"It is possible to live happily in the here and the now. So many conditions of happiness are available - more than enough for you to be happy right now. You don't have to run into the future in order to get more.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Rohinton Mistry
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1946 / 83
Cập nhật: 2017-08-29 15:44:17 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
XIII: Đám Cưới, Giun Và Thiền Sư
iệc lũ mèo con tái xuất hiện bên ngoài cửa sổ nhà bếp một tháng sau đó đã không còn là sự kiện đáng để ăn mừng nữa. Đám này coi đó không hơn gì một dịp để kiếm chác. Om và Maneck có lẽ sẽ rất sung sướng nếu được thấy một dấu hiệu nào đó của sự công nhận – một tiếng kêu meo thật to chẳng hạn, hay một cái nhìn, một tràng rù rù, một điệu cong vồng lưng. Nhưng thay vào đó, lũ mèo vồ lấy cái đầu cá và chạy biến đi để được yên thân nhấm nháp một mình.
“Sao mọi người lại ngạc nhiên nhỉ?” Dina nói. “Vô ơn có phải chuyện hiếm gặp trên đời này đâu. Rồi đến một ngày, mấy người cũng sẽ quên tôi thôi – tất cả các người. Khi mọi người đã đi con đường riêng của mình và đã yên ổn, mọi người sẽ chẳng còn biết gì tới tôi nữa.” Cô chỉ vào Maneck. “Chỉ trong hai tháng nữa thôi, cháu sẽ phải đi thi những môn cuối cùng, rồi gói ghém đồ đạc, và biến mất.”
“Cháu không thế đâu, dì ạ,” cậu phản bác. “Cháu sẽ luôn nhớ đến dì, đến thăm dì, và viết thư cho dì dù cháu có ở đâu.”
“Rồi, để xem,” cô nói. “Còn hai bác cháu thợ may nhà anh nữa, rồi cũng đến một ngày hai người tự ra làm riêng và bỏ đi. Nói thế không có nghĩa là tôi không mừng cho hai người khi chuyện ấy xảy ra.”
“Cô Dina, tôi xin chúc miệng cô luôn ngọt như đường, nếu có chuyện như thế thật,” Ishvar nói. “Nhưng trước khi những người như chúng tôi có thể có nhà ở hay cửa tiệm, các chính trị gia sẽ phải trở nên trung thực trước đã.” Ông giơ ngón trỏ ra, co nó lại, rồi duỗi thẳng. “Cây gậy cong còn có thể uốn cho thẳng, chứ chính phủ thì chịu.” Thực ra, ông nói, chuyện ông lo nhất là làm sao Om cưới nổi vợ nếu như hai bác cháu không thể tìm được một chỗ để ở?
“Chắc chắn khi cậu ấy đã sẵn sàng làm đám cưới thì sẽ có chuyển biến thuận lợi thôi,” Dina nói.
“Tôi nghĩ giờ nó đã sẵn sàng lắm rồi.”
“Cháu thì nghĩ ‘nó’ chưa sẵn sàng đâu,” Om gắt. “Sao bác cứ nhai nhải mãi về chuyện cưới xin thế nhỉ? Bác nhìn Maneck đây này, tuổi cũng như cháu, mà có ai vội định ngày cưới cho cậu ấy đâu? Bố mẹ cậu có hối thúc gì không, Maneck? Mau, nói đi, dạy cho ông bác tớ ít điều hơn lẽ thiệt đi.”
Maneck nhún vai và đáp không, họ chẳng hối thúc gì hết.
“Tiếp đi, nói cho bác ấy biết cả những phần còn lại nữa. Rằng bố mẹ cậu sẽ chờ đến khi cậu gặp được một người cậu thích. Và nếu cậu quyết làm đám cưới, chỉ tới lúc đó họ mới đi cắt đặt mọi việc. Tớ muốn mình cũng được như thế.”
“Omprakash, mày đang nói nhăng nói cuội gì thế,” bác cậu nổi giận đùng đùng trước nguyện vọng lố bịch của thằng cháu. “Chúng ta xuất thân từ những cộng đồng khác hẳn, có phong tục tập quán khác hẳn. Vì bố mẹ mày đều không còn nữa, nên bác có nghĩa vụ phải tìm cho mày một cô vợ.” Om nhăn nhó.
“Xem cái mặt khỉ kìa,” Maneck nói, cố xoa dịu trận chiến đang dần nhen nhóm. “Có điều, cháu phải cảnh báo dì một việc. Dì chưa thể đẩy cháu đi sau hai tháng nữa đâu.” “Tại sao lại thế?”
“Cháu vừa quyết định sẽ học đại học thêm ba năm nữa, để kiếm hẳn một cái bằng nghiêm chỉnh thay vì chỉ lấy một cái chứng chỉ kĩ thuật viên.”
Niềm vui sướng trào thẳng lên khuôn mặt cô; cô bèn đẩy nó xuống một nơi đỡ lộ liễu hơn. “Quyết định như thế là sáng suốt đấy. Một tấm bằng bao giờ chả giá trị hơn.”
“Thế cháu có thể tiếp tục ở với dì được không? Ý cháu là sau kì nghỉ về thăm nhà ấy?”
“Hai người nghĩ sao? Chúng ta có nên cho phép Maneck quay lại không?”
Ishvar cười. “Với một điều kiện. Là cậu ấy không được gieo rắc những ý tưởng điên rồ vào đầu thằng cháu tôi.”
Chuyện đám cưới của thằng cháu không thôi ám ảnh Ishvar. Ông lôi nó ra trong mọi dịp có thể, còn Dina chỉ nhẹ nhàng can ngăn. “Công việc đang dồi dào, và rốt cuộc hai bác cháu cũng tích cóp được chút ít. Sao phải vội gánh trách nhiệm mới? Đúng lúc tình hình đang tốt lên?”
“Có một lý do còn chính đáng hơn,” Ishvar nói. “Phải tranh thủ trước khi tình hình lại xấu đi.”
“Điều đó chắc chắn sẽ xảy ra, dù Om có lấy vợ hay không,” Maneck nói. “Mọi chuyện đều sẽ dẫn đến kết cục tệ hại. Đó là quy luật của vũ trụ rồi.”
Khuôn mặt Ishvar trông như thể ông vừa phải ăn một cái tát. “Tôi cứ nghĩ cậu là bạn của chúng tôi cơ đấy,” ông nói, giọng lạc đi vì đau đớn.
“Đúng là thế. Nhưng cháu nói thế đâu phải vì có ý gì xấu. Cứ nhìn ra thế giới xung quanh chú mà xem. Nhiều lúc, mọi sự dường như đầy hứa hẹn, nhưng cuối cùng tất cả…”
“Triết lý thế đủ rồi đấy,” Dina nói. “Nếu cháu không nói được gì tử tế, thì đừng nói gì nữa. Cứ giữ những suy nghĩ u ám ấy cho một mình cháu thôi. Dì cũng không đồng tình với chú Ishvar, nhưng chẳng có lý do gì để nói ra những câu gở mồm gở miệng như thế cả.”
“Nhưng cháu đâu phải không đồng tình, chỉ là…”
“Đủ rồi! Cháu làm Ishvar tổn thương như thế là đủ rồi!”
Nỗi đau không thể ngăn quyết tâm của Ishvar lớn lên. Hai ngày sau, ông tuyên bố, giọng rời rạc không chắc chắn, rằng ý ông đã quyết. “Cách tốt nhất là viết một lá thư cho ông trẻ Ashraf, nhờ ông đánh tiếng trong cộng đồng của chúng ta.”
Om ngừng may và nhìn ông bác đầy khinh bỉ. “Đầu tiên bác cứ mơ chúng ta sẽ tích cóp ít nhiều, quay về làng, và mở một cửa hiệu nhỏ. Giờ bác đã lại có giấc mơ mới rồi. Sau bác không tỉnh dậy để đổi gió một tí đi?”
“Có gì sai đâu khi đánh đổi một giấc mơ phi thực tế bằng một giấc mơ thực tế? Đợi mở được cửa hiệu thì lâu lắm. Nhưng chuyện cưới xin thì không thể trì hoãn thêm nữa. Rồi, bác sẽ viết thư cho ông trẻ.”
“Cháu cảnh cáo bác, nếu chính bác muốn tìm cho mình một cô vợ thì hãy viết thư cho ông trẻ.”
“Cô có nghe thấy không? Thằng cháu tôi đang cảnh cáo tôi cơ đấy.” Ông rũ bỏ vẻ ngoài điềm tĩnh; cái má trái méo mó phủ mây mù lên cả khuôn mặt. “Bác bảo gì, mày làm nấy, hiểu chưa? Bác đã nuông chiều mày quá rồi, ngài Omprakash ạ, quá nuông chiều. Phải người khác thì mấy năm qua đã dần cho mày mềm xương rồi.”
“Kệ bác, cháu chả sợ mấy câu dọa dẫm của bác đâu.”
“Nghe nó nói đấy. Chỉ mới vài tháng trước thôi, hồi còn ở trại lao động, tối nào mày cũng gục vào tay tao mà khóc. Vừa sợ vừa ốm, lại nôn trớ như đứa trẻ con. Giờ thì mày khỏe thế, bướng thế. Và vì sao kia chứ? Vì tao muốn những gì tốt nhất cho mày ư?”
“Chẳng ai phủ nhận chuyện đó,” Dina xen vào, hi vọng Ishvar sẽ sáng ra nếu cô góp giọng để phản đối ông. “Nhưng vội vã mù quáng như thế là không sáng suốt. Nếu Om đến lúc muốn cưới vợ, tình hình sẽ khác hẳn. Anh vội gì chứ?”
Ông cảm thấy họ đang kết bè kết cánh chống lại ông. “Đấy là bổn phận của tôi,” ông lầm bầm bằng giọng giận dữ của một con người chín chắn uyên bác, ra ý mình là kẻ quyết định cuối cùng. Rồi ông quay về với công việc. Trong lúc lơ đễnh rút một mảnh vải ra, ông làm cả chồng vải đổ tung tóe.
“Tuyệt!” Cô lập tức nhảy xổ vào. “Giỏi lắm! Nào, kéo sập cả cái nhà này đi. Anh đã thấy bổn phận cấp bách của anh ảnh hưởng đến anh thế nào chưa? Đấy là chứng cuồng – chứng cuồng, chứ đâu phải bổn phận.” Cô giúp ông gom nhặt lại những tấm vải rơi. “Giá mà con mèo khốn kiếp đó không bỏ con trong bếp nhà tôi. Chính nó đã nhồi nhét cái ý tưởng điên rồ này vào đầu anh.”
Trong vài ngày sau đó, nỗi trăn trở của Ishvar đã được chuyển thành sự vụng về bên chiếc máy Singer. Những lỗi sai hỏng liên tục nảy ra trên sản phẩm may của ông như những lá bài lỗi trong một trò ảo thuật, càng tạo cơ hội cho Dina chỉ ra sự nguy hiểm từ lối suy nghĩ cư xử của ông. “Cơn cuồng đám cưới của anh sẽ hủy hoại công việc làm ăn của chúng ta mất. Anh sẽ khiến thức ăn biến mất khỏi đĩa của chúng ta đấy.”
