Fear keeps us focused on the past or worried about the future. If we can acknowledge our fear, we can realize that right now we are okay. Right now, today, we are still alive, and our bodies are working marvelously. Our eyes can still see the beautiful sky. Our ears can still hear the voices of our loved ones.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Thái Trí Hằng
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Wasabee
Biên tập: Xuân Hồng
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1740 / 30
Cập nhật: 2017-01-29 18:11:05 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
ù em ở bất kỳ đâu
Cũng chỉ cách anh một cái xoay người
Em luôn ở đó
Phía trước anh
Trong bóng dáng anh
Ở trên ban công, âm thầm đợi anh
Khoảng cách một cái xoay người?
Tôi bàng hoàng quay người lại, chỉ thấy hai anh bộ đội mặc đồ rằn ri đang cười nói.
Người mẹ trẻ dẫn theo đứa con nhỏ và người phụ nữ đứng dưới tấm biển cấm hút thuốc đều đã đi đâu mất.
Có lẽ khi tàu đi qua Đào Viên, khách xuống ga nhiều hơn một chút, nên họ đã vào trong toa rồi.
Tôi hà hơi lạnh, hai tay và má đã đông cứng, tôi cũng quyết định trốn vào trong toa.
Phía sau toa tàu cuối cùng, còn một ít chỗ trống, chất mấy cái thùng giấy.
Có hai người đang ngồi trên thùng giấy, vẫn còn một chỗ trống nữa, tôi bèn ngồi lên.
Thùng giấy rất chắc chắn, bên trong chắc là đựng đầy đồ, chỉ không biết là đồ gì thôi.
Bên phải tôi là một ông bác trung niên mặc áo khoác màu lông chuột, đầu hơi hói, dựa vào thành tàu ngủ gật.
Đó có lẽ là dáng vẻ tôi 20 năm sau.
Bên tay trái là một cậu trai có vẻ là sinh viên đại học, đeo kính gọng đen, trông hơi ngơ ngơ.
Rất giống với tôi khi vừa bước chân vào cổng trường đại học của 10 năm về trước.
Lại nhìn lại hàng chữ trên điếu thuốc thứ tư một lượt, khi đọc tới câu “Ở trên ban công, âm thầm đợi anh”, cuối cùng tôi không nhịn nổi, bật cười vui vẻ.
Bởi vì tôi nhớ tới sự hoang đường khi diễn Romeo ở tổ kịch nói năm thứ nhất.
Đúng là một thời tuổi trẻ đáng yêu, là bằng chứng tốt nhất chứng minh tôi đã từng tồn tại.
Dù đã xa cách bao lâu, dù sau này tôi có trở nên dung tục bỗ bã đến mấy, thì những ngày tháng đó vĩnh viễn tỏa sáng lấp lánh như kim cương.
Nhưng Juliet đáng thương ơi, nàng có còn âm thầm đứng đợi Romeo trên cái ban công đó không?
Tôi lại nhìn cậu sinh viên đó một cách ngưỡng mộ, cậu ta đang chăm chú xem một cuốn tiểu thuyết.
Cậu sinh viên trẻ tuổi ơi, hãy nắm bắt cuộc sống đại học, đó sẽ là hồi ức đáng quý nhất trong cuộc đời của cậu đấy.
Cậu sẽ gặp đủ mọi dạng người, cho dù cậu có thích hay không, họ sẽ đều ảnh hưởng đến cậu.
Tôi cũng đã từng một thời trai trẻ như cậu vậy.
Khi đó vừa từ Thành Công Lĩnh xuống, đầu húi cua, đi tìm phòng trống suốt mười tầng lầu của ký túc xá.
Tôi đến sớm, phần lớn các phòng vẫn chưa bị chiếm mất.
Tôi sinh ngày 13, vì thế chọn phòng số 1013.
Trong phòng có hai chiếc giường tầng, ở được bốn người.
Bàn học kê thành hàng thẳng dựa sát tường, còn có bốn cái tủ quần áo.
Tôi chọn giường trên sát cửa sổ, là giường số 3. Sau đó bắt đầu quét dọn.
Dọn xong, treo quần áo vào tủ, đặt cặp sách và đồ vệ sinh cá nhân lên bàn học số 3.
Lau mồ hôi, chuẩn bị ra ngoài, suýt chút nữa đâm sầm vào một người ở ngoài cửa.
“Xin lỗi.”
Đối phương mỉm cười nói xin lỗi, giọng nói hào sảng.
“Ồ, phòng này sạch quá, chính là phòng này rồi.”
Cậu ta đi vào phòng 1013, đặt túi hành lý màu xanh lá lên giường số 4, là giường phía dưới giường tôi.
“Chào cậu,” Cậu ấy chìa tay phải ra, hơi mỉm cười: “Tớ là Lý Bách Sâm. Chữ Lý do hai chữ mộc và tử ghép thành, Bách trong tùng bách, Sâm trong rừng rậm. Xin được chỉ giáo.”
“Tớ là Thái Sùng Nhân. Chào cậu.”
Chúng tôi bắt tay, lòng bàn tay cậu ấy ấm áp dày dặn, lực bắt tay rất chặt.
“Cậu ngủ giường số 3 à?” Bách Sâm ngẩng đầu lên nhìn giường của tôi.
“Ừ. Tớ thích ngủ giường trên.”
“Tớ cũng thế. Nhưng hồi nhỏ nghịch quá, ngã từ giường trên xuống đất, sau không dám ngủ giường trên nữa.”
Bách Sâm mở túi hành lý màu xanh, miệng ư ử hát, lấy từng món đồ ra sắp xếp.
Cậu ấy cao hơn tôi một chút, vạm vỡ hơn một chút, da đen, không đeo kính.
Cùng cắt đầu đinh giống nhau, trông tôi hơi ngáo, còn cậu ấy lại có vẻ sắc sảo.
“Xong rồi.” Bách Sâm vỗ tay, thở hắt một hơi, cởi chiếc áo khoác thể thao màu xanh lá cây ra:
“Dưới tầng hầm toà nhà bên cạnh hình như có căngtin, bọn mình đến đó ăn cơm đi.”
“Được.”
Chúng tôi đi thang máy xuống, mới 5 giờ, căngtin tự chọn với sức chứa gần 200 người chẳng có mấy khách.
Phụ trách đồ ăn, cơm nước đều là mấy thím trung tuổi, nhưng tính tiền lại là một cô gái trẻ.
Bách Sâm chọn chỗ ngồi, đặt hộp cơm xuống, bưng lên hai bát canh, đưa tôi một bát, rồi nói:
“Hì, cậu có thấy cái cô bé tính tiền kia giống Chai-en trong Đôrêmon không?”
Tôi nhìn cô gái ấy, béo béo mập mập, gương mặt quả thực rất giống Chai-en hay bắt nạt Nôbita trong Đôrêmon.
