Tôi luôn cố gắng làm những gì tôi chưa biết và nhờ đó, tôi có thể làm được những điều tưởng như ngoài khả năng của mình.

Pablo Picasso

 
 
 
 
 
Tác giả: Rohinton Mistry
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1946 / 83
Cập nhật: 2017-08-29 15:44:17 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
IX: Luật Lệ Là Gì?
ên ngoài cửa, một người phụ nữ vẫy Dina, sốt sắng chìa ra một cái rổ. “Cà xua không cô?” Bà ta thì thọt. “Cà xua vừa to vừa tươi nhá?”
Dina lắc đầu. Cô, như mọi khi, đang cần tìm thợ may, chứ không tìm cà chua. Đằng xa, một người đang núp trong hốc tường với một hộp đầy ví da; một người khác đứng thập thò, tay khệ nệ bưng cả đống chuối. Ai nấy đều đang trong tư thế rình cảnh sát và sẵn sàng tháo chạy. Rác rưởi, mảnh vỡ từ các hàng quán bị phá bỏ vung vãi khắp mặt đất.
Cô lang thang qua vài con phố hoang vắng, cuộc sống vỉa hè ở những nơi này đã bị Tình trạng khẩn cấp hút sạch. Song nhờ vậy có lẽ cơ may tìm ra người thay thế Ishvar và Om sẽ cao hơn, cô tự an ủi bản thân. Rất có thể những thợ may hành nghề ở những hàng quán ven đường sẽ đi tìm việc khác.
Khi giao lô váy cuối cùng đến Công ty xuất khẩu Au Revoir, cô đã báo bừa với bà Gupta rằng thợ may của mình sắp đi nghỉ hai tuần. Tuy nhiên, khi thời hạn nửa tháng thiếu thợ thuyền ấy dần trôi về điểm kết, cô nhận ra niềm lạc quan của mình đã đặt nhầm chỗ. Buộc phải báo với bà giám đốc rằng công việc sẽ tiếp tục bị trì hoãn.
Dina mở màn bằng việc tán tụng mái tóc của bà Gupta. “Đẹp quá. Chị vừa đi Thẩm mĩ viện Venus về à?”
“Không,” bà Gupta nhấm nhẳng đáp. “Tôi phải đến chỗ lạ. Zenobia không chịu làm cho tôi.”
“Có chuyện gì vậy?”
“Tôi cần hẹn làm đầu gấp, thế mà cô ấy bảo tôi cô ấy kín lịch hết rồi. Khách hàng thân thiết nhất mà bị nói thế đấy.”
Thôi rồi, Dina than thầm, chọn nhầm chủ đề rồi. “Nhân tiện, thợ của tôi vẫn nghỉ.”
“Gay nhỉ. Bao lâu?”
“Tôi không rõ, có lẽ hai tuần nữa. Họ bị ốm ở dưới quê.”
“Đứa nào chả nói thế. Bao nhiêu ngày công mất toi chỉ vì mấy lý do kiểu đấy. Có khi chúng nó đang rượu chè nhảy múa ở dưới quê cũng nên. Chúng ta thuộc Thế giới thứ ba về thứ hạng phát triển, nhưng riêng khoản trốn việc với đình công thì phải đứng hạng nhất.”
Mụ ngu, Dina rủa thầm. Giá mụ biết Ishvar và Om tội nghiệp phải làm việc cật lực thế nào, và họ đã phải chịu đựng những khổ đau ra sao.
“Không sao,” bà Gupta nói. “Tình trạng khẩn cấp là phương thuốc tốt cho đất nước. Nó sẽ sớm chữa lành những thói quen xấu cho tất cả mọi người.”
Cô tỏ ý đồng tình, dù trong bụng ước sao cái đầu bà giám đốc sẽ được chữa khỏi chứng đần độn mạn tính. “Phải, tình hình sẽ được cải thiện rất nhiều.”
“Vậy thì hai tuần nữa nhé, và không được chậm trễ thêm nữa đâu đấy, cô Dalal. Chậm trễ là sản phẩm phụ của mất trật tự. Nhớ lấy, luật lệ nghiêm khắc và giám sát chặt chẽ dẫn đến thành công. Vô kỉ luật là mẹ của hỗn loạn, nhưng những hoa trái của kỉ luật sẽ rất ngọt ngào.”
Dina sửng sốt lắng nghe, và chào từ biệt. Cô băn khoăn không biết có phải bà Gupta đã nhận việc viết khẩu hiệu cho chương trình Tình trạng khẩn cấp làm nghề tay trái hay thú vui không. Hoặc rất có thể bà ta đã bị bội thực băng rôn và áp phích của chính phủ, do đó mất khả năng ăn nói một cách bình thường.
Giữa lúc những lời của bà giám đốc treo lơ lửng trên đầu Dina như một bản tối hậu thư và nửa tháng tiếp theo dần trôi đi, người thu tiền nhà tìm đến đúng ngày đã hẹn. Lão đưa tay phải lên chiếc mũ đuôi seo màu huyết dụ như muốn nhấc nó ra. Khớp vai cứng đơ khiến lời chào không thể hoàn tất. Bàn tay liền rơi xuống cổ áo chiếc sherwani màu đen, xốc lại nó như một câu chào hỏi thay thế.
“À, ông đến thu tiền nhà,” cô khịt mũi. “Đợi nhé. Để tôi đi lấy tiền.”
“Cảm ơn chị,” Ibrahim tươi cười rạng rỡ, còn cánh cửa đóng sập trước mặt lão.
Lão bỏ cổ áo để ngoáy hai lỗ mũi lấm tấm thuốc lá bột. Ngón tay lão không tài nào hứng kịp cơn mưa bụi nâu đổ xuống mép trên vừa được cạo sạch sẽ, những chấm thuốc bột nổi bật giữa hàm râu trắng xóa.
Lão rờ rẫm dưới áo sherwani, nắm lấy góc chiếc khăn mù soa, và kéo ra. Lão chùi trán, rồi nhồi nó trở lại túi quần, mắm môi mắm lợi nhét nó xuống cho đến khi chỉ còn một mẩu khăn thập thò chìa ra.
Lão thở dài, đoạn tựa lưng vào tường. Mới đến trưa mà lão đã mệt đừ người. Giá thử thu tiền xong sớm, lão cũng chẳng có chỗ nào để đi – lão đã cho một người công nhân làm ca đêm thuê phòng từ chín giờ sáng đến chín giờ tối. Phải lang bang ngoài đường, Ibrahim chiếm cứ các băng ghế công viên, ngồi trên bậc trạm chờ xe buýt, nhâm nhi một cốc trà ở quán lề đường cho kì tới lúc được trở về nhà và nằm ngủ trong căn phòng còn nồng hơi hám của anh thợ. Đây mà là sống ư? Hay chỉ là một trò đùa dai ác nghiệt? Lão không còn tin cán cân có thể trở lại trạng thái thăng bằng hoàn hảo nữa. Chỉ cần chảo nhà lão không sạch trơn, chỉ cần trong đó còn có chút gì gọi là, đủ cho lão cầm cự qua ngày này đêm khác, với lão, thế là đủ. Giờ lão chẳng còn mong mỏi gì hơn từ bàn tay Con Tạo nữa.
Lão quyết định tranh thủ thời gian chờ đợi ngoài cửa để tìm hóa đơn tiền nhà của Dina. Thật cẩn thận, sợi chun cao su được kéo lên. Lão lôi nó ra suôn sẻ cho đến khi chạm mép cặp giấy, rồi bất thần dây chun bật tung, bắn vào mũi lão và khiến lão đánh rơi cả cái cặp giấy.
Giấy tờ trong cặp xổ tung tóe. Lão quỳ hẳn xuống để nhặt lại những tờ giấy quý giá. Hai tay lão luống cuống vơ với cả bốn phía. Cứ nhặt được hai tờ thì một tờ trượt khỏi ngón tay lão. Một cơn gió nhẹ thổi giấy má bay tứ tán, lão hoảng lắm. Lão giơ tay quét chúng, vun lại thành một đống, mặc kệ giấy bị nhàu nát.
Dina mở cửa, món tiền nhà cầm trên tay. Thoạt tiên, cô nghĩ lão vừa sảy chân ngã. Cô cúi xuống đỡ lão. Nhưng rồi, khi đã nhận rõ tình hình, cô đứng thẳng dậy, tách xa lão sứ thần của ông chủ nhà, bàng quan ngắm nhìn tai ương của kẻ thù.
“Xin lỗi chị,” lão ngẩng mặt lên cười. “Tay già vụng về thế đấy, biết làm sao được.” Lão loay hoay mãi, rồi cũng nhồi nhét được tất cả giấy má vào trong chiếc cặp nhựa. Sợi chun cao su to kếch được xỏ vào cổ tay cho khỏi rơi. Lão đứng dậy, loạng choạng. Bàn tay Dina đưa nhanh ra đỡ lão.
