Fiction reveals truths that reality obscures.

Jessamyn West

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 33
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1526 / 32
Cập nhật: 2022-12-22 17:48:03 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 25 -
Tôi loạng choạng trở về "nhà", đầu nhức như búa bổ, đất trời quay đảo. Sờ thấy góc tường, không kịp cởi áo cũng không cần biết kéo như vậy cái vỏ chăn sẽ rách, tôi rũ một cái rồi chùm lên đầu, lăn ra ngủ.
Lát sau, mọi người cũng đi ngủ cả. Lão kế toán tắt đèn rồi xuýt xoa chui vào chăn. Tất cả yên tĩnh. Tôi nghĩ, có lẽ mình đã chết.
Cái chết sao mà có sức cám dỗ! Vượt qua ranh giới giữa cái chết và sự sống rất dễ. Tiến lên một bước là chết. Tất cả mọi chuyện, hổ thẹn, ê chề, oán hận, đau thương… đều kết thúc.
Lúc này tôi nhớ lại, tại sao trước đó tôi không nghĩ rằng cô có thể cự tuyệt, cho rằng một bạt tai, và tuyệt nhiên không ngờ rằng, chỉ với một câu nói, cô đã dập tắt ý nghĩ "bất chính" của tôi.
"Anh hãy cô đọc sách đi!"
câu nói này rung chuyển tâm trí tôi còn hơn cái bạt tai. Rung chuyển cả tâm hồn! Cú sốc ấy làm tôi run lên bần bật.
Chết đi, chết đi thôi!
Tôi như người đã chết. Cái ôm dữ dội của tình yêu hình như đã tiêu hao toàn bộ sinh lực, nhưng linh hồn tôi vẫn trăn trở giữa khoảng không gian chật hẹp từ huyệt thái dương bên này sang huyệt thái dương bên kia, như điên như cuồng chỉ chực xé nát hình hài tôi. Tôi không dám nhớ lại những hành vi cử chỉ của tôi hơn hai mươi ngày qua, vậy mà hình như để trừng phạt tôi, một tấm màn bạc treo lơ lửng ngay chỗ giác mạc, lần lượt tái hiện những việc làm xấu xa đó. Tôi càng nhắm mắt lại thì những hình ảnh đó càng rõ nét. Anh chàng Hỉ giận dữ chỉ mặt tôi "Đồ con lừa nhà mày có thiếu ăn đâu!" Câu chửi như sét giáng xuống đỉnh đầu, khiến tôi run lẩy bẩy. Nhờ ai mà tôi lấy lại được sức khoẻ? Khi đó, tôi đúng như trong chuyện Lê câu khuỷên đà đã nói "Thợ mộc mong gẫy xe, thầy lang mong ta què chân, Bà la môn mong thí chủ đến cho ăn" đóng vai hành khất với một ý đồ xấu xa. Tôi nêu chuyện chữa giường bếp cho cô, tôi đến kể chuyện cho cô nghe. Tôi…mục đích cuối cùng chỉ là để kiếm bát cơm độn. Rõ ràng, bề ngoài tôi như nhà sư khổ hạnh, nhưng cốt lõi thì dựa dẫm y như một quý công tử lúc mất tinh thần. Goethe từng nói "không biết cảm kích" là một đức tính: Thái độ không thích tỏ ra cảm kích là một thái độ không dễ mà có. Nói chung, nó chỉ có ở những nhân vật xuất chúng. Họ là giai cấp nghèo khổ nhất, ở đâu cũng phải nhận sự giúp đỡ của người khác, mà cái việc làm ơn làm phúc ấy vốn không nhiều lại bị đầu độc bởi sự ti tiện của người ra ơn.
Nhưng ở tôi thì ngược lại, sự bỉ ổi của tôi đã đầu độc người ra ơn. Như con quỷ được cứu ra khỏi chiếc bình trên bờ biển, một con quỷ chưa ra khỏi cái thân xác ngày càng khoẻ mạnh của tôi, đã muốn ăn thịt người cứu nó. Vì sao có chuyện như thế? Vì rằng tôi "không xuất thân từ giai cấp nghèo khổ nhất". một công tử thất thế, một phụ nữ đã cứu anh ta. Chỉ cần tai qua nạn khỏi là anh ta chiếm hữu ngay người phụ nữ, hơn nữa, lại coi hành động đó là một cách đền ơn. Chuyện xưa đều đã kể như vậy đấy sao?