“Tôi xin lỗi, đầu óc tôi chẳng tập trung được mấy,” Ishvar nói. “Nhưng đừng lo, giai đoạn này rồi sẽ qua thôi.”
“Anh nói đừng lo là có ý gì cơ? Làm sao nó qua được? Một khi cháu anh có một cô vợ, sẽ nảy ra một đàn con. Rồi lúc đó trong đầu anh sẽ còn phải lo thêm khối thứ nữa. Họ sẽ ở vào đâu? Và ngần ấy miệng ăn phải nuôi. Anh muốn phá hoại bao nhiêu cuộc đời nữa đây?”
“Đối với cô thì đó có vẻ là phá hoại. Điều tôi đang làm chỉ là xây nền móng cho hạnh phúc của Om. Một cái đám cưới không thể xảy ra trong ngày một ngày hai. Phải mất bét ra một năm chúng tôi mới có thể thỏa thuận được cái gì đó. Nếu cô gái còn quá nhỏ tuổi, có khi bố mẹ cô ta sẽ muốn chờ thêm. Tôi chỉ muốn tìm một đám vừa vai phải lứa và để dành trước cho thằng cháu tôi mà thôi.”
“Giống đặt vé tàu hỏa ấy,” Maneck xen vào, Om bèn cười phá lên.
“Cậu có một thói rất xấu,” Ishvar nói. “Là toàn đem những chuyện cậu không hiểu ra làm trò cười.”
Còn cách nào khác đâu, Maneck nghĩ thầm. Nhưng cậu thức thời ngậm miệng để khỏi làm Ishvar cáu thêm.
Thư trả lời của ông trẻ Ashraf đến trong một chiếc phong bì đóng đầy dấu đen ngang dọc trên con tem bưu điện. Trên mặt ghi ngày tháng, bưu cục, và một dòng khẩu hiệu: KỶ NGUYÊN CỦA KỶ CƯƠNG, đi liền với nó là một dấu chấm than đầy đe dọa nom hệt như một cây dùi cui.
Tất cả nôn nóng chờ Ishvar xé phong bì và thông báo tin tức. Mắt ông lướt ngang tờ giấy với vẻ ngập ngừng của một người không quen đọc, loạng choạng lần mò giữa những dòng chữ run rẩy của ông trẻ Ashraf. Ông cười toe toét một lần, rồi lộ vẻ bối rối, và nhíu mày khi đọc đến cuối, tất cả những biểu hiện ấy đều khiến Om vô cùng sốt ruột.
“Ông trẻ vẫn rất khỏe mạnh,” Ishvar nói. “Ông nhớ bác cháu ta lắm. Ông nói chắc bọn quỷ dữ đã giam giữ thời gian lại mất rồi, nên thì giờ mãi chẳng thấy trôi đi. Ông rất mừng vì Om sẽ lấy vợ. Ông cũng đồng ý là việc này không nên bị trì hoãn.”
“Còn gì nữa không ạ?”
Ishvar thở dài. “Ông đã nói chuyện với mọi người trong cộng đồng của chúng ta.”
“Và?”
“Có bốn gia đình Chamaar quan tâm.” Ông lại thở dài.
“Hoan hô,” Maneck reo lên, đoạn đấm thùm thụp vào lưng Om. “Cậu đắt mối thế còn gì.” Om gạt tay cậu ra.
“Nhưng anh Ishvar, tin này phải làm anh vui mới phải chứ,” Dina nói. “Sao lại lo lắng thế? Đấy chẳng phải là điều anh muốn hay sao?”
Ông xào xáo hai tờ giấy, như thể ước gì vẫn còn thêm. “Phần đó thì tôi vui. Khó khăn ở phần khác kia.”
Họ chờ đợi. “Bác định nói cho mọi người biết hôm nay hay ngày mai?” Om hỏi.
Ishvar gãi gãi bên má liệt cứng. “Bốn gia đình quan tâm đều muốn chong chóng lên. Mọi người cũng biết đấy, còn có những nhà khác cũng có con trai đến tuổi dạm vợ mà. Cũng may, ông trẻ đã nói tốt giùm chúng tôi – ông bảo Om đang làm việc cho một công ty xuất khẩu lớn trên thành phố, một đám rất tốt cho bất kì cô gái nào. Nên các gia đình muốn chúng tôi chọn và quyết định trong vòng tám tuần tới.”
“Thế thì vội quá,” Dina nói. “Anh phải từ chối họ thôi.”
Trong suốt một năm ông và thằng cháu làm việc cho Dina, Ishvar chưa một lần cao giọng. Và nay, khi ông làm thế, ai nấy đều giật nảy mình, bao gồm cả chính ông.
“Cô là cái thá gì mà dám nói vào! Cô là cái thá gì mà dám bảo tôi cái gì là tốt nhất cho cháu tôi trong việc này, trong quyết định hệ trọng nhất của đời nó! Cô biết gì về chúng tôi, về xuất thân của nó, về bổn phận của tôi, mà cho là mình có thể khuyên bảo những chuyện kiểu này!”
Ishvar thường là người dàn hòa mọi người, luôn ăn nói dịu dàng nhã nhặn, bỗng nổi trận lôi đình và hoa chân múa tay tán loạn. “Cô nghĩ cô sở hữu cháu tôi và tôi ư? Chúng tôi không phải nô lệ của cô, chúng tôi chỉ làm việc cho cô mà thôi! Hay cô thích bảo chúng tôi phải sống thế nào, bao giờ mới được chết!”
Và rồi, vì ông không hề có chút kinh nghiệm nào với cảm xúc giận dữ, và không biết một cơn thịnh nộ nên kết thúc ra sao, ông bật khóc, và bỏ ra hành lang.
“Tốt thôi!” Cô quát vọng theo ông, khi rốt cuộc đã tìm lại được tiếng nói của mình. “Cứ làm những gì anh thích! Nhưng đừng trông chờ tôi cung cấp chỗ trú thân cho vợ với con với cháu chắt nhà anh.”
“Tôi chẳng trông chờ cái gì từ cô cả!” Ông quát lại, giọng lạc đi.
Dina chạy ra phòng ngoài để được ở một mình; cô không còn tin tưởng bản thân mình hay cái lưỡi của mình nữa. Toàn thân run lẩy bẩy, cô ngồi xuống sô pha bên cạnh Maneck. “Bình tĩnh lại, dì ơi, chú ấy không có ý như thế đâu.”
“Dì không quan tâm ông ta có ý gì,” giọng cô run lên. “Nhưng cháu đã thấy chưa? Chính tai cháu đã nghe rồi đấy. Sau tất cả những gì dì đã làm – cho họ vào nhà mình, đối xử với họ như ruột thịt – thế mà ông ta dám quát vào mặt dì như quát một con chó. Dì sẽ tống cổ cả hai bác cháu nhà ông ta ra đường ngay bây giờ.”
“Tống thì tống!” Đứng ngoài hành lang, Ishvar cũng quát lại. “Tôi đếch cần!” Ông khụt khịt để ngăn nước mũi chảy xuống, và nếm thấy có vị mằn mặn.
Đưa một ngón tay lên môi, Maneck ra hiệu cho cô lờ ông đi. “Cứ động đến vụ cưới xin này là chú ấy lại suy nghĩ hoàn toàn phi lý trí,” cậu nói nhỏ. “Dì cãi nhau với chú ấy làm gì.”
“Chỉ vì dì thương hại Om thôi. Nhưng cháu nói đúng, đấy là chuyện giữa cậu ta và bác cậu ta. Họ muốn làm gì mặc kệ. Việc này đã biến thành rắc rối to mất rồi.”
Ngồi ở phòng trong, Om nghe hết những gì ba người nói, cậu vùi mặt vào hai bàn tay.
Những giờ đồng hồ của buổi chiều hôm đó rề rề đi qua trong vô vọng, chẳng mảy may làm thay đổi chút gì. Lá thư của ông trẻ Ashraf bị bỏ lây lất trên bàn ăn. Chiếc kim giờ của đồng hồ rơi từ vạch nọ sang vạch kia như một viên đá. Không ai pha trà, cũng không ai ra uống trà. Ishvar trốn ngoài hành lang, Om ở phòng trong, Maneck và Dina ở phòng ngoài: cả hộ gia đình đã tê liệt.
Mặt trời rơi về phía chân trời, ánh sáng bắt đầu đổi màu. Một ngọn gió ghé qua từng ô cửa sổ, khẽ lay động lá thư. Chẳng mấy chốc sẽ đến giờ ăn tối – đã tới lúc làm bánh chapati. Om đã đói meo.
Cậu đi quanh nhà, đôi dép giẫm lẹp bẹp một cách có chủ đích. Cậu uống nước, cố tình để chiếc cốc chạm lanh canh vào bình. Cậu muốn âm thanh cậu tạo ra chạm đến ba người kia; những âm thanh thân thiện có thể làm tan chảy sự thù nghịch. Cậu ngồi xuống, gõ gõ tay lên mặt bàn máy may, đưa kéo lạch xạch, quấn sáu cuộn chỉ. Rồi cậu đi ra phòng ngoài.
Hai dì cháu mừng rỡ thấy cậu đã ra. Maneck nháy mắt. “Ghê thật đấy. Chú ấy nổ tung như một quả Bom Nguyên Tử Divali.”
Om cố nặn ra một tràng cười cụt lủn. “Tớ chẳng biết phải làm thế nào với ông bác tớ nữa,” cậu tỏ thật, giọng khe khẽ. “Tớ lo cho bác ấy lắm.”
Lời lẽ của cậu khiến Dina buồn cười, vì nó gợi nhớ những lời mà Ishvar, người hòa giải, thường nói khi Om tỏ ra thô lỗ, may vá ẩu tả, hoặc cư xử không phải phép. “Cứ kiên nhẫn,” cô nói.
“Chả hiểu ba trò cưới xin này có cái gì mà khiến con người ta thành ra điên loạn thế không biết. Cứ động đến chuyện này là bác ấy rồ dại hết cả lên.”
“Phải, cứ như phát cuồng,” Dina nhăn nhó. “Làm tôi lại nhớ đến ông anh trai tôi.”
“Cô cứ đợi đấy, để cháu sửa cho ông bác cháu một trận.” Cậu đi ra ngoài hành lang, ở đó, Ishvar đang ngồi khoanh chân trên sàn bên cạnh bọc chăn gối.
“Bác điên hay sao mà dám nói năng như thế với người đã đối tốt với chúng ta nhường ấy?” Om lên giọng quở mắng, tay khoanh lại trước ngực.
Ishvar ngước lên, miệng nở nụ cười yếu ớt. Ông cũng nghe thấy trong lời lẽ của thằng cháu thứ thanh âm mà Dina đã phát hiện ra. Sau cơn giận dữ bộc phát kì quặc của mình, ông cảm thấy hoang mang, ngu ngốc, và đã sẵn sàng sửa lỗi.
“Bác phải ra xin lỗi cô Dina ngay cho cháu. Nói với cô ấy là bác đã mất trí rồi, bác không định nói ra những câu thô lỗ như thế. Bác đi ngay đi. Nói là bác tôn trọng ý kiến của cô ấy, bác đã hiểu cô ấy nói thế cũng chỉ vì quan tâm đến chúng ta. Bác đứng dậy đi, mau lên.”