Tôi không nhịn được phì cười.
“Sau này bọn mình gọi cô ấy là em Chai-en nhé.”
Bách Sâm cười hệt như một đứa trẻ ranh mãnh.
Đó là lần đầu tiên tôi gặp Bách Sâm.
Dẫu bao năm đã trôi qua, tôi vẫn có thể nghe rõ tiếng cười của cậu ấy khi đó.
Rất ít khi nghe thấy một tiếng cười sạch sẽ như vậy, hào sảng mà không chói tai, giống như ánh nắng lúc ba giờ chiều của một ngày thu.
Cậu ấy bảo tử vi của cậu ấy ngũ hành khuyết mộc, không dễ ổn định, vì thế bố cậu ấy đặt tên cậu ấy là Bách Sâm.
“Đúng là làm khó ông già tớ rồi.” Bách Sâm cười nói, “Nhưng hình như chẳng có tác dụng gì.”
“Bố tớ nhẹ nhàng hơn. Chữ Sùng là đặt theo gia phả, nên bố tớ chỉ đặt cho tớ mỗi chữ Nhân.”
“Nếu cậu chỉ tên là Thái Sùng thôi thì hay rồi, như vậy cậu chính là một con sâu rau.” Bách Sâm lại bắt đầu cười to, “Sâu rau ăn rau rau không chết, sát thủ giết người bị người giết. Đây là lời thoại kịch rối nổi tiếng đấy.”
Từ đó, Sâu Rau trở thành biệt hiệu của tôi.
Bách Sâm là người bạn đầu tiên tôi quen sau khi lên Đại học, cũng là người bạn thân nhất.
Tôi tin, và tôi cũng kỳ vọng rằng cậu ấy là người bạn quan trọng nhất trong cuộc đời tôi.
Một phần nào đó của linh hồn tôi trải qua giấc ngủ đông nhiều năm, khi tỉnh dậy khát khao được ăn, mà Bách Sâm là người đầu tiên đem đến dinh dưỡng cho tôi.
Vì thế tôi như người lữ khách đi cả tháng trời trên sa mạc, bỗng gặp được ốc đảo.
Tôi nốc ừng ực từng ngụm nước lớn.
Phòng 1013 sau này có thêm một người nữa, tên là Diệp Tử Nghiêu, nằm giường số 2.
Từng đi bộ đội, thi lại hai lần, hơn tôi và Bách Sâm đúng năm tuổi, bọn tôi gọi anh ấy là anh Tử Nghiêu.
Phần lớn thời gian mọi người trên lớp rất ít khi gặp anh ấy, anh ấy lúc nào cũng có một đống việc riêng.
Vì tôi và Bách Sâm ở cùng phòng, nên ít nhất mỗi tối sẽ gặp anh ấy một lần.
Nhưng nếu anh ấy bận, thì mấy ngày liền bọn tôi cũng sẽ chẳng thấy mặt anh ấy đâu.
Chỉ có đống sách vở bừa bộn trên giường chứng tỏ rằng anh ấy đã từng về đó.
Anh Tử Nghiêu lúc nào cũng đeo một cái ba lô đã lỗi thời, có màu giống như một bãi cỏ bị cả một đàn trâu hoang giày xéo.
Ba lô vì nhét nhiều sách quá, lúc nào cũng căng phồng, như con ếch xanh đang phồng bụng.
Khoá kéo của ba lô có lẽ bị hỏng, hoặc vốn là chẳng kéo lên được, vì thế lúc nào cũng có vài quyển sách không an phận thòi đầu ra ngoài.
Anh Tử Nghiêu ngoài việc không có hứng thú với việc học hành và tham gia đoàn đội ra, lại tràn trề cảm hứng với rất nhiều thứ.
Cứ nhìn đống sách bày la liệt trên bàn học và trên giường của anh ấy là biết.
Sách bao gồm đủ loại từ máy tính, bói toán, Kinh Dịch, đông y, tôn giáo, quản lý tài chính, sinh vật vân vân và vân vân.
Về sau sách nhiều quá, bọn tôi bèn nhường cả bàn học, giường và tủ quần áo số 1 cho anh ấy để sách luôn.
Anh Tử Nghiêu cũng có thể coi là một người kỳ quặc, đôi lúc logic nói chuyện rất đặc biệt.
Đương nhiên tôi không có tư cách nói người khác kỳ quặc, bởi vì tôi cũng đã từng bị coi là người kỳ quặc.
Nhưng nếu như tôi có thể coi là một người kỳ quặc, vậy thì anh Tử Nghiêu bị cái thằng kỳ quặc là tôi coi là kỳ quặc, chắc chắn lại càng kỳ quặc hơn.
Còn nhớ có lần nhìn thấy trên giường anh ấy có quyển “Tôn giáo và cuộc sống”, tôi tiện tay lật ra xem.
Đúng lúc anh Tử Nghiêu về tới, anh ấy hỏi:
“Chà? Sâu Rau, cậu cũng có hứng thú với tôn giáo à?”
“Không ạ. Em chỉ tò mò giở ra xem thôi.”
“Tính tò mò là rất quan trọng đấy…”
Anh Tử Nghiêu lôi từ túi áo ra hai viên đá hình dáng kỳ quái, nhét vào ngăn kéo bàn học rồi nói tiếp: “Rất nhiều thi thể trong các vụ án giết người nổi tiếng đều được phát hiện ra nhờ vào tính tò mò của những người qua đường.”
“Cái này thì có liên quan gì đến tôn giáo ạ?”
“À. Tức là cậu có duyên với Phật. Trên giường bao nhiêu là sách, cậu chỉ chọn đúng quyển này, thiện tai thiện tai.”
“Anh Tử Nghiêu, anh đang nói gì thế?”
“Ngốc ơi là ngốc ơi, để anh nói cho chú mày biết nhé.”
“Tôn giáo đạt đến cảnh giới cao nhất, thực chất chính là vạn nẻo đồng quy, vì thế Phật dạy: Sắc tức là không, không tức là sắc; nếu đối chiếu sang đạo Cơ đốc, thì Jesus chính là Judas, Judas chính là Jesus. Thần quỷ vốn là một, thiện ác vốn đi chung, làm thần làm quỷ, hành thiện hành ác, chỉ cách nhau một lằn ranh nhỏ. A di đà Phật… đương nhiên chúng ta cũng có thể nói là Halleluja … A di đà Phật và Halleluja đều có bốn chữ, đó chính là vạn nẻo đồng quy.”
Tôi há hốc mồm miệng, hoàn toàn không biết phải nói gì.
Anh ấy lại nhặt mấy quyển sách trên giường lên, nhồi vào trong ba lô, rồi đi ra khỏi phòng.
Tôi ở phòng 1013 trong hai năm thứ nhất và thứ hai, cùng với Bách Sâm và anh Tử Nghiêu.
