A dirty book is rarely dusty.

Author Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Martine Murray
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 38
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1302 / 8
Cập nhật: 2017-06-11 10:56:53 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 33
ặp tôi má thở phào nhẹ nhõm, bà quên nổi giận. Tôi không phải nói cho bà biết tại sao tôi lại bỏ đi, bà nghĩ rằng đó là lỗi của mình. Bà nghĩ rằng mình là một bà mẹ tồi. Bà để tôi ngồi xuống và cố giải thích mình đã phải làm hai công việc cùng một lúc như thế nào, bà đã làm việc vất vả để có ngày có tiền mua nhà, và bà cũng cố làm một bà mẹ tốt. Mà cùng lúc làm cả hai việc thì thật là khó, vừa làm mẹ vừa làm cha (thật ra, vậy là thành ba việc), bà lại muốn có mặt ở nhà khi tôi đi học về, và mỗi tối bà lại muốn nấu bữa ăn thật ngon cho tôi, bà lại muốn có nhiều thời gian ở bên tôi hơn nữa, và rồi lại còn Barnaby... Rồi bà khóc, và một chuyện thật buồn cười là tôi lại là người dỗ dành an ủi, tôi hiểu điều đó. Tôi hứa sẽ không bỏ nhà đi nữa và hứa Barnaby sẽ sớm quay về. Bằng vào đâu mà tôi hứa như vậy? Nhưng bạn buộc phải nói quá lên thôi khi muốn an ủi một ai đó. Tôi không hỏi má về ba hay Barnaby, bởi vì bà đã quá buồn và hoang mang rồi.
Vì thế, chúng tôi đến quán Cleopatra ăn bánh chiên falafel, và bà hỏi tôi rất nhiều về gánh xiếc, và tôi biết bà đang cố làm một người mẹ tốt. Bà không cần phải làm vậy, nhưng tôi vẫn lờ đi vì tôi nghĩ nó làm bà thấy vui lên. Và cả tôi cũng thấy vui nữa. Tôi thích bánh falafel. Nhưng đừng có nhiều hành sống quá.
o O o
Hôm sau là ngày thứ Bảy và tôi cố dỗ giấc ngủ. Tôi nhắm mắt lại, cố gắng không nghĩ gì nữa. Nhưng tôi càng cố thì những ý nghĩ lại càng kéo đến. Đầu óc tôi trở nên rối mù.
Có tiếng đập cửa. Tôi trở dậy. Không thể là má. Tôi biết bà vẫn còn ngủ. Còn Ricci thì chẳng bao giờ gõ cửa, bà chỉ đứng ngoài gào tên bạn cho tới khi bạn ra thì thôi. Caramella luôn đi vào bằng lối cửa bếp. Thiệt tình thì chẳng có ai gõ cửa nhà tôi ngoài những tín đồ Mormons cùng những câu chuyện về Chúa Jesus của họ hay ông Barton với nắm đấm vung lên.
Đó là Kite.
Tôi hỏi, ‘Bồ làm gì ở đây vậy?’ Stinky vẫy đuôi. Nếu tôi có một cái đuôi thì hẳn là tôi đã không vẫy, nhưng chó thì không buồn rầu hay thô lỗ thế. Ít ra thì Kite đã không đi mách lẻo với mọi người về những lời đồn đại xấu xa kia.
‘Nè, lúc đó mình đã không biết nói sao. Thấy chưa, mình rất bối rối về chuyện đó, không biết nó có ý nghĩa gì. Nhưng mình tìm hiểu và mình phải nói với bồ.’
‘Nói với tôi chuyện gì?’
‘Nè, có phải đó là tấm ván trượt màu vàng có vẽ cái sọ người trên đó không, cái của Harold bị chôm mất ấy?’
‘Đúng vậy.’