Bác cậu giơ một tay ra; Om nắm lấy, ngả người ra đằng sau kéo ông dậy. Ishvar lê bước vào phòng ngoài và đứng ngượng nghịu trước ghế sô pha để xin lỗi. Đối với Dina, đó chỉ là một tiết mục diễn lại: bài thuyết giảng ngoài hành lang vọng vào phòng rõ mồn một. Nhưng cô vẫn ngồi trơ trơ, mắt dán vào bức tường bên tay phải của mình.
Vốn từ đã hầu như cạn kiệt, Ishvar thở dài. “Cô Dina, để cảm ơn lòng tốt của cô và xin cô tha thứ cho sự thô lỗ của tôi, tôi xin quỳ dưới chân cô.” Ông khuỵu chân xuống, và lời đe dọa lập tức phát huy tác dụng.
“Anh dám,” cô đành phá vỡ sự im lặng về phía mình. “Anh thừa biết trò đấy làm tôi cảm thấy thế nào rồi còn gì. Chúng ta sẽ không nhắc nhỏm gì đến tất cả những việc này nữa.”
“Vâng. Đấy là vấn đề của tôi, tôi đồng ý sẽ tự nghĩ ngợi một mình thôi.”
“Tốt thôi. Cậu ấy là cháu anh, và bổn phận của người cha nằm ở anh.”
Thỏa ước đã bị chính Ishvar phá bỏ ngay tối hôm sau. Vụ thư từ mà ông đã khơi mào vẫn chưa được giải quyết, và cuộc thử thách đẩy ông vào những cơn trăn trở dằn vặt khổ sở. Cứ chốc chốc, những tiếng thở dài “Hai Ram” lại hắt ra từ miệng ông. Nguyên nhân thực sự dẫn đến cơn bùng nổ ngày hôm qua nay mới trở nên sáng rõ với tất cả mọi người.
“Cơ hội thì đã hoàn hảo,” ông than thở. “Có điều, nó đến trước khi chúng tôi sẵn sàng đón nhận nó.”
“Om là một anh chàng đẹp trai,” Maneck nói. “Cứ trông mái tóc bồng bềnh của cậu ấy mà xem. Cậu ấy thì cần gì giấm trước đám nọ đám kia. Những cô nàng xinh đẹp nhất chả xếp hàng dài chờ cưới cậu ấy ấy chứ.”
Ishvar quay ngoắt lại và giơ tay lên, ngón tay ông chỉ còn cách mặt Maneck một phân. “Cậu thôi ngay pha trò về một chuyện nghiêm túc như thế đi nhé.”
Trong giây lát, người ta phải tưởng ông sắp đánh Maneck đến nơi; nhưng rồi ông buông thõng tay xuống. “Tôi coi cậu như con trai, như anh em của Om. Thế mà cậu đối xử với tôi như thế này ư? Giễu cợt và nhạo báng một chuyện hệ trọng đến nhường này đối với tôi ư?”
Maneck ắng họng; cậu có cảm giác mình nhìn thấy nước ầng ậng dâng lên mắt Ishvar. Nhưng trước khi cậu kịp nghĩ ra câu gì để vỗ về ông, Om đã kịp can thiệp: “Bác loạn trí thật rồi, bác còn không thể chấp nhận nổi một câu đùa nữa. Cứ hễ có chuyện gì là bác chỉ toàn giở giọng bi kịch nghiêm trọng thôi.”
Bác cậu gật đầu hiền lành. “Biết làm thế nào được, việc này làm bác lo lắng quá đỗi. Ây dà, từ nay trở đi bác sẽ câm như hến và chỉ im lặng suy nghĩ thôi.”
Nhưng ông tha thiết muốn nghe ý kiến của mọi người, muốn có một cuộc thảo luận nghiêm túc, một sự đồng thuận có lợi để nguỵ trang cho nỗi ám ảnh của mình. Và chỉ trong vài phút ông đã khơi lại việc. “Ai mà biết được đến khi nào một cơ hội vàng như thế này mới lại xuất hiện? Có tới bốn gia đình tử tế để lựa chọn. Lắm người mất cả đời cũng chả tìm được một đám xứng đôi vừa lứa.”
“Cháu còn quá trẻ để lấy vợ mà,” Om chán chường lặp lại. “Lấy sớm còn hơn lấy muộn.”
“Nhỡ công việc may vá của chúng ta đình trệ vì một cuộc đình công hay gì đó thì sao?” Dina chen vào. “Thời buổi này bất trắc lắm, anh không thể tin chắc được việc gì cả đâu.”
“Như thế thì càng có lý do để làm đám cưới. Hồng phúc của một cô vợ mới sẽ thay đổi cuộc sống của tất cả bọn ta theo chiều hướng tốt lên.”
“Kể cả nếu chuyện đó có thật, thì lấy đâu ra chỗ cho cô ta trong căn hộ bé tí teo này?”
“Tôi chẳng dám mơ đòi thêm chỗ đâu. Cái hành lang là đủ lắm rồi.”
“Cho anh và Om, rồi thêm cả vợ cậu ấy nữa? Cả ba người chen nhau ngoài hành lang?” Cái ý tưởng nghe mới lố bịch làm sao. “Anh đùa tôi đấy ư?”
“Không, cô Dina, tôi có đùa đâu. Lần tới tôi đi tìm nhà thuê, cô cũng nên đi cùng tôi, để xem các gia đình sống thế nào. Tám, chín, thậm chí mười người chen chúc trong một căn phòng bé tí. Người nọ nằm phía trên đầu người kia mà ngủ trên những cái kệ lớn kê kín từ sàn lên trần, y như giường tầng ở các toa tàu hạng ba ấy. Thậm chí ngủ ngay trong tủ hoặc trong phòng vệ sinh. Cầm cự qua ngày cứ như hàng hóa trong kho ấy.”
“Tôi biết hết mấy vụ đấy. Anh không phải lên lớp tôi, tôi đã sống ở cái thành phố này cả đời mình rồi.”
“Nếu so với những cảnh khốn khổ ấy, thì ba người trên một cái hành lang đã là rộng rãi thoải mái lắm rồi,” ông hào hứng nói. “Nhưng tôi cũng không dám nài ép cô đâu. Nếu cô không muốn, chúng tôi sẽ quay về làng sống. Việc quan trọng là đám cưới của Om. Một khi chuyện đó xong xuôi, bổn phận của tôi thế là hoàn thành. Những chuyện còn lại không quan trọng.”
Một tuần sau khi nhận được lá thư của ông trẻ Ashraf, Ishvar mới có đủ can đảm để xúc tiến việc xem mặt bốn cô dâu tiềm năng. Ông viết thư trả lời, khó nhọc nặn ra từng chữ, rằng Om và ông sẽ quay về trong vòng một tháng. “Như thế chúng tôi sẽ có đủ thời gian để may nốt số váy cô mang về hôm qua,” ông nói với Dina. Theo những câu hồi đáp trong thư, sự điềm tĩnh ngày nào dần quay về với ông, trùm phủ lên người ông như một chiếc áo sơ mi.
Dina cảm thấy vô cùng khó hiểu: một người chín chắn biết điều như Ishvar đột nhiên lại biến thành phi lý trí. Phải chăng ông đang mưu tính một kiểu tống tiền nào đó? Phải chăng ông hi vọng rằng vì cần đến tay nghề của hai bác cháu, cô sẽ buộc phải cưu mang cả vợ của Om nữa?
Mối nghi ngờ của cô lúc sôi lúc tắt. Nó bùng lên mạnh mẽ hơn mỗi khi ông một hai quả quyết rằng vận số của Dina sẽ thay đổi nếu cô dâu mới dọn vào ở trong căn nhà này. “Cô sẽ nhận ra sự khác biệt ngay từ giây phút con bé bước qua ngưỡng cửa nhà cô, cô Dina ạ. Ai cũng biết các cô con dâu có khả năng thay đổi vận mệnh của cả gia đình.”
“Cô ấy không phải là con dâu của tôi, cũng chẳng phải của anh,” Dina bẻ lại.
Nhưng Ishvar dễ gì mà bị nao núng vì một tiểu tiết lặt vặt như vậy. “Con dâu chỉ là một từ thôi mà. Cô thích gọi nó là gì tùy ý. Bàn tay của vận may đâu có bắt bẻ về từ ngữ.”
Cô lắc đầu vì chán nản và buồn cười. Cô chẳng thể hình dung Ishvar lại giở trò lừa dối thế được. Nỗi bất lực của ông trong việc che đậy cảm xúc thì ai cũng biết. Nếu đầu óc ông đang rối ren, những ngón tay ông chẳng bao giờ chậm trễ để tố cáo tâm trạng hoang mang ấy; khi ông vui vì chuyện gì đó, nửa nụ cười của ông bừng nở một cách vô phương kiềm tỏa, vòng tay ông sẵn sàng ôm trọn cả thế giới. Những mưu mô xảo trá không thể sinh sôi trong một nhân cách cởi mở như thế.
Cô gạt bỏ mối nghi ngờ của mình về vụ tống tiền. Xem ra sẽ có lý hơn nếu gán chuyện đó cho một người như Nusswan. Giờ thì ông ta đủ khả năng làm đủ mọi trò lật lọng đổi mặt ma mãnh. Nếu cứ cố đoán biết hành động của ông, khéo người ta phải phát điên mất. Cô tự hỏi không biết mọi sự sẽ ra sao khi lũ cháu nhà cô đến tuổi dựng vợ gả chồng. Cũng chẳng còn là trẻ con nữa – Xerxes và Zarir đã là những người đàn ông trưởng thành. Và Nusswan đang cố chọn vợ cho chúng, vận dụng lại hết những chiêu trò ông ta có được hồi bắt tay vào tìm một tấm chồng cho cô em.
Cô vẫn còn nhớ những năm tháng khi hai đứa cháu còn nhỏ. Hồi ấy thật vui, nhưng cũng thật ngắn ngủi. Mấy đứa nhỏ đã khổ sở biết bao mỗi lần Nusswan và Ruby và cô cãi cọ, khắp nhà đầy tiếng la hét và quát tháo. Chúng không biết phải về phe ai, phải chạy đến chỗ bố hay chỗ cô để xin dàn hòa. Nhìn lại, cô đã bỏ lỡ rất rất nhiều thứ. Những năm đi học, sổ liên lạc, các lễ trao giải, những trận críc-kê, những chiếc quần dài đầu tiên của hai đứa. Độc lập đi kèm một cái giá đắt: một món nợ với khoản trả định kì bằng nỗi đau và cảm giác nuối tiếc. Nhưng phương án còn lại là chấp nhận cúi mình dưới ách của Nusswan thật không thể chấp nhận nổi.