Lúc này, những ước muốn mà tôi tưởng tượng trong đâu hôm qua, đã biến thành Pinayêcha – con quái vật đầu thú mình người trong kinh Phật. Còn Mã Anh Hoa thì đang giãy giụa trong tay con thú ghê tởm đó.
Đúng vậy, câu nói cuối cùng của Mã Anh Hoa đã truyền vào thức ăn mà cô cho tôi với lòng nhân ái và sức mạnh tinh thần. Và như vậy, càng khiến tôi không thể tha thứ cho bản thân mình.
Tôi định sám hối ư? Tôi muốn cầu nguyện ư? Nhưng tôi nhận ra rằng, với một người theo chủ nghĩa duy vật, một kẻ vô thần, thì điều đáng buồn nhất là không có đối tượng nào hơn để cầu nguyện và sám hối. tôi không tin thần thánh. Tất cả thần thánh tôi đều không tin. Sau khi đã "chết" một lần, mọi thứ tôn giáo đối với tôi đều mất hết tính thần thánh. Vậy thì tôi sám hối, tôi cầu nguyện với ai? Với nhân dân ư? Nhân dân từ lâu đã khai trừ tôi khỏi đội ngũ. Mày đáng chết! hành động hiện nay của mày đủ chứng minh rằng chúng tao khai trừ mày là đúng. Không phải do ý chí của một lãnh đạo nào đó, mà là ý chí của toàn thể nhân dân! Mày đã bị đóng đinh vĩnh viễn trên cây thập ác!
"Hu..hu..hu.." Phía góc tường dội ra từng đợt những tiếng khả nghi như vọng lại từ một thế giới cực kỳ bí ẩn. Nhưng tôi biết, đó không phải là Thượng Đế, cũng không phải là ma quỷ mà là tiếng gọi của cái chết. Từ nhỏ tôi đã mê cái chết, mà không hiểu vì sao, tôi mê chết ngang mê cuộc sống. Nó là điều mà tôi không sao hiểu nổi và bất cứ ai cũng không hiểu nổi. Mê mãi mãi cũng là bị cám dỗ mãi mãi. Rất nhiều người không để ý rằng, cái chết cũng chính là một nội dung quan trọng của cuộc sống. Người nào yêu tha thiết cuộc sống, người ấy không hề sợ chết. Nhất là một kẻ vô thần như tôi thì với hiện tại của tôi, chết là một giải thoát nhẹ nhàng nhất, tất cả đều chấm dứt cùng với sinh mạng con người. Và như vậy tôi đã tạo nên một bí ẩn vĩnh cửu. Sáng mai, mặt trời vẫn lên, gió vẫn thổi, mây vẫn bay, các công nhân vẫn phải ra đồng làm việc như thường lệ, còn tôi thì biến thành một con cừu chết, một con chó chết. một đống xương thịt vô tri vô giác. Những hối hận, tủi hổ, sự trách móc của lương tâm tôi đều không để lại vết tích gì trên cõi đời này. Chết, tôi đem theo một bí mật, tôi huỷ đi một bí mật do tôi tạo ra, lẽ nào bí mật ấy không phải là vĩnh viễn?
khi kề bên cái chết, tôi rất muốn sống, sống mãi. Khi bụng đã no thì tôi lại muốn chết. Khi không còn linh cảm gì nữa, khi buồn tủi, thì thuốc độc, dây thừng, sao sắc, tầm cao và chiều sâu đã hấp dẫn tôi. Lúc này, trong bóng đêm, tôi lần sợi dây thừng bằng vải cô cho. Sợi dây mềm và co giãn. Chiều dài, độ dai và cỡ sợi to nhỏ, rất vừa với cái cổ của tôi. chuyện đời thật kỳ lạ, đáng để suy ngẫm! Cảnh tượng đêm qua, khi cô cho tôi sợi dây lưng lại hiện rõ lên mồn một. cô cho là để tôi ấm, để tôi dễ chịu hơn, vậy mà tôi lại dùng nó để kết thúc cuộc đời tội lỗi của mình. Mã Anh Hoa bảo, một sợi thừng tôi cũng không có là do cô thông cảm và thương tôi nên nói thế, vậy mà hình như cô lại có ý tặng tôi một công cụ để kết thúc sinh mạng của tôi. Tôi tưởng rằng ôm cô trong vòng tay là một điều đẹp đẽ, vậy mà sau cái ôm đó, tôi lại hối hận, lại muốn quyên sinh…Thế là, một ý nghĩ kỳ quặc về số phận loé lên trong đầu, tôi là lớp người cuối cùng xuất thân từ một giai cấp đã lụn bại, nên không thể hưởng thụ bất cứ sự tốt đẹp nào. Tất cả những gì tốt đẹp trên con người tôi đều có tác dụng ngược lại..Vậy thì chỉ có cái chết mới là sự giải thoát cuối cùng.