“Hê, hê, chị khỏi lo. Chân cẳng hãy còn tạm, tôi nghĩ vậy.” “Ông đếm đi,” cô lạnh lùng chìa xấp tiền ra.
Hai tay lão còn bận bấu chặt chiếc cặp lộn xộn nên món tiền đưa ra chẳng được nhận về. Lão dỏng tai lắng nghe, xem có tiếng máy may lạch cạch không. Chẳng có gì. “Chị ơi, chị cho tôi vào ngồi nhờ một chút để kiếm tờ hóa đơn của chị được không? Kẻo giấy tờ lại rơi thêm lần nữa thì khổ. Tay tôi run quá.”
Lão đang cần một cái ghế, chuyện ấy là thật, cô biết. Và lão sẽ tận dụng nó, cái đó chẳng phải bàn. “Được chứ, mời ông vào,” cô mở rộng cánh cửa. Đến hôm nay thì chẳng còn gì để mất cả.
Nỗi kích động càng làm cơn run rẩy vì mệt của Ibrahim mạnh thêm. Rốt cuộc, sau bao tháng dùng trăm phương ngàn kế, lão đã được vào nhà. “Giấy má lẫn lộn hết cả rồi,” lão nói giọng phân bua, “nhưng tôi sẽ tìm được hóa đơn ngay cho chị, chị đừng lo.” Lão lại lắng tai nghe những âm thanh ở phòng trong. A, nhưng trong đó lặng như tờ, dĩ nhiên.
“Phải, của chị đây.” Tên và địa chỉ đã được điền sẵn. Lão ghi số tiền đã nhận cùng ngày tháng. Một chữ kí quằn quại chạy ngang miếng tem lệ phí dán ở phía dưới, và món tiền được nhận về.
“Ông đếm đi.”
“Cần gì, chị. Một khách thuê hai chục năm như chị – nếu không tin chị thì tôi còn tin ai được nữa?” Nói vậy nhưng lão vẫn đếm. “Tôi chỉ chiều ý chị thôi đấy.” Lão rút từ túi trong chiếc áo sherwani ra một cuộn tiền dày cộp và đắp thêm món tiền của Dina vào. Cũng như chiếc cặp nhựa, món tiền được buộc bằng một sợi dây chun.
“Thế,” lão nói, “nhân lúc đang ở đây, tôi có thể làm gì giúp chị được không? Vòi nước rò chăng? Có thứ gì hỏng không? Thạch cao trát phòng trong có ổn không?”
“Tôi cũng không rõ.” Rõ đồ trơ tráo, cô căm phẫn nghĩ thầm trong bụng. Bình thường người thuê nhà cứ việc kêu ca đến khô nước bọt thì thôi, còn bây giờ lão khốn này lại giả bộ tử tế bằng nụ cười tự động của lão. “Ông tự đi xem xem.”
“Xin tùy ý chị.”
Vào đến phòng trong, lão cong ngón tay gõ gõ mấy bức tường. “Thạch cao vẫn tốt,” lão lẩm bẩm, không giấu nổi nỗi thất vọng trước mấy chiếc máy may câm lặng. Rồi, làm như lần đầu tiên nhận thấy sự hiện diện của hai chiếc Singer, lão nói: “Chị có tận hai cái máy trong phòng này cơ à.”
“Không có luật nào cấm sở hữu hai chiếc máy may, phải không?”
“Không hề, tôi chỉ hỏi thôi. Tuy nhiên, giữa thời buổi này, dưới cái Tình trạng khẩn cấp điên rồ này, chả ai có thể nói chắc được có những luật lệ gì. Ngày nào chính phủ chẳng khiến bọn dân đen chúng ta sửng sốt.” Tiếng cười của lão nghe nhạt thếch, cô tự hỏi không hiểu có lời đe dọa nào ẩn trong những lời lão nói không.
“Một chiếc lắp kim mảnh, chiếc kia thì kim dày,” cô bịa. “Chân vịt và áp lực của mỗi chiếc cũng khác nhau. Tôi may rất nhiều thứ: rèm cửa, ga giường, váy vóc. Mỗi món lại yêu cầu một loại máy móc đặc chủng.”
“Tôi trông hai cái giống nhau hền hệt ấy, nhưng ngữ tôi thì biết gì về may vá kia chứ?” Họ vào phòng Maneck, và Ibrahim quyết định gạt tế nhị sang một bên. “Vậy ra đây hẳn là chỗ cậu trai kia ở.”
“Sao cơ?”
“Cậu trai trẻ, thưa chị. Khách trọ của chị ấy.”
“Sao ông dám! Sao ông dám vu cho tôi tội nuôi trai trong nhà! Ông nghĩ tôi là hạng đàn bà đấy ư? Chỉ vì…”
“Ấy, không, không phải…”
“Sao ông dám sỉ nhục tôi, giờ lại còn ngắt lời tôi nữa! Chỉ vì tôi là một góa phụ khốn khổ, vô phương tự vệ, nên các người nghĩ mình muốn nói những câu bẩn thỉu gì cũng được ư! Khen cho ông, sao đến lúc bắt nạt một người đàn bà yếu đuối cô độc thì lại dũng cảm, cứng cỏi thế!”
“Nhưng thưa chị, tôi…”
“Nhân cách con người thời nay làm sao thế không biết? Thay vì bảo vệ danh dự phụ nữ, người ta lại tìm vui bằng việc bôi nhọ, sỉ nhục những người vô tội. Còn ông nữa! Ông, một người râu tóc đã bạc phơ thế kia, lại dám nói những câu vô sỉ, đáng xấu hổ như thế! Ông không có mẹ, không có con gái ư? Ông nên tự lấy làm hổ thẹn mới phải!”
“Xin hãy thứ lỗi cho tôi, tôi thực không có ý gì xấu, tôi chỉ…”
“Không có ý gì xấu, nói thì dễ lắm, nhưng cái sảy đã nảy cái ung mất rồi.”
“Không, thưa chị, cái ung gì cơ? Lão già ngớ ngẩn là tôi đây chỉ nhắc lại một lời đồn ngu xuẩn thôi, xin chị thứ lỗi cho.”
Ibrahim cắm cổ chuồn thẳng, tay ôm chặt cái cặp nhựa. Nỗ lực giơ chiếc mũ đuôi seo lên tạm biệt cũng chết yểu nốt, như lời chào lúc đầu. Lão lại thay thế nó bằng một cú giật nhẹ cổ áo sherwani. “Cảm ơn chị, xin cảm ơn. Tháng sau tôi sẽ lại, chị cảm phiền. Người đầy tớ hèn mọn của chị.”
Trong đầu cô chợt nảy ra ý định “sửa” lão một phen vì dám gọi “chị chị em em” bằng giọng giả trá. Cô cảm thấy hình phạt dành cho lão vẫn còn quá nhẹ nhàng. Nhưng thôi, lão cũng già cả rồi. Giá là một gã tay sai trẻ tuổi của lão chủ nhà, cô sẽ có hứng mắng mỏ hơn.
Đến chiều, cô diễn lại toàn cảnh cho Maneck xem, có vài chỗ cô phải lặp lại lần nữa vì cậu nài. Cậu thích nhất khi cô diễn đến đoạn quý cô bị vu khống. “Dì đã cho cháu xem tư thế quý cô yếu đuối bị ức hiếp chưa?” Cô bắt chéo hai cánh tay lại, bàn tay đặt trên vai, che kín ngực. “Dì đứng thế này này. Làm như lão sắp sửa lao vào dì ấy. Khốn khổ thân lão, lão xấu hổ quá phải nhìn đi chỗ khác. Dì làm thế kể cũng ác thật. Nhưng đáng đời lão lắm.”
Tiếng cười của họ trong giây lát bỗng mang một vẻ liều lĩnh táo tợn, như khi cắt một lát bánh mì thật mỏng và vờ như vẫn còn vô khối bánh. Rồi im lặng ập đến căn phòng thật đột ngột. Mảnh vụn niềm vui cuối cùng sinh ra từ chuyến viếng thăm của lão thu tiền nhà.
“Kịch đã diễn, tiền đã hết,” cô nói.
“Ít ra tiền thuê nhà đã được trả đủ, cả tiền điện nước nữa.”
“Chúng ta đâu thể ăn được điện.”
“Dì cứ lấy tiền tiêu vặt của cháu mà dùng, tháng này cháu không có việc gì cần đến,” cậu nói, đoạn thò tay rút ví ra. Cô nghiêng người tới và vuốt lên má cậu.
