộ vớt cô. Mẹ em nhìn em thật lâu, tưởng như muốn đọc thấu ý nghĩ của em trong tận đáy tâm hồn. Em ôm lấy mẹ:
- Mẹ đừng giận con nghe mẹ!
Mẹ em nói:
- Không, mẹ không giận Hương đâu. Vì cho dù mẹ có biết cớ sự, mẹ cũng không thể làm gì hơn những gì cô Thục Viên đã làm cho con. Mẹ chỉ biết khuyên thêm: con đừng quan trọng hóa những chuyện ấy nữa. Bạn bè con nói gì, đối xử với con thế nào, con cứ lo cho việc học của mình. Mẹ tin rồi thời gian sẽ giúp bạn bè hiểu con...
Em gục mặt:
- Vâng, con xin nghe lời mẹ. Nhưng... con muốn... mẹ đừng cho ba biết chuyện này... Lâu lâu ba mới về nhà dăm ngày, con muốn thấy ba vui.
Mẹ em gật đầu:
- Được, mẹ hứa sẽ không cho ba biết.
° ° °
Mấy ngày Tết trôi qua. Ba em chỉ về thăm nhà một ngày trước tết rồi trở lại công trường. Ba hẹn, hết mấy ngày tết lo cho công nhân, ba sẽ được nghỉ bù, về ăn tết muộn. Nhờ có cô Thục Viên, không khí những ngày tết trong nhà em không đến nỗi hiu quạnh lắm.
Ba em về, cả nhà ăn tết muộn. Ba dành hết thì giờ cho mẹ con em. Ba đưa hai mẹ con đi chơi phố, đi xem phim, ăn kem, nghe nhạc. Tối đến, ba trải chiếu trước sân, ngồi nói chuyện với mẹ con em bên ấm nước trà nóng, gói đậu phộng rang và vài cái bánh kẹo. Ba hay pha trò trong các câu chuyện. Một lần, em kể lại giấc mơ của mình hôm trước:
- Con thấy mấy con rắn to đuổi theo con. Con sợ quá, chạy tuốt lên gác xép. Vậy mà chúng vẫn không buông tha, phóng theo sau. Bỗng nhiên, con thấy mình bay bổng, thoát ra khỏi mái nhà...
Ba em thêm:
- Hèn chi ba nghe tiếng ngói vỡ!
Mẹ con em cười vui.
Em tạm quên đi những lo lắng, ưu phiền về việc học của mình. Có lẽ mẹ em đã giữ lời hứa không cho ba em biết chuyện gì, nên xem ba thật vui. Không nghe thấy ba nhắc chuyện học hành. Đôi khi, mẹ em hoặc chính em có nói đến chuyện này, ba gạt đi ngay:
- Thôi, ai chẳng biết Hương học giỏi. Chắc lại muốn khoe điểm, khoe hạng chứ gì? Ba thuộc hết rồi. Ta nói chuyện khác đi.
Tận đến tối cuối cùng, trước khi trở về công trường vào sáng hôm sau, ba em mới nói với em về việc học hành. Ba mở đầu:
- Dạo này Hương học hành thế nào, kể cho ba nghe đi nào.
Em cười:
- Ba nói ba biết hết rồi mà!
- Đúng. Ba biết hết. Thôi, để ba nói cho Hương nghe xem có gì sai hay không nhé!
- Ba nói đi.
- Hương đã vượt lên những hạng đầu lớp.
- Đúng rồi.
- Hương đã phải gắng sức ghê lắm. Trước khi thi học kỳ, Hương đã học ngày học đêm?
- Vâng.
- Nhưng Hương vẫn chỉ xếp hạng nhì. Vẫn kém một bạn học trong lớp.
- Vâng, con đã cố gắng hết sức mình nhưng vẫn không vượt được nhỏ Hạnh. Nó giỏi quá.
- Vậy Hương có muốn học bằng rồi vượt bạn Hạnh không?
- Có chứ ba!
- Ba sẽ giúp Hương.
Em hỏi đùa:
- Bằng cách làm bài hộ con?
Ba tát nhẹ lên má em:
- Muốn vậy thì Hương phải gọi điện báo bài tập cho ba, rồi ba gửi điện báo bài giải về!
- Nhưng ba nói đi. Ba sẽ giúp con bằng cách nào?
Ba em đứng lên:
- Hương ngồi yên đây, đợi ba một chút.