Vì anh Tử Nghiêu thường xuyên thần long thấy đầu không thấy đuôi, vì thế phần lớn các hoạt động đều chỉ có tôi và Bách Sâm.
Dù là đi học, ăn cơm, đánh bi-a, vũ hội, cắm trại, chơi bóng bầu dục, thi nhảy dân vũ, tôi và Bách Sâm đều đi cùng nhau.
Nếu thói quen ngủ nghê của tôi kém đi tẹo nữa, ngã lăn từ trên giường xuống, vậy thì bọn tôi cũng sẽ ngủ cùng nhau.
Nhưng sau khi vũ hội kết thúc hoặc khi giao lưu với các bạn nữ xong, chỉ có mình cậu ấy tiếp tục.
Còn tôi về ký túc trước đợi cậu ấy bẩm báo tình hình chiến sự.
Bách Sâm rất được con gái yêu mến, có lẽ là nhờ vào sự tự tin và tài ăn nói của cậu ấy.
Tôi thường thấy cậu ấy nói chuyện với con gái, vẻ mặt chăm chú, đôi mắt lóng lánh của lũ con gái cứ hệt như đang nghe thánh chỉ của hoàng thượng.
Thỉnh thoảng Bách Sâm còn nói: “Bình thân đi cưng.”
Nhưng chỉ cần tôi tham gia vào, bọn chúng sẽ tuyên bố bãi triều ngay.
Bách Sâm tham gia ba câu lạc bộ, câu lạc bộ hùng biện, câu lạc bộ kịch nói và câu lạc bộ dân vũ.
Tôi không hứng thú mấy với hoạt động đoàn đội, nhưng Bách Sâm cứ sống chết lôi kéo, bắt tôi phải tham gia bằng được.
Chúng tôi vào câu lạc bộ dân vũ, cũng có thể coi là một cơ duyên.
Ở Đại học Thành Công, mấy bậc đàn anh đều sẽ dẫn đàn em khoá mới tham gia hai cuộc thi quan trọng: thi nhảy dân vũ và thi bóng bầu dục.
5 giờ sáng mỗi thứ Hai, Tư, Sáu, đàn anh lôi cổ bọn tôi dậy bắt đi tập bóng bầu dục.
Thời gian tập nhảy dân vũ lại là 10 giờ tối, trên nóc sân thượng ký túc xá, thứ Ba và thứ Năm.
Nói về bóng bầu dục trước nhé.
Tập bóng bầu dục rất mệt, thường là chạy từ tầng 10 ký túc xuống tầng 1, rồi lại chạy từ tầng 1 lên tầng 10.
Chạy xong, hai chân sẽ không tự chủ được mà rung rinh như cành liễu trong gió.
Còn nhớ lần đầu tiên tập bóng bầu dục ở sân vận động Thành Công, là buổi sáng cuối thu, trời hơi se lạnh.
Bọn tôi mới sáng tinh mơ đã phải rời giường, răng lợi va vào nhau lập cập, nghe như nhạc giao hưởng.
Một đàn anh năm thứ ba cực kỳ vạm vỡ, hai tay chống nạnh, lớn giọng nói:
“Các em thân mến, chúc mừng các em sẽ trở thành những dũng sĩ theo đuổi vận động bất quy tắc. Quả bóng bầu dục hình vòng cung cũng giống như đời người, rất khó nắm bắt phương hướng. Vì thế phải tập bóng cho tốt.”
Lời nói rất có lý, nhưng kết luận hình như hơi kỳ quặc.
Luyện tập một hồi, đàn anh bắt đầu sắp xếp vị trí của bọn tôi.
“Lý Bách Sâm! Cậu là No. 8, là nhân vật đầu tàu trên sân bóng. Vì thế phải tập bóng cho tốt.”
Bách Sâm không hổ là Bách Sâm, được chọn làm cầu thủ số 8, linh hồn của đội bóng.
“Thái Sùng Nhân! Người cậu hơi nhỏ, phản ứng rất nhanh. Mỗi lần giải lao đi vệ sinh, cậu luôn là người đầu tiên chạy vọt đi, là người cuối cùng quay trở về. Cậu là tiền vệ, vị trí số 9. Vì thế phải tập bóng cho tốt.”
Cuối cùng tôi đã biết, “Vì thế phải tập bóng cho tốt” là câu cửa miệng của đồng chí đàn anh này.
Sắp xếp vị trí xong, thời gian và số lần luyện tập đều tăng lên, cho đến tận lúc thi đấu mới thôi.
Theo truyền thống, toàn bộ cầu thủ đội thua phải nhảy xuống hồ Thành Công.
Đó là một cái hồ nhỏ trong khuôn viên trường, không chết đuối được.
Hồ Thành Công thường có người nhảy xuống, thất tình, thua bạc, mượn tiền không trả bị đòi, tất tật đều nhảy hồ.
Còn nước hồ sâu bao nhiêu? Tôi không biết, vì bọn tôi giành được chức quán quân cúp tân sinh viên.
Để đánh bại đội đứng nhì, Bách Sâm ghi hai điểm touchdown, là bàn thắng quan trọng dẫn đến chiến thắng.
“Các em thân mến, chúc mừng các em đoạt chức quán quân, tối nay bọn anh mời các em ăn cơm. Hãy nhớ lấy những gian khổ trên sân bóng ngày hôm nay, sau này gặp phải khó khăn trong cuộc sống, sẽ thanh thản mà đối diện. Vì thế phải luyện bóng cho tốt.”
Tâm trạng của Bách Sâm vẫn cực kỳ hưng phấn, từ lúc ăn cơm, đến khi về ký túc tắm rửa, tận đến trước khi đi ngủ.
Sau khi tắt đèn đi ngủ, Bách Sâm rón rén bò lên giường trên, lay tôi dậy:
“Ê… Sâu Rau, cậu có thấy tớ có phải là nhân vật anh hùng trời sinh không?”
Tôi dụi mắt, đeo kính vào:
“Câu hỏi uyên thâm như vậy, phải hỏi anh Tử Nghiêu chứ.”
“Mình hỏi rồi. Anh ấy bảo anh hùng là do thời thế tạo ra, không phải do ông trời sinh ra.”
“Anh Tử Nghiêu nói chuẩn đấy chứ. Nếu không có mình chuyền bóng gần như là hoàn mỹ, cậu có thể touchdown được không?”
“Nhưng mà…”
Bách Sâm ngập ngừng không nói, khẽ thở dài. Rồi lại lặng lẽ bò xuống dưới.
“Bách Sâm…”
Khoảng chừng 10 phút sau, tôi lên tiếng trong bóng tối.
“Ừ.” Bách Sâm ậm ờ.
“Hôm nay cậu rất đỉnh. Cậu có phải là anh hùng hay không tớ không biết, nhưng sau này chắc chắn cậu sẽ trở thành nhân vật số một.”
