Sự khác biệt giữa người thành công và những người khác không nằm ở chỗ thiếu sức mạnh, thiếu kiến thức, mà là ở chỗ thiếu ý chí.

Vince Lambardi

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 8
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1835 / 45
Cập nhật: 2015-11-23 08:45:30 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Nguyễn Mạnh Côn - Vĩnh Quyết Nhất Linh
gày 8-7
Sáng hôm nay, khoảng 9 giờ, tôi qua thăm toà soạn nhật báo Dân Việt, để cám ơn việc đăng cáo phó, cảm ơn vừa qua. Mới thoạt bước qua cửa tôi đã thấy nét mặt anh Chu Tử có vẻ gì là lạ. Dzoãn Bình từ bên nhà chữ chạy sang, kêu to:
"Anh biết gì không? Anh biết gì không? Anh Nhất Linh mất rồi!"
Dzoãn Bình còn trẻ, nói to. Bình có lẽ còn nói gì nữa. Nhưng có thể Bình không nói thêm câu nào. Vì căn phòng nhỏ hẹp của toà soạn Dân Việt tự nhiên thấy rộng thêm ra. Căn phòng rộng đến đâu, tôi không có ý niệm đến hẳn đâu. Nhưng tiếng máy chạy bên kia tường không còn rung trên nền gạch. Trong không gian hình như có sự đổi khác, như một cái gì đang vận động bỗng ngừng lại. Tôi có cảm giác có ai đã muốn nói gì lại thôi. Hay một giọt những đọng trên cửa kính có thể bò xuống nữa, có thể đứng yên, rồi khô cạn ngay ở giữa con đường dốc. Nhưng giọt nước chưa cạn mà không chảy trên tấm kính đứng thẳng thì thật vô lý. Tôi muốn phản đối sự vô lý ấy. Giọt nước bỗng vỡ ra, nhiều giọt nhỏ bắn sang chung quanh. Im lặng, xa xôi trên tấm kính ngay trước mặt. Thế là hết.
Gió ở đâu lành lạnh trong áo sơ-mi. Cơn sốt hôm qua váng vất muốn trở lại. Tôi đứng dậy quên chào anh em, bước ra cửa. Bên ngoài toà báo nắng còn xiên trên con đường vắng. Phía cuối đường, xe chạy nhộn nhịp trên đại lộ Lê Văn Duyệt. Tôi thẩn thờ không biết nên đi về phía nào. Cảm giác rõ rệt như có vật chường ngại chắn ngang lối đi, một cái hố sâu chẳng hạn. Phía bên trái lại khác hẳn. Không gian hình như có từng lớp một, có ngăn cách nhưng có nối tiếp. Cảm thông hay ảo ảnh, chưa chừng.
Ngày 9-7
Tôi mặc áo ngoài, thắt cà-vạt đen. Băng đen trên tay áo. Đã lâu lắm không được gặp, tôi đi tìm Nhất Linh.
Chiếc xe Vespa vòng phía sau bệnh viện Đồn Đất. Đường vắng. Không thấy bóng một công an viên hay nhân viên mật vụ nào. Người ta bảo tôi, từ sáng, rằng lực lượng an ninh bao vây kín khu vực Nhà xác của bệnh viện. Tôi cũng nghĩ có thể như thế lắm, nên tôi đã để ý tìm những người đứng không, những người ngồi xổm trên vỉa hè, hay bán hàng trên con đường vắng. Nhưng con đường quả thật vắng tanh. Cổng nhà xác sơn màu vàng nhạt đóng kín. Chúng tôi đập cửa. Im lặng. Nhìn quanh quẩn, không có ai để hỏi thăm. Tôi nhìn Đỗ Tốn. Anh lắc đầu:
"Có lẽ chưa! Hay ta xuống dưới nhà?"
