Đừng lo ngại cuộc sống sẽ kết thúc, hãy lo ngại cuộc sống chẳng bao giờ bắt đầu.

Grace Hansen

 
 
 
 
 
Tác giả: E.b.white
Thể loại: Tuổi Học Trò
Nguyên tác: Charlotte's Web
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2734 / 49
Cập nhật: 2017-05-09 22:25:38 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 14 - Bác Sĩ Dorian
gày hôm sau là thứ Bảy. Fern đứng bên chậu rửa trong bếp để lau khô bát đĩa của bữa sáng trong khi mẹ cô rửa. Bà Arable lẳng lặng làm việc. Bà hy vọng Fern sẽ ra ngoài và chơi với lũ trẻ con khác, thay vì lại đến khu chuồng nhà Zuckerman để ngồi và xem những con vật.
“Charlotte là người kể chuyện hay nhất mà con biết,” Fern nói và dúi khăn lau vào một bát ngũ cốc.
“Fern,” mẹ cô nghiêm nghị nói, “con không được bịa ra chuyện. Con biết là nhện không bao giờ kể chuyện cả. Nhện không biết nói.”
“Charlotte nói đấy,” Fern trả lời. “Chị ấy không nói to thôi, nhưng chị ấy có nói.”
“Thế chị ta kể chuyện gì nào?” bà Arable hỏi.
“À,” Fern bắt đầu, “chị ấy kể cho con về một chị họ của chị ấy, đã bắt một con cá ở trên mạng nhện của mình. Mẹ đã thấy ghê chưa?”
“Fern, con yêu, làm sao một con cá lại rơi vào một cái mạng nhện được?” bà Arable nói. “Con biết rõ chuyện đó không thể xảy ra được. Con bịa ra mà thôi.”
“Ồ, chuyện ấy xảy ra đấy ạ,” Fern trả lời. “Charlotte không bao giờ bịa cả. Chị họ của chị ấy giăng một cái mạng nhện ngang qua một dòng suối. Một ngày kia khi chị ta đang treo mình trên mạng thì một con cá nhỏ vọt lên không trung vào mắc vào mạng nhện. Con cá bị mắc một bên vây, mẹ à; đuôi của nó quẫy đập man dại và chói sáng dưới ánh nắng. Mẹ không thấy tấm mạng, võng xuống rất nguy hiểm dưới trọng lượng của con cá hay sao? Chị họ của Charlotte cứ lạng vào, lách ra, và chị ta đánh một cách không thương tiếc lên đầu con cá quẫy đập man dại, cứ nhảy vào, nhảy ra, tung...”
“Fern!” mẹ cô cáu kỉnh. “Chấm dứt ngay! Chấm dứt ngay trò bịa chuyện lung tung!”
“Con không bịa,” Fern nói. “Con chỉ kể cho mẹ nghe sự thật.”
“Xong rồi thì sao?” mẹ cô hỏi, sự tò mò bắt đầu lấn át tất cả.
“Chị họ của Charlotte thắng. Chị ta quấn chặt con cá, rồi chị ta ăn nó, khi chị ta đã sẵn sàng và phấn chấn. Nhện cũng phải ăn chứ, có khác gì chúng ta đâu.”
“Ừ, mẹ cũng nghĩ chúng phải vậy,” bà Arable nói, vẻ mơ hồ.
“Charlotte còn có một chị họ khác là thợ lái khinh khí cầu. Chị này luôn chổng ngược đầu, tuôn ra hàng đống tơ, và đã được gió cuốn đi. Mẹ à, mẹ có thích làm như vậy không nào?”
“Có, mẹ có thích, cứ nghĩ mà xem,” bà Arable trả lời. “Nhưng Fern, con yêu, mẹ muốn con hôm nay ra ngoài chơi chứ đừng đến khu chuồng nhà chú Homer nữa. Hãy đi tìm các bạn con và chơi gì hay ho ở ngoài trời. Con mất bao nhiêu thời giờ ở cái khu chuồng ấy rồi còn gì - con cứ cô đơn một mình mãi như thế không tốt đâu.”
