Never judge a book by its movie.

J.W. Eagan

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 8
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1835 / 45
Cập nhật: 2015-11-23 08:45:30 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Tường Hùng - Người Chú
oma yên lành, yêu đời, có trời xanh ngắt, đường phố thái bình, mọi người hình như chỉ vội vàng vui vẻ sống để hưởng hết cái đẹp của tỉnh đẹp này.
Buổi sáng hôm đó một người bạn tôi gọi dây nói và báo tin Nhất Linh mất. Tự tử. Tin đến dữ dội như sét đánh, rồi bỗng biến đi, yên lặng. Tôi vội vã đi xuống đường, lẫn vào đám đông, và trong cái tiếng xa lạ và quen thuộc này tôi dần dần thấy Nhất Linh.
Sau khi chính quyền Pháp bị lật đổ, Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam thì đúng hơn – trở về Hà Nội. Ông tới nhà chúng tôi. Rất hiên ngang, to lớn, mặc áo da phi công, chân đi giày ống, trên mép có hàm râu đen nhánh. Con người cách mạng, cương quyết, sau bao năm tranh đấu, trở về mang theo tất cả sự quyến rũ của cuộc đời hùng mạnh, như Dũng trong truyện Loan và Dũng.
Tôi còn nhớ đôi mắt nhìn thẳng dưới đôi lông mày rậm (điểm đặc biệt của gia đình chúng tôi), nụ cười rộng lượng phô hàm răng trắng, đều.
Rồi bao nhiêu biến đổi, Việt Minh cướp chính quyền. Tản cư. Loạn lạc. Khi tôi vào Sài Gòn tôi lại gặp Nhất Linh.
Đối với tôi, Nhất Linh bé nhỏ hẳn đi, tóc đã muối tiêu, đi đứng nhẹ nhàng, như một nhà ẩn dật, và giống một văn sĩ. Nhưng vẫn nụ cười ngày xưa rộng lượng và tha thứ tất cả mọi sự.
Có đôi mắt Nhất Linh làm tôi ngạc nhiên: đôi mắt trở thành màu xám đục. Cũng như mắt của bà tôi khi trở về già, đôi mắt không đen.
Và việc hoạt động cho văn nghệ bắt đầu. Nhất Linh vẫn thường nói văn hoá có sức mạnh thay đổi lâu bền hơn chính trị. Làm chính trị có ích trong một thời, làm văn hoá – nếu thành công – sẽ còn lại mãi mãi. Điểm này cũng giống như câu châm ngôn của báo Văn hoá ngày nay: “Văn chương vượt không gian và thời gian”.
Nhất Linh có sức làm việc phi thường. Làm việc cả ngày không mệt. Những hôm bận việc Nhất Linh chỉ ngủ hai ba tiếng đồng hồ. Khi làm báo có khi hàng tuần Nhất Linh làm việc như vậy. Vì đã tìm ra triết lý tuyệt hảo, Nhất Linh đã áp dụng triết lý này vào tất cả mọi việc trong đời Nhất Linh. Khi làm gì thì làm với tất cả tâm hồn, làm cho tới mức tuyệt hảo. Và Nhất Linh nói tới chuyện rửa bát ở bên Tàu. Nếu ta rửa bát một cách qua loa cho xong việc thì ta ngại rửa bát, nhưng nếu ta coi việc đó như một nghệ thuật cần phải làm tới cùng thì việc rửa bát tự nhiên trở nên hứng thú. Cuộc đời Nhất Linh hứng thú vì Nhất Linh sống cuộc đời của mình đến tận cùng.
Khi còn ở Nguyễn Bỉnh Khiêm, trong căn nhà có vườn cỏ xanh bao bọc, phòng tôi ở ngay cạnh phòng của Nhất Linh. Nhiều đêm tỉnh giấc vào quãng ba bốn giờ sáng, tôi thấy bên phòng Nhất Linh còn đèn sáng. Tôi sang thăm và cảnh làm việc làm tôi sợ hãi.
Trong căn phòng đầy sách vở, giấy tờ, Nhất Linh cặm cụi soạn bài, sửa bài, vẽ, một mình làm gần hết tờ báo. Trong phòng khói thuốc trừ muỗi bay mờ mịt. Trên trần cái quạt quay nhanh, không khí lành lạnh làm tôi rùng mình nghĩ đến sức khoẻ của Nhất Linh.
“Chú không ngủ, nhỡ ốm thì ai làm Văn hoá ngày nay?”
Tay run run châm điếu thuốc, Nhất Linh nhìn tôi, mỉm cười:
“Cháu đang còn sức trai, cần phải ngủ nhiều.”