Tôi lưỡng lự, chỉ vòng tay ra phía trước. Chúng tôi đến cổng lớn bệnh viện. Đỗ Tốn gửi xe, tôi lại gần hỏi người gác:
"Thưa ông, di hài ông Nguyễn Tường Tam có còn ở đây không?"
Người gác gật đầu, nâng chiếc cần chắn ngang cổng. Chúng tôi bước vào, đi bâng khuâng giữa những dải tóc tiên, dưới vòm cây. Không khí êm ả có chút gì khác với không khí ngoài đường phố. Qua phía trước nhà thờ. Có ánh nến lung linh dưới bóng cây thánh giá. Đỗ Tốn gạt nhẹ tôi rẽ tay phải. Đường dốc xuống lượn sang tay trái. Có lẽ chúng tôi đang đi phía sau căn nhà bếp nên thoảng có mùi thơm thịt nướng. Chung quanh chúng tôi hoàn toàn không có bóng người. Nhà xác, phía dưới sân, cũng im lặng. Bên trong hai cánh cửa mở rộng có chiếc bàn không để giấy tờ…
Tôi quay lại nhìn Đỗ Tốn. Anh gật đầu. Phải, anh Tam nằm trong đó.
Chúng tôi quay quanh, tìm kiếm. Phía đối diện với nhà xác có một cảnh sát viên ngồi với một thanh niên mặc bộ đồ lao động cũ kỹ. Họ không có vẻ gì để ý đến chúng tôi, và tiếp tục nói chuyện dưới mái hiên lợp tôn rộng.
Tôi bước vào hiên, tự trong lòng thấy bực bội, tiếng nói gắt gỏng vô cớ:
"Ai gác phòng lạnh ở đây? Tôi cần vào xem thi hài ông Nguyễn Tường Tam!"
Một trong hai người, người công nhân đứng lên, một tay gãi gáy, tay kia đu đưa:
"Dạ, ảnh mới đi khỏi."
Tôi buông thõng, hách dịch:
"Đi kêu!"
Người công nhân líu ríu quay đi ngay. Người gác đã trở lại. Chắc anh công nhân có nói thế nào nên ông ta chạy thật vội, chiếc “kết” có vòng đỏ bật ngửa trên đầu. Ông ta đến chỗ tôi:
"Thưa ông cho gọi tôi?"
Tiếng nói của miền trung châu Bắc Việt. Anh Nhất Linh người huyện Cẩm Giàng. Tôi biết khó có thể giữ giọng cấp trên, bèn đấu dịu:
"Chúng tôi muốn phiền ông cho vào thăm di hài ông Nguyễn Tường Tam."
Người gác đưa chúng tôi ra buồng ngoài, đến trước cánh cửa trong, lấy sức rút chiếc then ngang. Cửa mở. Tôi thoáng có ý nghĩ thật nhanh: mồ hôi, lạnh, cảm… Nhưng luồng gió tê tái đã ùa vào người tôi. Tôi rùng mình, sởn gai ốc khắp thân thể. Tôi muốn lùi ra, nhưng chân cứ bước vào. Tiếng máy chạy ù ù, hai hàng giường sắt chồng đôi, dọc đôi, sơn màu tiếng. Tất cả giống như căn phòng ưỡp món ăn tươi dưới một chiếc tàu chiến của Mỹ.
Một cảm giác uất ức tràn vào tâm hồn tôi vì một thoáng so sánh cái tinh anh thanh cao của Nhất Linh với một không khí kỹ thuật tàn nhẫn, độc ác.
Người gác bước mấy bước về phía tay phải. Ông ta đến bên cạnh một cuộn vải dường bâu gài gần hết ngăn giường dưới. Ông ta giơ tay chỉ. Bấy giờ tôi mới hiểu. Tôi đến gần, tìm dầu mối tấm vải. Nhưng người gác nhanh hơn, đã nâng góc chăn phủ mặt lên. Một chiếc sáo tre định rơi xuống đất. Tôi bước vội đến đỡ lấy.
