Thất bại ư? Tôi chưa bao giờ gặp phải. Với tôi, chúng chỉ là những bước lùi tạm thời.

Dottie Walters

 
 
 
 
 
Tác giả: Martine Murray
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 38
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1302 / 8
Cập nhật: 2017-06-11 10:56:53 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
ầu trời trông xám ngắt. Không có ai ở dưới con lạch cả, ngoài Lão Thỏ. Tôi gọi lão là Lão Thỏ, nhưng lão không hề có bộ dạng hay hành động gì giống thỏ. Không hề có lỗ tai dài hay có rất nhiều con. Thật ra, tôi không nhớ nổi tại sao lại gọi lão như thế. Tôi chỉ gọi vậy thôi. Đôi khi, trong trí mình, bạn gọi ai đó bằng một cái tên nào đó chỉ bởi vì cái tên ấy cứ như khẽ khàng chọt chọt bạn khiến bạn phải gọi họ như thế.
Lão Thỏ đã già và là người gốc Ý. Lão có một cây gậy và mặc cái áo xanh da trời gài nút ở cổ áo, đóng bộ với cái quần nhung và giày êm. Một người lớn tuổi mặc quần nhung luôn cho thấy một dấu hiệu tốt của sự cường tráng. Ngoài ra, lão rất yêu chó. Con chó của lão là một con chó già, đi khập khiễng, màu đen-và-nâu, tên là Diva. Họ rất là xứng với nhau.
Lão hỏi, hào hứng quơ quơ cây gậy trên không, ‘Nhưng chó của cô đâu rồi?’ Lão Thỏ nói rất to và rõ ràng. Lão cân nhắc từng từ, như thể đang trồng nó vào trong bạn vậy. Khi lão nói từ ‘Diva’, lão như vắt xiết chữ Di ra rồi đập dẹp chữ va, nghe như Deeee va. Tôi thường thích lắng nghe lão trồng chữ, nhưng lần này tôi đang vội tới khu sân vận động và lởn vởn quanh cái trụ xà.
‘Nó ở khu sân vận động, cháu đi đón nó về.’
‘Nó là bạn thân của cô. Con chó của cô là bạn thân nhất của cô,’ Lão Thỏ nói theo. Lão nói điều đó mỗi lần bạn gặp lão. Lão thích cúi xuống và đưa tay ra với tất cả mọi con chó đi ngang. Lão bày cho tôi điều đó. Lão nói, hãy luôn luôn để cho một con chó đến với bạn, theo cách đó thì bạn sẽ không làm nó sợ.
Có vài người sợ chó. Tôi thích cưỡi xe đạp lên đường Sydney và ngắm đám phụ nữ Ả-rập co rúm trong những cái khăn trùm đầu khi Stinky chạy ngang qua họ. Tôi biết là đáng ra tôi không nên làm thế, nhưng tôi lại nghĩ rằng đó là bài học tốt cho những bà sợ hết hồn đó biết rằng chó không cắn đầu gối hay nguyền rủa người ta. Chó có khi còn dễ thương hơn khối người. Như tôi chẳng hạn. Xét cho cùng, tôi là đứa tìm trò vui trên sự sợ hãi của mấy bà đó. Chứ không phải Stinky. Thậm chí nó không thèm để ý gì đến họ. Trừ khi họ có một khúc xúc-xích.
Trời bắt đầu đổ mưa. Tôi không có cái gì để che mưa cả - mưa thì tốt cho nông dân và mọi người - nhưng tôi lại không khoái bị ướt. Đôi khi tôi có thể vượt qua được điều đó. Tôi có thể ngửa mặt lên trời và nói, ‘Nè rơi xuống đi, tới luôn đi, dội ướt tôi đi.’ Rồi tôi có thể thú vị với cảm giác ướt mèm. Đôi khi tôi lại còn muốn thấy mình có thể bị ướt sũng tới mức nào. Tôi muốn bị ướt mưa hơn bất kỳ ai khác đã từng bị ướt từ trước tới nay. Nhưng tôi không hứng thú chơi mưa trong hôm đó, không một chút nào. Ướt sũng chỉ thích khi nào bạn biết là bạn có thể chạy về nhà và trút bỏ quần áo rồi trườn vào một bồn nước ấm để tắm. Nhưng khi bạn đang trên đường đến gặp một tên con trai có giọng nói như dòng sông, kẻ đã tìm ra con chó của bạn, thì bạn sẽ không muốn nhỏ nước tong tong xuống giày của hắn chút nào.