Nửa tháng nữa vụt qua, Dina có cảm giác nó trôi nhanh như những mũi khâu từng hân hoan tuôn chảy từ hai chiếc Singer trong những ngày vui vẻ. Cô không nhận ra rằng, tự lúc nào, những tháng dài sống cùng Ishvar và Om, những tháng của cáu kỉnh và chậm trễ, của những trận cãi cọ và những đường may xộc xệch, đã biến thành thứ gì đó quý giá vô ngần, được hoài nhớ bằng cả tấm lòng tha thiết.
Đến cuối tháng, người chủ cho thuê đến hỏi thăm tình hình hai chiếc máy may. Hạn nộp đã qua mà tiền trả góp vẫn chưa thấy. Cô chỉ cho anh ta xem hai chiếc Singer để chứng tỏ chúng vẫn an toàn, và xin anh ta cho thư thư ít lâu. “Anh đừng lo, hai người thợ có thể bồi thường cho anh gấp ba lần số tiền đó. Nhưng nhà có việc gấp, nên họ vẫn bị kẹt dưới quê.”
Những cuộc lùng tìm kéo dài cả ngày trời hòng kiếm thợ mới rốt cuộc chẳng đem lại kết quả gì. Thỉnh thoảng Maneck đi cùng cô, và cô mừng có cậu bầu bạn. Nhờ cậu, những chuyến lang thang buồn thảm cũng bớt khổ sở phần nào. Sung sướng vì được cúp tiết, lẽ ra Maneck còn chăm đi hơn, nếu không phải Dina dọa sẽ mách bố mẹ cậu. “Đừng gây thêm rắc rối cho dì,” cô nói. “Có điều, nếu đến tuần sau mà vẫn chưa kiếm được hai thợ may, dì sẽ phải đi vay tiền Nusswan để trả tiền thuê nhà.” Nghĩ đến đó, cô rùng mình. “Dì sẽ lại phải nghe những thứ rác rưởi của bác ấy – anh đã bảo em rồi, tái hôn đi, ương ngạnh lắm chỉ tổ khổ đau nhiều.”
“Nếu dì muốn, cháu sẽ đi cùng dì.”
“Được thế thì tốt quá.”
Tối đến, họ viện đến tấm chăn để vẽ việc cho mình. Chồng vải vụn đã teo tóp nhiều vì thiếu vải mới, buộc cô phải tìm đến những mảnh mà trước nay cô vẫn né tránh, như thứ vải voan mỏng tang, không thực phù hợp với thiết kế của cô. Hai dì cháu khâu thành những cái túi nhỏ hình chữ nhật và nhồi vào đó mẩu vụn của những thứ vải khác dày dặn hơn.
Đến khi vải voan hết nhẵn, tấm chăn cũng ngừng mở rộng.
“Xin mời vào,” viên đốc công chào đón gã Điều phối viên, khi gã mang tới công trường thêm một xe tải mới đầy cư dân vỉa hè.
Gã Điều phối viên cúi chào và bê ra một cái hộp khổng lồ đựng đầy các loại quả và hạt khô bọc giấy bóng kính. Bù trừ giữa khoản trả cho Hạ sĩ Kesar và khoản thu được từ viên đốc công, y kiếm ăn cũng khá; vì thế, các bánh răng cần được bôi trơn cẩn thận.
Hạt điều, hồ trăn, hạnh nhân, nho khô, mơ khô nom rõ mồn một qua những ô trống nhỏ trên nắp hộp. “Cái này là để biếu chị nhà và các cháu,” gã Điều phối viên nói. “Ấy, xin anh nhận lấy, không,” gã vội đế thêm khi thấy viên đốc công làm hiệu từ chối. “Món quà mọn này có là gì đâu, chỉ là chút ít để thể hiện lòng thành thôi.”
Cả giám đốc dự án cũng sung sướng không kém trước sự xuất hiện của các cư dân vỉa hè mới. Nhờ kế hoạch này, ông ta có thể mặc sức chi phối bảng lương. Đám lao động không công làm ăn thiếu hiệu quả ở đâu, chỗ đó đã được bù đắp lại bằng số lượng. Dự án tưới tiêu đang mở rộng không còn cần phải thuê thêm công nhân ăn lương phụ trội nữa.
Thực ra, vài người đã bị cho nghỉ việc; và nhóm lao động công nhật còn trụ lại bắt đầu có cảm giác bị đe dọa. Trong mắt họ, cơn lũ những hình nhân xương xẩu, rúm ró, đói khát nọ đã dần dần biến thành đội quân thù địch. Thoạt tiên, đám ăn mày và dân vạ cư vỉa hè được nhìn nhận bằng ánh mắt thương hại xen lẫn khoái trá khi họ phải khổ sở vật lộn với những nhiệm vụ vặt vãnh nhỏ nhoi, nhưng giờ họ lại giống những kẻ xâm lăng, đến đây để cướp đi công ăn việc làm. Nhóm công nhân ăn lương bắt đầu trút hận thù xuống đầu họ.
Chuyện ức hiếp người mới đến xảy ra như cơm bữa. Chửi bới, xô đẩy, dằn hắt trở thành việc thường ngày. Một cái cán thuổng có thể thình lình nhô lên khỏi miệng mương và ngáng chân ai đó. Từ các giàn giáo và nền đất cao, những bãi nước bọt bay rào rào xuống như phân chim, có điều chuẩn xác hơn nhiều. Đến giờ ăn, vô số cái khuỷu tay thốt nhiên trở nên vụng về liên tục đánh đổ đĩa của họ, và vì theo quy định, không ai được chia phần ăn thứ hai, nên đám ăn mày và dân vạ cư vỉa hè thường xuyên phải bốc thức ăn dưới đất lên mà ăn. Đa phần bọn họ đã quen với cảnh bới rác, nhưng món ra-gu rau củ lõng bõng nước ngấm rất nhanh xuống mặt đất khô nỏ. Chỉ những thức khô như bánh chapati hay những vụn rau là còn có thể cứu vãn.
Mọi lời kêu van của họ tới đốc công đều bị phớt lờ. Quan sát từ phía trên cho thấy một quy trình vận hành kinh tế, trơn tru, không cần thiết phải có sự can thiệp từ phía các cấp lãnh đạo.
Đến cuối tuần thứ nhất, Ishvar và Om có cảm giác họ đã sống đến thiên thu trong cái địa ngục này. Họ hầu như không tài nào thức dậy nổi khi còi báo sáng kêu. Như có bùa phép gây choáng khiến trời đất quay cuồng xung quanh mỗi khi họ trở dậy. Họ gắng gỏi tồn tại cho hết ngày, hai tai đầy những lời hăm dọa và mạ lị của bọn giám thị và đám công nhân ăn lương. Họ ngủ gục khi trời mới chập choạng tối, mơ màng trong tấm chăn xương xẩu của nỗi kiệt quệ.
Một đêm nọ, xăng đan của hai bác cháu bị ăn trộm khi họ đang ngủ. Họ không biết thủ phạm có phải là một trong số những người ở chung lán với họ không. Họ đi chân đất đến kêu ca với viên đốc công, với hi vọng ông ta sẽ phát cho họ đôi khác.
“Lẽ ra các người phải cẩn thận hơn mới phải,” viên đốc công nói, đoạn khom lưng gài dây xăng đan của mình. “Làm sao tôi có thể canh chừng giày dép cho tất cả mọi người được? Vả lại, chuyện đó có gì mà to tát đâu. Các thánh nhân và các thầy tu toàn đi chân đất đấy thôi. Cả M. F. Husain nữa.”
“M. F. Husain là ai vậy, thưa ngài?” Ishvar rón rén ướm hỏi. “Bộ trưởng bộ nào đó ạ?”
“Ông ấy là một nghệ sĩ rất nổi tiếng ở đất nước ta. Ông ta không bao giờ bao bọc bàn chân mình vì ông không muốn xa rời Đất Mẹ. Thử hỏi, các người còn cần dép làm gì?”
Trong suất đồ dùng trại cấp không có món giày dép nào cả. Hai bác cháu bèn tìm tòi khắp lán một lần nữa, phòng khi có ai đó xỏ nhầm dép của họ chăng. Rồi họ rón rén đi bộ ra công trường, cố tránh những hòn đá sắc nhọn.
“Chả mấy nữa bác sẽ có lại đôi chân như hồi bé,” Ishvar nói. “Mày biết không, ông nội Dukhi của mày chả bao giờ đi dép cả. Còn bố mày với bác thì chẳng có tiền mà sắm đôi nào, mãi cho đến khi học việc với ông trẻ Ashraf xong. Đến lúc đấy chân hai anh em đã lì như da thuộc rồi – cứ như được người Chamaar thuộc ấy, dẻo dai chẳng kém gì da bò.”