Anh Nhất Linh nằm đây, hai mắt nhắm. Vẻ thao thức và bồn chồn tìm kiếm ở đôi mắt anh không còn nữa. Mũi anh cũng có vẻ ngắn hơn trước, bộ ria mép thưa hơn. Miệng anh hé mở như có điều gì muốn căn dặn. Vầng trán rộng xuôi xuống mái tóc đã rụng nhiều. Nét mặt anh, quái lạ, có vẻ tươi hơn ngày anh còn sống.
Tôi để tay lên mép giường, định luồn dưới chăn tìm tay anh mà từ biệt. Nhưng người gác ra hiệu không nghe. Bàn tay tôi co đặt lên ngực anh, nằm ngang trên chiếc sáo. Ống tre và mặt vải lạnh buốt. Tôi vẫn tự phụ có sức sống thiết tha đọng trong lòng tay, có thể truyền cho người đau nặng. Ý nghĩ ngông cuồng của tôi lúc ấy là truyền sức sống cho người chết. Nhưng khí lạnh ấp vào bàn tay tôi dồn hơi nóng lên cổ tay, cả năm ngón như đóng băng tê dại.
Tôi bàng hoàng rụt tay lại. Chiếc sáo tre rơi đánh cạch xuống mép giường sắt. Tiếng động khô ngắn làm cho căn phòng có vẻ yên lặng hơn lên. Tiếng quá khứ vang dậy: tiếng demi botte của Mỹ, đế cao-su đúc, đi trên sàn gỗ nặng chình chịch. Tôi nhớ lại một hình ảnh qua đã lâu mà vẫn còn quen thuộc. Hình ảnh một buổi họp của các cấp luận điệu Mặt trận Quốc gia, cách đây 18 năm. Hai người ngồi xử tội hai người. Kết quả nguy hiểm trông thấy. Nhưng vị lãnh tụ thứ ba vừa mới đến. Người mới đến mặc binh phục kaki có yếm bịt kín ngực. Dáng điệu thong thả, hiền lành, không có vẻ gì là võ tướng. Người mới đến ngồi xuống. Cuộc thảo luận tiếp tục, bằng tiếng phổ thông. Tôi không hiểu gì cả. Một lúc sau người đó đứng lên, bắt tay tôi rồi ra khỏi phòng. Cụ Nguyễn hỏi tôi: “Anh có biết ai đấy không? Ông Nguyễn Tường Tam đấy! Ông ấy bảo không được phép giữ anh, vì anh là đại biểu Quốc hội”.
Quá khứ đến năm nay là mười tám năm. Mười tám năm trước, anh không biết tôi là ai, ngoài danh nghĩa đoàn thể mà tôi là đại biểu. Tôi gây truyện đổ vỡ, tính mạng chỉ còn treo trên sợi tóc. May mà anh đến vừa đúng lúc. Hồi bấy giờ đảng lớn mới thống nhất lực lượng, cùng đồng ý bỏ hai chữ trên chia rẽ, giữ ba chữ dưới hợp quần 1, cùng đồng ý bầu anh làm Bí thư trưởng, nghĩa là làm lãnh tụ. Anh được bầu vì uy tín anh to lớn, đại biểu các đảng bạn quý trọng anh hơn hết. Nhưng việc bầu bán xong rồi, ông Vũ Hồng Khanh cậy có quân lực mạnh, các đảng khác đều phải nhờ bảo vệ, nên nhất định không trao quyền thực tế. Nhưng dù sao, trước mặt cụ Nguyễn Hải Thần, anh vẫn có quyền. Anh không cho phép bắt tôi, họ Vũ không dám công nhiên kháng cự.
Mười tám năm qua rồi. Bao giờ tôi đã nhiều tuổi hơn anh hồi ấy. Có lẽ tôi còn lăn lóc nhiều hơn, còn chịu đựng nhiều hơn. Nhưng ba năm trước, tôi đến thăm anh, đưa tặng anh cuốn Đem tâm tình viết lịch sử, anh đọc mấy câu tôi viết còn mỉm cười nhớ lại quá khứ.