Vậy là tôi chết.
Cả người tôi chỉ còn lại cái đầu bay lượn trong rừng sâu đen kịt và rộng mênh mông. Vì không còn thân hình, không còn chân tay, chiếc đầu chỉ có thể bay trong không gian. Tôi bay, tôi lượn…bốn phía đều là những cây cổ thụ dày đặc như tường thành, cao không thấy ngọn, che khuất cả bầu trời, nhưng lá cây thì chốc chốc lại chạm vào mặt tôi. đầu tôi bay đến đâu, chúng lại rẽ ra như những cây rong nước. Tôi không rõ sẽ bay đến nơi nào, chỉ cảm thấy có một lực nâng rồi đẩy tôi bay, kéo tôi khi hướng này, khi thì rẽ sang hướng khác. Bóng đêm, đen nhưng không đục, lấp loáng, mờ ảo. Những cây đại thụ dựng thành những khối lập thể từ các phía như đạo cụ trên sân khấu. Cánh rừng đại ngàn không biết đâu là tận cùng, không biết đâu là ranh giới. Cây cối đứng im, nhưng vì cái đầu của tôi chuyển động nên tưởng như chúgn chuyển động không ngừng, lúc áp sát, lúc lùi xa…Chúng không u ám và đáng sợ. U ám và đáng sợ là do cái đầu của tôi tưởng tượng ra. Và tôi nhìn thấy một màn sương dày đặc đến rợn người trét kín các kẽ giữa bóng tối và những cây đại thụ. Im lặng tuyệt đối. nhưng vì vẫn có đôi ta, nên tôi vẫn nghe thấy một giọng âm vang như tiếng sấm:
- Vì sao mày muốn chê..ết?
Tiếng "chết" kéo dài không dứt, lượn quanh những cây đại thụ, lanh lảnh tiếng kim khí chạm nhau.
Tôi cười nhạt. Tôi không sợ một ai. Ngay cả cái chết cũng không sợ, hỏi còn sợ cái gì?
Chính tôi cũng muốn hỏi cái câu ấy! Cái đầu của tôi mở miệng hỏi lại, mắt đảo nhìn tứ phía. Tiếng nói kia không phát ra từ một nơi, mà là toàn bộ cánh rừng. Tôi lớn tiếng hỏi lại cái tiếng nói kia:
- Vì sao tôi phải số…ố..ng?
Tiếng "sống" cũng kéo dài không dứt, lượn quanh những cây đại thụ, cũng lanh canh như tiếng kim khí chạm vào nhau.
Im lặng. tiếng nói kia ngừng bặt, như bị một trận cuồng phong chặn họng. "Ha, Ha!Anh có trả lời nổi vấn đề tôi nêu ra không?"
Tôi tiếp tục lồng lộn trong cánh rừng, thưởng thức niềm vui của cái chết.
Nhưng những cây đại thụ xanh biếc ngày càng khít lại, cành lá đan chặt vào nhau, giăng thành tấm lưới đồ sộ bao vây tôi cả trên lẫn dưới, rồi tấm lưới ngày càng thu hẹp lại, không một kẽ hở. Tầm hoạt động của cái đầu tôi ngày càng nhỏ, cuối cùng thì lơ lửng giữa trời, hai con mắt chớp đảo lia lịa, miệng há hốc, thở hồng hộc. không có tay nên không thể chống đỡ, không có chân nên không thể đá lộn…Tôi chờ đợi, lẽ nào chết rồi mà vẫn gặp cảnh này?
Tiếng nói kia giọng đặc thù của ma quỷ, ồm ồm như hồi âm của vách núi:
- Lên thiêng đường. Lê…ê..ên!