Như mọi khi, mỗi lần ngẫm lại quá khứ, Dina đều tin rằng tốt hơn hết cô nên sống một mình. Cô cố tưởng tượng ra Om khi đã là một người đàn ông có gia đình, cố tưởng tượng ra một cô vợ bên cạnh cậu, một người phụ nữ cũng có dáng dấp mảnh khảnh như cậu. Một bức ảnh cưới. Om vận bộ quần áo mới hồ bột cứng đơ, đội trên đầu chiếc khăn xếp đám cưới vĩ đại. Vợ mặc sari đỏ. Một cái vòng cổ khiêm tốn, khuyên mũi, khuyên tai, vòng xuyến – và gã chủ nợ chầu chực bên cánh gà, sung sướng tròng sợi thòng lọng vào cổ họ. Và lúc đó cô sẽ ra sao? Và mọi sự sẽ ra sao khi rốt cuộc cũng có một thêm một người phụ nữ khác sống trong căn nhà này?
Một bức tranh dần dần phôi thai, và Dina để nó thành hình trong hai ngày, thêm chiều sâu và chi tiết, màu sắc và hình khối. Vợ Om, đứng trên ngưỡng cửa trước. Đầu cô rụt rè cúi thấp. Đôi mắt cô lấp lánh khi cô ngẩng lên, miệng cô nở nụ cười thẹn thùng, đôi môi bị những ngón tay che lại. Ngày ngày dần trôi. Đôi khi người phụ nữ trẻ ngồi một mình bên cửa sổ, nhớ về chốn cũ. Dina ngồi xuống bên cô và động viên cô nói chuyện, tâm sự với mình về cuộc đời cô đã bỏ lại sau lưng. Và mãi rồi vợ Om mới cất lời. Thêm những bức tranh khác, những câu chuyện khác…
Sang ngày thứ ba, Dina nói với Ishvar: “Nếu anh thực sự nghĩ hành lang đủ rộng cho ba người, chúng ta có thể thử sắp xếp xem sao.”
Ông nghe được lời cô nói xuyên qua tiếng lạch xạch của máy khâu, và phanh kít bánh đà lại, lòng bàn tay ông đập sầm lên bánh.
“May mà anh đang đạp máy may chứ không phải là lái ô tô đấy,” cô nói. “Nếu không, khách của anh đã được chở thẳng sang thế giới bên kia rồi.”
Vừa cười ha hả, ông vừa nhảy bật khỏi ghế. “Om! Om, nghe này!” Ông gọi vọng ra ngoài hành lang. “Cô Dina đồng ý rồi đấy! Vào đây, vào cảm ơn cô ấy mau!” Rồi ông nhận ra chính mình cũng chưa làm việc đó. “Cảm ơn cô!” Ông chắp hai tay lại. “Lại một lần nữa, cô giúp chúng tôi một việc mà không cách gì báo đáp nổi!”
“Chỉ là thử thôi. Sau này hẵng cảm ơn tôi, nếu mọi việc suôn sẻ.”
“Chắc chắn sẽ suôn sẻ, tôi hứa đấy! Tôi đã đoán đúng về lũ mèo… lũ mèo đã trở lại… và tôi sẽ đoán đúng cả về việc này nữa, tin tôi đi,” ông nói, ngạt thở vì sung sướng. “Cái chính là, cô sẵn lòng giúp đỡ. Việc đó cũng không khác nào được nhận lời chúc phúc của cô. Đấy là chuyện quan trọng nhất – quan trọng nhất.”
Không khí trong căn nhà thay đổi hẳn, và Ishvar không thể ngừng cười hớn hở với những đường may ông vừa tạo ra. “Mọi việc sẽ rất hoàn hảo, cô Dina ạ, tin tôi đi. Cho tất cả chúng ta. Nó sẽ rất được việc cho cô. Nó có thể dọn dẹp nhà cửa, đi chợ, nấu nướng cho…”
“Anh kiếm vợ hay kiếm người ở cho Om thế?” Cô vặn lại bằng giọng cay độc.
“Không không, không phải người ở,” ông đáp vẻ trách móc. “Làm sao mà thành người ở cho được, nếu nó chỉ thực hiện bổn phận người vợ của mình mà thôi? Người ta còn biết tìm hạnh phúc bằng cách nào khác ngoài hoàn thành bổn phận của mình?”
“Không thể có hạnh phúc nếu thiếu sự công bằng,” cô nói. “Nhớ lấy điều đó, Om ạ – đừng để ai nói khác với cậu.”
“Chính xác,” Maneck nói, cố che giấu nỗi buồn không thể cắt nghĩa nổi đang ập đến với mình. “Và nếu cậu cư xử không phải, Ô Bachchan cùng cây ô in hình ngôi chùa sẽ chỉnh đốn cậu đến nơi đến chốn.”
Dina có cảm giác việc cô chấp thuận “mở cửa” hành lang đã hợp thức hóa một vị trí cho chính cô trong đám cưới của Om và cho cô những quyền nhất định. Cậu bé đã chung sống rất hòa thuận trong mấy tháng vừa qua, cô thầm nghĩ. Những trận ngứa da đầu đã biến mất và mái tóc của cậu đã khỏe mạnh bình thường, không còn sũng sĩnh thứ dầu dừa nồng nặc nữa. Về khoản cuối này, công lao thuộc về Maneck và nỗi ghê tởm cậu dành cho các thể loại chất nhờn trên tóc.
Một cách chậm rãi nhưng chắc chắn, Om đã tái tạo bản thân trong hình ảnh của Maneck, từ kiểu tóc cho đến hàng ria mép lơ thơ và quần áo. Mới đây nhất, cậu đã tự may quần ống loe cho mình, mượn quần của Maneck để xem kiểu cách. Thậm chí cậu còn có mùi hương giống hệt Maneck, nhờ có xà phòng Cinthol và bột tan Lakmé. Và Maneck cũng học hỏi từ Om – thay vì đi giày xỏ tất đủ lệ bộ mọi lúc mọi nơi giữa tiết trời nóng bức khiến chân cậu bốc mùi khi đến cuối ngày, nay cậu đã chịu đi xăng đan.
Nhưng sự sao chép chỉ càng tô đậm thêm điểm khác biệt giữa đôi bên: Maneck cường tráng, to xương, còn Om chỉ có một bộ khung mỏng mảnh như của loài chim. Xem ra Maneck xem ra sẵn sàng làm chồng hơn nhiều, chứ không phải Om, cậu bé lỏng khỏng mười tám tuổi, cô Dina trộm nghĩ thế.
Thêm một lần nữa, cô càng ý thức sâu sắc về cái thân thể gầy đau gầy đớn đang lượn lờ phất phơ quanh ngôi nhà, nhất là trong bếp vào mỗi buổi tối, khi cô mê mải ngắm nhìn những ngón tay phủ trắng bột mì bay lượn, nhào trộn bột và cán mỏng bánh chapati. Chiếc chày cán bột di động như có phép thuật dưới bàn tay cậu. Kĩ thuật của cậu, và niềm vui cậu tìm thấy trong công việc ấy có một hiệu ứng mê hoặc. Nó khiến cô muốn bỏ dở việc mình đang làm để chỉ đứng mà nhìn.
Cô nhớ lại khoảng thời gian Om sống cùng mình. Cô đã quan sát cậu ngốn ngấu những bữa ăn thịnh soạn, với khối lượng không có chút gì tương đương với mức chim ăn. Điều đó giúp loại trừ một khả năng – cậu bị thiếu cân vì ăn uống không đủ. Và mối nghi ngờ ban đầu của cô, nảy sinh cách đây đã một năm, lại quằn quại chuồi lên.
“Thế này thì chẳng ăn thua gì đâu,” cô nói, đem vấn đề ra bàn bạc với Ishvar. “Nhờ có anh, cậu bé sắp đảm nhiệm một trọng trách lớn. Nhưng cậu ấy sẽ làm chồng, làm cha kiểu gì với một cái bụng đầy giun?”
“Sao cô lại đoan chắc thế, cô Dina?”
“Cậu ấy kêu đau đầu, rồi bị ngứa ở chỗ kín. Cậu ấy ăn nhiều, nhưng người ngợm vẫn rặt da bọc xương. Triệu chứng như thế thì còn chệch đi đâu được nữa.”
Hôm sau, cô đưa Ishvar xem lọ thuốc giun màu nâu sậm cô vừa mua ở hiệu thuốc. “Đây là món quà cưới ý nghĩa nhất mà tôi có thể tặng cậu ấy.”
Thứ chất lỏng màu hồng này phải được uống hết trong một liều duy nhất. Ông ngắm nghía nó, mở nắp để ngửi thử: mùi vị không lấy gì làm dễ ưa. Nếu Om được chữa tiệt nọc trước đám cưới thì tốt quá, ông nghĩ bụng. “Nhưng nhỡ nguyên nhân là thứ gì đó khác, chứ không phải giun thì sao?”
“Chẳng sao, thuốc này cũng sẽ không gây hại gì. Nó chỉ hoạt động như một chất thanh lọc. Cậu ấy phải nhịn ăn tối nay, rồi chờ đến khuya mới uống thuốc. Đây này, trên nhãn chai có giải thích hết đấy.”
Nhưng các chỉ dẫn vốn phức tạp đối với vốn tiếng Anh thô sơ của ông, khiến ông rối tinh rối mù khi nó vượt quá xa những ngực áo, cổ tay, cổ áo, chít eo ông quen thuộc. Ông hứa sẽ bắt thằng cháu uống hết cả liều trước khi đi ngủ.
Phần khó khăn hơn cả là thuyết phục Om nhịn bữa tối. “Bất công,” cậu ca cẩm. “Ai lại bỏ đói đầu bếp làm chapati.”
“Nếu cậu ăn, lũ giun cũng được ăn. Bọn chúng phải bị bỏ đói bên trong bụng cậu, để cho mồm chúng há hết ra. Có thế thì khi nào cậu uống thuốc, chúng mới hăng hái nuốt thuốc vào và lăn ra chết.”
Maneck nói cậu từng xem một bộ phim có một ông bác sĩ biến thành người tí hon để chui vào cơ thể bệnh nhân và chiến đấu chống lại bệnh tật. “Tớ có thể lấy một khẩu súng tí hon và bắn chết hết lũ giun trong bụng cậu.”
“Phải đấy,” Om nói. “Hoặc một cây ô tí hon, để đâm chết bọn nó. Như thế tớ sẽ đỡ phải uống thứ thuốc kinh tởm này.”
“Cậu quên mất một chuyện,” Ishvar nói. “Nếu cậu biến thành rất nhỏ, thì khi vào trong bụng, lũ giun sẽ không khác gì những con mãng xà, trăn tinh khổng lồ. Ối chà, thưa cậu, cứ gọi là hàng trăm con như thế bò trườn, cuộn xoắn, phun phì phì xung quanh cậu.”
“Cháu chưa nghĩ đến vụ ấy thật,” Maneck nói. “Thôi bỏ đi. Cháu hủy chuyến chu du đó.”
Dina mất hết ý niệm về số đếm sau chuyến viếng thăm nhà vệ sinh thứ bảy của Om vào sáng hôm sau. “Cháu chết đây,” cậu rên rẩm. “Người cháu chả còn cái gì cả.”
Rồi đến cuối buổi chiều, cậu chạy bổ khỏi toa lét, người run lẩy bẩy nhưng bừng bừng thắng lợi. “Nó ra rồi! Trông nó giống y một con rắn nhỏ ấy.”