Đến tối, Ishvar khẳng định lòng bàn chân ông đã cứng hẳn lên. Ông đắc ý sờ vuốt làn da lấm hàng bánh đất, khoan khoái cảm nhận bề mặt xù xì dưới ngón tay mình. Nhưng đối với Om, đó là một cực hình. Đời cậu chưa bao giờ đi chân đất.
Đến đầu tuần thứ hai, cơn choáng của Ishvar kéo dài qua cả cữ trà sáng, và càng lúc càng trầm trọng hơn dưới mái vòm nhiệt đang trương to dần. Mặt trời bổ vào đầu ông như một nắm đấm khổng lồ. Đến trưa, cả người lẫn sọt sỏi chuệnh choạng ngã lăn xuống mương.
“Đưa lão đến chỗ ngài bác sĩ,” tay giám thị ra lệnh cho hai người. Ishvar quàng tay qua vai họ và cà nhắc cà nhót nhảy đến phòng y tế của trại.
Ishvar chưa kịp kể cho bác sĩ biết chuyện gì đã xảy ra, anh chàng khoác áo trắng đã quay vào chỗ để một dãy ống nghiệm và chai lọ. Đa phần trong số đó trống trơn; dẫu vậy, nhìn vào cũng thấy hoành tráng. Anh ta chọn lấy một chai dầu trong khi Ishvar, đứng chênh vênh bằng một chân, giơ mắt cá chân bị thương lên mong dẫn dụ bác sĩ xem cho mình. “Thưa ngài bác sĩ, tôi bị đau ở đây.”
Ông được yêu cầu bỏ chân xuống. “Không có chỗ nào dập vỡ đâu, đừng lo. Thứ dầu này sẽ giúp chú hết đau.”
Anh chàng khoác áo trắng cho phép ông được nghỉ đến hết ngày. Shankar dành phần lớn thời gian ngồi bên Ishvar trong lán, đến giờ nghỉ lại lăn đi lấy thức ăn và trà. “Ấy không, chú đừng dậy làm gì, cần gì cứ bảo lão.”
“Nhưng tôi phải đi giải.”
Shankar trượt khỏi bệ và ra hiệu cho ông ngồi lên đó. “Chú không nên bắt cái chân đau phải làm việc,” ông ta nói.
Ishvar cảm động lắm, chính lão, một kẻ không chân, lại lo lắng đến chân cẳng của người khác đến thế. Ông hào hứng ngồi lên bệ, khoanh chân lại, và chống tay đẩy đi như cách Shankar vẫn làm. Trông thế mà không dễ chút nào, ông nhận ra. Chuyến đi tới nhà xí và quay về khiến hai cánh tay ông mỏi nhừ.
“Chú có thích cái bệ của tôi không?” Shankar hỏi.
“Thoải mái lắm.”
Hôm sau, Ishvar phải trở dậy và tập tễnh đi ra bãi sỏi, dù rằng mắt cá chân của ông sưng vù và đau nhức. Giám thị sai ông đổ sỏi vào sọt cùng đám phụ nữ, chứ không phải bê đi nữa. “Ông ngồi làm cũng được,” hắn nói.
Còn có những tai nạn khác, nghiêm trọng hơn ca của Ishvar nhiều. Một người đàn bà mù, được giao nhiệm vụ đập đá, sau vài ngày làm việc suôn sẻ, đã quai búa nát cả ngón tay. Một đứa trẻ rơi từ trên giàn giáo xuống, gãy cả hai chân. Một người đàn ông cụt tay, vác các sọt cát gá vào một bộ đai đeo vai, bị gãy cổ khi anh ta mất thăng bằng và dây đai trật đi.
Đến cuối tuần, đã có kha khá người mới đến bị viên đốc công liệt vào hàng vô dụng. Ngài Bác sĩ chữa cho họ bằng loại dầu ưa thích của mình. Những lúc cao hứng, anh ta thậm chí còn dùng cả nẹp và băng gạc. Shankar được phân công mang cơm nước cho người bệnh. Lão rất thích nhiệm vụ này, háo hức chờ đến giờ ăn, ngồi trên bệ lăn từ gian bếp nóng bỏng đến khu lán ngập trong tiếng rên la với một ý thức trách nhiệm mới. Ở mỗi điểm dừng chân, lão lại được con bệnh dành tặng không biết bao nhiêu lời cảm ơn và cầu chúc chân thành.
Điều lão thực sự mong muốn, dẫu vậy, là chăm sóc vết thương cho họ và giúp giảm bớt nỗi đau đớn của họ, điều mà ngài Bác sĩ hình như không có khả năng làm. “Tôi thấy anh ta không phải là bác sĩ thông minh cho lắm đâu,” lão tâm sự với Ishvar và Om. “Anh ta toàn dùng một thứ thuốc cho tất cả các bệnh nhân thôi.”
Suốt những ngày dài dặc, nóng bức, các con bệnh không ngớt gào thét xin cứu giúp, còn Shankar chuyện trò với họ, lấy nước vã lên trán họ, an ủi họ rằng tương lai rồi sẽ tốt đẹp hơn. Khi đám công nhân quay về vào buổi tối, đói khát và kiệt quệ, những tràng rên rỉ không dứt khiến họ phát điên. Tình trạng này còn kéo dài đến khuya lơ khuya lắc, làm họ không tài nào ngủ nổi. Rốt cuộc, sau vài đêm, cũng có người chạy đi kêu ca.
Cáu bẳn vì bị đánh thức, viên đốc công quay sang chửi mắng đám người bị thương. “Ngài bác sĩ đã chăm sóc các người cẩn thận thế rồi còn gì. Các người còn muốn gì nữa? Nếu chúng tôi đưa các người tới bệnh viện, các người tưởng sẽ được đối xử tử tế hơn ở đây chắc? Bệnh viện nào chả bị quá tải, quản lý thì chẳng đâu vào đâu, bọn y tá sẽ quẳng các người ra mấy dãy hành lang bẩn thỉu và để mặc cho các người chết trương chết thối ở đấy cho mà xem. Ở đây ít ra các người còn có một chỗ sạch sẽ để nghỉ ngơi.”
Trong mấy ngày sau đó, viên đốc công, vì kẹt người, đã buộc phải thuê lại một số công nhân ăn lương đã bị sa thải. Họ nhanh chóng nhận ra rằng đây chính là câu trả lời cho rắc rối của mình: biến đám lao động không công thành phế nhân, rồi công ăn việc làm sẽ trở lại.
Những hành động thù địch nhắm vào đám ăn mày và dân vạ cư vỉa hè tăng đến mức báo động. Nhóm lao động công nhật bắt đầu đẩy họ từ trên các bờ rìa và giàn giáo xuống, cẩu thả vung cuốc lung tung, vô ý để đá tảng lăn xuống sườn đồi. Số ca bị thương tăng vọt. Shankar rất vui lòng nhận phần công việc phát sinh thêm cho mình. Lão dốc toàn tâm toàn ý vào hoàn thành bổn phận mới.
Đến nay giám đốc dự án đã có cái nhìn khác đối với những lời kêu ca của các nạn nhân. Lực lượng bảo vệ được tăng cường, và được lệnh phải tuần tra công trường mọi lúc mọi nơi, chứ không chỉ vào ban đêm nữa. Đám lao động công nhật bị cảnh báo rằng mọi hành vi cẩu thả khi làm việc sẽ bị trừng phạt bằng đuổi việc. Số cuộc tấn công giảm đi, nhưng dần dần dự án tưới tiêu trông chẳng khác gì một trại lính.
Lần tiếp theo, khi gã Điều phối viên tìm đến với một lô dân vạ cư vỉa hè mới, viên đốc công than phiền rằng đám lao động không công của y là một món đầu tư tồi. Hắn kêu những vết thương đã có sẵn từ trước khi có đến đây. “Cậu báo hại tôi phải nuôi ăn nuôi ở một lũ tàn phế vô dụng rồi đây này.”
Gã Điều phối viên mở sổ ghi chép ngày giao những kẻ được nói tới, và chỉ cho hắn xem các chi tiết mô tả tình trạng sức khỏe của họ. “Tôi công nhận có vài đứa hơi lởm khởm. Nhưng đấy có phải lỗi của tôi đâu. Cảnh sát xúc hết lượt, cả đứa còn sống lẫn đứa sống dở chết dở, lên xe của tôi.”
“Đã thế, tôi cũng chả muốn lấy thêm nữa.”
Gã Điều phối viên cố công vỗ về viên đốc công và cứu vãn cuộc mua bán. “Xin cho tôi vài ngày, không, tôi sẽ tính toán xem. Tôi xin đảm bảo anh sẽ không mất trắng đâu.”