“Sâu Rau.” Bách Sâm thở ra một hơi thật dài, vui vẻ nói: “Cảm ơn cậu.”
“Ngủ thôi. Tối mai còn phải tập dân vũ nữa, sắp thi rồi.”
Ba ngày trước cuộc thi dân vũ, tối nào bọn tôi cũng tập nhảy trên sân thượng đến tận 12 rưỡi đêm.
Cũng rất mệt. Không giống như khi tập bóng bầu dục, kiểu mệt này còn có yếu tố tâm lý rất lớn.
Phải nhớ đúng thứ tự các bước, tư thế phải chuẩn, phải nghe đúng tiết tấu, lên sân khấu nhớ phải nhe răng mỉm cười…
Nhe răng mỉm cười với tôi là khó nhất, cảm giác cứ như đang bán nụ cười vậy.
Dạy nhảy cũng là đàn anh năm thứ ba, lần nào cũng bảo mồm tôi cứng hệt như mai rùa.
Nhưng Bách Sâm làm rất chuẩn, rất tự nhiên.
Tập nhảy xong, tôi và Bách Sâm còn ở lại trên sân thượng, trèo lên tháp nước cao nhất của ký túc xá.
Ngồi đó tán gẫu, tâm sự.
Có hôm trời quang đãng, có thể nhìn thấy vài ngôi sao, bọn tôi còn nằm dài xuống.
Bọn tôi phải nhảy hai điệu tất cả, nhảy thiết hài của Hungary và điệu “Xikangni” của đế quốc Assyria.
Thiết hài là điệu nhảy khá cứng cáp, buộc phải luôn ma sát gót giày, gõ vào thân giày.
Chính vì thế mà đôi giày da của tôi đã anh dũng hy sinh.
Còn cái gọi là “Xikangni” kia, chúng tôi cũng chẳng biết nghĩa là gì.
Chỉ vì trong bài hát luôn xuất hiện cái âm thanh “xikangni” kia, vì thế chết tên luôn.
Động tác của điệu “xikangni” đơn giản, phức tạp là ở y phục.
Không biết sư huynh lôi đâu ra một quyển sách có in những bức bích hoạ về nền văn minh Assyria.
Những nhân vật trong tranh để râu xoăn xồm xoàm, quấn một tấm vải quanh người làm quần áo.
Hôm thi đấu, sư huynh bắt bọn tôi lấy giấy đen tìm cách làm thành râu xồm, dán lên mặt.
Nhảy xong điệu thiết hài, được giải lao một tiếng, tất cả tập hợp ở nhà vệ sinh.
“Assyria là một đế quốc cổ ở Tây Á vào thế kỷ thứ bảy trước công nguyên, vì trường chúng ta có khoa Lịch sử, không thể để bọn chúng cười nhạo sinh viên khoa Công trình chúng ta thô lỗ vô văn hoá, cho nên…”
Sư huynh lấy ra mười mấy tấm vải bố màu trắng đục, nói tiếp: “Nào, các em thân yêu. Mọi người cởi hết quần áo ra, chỉ để lại quần lót. Sau đó khoác tấm vải này lên.”
Bọn tôi đờ hết cả người.
“Còn ngơ ngẩn gì đó? Nhanh chân nhanh tay lên. Ở đây có dập ghim, dập vào là không bị tuột đâu.”
“Anh ơi, sao anh vẫn còn tâm trạng để đùa thế?” Bách Sâm cất tiếng hỏi.
“Đây là mệnh lệnh. Vui duyên mới không quên nhiệm vụ, khiêu vũ không được quên lịch sử. Anh đang rất nghiêm túc đấy.”
Bọn tôi đành phải bắt đầu cởi bỏ quần áo.
Tôi liếc Bách Sâm, phì cười. Bởi vì hôm nay cậu ấy mặc sịp đỏ.
Sau khi lên sân khấu, theo những chuyển động của cơ thể, tấm vải trên người Bách Sâm, từ từ lỏng ra, sau đó tuột xuống.
Bọn tôi nắm tay nhau nhảy, vì thế Bách Sâm không còn tay để chỉnh lại tấm vải bị tuột đó.
Tôi đứng phía sau Bách Sâm, nhìn thấy tấm vải trên người cậu ta, cách đất 30cm… 20cm… 10cm… rơi xuống đất. Sau đó tôi giẫm lên nó. Bách Sâm tiến về phía trước, tấm vải lại nằm dưới chân tôi.
Ừm… cơ bắp ở phần lưng Bách Sâm rất là gợi cảm. Đó là ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi khi đó.
“Phụt” một tiếng, cả hội trường cười rần rần. Tôi cũng lần đầu tiên nhe răng mỉm cười một cách vô cùng tự nhiên
Có một vị giám khảo nữ ngồi hàng đầu tiên, hai tay ôm lấy mặt, nhưng vẫn lén nhòm qua kẽ hở của bàn tay.
Màn hạ, đèn tắt, Bách Sâm vội nhặt tấm vải lên, phóng vào nhà vệ sinh.
Kết quả được công bố, chúng tôi đứng thứ nhì.
“Các em thân mến, chúc mừng các em đạt được á quân, tối nay bọn anh đãi cơm. Hãy nhớ lấy những tiếng cười trên sân khấu hôm nay, sau này khi mặc đồ lót, sẽ chọn đồ giản dị. Bạn Lý Bách Sâm, dáng người bạn vô cùng quyến rũ, chị em trong câu lạc bộ dân vũ khen không ngớt lời. Bọn họ nhiệt liệt đề cử bạn vào câu lạc bộ dân vũ, còn miễn phí gia nhập.”
Mặt Bách Sâm cứ đỏ bừng suốt, từ lúc ăn cơm, cho đến lúc về ký túc tắm rửa, tận đến trước khi đi ngủ.
Sau khi tắt đèn đi ngủ, tôi thò đầu xuống giường dưới, bảo với Bách Sâm:
“Ê… Bách Sâm, lần này cậu không phải hỏi nữa. Tớ cảm thấy cậu tuyệt đối là một nhân vật anh hùng trời sinh. Mà còn là anh hùng bi kịch nữa.”
“Sâu Rau, đừng giở trò nữa.”
“Xin lỗi. Tớ nói sai rồi, phải là anh hùng hài kịch mới đúng. Cậu xem hôm nay mọi người cười vui vẻ biết bao.”
“Sâu Rau! Mau nộp mạng!”
Lúc định trèo lên giường của tôi, bỗng như nhớ ra chuyện gì, Bách Sâm bật cười.
Sau đó chúng tôi cứ thế vừa cười vừa nói chuyện, mấy tiếng sau mới mơ hồ thiếp đi.
Bách Sâm nói nếu tôi cũng vào câu lạc bộ dân vũ, thì tôi không phải nhảy hồ Thành Công vì tội đã giẫm lên tấm vải nữa.