- Thiên đường ở đâu? – cái đầu của tôi toát mồ hôi lạnh, nhưng tôi không cảm thấy sợ. – Thiên đường ở đâu? – tôi gào lên, hỏi lại – Làm gì có thiên đường? Tôi tin quái gì Thượng Đế! Lẽ nào chết rồi mà vẫn bị lừa!
- Nâng tầm của mình lên! Nâng tầm của mình lên!
Vượt lên bản thân! Với mày, vượt lên bản thân tức là thiên đường của mày! Thiên đường! Thiên đường! Vượt lên! Câu trả lời làm tôi ứa nước mắt, từng giọt, từng giọt ngầu đục rơi xuống đám sương mù phía dưới đầu tôi. Đúng, nâng tầm của mình lên. Tiếng nói ấy không phải của ma quỷ. Nó là tiếng nói của trái tim tôi đã đánh rơi.
Nâng tầm của mình lên! Nâng được lên tức là lên thiên đường! Thiên đ..ường!
Ôi, tôi làm thế nào để nâng tầm của mình lên? Tôi kêu gào tuyệt vọng. Ở cái nơi khỉ ho cò gáy, bị đời lãng quên y như thân phận tôi lúc này, làm thế nào để nâng tầm của mình lên?
Phải gắn với trí tuệ của nhân loại! Phải gắn với trí tuệ của nhân loại! Gắn! Gắn! Cô gái ấy đã nói như thế nào…như thế nào..như thể nào…?
Tiếng nói kia nhỏ dần, hình như ngày càng xa, cuối cùng im bặt. Đầu tôi đẫm mồ hôi, như một quả đã chín nẫu, chìm trong sương mù dầy đặc, làm nhơ chính cái tiếng nói ấy đã ghim chặt đầu tôi lơ lửng trong không gian. Tôi có cảm giác như đầu tôi đã rơi xuống mặt đất ẩm, mặt áp lên đám rêu xanh mềm mại như lông tơ, và những giọt sương trong vắt lăn trên mặt như dòng lệ. Làn không khí lạnh giá và ẩm ướt khiến tôi cảm thấy thư thái.
Và cùng lúc đó, cánh rừng mênh mông trở lại im ắng. Sương mù tan dần. Từ trên ngọn cây, tia nắng như một lưỡi kiếm sáng loáng phóng xuống mặt đất. Từ một nơi nào đó trong rừng vẳng lại tiếng đàn dương cầm. A! Số phận đang gõ cửa, nghe như thấp thỏm bồn chồn, lại như vô cùng bền bỉ. Lát sau, những nốt tròn thư thái vang lên, số phận đã thay đổi, dòng thác nhạc bừng sáng xô tới, ầm ầm như triều dâng dưới ánh mặt trời. bên tai tôi vang lên lời Beethoven "Tôi phải đón lấy yết hầu của số phận. Nó không thể bắt tôi hoàn toàn khuất phục…Ôi! Nếu sống được một nghìn lần thì hay biết mấy!"
…Tôi tỉnh hẳn, thấy mặt mình nước mắt đầm đìa, thấm đẫm cả chiếc vỏ chăn dưới gối. Tôi luồn tay dưới vỏ chăn, vẫn sờ thấy quyển Tư bản đóng bìa cứng.
quả nhiên, ngày hôm sau mặt trời vẫn mọc, gió vẫn thổi, mây vẫn bay..Những tia nắng màu vàng chói lọi xuyên qua lớp giấy dán cửa sổ, điểm từng loạt những hạt chấm tròn lên tường và lớp cỏ trong "nhà". Có một lúc nào đó tôi nghĩ rằng hôm qua tôi đã làm một việc xấu mặt. Mắc một sai lầm rất lớn, do đó tôi cảm thấy không vui. Nhưng tâm trạng đó lập tức bị thay thế bởi một ý nghĩ khác, nếu mọi người thấy tôi chết, thì ngoài chuyện ồn ào lên một hồi, còn gì nữa? có thể họ không đi làm, bận đem tôi đi chôn. Nhưng khi chôn tôi xong thì họ lại đi làm như thường lệ. Cái chết của tôi, trừ bà mẹ xa xôi của tôi đau xót, còn chẳng mảy may xúc động đến ai. Chết là chuyện lớn đối với tôi, nhưng là chuyện cực nhỏ đối với người khác, quá lắm được thêu dệt thành "Câu chuyện đêm khuya" cho đỡ buồn!