Trước mắt, trong lô hàng mới nhất đang chờ được thả khỏi xe còn có cả các diễn viên đường phố thuộc đủ loại hình. Có diễn viên tung hứng, nhạc công, diễn viên nhào lộn, và ảo thuật gia. Viên đốc công quyết định cho họ lựa chọn: hoặc tham gia lực lượng lao động như các dân cư vỉa hè khác, hoặc giúp vui cho toàn trại để đổi lấy nơi ăn chốn ở.
Đám diễn trò chọn cách thứ hai, đúng như viên đốc công đã dự đoán. Họ được xếp một chỗ ở tách riêng khỏi những người còn lại, và được lệnh chuẩn bị một buổi biểu diễn ngay tối hôm đó. Giám đốc dự án cũng đồng ý với đề xuất của viên đốc công. Đa dạng hóa sẽ tốt cho tâm lý người lao động, và giúp giảm bớt tình trạng căng thẳng và thù nghịch đang đe dọa trại.
Sô diễn mở màn sau bữa tối, dưới ánh đèn của khu bếp ăn. Đội trưởng đội bảo vệ bằng lòng giữ chân dẫn chương trình. Tiết mục nhào lộn, một anh chàng tung hứng gậy gỗ, và màn đi dây mở đầu cuộc vui. Sau đó là một quãng nghỉ giữa giờ bằng âm nhạc, với những bài hát đậm chất ái quốc, thôi thúc ngài giám đốc dự án phải đứng hẳn dậy để hoan hô. Sau đó, một cặp uốn dẻo vốn là hai vợ chồng được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt, nối tiếp bằng ảo thuật bài và một số tiết mục tung hứng khác.
Shankar, ngồi xem biểu diễn bên cạnh Ishvar và Om, phấn khích vô cùng, lão hân hoan nhảy nhô nhảy nhếch trên bệ, vỗ tay nồng nhiệt, mặc dù hai lòng bàn tay quấn băng chỉ tạo ra những âm thanh nghèn nghẹt. “Tôi ước sao những người khác cũng được xem,” lão luôn mồm nói, bụng đau đáu nghĩ đến các bệnh nhân của mình đang nằm trong lán. Lão vẫn nghe thấy tiếng họ kêu khóc trong những khoảnh khắc im lặng, khi toàn thể khán giả im bặt, căng lên vì hồi hộp, những lúc diễn viên trình diễn tiết mục gì đó đặc biệt mạo hiểm với dao kiếm hoặc lắt lẻo trên sợi dây mảnh.
Giám đốc dự án liên tục gật gù ra chiều hài lòng với viên đốc công; thật là một quyết định sáng suốt. Người diễn trò cuối cùng đang đợi trong bóng tối của nhà bếp. Đạo cụ của tiết mục trước được dọn đi. Đội trưởng đội bảo vệ tuyên bố, rằng để kết thúc chương trình, họ sẽ được chứng kiến một màn giữ thăng bằng đáng kinh ngạc. Diễn viên bước vào ánh sáng.
“Anh chàng dạy khỉ kìa!” Om kêu lên.
“Cả hai đứa con của chị anh ta nữa,” Ishvar nói. “Chắc là tiết mục mới mà anh ta bảo chúng ta là đang dàn dựng đấy.”
Hai đứa trẻ không xuất hiện trong phần diễn mở đầu của người dạy khỉ, vốn chỉ gồm vài trò tung hứng giống những tiết mục đã có trước đó. Nó được đón nhận một cách hờ hững. Bấy giờ anh ta mới giới thiệu đứa bé trai và gái, mỗi tay anh ta xách một đứa giơ lên cao. Cả hai đứa đều đang bị cảm, mũi dãi bê bết. Anh ta bắt tay vào buộc chúng vào hai đầu của một cây sào dài cỡ bốn, năm mét. Xong xuôi, anh ta nằm xuống đất, lật ngửa người lên, và đặt ngang cây sào trên lòng hai bàn chân trần. Khi nó đã thăng bằng, anh ta bắt đầu dùng ngón chân xoay tròn cây sào. Hai đứa trẻ quay tít trên cái vòng quay ngựa gỗ thô sơ ấy, ban đầu còn chầm chậm, khi anh ta vẫn đang phải thử mức cân bằng và nhịp độ, rồi nhanh dần lên. Thân chúng treo oặt oẹo, không thấy một tiếng kêu nào phát ra, hình hài của chúng nhòa dần đi.
Những tràng hoan hô nổi lên lác đác, khán giả phập phồng lo lắng. Rồi tiếng vỗ tay dồn dập dần lên, như thể họ hi vọng tiết mục mạo hiểm này sẽ chấm dứt nếu họ trao cho anh ta phần thưởng của mình, hay, chí ít ra, tiếng vỗ tay có thể bằng cách nào đó duy trì trạng thái cân bằng, giúp hai đứa trẻ được an toàn.
Cây sào bắt đầu quay chậm lại, rồi dừng hẳn. Anh chàng dạy khỉ cởi trói cho hai đứa trẻ và chùi mồm cho chúng; lực li tâm đã hút ra một dòng nước mũi từ hai cái mũi sụt sịt. Tiếp đó, anh ta bắt chúng nằm xuống đất, quay mặt vào nhau. Lần này cả hai bị buộc vào cùng một đầu sào, chân chúng đặt trên một thanh ngang nhỏ. Anh ta kiểm tra nút buộc rồi dựng đứng cây sào lên.
Hai đứa trẻ được đưa lên cao vút. Khuôn mặt chúng mất hút trong màn đêm, vượt khỏi khoảng sáng của đèn nhà bếp. Khán giả sững sờ. Anh ta giơ cây gậy lên cao hơn, khẽ tung nó lên một chút, và giơ lòng bàn tay đỡ lấy đầu sào. Cơ thịt trên cánh tay nhẳng nheo của anh ta run run. Anh ta đưa cây sào tới lui, khiến đỉnh sào lắc lư như ngọn cây trong gió. Sau một cú tung khác, cây sào đã đứng thăng bằng trên ngón tay cái của anh ta.
Cơn sóng phản đối từ phía người xem trào dâng. Những ý kiến lo ngại cùng lời mắng chửi rộ lên khắp khoảng bóng tối bao quanh người dạy khỉ. Chìm trong trạng thái điếc đặc vì tập trung cao độ, anh ta không mảy may nghe thấy gì. Anh ta bắt đầu bước đi tới lui trong vòng ánh sáng, rồi chạy, tung cây sào từ ngón cái này sang ngón cái kia.
“Nguy hiểm quá,” Ishvar nói. “Tôi chẳng thấy có gì hay cả.” Shankar cũng lắc đầu, ông ngồi đờ đẫn trên bệ, lắc lư cái hông cụt theo nhịp lắc lư của cây sào.
“Giá anh ta cứ chung thủy với lũ khỉ thì hay hơn,” Om nói, đôi mắt dán vào hai cái hình hài tí hon trên bầu trời.
Rồi người dạy khỉ ngửa đầu ra và đặt cây sào lên giữa trán. Ai nấy giận dữ đứng bật dậy. “Dừng lại đi!” Một người gào lên. “Dừng lại trước khi mày giết chết chúng nó!”
Những người khác cũng hùa theo: “Mẹ thằng khốn mất dạy! Tra tấn trẻ nhỏ vô tội thế à!”
“Thằng chó biến thái! Để dành mà diễn cho bọn nhà giàu mất nhân tính xem ấy! Bọn tao đéo thèm!”
Tiếng la hét phân tán mạch chú ý của người dạy khỉ. Anh ta bỗng nghe thấy trở lại. Anh ta vội vã hạ cây sào xuống và cởi trói cho hai đứa trẻ. “Có chuyện gì vậy? Tôi có ngược đãi chúng đâu. Các anh chị đi mà hỏi chúng, chúng thích thế ấy chứ. Ai chả phải kiếm sống.”
Nhưng những tiếng la hét ào ào như sôi không cho anh ta mấy cơ hội để biện minh cho bản thân. Hơn cả với người dạy khỉ, ai nấy đều bất bình với viên đốc công, kẻ đã sắp đặt màn giải trí tàn bạo này, và họ thi nhau chửi mắng y để y biết tay. “Đồ thú vật! Ác hơn cả con quỷ Ravan!”
Đội bảo vệ nhanh chóng giải tán khán giả, lùa ai về lán nấy để đi ngủ, còn sự hài lòng trước đó của giám đốc dự án lại biến thành một lời phê bình. Ông ta lắc lắc ngón tay trước mặt viên đốc công. “Lỗi là tại anh đã suy tính sai. Bọn người này không cần, cũng không biết quý trọng lòng tốt. Nếu anh đối xử tử tế với chúng, chúng sẽ ngồi lên đầu anh ngay. Lao động chăm chỉ là phương thuốc duy nhất.”