Tôi cân nhắc thiệt hơn, quyết định gia nhập.
Thời gian ở câu lạc bộ dân vũ có phần nhàm chán, mỗi lần phải nhảy đôi tôi đều không mời được bạn nhảy.
Cái này phải trách da mặt tôi quá mỏng, lại còn động tác mời nhảy quá xấu.
Động tác mời nhảy của các sư huynh rất phóng khoáng, tay phải dang ngang, ngực ưỡn thẳng bụng thót lại mặt khẽ mỉm cười.
Lúc nghiêng người sang bên trái vẽ nên một đường cong hoàn mỹ, thẳng người hành lễ, đầu gối không khuỵ xuống.
Nhưng lúc tôi mời nhảy, vì căng thẳng quá nên cơ mặt co rúm lại, lưng thì khòng eo thì cong.
Lúc vẽ đường vòng cung, bàn tay đưa tới trước ngực sẽ tự động dừng lại, lòng bàn tay lại còn ngửa lên trên, giống hệt như ăn mày xin ăn.
Bách Sâm thì luôn có thể ung dung mời được bạn nhảy, lúc đi ngang qua mặt tôi hắn còn giơ hai ngón tay hình chữ V lên.
Điều đó khiến lòng tôi rất cmn khó chịu (Minh Thanh còn chưa xuất hiện, nên không thể trách tôi nói bậy được).
Tôi chỉ mới nhảy đôi có một lần.
Đó là vì Bách Sâm phản ứng lại với đám đàn chị, nói tôi mãi không mời được bạn nhảy, nhờ họ nghĩ cách.
Có một bà chị người tốt việc tốt dẫn một cô gái đến trước mặt tôi.
Tôi chỉ vừa mới đưa mắt nhìn một cái thì sư huynh đứng trong vòng tròn đã cất cao giọng:
- Các bạn trai đứng trong vòng, các bạn gái đứng phía ngoài vòng. Mời các bạn trai đặt tay phải lên eo bạn nhảy.
Tôi ngượng ngùng nhìn cô gái thêm một lần nữa, tay phải đưa ra một góc 45 độ, đặt lên eo cô ấy.
- Bạn ơi. Đây là, vai tớ. Không phải, là eo.
Giọng cô ấy rõ ràng, rắn rỏi.
Tôi nghi hoặc nhìn sang bên phải, hoá ra cô ấy thấp hơn các bạn gái bình thường một chút.
Vì thế, cánh tay phải lẽ ra phải ôm lấy eo của cô ấy, lại thành ra đặt trên vai cô ấy một cách kỳ quặc.
Tôi nói xin lỗi cô ấy, hơi ngượng ngùng. May mà các sư huynh đã bắt đầu dạy nhảy.
Các sư huynh dạy các động tác và trình tự nhảy xong, nhạc nổi lên, là điệu waltz.
Có mấy động tác cần phải xoay bạn nhảy mấy vòng, tôi toàn khiến cô ấy quay thêm nửa vòng, thậm chí thêm cả một vòng.
- Bạn ơi. Mình là, con gái. Không phải, con gụ. Bạn đã, biết chưa?
Lúc ngừng nhảy, cô gái bất mãn nói.
- Bạn ơi. Thực sự, xin lỗi. Mình không, cố ý. Tha lỗi, cho mình.
Tôi thật sự xấu hổ tới mức không còn biết chui vào đâu nữa.
Vì thế tôi không dám nhảy đôi nữa, cả việc đi mời nhảy cũng ngừng luôn.
Bách Sâm bảo, cô gái kia học năm nhất khoa Trung văn, cũng là lính mới tò te giống bọn tôi.
Tôi thầm nghĩ, cô ấy ăn nói gãy gọn rắn rỏi như vậy, chắc chắn là viết truyện ngắn rất tài.
Mấy tháng sau, cô ấy được giải thưởng văn học Hoa Phượng của Đại học Thành Công, giải nhất thể loại truyện ngắn.
Tên truyện là Cô gái quay tròn như con gụ.
Sau này các sư huynh trong câu lạc bộ yêu cầu khi nhảy phải mặc đồ tây và đi giày da, tôi liền vin vào đó để không phải đi nữa.
Chẳng bao lâu sau, Bách Sâm cũng nói không muốn đi nữa.
Công bằng mà nói, tham gia câu lạc bộ dân vũ cũng rất thú vị, miễn là không phải thường xuyên đi mời nhảy.
Câu lạc bộ kịch nói cũng không tệ, còn tại sao sau này tôi không tham gia nữa, là vì tôi bị đuổi.
Đó là chuyện xảy ra khi câu lạc bộ đón thành viên mới.
Để đón hội viên mới, câu lạc bộ quyết định tổ chức một buổi công diễn nhỏ trong Trung tâm hoạt động sinh viên, diễn vở Romeo và Juliet.
Vai Juliet do đội trưởng câu lạc bộ đảm nhiệm, còn vai Romeo sẽ chọn từ những hội viên mới gia nhập.
Nhưng chẳng ai muốn diễn vai Romeo, không một ai, thái độ cực kỳ kiên quyết.
Tôi nghĩ có lẽ là do vấn đề từ đội trưởng.
Đội trưởng câu lạc bộ kịch nói là một sư tỷ năm ba, hễ nhìn thấy chị ấy là tôi lại muốn ném cho một quả quýt.
Bởi vì ở quê tôi, mỗi khi có đám cúng tế lớn, thường sẽ giết những con lợn đực vừa to vừa béo, sau đó nhét một quả quýt vào trong miệng con lợn, đặt lên bàn thờ để cúng thần linh.
Thế nên tôi thường lén gọi chị ấy là Quýt sư tỷ.
Thấy không ai muốn làm Romeo, Quýt sư tỷ liền ra lệnh bắt thăm.
Tất cả hội viên nam mới gia nhập câu lạc bộ đều qùy xuống hét vang: Đội trưởng tha mạng.
Thế là sư tỷ bỗng nảy ra ý định kỳ quái, bảo bọn tôi viết ra một chuyện khiến người ta đỏ mặt nhất, ai viết tốt sẽ được miễn phí gia nhập.
Tôi viết là: “Đi đại tiện ở nhà bạn gái xong mới phát hiện ra bồn cầu nhà cô ấy bị hỏng.”
Cuối cùng quyết định tôi diễn vai Romeo, bởi vì kết quả bỏ phiếu cho thấy câu chuyện tôi viết khiến người ta đỏ mặt nhất.
Tôi biết đây là lỗi của tôi, hận một nỗi đây là thói quen bản năng đầy đau khổ của tôi.
Bách Sâm đứng thứ hai, cậu ta viết:
“Đi siêu thị mua bao cao su, lúc trả tiền nhân viên thu ngân gào lên: Cửa hàng trưởng ơi, bao cao su Durex có còn được giảm giá không?”