“Nó còn uốn éo hay đã chết ngay đơ rồi?”
“Uốn éo ra trò.”
“Như thế có nghĩa là thuốc không thể giết được nó. Con kí sinh trùng này mạnh thật. Nó to cỡ nào?”
Cậu nghĩ ngợi một chốc rồi giơ tay ra. “Phải từ đây đến đây này,” cậu chỉ từ đầu ngón tay đến cổ tay. “Khoảng hai chục phân.”
“Giờ thì cậu biết tại sao mình lại gầy nhẳng cù nheo thế rồi chứ. Chính con vật xấu xa đấy cùng lũ con cháu chút chít của nó đã ăn hết cả chất dinh dưỡng của cậu rồi. Hàng trăm cái bụng ở trong bụng cậu. Thế mà chẳng ai chịu tin tôi khi tôi bảo là tại giun. Thôi khỏi lo nhé, chả mấy chốc cậu sẽ lên cân cho mà xem. Rồi cậu cũng sẽ đỏ da thắm thịt như Maneck thôi.”
“Phải,” Maneck họa theo, “chúng ta có ba tuần để biến cậu thành một ông chồng cường tráng.”
“Và bố của nửa tá con trai,” Ishvar đế thêm.
“Đừng khuyên bậy,” Dina nói. “Hai đứa thôi. Cùng lắm là ba. Anh chưa nghe mấy người ở ban kế hoạch hóa gia đình nói à? Nhớ đấy, Om, hãy đối xử tử tế với vợ mình. Không được quát tháo, mắng nhiếc, hay đánh đập. Và có một điều chắc chắn, tôi không cho phép chứa chấp bất cứ cái bếp dầu nào trong hành lang nhà tôi đâu đấy.”
Ishvar hiểu rõ ẩn ý của cô, dù nó đã được che đậy khá kĩ. Ông phản đối những vụ thiêu cô dâu và những cái chết vì của hồi môn vẫn xảy ra trong tầng lớp đẳng cấp trên tham lam, cộng đồng của ông không làm những việc như thế.
“Thật không? Vậy cộng đồng của các anh nói gì về con gái và con trai? Họ thích con nào hơn?”
“Chúng ta không thể quyết định những việc đấy được,” ông tuyên bố. “Tất cả đều nằm ở tay Thượng Đế.”
Maneck huých Om và thì thào: “Không phải ở trong tay Thượng Đế đâu, ở trong quần cậu thì có.”
Om phải mất một ngày để hồi phục sau vụ uống thuốc giun. Buổi tối hôm sau, Maneck lên kế hoạch để ăn mừng sự trở lại của cảm giác ngon miệng bằng một chầu cơm cháy trộn và nước dừa ngoài bờ biển.
“Cậu đang làm hư thằng cháu tôi đấy,” Ishvar nói.
“Không hẳn. Đây là lần đầu tiên cháu chiêu đãi cậu ấy đấy chứ. Hồi trước bọn giun chả xơi hết phần cậu ấy rồi còn gì.”
Ishvar nhìn trân trân vào người đàn ông đang đứng trên ngưỡng cửa, cố xác định anh ta là ai, vì giọng nói rất quen, nhưng khuôn mặt thì không. Rồi ông rùng mình, nhận ra gã thu mua tóc đã thay hình đổi dạng ghê gớm. Cái đầu anh ta nhẵn thín và bóng láng, anh ta đã cạo sạch cả bộ ria mép nữa.
“Cậu! Cậu từ đâu đến đây?” Ông hoang mang không biết nên đuổi anh ta đi hay dọa báo cảnh sát.
Vai sụp xuống, đầu cúi gằm, Rajaram không dám ngẩng mặt lên nhìn ông. “Tôi đánh liều,” anh ta nói. “Đã bao nhiêu tháng trôi qua, tôi không biết hai người còn làm ở đây không.”
“Có chuyện gì với mái tóc dài của anh vậy?” Om hỏi, còn Ishvar chặc lưỡi ra chiều không hài lòng. Ông không muốn thằng cháu mình tỏ ra thân mật trở lại với gã sát nhân này.
“Hỏi về mái tóc tôi cũng không sao đâu mà,” Rajaram nói, đoạn ngẩng đầu lên. Cảm xúc trong mắt anh ta trống rỗng, ngọn lửa của lòng nhiệt tình táo bạo không bao giờ dứt đã tắt ngóm. “Hai bác cháu là những người bạn duy nhất tôi có. Và tôi cần hai người giúp. Nhưng tôi thấy khó nghĩ quá… vì vẫn chưa trả món nợ trước.”
Ishvar cố giấu nỗi kinh tởm của mình. Dính dáng đến chuyện của cảnh sát, trong khi chỉ còn ít ngày nữa là tới chuyến đi chuẩn bị đám cưới, sẽ là việc xui xẻo nhất trần đời. Nếu vài rupi có thể giúp tống khứ gã sát nhân thì ông sẵn sàng móc túi. Ông lùi lại cho Rajaram bước hẳn vào trong hành lang. “Thế lần này lại có chuyện gì?”
“Rắc rối khủng khiếp. Chẳng có gì khác ngoài rắc rối. Kể từ ngày khu lều lán của chúng ta bị phá, đời tôi chỉ toàn những chướng ngại vật khổng lồ. Tôi đã sẵn sàng từ bỏ cõi trần lắm rồi.”
Càng rảnh nợ, Ishvar nghĩ trộm.
“Xin thứ lỗi,” Dina nói. “Tôi không biết rõ anh lắm, nhưng với tư cách là một người Parsi, tín ngưỡng buộc tôi phải nói câu này: tự tử là hành vi sai trái, con người ta không có quyền chọn thời điểm mình chết đi. Vì nếu thế, họ phải được phép chọn thời điểm mình sinh ra nữa.”
Rajaram trân mắt nhìn mái tóc của cô, một lúc sau mới định thần mà đáp lời. “Chọn kết thúc chẳng liên quan gì đến chọn khởi đầu cả. Hai thứ này hoàn toàn độc lập. Có điều, cô hiểu nhầm ý tôi rồi. Tôi chỉ muốn nói là, tôi muốn rũ bỏ thế giới vật chất, trở thành một thiền sư, dành cả đời mình ngồi thiền trong một hang động nào đấy.”
Cô coi việc này cũng là một sự trốn tránh chẳng khác gì tự tử. “Cũng như nhau thôi.”
“Cháu không đồng ý,” Maneck nói.
“Đừng có ngắt lời dì, Maneck,” cô nói, và quay sang Rajaram. “Thế bộ đồ nghề cắt tóc cũ của tôi thế nào rồi? Vẫn dùng được chứ? Xin nhắc để anh biết, nó được sản xuất ở Anh đấy nhé.”
Anh ta tái mặt. “Có chứ, dùng tốt lắm.”
Sau đó, anh ta không chịu nói thêm câu nào về mình trước sự hiện diện của Maneck và Dina. “Tôi có thể mời hai người bạn cũ của tôi một cốc trà được không? Cái quán hai người thường đến là gì ấy nhỉ, Aram à?”
“Vishram,” Ishvar nói, và sờ túi để xem mình còn đủ tiền trà nước không. Mặc dù lời mời là của anh chàng thu mua tóc, song khả năng cao là rốt cuộc ông vẫn phải xùy tiền.
Họ lặng lẽ đi vào góc quán và ngồi xuống quanh một chiếc bàn tách biệt. Đứng từ chỗ của mình, ông bếp vẫy vẫy bàn tay nhờn nhẫy dầu mỡ. “Giờ kể chuyện đây!” Ông ta hớn hở hét to. “Thế chủ đề của ngày hôm nay là gì?”
Hai người thợ may cười lớn, đoạn lắc đầu. “Câu chuyện là, anh bạn của chúng tôi đang thèm khát món trà đặc biệt của anh đấy,” Ishvar nói. “Anh ấy đã lặn lội từ nơi rất xa xôi để đến đây gặp chúng tôi.”
Rajaram luống cuống nhìn quanh; anh ta đã quên mất Vishram là một nơi chật chội và lộ liễu đến mức nào. Nhưng anh ta cũng mừng vì sự riêng tư được tạo ra bởi tiếng bếp lò kêu réo đinh tai nhức óc.
“Thế trò vờ vịt về thiền sư thiền siếc là sao?” Om hỏi.
“Không, tôi nói nghiêm túc đấy, tôi muốn từ bỏ cõi trần thật mà.”
“Có chuyện gì xảy ra với việc cắt tóc vậy?”
“Mọi rắc rối bắt đầu từ ấy đấy. Tôi đã thất bại ngay từ ngày đầu tiên. Ròng rã đi thu mua tóc bao nhiêu năm, tay nghề cắt tóc của tôi hỏng mất rồi.”
Ishvar không muốn tin một câu một chữ nào hở ra từ miệng tay sát nhân này. “Ý cậu là cậu quên cách cắt tóc rồi ư?”
“Còn tệ hơn thế. Cứ mỗi lần một khách hàng ngồi trên vỉa hè và bảo tôi tỉa tóc cho, thì đến cuối thế nào đầu anh ta cũng gần như trọc lóc.”
“Sao lại có chuyện như thế?”
“Có cái gì nhập vào tôi ấy. Thay vì tỉa tót và cắt xén, tạo kiểu cho mái tóc, tôi lại cắt trụi tất tần tật. Xét về một mặt nào đấy, chuyện đó cũng buồn cười – một số người rất dễ tính và lịch sự, khi tôi giơ gương lên, họ lại nói, ‘Tốt, rất tốt, cảm ơn anh.’ Có lẽ họ không muốn làm tôi buồn mà chê tôi là một thằng thợ cắt tóc dở tệ. Nhưng đa số các khách hàng không được tốt bụng như thế. Họ quát tháo ầm ĩ, không chịu trả tiền, còn dọa đánh tôi nữa. Và tôi không thể ngăn nổi cây kéo hay cây tông đơ của mình. Bản năng thu mua tóc của tôi đã trở nên quá mạnh mẽ, tôi cứ như một con quái vật vậy.”
Tin đồn về gã cuồng cắt xén lan ra, thế là chẳng còn ai dừng chân ở quán cắt tóc vỉa hè của anh ta nữa. Chẳng bao lâu sau, anh ta đã không còn lựa chọn nào khác. Lại phải quay hẳn về với nghề thu mua tóc. Nhưng lại nảy sinh một vấn đề: anh ta chẳng có chỗ nào để chứa những túi tóc vụn thứ phẩm, vốn là món hàng chủ lực của anh ta. “Mà hai người cũng chẳng thể cất trong rương của mình được. Cần phải có hẳn một cái nhà kho nhỏ mới trữ hết. Hai người đã vào lán của tôi hồi ở xóm ổ chuột rồi đấy, tóc chất kín từ sàn lên đến tận trần còn gì.”
Rajaram vung vẩy hai tay và lắc đầu. “Giá mà tôi đã có thể kiếm được chỉ một cái bím tóc dài ba mươi hay ba nhăm phân mỗi tuần thôi, thì tôi cũng sống được rồi. Ngần ấy là đủ để trả cho một bữa ăn mỗi ngày. Nhưng trong số mệnh của tôi tịnh chẳng còn tí tóc nào nữa.”