Thế rồi thôi. Từ ba năm về đây, tôi đau yếu luôn và nghe nói anh cũng không được yên, không được mạnh. Vì thế nên muốn đến thăm anh lại lần chần hôm nay để ngày mai. Đến tối thứ sáu tuần trước, luật sư Dương Kiền đến tìm tôi, hỏi tài liệu về quá khứ của anh.
Theo lời Dương Kiền, các đồng chí của anh đều nhận có hoạt động chống đối (hay đánh đổ?) chính phủ. Các đồng chí của anh đều chỉ anh là người lãnh đạo. Nhưng chính anh lại không nhận. Tôi hỏi thêm, được Dương Kiền cho biết những người kia không những nhận ở công an mà còn nhận cả ở dự thẩm, và có lẽ ra toà cũng vẫn giữ lời khai. Dương Kiền có vẻ lo buồn nhiều, vì không đoán được anh ra toà sẽ giữ thái độ thế nào để uy tín anh được trọn vẹn mà không thiệt hại cho các đồng chí của anh. Anh có thể nhận cho họ được nhẹ tội. Vào trường hợp này, luật sư thật khó biện hộ cho anh. Anh có thể phải gánh chịu một hậu quả nặng cho tuổi tác và sức khoẻ của anh. Nhưng nếu ngược lại, anh phủ nhận lời khai của các đồng chí của anh, thì uy tín của nhóm anh sẽ ra sao?
Dương Kiền cho rằng chỉ còn có một phương pháp là tìm lấy rất nhiều tài liệu về cuộc đời tận tuỵ tranh đấu cho dân tộc của anh, để chứng minh rằng sở dĩ nước Việt Nam ngày nay có được một chính quyền độc lập, với đầy đủ chủ quyền, thì bất cứ ai cũng không được phép phủ nhận công lao to tát của anh. Dương Kiền định không xin khoan hồng, mà còn đòi toà án phải cúi đầu trước một nhà đại ái quốc, một vị anh hùng dân tộc. Tôi thấy Dương Kiền nghĩ rất đúng, nên tôi hứa đi tìm Đỗ Tốn, đồng chí và cán bộ của anh từ dạo trốn sang Tàu lần thứ nhất. Nhưng không kịp.
Tôi không ngần ngại mà nhận rằng, đối với tôi, anh vẫn còn là vị thiên thần mà tôi chiêm ngưỡng hồi còn niên thiếu. Tinh thần khai sáng và đức độ chân phương của anh nâng anh lên hàng cha, mẹ của tôi. Nhưng tính tự ái ngông cuồng của tuổi trẻ xui khiến tôi tìm một khía cạnh nào của cuộc đời anh để hạ giá thần tượng. Tôi không chấp nhận sự ngay thẳng mà anh dùng để đối phó với các lực lượng đối thủ. Tôi cũng không chịu đi vào con đường không có lối thoát. Tôi thèm có cái uy tín của anh để xuống đường, để làm việc này việc nọ. Tôi nghĩ “Giá mình được như anh Nhất Linh, mình sẽ gần gũi hơn với bọn trẻ. Mình sẽ nói với họ về cuộc đời của mình. Không! Mình không cần phải thúc giục họ chống lại hay đánh đổ bất cứ ai. Mình chỉ cần làm gương… Rồi sẽ có một ngày, mình chỉ nói một lần là đủ!