‘Ừ, trong cái lỗ cống, hổng phải cái đèn, cái khác đó, nó là tấm ván trượt đó. Mình đoán khi con nhỏ xấu xa kia nói rằng anh của bồ đã chôm tấm ván ấy thì nó đã nằm ở đó rồi.’ (Tôi nhận ra ngay rằng Kite thậm chí còn không nhớ tên con nhỏ Marnie Aitkin nữa.) ‘Nhưng rồi mình phát hiện ra rằng Barnaby không thể nào là người giấu nó ở đó, vì trước hết, tại sao ảnh lại chôm cái ván trượt chỉ để bỏ nó xuống cống mà làm gì? Và hai là, mình nhớ ra rằng chúng ta đã thấy Harold bỏ cái đèn vào lỗ cống, cho nên Harold chắc sẽ thấy cái ván trượt nằm trong đó chứ. Hắn biết nó nằm trong đó mà không nói, điều này làm mình nghĩ chắc chính hắn là người đã bỏ cái ván trượt xuống đó. Chắc Harold đã giấu nó rồi nói với ba của hắn rằng Barnaby đã chôm mất. Có phải hắn đã gài anh của bồ không?’
Thiệt là hay, Kite đã thật sự nghĩ ra mọi chuyện. Ồ, đột nhiên mọi chuyện trở nên hợp lý. Cái vật màu vàng kia trong lỗ cống. Harold đổ thừa cho Barnaby.
Tôi suýt la lên, ‘Đúng rồi!’ Và rồi bạn biết tôi làm gì không? Tôi cảm thấy rất nhẹ nhõm. Tôi choàng tay ôm cổ Kite, không lâu lắm đâu, chỉ một thoáng thôi, rồi tôi bật cười lớn, phần để che đi cái chuyện suýt cụng trán trong cái ôm vụng về và bất ngờ đó, phần vì tôi luôn cười khi mọi chuyện căng thẳng đã qua, như cái bong bóng bay lộn tùng phèo khi bị xì hơi. Đừng lo, ngay lập tức tôi trấn tĩnh lại và nhanh chóng đánh trống lảng sang chuyện giải thích vì sao Harold Barton ganh ghét Barnaby quá xá như vậy, bởi vì Barnaby là kẻ có tài thiên bẩm. Barnaby chơi bóng bầu dục rất giỏi, ngay cả ba Harold cũng thừa nhận vậy. Và ngay cả trò trượt ván ảnh cũng giỏi hơn Harold, cho dù Barnaby chưa từng có tấm ván trượt riêng cho mình, ảnh toàn mượn của người khác để chơi. Nhưng cho tới giờ, điều khó chịu nhất về Barnaby là ảnh không thèm màng đến những trò mèo đó, ảnh cũng không thèm cố chơi bóng cho giỏi nữa, ảnh không khoác lác, thậm chí ảnh còn không thèm gia nhập đội Ngựa vằn cho dù đội Ngựa vằn mời ảnh. Điều mà Barnaby thật sự thích là âm nhạc, và nghĩ ra những ý tưởng, với vài cô em, nhưng không nhiều lắm đâu... Vì thế, dù sao đi nữa, ông Barton đã nổi điên đến đây và buộc tội Barnaby ăn cắp tấm ván trượt của con mình, do đó má mới gửi Barnaby đi học trường nội trú.
Kite nói, ‘Khốn kiếp!’
Tôi nói, ‘Yeah,’ và cả hai chúng tôi nhìn nhau lắc đầu và cùng nghĩ xấu về Harold. Sau vài phút thoải mái chia sẻ cùng nhau cái chuyện ghét thằng Harold, Kite nói cậu phải đi, và nhắc tôi rằng chúng tôi còn bốn bữa tập nữa trước buổi diễn.
Tôi đáp, ‘Mình sẽ đến. Xin lỗi vì hôm qua bỏ tập’.