“Thế còn mấy bọc tóc anh gửi Shankar thì sao?” Om ngắt lời. “Trong đấy chứa toàn tóc dài còn gì.”
“Đấy là về sau,” anh ta nói. “Cứ kiên nhẫn, tôi đang thú nhận tất cả đây.” Anh ta mơ màng nhìn về nơi xa xăm, như thể đang ngắm một binh đoàn mĩ nữ tóc dài. “Tôi sẽ không bao giờ hiểu tại sao phụ nữ cứ giữ chằng chằng lấy mái tóc dài của mình. Nhìn thì đẹp đấy, rõ, nhưng chăm sóc vất vả cách rách vô cùng.”
Anh ta nhấp một ngụm trà và liếm môi. “Tôi chưa sẵn sàng bỏ cuộc đâu. Chưa hẳn. Giờ tôi bắt đầu xin cắt tóc miễn phí cho dân ăn mày, bọn lang thang, và lũ say xỉn.” Đến đêm khuya, khi những vụ xô xát và chè chén đã chấm dứt, anh ta sẽ tiếp cận những kẻ có tóc dài. Một số cần được dỗ dành bằng một một đồng xu nhỏ. Nếu đối tượng đang mê man bất tỉnh, hay quá yếu ớt để nhận biết chuyện gì đang xảy ra, thì anh ta cứ tự tiện làm tới.
Nhưng cuộc làm ăn lại thất bại. Chất lượng các món thu hoạch của anh ta quá kém. Tay đầu nậu nói loại tóc dài này vừa rối vừa bẩn, cũng chả có giá trị hơn tóc vụn của bọn thợ cạo vỉa hè là mấy. Thêm nữa, nguồn cung trở nên bất ổn từ khi cảnh sát khởi động những vụ vây bắt khẩn cấp theo Luật Cải Tạo Mĩ Quan.
Đói khát và không nhà không cửa, Rajaram thường chong mắt nhìn hau háu những phụ nữ bước qua trước mặt anh ta với bím tóc đung đưa đầy vẻ trêu ngươi, giễu cợt anh ta bằng gia tài họ mang trên đầu. Đôi khi anh ta chọn một người để bám theo, một quý cô thượng lưu ăn mặc lịch sự, một ứng viên tiềm năng cho một chuyến viếng thăm tiệm làm tóc, người có lẽ đang lên kế hoạch cắt bỏ bím tóc của mình. Những người phụ nữ anh ta theo đuổi dẫn anh ta đến nhà của bạn bè họ, phòng khám của các bác sĩ, các thầy chiêm tinh, các thầy chữa bệnh bằng đức tin, nhà hàng, cửa hiệu may sari, nhưng chẳng bao giờ đến tiệm làm tóc.
Anh ta cũng “nghiên cứu” cả những người đàn ông tóc dài: những gã hippie, cả người nước ngoài và bản địa, với bộ râu xỏ hạt – những gã ngoại quốc đã bị Ấn hóa chân xỏ xăng đan, người mặc áo kurta, và pyjama, còn mấy gã người Ấn chính hiệu lại lượt sượt lê giày thể thao, xỏ quần ống loe và mặc áo thun, thằng nào thằng nấy đều nặng mùi như nhau. Anh ta băn khoăn không biết một bộ tóc đỏ hoặc vàng có thể mang về bao nhiêu, nhưng không buồn bám theo họ, vì anh ta biết họ sẽ không bao giờ chịu cắt tóc.
Thật đáng tiếc, anh ta đăm chiêu, vì tóc được gắn rất chắc vào đầu chủ nhân, khiến việc ăn trộm chúng trở nên muôn phần khó khăn. Chắc hơn chiếc túi được giữ chặt nhất, kẹt hơn cả một cái ví dày cộm nhồi trong túi quần bó sát. Vượt ra ngoài tầm với của những ngón tay của tên móc túi tài tình nhất. Hay tay trộm tóc tài tình nhất. Cứ nghĩ đến một thứ tinh tế nhẹ nhàng như tóc có thể ăn sâu bám chắc gan lì đến nhường ấy quả là một điều đáng kinh ngạc. Cái cách chân tóc bám vào da đầu có khác gì một cây bồ đề to khỏe cắm rễ vào đất. Trừ phi, dĩ nhiên, bệnh hói kéo đến và tóc tự rơi ra.
Để giết thì giờ, Rajaram nói với hai người thợ may, anh ta mơ trở thành tay trộm tóc đầu tiên ra hành nghề. Anh ta mơ sẽ phát minh ra được một phương pháp có khả năng đánh bại bản tính ngoan cố cố hữu của tóc khỏe là không chịu rời bỏ da đầu. Có thể là sáng chế ra một loại chất, mà khi xịt lên da đầu của nạn nhân, có thể làm tan rã chân tóc nhưng không mảy may gây hại cho tóc. Hoặc một câu thần chú ma thuật có thể thôi miên đối tượng và khiến tóc tự bật ra, hệt như những câu kinh Vệ Đà cổ xưa, khi được các đạo sĩ hô lên có thể làm lửa bùng lên từ những súc gỗ hoặc khiến những đám mây đổ mưa.
Ngồi mơ mộng cho qua những giờ đói khát, anh ta rút ra kết luận là trên thực tế, một tay trộm tóc chẳng cần đến một phát minh mới hay năng lực siêu nhiên nào hết: những ngón nghề sẵn có của dân móc túi, thêm một chút cải tiến, là đủ dùng. Ở những chốn đông đúc, chuyện đó dễ như trở bàn tay, chỉ cần vận dụng một cách đơn giản (và thuần thục) cách thức hành nghề của bọn chuyên cắt túi. Bọn này thường dùng một lưỡi dao thật bén để xén ngọt một chiếc túi khó giật; anh ta vẫn còn cây kéo sắc như dao. Chỉ một nhát cắt, thế là món tóc sẽ về tay anh ta.
Rồi đến một ngày, những ý tưởng kì quặc của Rajaram dần chuyển sang chiều hướng nghiêm túc. Anh ta bắt đầu tin rằng chẳng có mối liên hệ đạo đức nào giữa việc móc túi và thực hiện những vụ cắt tóc ngoài mong muốn. Một bên là tội ác, tước mất tiền của của nạn nhân. Bên kia là một hành động tốt, giúp cất bớt một gánh nặng, tiệt trừ mảnh đất nuôi dưỡng chấy trứng, tiết kiệm thời gian và công sức của nạn nhân, cứu họ khỏi cảnh da đầu ngứa ngáy, ấy là chưa kể những chi phí khổng lồ để mua dầu gội đầu và kem dưỡng tóc. Và “nạn nhân” thậm chí còn không phải từ chính xác trong trường hợp này, anh ta nghĩ. Chắc chắn “đối tượng hưởng lợi” mới là từ chuẩn. Ắt hẳn bản tính phù phiếm đã che mắt con người, khiến họ không nhận ra đâu là lợi ích của mình, và một bàn tay giúp đỡ là cần thiết. Mà dù gì đi nữa, mất mát cũng chỉ là tạm thời, tóc rồi sẽ mọc lại.
“Tôi bắt đầu tự đào tạo một cách nghiêm chỉnh,” anh ta nói, đoạn vuốt vuốt cái đầu trọc trong khi hai người thợ may nhấp nhổm trên băng ghế trong tiệm Vishram, đã hóa thành câm lặng bởi câu chuyện của anh chàng thu mua tóc cho tới giờ phút này. “Tôi đi xuyên qua vùng ngoại ô cho đến khi tìm thấy một chỗ đồng không mông quạnh nơi tôi có thể luyện tập được.”
Ở đó, cách xa khỏi ánh mắt soi mói của người đời, anh ta nhồi đầy báo vào một cái túi để tạo thành một quả bóng có kích cỡ bằng cái đầu người, nhưng nhẹ hơn nhiều, đủ nhẹ để có thể đu đưa trước sự động chạm dù nhỏ nhất khi được treo lủng lẳng bằng một sợi thừng buộc vào cành cây. Anh ta buộc vào cái túi một túm dây dày. Sau đó anh ta luyện cắt rời chúng ở vị trí thật sát với đầu, sao cho không làm cái túi rung động. Để đổi món, anh ta tết túm dây thành đuôi sam, hoặc buộc đuôi gà, hoặc thả ra như những lọn tóc buông xõa.
Khi kĩ năng đã thuần thục, các yếu tố sắp đặt được điều chỉnh để mô phỏng các tình huống trong thế giới thực. Anh ta giơ một cái túi vải bên dưới bím tóc để hứng lấy khi nó rơi xuống, thả cây kéo vào, và đóng nắp túi lại – tất thảy chỉ gói gọn trong một động tác rất “mượt”. Anh ta tập luyện bài tập này ở những nơi thật chật chội, cho tay quen với việc hoạt động trong đám đông. Và khi đã “thành tài”, anh ta quay lại những khu phố và chợ đông đúc nhộn nhịp trên thành phố.
“Nhưng sao cậu phải chịu khổ chịu sở như thế?” Ishvar hỏi. “Nếu nghề tóc của cậu đổ bể, thì chuyển sang thu mua thứ khác có phải đơn giản hơn không? Giấy báo, hộp thiếc, chai lọ chẳng hạn?”
“Tôi cũng đã tự hỏi mình câu đấy. Câu trả lời là có. Còn cả chục phương án khác. Trong trường hợp xấu nhất, tôi có thể làm nghề ăn xin cũng được. Kể cả nước đấy cũng còn khá hơn con đường kinh khủng mà tôi bắt đầu bước chân vào. Bây giờ nhìn lại thì rõ ràng lắm. Nhưng một sự mù quáng đã chiếm lĩnh tôi. Kiếm tóc dài càng khó khăn bao nhiêu, tôi lại càng khao khát thành công bấy nhiêu, cứ như cuộc đời của tôi phụ thuộc vào nó vậy. Và vì thế, kế hoạch của tôi lúc ấy chẳng có vẻ gì là điên rồ cả.”
Trên thực tế, khi nó được đem ra áp dụng, anh ta nhận ra mình đã phát triển được một phương pháp tuyệt vời. Với chiếc túi vải và cây kéo, anh ta lẩn vào đám đông, lựa chọn nạn nhân (hay đối tượng hưởng lợi) thật cẩn thận, không bao giờ mất kiên nhẫn và không bao giờ tham lam. Một cái đầu có hai bím tóc không thể cám dỗ anh ta săn đuổi cả hai – một chiếc là đủ làm anh ta hài lòng. Và anh ta luôn kiềm chế ham muốn cắt tóc sát tận gáy – chỉ một hai phân tóc kiếm thêm được cũng có thể là dấu chấm hết cho anh ta.
Ra đến chợ, Rajaram tránh xa những người mua hàng có giúp việc đi kèm, dù mái tóc có hấp dẫn đến mức nào. Tương tự, những thiếu phụ đi cùng con cái cũng không được ngó đến – bọn trẻ rất khó lường. Người phụ nữ được anh ta đặc biệt chọn lựa để trao ơn huệ của cặp kéo phải đi một mình, tốt nhất là những người ăn mặc nghèo nàn, đang mải mê mua rau mua dưa cho gia đình mình, cáu kỉnh trước giá cả đắt đỏ, mặc cả sát sạt từng xu, hoặc đang tập trung cao độ để săm soi cân của người bán hàng, đảm bảo mình không bị cân điêu đong thiếu.