tay "Chủ nhiệm kinh doanh" lấy cơm về trước tiên. Hắn khuỳnh tay chiếm hết lò bếp, lại còn thổi phù phù vào lòng hai bàn tay "Rét khiếp, rét khiếp! Thời tiết chó chết này rét khiếp!" Lão kế toán thận trọng bê chậu cháo bằng cả hai tay, đi rón rén không một tiếng động, rồi ngồi xếp bằng tròn trên chỗ nằm của lão. Lão tháo găng tay, bỏ mũ, ngồi chiêm ngưỡng cái chậu cháo một lúc, rồi bắt đầu ăn lặng lẽ. Lão nhất quyết không đến sưởi nhờ bên bếp lò, ngay đến ăn cũng không phát ra tiếng để khỏi phiền người khác, hoặc có thể nói, lão không muốn cho không ai cái gì, ngay cả tiếng nhai cơm. Trông thấy bộ dạng ấy, bộ dạng co vào trong kén, mặc kệ sự đời, tôi không nỡ làm phiền đến lão sau khi tôi chết.
Cách đây hai hôm, tay trung uý đi Trấn Nam Bảo không may gặp trúng ngày bưu điện nghỉ. Lúc này anh ta cằn nhằn, chuẩn bị cho chuyến đi tiếp "Bọn khốn kiếp! Ngồi bàn giấy mà còn nghỉ!" Anh ta quên rằng trước đây anh ta cũng đã từng ngồi bàn giấy. Anh cán bộ biên tập và mấy người khác thái độ vẫn như thường ngày, không có gì thay đổi như tranh khắc gỗ trên tấm lịch. Tôi vô cùng ngạc nhiên. Đêm qua, một đêm giông tố của tôi như thế mà họ không hề hay biết. Do đó, cái chết của tôi, bão tố trong lòng tôi, tôi chết và trở thành con người khác cũng vậy thôi, ảnh hưởng cực kỳ mờ nhạt đối với những con người chỉ chăm lo cho cá nhân mình. Thần kinh của họ gần như bị tê liệt, không một chút nhạy cảm. Trong cái mớ thần kinh đờ đẫn ấy, tôi sống một cuộc sống khác rất dễ dàng. Ý nghĩ này làm tôi phấn chấn lên, tôi hất tung cái mền, lồm cồm ngồi dậy, lấy khăn ướt lau mặt rồi đi lấy cơm.
Đồng ruộng mênh mông, nước mắt tôi rưng rưng vì cái khí phách kiêu hùng không chút che đậy của nó. Hãy cho tôi một chút trang nghiêm hùng vì, dù chỉ là sự thuần phác của một hoàn núi, tôi đã có thể đứng vững và nâng tầm của tôi lên. Ông xà ích "Đồ chó chết" chậm rãi, mặc cho ngưạ dẫn chiếc xe ra đồng. khắp nơi chan hoà anh mặt trời. Những con ác là cổ viền trắng vui vẻ gọi nhau chạy theo xe để mổ phân ngựa. Những đống cỏ trên sân phơi ánh lên màu vàng loá mắt, óng ánh như kim loại. Phóng tầm mắt nhìn về phía đông mười lăm cây số, đoàn xe lửa từ từ nhả khói, kéo ngang một vệt theo đường chân trời, hồi lâu vẫn không tan. Đường viền của dải khói màu xanh, nay chuyển sang màu tím, đẹp lạ lùng dưới bầu trời màu ngọc bích. Không có gió, không khí thoang thoảng mùi băng thảo, cỏ bàng và mã liên thảo trộn lẫn mùi khét của đất bụi. mặt trời toả ấm lên người, khiến tôi mơ màng ngủ gật. Cái cảm giác sung sướng làm mình đang sống không nhất thời phải có ở lúc tỉnh táo, mà chính là lúc mơ màng nửa ngủ nửa thức.
Bão tố trong lòng dịu đi và bài tụng ca vang lên: hài hoà, trong trẻo, nhuần nhuyễn, vui tươi làm như tôi đang ở trên cánh đồng chim ca hoa nở, thở hít không khí trong lòng. Cái chết cám dỗ con người, nhưng sự sống cám dỗ còn mạnh hơn. Còn giữ được bản thân là một hạnh phúc. Đau khổ là một cảm giác, hối hận cũng là cảm giác. Đau khổ và hối hận là sự từng trải trong cuộc sống, do đó, đau khổ và hối hận cũng là niềm vui của cuộc sống.