Nghĩ như thế, tôi có ý trách anh lìa xa tuổi trẻ đang muốn thấy ở anh một ngọn đuốc soi đường. Tôi có ý trách anh không tham gia cuộc chiến đấu, dù ở về bất cứ phe nào. Nhưng bây giờ anh nằm đây rồi, và như thế cũng xong. Cơn giông tố đã lắng xuống. Nét mặt anh bảo tôi rằng anh đã tha thứ cho hết thảy mọi người bạn, mọi đứa em lầm lỗi. Nét mặt anh bình thảnh, đôi môi hé mở còn có vẻ bao dung hơn. Tôi nghiêng đầu, nhìn kỹ anh một lần cuối. Bao nhiêu câu từ biệt rất văn chương tôi định nói với anh đều có vẻ vô nghĩa. Tôi muốn tìm một ý tưởng có thể gọi là sâu sắc để đánh dấu sự vĩnh quyết một ân nhân, một thầy học, một trưởng huynh…
Nhưng đầu óc tôi thật quả rỗng không trong khi tôi chầm chậm xoay người ra phía cửa. Bao nhiêu sợi dây thần kinh nhạy cảm của tôi đã chết lặng đi hết cả. Rỗng trong đầu, rỗng trong tim, tôi ra khỏi phạm vi bệnh viện lúc nào cũng không để ý.
Từ bệnh viện, chúng tôi đến chợ An Đông. Cửa nhà dưới mở rộng. Nhiều bà, nhiều cô đang cắt khăn, may áo trên tấm ngựa kê sát tường. Hai chiếc bàn quay đầu vào nhau thành thước thợ, phía bên này có mấy cụ già, phía bên kia: Duy Lam, Nguiễn Ngu Í.
Nguiễn Ngu Í đến thăm, còn Duy Lam gọi anh Nhất Linh là Cậu (anh mẹ) ruột. Duy Lam cũng là sản phẩm của Nhất Linh. Sản phẩm lớn lên, muốn vượt khỏi cương toả của con đường cổ điển. Nhất Linh giới thiệu Duy Lam như một Dostoievsky. Lời giới thiệu có lẽ đi hơi xa quá, vì Duy Lam còn phải dọ dẫm nhiều để tìm thấy một con đường mới, xứng đáng với Tự Lực Văn Đoàn.
Nhưng lời giới thiệu, đầy ắp một sự gửi gấm tha thiết, đủ chứng tỏ Nhất Linh đã thấy rõ nhóm Đời Nay cần phải được tiếp tục, tiếp tục công việc mở đường, bằng những khí cụ mới mẻ hơn, thích hợp hơn với thời đại nhiều bối rối hơn suy tư, nhiều thú tính hơn tình cảm. Tâm hồn Nhất Linh đặt vào truyện thằng cu Tý đánh lừa con lợn, truyện Thanh – Ngọc nằm bên nhau suốt một đêm mưa… chỉ còn là những nét đẹp tuyệt nhưng xa vời. Người thầy học đánh lạc mất bầy trò quá trẻ. Là nghệ sĩ anh không buồn sao được!
Tôi ngồi xuống cạnh Duy Lam, trao đổi vài ý nghĩ vụn vặt. Duy Lam nhìn thẳng vào khoảng không, lộ rõ vẻ chiến sĩ. Nhưng tôi không tin những tin tức về một sự tàn bạo một chiều và không cần thiết. Tôi có thói quen hay lý luận, hay đem những nền nếp tâm lý quen thuộc để chứng minh hay phủ định những lời đồn đại. Tôi cũng có tinh thần quốc gia cực đoan nên hay bênh vực người mình chống những áp bức của người ngoại quốc. Có lẽ có phần nào suy tư ảnh hưởng của dòng máu của cha tôi là một cựu công chức ngạch cai trị, tôi không tin ở những lời hô hào của các chính khác, mà tin ở sự khôn ngoan của những nhà hành chính lão luyện. Tôi không tin ở cách mạng, nếu cách mạng không có lý thuyết. Đời sống một dân tộc khó có thể thay đổi nhờ phép lạ như trong truyện thần tiên… Tôi muốn kéo câu truyện về phía văn nghệ. Cuộc đời của Nhất Linh tuy có phần làm cách mạng, chống áp bức đế quốc. Nhưng tôi tiếp tục nghĩ như vậy, sự nghiệp quý giá vô hạn của anh là sự nghiệp mở đường cho thế hệ chúng tôi có căn bản, và thế hệ Duy Lam có thể vươn lên mà không bị đứt liên lạc với gốc tích.