Những điểm gì đã làm Nhất Linh trội hơn nhiều người trong những phạm vi ông hoạt động? Tôi cho rằng đó là sự ham mê, hay nói một cách khác đi, triết lý tuyệt hảo. Ông có tài lôi cuốn nhiều người vào công việc làm của ông vì thế. Ngày xưa khi ông ở Hưng Yên, ông đã làm cả tỉnh hăng hái tập thể thao. Khi ở trên Đà Lạt, tôi thấy nhiều người chơi hoa lan theo Nhất Linh. Đó chỉ là một vài việc nhỏ, để chứng tỏ sức lôi cuốn đám đông của ông. Còn những việc to lớn hơn mà tôi không nói đến như chính trị văn hoá. Trong tất cả các hoạt động này Nhất Linh không kém ai, vì ông đã làm với tất cả tâm hồn của ông.
Và thêm vào đó – một điều rất quan trọng: Nhất Linh có một khối óc phi thường, luôn luôn có những ý kiến mạnh mẽ. Ông nhìn rất xa, bao trùm cả vấn đề, rồi giản dị hoá tất cả. Có thể nói Nhất Linh là một tâm hồn phức tạp – một người ưa hoạt động và thực tế.
Ông thường nói ông bị giằng xé nhiều năm bởi hai khuynh hướng đó. Ông đã hoạt động về xã hội làm nhà Ánh Sáng, về chính trị chống Pháp, chống cộng sản. Ông đã trở về tu tiên ở Đà Lạt để chỉ sáng tác văn nghệ. Việc mà đã điều hoà được cả hai khuynh hướng, đó làm báo làm báo. Và Nhất Linh đã làm những tờ báo nổi tiếng: Phong hoá, Ngày nay.
Trong các tiểu thuyết của Nhất Linh, người ta cũng thấy sự hiện diện của hai sức mạnh đó. Ngày trước, thời của các cuốn Đôi bạn, Đoạn tuyệt, tiểu thuyết của Nhất Linh là một phương tiện tranh đấu. Nghệ thuật chỉ đứng sau, nhưng cũng rất rõ rệt, đủ để chứng tỏ ông là một văn sĩ có tài. Và dần dần nghệ thuật trở nên quan trọng, trong Bướm trắng chẳng hạn.
Trong các tác phẩm cuối cùng của Nhất Linh như Xóm cầu Mới, Cô Mùi, thì Nhất Linh trở nên hoàn toàn văn sĩ.
Nguyễn Du nói tạo hoá ghen ghét những người tài hoa. Nhưng làm gì có tạo hoá theo nghĩa của Nguyễn Du! Những người tài hoa đã tự lựa chọn cuộc đời của họ. Và vì nhân cách không giống tất cả mọi người, họ thường phải đối chọi với xã hội và chết một cách khác thường, nhiều khi vô lý. Tại sao Hemingway nhét khẩu súng vào mồm, bắn nổ tung óc, để tự tử? Tôi không bao giờ nghĩ rằng Nhất Linh tự tử, tự tử một cách giản dị như bước đi một bước, một bước sang thế giới bên kia. Giản dị và tự nhiên như câu thơ của Nhất Linh nhẹ nhàng: “Hạt muối tan trong bát nước lã”. Tôi chưa bao giờ được nghe Nhất Linh nói đến sự chết. Đôi khi Nhất Linh nói đến triết lý, một thứ triết lý thấm nhuần sự bình thản của đạo Phật, sự hoà hợp với thiên nhiên của đạo Lão. Nhất Linh viết về sự chết, để tả cái gì xảy ra sau khi chết: người ta sẽ “phiêu diêu” trong sự sung sướng, thân thể sẽ tan đi mất như trong một giấc mơ. Nhưng Nhất Linh tự tử!
Có lẽ người ta rất sung sướng khi được biết sự bí mật cuối cùng cuộc đời dành cho ta: SỰ CHẾT.
Ở Đà Lạt Nhất Linh thường ngâm câu thơ:
Người đi lâu chửa thấy về
Nhớ người lòng suối Đa-mê gợn buồn.