"Chích, chích" đàn chim sẻ vượt trên đầu tôi, tung đôi cánh nhỏ xíu bay về nơi có địa thế cao hơn, mắt ngó ngang ngó dọc. Ôi những sinh mệnh bé nhỏ ấy cũng muốn nâng tầm của chúng lên.
Nâng tầm lên! Nâng tầm lên!
Buổi tối ăn xong, tôi không đến nhà Hoa. Tôi ngồi trên đệm cỏ, lấy quyển Tư bản mà hai mươi ngày qua tôi dùng làm gối, chưa đọc trang nào.
Anh trung uý đã nghiên cứu xong bức thư bảo đảm của gia đình. Chắc là có tin vui, nên anh rất lịch sự đem trả chiếc đèn bão, lại còn vặn to lêN hộ nữa. Tôi chưa dám mở sách đọc ngay, mà với một tâm trạng e dè, tôi sờ nắn cái bìa cứng màu vàng nhạt của bộ Tư bản. Giờ đây quyển sách này là chỗ dựa duy nhất giúp tôi "nâng tầm của mình lên". Nếu nói rằng "nâng tầm tức là lên thiên đàng", thì trước mặt tôi là con đường duy nhất lên "thiên đàng". Liệu cuốn sách có dạy tôi được điều gì không? Liệu có thể giúp tôi "nâng tầm của mình lên"? Những tế bào nghệ thuật của tôi liệu có thể hấp thụ chất dinh dưỡng chắt lọc từ những khái niệm trìu tượng không? Trước đây tôi chưa từng đọc Tư bản, nhưng đã đọc Kinh tế chính trị học do người Liên Xô Janchev soạn, loại sách "cán bộ cần đọc" trong chương trình học tập chính trị kiểu mở hàng. Khi đó, tôi thấy sách trình bày có vẻ khô khan, toàn những tín điều và khái niệm không dính dáng gì đến hiện thực, không mấy hứng thú.
Giờ đây, khi giở bộ Tư Bản, ít nhất cái bụng tôi không quấy nhiễu cái đầu tôi. với một tâm trạng chân thành ngưỡng mộ của kẻ gặp hoạn khốn cùng, tôi mở Chương Ba Tiền Tệ và lưu thông hàng hoá, và cũng là chỗ "chú thích 51" đọc cách đây hai mươi hôm. Mấy tổ viên ngồi tán dóc bằng một giọng buồn tẻ và miễn cưỡng. Tay "Chủ nhiệm kinh doanh" mách lão kế toán một "loại thuốc của Biển Thước", bảo phương thuốc tốt nhất chữa khỏi nghiến răng, là ghè sạch răng đi. Lời nói đùa tàn nhẫn ấy không gây cười được một ai. Nhưng chỉ một lát sau, tôi không nghe thấy gì nữa vì rằng tôi nhận thấy Marx đã dùng một thể văn có hình tượng để trình bày sinh động những vấn đề sâu xa của kinh tế học. Tôi chưa hiểu hết ý nghĩa những lời lẽ, nhưng cái đẹp, sự lưu loát và sáng sủa trong câu văn của ông đã cuốn hút tôi, trang nào cũng có những câu tuyệt diệu. tư duy logic của ông chặt chẽ, còn lời văn thì ông dùng cách diễn đạt theo phương pháp cóc nhảy và ý chỉ trong câu văn. Một tài năng quán thế lại thêm khí phách kiêu hùng của một lãnh tụ cách mạng, mới có cái văn phong trôi chảy, mượt mà, không bị gò bó bởi bất cứ khái niệm trừu tượng nào đến như thế. Theo tôi, một con người có sự cảm thông đầy đủ với nghệ thuật là thiên tài. Tôi nhân ra rằng Marx "hiểu biết" trên lãnh vực tư tưởng. Tôi không tìm được từ ngữ nào thoả đáng để diễn đạt, và cũng là nói, bản tính kỳ diệu của Marx là có thể ráp nối tất cả sự hiểu biết khác nhau của nhân loại làm một khối. Càng đọc, tôi càng thấy sách của Marx là thu gọn trí tuệ của nhân loại: chính trị, kinh tế, lịch sử, nghệ thuật, văn học, thậm chí bao gồm cả thi ca! Rất nhiều chỗ, chỉ dựa vào sự phân tích của đâu óc tôi, vẫn không hiểu được những tri thức mà ông đã cô lại. Nhưng tôi không vì vậy mà lúng túng: đó là những câu đố hấp dẫn, giải được là anh có cả một gia tài!