Không còn buổi trình diễn nào được lên lịch nữa. Đến hôm sau, đám diễn viên đường phố được phân vào các toán công nhân khác nhau. Anh chàng dạy khỉ trở thành người ít được ưa nhất trong dự án tưới tiêu, và trước khi tuần lễ kết thúc, anh ta đã phải gia nhập đội quân thương binh với những vết thương nặng trên đầu. Ishvar và Om đều thương anh ta, vì họ biết anh ta vốn là người rất hiền hậu.
“Bác còn nhớ lời tiên tri của bà cụ không?” Om nói. “Cái ngày lũ khỉ của anh ta chết ấy?”
“Có,” Ishvar nói. “Về chuyện giết chết con chó và dính dáng vào một vụ giết chóc còn kinh khủng hơn. Ngay lúc này, trông anh chàng tội nghiệp có khác nào đã bị giết đâu.”
Nửa tháng sau, gã Điều phối viên quay lại dự án tưới tiêu cùng một người mà y giới thiệu với viên đốc công là “người sẽ giúp anh giải quyết vấn nạn lao động tàn phế.”
Nghe câu đùa, viên đốc công và gã Điều phối viên cùng phá ra cười. Khuôn mặt người khách mới đến vẫn nghiêm trang lạnh lẽo, hơi tỏ ý không hài lòng.
Họ đi đến dãy lán tôn nơi những người bị thương đang nằm bẹp gí, tổng cộng bốn mươi hai người cả thảy. Shankar đang lăn đi lăn lại xung quanh, vuốt trán người này, vỗ lưng người kia, miệng thì thầm, vỗ về. Mùi thối xông lên từ những vết thương lở loét và những thân thể đã lâu không được tắm rửa xộc ra cửa, khiến viên đốc công phát mửa.
“Nếu các anh cần gì, cứ tới văn phòng tìm tôi,” gã viện cớ.
Vị khách nói ông ta muốn xem qua đám người bị thương và ước tính tiềm năng của họ. “Có thế tôi mới định giá cho đúng được.”
Họ bước vào bên trong ngôi lán đầu tiên, nhất thời lóa mắt vì phải bước từ chỗ nắng chói chang sang vùng tranh tối tranh sáng. Shankar xoay chiếc bệ lại để xem ai đến. Cổ vừa nghển lên, miệng lão đã bật ra một tiếng hét ngỡ ngàng. “Ai thế?” Vị khách nói. “Sâu à?” Mắt ông ta chưa quen với bên trong lán, nhưng ông ta biết tiếng lạch xạch quen thuộc của bánh xe lăn. “Vậy ra chú ở đây. Suốt mấy tuần qua tôi cứ lo không biết đã có chuyện gì xảy ra.”
Shankar phóng chiếc bệ về phía chân người đàn ông nọ, hai bàn tay lão hăng hái chống xuống đất. “Ông trùm! Chính cảnh sát bắt tôi đi! Tôi đâu có muốn đi!” Vui mừng lẫn lo sợ hòa vào tiếng khóc nức nở của lão khi lão bấu chặt lấy ống chân ông ta. “Ông trùm, xin hãy giúp tôi, tôi muốn về nhà!”
Mối phân tán giữa lán thúc giục đám người bị thương bắt đầu rên la và ho hắng, nài xin được đoái thương, những mong người khách lạ này, dù ông ta là ai, rốt cuộc cũng đã tới giải thoát cho họ. Gã Điều phối viên nhích ra gần cửa cho thoáng khí.
“Đừng lo, Sâu, dĩ nhiên tôi sẽ đưa chú về,” Ông trùm ăn mày nói. “Tôi biết xoay xở ra sao nếu thiếu tay ăn mày cừ nhất?” Ông ta kết thúc chuyến thẩm tra nhanh những kẻ tàn phế và quay trở ra. Shankar muốn đi theo ông ta ngay, nhưng được lệnh chờ. “Tôi phải thỏa thuận vài việc đã.”
Ra đến bên ngoài, Ông trùm hỏi gã Điều phối viên. “Sâu có trong lô hàng này không?”
“Dĩ nhiên là có.”
“Tôi sẽ không trả tiền cho cậu để mua thứ vốn thuộc về mình. Tôi thừa kế lão từ ông thân sinh. Còn ông thân sinh có lão từ hồi lão còn bé tí.”
“Nhưng ngài phải nghĩ hộ tôi một tí chứ, không được,” gã Điều phối viên mặc cả. “Tôi đã phải trả tiền cho cảnh sát để lấy lão đấy.”
“Bỏ đi. Tôi sẵn sàng trả hai ngàn rupi cho lô này. Bao gồm cả Sâu.”
Con số cao hơn mức gã Điều phối viên mong đợi. Trừ đi món chi phí y đã hứa với viên đốc công, y vẫn được lãi kha khá. “Anh em ta còn làm ăn lâu dài,” y nói, cố che giấu niềm vui sướng. “Tôi cũng không muốn co kéo thêm. Hai ngàn cũng được, ngài có thể lấy Sâu.” Y cười hề hề. “Và tất cả những thứ sâu bọ rệp rết nào ngài muốn.”
Một thoáng khó chịu khiến khuôn mặt Ông trùm sa sầm. Lần này ông thẳng thừng chỉnh đốn gã Điều phối viên. “Tôi không thích người ta đem ăn mày của mình ra làm trò cười.”
“Tôi thật không có ý gì.”
“Một việc nữa. Xe tải của anh phải đưa họ trở về thành phố, cái đấy tính vào giá.”
Gã Điều phối viên đồng ý. Rồi gã chạy đi tìm viên đốc công, phần chia cho tay này vẫn còn cần phải thương lượng thêm.
Sải tay đẩy hết tốc lực, Shankar lao đi báo tin mừng cho hai người bạn lão, nhưng bị giám thị ngăn lại, y không muốn nhịp độ công việc bị gián đoạn. Y đuổi lão đi, giậm chân, làm bộ sắp nhặt một hòn đá lên. Shankar đành thoái lui.
Lão chờ đến khi còi báo giờ ăn trưa hú vang, và tìm thấy Ishvar và Om ở gần khu nhà ăn. “Ông trùm tìm thấy tôi rồi! Tôi sắp được về nhà!”
Om cúi xuống vỗ vai lão, còn Ishvar an ủi lão. “Phải, không sao đâu, Shankar, đừng lo. Rồi đến một ngày cả ba chúng ta sẽ được về nhà, khi công việc đã kết thúc.”
“Không, ngày mai tôi sẽ về nhà, thật đấy! Ông trùm của tôi đang ở đây!” Họ vẫn không chịu tin, mãi đến khi lão giải thích tường tận.
“Nhưng tại sao bác lại háo hức muốn đi thế?” Ishvar hỏi. “Bác có phải chịu khổ cực như lũ nô lệ chúng tôi đâu. Cơm nước miễn phí, chỉ phải lăn bệ đi bưng bê một tí thôi. Bác không thích thế này hơn là đi ăn xin à?”
“Có một thời gian tôi cũng thích thế, nhất là việc được chăm sóc hai bác cháu, và những người bệnh khác nữa. Nhưng giờ tôi thấy nhớ thành phố rồi.”
“Chú may thật,” Om nói. “Công việc này sẽ giết chết chúng tôi, chắc luôn. Ước gì chúng tôi có thể trở về cùng chú.”
“Tôi có thể xin Ông trùm đưa hai người theo. Ta hãy nhờ ông ấy xem.”
“Phải, nhưng chúng tôi… thôi được, ta đi hỏi ông ấy nào.”
Họ tìm thấy Ông trùm ăn mày đang ngồi nhâm nhi cốc trà trên một cái ghế băng gần bếp. Shankar lăn bệ tới và giật nhẹ gấu quần ông ta. “Có chuyện gì thế, Sâu? Tôi đã bảo chú chờ trong lán rồi kia mà.” Nhưng ông ta vẫn đặt cốc trà xuống để khuỵu gối sát bên cạnh lão, lắng nghe, gật gù, rồi xoa đầu lão và cười ha hả. Ông ta bước đến chỗ hai người thợ may.
“Sâu bảo hai người là bạn của ông ấy. Ông ấy muốn tôi giúp hai người.”
“Xin ngài giúp cho, chúng tôi xin đội ơn.”
Ông ta ngắm nghía họ vẻ nghi ngại. “Hai người có tí kinh nghiệm nào không?”
“Dạ có chứ ạ. Rất nhiều năm kinh nghiệm,” Ishvar nói.
Ông trùm rất lấy làm hồ nghi. “Tôi trông hai người khó có cơ thành công nổi.”