Em ngạc nhiên trước sự bí mật của ba. Một chút xíu sau, ba em trở lại với một cuốn tập trong tay. Cuốn tập bao bìa xanh lá cây còn mới tinh. Ba ngồi xuống đưa cuốn tập ra trước mặt em và nói:
- Đây, ba giúp Hương đây. Ba tặng Hương cuốn tập này, một món quà mà ba tin chắc không có món quà nào quý hơn với Hương.
Em thấy vui vui:
- Ba không quảng cáo với con đó chớ? Cuốn tập này mà quý giá đến vậy sao?
Ba em giải thích:
- Đúng, nó rất quý. Vì nhờ có nó, Hương sẽ học giỏi bằng bạn Hạnh của con.
- Ba không đùa con đó chớ?
Ba em nghiêm giọng:
- Ba không đùa đâu.
Em ngạc nhiên hết sức. Không hiểu trong cuốn tập có gì mà ba bảo là quý giá. Ba em đã kịp giải thích:
- Thực ra thì cuốn tập này chẳng có gì là quý. Nhưng vật có trong cuốn tập mới là đáng quý. Hương thử đoán xem vật gì?
Em lắc đầu. Ba em lấy tay lật nhẹ cuốn tập từng tờ một. Em ngạc nhiên thấy ngay trang đầu là những trang giấy trắng. Sau đó em thấy một cái bóng mờ mờ hiện lên giữa một trang khác. Cái bóng mờ ấy có hình trái tim. Ba em dừng tay, nhìn em mỉm cười, rồi ba lật tờ giấy lên. Em kêu lên:
- Cây gì vậy ba?
Ba em cười:
- Hương lầm rồi. Một chiếc lá đó chớ.
Em nhắc lại:
- Một chiếc lá?
Em nhìn chăm chăm vào chiếc lá lạ. Quả đúng là một chiếc lá thật. Có điều, một chiếc lá không có phiến mà chỉ gồm những nhánh nhỏ, hệt như một chiếc lá bình thường đem ngâm bùn lâu ngày chỉ còn gân lá. Nhưng những nhánh của chiếc lá lạ này lại được xếp đặt rất đều đặn. Ngoài nhánh chính với đoạn dưới lớn, màu nâu nhạt của thân cây, đoạn trên màu xanh đọt chuối, em còn đếm được tất cả sáu nhánh khác chia đều hai bên nhánh chính đó. Sáu nhánh này xếp xen kẽ nhau thật đều.
Chiếc lá với những nhánh màu xanh lục, phân chia chi chít đó làm em liên tưởng tới hình dáng của những cây thông mà chưa một lần em nhìn tận mắt. Em hỏi ba:
- Có phải lá thông không ba?
Ba em lắc đầu:
- Không! Chiếc lá này Hương chưa nghe nói đến bao giờ đâu.
- Lá gì vậy ba?
Ba em đáp chậm rãi và rõ ràng:
- Lá thuộc bài!
- Lá thuộc bài?
Em lặp lại rồi cầm cuốn tập lên, nhìn cho rõ hơn chiếc lá thuộc bài. Ba em nói:
- Ai có chiếc lá thuộc bài này, người ấy sẽ học giỏi. Đấy, Hương đã biết vì sao ba nói nó quý chưa?
Em vẫn còn ngờ vực lời ba em:
- Ba nói thật?
- Ba biết là Hương chưa tin. Nhưng rồi sau này, Hương sẽ phải tin. Bây giờ, Hương nghe lời ba dặn đây. Hương cất cuốn tập này vào cặp thật kỹ. Khi nào học bài hay làm bài thì Hương để cuốn tập này dưới cuốn tập bài học hoặc bài làm và cầu xin. Ba cam đoan Hương sẽ học bài chóng thuộc, làm bài có kết quả tốt.
Em bị lôi cuốn dần vào những lời nói của ba. Có cái gì huyền bí nơi chiếc lá thuộc bài vậy? Ôi! Tới một lúc nào đó em được chứng nghiệm sự linh ứng của chiếc lá, chắc em sung sướng lắm!
Có tiếng mẹ em gọi ngoài cổng. Ba nói thêm với em:
- Chút nữa ba quên mất. Ba dặn Hương điều quan trọng nhất là muốn cho chiếc lá thuộc bài còn linh ứng, Hương không được cho người thứ ba nào được biết, kể cả mẹ. Hương nhớ lời ba dặn chưa?
Em gật đầu. Ba bảo:
- Thôi, Hương cất tập đi. Ba ra mở cổng cho mẹ.