Ông viện dẫn rất nhiều tài liệu. phần chú thích cuối trang gây hứng thú không kém phần chính văn. Không nói lại "cái lưỡi" mà tôi đã đọc ở phần trên, ông còn trích kịch thơ của Shakespeare và Tchekhov để dẫn chứng vấn đề hàng hoá chuyển thành tiên tệ. Thế là, một mệnh đề trừu tượng đã được đưa lên trang giấy rất cụ thể và đầy tính kịch. Căn phòng của tôi sặc mùi cỏ khô, mùi chuột và mùi khói than bùn, bỗng trở thành sân khấu kịch lịch sử, người có hàng và người có tiền hoạt động như thật. Đọc đến đây, tôi hoàn toàn quên mất hiện nay tôi đang ở đâu.
Khi trình bày một vấn đề, Marx lần lượt nêu lại quan điểm của các nhà kinh tế tư sản về vấn đề đó, có chỗ còn chỉ rõ mối quan hệ kế thừa và phát triển, điều đó thể hiện một phong độ bậc thầy, không bao giờ cướp công người khác. Ở một số đoạn, ông dùng thứ ngôn ngữ châm biếm và sắc bén để bác bỏ thẳng thừng các nhà kinh tế học giả hiệu của giai cấp tư sản, và về mặt này, ông lại là một chiến sĩ trong cuộc đấu tranh tư tưởng. như vậy, từng trang sách của ông sáng lên tinh hoa của lịch sử, và qua đó, có thể hình dung diễn tiến có một quá trình của lịch sử nhân loại và lịch sử tư tưởng. Ôi chao! Khi đọc đến chỗ ông viện dẫn bản điều trần gửi lên vua Hàm Phong của Hộ bá thị lang Vương Mậu Âm, tự nhiên tôi thấy ông sao mà gần gũi! Khi ông viết tác phẩm vĩ đại đó, khi ông sáng lập ra chủ nghĩa Marx, ông đã bao dung cả đất nước cổ kính của tôi ở phương Đông!
Mọi người trong nhà đã ngủ say. Ánh đèn mờ ảo, không làm phiền ai. Lão kế toán vẫn ra sức nghiến răng, tay trung uý ngáy ầm ầm, anh cán bộ biên tập nói mê…vậy mà tôi như mê như say bởi sức mạnh logic vĩ đại và trí tuệ uyên bác của Marx. Diễn đạt một cách nghệ thuật, hình tượng, lấy thực tế cuộc sống trình bày có kết quả tư duy lý tính, là bản tính không dễ mà có của các nhà tư tưởng, nhà nghệ thuật. Mà về mặt này thì Marx thành công tột đỉnh. Kể từ phút này tôi đọc cẩn thận bộ sách của Marx như một tác phẩm nghệ thuật quý giá, mà mỗi câu trong đó đêu gây hứng thú. Câu chữ có khả năng sáng tạo những điều kỳ diệu ngay trong tâm hồn con người. chúng có thể xoá bỏ, làm tan rã tư tưởng vốn có của người đọc, rồi sau đó tổ chức lại.
Nghệ thuật làm con người say mê, tư tưởng cũng làm con người mê mẩn. nếu nghệ thuật và tư tưởng là món hàng cao cấp, thì đó là thứ cam lộ được chưng cất từ hai nguyên liệu ấy. Dù rằng ngay bây giờ tôi chưa thưởng thức được đầy đủ cái ngon của nó. Nhưng rồi nó sẽ phát huy tác dụng.