Cho nên cậu ta đóng vai Timothy – anh họ của Juliet, kẻ chết dưới lưỡi kiếm của Romeo.
Để buổi công diễn không đến mức trở thành trò cười, khi đó một tuần phải diễn tập ba lần.
Lúc diễn cảnh Romeo và Juliet hẹn hò trong dạ hội hoa viên, tôi phải chịu đựng giọng gào thét điên cuồng của Quýt sư tỷ:
“Ôi! Romeo! Hãy từ bỏ họ của chàng! Hoa hồng dù có thay tên đổi họ thì vẫn cứ toả hương! Em nguyện dâng hiến cho chàng tất cả, để bù đắp cho cái tên vốn không thuộc về chàng kia!”
“Ôi! Romeo! Tường rào cao như vậy, sao chàng lại tới được nơi này? Nếu người nhà em nhìn thấy chàng ở đây, chắc chắn sẽ không tha cho chàng.”
“Ôi! Romeo! Em như nàng thiếu nữ tinh nghịch, tuy đã thả chú chim nhỏ thân thương tạm xa rời vòng tay, nhưng lại bắt nó lại ngay lập tức. Như thế em sợ chàng sẽ chết trong tình yêu ích kỷ của em. Trời sắp sáng rồi, chàng hãy mau về đi!
Đau đớn là ở chỗ, tôi còn phải đi phía sau Quýt sư tỷ, đọc những lời thoại sau đây:
“Chỉ cần nàng gọi tên ta là tình yêu, ta sẽ có ngay họ tên mới. Ta sẽ vĩnh viễn không còn là Romeo nữa.”
“Ta mượn đôi cánh của thần tình yêu bay qua tường rào, tường rào dù cao tới mấy cũng không thể ngăn nổi tình yêu của ta.
Chỉ cần nàng dùng đôi mắt dịu dàng nhìn ta, đao kiếm sắc bén đến đâu cũng không thể làm tổn thương cơ thể ta.”
“Ta nguyện được làm chú chim nhỏ của nàng. Nếu được chết trong bể tình của nàng, thì đó chính là niềm hạnh phúc vô bờ. Ta thề với linh hồn ta, hỡi Juliet dấu yêu, tình yêu ta mãi trung thực kiên trinh.”
Giọng của Quýt sư tỷ vô cùng thê lương, nghe hệt như tiếng gào rú trước lúc bị thiêu chết của những nữ phù thủy ở châu Âu thời cổ đại.
Tôi đã từng nài nỉ, liệu lúc đọc lời thoại chị ấy có thể… ờ… bình thường hơn một tẹo không.
“Ôi! Hỡi sư đệ Romeo! Vai diễn của ta là nàng Juliet vĩ đại trong các tác phẩm vĩ đại của Shakespear vĩ đại! Tình yêu duy nhất của nàng lại đến từ mối thù duy nhất của dòng tộc nàng!
Đó là thứ tình không nên gặp gỡ không nên tương phùng không nên yêu đương! Nội tâm của nàng sẽ vô cùng đau khổ và dằn vặt!
Cho nên lúc nói chuyện theo lẽ tự nhiên giọng sẽ phải to và kích động chứ! Cậu có hiểu không hả?”
Đương nhiên là tôi không hiểu.
Tôi chỉ biết buổi tối lúc nằm mơ thấy ác mộng, tôi đều nghe thấy có người đang gọi tôi: “Ôi! Romeo!”
Mỗi lần diễn tập xong trở về ký túc xá, tôi đều mệt rã cả người như vừa đọ nội công với bát đại cao thủ võ lâm.
Tắm xong, nằm trên giường nghỉ ngơi. Bách Sâm sẽ đột nhiên vớ lấy mắc áo:
“Romeo! Đồ khốn kiếp! Nhà ngươi đã xúc phạm ta, mau rút kiếm ra!”
Tôi lập tức bật dậy, nhảy khỏi giường, rút mắc áo ra hét lớn:
“Timothy! Ta phải báo thù cho người bạn tốt Macus của ta, ngươi hãy chuẩn bị xuống địa ngục đi!”
“Romeo! Tên súc sinh đáng chết! Kiếm của ta sẽ xuyên thẳng vào ngực ngươi!”
“Timothy! Ngươi chỉ là con chuột ranh trong cống rãnh, hãy để ta kết liễu mạng sống đê tiện của ngươi!”
Sau đó chúng tôi sẽ lấy mắc áo làm kiếm để quyết đấu, cho đến khi Bách Sâm bị tôi đâm chết mới thôi.
Có lúc anh Tử Nghiêu cũng có mặt, anh ấy sẽ tạm dời mắt khỏi trang sách, mỉm cười nhìn chúng tôi.
Sau đó trong ba lô của anh Tử Nghiêu có thêm quyển Đại cương kịch nói phương Tây và Shakespear toàn tập.
Đâm chết Timothy xong Romeo bị phạt lưu đày, nếu không trốn đi sẽ bị xử tử.
Đêm trước khi đi, chàng còn không quên dùng dây thừng trèo lên cửa sổ ban công của Juliet.
Chỉ có điểm này là tôi còn hơi giống Romeo một chút.
Sau đó Romeo và Juliet trải qua một đêm ân ái triền miên, trở thành vợ chồng chính thức.
Cảm ơn trời đất, tôi không phải diễn màn này với Quýt sư tỷ.
Chỉ cần dùng ánh đèn mờ ảo và âm thanh để diễn tả cảm xúc là được.
Nhưng tôi vẫn phải chịu đựng tiếng gào rú của Juliet.
“Ôi! Romeo! Bây giờ chàng phải đi sao? Phu quân của thiếp, trái tim của thiếp, người yêu của thiếp!
Trái Đất đáng nguyền rủa này! Tại sao lại chiếu những tia nắng mai sớm như vậy chứ?”
Quýt sư tỷ lăn lộn trên mặt đất, túm chặt lấy ống quần bò bên phải của tôi.
“Ôi! Romeo! Đừng đi! Sao chàng nỡ nhẫn tâm để một mình em lẻ loi nơi ban công này?
Tại sao gương mặt tuấn tú của chàng lại trắng bệch như vậy, phải chăng nỗi đau đã hút cạn máu của chàng?”
Ống quần bên trái cũng bị túm luôn rồi.
“Ôi! Romeo! Tình yêu của em. Xin hãy dùng đôi môi ấm nóng của chàng ban cho em nụ hôn cuồng nhiệt cuối cùng! Hãy để em được thỏa thích ngửi hơi thở của chàng, mùi hương của chàng!”
Đã thế lại bắt đầu kéo thật mạnh…
“Chết đi! Juliet!”
Cuối cùng tôi không thể chịu nổi.
Kết quả, tôi bị đuổi ra khỏi câu lạc bộ kịch. Tội danh là: Xỉ nhục Shakespeare.