Do đó, tôi đi thẳng đến cây cầu gù gù. Stinky nhìn rất là tức cười khi nó bị ướt. Lông nó dựng đứng toàn thân. Trông nó sẽ giống thế này đây:
Cây cầu gù gù nhìn rất là xấu xí ở bên trên vì xe cộ chạy trên đó, và cũng khá xấu ở phía dưới nữa vì những hình vẽ trên tường cầu, cùng phân bồ câu vương vãi khắp nơi, thêm một cảm giác hụt hẫng xám xịt bẩn thỉu. Nếu bạn vẽ tranh trên tường, ít ra bạn cũng sẽ muốn viết lên một ý tưởng hay tuyệt cú mèo hoặc vẽ một bức tranh về một con chim đang bắt cá, nhưng bạn chỉ thấy dưới cây cầu những chữ như AKS. Ai mà biết chúng có nghĩa cóc khô gì? Một trong những trụ nâng cầu được vẽ chữ PAT và trên cột trụ kia là chữ GARY bằng sơn đỏ. (Đó chẳng phải là xuất phát điểm gì hay ho, ngoại trừ điều đó làm tôi tưởng tượng ra hai gã từng chơi banh với nhau, và giờ họ thì đều sắp hói đầu và làm xúc-xích để bán cho các cửa hàng đặc sản ở Brunswick.) Anh Barnaby vẫn cho rằng nghệ thuật vẽ trên tường là cho ‘những dấu ấn riêng’, nhưng tôi nghĩ nó chẳng khác gì cái cách lũ chó thích tè lên tường. Bọn chó đực và lũ con trai vốn thích để lại dấu vết của mình.
Thế nên cách duy nhất để thấy rằng cây cầu đẹp là nhắm mắt lại và lắng nghe nó gù gù. Tất nhiên chính là lũ bồ câu đang gù, chứ không phải cây cầu, mặc dù nếu bạn không nhìn thấy lũ bồ câu ẩn mình dưới đó, bạn có thể nghĩ đấy là tiếng của cây cầu. Tôi cố gắng tìm hiểu điều bọn bồ câu đang trao đổi. Tới lúc này thì tôi biết là chúng nói như vầy - đó là những câu dịu dàng sướt mướt như, Ôi em yêu ơi, hãy để anh làm cho cái tổ của em êm ái hơn nhé. Nè, anh xoa những móng vuốt bé bỏng của em nhé? Chúng mình sống trong một cây cầu tuyệt quá. Em xơi một miếng sô-cô-la Orange Thins nghen?
Việc dịch tiếng gù gù không đến nỗi ngớ ngẩn như bạn tưởng đâu, bởi có lần tôi đã nghe nói về một ông thầy tu tên là Francis, ở Ý; ổng có thể nói chuyện với thú vật và chim chóc. Tôi gần như nói được tiếng của chó và tôi không tu hành gì cả. Nhưng tôi hiểu những gì Stinky đang nói. Tôi hiểu ngôn ngữ của cái đuôi. Ví dụ, đuôi ngoe nguẩy vòng vòng nghĩa là rất hài lòng, còn khi dựng đứng đuôi lên là đang thắc mắc điều gì đó, đại khái như Ai vậy? Mày có phải là con thỏ không? Tao tới đó được không? Ngoài ra còn có một ngôn ngữ trong đôi mắt nữa. Ngôn ngữ của cái đuôi và ngôn ngữ đôi mắt phối hợp với nhau rất nhuyễn.
Stinky gần như nói cả được tiếng người nữa. Ở nhà chúng tôi không thể nói chữ ‘đi dạo’, bởi vì chữ ấy làm cho Stinky phát khùng lên. Nó sẽ sủa rồi phấn khích nhảy cà tưng, và điều đó làm má tôi đau đầu. Cho nên thay vì nói vậy, chúng tôi nói, ‘Tôi sắp đi “d.’’.’ Tôi không rõ tại sao, nhưng Stinky chưa hiểu được điều đó. Nói chuyện là một chuyện, nhưng đánh vần lại là một chuyện khác.