Tuy nhiên, chỉ ít phút nữa thôi, cô ta sẽ có một mái tóc cụt ngủn. Giữa những người mua kẻ bán đi lại như mắc cửi, cây kéo của Rajaram thò ra, không mảy may bị ai chú ý. Nó đưa đi, xoẹt một cái, chóng vánh và gọn ghẽ. Bím tóc rơi vào miệng túi vải, và anh ta biến mất, mang theo cái gánh nặng đã đè trĩu lên vai thân chủ mà cô ta trước nay không hề hay biết.
Ở các bến xe buýt, Rajaram chọn người phụ nữ lo giữ túi tích cực nhất, chiếc túi kẹp chặt dưới nách, chất da hoặc nhựa nóng ấm áp vào làn da ẩm ướt. Những vòng bán nguyệt của mồ hôi nổi lên như một đợt dịch bệnh khắp bề mặt chiếc áo cô ta mặc. Anh ta nhập hội với đám hành khách như một người công nhân mệt mỏi bình thường trên đường trở về nhà. Và khi sự xuất hiện của chiếc xe buýt biến dòng người đang xếp hàng thành một làn sóng hung hãn, người phụ nữ lo xa sẽ ngập ngừng bên ngoài rìa cơn lũ đủ lâu để cặp kéo hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Anh ta không bao giờ ra tay hai lần ở cùng một khu chợ hay một bến xe buýt. Làm thế là quá mạo hiểm. Dẫu vậy, anh ta thường tay không quay lại nơi xảy ra tội ác (hoặc việc thiện) của mình để nghe ngóng những chuyện đồn đoán tán gẫu.
Trong khoảng thời gian ngắn đầu tiên thì chẳng có gì hết. Có lẽ, anh ta đoán, những người phụ nữ nọ quá xấu hổ nên không dám làm ầm ĩ lên. Hoặc cũng có thể không ai tin lời họ, hoặc nghĩ rằng vấn đề chẳng đến nỗi nghiêm trọng.
Tuy nhiên, rốt cuộc nhiều câu bông lơn và đùa cợt về những mái tóc bị mất, bị ăn trộm, bị đánh rơi dần dần sinh sôi nảy nở. Có một câu đùa được truyền miệng nhiều trong đám người bán trầu cau là dưới Tình trạng khẩn cấp, khi các ổ chuột bị xóa sổ, một giống gặm nhấm thành thị mới đã tiến hóa, với sở thích không phải là ăn cơm ôi rác thối, mà là xơi tóc phụ nữ. Ngoài cảng, những tay cửu vạn dỡ hàng trên tàu tỏ nỗi vui sướng trước việc làm của người thợ săn tóc bí ẩn, vì tin rằng đó là hành động của một người anh em đẳng cấp thấp hòng góp phần trả thù hàng thế kỷ lũ người đẳng cấp cao đã đàn áp, lột quần xé áo và hãm hiếp và cạo đầu đàn bà con gái thuộc cộng đồng của họ. Ở các quán trà và nhà hàng Iran, các vị thông thái còn mỉa mai bình luận rằng chương trình Xóa bỏ khu ổ chuột đã đẻ ra một chỉ thị lớn hơn xuất phát từ chính sự bùng nhùng của bộ máy quan liêu: một lỗi chính tả trên biên bản ghi nhớ của cấp cao nhất đã viết nhầm Cảnh sát Cải tạo mĩ quan thành Cảnh sát Cải tạo mĩ nhân, kết quả là bọn họ hăng hái tìm cách xóa sổ tóc chẳng kém gì xóa sổ các khu ổ chuột. Bàn tay ngoại bang không thể tránh khỏi bị kéo vào, rằng các điệp viên nữ của CIA đi phao tin về những bím tóc bị biến mất hòng làm băng hoại đạo đức quốc gia.
“Vì ai cũng đùa bỡn về chuyện đó, nên tôi chẳng lo lắng gì nữa,” Rajaram nói. “Tự tin tăng lên, tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện mở rộng phạm vi.”
Dân hippie, những kẻ mà từ lâu anh ta đã xem là đối tượng hưởng lợi hoàn hảo nhưng bất khả xâm phạm, trở thành mục tiêu làm phúc của anh ta. Anh ta phát hiện ra rằng vào những lúc tờ mờ sáng, chúng thường nằm ngủ mê mệt trong cơn phê xung quanh lều của bọn bán thuốc nơi chúng mua hashish.
Giải thoát những người ngoại quốc đang say dặt say dẹo khỏi mái tóc của mình chỉ là trò trẻ con. Nếu có kẻ nào trong đám tình cờ mở mắt ra và trông thấy một đứa bạn đang bị xẻo mất tóc, hắn sẽ cho đấy chỉ là ảo giác; hắn cười hềnh hệch ngớ ngẩn, hoặc thều thào câu gì đó kiểu như “bảnh thế” hay “ờ, trong ngon đấy” và lại lăn ra ngủ sau khi gãi gãi đũng quần. Có lần Rajaram còn cắt cả tóc của một cặp đang làm tình. Đầu tiên là gã trai, khi ấy đang nằm trên, và tiếp đến là ả gái khi đang giữa trận, mụ cưỡi lên người tình. Những tràng giật và xóc chẳng gây chút khó khăn nào đối với bàn tay nhà nghề của anh chàng thu mua tóc. “Ôi chao!” Gã trai kêu lên, phấn khích trước hình ảnh bày ra trước mắt mình. “Kìa! Anh nhìn thấy Thần Tình đang chuẩn bị cho em lên tiên đấy!” Và ả gái hổn hển: “Vâng, phải rồi, em lên tiên rồi đây!”
Rajaram cảm thấy cuộc đời mình đang dần sáng sủa lên. Anh ta chào đón cuộc xâm lăng của người nước ngoài, chẳng như một bộ phận dân chúng cổ hủ vẫn luôn miệng phàn nàn rằng bọn người Âu người Mĩ đang tiêm nhiễm những thói quen bẩn thỉu và lối sống hạ tiện cho giới trẻ vốn dễ bị lôi kéo. Chỉ cần lũ dị tộc có mái tóc dài chấm vai hoặc hơn là Rajaram sẽ vui sướng được thấy chúng đổ vào thành phố.
Trong khoảng thời gian này, dân ăn xin ăn mày dần chiếm lại vị trí của mình trên vỉa hè, khi Luật Cải tạo mĩ quan đã trải qua giai đoạn phân liệt lúc thế này lúc thế kia và nay đang chuyển sang thời kì hấp hối. Con mắt chuyên nghiệp của anh chàng thu mua tóc nhận ra ngay lập tức. Dĩ nhiên, nay công việc làm ăn đang xuôi chèo mát mái, anh ta đâu còn thèm theo đuổi thứ tóc rối nùi, bẩn thỉu của bọn ăn mày. Một vài người nhận ra anh ta còn gọi với theo, đòi được cắt tóc miễn phí, nhưng anh ta mặc kệ.
“Và giá như tôi cứ tiếp tục tảng lờ bọn chúng,” Rajaram vừa nói vừa thở dài não nề, “thì đời tôi hôm nay đã khác rồi. Nhưng số phận của chúng ta đã được khắc lên trán mỗi người kể từ ngày lọt lòng. Và chính bọn ăn mày đã đánh dấu chấm hết đối với đời tôi. Không phải là những người phụ nữ xinh đẹp ngoài chợ mà tôi thường sợ hãi không dám lại gần. Không phải bọn hippie phê thuốc, những kẻ tôi nghĩ đến một ngày sẽ tẩn cho tôi lên bờ xuống ruộng. Không – hóa ra đó lại là hai kẻ ăn mày yếu ớt vô hại.”
Rajaram ngừng lời, liếc nhìn anh chàng bồi bàn kiêm thu ngân đang đứng ở quầy cười toe toét với họ, vẫn hi vọng được mời tham gia câu chuyện. Hai người thợ không thèm lý gì tới anh ta. “Chúng tôi biết hết chuyện hai người ăn mày rồi,” Ishvar nói nhỏ. “Sao anh lại phải giết họ?”
“Hai người biết ư!” Rajaram kinh hoàng kêu lên. “À mà dĩ nhiên! Ông trùm ăn mày của hai người – nhưng tôi không! Ừ thì tôi có… ý tôi là… tất cả đều là một sai lầm!” Anh ta vục mặt xuống hai bàn tay đặt trên bàn, không dám nhìn hai người bạn. Đoạn anh ta ngồi thẳng dậy, dụi dụi mũi. “Cái bàn này hôi quá! Nhưng làm ơn giúp tôi! Làm ơn! Đừng cho…!”
“Bình tĩnh nào, không sao đâu,” Ishvar nói. “Ông trùm không biết anh. Ông ta chỉ kể là hai người ăn mày của ông ta bị giết và tóc họ bị cắt mất. Chúng tôi nghĩ ngay đến anh.”
Rajaram có vẻ bị tổn thương. “Đó có thể là một gã thu mua tóc khác lắm chứ. Thành phố này có đến cả trăm người như thế. Hai người đâu cần phải nghĩ ngay đến tôi thế chứ.” Anh ta nuốt nước bọt. “Vậy là hai người không nói gì với ông ta hả?”
“Đấy không phải việc của bọn tôi.”
“Cảm ơn trời. Tôi đâu có ý định làm hại gì hai người ăn mày, để chuyện xảy ra thế là một sai lầm lớn, xin hãy tin tôi.”
Một đêm, khi đang đi rảo tìm cơ hội như thường lệ, anh ta gặp hai người hành khất, một đàn ông và một phụ nữ, đang nằm ngủ dưới một mái hiên, đầu gối ép sát vào hai cái bụng lép kẹp. Lẽ ra anh ta đã bước qua, nếu ánh đèn đường không soi tỏ mái tóc của họ. Và chúng đẹp tuyệt vời. Cả hai mái đầu cùng tỏa sáng bởi một suối tóc dài chấm gót, một vẻ đẹp rực rỡ mà anh ta hiếm khi được trông thấy trong những chuyến chu du miệt mài của mình. Tóc ở tầm cỡ này là loại dệt nên giấc mơ của các nhà quảng cáo. Khách hàng sẽ phải đánh nhau để được sử dụng hình ảnh của nó – vẻ óng ả nuột nà của nó sẽ đưa những sản phẩm như xà phòng Shikakai hay dầu dừa thơm dưỡng tóc Tata’s lên những tầm cao mới của lợi nhuận.
Kì lạ thật, Rajaram nghĩ bụng, sao một kho báu như thế này có thể ngự trên đầu của hai người ăn mày co quắp nọ. Anh ta quỳ xuống bên cạnh hai người và nhẹ nhàng chạm đầu ngón tay lên những bím tóc bóng mượt; chúng mượt như lụa. Không kìm được, anh ta nâng chúng lên trong tay mình và say mê tận hưởng chất tóc. Ngón tay anh ta cứng đơ lại trong một nỗi đau khoái lạc, như thể chúng sẽ đánh cắp bí mật của sự óng ả và mềm mại.