‘Không sao đâu.’ Kite vươn tay và đu lên ngưỡng cửa chừng một phút. Tôi thấy lỗ rún cậu. Và những cơ bụng. Tôi muốn thọt lét Kite quá, nhưng tôi không làm. Rồi Kite đi.
o O o
Đêm đó, má về nhà trễ hơn thường lệ, nhưng bà có bánh pizza. Bà mang bánh pizza về mỗi khi thấy ân hận vì về nhà quá trễ. Bà biết pizza sẽ biến tôi từ một đứa cau có như khỉ thành một thiên thần.
‘Má lấy nửa không có trứng cá hả?’ Tôi hỏi, vì bà thích trứng cá còn tôi thì ghét. Má tôi gần như ăn chay, trừ món trứng cá trên bánh pizza và mực nhúng bột chiên giòn. Các món đó là bà không sao cưỡng được.
Má hân hoan đáp, ‘Tất nhiên rồi.’ Rồi bà giở nắp hộp ra, chìa cái pizza dưới mũi tôi để tôi kiểm tra.
‘Má về trễ.’ Tôi nói với một mức độ cau có thật chính xác, đủ để cho thấy rằng bà chưa hoàn toàn thoát khỏi cái lỗi đó đâu, nhưng cũng không quá đáng tới nỗi mà tôi không chịu nhận món hối lộ là cái pizza thơm phức ngon lành này.
Bà nhăn mặt, ‘Má xin lỗi nghen. Công việc nhiều quá mà. Nhưng, Cedy nè, má đang thương lượng. Má đang cố thuyết phục họ thay đổi giờ giấc làm việc, vậy nếu làm suốt một ngày thứ bảy thì má có thể tan ca và về nhà sớm một số đêm trong tuần.’
Không phải là tôi nói bóng nói gió để má làm như vậy, nhưng từ khi tôi làm cú bỏ nhà đi bụi thì bà thấy chuyện đó là điều nên làm. Vì vậy tôi cũng thấy đó là điều tốt, đặc biệt là nếu nó có nghĩa rằng bà sẽ không quá mệt khi về đến nhà, do đó tôi có thể hỏi lăng nhăng đủ thứ mà không làm bà nhức đầu.
Chúng tôi ngồi vào bàn và không thèm lấy dĩa đựng. Tôi thích vậy. Tôi ăn nguyên hai miếng thật nhanh mà không nói năng gì, rồi trong lúc ăn thêm nửa miếng nữa thì tôi bắt đầu câu chuyện.
‘Má nè?’
‘Gì con?’
‘Có phải ba nghiện ma túy không?’
Má đặt miếng pizza xuống. Miệng bà há hốc ra.
‘Không, tất nhiên là ổng đâu có nghiện ngập gì. Sao con hỏi vậy?’
‘Ông Barton nói là ba nghiện. Ông ta nói với thằng Harold, rồi thằng Harold kể lại với mấy đứa nhóc khác.’
‘Ông Barton nói vậy là sai. Nghe nè con yêu, ông Barton và ba con là hai loại người rất khác nhau. Ba con là một người theo cánh tả, còn ông Barton...’
‘Một người theo cánh tả là sao hả má?’
Bà hít một hơi dài. ‘Một người cánh tả là người tin rằng... ừ, họ tin vào việc chia sẻ. Nhưng không phải lúc nào họ cũng giỏi trong việc chia sẻ ở đời sống riêng của họ...’ bà mỉm một nụ cười kỳ cục, ‘nhưng trong chính trị thì họ tin rằng chính phủ nên bảo đảm phải có đủ cho mọi người, do đó tất cả mọi người đều có thể chi trả nổi cho các nhu cầu căn bản như nhà ở, giáo dục và y tế. Con thấy đó, thường thường rất ít người có được nhiều tiền bạc, của cải hơn là số họ cần, trong khi vô số người lại gần như không có đủ để dùng.’
‘Vậy những người thuộc cánh hữu thì tin cái gì vậy?’ Họ không nghĩ việc chia sẻ là tốt à?’