Trong đội kịch nói, câu nói này có nghĩa là khi sư diệt tổ.
Đêm hôm đó, tôi chẳng nói chẳng rằng ngồi trên giường, lấy dầu gió xoa đôi chân bị Quýt sư tỷ nhéo cho bầm tím.
Bách Sâm bò lên giường tôi, nhìn chân tôi rồi vỗ vai tôi:
“Tớ cũng xin ra khỏi đội kịch rồi. Tớ không muốn diễn một Timothy phải chết dưới mũi kiếm của một Romeo khác.”
“Thế thì thật đáng tiếc. Cậu thật sự rất hợp đóng vai bị đâm chết.”
“He he… Sâu Rau, cái câu “Chết đi! Juliet!” của cậu đúng là quá ngầu!”
Nói xong, cậu ta ngoác mồm ra cười, mặt mũi trông như bị chuột rút.
Tôi bỗng cảm thấy rất buồn cười, vì thế cũng cười theo.
“Lại đây, hỡi tên Romeo hai chân bầm tím! Hỡi đồ khốn kiếp sỉ nhục Shakespear kia!”
Bách Sâm nhảy vọt từ giường trên xuống, nắm lấy cái mắc áo.
“Timothy khốn kiếp! Con mèo quái dị có chín mạng sống này, hãy để ta giết ngươi thêm một lần nữa!”
Chân tôi rất đau, không tài nào nhảy được, đành phải chật vật bò xuống giường, túm lấy cái mắc áo.
Trên cái mắc áo vẫn còn đang mắc một cái quần lót của anh Tử Nghiêu.
Mọi muộn phiền bực bội, trong lần cuối cùng giết chết Timothy ấy, đều đã tan theo mây khói.
Câu lạc bộ Hùng biện là câu lạc bộ Bách Sâm say mê nhất, nhưng lại là câu lạc bộ tôi ít hứng thú nhất.
Mỗi lần tới tham gia câu lạc bộ, luôn cảm thấy như đang phải lên lớp.
Quy luật đồng nhất, quy luật mâu thuẫn, quy luật bài trung, quy luật lí do đầy đủ, bốn quy luật logic cơ bản này còn chưa tính là khó hiểu.
Chỉ có điều mỗi lần từ câu lạc bộ hùng biện trở về, Bách Sâm cứ thích tập hùng biện với tôi.
“Heo, ăn rất nhiều; cậu cũng ăn rất nhiều…” Bách Sâm chỉ vào tôi, “Cho nên cậu chính là heo.”
“Vớ vẩn. Phép diễn dịch không phải như thế đâu.”
“Hi hi… Đương nhiên tớ biết nói như thế tưởng đúng mà lại sai, nhưng cậu tuyệt đối đừng coi thường thứ này nhé. Nếu sau này muốn đi theo con đường chính trị, thì trước tiên phải học loại ngôn ngữ logic này.”
Bách Sâm lại cười hề hề rồi đứng dậy, tay cầm bút giả làm micro:
“Những người không biết trân trọng môi trường sống cho con cháu đời sau (heo), sẽ ủng hộ xây nhà máy điện hạt nhân (ăn nhiều);”
“Quốc dân Đảng (cậu) cũng ủng hộ việc xây nhà máy điện hạt nhân (ăn nhiều),”
“Vì thế Quốc dân Đảng (cậu) là đảng phái ích kỷ không biết trân trọng môi trường sống cho con cháu đời sau (heo), là tội nhân của lịch sử! Mắt nhìn của cử tri vô cùng sáng suốt, chúng ta phải dùng phiếu bầu kèm theo phỉ nhổ!”
Bách Sâm vừa nhìn tôi vừa cười hi hi:
“Sâu Rau, như thế ngon lành không? Nếu quan điểm chính trị khác đi thì chỉ cần thay đổi những từ trọng điểm là được.”
“Vớ va vớ vẩn.”
“Vớ vẩn là vớ vẩn thế nào? Viện Lập pháp của Đài Loan ngày nào mà chẳng đầy rẫy những từ ngữ kiểu này.”
Nói cũng phải. Nhưng tôi chỉ là một tên dân đen đơn thuần, không dám lạm bàn chuyện chính trị.
Có lần câu lạc bộ hùng biện tổ chức thi đấu đối kháng, chia thành viên mới thành hai tổ để hùng biện.
Còn nhớ đề tài hùng biện hôm đó hình như là “Tình yêu liệu có làm cho con người ta mất đi lý trí?”
Tôi, Bách Sâm và một cậu năm nhất khoa Cơ khí ở bên phản biện.
Bên hùng biện cũng có ba người, hai nam một nữ.
Bạn nữ đó rất dễ thương, còn tết hai bím tóc dài hai bên nữa.
Quan điểm của bên hùng biện bám chặt lấy việc những người đang yêu luôn làm ra rất nhiều hành động không lý trí.
Như học sinh, cho dù ngày hôm sau là thi cuối kỳ, buổi tối hôm trước vẫn còn đi xem phim với bạn gái.
Hay nửa đêm nửa hôm vác guitar hát tình ca dưới cửa nhà bạn gái, không sợ bị hàng xóm nổi điên quây lấy đánh hội đồng.
Những người vì yêu mà cơm không ăn nước không uống đêm không ngủ, càng gặp nhiều hơn.
Phần lớn những hành động điên khùng ấy, thường là đều xuất phát từ việc theo đuổi tình yêu.
Thậm chí còn có người vì yêu mà nghĩ quẩn tự tử, hoặc giết hại cả tình địch và người yêu, thỉnh thoảng cũng có đưa tin.
“Ví như vua Edward VIII, từ bỏ vương vị để trở thành Công tước xứ Windsor, chỉ vì muốn được chung sống trọn đời với phu nhân Simpson. Phu nhân Simpson là người phụ nữ đã qua hai lần chồng, Công tước xứ Windsor lại vì bà mà từ bỏ vương vị và bị lưu đày, chúng ta có thể nói Công tước Windsor không mất đi lý trí hay không?”
Cô bạn tóc thắt bím kia, tay trái nắm lấy bím tóc, tay phải chỉ vào tôi, cao giọng nói.
Lúc phản biện, trước tiên tôi định nghĩa lý trí nên là “quá trình” tư duy, chứ không phải là “kết quả”.
Vì thế không thể bởi vì kết quả của việc đã trải qua tư duy không giống với người khác, mà phủ định người đó không tư duy.
Ví dụ, nếu giữa màu đen và màu trắng, mọi người đều chọn màu trắng, nhưng lại có một người chọn màu đen.
Thì không thể vì thế mà phán xét người đó không có lý trí, chẳng qua trong mắt người thường anh ta không được bình thường mà thôi.
Bình thường hay không bình thường chỉ là sự khác biệt giữa ít hay nhiều, không liên quan đến việc đúng hay sai, lý trí hay không lý trí.