Em cầm cuốn tập chạy nhanh vào phòng. Trước khi bỏ vào cặp, em còn mở cuốn tập ra, đưa chiếc lá thuộc bài lên hít hít mấy hơi. Sau đó, như một tín đồ ngoan đạo, em đặt cuốn tập xuống nhìn chăm chăm vào chiếc lá thuộc bài đặt trên ba chữ: "Hoàng Bảo Hương" do chính tay ba em đề tặng. Em lẩm nhẩm:
- Cầu xin thần lá thuộc bài giúp con học giỏi!
Cầu xin xong, em bỗng cười một mình. Em nghĩ: Phải chăng mình đang tin dị đoan?
° ° °
Ba em lại ra đi. Em cũng đi học lại.
Ngay buổi học đầu năm, thầy Phiên đã cho cả lớp một lô bài tập Lý để gọi là lì xì. Ngay chiều hôm ấy, về nhà, em lấy ra làm ngay. Em làm một lúc xong ba bài đầu, đến bài thứ tư thì phải cắn bút. Bài toán rất ngắn, chỉ có một câu hỏi mà em nghĩ mãi không ra cách giải. Em loay hoay với tờ giấy nháp có đến mười lăm phút vẫn bí!
Chợt, em nhớ đến chiếc lá thuộc bài. Từ khi ba em đi, em cũng quên bẵng nó. Ba có nói rồi, khi làm bài thì lấy cuốn tập ba tặng để dưới tập bài làm rồi cầu xin, thế nào cũng làm được. Đây chính là lần thử thách đầu tiên.
Em lấy cuốn tập có chiếc lá thuộc bài, mở ra, nhìn chiếc lá một chút rồi chắp tay lại, thầm nói: "Con cầu xin…"
Gấp cuốn tập để dưới cuốn bài tập lý, em lấy giấy nháp ra làm. Dù hoài nghi, em vẫn thầm mong những gì ba em nói là sự thật. Em tập trung suy nghĩ. Em nghiền ngẫm từng câu chữ trong bài tập khó đang thách thức mình.
Phép lạ đã xảy ra! Không bao lâu em đã nghĩ ra cách giải bài tập khó kia. Em chép sạch vào tập và ngồi ngẩn ra trước thành quả của mình. Chiếc lá thuộc bài quả linh ứng. Nó giúp em vượt qua bài tập khó, lại giúp em giải nốt những bài còn lại khá dễ dàng.
° ° °
Dù không muốn tin, nhưng những sự việc liên tiếp diễn ra đã buộc em phải tin là chiếc lá thuộc bài có tác dụng. Em quý chiếc lá vô cùng. Những bài toán khó, những bài tập Lý rắc rối, những bài học khó nhớ... nhờ chiếc lá thuộc bài, hết thảy, em đều vượt qua được. Em thầm cảm ơn ba đã tặng em một vật báu. Em không còn mặc cảm trước một nhỏ Hạnh, em bình thản trước sự ganh tị của bạn bè. Mà dường như cả lớp cũng đã bớt đi cái nhìn soi mói vào em, thay vào đó một nỗi ngạc nhiên.
Cô Thục Viên cũng phải hỏi em:
- Dạo này cô thấy Bảo Hương vui hẳn ra. Cô mừng lắm. Nhưng nhờ cái gì mà em được như vậy, nói cho cô biết được không nào?
Em cười lắc đầu không trả lời câu hỏi của cô Thục Viên. Ba em đã dặn rồi: không được cho người thứ ba biết chuyện, nếu không, chiếc lá sẽ không còn linh ứng nữa.
Mẹ em thì nói với em:
- Thấy Hương không còn buồn rầu như trước, mẹ sung sướng lắm. Nếu con cứ được như thế này, ba mẹ chẳng còn gì phải lo lắng nữa. Thế nào ba mẹ cũng phải thưởng cho con một món quà gì đó. Hương đã tự cố gắng vượt qua được những khó khăn...
Em bật thốt:
- Không phải vậy đâu mẹ...
May mà em kịp dừng lại. Suýt chút nữa em đã nói ra sự thật, rằng không phải em đã tự cố gắng vượt khó như mẹ nghĩ, mà chính nhờ chiếc lá thuộc bài thần diệu.
Mẹ em hỏi:
- Hương định nói gì?
- À không. Con chỉ định nói với mẹ một chuyện vui... Mẹ biết không, tháng này, con đã được đồng hạng nhất với nhỏ Hạnh rồi...
- Ôi! Hương được nhất à?