Tôi vẫn thường tự hỏi có phải Nhất Linh nhớ dòng suối Đa-mê thực hay không. Trời Đà Lạt lạnh, lòng suối trong suốt, nước cũng lạnh buốt nằm trơ giữa cỏ cây, cô đơn trong rừng núi, nếu thực suối có nhớ ai thì suối có khung cảnh ảm đạm, nỗi buồn của suối sẽ thấm thía. Bây giờ trở lại nơi cũ, cạnh dòng suối, người ta tìm hình bóng Nhất Linh trong chiếc võng treo giữa hai cái cây. Lan rừng vẫn tung hương cho gió, như những câu văn của Nhất Linh vẫn còn nằm trên giấy, vẫn nói bằng giọng nói của Nhất Linh. Tôi không khỏi xao xuyến khi giở tập truyện của Nhất Linh ra đọc. Hình như người vẫn còn lẩn quất đâu đây, gầy gò, thanh đạm chơi lan, cặm cụi viết văn và đôi khi mỉm cười rộng lượng tha thứ tất cả.
Nhất Linh đã mất nhưng tâm hồn của Nhất Linh còn mãi mãi. Và khi đọc cuốn trường thiên tiểu thuyết Xóm cầu Mới”, người ta sẽ thấy, qua cảnh khốn khổ nhưng khôi hài của một đám dân trong xóm nhỏ, người ta sẽ thấy Nhất Linh mỉm cười. Phải giấu lòng yêu nhân loại mới có nụ cười đó.
Một vài nét về chân dung Nhất Linh
Con người
Ít khi tôi gặp một người bình dân như Nhất Linh. Dù ông nói chuyện với một văn sĩ trứ danh, một anh bán phở, một lãnh tụ chính trị hay một cậu bé con, ông vẫn giữ thái độ giản dị, hoà nhã.
Hồi còn báo Văn hoá ngày nay, Nhất Linh bàn cãi với Duy Lam và tôi – chúng tôi rất trẻ tuổi – coi chúng tôi ngang hàng. Trong những buổi họp ở Trung tâm Bút Việt, Nhất Linh bảo tôi gọi ông bằng “anh”, bởi vì theo Nhất Linh cùng là văn sĩ thì không còn coi nhau như chú cháu nữa. Khi đi đến nhà báo hay đến nhà in, Nhất Linh thường ngồi đằng sau cái xe Lambretta của tôi. Ông không thích xe hơi, không thích lái.
Nhưng Nhất Linh rất ghét xã giao, ghét lạc vào một phòng khách nói những chuyện thù tiếp. Trong những bữa tiệc đông người, Nhất Linh thường chỉ yên lặng cười và uống rượu.
Bề ngoài Nhất Linh tuy rất bình thản, hoà nhã, nhưng bên trong – theo lời Nhất Linh – thì nhiều lúc chứa những bão táp ghê gớm, những tư tưởng mà chính Nhất Linh cũng không ngờ tại sao ông lại có. Có lẽ vì có một tâm hồn dễ xúc động quá mực thường nên đôi khi Nhất Linh nổi giận một cách khác thường.
Dễ xúc động cũng tùy lúc. Có lần Nhất Linh tự dưng ôm mặt khóc, vô cớ, như để thoả mãn một nỗi ấm ức không tên. Nhưng ở hội nghị Pháp - Việt tại Đà Lạt, khi Pháp ra những điều kiện gắt gao để bắt chẹt Việt Nam, khi hội nghị tan vỡ và viễn tượng chiến tranh hiện rõ, Nhất Linh đã nhỏ những giọt nước mắt yêu nước.
Một buổi trưa sau bữa cơm, hồi Nguyễn Tường Tam còn uống rượu, Nhất Linh đã trở vào buồng nằm, cửa đống. Lúc đó thì một bà mà chúng tôi vẫn gọi là cô vì thân với gia đình, đến chơi. Bà tính ồn ào, vui vẻ, lúc nào cũng cười nói. Sau khi tán chuyện với chúng tôi, bà hỏi:
“Anh Tam đâu rồi? Chắc lại vào buồng nằm.”
Nói rồi bà vào phòng Nhất Linh, không gõ cửa như lệ thường ở nước mình, đẩy cửa vào.
Một lúc sau chúng tôi nghe thấy tiếng quát tháo của Nhất Linh rồi tiếng chai bị ném vỡ trên sàn nhà.
Nhất Linh nổi giận vì cô chúng tôi vào không gõ cửa! Mọi khi vào phòng Nhất Linh có bao giờ chúng tôi gõ cửa đâu!
Nhưng Nhất Linh quên giận rất nhanh chóng.