Con gà trống của bác quản lý thọt chân gáy lần thứ nhất. Gà sống của các nhà khác đã bị ăn thịt, tôi đọc xong "Chương Hai". Trang cuối cùng không gì có thể nói rõ hơn toàn bộ cái quan niệm của vương quốc lý tính của chủ nghĩa nhân văn tư hữu. Marx nói như vầy:
"Lĩnh vực lưu thông hàng hoá, trong đó tiến hành mua và bán sức lao động, thực tế là một cái vườn Thượng Uyển thật sự của những quyền tự nhiên của con và của người công dân. Cái duy nhất ngự trị ở đấy, là Tự do, Bình đẳng, Quyền sở hữu và Ben-than. Tự do, vì cả người mua lẫn người bán một hàng hoá không ai hành động vì ép buộc cả, trái lại họ chỉ quyết định theo lương tâm của họ mà thôi. họ ký kết hợp đồng với nhau với tư cách là những người tự do và có quyền hạn như nhau. Hợp đồng ấy là sản vật tự do, trong đó ý chí của họ biểu hiện dưới hình thức lời văn pháp lý chung. Bình đẳng, vì họ chỉ đặt quan hệ với nhau với tư cách vật ngang giá. Quyền sở hữu, vì mọi người chỉ sự dụng cái thuộc về mình. Ben-than, vì đối với mỗi người thì chỉ là việc của cá nhân mình. Sức mạnh duy nhất khiến họ đến với nhau là sức mạnh của tính vị kỷ của họ. Mỗi người chỉ nghĩ đến mình, không ai lo lắng cho kẻ khác cả, và chính vì thế mà, theo một sự nhịp nhàng đã được định trước của sự vật, hay là dưới sự chỉ đạo của một đấng thiên thần rất khéo léo, mà mỗi người tuy làm việc cho cá nhân mình, tuy chỉ biết cá nhân mình, nhưng họ đã đồng thời phục vụ cho lợi ích chung, quyền lợi chung".
Marx đã mổ xẻ tách bạch đến như vậy. Tôi hận vì đã đọc sách của ông quá muộn! Đồng thời, tôi trách người đời ra sức tốn bao nhiêu là giấy mực để vạch trần tính giả dối của cái vương quốc lý tính của giai cấp tư sản, nhiều đến nỗi phải nhét đầy một kho khổng lồ, vậy mà vẫn không bằng một đoạn vẻn vẹn ba trăm chữ của Marx. Năm 1957, khi phê phán tôi, cũng không một ai dẫn đoạn văn này để thức tỉnh tôi ra khỏi giấc mơ văn học nhân đạo chủ nghĩa. Tôi phẫn uất không phải vì họ phê phán tôi, vì họ phê phán chưa đúng mức, họ biến phê phán thành trò quát tháo đến tức cười, khiến tôi càng thêm ù ù cạc cạc, đành trở thành kẻ ngạo đời đáng buồn cười nốt.
Đoạn cuối cùng càng làm cho một mình tôi trong cái phòng nhỏ bé, ở một thôn hẻo lánh không nhịn được cười. Thật là tuyệt diệu. Marx chỉ vài nét đã phác hoạ được quan hệ giữa nhà tư bản và người lao động làm thuê:
"Rời khỏi lĩnh vực lưu thông đơn giản hoặc trao đổi hàng hoá…hình như bộ mặt các nhân vật trong vở kịch có chút thay đổi. Kẻ có tiền trước đó, nay trở thành nhà tư bản vênh vênh váo váo đi trước, người có sức lao động, nay trở thành người lao động của tư bản, đi theo sau. Tên kia thì mắt nhìn gian giảo, dáng điệu quan trọng và lăng xăng, anh này thì nhút nhát ngập ngừng, như người tự mang da mình ra bán ở chợ, và chỉ mỗi cách là chờ người ta "lột da mình".
Khi đã vào giấc ngủ, bức tranh sống động ấy vẫn lởn vởn trong đầu tôi nhưng đã biến thành thế này: đi trước là bác tôi, bố tôi và dòng họ Morgan mà các vị sùng bái, theo sau là một đám công nhân làm thuê cho các vị. Rồi bức tranh lại chuyển cảnh. Giờ đây các công nhân đi trước, dáng điệu quan trọng và hăng hái. Những vị đi trước nay lại theo sau, "nhút nhát, ngập ngừng, như người tự mang da mình ra bán ở chợ, và chỉ mỗi cách là chờ người ta lột da mình". Còn tôi thì sao? Một kẻ mặc chiếc áo bông rách màu xanh giống ăn mày trăm phần trăm, không có cách nào đi trước "dáng điệu quan trọng và hăng hái", cũng còn gì để "lột" vì vậy đành loay hoay ở giữa, đi cũng dở, ở không xong.
Cây Hợp Hoan Cây Hợp Hoan - Trương Hiền Lượng Cây Hợp Hoan