Om phát khùng. “Tôi có thể chứng minh với ngài, chúng tôi rất thành công.” Cậu giơ hai ngón út lên như hai cây nến thờ. “Mấy cái móng tay dài của chúng tôi đã gãy hết vì phải làm việc nặng, nhưng chúng sẽ mọc trở lại. Chúng tôi được dạy dỗ rất bài bản, thậm chí chúng tôi còn có thể lấy số đo trực tiếp từ người khách hàng nữa kia.”
Ông trùm bật cười. “Lấy số đo từ người á?”
“Dĩ nhiên. Chúng tôi là thợ may chuyên nghiệp, chứ không phải dạng vớ vẩn…”
“Thôi bỏ đi. Tôi tưởng hai người muốn làm ăn mày cho tôi. Tôi không có nhu cầu tìm thợ may.”
Hi vọng của họ vỡ vụn. “Chúng tôi chẳng làm ăn được gì ở đây, suốt ngày ốm đau vật vã,” họ van vỉ. “Chẳng lẽ ngài không mang chúng tôi đi được sao? Chúng tôi xin chịu mọi phí tổn.” Shankar cũng góp lời nài xin với họ, kêu rằng họ đã đối xử rất tử tế với lão kể từ giây phút cảnh sát quẳng lão lên xe tải trong cái đêm kinh hoàng hôm nào, cách đây gần hai tháng.
Ông trùm và gã Điều phối viên rì rầm bàn bạc vụ mua bán. Gã kia đòi hai trăm rupi cho mỗi thợ may, bởi vì, y nói, y sẽ phải cho viên đốc công thấy việc thả hai món hàng người được việc là một món hời: Cái mắt cá chân bị trật của Ishvar chưa đủ đạt tiêu chuẩn.
Tay nắm chặt cốc trà, Ông trùm quay về với hai người thợ may. “Hai người có thể đi nếu đốc công đồng ý. Nhưng sẽ mất tiền đấy.”
“Bao nhiêu?”
“Thông thường, khi tôi bảo kê cho một ăn mày, tôi thu của họ mỗi tuần một trăm rupi. Khoản tiền đó bao gồm chỗ ăn xin, thức ăn, quần áo, và bảo vệ. Tính cả những món đặc biệt như băng gạc và nạng nữa.”
“Vâng, Shankar – à nhầm, Sâu – cũng đã kể cho chúng tôi biết. Ông ấy khen ngài lắm, và bảo ngài là một Ông trùm vô cùng nhân đức. Ông ấy thật may mắn vì ngài đã tới đây.”
Tuy hài lòng vì được tung hô, ông vẫn làm rõ vấn đề mà không khiêm tốn thái quá. “Chuyện này chả có can hệ gì đến may với mắn cả. Tôi là Ông trùm ăn mày nổi tiếng nhất thành phố này. Lẽ dĩ nhiên, gã Điều phối viên phải tìm đến tôi thôi. Tuy nhiên, trường hợp của hai người thì khác, hai người không cần bảo kê theo cách như vậy. Vả lại, hai người đã đối xử tốt với Sâu. Mỗi người chỉ cần trả tôi năm mươi rupi hàng tuần, trong vòng một năm. Thế là đủ.”
Hai bác cháu rùng mình. “Như thế tính ra là gần hai ngàn rưởi rupi mỗi người.”
“Phải, đấy là mức giá thấp nhất.”
Hai bác cháu quay ra tính toán món tiền với nhau. “Ba ngày công may vá mỗi tuần sẽ vào túi ông ta,” Ishvar thì thào. “Như thế thì nhiều quá, bọn ta sao kham nổi.”
“Còn cách nào khác nữa đâu?” Om nói. “Bác muốn làm quần quật đến chết trong cái địa ngục của bọn quỷ dữ không tim này ư?”
“Khoan đã, để bác xin giảm giá một chút.” Ishvar tiến về phía Ông trùm, khuôn mặt làm ra vẻ trải đời. “Xin ngài nghe cho, năm mươi thì cao quá, chúng tôi sẽ trả ngài hai nhăm rupi một tuần.”
“Nói thẳng cho chú hay,” Ông trùm lạnh lùng nói. “Tôi không phải là thằng bán rau ngoài chợ. Nghề của tôi là chăm lo đời sống cho người ta. Đừng cố mặc cả mặc lẽ với tôi.” Ông ta khinh khỉnh quay đi, trở về với chiếc ghế băng của nhà bếp.
“Xem bác đã làm gì kia kìa!” Om hoảng hốt kêu lên. “Cơ hội duy nhất của bọn ta thế là đi tong!”
Ishvar lưỡng lự đôi chút rồi lê bước đến trước mặt Ông trùm. “Chúng tôi đã bàn kĩ rồi. Giá đắt quá, nhưng chúng tôi đồng ý.”
“Hai người có chắc mình có thể trả được không?”
“Ô vâng, chúng tôi có công việc tốt, việc đều đặn.”
Ông trùm cắn móng tay cái và nhổ ra. “Cũng có lúc, một khách hàng của tôi biến mất mà không trả tiền, sau khi đã được hưởng lòng tốt của tôi. Nhưng lúc nào tôi cũng có cách tìm ra hắn. Đến lúc đấy hắn sẽ lôi thôi to. Hãy nhớ lấy.” Ông ta uống nốt cốc trà và đi theo gã Điều phối viên để mở một cuộc mua bán mới với viên đốc công.
Khi giờ ăn trưa kết thúc, hai người thợ may đều ngần ngại không muốn quay về với nhóm công nhân tải sỏi và đào mương. Nay lời hứa giải thoát đã cận kề, tâm lý cam chịu đối với thứ lao động khổ sai kia bỗng bay biến; nỗi mỏi mệt bao trùm lấy họ.
“Ôi các chú ơi, xin các chú kiên nhẫn thêm một tí,” Shankar nói. “Chỉ còn một ngày nữa thôi, đừng gây rắc rối gì. Các chú không muốn họ đánh các chú đấy chứ. Đừng lo lắng gì nữa, tay đốc công sẽ đồng ý thôi, Ông trùm của tôi thần thế lắm.”
Được nâng đỡ bởi lời khích lệ của Shankar, họ lại tìm thấy sức mạnh để trở lại với viên giám thị. Đến cuối buổi chiều, họ bồn chồn chờ nghe tiếng hát của người đưa nước. Sự xuất hiện của ông ta báo hiệu chỉ còn hai giờ làm nữa. Họ uống nước từ bì da của ông và gắng vượt qua nốt phần còn lại của ngày.
Đến chập tối, khi họ lảo đảo quay về lán, Shankar đã đợi sẵn, hớn hở vặn vẹo trên cái bệ của lão. “Mọi việc xong hết rồi. Họ sẽ đưa ta đi vào sáng mai. Nhớ gói ghém chăn chiếu đồ đạc sẵn sàng, đừng bỏ lỡ chuyến xe. Giờ tôi phải đi chuẩn bị đây.”
Lão đi tìm người thợ máy chuyên trông nom các máy móc hạng nặng, người này thường cho lão dầu để bôi trơn các bánh xe. Sỏi sạn và đất cát ở công trường bắt đầu làm chúng quay chậm dần. Shankar muốn cái bệ lăn phải ở trong trạng thái hoàn hảo, sẵn sàng cho cuộc trở về với vỉa hè của lão. Lão quay lại với chiếc lon giữ trước bụng. Om giúp lão bôi trơn bánh xe bị kẹt.
Sớm tinh mơ hôm sau, một nhân viên bảo vệ lệnh cho Shankar, hai người thợ may, và những người bị thương tập trung trước cổng cùng đồ đạc tư trang. Những người không thể đi nổi được các công nhân trong một tổ làm việc khiêng đi. Họ làm việc đó trong căm hận, miễn cưỡng mang những kẻ tàn phế đến với tự do đang gần kề. Tuy nhiên, chính hai người thợ may mới là tâm điểm của những ánh mắt hằn học.
“Cháu thấy không, Om, bọn ta thật may mắn,” Ishvar nói, mắt đăm đăm nhìn những hình người bầm dập đang chất đầy dần trên xe. “Có lẽ bọn ta cũng đã nằm đây, xương cốt gãy nát, nếu vì sao chiếu mệnh của ta không ở đúng vị trí.” Người dạy khỉ vẫn còn mê man bất tỉnh vì vết thương ở đầu, và Ông trùm từ chối nhận anh ta. Nhưng ông ta vẫn muốn bọn trẻ; chúng có tiềm năng, ông ta nói. Thằng bé con và đứa bé gái nhất quyết không chịu rời đi, chúng gào khóc và bám chằng chằng lấy ông cậu bất động. Người ta phải lôi chúng đi khi xe tải đã sẵn sàng lăn bánh.