Mẹ em ôm chầm lấy em. Mẹ hôn lên trán, lên má em. Nỗi mừng của mẹ khác nào niềm vui đang rộn rã lòng em. Em lại nhớ đến ba. Khi ba em ghé thăm nhà, em cũng sẽ báo tin vui cho ba biết. Chắc ba sẽ hỏi: "Sao? Bây giờ Hương đã tin lời ba chưa?" Em sẽ gật đầu và nói: "Con tin rồi. Chiếc lá thuộc bài linh lắm". Em không ngại dù lúc ấy có mặt mẹ bên cạnh hai cha con. Chắc mẹ chẳng đoán được chuyện gì rõ ràng...
° ° °
Bỗng dưng nhỏ Ngân tìm đến em để xin lỗi. Em ngạc nhiên hỏi:
- Nhưng mày xin lỗi việc gì?
- Cái vụ tao nghi ngờ mày chép bài hồi đầu năm ấy mà.
Em cười lớn:
- Tao quên chuyện ấy rồi. Mà tao cũng đâu có giận mày.
Nhỏ Ngân mở lớn đôi mắt:
- Mày nói thật hả?
Bẵng một dịp khá lâu, em với nhỏ Ngân có vẻ xa cách nhau dù hai đứa vẫn ngồi cạnh nhau, vẫn trò chuyện với nhau. Bây giờ Ngân xin lỗi em chuyện đầu năm, chắc chắn nó muốn nối lại tình thân năm ngoái. Quả vậy, nó nói:
- Tao nghĩ là tụi mình nên chơi thân với nhau như trước. Nói tụi mình là tao với mày thôi. Tao nghỉ chơi với tụi con Thu, con Điệp, con Nga rồi. Bây giờ tao đã tin chắc là mày học giỏi. Mày học giỏi thật đó Hương. Mày đã là kỳ phùng địch thủ của con Hạnh rồi...
Em cầm tay nhỏ Ngân:
- Mày hiểu được tao, tao mừng lắm.
- Chưa hết đâu. Mày nghe tao nói thêm điều này nữa. Tao đã quyết định sẽ cố học như mày. Rồi mày coi. Tao sẽ vươn lên nhóm dẫn đầu lớp.
Em reo lên:
- Mày nói thì phải giữ lời nghe chưa.
Em vui quá. Điều em mong muốn từ đầu năm học, mong nhỏ Ngân cũng chịu chăm học như mình, nay không ngờ em lại được chính đứa bạn nói với mình. Ngân tâm sự:
- Ba má tao mới rầy tao dữ lắm. Tao nhất định sẽ học hành đàng hoàng để theo kịp mày tao mới chịu.
Em vẫn cầm tay Ngân:
- Rồi mày sẽ đuổi kịp tao Ngân ạ.
° ° °
Em định sẽ dành cho nhỏ Ngân một ngạc nhiên. Em sẽ tặng nhỏ ấy một cuốn tập có chiếc lá thuộc bài như ba đã tặng em. Em mong nhỏ ấy học giỏi như mình.
Nhưng có một điều khó khăn là em không biết phải tìm chiếc lá thuộc bài ở đâu. Nếu hỏi xin ba thì chiếc lá của nhỏ Ngân đã có ba người biết, liệu nó có linh ứng không?
Cuối cùng, em nghĩ ra một cách. Em sẽ ngắt một nhánh chiếc lá thuộc bài của mình để tặng nhỏ Ngân. Em đã cẩn thận hỏi ba: "Nếu con lỡ làm gẫy một nhánh lá, nó có mất linh ứng không hả ba?". Ba em đáp: "Không sao đâu Hương ạ. Chiếc lá chỉ mất tác dụng khi có người thứ ba biết được".
Em lấy một cuốn tập mới, cũng bao tập bằng giấy bóng màu xanh lá cây. Gài nhánh lá thuộc bài vào tập rồi, em nắn nót viết ba chữ "Lê Thị Ngân" xuống bên dưới. Em tin là nhỏ Ngân sẽ vui mừng và ngạc nhiên khi nhận món quà này.
Em tưởng tượng: đôi mắt nhỏ Ngân sẽ mở thật lớn mà nhìn nhánh lá thuộc bài. Có thể, cái miệng nó sẽ há tròn. Sau đó, em sẽ nói cho Ngân biết công dụng kỳ diệu của chiếc lá thuộc bài:
- Ai có chiếc lá thuộc bài, người ấy sẽ học giỏi.
Chiếc Lá Thuộc Bài Chiếc Lá Thuộc Bài - Nguyễn Thái Hải Chiếc Lá Thuộc Bài