“Cô đơn?” Fern nói. “Cô đơn? Bạn tốt của con đều ở trong nhà kho khu chuồng đó. Đó là một nơi rất chan hòa. Chẳng cô đơn một tẹo nào.”
Sau một hồi thì Fern mất dạng, lại ra đường xuống nhà Zuckerman. Mẹ cô phủi bụi phòng khách. Vừa làm bà vừa nghĩ miết về Fern. Một cô bé mà quan tâm đến động vật đến thế dường như là điều không bình thường. Cuối cùng bà Arable quyết định rằng bà sẽ ghé thăm ông bác sĩ già Dorian để xin tư vấn. Bà ra xe và lái về phía văn phòng của ông ở trong làng.
Bác sĩ Dorian có bộ râu rậm. Ông rất vui khi thấy bà Arable và lấy một chiếc ghế thật dễ chịu cho bà ngồi.
“Chuyện là về Fern,” bà giải thích. “Fern tốn quá nhiều thời gian trong khu chuồng nhà Zuckerman. Điều này có vẻ không được bình thường. Con bé cứ ngồi trên cái ghế vắt sữa bò trong một góc nhà kho khu chuồng, sát cạnh chuồng lợn, và quan sát các con vật hết giờ này sang giờ khác. Nó chỉ ngồi và lắng nghe.”
Bác sĩ Dorian ngả người ra sau và nhắm mắt lại.
“Hay thế nhỉ!” ông nói. “Ở đó chắc phải thú vị và yên ắng lắm đấy. Homer có một ít cừu, đúng không nhỉ?”
“Vâng,” bà Arable đáp. “Nhưng mọi chuyện bắt đầu với cái con lợn mà chúng tôi để Fern nuôi bằng cách cho bú bình. Con bé gọi nó là Wilbur. Homer mua con lợn, và từ khi con lợn rời chỗ chúng tôi Fern luôn đến nhà chú của nó để được ở gần con lợn.”
“Tôi đã nghe nhiều chuyện về con lợn đó rồi,” bác sĩ Dorian mở mắt ra nói. “Người ta nói đó là một con lợn ra lợn.”
“Ông đã nghe về những chữ xuất hiện trên mạng nhện chưa?” bà Arable nôn nóng hỏi.
“Có nghe,” ông bác sĩ trả lời.
“Ồ, thế ông có hiểu không?” bà Arable hỏi.
“Hiểu cái gì?”
“Ông có hiểu tại sao lại có chữ trên một cái mạng nhện?”
“Ồ, không,” bác sĩ Dorian đáp. “Tôi chẳng hiểu tại sao cả. Nhưng về vấn đề này thì ngay việc tại sao con nhện học được cách giăng mạng tôi cũng chẳng hiểu. Khi những chữ cái xuất hiện, ai cũng nói chúng là một phép màu. Nhưng chẳng ai nhận thấy rằng ngay cái mạng nhện thôi cũng là một phép màu.”
“Một cái mạng nhện thì có gì là màu nhiệm?” bà Arable nói. “Tôi không hiểu tại sao ông nói một cái mạng nhện là một phép màu - chỉ là một cái mạng nhện thôi mà.”
“Bà đã bao giờ thử giăng một cái mạng chưa?” bác sĩ Doran hỏi.
Bà Arable nhấp nhổm không yên trên ghế bành. “Không”, bà trả lời. “Nhưng tôi có thể móc một cái khăn và tôi có thể đan một cái vớ.”
“Chắc chắn rồi,” ông bác sĩ nói. “Nhưng có ai đó đã dạy bà, đúng không?”
“Mẹ tôi dạy tôi.”
“Đó, vậy có ai dạy con nhện không? Một con nhện con biết giăng một cái mạng nhện mà không cần bất cứ ai hướng dẫn gì hết. Bà không thấy đó chính là một phép màu à?”
“Tôi cho là thế,” bà Arable nói. “Tôi chưa bao giờ nhìn sự thể theo lối ấy. Song, tôi vẫn không hiểu tại sao mấy chữ ấy lại có ở trên mạng nhện. Tôi không hiểu nổi, và tôi không thích những gì mà tôi không hiểu nổi.”