Hờn dỗi là một tính cố hữu của một vài người trong họ chúng tôi. Tôi còn nhớ hồi nhỏ chơi đùa với Duy Lam, nếu lỡ làm Duy Lam giận thì chúng tôi lại mất công dỗ Duy Lam cả ngày. Nhất Linh tuy không tỏ ra hờn dỗi ai, nhưng trong truyện của Nhất Linh các nhân vật hay hờn dỗi nhau. Họ thường hờn dỗi nhau vì họ yêu nhau. Có bao nhiêu xen Trương dỗi Thu, Thu dỗi Trương trong truyện Bướm trắng. Ngay trong cuốn Xóm Cầu Mới (chưa in) có nhiều đoạn Mùi dỗi ông anh họ Siêu, rớm máu trên da và để lòng nhẹ đi. Ngay cả Triết, em Mùi, cũng dỗi Mùi. Chắc Nhất Linh cũng cảm thấy tình cảm đó một cách thấm thía nên mới hay nhắc lại trong truyện của ông.
Làm việc
William Faulkner đã nói về người viết văn: “Văn sĩ có tài cần phải có 90% tài, 90% kỷ luật và 90% làm việc… Không bao giờ hoàn toàn hài lòng về cái mình viết vì lúc nào mình cũng có thể viết hơn được. Bao giờ cũng nhìn lên cao. Không để ý đến phải hơn các văn sĩ khác cùng thời hay các văn sĩ ngày xưa, chỉ cần phải hơn mình là đủ. Một nghệ sĩ là một nhân vật bị lôi cuốn bởi một con quỷ…” – tôi thấy câu này thực hợp với Nhất Linh khi ông làm việc.
Một hôm trời đẹp Nhất Linh tươi cười đưa cho tôi một chồng bản thảo cuốn truyện dài Xóm Cầu Mới. Những trang giấy trắng không kẻ hàng đóng thành từng tập dày, bìa đen, chứa đầy những dòng chữ nhỏ li ti, viết bằng mực xanh lá cây, xanh da trời, những chữ bị cắt thành từng gạch nhỏ, như ai đã cầm kéo cắt vụn và trải trên giấy, như đã bị những tư tưởng dồn dập và xao động đã đập tan, kéo dài thành những con đường chứa các hình ảnh, những băn khoăn muốn chạy mau về một nơi nào. Và những dòng chữ dó nhiều nơi bị dập xoá, viết chồng lên, nhiều đoạn được viết lại.
Cuốn truyện này Nhất Linh đã viết năm sáu lần, bản thảo đã có khi bị mất nên Nhất Linh phải nhớ lại và viết lại. Theo tôi biết đó là tác phẩm cuối cùng của Nhất Linh. (Những lúc xa Nhất Linh tôi không được biết ông có sáng tác chuyện nào không).
Tôi yên chí đó là hình thức cuối cùng của cuốn truyện, tôi tưởng viết như thế là đã tới sự thăng bằng của tư tưởng, của văn, của chữ. Khi Nhất Linh trích những đoạn trong Xóm Cầu Mới để đăng thành truyện ngắn, tôi ngạc nhiên vì ông đã viết lại, thêm bớt, gọt dũa không biết bao nhiêu lần nữa. Và khi đã xếp chữ tại nhà in, Nhất Linh còn sửa đi sửa lại, cặp kính trắng hơi trễ trên mũi, tay run run cầm cái bút Parker 61, viết ngoằn ngoèo và nhanh. Ông thường khuyên tôi: “Chỉ cần thêm bớt một chút là truyện trở nên khác hẳn, nhưng cái khó là tìm ra phải thêm gì, phải bớt gì”. Tôi nghĩ có lẽ cũng như một bức tranh, một phong cảnh đẹp, nếu các phần tử hoà thuận với nhau, sẽ gây cho chúng ta những rung động. Văn sĩ dàn xếp các tiếng như một nhạc sĩ điều khiển âm thanh. Các tiếng, và cả các nhân vật nữa, khi gặp nhau sẽ có phản ứng, phản ứng mà văn sĩ đoán trước, nhưng không bao giờ biết trước được rõ ràng. Đó là một trong những cái bất ngờ thú vị khi viết văn.
Nhất Linh thường làm việc rất khuya, có khi đến rạng đông. Nhất Linh làm việc một cách say mê, gần như quên hết các việc khác, quên khung cảnh chung quanh. Nhưng ông cũng hay dậy sớm ngồi hút thuốc lá trên cái ghế vải, nhấm nháp chén trà tàu. Ông thích viết trên giấy trắng không kẽ hàng, nhưng dòng chữ của Nhất Linh vẫn chạy thẳng chứ không bay lên hay chúi xuống. Ít khi ông viết ở bàn viết, ông hay viết ngồi trong cái ghế vải.
Ông thường suy nghĩ rất nhiều về một truyện muốn viết, suy nghĩ một cách đại cương, về một vài xen, nhân vật. Rồi khi viết thì ông chỉ việc thả các nhân vật, đã được định rõ ràng, muốn sống ra sao thì sống, vì vậy có nhiều biến chuyển bất ngờ có khi đổi hẳn cốt truyện. Những điều này Nhất Linh đã viết thành sách để dựng một lý thuyết về cách viết văn.