Phải nhiều đời mới có một Nhất Linh thành lập nổi một văn đoàn Tự lực, nuôi sống – về tinh thần – được hai tờ Phong hoá, Ngày nay. Tôi muốn giữ hình ảnh của Nhất Linh văn nghệ sĩ.
Tôi định nói với Duy Lam như thế. Nhưng Thiết, rồi Nghị đã về. Tôi đứng lên chào mà không chia buồn. Chị Nhất Linh cũng từ trên gác xuống. Chị vốn đã gầy, chiều hôm nay tôi tưởng chị hốt nhiên già thêm mười tuổi. Chị khổ tâm nói không thành lời. Tôi cúi đầu, ấp úng một câu khách sáo. Những người thân yêu, dù quý trọng văn nghiệp của anh đến đâu vẫn không quý bằng con người bắt đầu vắng bóng. Tôi nhìn Nghị và Thiết, hai anh em đều có con mắt sâu thẳm mà thao thức vô cùng của bậc thân sinh ra họ. Nhất là Nghị lại càng giống anh Tam lắm lắm.
Tôi ngồi lâu rồi đứng dậy xin về. Mắt đóng đinh vào mắt tôi, Nghị nói:
"Ba tôi quý anh lắm, thường nhắc đến anh luôn…"
Tôi đợi nghe hết câu, quay ra xe, trèo lên yên sau. Chiếc Vespa phóng như tên dưới những giọt mưa lác đác. Cơn lạnh tôi đã quên được một lúc lâu lại trở lại, buốt trong người nhưng nóng rực ở tay chân. Tôi phải cố nghĩ đến một việc quan trọng nào đó cho quên cái rét, rồi thở từng hơi dài để điều hoà nhịp đập của quả tim.
Tôi nghĩ đến anh Nhất Linh. Tôi nhớ ra rằng anh đã mất. Ba năm không được gặp anh rồi. Mà anh nhắc đến tôi luôn. Cố nhiên anh không biết gì về con người của tôi. Vậy anh đã theo dõi tôi về văn nghệ. Tôi đoán mà biết anh còn nhắc đến nhiều anh em khác. Tấm lòng chân thành đối với nền tương lai văn học của chúng ta khiến cho anh tha thứ cho chúng tôi những hỗn xược, những ghẻ lạnh hay quên lãng. Có thể vì chúng tôi ngu xuẩn hay chủ quan, nhưng cũng có thể vì, đến với anh, dù sao chúng tôi cũng không thể tự nhiên như đối với nhiều anh khác có khi còn nhiều tuổi hơn anh.
Đối với chúng tôi như cỏ non, anh rõ rệt là cây đại thụ. Cây đại thụ đã cằn cỗi dần dần. Để một cơn giông nhỏ cũng làm được cho cây bật gốc. Đám cỏ non chói nắng, xót thương. Giọt nước mắt không thành hình len xuống đau trong sống mũi. Buổi chiều vừa qua, đứng trong phòng lạnh, ngay trước khi người gác mở góc tấm dường bâu, tôi không ngờ còn có lúc, tuổi đã nhiều rồi, còn lạc giọng nói thầm:
"Anh Nhất Linh! Anh Nhất Linh! Vĩnh biệt."
--------------------------------
1 Các đảng Đại Việt Quốc dân Đảng, Việt Nam Quốc dân Đảng, Đại Việt Dân chính v.v… thống nhất lực lượng và lấy tên chung là Quốc dân Đảng.
Chân Dung Nhất Linh Chân Dung Nhất Linh - Thế Uyên & Nguyễn M Côn Chân Dung Nhất Linh