“Chẳng ai hiểu cả,” bác sĩ Dorian thở dài nói. “Tôi là một bác sĩ. Bác sĩ được coi là hiểu mọi thứ. Nhưng tôi không hiểu được mọi thứ, và tôi không có ý định để việc đó làm tôi phải lo lắng.”
Bà Arable bồn chồn. “Fern nói rằng các con vật nói chuyện với nhau. Bác sĩ Dorian, ông có tin các con vật nói chuyện hay không?”
“Tôi chưa bao giờ nghe con nào nói gì cả,” ông bác sĩ trả lời. “Nhưng cái đó thì chẳng chứng minh nổi điều gì. Hoàn toàn có thể rằng một con vật đã nói chuyện rất lịch thiệp với tôi nhưng tôi hoàn toàn không nhận ra bởi vì tôi đã không chú tâm. Trẻ con chú tâm hơn người lớn nhiều. Nếu Fern nói rằng những con vật trong khu chuồng nhà Zuckerman nói chuyện, tôi sẵn sàng tin cô bé đấy. Có thể là nếu con người nói ít đi, động vật sẽ nói nhiều lên. Con người ta là những cái máy ba hoa không ngừng - tôi có thể cam đoan với bà điều này.”
“Vâng, tôi cảm thấy nhẹ lòng về Fern hơn rồi,” bà Arable nói. “Ông có nghĩ tôi cần phải lo lắng về con bé hay không?”
“Cô bé trông ổn chứ?” ông bác sĩ hỏi.
“Ồ, vâng.”
“Ăn uống tốt chứ?”
“Ồ, vâng, nó lúc nào cũng đói ngấu.”
“Đêm ngủ ngon chứ?”
“Ồ, vâng.”
“Vậy thì đừng có lo gì nữa,” bác sĩ nói.
“Ông có cho rằng con bé sẽ lại bắt đầu nghĩ đến cái gì khác ngoài lợn với cừu với ngỗng với nhện hay không?”
“Fern năm nay bao nhiêu tuổi?”
“Nó lên tám.”
“À,” bác sĩ Dorian nói, “tôi nghĩ con bé sẽ luôn yêu động vật. Song tôi nghi ngờ việc cô bé sẽ quanh quẩn cả đời ở trong nhà kho khu chuồng nhà Zuckerman đấy. Thế bọn con trai thì sao - Fern có quen biết đứa nào không?”
“Nó quen Henry Fussy,” bà Arable hoan hỉ nói.
Bác sĩ Dorian nhắm mắt lại lần nữa và chìm đắm vào trong suy tư. “Henry Fussy,” ông lẩm bẩm. “Hừm. Khá đấy. Rồi, tôi nghĩ bà không có gì phải lo lắng đâu. Cứ để Fern giao du với bạn của cô bé trong khu chuồng nếu cô bé muốn. Tôi có thể nói, chả cần phải đắn đo gì hết, là nhện và lợn cũng hoàn toàn hấp dẫn chẳng kém gì Henry Fussy cả. Song tôi đoán rằng sẽ đến một ngày cậu chàng Henry kia cũng có cơ hội thu hút được sự chú ý của Fern. Bọn trẻ mỗi năm mỗi thay đổi đến là kinh ngạc. Avery thì thế nào rồi?” ông hỏi, mở to đôi mắt hơn nữa.
“Ồ, Avery,” bà Arable khẽ cười, “Avery lúc nào cũng ổn cả. Dĩ nhiên, nó bị vướng vào cây sơn độc và bị cả ong thường lẫn ong bắp cày đốt và mang cả ếch cả rắn về nhà và làm vỡ tất cả những gì nó động tay đến. Nó thì ổn lắm.”
“Tốt!” ông bác sĩ nói.
Bà Arable chào tạm biệt và cảm ơn bác sĩ Dorian đã tư vấn. Bà đã cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều.
Charlotte Và Wilbur Charlotte Và Wilbur - E.b.white Charlotte Và Wilbur