Tôi đang nghĩ về những chuyện dễ thương như sự dịu dàng của chim và việc đánh vần của chó thì có kẻ thô bạo xông vào đầu óc thủ thỉ dễ thương của tôi, kẻ đó chẳng ai khác ngoài Harold Barton.
Giọng chế nhạo của Harold Barton cất lên, ‘Nào, xem ai đang ở đây nè.’ Hắn đứng đó, thở hào hển như một con chó. Cạnh bên hắn là Patrick Murphy và Frank-Ai-Đó[6]. Cả bọn đều ướt mèm. Nước mưa nhểu xuống từ cái mũ đội ngược của Harold và chảy ròng ròng xuống cổ hắn.
[6] Frank-Ai-Đó: Frank Somebody. Tác giả không cho biết họ của nhân vật Frank, mà chỉ cho biết là hắn có họ Ai Đó. Đây là một cách chơi chữ thú vị. ND.
Hắn hỏi, ‘Có tin tức gì của anh mày không?’
Tôi đáp, ‘Không,’ và nhìn Patrick Murphy tự hỏi không biết có phải hắn là kẻ viết chữ PAT không?
Harold nói, ‘Barnaby là một thằng quái,’ rồi uốn cong đôi môi thành một hình dạng xấu xí. ‘Nè, mày làm cái khỉ gì mà ngồi dưới cây cầu một mình vậy, hả Cedar? Tao chẳng hiểu nổi bọn Harley chúng mày.’
Harold nghĩ rằng bất cứ ai không tụ tập quanh hắn đều là quái cả, nhất là nếu họ chỉ thích chơi riêng mỗi một mình. Tôi cân nhắc việc có nên nói với hắn rằng tôi đang dịch tiếng chim hay không, nhưng tôi nghĩ tốt hơn là làm lơ câu hỏi của hắn đi. Tốt nhất là không cho hắn cơ hội nào để tiếp tục kiếm chuyện. Tôi biết Harold đã ngầm ngưỡng mộ Barnaby vô cùng, điều đó không có gì ngạc nhiên, bởi vì Barnaby rất là quyến rũ và lũ con gái mê ảnh muốn khùng luôn. Cho rằng chúng tôi không có tin gì của ảnh là nói dối, bởi vì ảnh vẫn có gởi bưu thiếp về. Thường thì chúng chỉ là một miếng bìa cứng nhỏ, được cắt ra từ một cái hộp, có một bức họa vẽ ở mặt trước và hai dòng chữ ở mặt sau. Như là:
«Má và Cedy thương, ngày lại ngày, trên cao đây
Con tập vỗ cánh, và loạng choạng bay, hình dung thấy bầu trời và nó tuyệt vời quá đỗi»
Nhưng tôi không nói với Harold về điều đó, trước tiên vì hắn nghèo trí tưởng tượng, do đó hắn sẽ không biết thưởng thức, nhưng cũng bởi vì tôi có cảm tưởng là đã xảy ra chuyện gì đó rất buồn cười. Barnaby không cho tôi biết là chuyện gì, nhưng tôi hiểu rằng nó có liên quan tới chuyện Barnaby bị gởi đi học xa.
Tôi nói, ‘Harold này, tôi biết là anh đã làm cho anh Barnaby gặp rắc rối, tôi biết chắc vậy.’
‘Tao không làm. Dù sao đi nữa, Barnaby bị vậy cũng đáng đời.’
‘Đáng cái gì?’ Tôi nheo mắt ngờ vực và Harold cũng nheo mắt ngó trả, và rồi hắn diễn trò phim Mỹ, đặt tay lên tim, nhìn về phía mấy tay bồ tèo của mình bằng ánh mắt khá lão luyện ra vẻ van xin tội nghiệp. Harold Barton là đứa ma mãnh nhất mà tôi từng gặp. Hắn khôn ngoan né đi để khỏi phải trả lời câu hỏi quan trọng nhất của tôi.