Cũng giống như IQ của Edison cao hơn người thường rất nhiều, cho thấy ông ta không bình thường, nhưng có thể nói ông ấy không lý trí không?
“Công tước xứ Windsor của nước Anh yêu mỹ nhân chứ không yêu giang sơn, đó là vì đối với ông ta, mỹ nhân quan trọng hơn.
Cho dù người bình thường đều cảm thấy giang sơn quan trọng hơn, nhưng đó cũng chỉ là sự khác nhau về quan điểm giá trị. Không nên vì sự khác biệt về giá trị quan mà cho rằng Công tước xứ Windsor đã vì tình yêu mất đi lý trí.”
Tôi không có bím tóc, cũng không muốn tỏ ra yếu thế, tay trái bèn túm đại lấy một túm tóc, tay phải cũng chỉ vào cô bạn ấy.
Lúc Bách Sâm đứng dậy chuẩn bị hùng biện, tay phải còn ra dấu chữ V dưới gầm bàn với tôi.
“Các bạn bên hùng biện lấy rất nhiều các kết quả cực đoan về việc giết người hay tự tử vì tình làm ví dụ, để chứng minh yêu đương là không lý trí…”
Giọng điệu này của Bách Sâm rất hùng hồn. Giọng điệu này tôi nghe rất quen, hình như là? …
“Bên tôi muốn phản bác rằng, vậy thì có rất nhiều người giết người hay tự tử vì tiền, như thế có thể chứng minh kiếm tiền là không lý trí chăng?”
Bách Sâm gằn giọng thêm một chút, cuối cùng tôi cũng đã rõ, đó chính là cách đọc lời thoại ở câu lạc bộ kịch nói.
“Vì thế bên tôi cho rằng, tình yêu sẽ không làm cho con người ta mất đi lý trí. Xin cảm ơn!”
Lúc Bách Sâm rời sân khấu, tư thế đáp lễ là động tác mời nhảy ở câu lạc bộ khiêu vũ.
Công bố kết quả, bên phản biện chúng tôi thắng, Bách Sâm còn giật được giải Người hùng biện giỏi nhất trong cuộc thi đó.
Sư huynh nói tôi thể hiện cũng rất tốt, chỉ có điều tư thế túm tóc quả thật trông rất giống khỉ.
“Đáng tiếc đây là cuộc thi hùng biện, không phải là biểu diễn xiếc thú.” Sư huynh vỗ vai tôi, ngậm ngùi nói.
Tối hôm đó, theo lệ thường, sau khi tắt đèn đi ngủ Bách Sâm lại leo lên giường trên hỏi tôi, có phải cậu ta là anh hùng trời sinh hay không.
Từ đó trở đi, Bách Sâm luôn là thành viên của câu lạc bộ hùng biện, tới tận năm thứ tư mới thôi.
Tôi theo Bách Sâm tới năm hai thì không tham gia câu lạc bộ hùng biện nữa.
Bởi vì lúc tôi tranh luận, thỉnh thoảng lại văng ra mấy từ bậy bạ như kiểu đờ mờ, con mẹ nó, mẹ mày, mẹ kiếp vân vân.
Sư huynh nói tôi rất hiếu thảo, không hề động đến mẹ mình.
Đứa con có hiếu không nên vì nói bậy mà bị bạn hùng biện chém chết.
Tóm lại, đối với tôi và Bách Sâm, năm nhất và năm hai đại học là quãng thời gian hết sức vui vẻ.
Chính bởi vì vui vẻ, nên thời gian trôi qua hết sức vội vàng.
Học kỳ hai năm thứ hai, Bách Sâm còn được bầu là lớp trưởng, còn tôi là lớp phó.
Học kỳ đó chúng tôi khá hăng hái, tổ chức mấy cuộc vũ hội, thi đấu bi-a và thi hát.
Lúc nhảy, chúng tôi có đặc quyền nhảy mở màn, có thể chọn trước các bạn gái đáng yêu dễ thương, không cần phải tranh giành với ai.
Đấu bi-a tôi và Bách Sâm là một cặp, không có đối thủ trong lớp, giành chức quán quân.
Lúc thi hát anh Tử Nghiêu cũng tham gia, anh ấy ngâm bài Hồng đậu từ của Tào Tuyết Cần.
Bao giờ hết, giọt lệ tương tư rơi đỏ ngòm. Bao giờ nở, xuân về hoa liễu trước lầu son…
Tay trái anh Tử Nghiêu ôm một quyển Hồng Lâu Mộng bước lên trên sân khấu, cất giọng hùng hồn mà trầm ấm, cả lớp sững sờ.
Nuốt không trôi, rượu vàng gạo ngọc nào biết ngon. Soi không rõ, đứng trước gương lăng mặt héo hon!...
Tay phải anh ấy khẽ bóp vào cổ, rồi sờ lên má, dáng vẻ hệt như một vai kép trong kịch ca tử hí.
Nét ngài cau cau lại, giọt đồng hồ dồn dập hơn.
Anh Tử Nghiêu mày cau chặt, mắt khép hờ, tay phải tì trán, hết sức xuất thần.
Nào khác gì: trôi đi, nước biếc dòng man mác. Dừng lại, non xanh bóng chập chờn…
Hai chữ chập chờn ngân dài suốt mười mấy giây, triền miên không dứt, cả lớp vỗ tay khen hay.
Không còn nghi ngờ gì nữa, anh Tử Nghiêu là quán quân cuộc thi hát của lớp.
Việc học trên khoa, tôi và Bách Sâm cũng vượt qua một cách thoải mái.
Anh Tử Nghiêu luôn gặp rắc rối với môn Thuỷ động học, trước kỳ thi tôi và Bách Sâm toàn phải bổ túc cho anh ấy.
Mùa hè lên năm thứ ba, ba người phòng 1013 quyết định dọn ra khỏi ký túc xá.
Bởi vì đồ đạc của mỗi người đã nhiều lên, đặc biệt là sách.
Vì thế bọn tôi tìm một căn hộ chung cư ở bên ngoài, bố trí theo kiểu nhà lầu khép kín, có bốn phòng.
Còn thừa một phòng, chúng tôi cho thuê.
Cuối cùng cho một chị học khoa Trung văn trên tôi một khoá thuê, tên là Dương Tú Chi.
Chúng tôi đều gọi chị ấy là chị Tú Chi.
Sự xuất hiện của chị Tú Chi, ngoài việc khiến cho tôi biết được vòng ngực của con gái phương Đông cũng có thể hất hàm miệt thị vòng ngực phương Tây ra, quan trọng nhất là, chị ấy khiến tôi quen với Minh Thanh.
Nhờ Minh Thanh, tôi mới biết, tôi là một cây tầm gửi.
Cây Tầm Gửi Cây Tầm Gửi - Thái Trí Hằng