Bà bật cười, ‘Người ta không gọi họ là cánh hữu, mà gọi họ là những người bảo thủ hay những người tư bản. Hay ngày nay họ là một phần của lối suy nghĩ có tên là chủ nghĩa duy lý kinh tế[28]. Nè, má không giỏi về chính trị cho lắm nên má không thể giải thích chuyện này cho rõ ràng hay ho được, nhưng căn bản là, gia đình ông Barton trên cõi đời này tin rằng mọi chuyện trở nên tốt đẹp nhất nếu người ta được khuyến khích làm càng nhiều tiền càng tốt, bằng bất cứ cách nào mà họ muốn. Họ nghĩ rằng tiền này sẽ tạo ra công việc và nhỏ xuống cho những người không có đủ. Vấn đề là ở chỗ tiền có thể được làm ra trong những phương cách có hại cho môi trường sống cũng như tinh thần của xã hội. Và thường thì nó không nhỏ xuống giọt nào.’
[28] Chủ nghĩ duy lý kinh tế (Economic Rationalism) chủ trương giảm thiểu sự điều hành của chính phủ vào lãnh vực cung cấp hàng hoá và dịch vụ, và thay vào đó gia tăng vai trò của tư nhân.
‘Ý má là gì... tinh thần của xã hội?’
‘Má nghĩ là má đang nói về hạnh phúc, cái hạnh phúc thật kìa, không phải thứ đến từ tiền bạc và xe mới hay hồ bơi đâu. Cái hạnh phúc thật đến từ tình yêu thương gia đình và bạn bè, từ việc chăm sóc cho người khác, hay từ việc chuyển tải một thông điệp gì đó với một người khác, hay chỉ từ việc hát một bài hát mà con thích... Nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng con hiểu má muốn nói gì phải không nào?’
‘Dạ hiểu. Như việc làm một buổi diễn xiếc?’
‘Đúng, giống vậy đó.’
‘Ông Barton không quan tâm gì đến người khác sao?’
‘Tất nhiên là ông ta quan tâm chứ. Chỉ có điều là nhiều công ty lớn đang làm những chuyện rất bất nhân, vì chúng sanh lợi rất nhiều. Tuy nhiên không phải tất cả các công ty đều xấu. Có những người có được cuộc sống tốt qua những công việc làm ăn đàng hoàng. Như cái tiệm bánh ở Brunswick làm bánh mì bột chua mà mình thích đó. Và ông Barton thì không xấu. Có lẽ ông chỉ cảm thấy bị đe dọa bởi bất cứ ai muốn thay đổi. Ba của con khi ấy dính líu với Phong trào Xanh. Bất cứ ai đấu tranh để cứu cây cối và rừng thì thường bị xem như dân hippy hay đồ thất học - là thứ người hút ma túy và hát những bài hát chống đối. Đó là lý do vì sao ông Barton nói ba con là một gã nghiện ma túy - chỉ vì ông ta cảm thấy bị đe dọa bởi những việc ba con làm.’
‘Ô, vậy à.’
‘Con hiểu không, hả Cedar?’ Má nghiêng đầu về phía tôi, trông rất lo lắng.
‘Dạ. Con nghĩ là con hiểu.’ Tôi xực luôn phần còn lại của cái pizza. Má mỉm cười. Tôi không chắc là mình có hiểu hết hay không. Chuyện này có vẻ phức tạp ghê đi. Tôi không thích những chuyện kinh tế hay chính trị. Dường như nó gây rất nhiều tranh cãi. Nhưng tôi thấy rằng ba mình là thuộc về bên tốt, bên chia sẻ. Và tôi hài lòng. Tôi định một ngày nào đó sẽ hỏi thêm, nhưng chừng này cũng quá đủ cho đêm nay rồi.
Tôi còn có những chuyện khác để suy nghĩ cho bốn ngày kế tiếp.
Câu Chuyện Thật Tí Ti Của Cedar B. Hartley Câu Chuyện Thật Tí Ti Của Cedar B. Hartley - Martine Murray Câu Chuyện Thật Tí Ti Của Cedar B. Hartley