‘Nè tụi bây, Cedar đang tính nuốt tươi tao. Chỉ vì thằng anh nó là một thằng quái. Ê, đồ nhũn não, hãy đối mặt với sự thật đi. Mày và thằng anh mày là đồ quái. Và mày là đứa không cha.’
Tôi không nghĩ rằng cái trò khốn kiếp này đáng để cho tôi đáp trả, nhất là khi Frank-Ai-Đó đã lầu bầu ngượng nghịu đáp trả rồi. (Tôi không thể nghĩ ra họ của Frank bởi vì Frank không phải là loại người bạn thường nghĩ tới.) Patrick Murphy bèn đổi đề tài.
‘Thôi đi, tới sân bóng đi,’ hắn nói, hất mặt về phía khu sân vận động. Patrick là một đứa rất mê bóng đá. Hắn là cái thứ mà tôi gọi là một thằng bị thịt. Hắn khoanh đôi tay béo nù lên ngang ngực. ‘Coi bộ mình phải chạy lẹ tới đó thôi.’
‘Ừ, phải rồi, đi đi nào,’ Harold lôi ra cái kính mát sậm màu và lấy áo thun đang mặc lau sạch nước mưa trên đó. ‘Tạm biệt nghen, con khùng.’ Hắn nói mà không thèm ngó tôi, rồi cả ba đứa lừ lừ bỏ đi.
Tôi cũng phải đi, nhưng tôi bước tụt lại phía sau chúng, cảm thấy hơi chán vì hẳn là đang có một đám đông tụ tập ở sân vận động dự buổi diễu hành bóng đá, và bởi vì Harold đã gọi tôi là đồ nhũn não, điều này thật sự chạm tới những sợi thần kinh kiêu hãnh của tôi vì tôi rất là coi trọng bộ não mình; cám ơn mày nhiều lắm, và tao biết bộ não tao sẽ không bao giờ hạ mình trêu ghẹo người khác về chuyện họ không có cha hay mẹ, hay không có cả hồ bơi. Đáng ra tôi phải nói một điều gì đó. Chẳng hạn phải như chú John thì chú hẳn đã nói; Harold Barton, mày không biết cái khỉ gì cả, thậm chí Đội Quân Cứu Tế[7] có vừa thúc tới đít mày vừa chơi bài Cuộc Diễu Hành Chết Chóc[8] hay không mày cũng không biết. Nhưng tôi không bao giờ nhớ ra những điều như thế. Thậm chí tôi không bao giờ nhớ ra những trò tiếu lâm móc họng. Trừ câu chuyện về con tàu chìm run rẩy, hay chuyện con chó - nó nhắc tôi rằng, tôi sắp sửa tìm ra Stinky, ông tướng rậm lông, con dã thú yêu quí của tôi. Bây giờ chỉ kẹt một cái là tất cả mọi người chắc đang đông nghẹt ở sân vận động, thì làm sao tôi có thể tìm ra đứa con trai có giọng-của-dòng-sông đây?
[7] Đội quân Cứu tế: Salvation Army, một tổ chức từ thiện cứu tế người nghèo. ND.
[8] Cuộc diễu hành chết chóc: Dead March, là bản nhạc đưa đám.
Tôi đi, lê từng bước, thì thầm và lắp bắp trong đầu. Nhưng cơn mưa bắt đầu ngớt dần và ánh nắng lấp lánh trên lá ướt, và hẳn là tôi đã lôi cái cảm giác quạu quọ khó chịu đó ra khỏi lòng mình và tống ngay vào trong bùn bởi vì tôi cảm nhận có cái gì khác đang vươn lên, run rẩy như một ngụm nước chanh. Nó làm cho tôi nhảy chân sáo, nhưng chỉ trong một thoáng thôi, bởi vì tôi không muốn cho ai thấy mình đang nhảy chân sáo. Chỉ có bọn trẻ con mới nhảy chân sáo như thế.
Câu Chuyện Thật Tí Ti Của Cedar B. Hartley Câu Chuyện Thật Tí Ti Của Cedar B. Hartley - Martine Murray Câu Chuyện Thật Tí Ti Của Cedar B. Hartley