Hai vợ chồng người ăn mày cựa mình, phá vỡ cơn mê. Rajaram nhớ ra nhiệm vụ nghề nghiệp của mình. Anh ta rút cây kéo ra và bắt tay vào việc, trước hết là người phụ nữ.
Lần đầu tiên trong sự nghiệp của mình, anh ta có cảm giác ân hận. Đây là một tội ác, anh ta nghĩ, khi chia cắt một mái tóc đẹp đẽ nhường này khỏi chân tóc – thứ hào quang thần kì của nó sẽ phai nhạt, cũng như sắc thắm của một bông hoa đã bị ngắt cuống vậy.
Những bím tóc rơi vào tay anh ta. Anh ta quấn các lọn tóc lại và cất vào cái túi vải. Sau đó anh ta chuyển sang mái tóc của người đàn ông. Nhìn bề ngoài, trông nó không khác gì tóc của người phụ nữ.
Đúng lúc anh chàng thu mua tóc cắt xong, người phụ nữ tỉnh dậy và thấy anh ta đang ngồi xổm bên cạnh mình, lưỡi kéo lóe sáng trong bóng tối như một thứ vũ khí giết người. Bà ta bật ra một tiếng thét rợn tóc gáy. Nó khiến người đàn ông choàng dậy, đến lượt mình, ông ta cũng phóng thích một tràng rú rít kinh hồn.
“Những tiếng thét ấy,” Rajaram nói, toàn thân rúm ró như thể chúng vẫn còn vang vọng trong tai anh ta. “Chúng làm tôi hoảng sợ vô cùng. Tôi đã tin chắc cảnh sát sẽ chạy đến và đánh đập tôi đến chết thì thôi. Tôi van vỉ hai người ăn mày hãy ngừng hét. Không sao đâu, tôi nói, tôi sẽ không làm hại họ đâu. Tôi xén một lọn tóc của chính mình để chứng minh những gì mình đang làm hoàn toàn vô hại. Tôi năn nỉ, tôi lôi hết tiền giấy tiền xu trong túi ra, và đổ lên người họ. Nhưng họ vẫn không ngừng hét. Hét mãi, gào mãi, rú mãi! Nó khiến tôi phát điên!”
Anh ta phát hoảng, giơ kéo lên và đâm. Đầu tiên là người phụ nữ, sau đến người đàn ông. Vào họng vào ngực vào bụng: vào tất cả những vị trí khốn kiếp đang bơm hơi thở và thúc giục các cơ quan sản sinh ra những tiếng thét ghê rợn kia. Anh ta đâm túi bụi, đâm không ngưng nghỉ, cho đến khi chỉ còn lại sự câm lặng.
Không ai đến xem xét gì cả. Phố xá đã quá quen với tiếng mèo gào của những gã tâm thần cô độc và tiếng la hét của những gã bợm khát rượu vừa tỉnh mộng. Bên kia đường có kẻ nào đó bỗng rú lên cười như hóa dại; chó sủa loạn lên; chuông ở một đền thờ rung leng keng. Rajaram bỏ trốn, bước đi nhanh hết mức anh ta dám, sao cho không gây ra sự chú ý nào.
Sau đó, anh ta vứt bỏ cây kéo, bộ quần áo dính máu, và cả mấy bím tóc. Ngay khi vớ được cơ hội đầu tiên, anh ta cạo trọc cả râu lẫn tóc, vì khi cảnh sát thẩm vấn những người có mặt ở khu nọ, đám ăn mày chắc chắn sẽ mô tả kẻ thường xuyên lảng vảng quanh đó, chuyên cắt và thu mua tóc.
“Nhưng tôi chưa được an toàn,” Rajaram nói. “Dù đã hàng tháng trời trôi qua, Phòng điều tra tội phạm vẫn còn truy tìm tôi. Có trời mới biết lại sao vụ của tôi lại hấp dẫn họ đến thế – có đến cả trăm vụ án khác xảy ra mỗi ngày kia mà.” Trà trong cốc của anh ta đã nguội tanh. Anh ta nhăn mặt khi nuốt nó xuống. “Vậy là bây giờ hai người đã biết hết mọi sự việc xúi quẩy đã xảy ra. Hai người sẽ giúp tôi chứ?”
“Nhưng bằng cách nào?” Ishvar nói. “Có lẽ tốt nhất là cậu nên ra đầu thú đi. Vụ của cậu xem ra vô vọng rồi.”
“Vẫn còn hi vọng đấy.” Rajaram ngừng lời và cúi sát lại gần, mắt dán chòng chọc vào hai bác cháu. Trong chúng giờ đã le lói một tia sáng nhỏ. “Tôi đã nói lúc đầu rồi đấy, tôi muốn từ bỏ cõi đời đầy khổ đau tai ương này. Tôi muốn học theo lối sống giản dị của một một thiền sư. Tôi muốn ngồi thiền hàng tiếng dài trong một hang động tối tăm, lạnh lẽo trên dãy Himalaya. Tôi sẽ nằm ngủ trên nền đá lạnh. Thức dậy cùng mặt trời và nghỉ ngơi cùng các vì sao. Mưa và gió, dù có mạnh mẽ dữ dội đến đâu, cũng không nhằm nhò gì với da thịt đã quen dãi dầu này. Tôi sẽ vứt lược đi, râu tóc tôi sẽ mọc dài ra, sẽ rối bời. Những sinh vật tí hon sẽ tìm được nơi ẩn náu yên ổn trên đó, chúng cứ việc mặc sức đào bới và xây tổ, vì tôi sẽ không làm phiền đến chúng.”
Ishvar nhướn mày còn Om đảo mắt, nhưng Rajaram không hề nhận thấy gì. Anh ta đẩy cốc trà sang bên cạnh một cách chậm rãi, có chủ ý, như thể đang thực hiện nghi thức đầu tiên của quá trình từ bỏ. Viễn cảnh điên rồ, lãng mạn về một vị thầy tu khổ hạnh là một thứ chất kích thích đối với trí tưởng tượng của anh ta, làm nảy sinh trong nó một thứ năng lực hình họa.
“Tôi sẽ đi chân đất, lòng bàn chân và gót chân nứt nẻ, xây xát, rớm máu vì hàng chục vết thương, vết rách, nhưng tôi sẽ không xoa thuốc, cũng chẳng bôi dầu. Những con rắn trườn ngang đường tôi đi trong rừng rậm tăm tối sẽ không làm tôi e sợ. Lũ chó hoang sẽ đợp vào mắt cá chân tôi khi tôi lê bước qua những thị trấn xa lạ, những làng quê hẻo lánh. Tôi sẽ xin bố thí thức ăn. Trẻ con, và lắm lúc cả người lớn, sẽ cười nhạo tôi và ném đá vào tôi, sợ hãi trước vẻ mặt kì dị và đôi mắt nhìn thấu tâm can điên cuồng của tôi. Tôi sẽ nhịn đói, sẽ ở trần khi cần. Tôi sẽ chuệnh choạng bước trên những cánh đồng đầy sỏi dăm đá cuội và những sườn đồi dốc đứng. Tôi sẽ không bao giờ phàn nàn than thở.”
Đôi mắt anh ta đã xa rời các khán giả, đăm đắm xoáy vào khoảng không với ánh nhìn đầy khao khát, chúng đã bắt đầu cuộc phiêu du xuyên qua tiểu lục địa tự bao giờ. Xem ra anh ta có vẻ rất phấn khích, cứ như đó là một lịch trình nghỉ dưỡng mà anh ta đang vẽ ra. Ở góc của ông bếp, chiếc bếp đã hết dầu. Thiếu tiếng xì xì của nó, cả nhà hàng bỗng im ắng hẳn.
Sự tĩnh lặng lôi tuột Rajaram khỏi cơn mơ, trở lại với chiếc bàn hôi hám và tách biệt ở Vishram. Ông bếp đi ra phía sau nhà để lấy một can dầu hỏa. Họ nhìn ông ta cắm phễu và rót dầu vào bếp.
“Cuộc sống trần tục đã dẫn tôi đến bất hạnh,” Rajaram nói. “Nó sẽ luôn như thế, với tất cả chúng ta. Chỉ có điều, kết cục đó không phải bao giờ cũng rõ ràng như trong trường hợp của tôi. Và giờ số phận của tôi nằm trong tay hai người.”
“Nhưng chúng tôi có biết gì về cách thức để trở thành một thiền sư đâu,” Ishvar nói. “Cậu muốn gì ở chúng tôi?”
“Tiền. Tôi cần tiền mua vé tàu đến dãy Himalaya. Tôi vẫn còn hi vọng giải thoát – nếu tôi có thể trốn khỏi bàn tay của cảnh sát và Phòng điều tra tội phạm.”
Họ quay về căn hộ, Rajaram đứng chờ ngoài cửa trong khi Ishvar vào nhà nhờ Dina lấy giúp từ món tiền tiết kiệm của họ số tiền đủ trả cho một tấm vé tàu hỏa hạng ba.
“Tiền là của hai bác cháu, tôi chẳng có quyền gì mà bảo hai người phải tiêu thế nào,” cô nói. “Nhưng nếu anh ta đã rũ bỏ cõi trần, thì còn cần mua vé tàu làm gì nữa? Anh ta có thể đi bộ đến đấy, dọc đường xin bố thí như các thầy tu khác.”
“Đúng đấy,” Ishvar nói. “Nhưng như thế thì mất thời gian lắm. Anh ta đang nóng lòng muốn được cứu rỗi linh hồn mà.”
Ông cầm tiền ra ngoài hành lang cho Rajaram, anh ta đếm tiền, rồi ngập ngừng. “Tôi có thể vay thêm mười rupi nữa được không?”
“Để làm gì?”
“Trả thêm tiền giường nằm. Ngồi cả đêm suốt một chuyến đi dài như thế thì khổ lắm.”
“Xin lỗi,” Ishvar nói, suýt chút nữa giật phắt lại cả nắm tiền. “Chúng tôi không xoay đâu ra được thêm nữa. Nhưng nếu có khi nào cậu xuống thành phố, nhớ đến chơi với chúng tôi, bọn ta có thể cùng uống với nhau một cốc trà.”
“Tôi e là khó đấy,” Rajaram nói. “Thiền sư có bao giờ đi nghỉ dưỡng đâu.” Đoạn anh ta bật cười rầu rĩ và biến mất.
Om băn khoăn không hiểu hai bác cháu có còn bao giờ gặp lại anh ta nữa không. “Cái thói vay mượn của anh ta thật bực mình, nhưng anh ta là một gã rất thú vị. Anh ta kể cho chúng ta bao nhiêu chuyện ngoài đời.”
“Đừng lo,” Ishvar nói. “Với vận may của Rajaram, tất cả hang hốc hẳn sẽ đều có chủ hết khi anh ta đến nơi. Anh ta sẽ quay về với câu chuyện rằng ở tận trên dãy Himalaya cũng có cả biển báo ‘Hết chỗ’ nữa cơ đấy.”
Cân Bằng Mong Manh Cân Bằng Mong Manh - Rohinton Mistry Cân Bằng Mong Manh