Nhất Linh có những sáng kiến bất ngờ và những sáng kiến đó dồn dập đến. Một hôm bị giục gấp quá, tôi đưa cho Nhất Linh một mẩu mà tôi định làm thành truyện ngắn, mẩu đó không có đầu không có đuôi. Nhất Linh đọc xong, cầm bút viết thêm một chút để cho có kết cục, sửa vài đoạn để cho có mạch lạc, rồi đặt thành một mục mới cho Văn hoá ngày nay: mục “Chàng và Nàng”. Đó chỉ là một mục vui vui, nhưng sau nhờ tài hài hước của Duy Lam mục đó đã được nhiều nữ độc giả viết thư đến “chửi” lại bọn con trai chúng tôi.
Những sáng kiến của Nhất Linh giúp rất nhiều về các truyện mà Nhất Linh sữa. Chỉ vài câu đặt lại, vài đoạn cho lên cho xuống, truyện tự nhiên đổi khác hẳn đi, rõ ràng hẳn lên.
Thường Nhất Linh rất ghét các câu quá “Tây”, những câu bí hiểm đầy chữ khó hiểu, những câu sáo rỗng. Ông chủ trương một lối văn hoàn toàn Việt Nam và thực giản dị.
Vài tài nhỏ
Nhất Linh có tài leo núi, kiếm lan. Ông thấy leo lên thì dễ mà xuống thì khó. Tuy đã lớn tuổi nhưng ông còn rất nhanh nhẹn, nhiều người trẻ tuổi không theo kịp ông. Ông có con mắt tỉnh, tuy phải đeo kính, tìm thấy những cụm lan đẹp một cách nhanh chóng.
Đem lan về ông còn bày hoa vào những chậu, cho hoa mọc trên những mảnh gỗ mà ông đã chọn mãi để có một hình đẹp. Rồi ông treo tất cả ở trong phòng. Chỗ thì có lan thấp nhỏ, chỗ thì lan mọc thành những dây dài lòng thòng xuống, tất cả họp lại thành một khung cảnh cảnh lan thực đẹp.
Nhất Linh vẽ cũng khá. Ông đã thi đỗ đầu vào Trường Mỹ thuật Hà Nội mà ông theo học một năm để đổi sang học về khoa học ở Pháp. (Ông đổ cử nhân khoa học sau một năm học nhờ trí thông minh và cũng nhờ một sự cho phép đặc biệt nhảy qua năm học. Nhưng Nhất Linh không dùng tài vẽ của ông để thành hoạ sĩ. Ông chỉ dùng trong báo chí. Tất cả bìa Văn hoá ngày nay đều do Nhất Linh vẽ. Cũng có lần nhờ tài vẽ để kiếm ăn: khi Nhất Linh lưu lạc ở Cao Miên và Sài Gòn, ông đi vẽ phông các rạp hát.
Nhất Linh có nói là Nhất Linh biết nấu mấy món ngon. Tôi chưa được Nhất Linh cho thưởng thức tài làm bếp của ông. Nhưng tôi có được biết tài rửa bát của Nhất Linh. Bát nào cũng sạch sẽ, khô ráo và sáng tinh.
Trí nhớ và sự khiêm tốn không cho tôi nói nhiều về một người chú mà tôi kính mến. Đáng lẽ tôi phải nói vài tật xấu để cho rõ chân dung Nhất Linh hơn, nhưng tôi xin thú thực sau bao nhiêu năm ở gần Nhất Linh tôi chưa được biết một tính xấu nào của Nhất Linh. Đã có một dạo cứ mỗi buổi chiều Nhất Linh lại say rượu. Nhưng ông uống rượu chỉ để cho dễ ngủ, và lúc say ông chỉ ngồi im nghĩ ngợi trong căn phòng không có ánh sáng. Nhưng ông cũng bỏ được thói xấu đó và thay rượu bằng một buổi tập thể dục trước cửa sổ.
Thời gian sẽ xoá dần kỷ niệm con người Nhất Linh. Nhưng qua các tác phẩm của ông, qua các dòng chữ nói những câu quen thuộc, qua những nhân vật sống, yêu, ghét nhau, qua những tư tưởng trong các trang giấy, người ta sẽ biết một phần chính Nhất Linh, một phần mà tôi mong sẽ bền Meursault.
Chân Dung Nhất Linh Chân Dung Nhất Linh - Thế Uyên & Nguyễn M Côn Chân Dung Nhất Linh