Gã Điều phối viên và viên đốc công cân đối các khoản thu vào chi ra, tính cả tiền khấu trừ cho lô hàng tiếp theo. Sau đó phát sinh một khoảng trì hoãn ngắn. Viên đốc công một hai đòi các thứ quần áo được phát khi đám người kia vào trại phải được bỏ lại trước khi họ ra đi, hắn phải chịu trách nhiệm đối với từng món đồ trước cấp trên.
“Anh muốn lấy gì thì lấy,” Ông trùm nói. “Nhưng làm ơn nhanh nhanh hộ cái, tôi còn phải về cho kịp giờ làm lễ ở đền.”
Những kẻ được khiêng đến xe tải đã không còn đủ khả năng tự cởi quần áo cho mình. Đám công nhân đang chuẩn bị trở về với công việc thường nhật được lệnh giúp họ. Họ xả cơn bực dọc bằng cách kéo giật quần áo khỏi những thân hình đầy vết thương một cách thô bạo. Ông trùm chẳng thèm quan tâm. Nhưng khi đến lượt Shankar, ông ta bắt họ phải cởi chiếc vét của lão ra thật nhẹ nhàng.
Bấy giờ các cư dân vỉa hè đã trần truồng, hoặc gần như trần truồng, hệt như cái ngày họ bước vào trại lao động; cổng mở và xe tải được phép lên đường.
Ăn diện thật đẹp để đến công ty Nusswan là sáng kiến của Maneck. “Chúng ta phải trông thật bảnh bao sang trọng khi đến đó. Bác ấy sẽ tôn trọng dì hơn. Đối với nhiều người, bề ngoài rất quan trọng.”
Trong tình cảnh hiện tại của Dina, bất cứ thứ gì có vẻ như một lời khuyên hơi hơi hợp lý đều được hoan nghênh. Cô tỉa tót chiếc quần vải ga-ba-đin của cậu bằng vài đường là. Về phần mình, cô chọn chiếc váy xòe điệu đà nhất, chiếc váy màu xanh lơ mua từ lễ kỉ niệm ngày cưới lần hai, với lớp váy giả lộng lẫy tung bay theo từng bước chân đi. Liệu nó có còn vừa không? Cô tự hỏi. Cô khép cửa phòng lại, thử vào, và sung sướng nhận ra rằng, chỉ cần hơi hóp bụng vào, cô đã có thể kéo khóa lại. Cô đi ra phòng ngoài.
“Thêm một chút trang điểm thì sao?”
Bao năm không được dùng đến, cây son lừ đừ nhô đầu lên khi cô vặn tay cầm. Cô quệt hỏng một đường đầu tiên và làm viền môi lấm lem, nhưng những kĩ thuật cử động môi sớm quay về với cô, nào mím nào chu và căng môi, những trò khỉ nom thật ngớ ngẩn khi người ta soi mặt vào gương.
Phấn má đã đóng cục cứng ngắc, nhưng bên dưới lớp mặt bạc màu, vẫn còn đủ phấn để dặm hồng đôi má cô. Miếng bông nhung tròn đã khô nỏ như một vảy da bong. Có lần, Rustom trêu cô khi cô đang trang điểm, cô bèn trả đũa bằng cách lấy miếng bông phấn chấm vào mũi anh. Mềm như cánh hồng ấy nhỉ, anh từng nói.
Nếu hôm nay Nusswan lại lôi chuyện cưới xin ra, cô không biết mình sẽ làm gì – lật úp bàn của anh ta, có thể lắm. Cô tự ngắm nghía mình trong gương. Hình ảnh phản chiếu của cô gật gù hài lòng. Cô hi vọng giả thuyết của Maneck về mối liên hệ giữa bề ngoài và sự tôn trọng là chính xác.
“Cháu đã xong chưa?” Cô gọi vọng vào phòng cậu.
“Oa! Trông dì đẹp hết chỗ chê.”
“Cháu khen thế là đủ rồi đấy,” cô mắng, đoạn săm soi cậu từ đầu đến chân. Tất cả đều đạt tiêu chuẩn, ngoại trừ đôi giày. Cô bắt cậu đánh lại cho bóng trước khi họ lên đường.
Người truyền tin của công ty bảo hai người chờ ở sảnh trong khi anh ta đi báo cáo với sếp. “Nusswan thể nào cũng bận, cháu cứ chờ mà xem,” cô đoán.
Người truyền tin quay lại và thông báo với giọng ngại ngùng: “Ông ấy đã bận.” Anh ta đã làm ở đây khá lâu năm, nhưng không vì thế mà anh ta thôi hổ thẹn mỗi khi phải tiếp tay cho trò vờ vĩnh của ông chủ. “Xin các vị đợi cho ít phút.” Anh ta cúi đầu và lui vào.
“Có trời mới biết tại sao Nusswan vẫn thích gây ấn tượng với dì bằng mấy trò ngớ ngẩn đấy,” Dina nói. “Nhưng sự bận rộn của bác ấy sẽ kết thúc sau đúng mười lăm phút nữa thôi.”
Nhưng hóa ra cô lại nhầm với lời tiên đoán thứ hai, vì người truyền tin đã nhắc cho Nusswan hay em gái ông hôm nay ăn vận rất lộng lẫy và còn đi cùng một người.
“Ai?” Nusswan hỏi. “Chúng ta đã nhìn thấy cô ta bao giờ chưa?”
“Không phải cô, thưa ngài. Là cậu.”
Lạ nhỉ, Nusswan thầm nghĩ, tay mân mê vết đứt trên cằm do chính ông ta lỡ tay tạo ra sáng hôm đó. “Trẻ hay già?”
“Trẻ,” người truyền tin đáp. “Rất trẻ.”
Thế thì lại càng lạ nữa, Nusswan tự nhủ, trí tưởng tượng của ông bắt đầu lang thang mơ mộng. Bạn trai chăng? Ở tuổi bốn hai, Dina vẫn vô cùng hấp dẫn. Hầu như vẫn xinh đẹp như cách đây hai chục năm, khi nó cưới anh chàng Rustom nghèo khổ, xấu số nọ. Xấu số từ đầu đến chân. Cả bề ngoài, tiền tài, lẫn tuổi tác…
Nusswan ngừng nghĩ, mắt ngước lên đăm đăm nhìn trần nhà, và lần lượt vỗ lên hai má bằng đầu ngón tay phải một cách thành kính, để cầu cho em rể được an nghỉ. Ông không có ý muốn nói xấu người quá cố. Buồn làm sao, cái chết của anh ta. Nhưng đó cũng là một cơ hội thứ hai mà Ông Trời cho Dina để sửa sai, tìm một người chồng xứng đôi vừa lứa hơn. Giá mà nó chịu nắm lấy cơ hội đó.
Kinh khủng thay là lòng kiêu hãnh, và quan niệm kì quặc của nó về tự do. Làm quần quật như nô lệ để kiếm mấy đồng còm, khiến cả gia đình xấu mặt. Và mới đây nhất là thất bại với công ty xuất khẩu. Dần dần, ông đã học cách để mặc cho da mình dày mãi lên. Nhưng rũ bỏ cảm giác hổ thẹn vẫn dễ hơn từ bỏ ý thức trách nhiệm của mình. Nó vẫn là em gái ông, ông phải làm những gì tốt nhất cho nó.
Rõ phí phạm, ông thầm nghĩ, phí phạm cuộc đời. Cứ như xem một vở bi kịch. Có điều, thay vì ba tiếng, nó đã kéo dài gần ba thập kỉ – gia đình xa cách, Xerxes và Zarir lớn lên thiếu vắng tình yêu thương chăm sóc của dì Dina, nó hầu như không gặp mặt hai thằng cháu. Bao nhiêu nỗi buồn, bao nhiêu khổ đau.
Nhưng có lẽ vẫn còn cơ hội cho một kết thúc vui vẻ. Còn gì tuyệt vời hơn là gia đình lại được đoàn viên hạnh phúc như xưa. Rồi cũng sắp đến lúc chính ông có cháu nội. Nếu Dina đã chối bỏ quyền làm dì, giờ nó có thể trở thành bà trẻ.
Và người đàn ông trẻ tuổi đi cùng nó hôm nay, bạn trai nó. Nếu hai người nghiêm túc và làm đám cưới, tuyệt vời quá. Kể cả nếu anh chàng đó chỉ mới ba mươi, anh ta cũng phải tự thấy mình may mắn vì có được Dina – một nhan sắc chim sa cá lặn đến độ có thể làm lu mờ những cô gái chỉ bằng nửa tuổi đời.
Phải, chính là chuyện đấy – nó muốn giới thiệu anh chàng ấy và nhận được sự chấp thuận từ phía anh trai. Nếu không, nó lôi người ta đến làm gì? Về khác biệt tuổi tác đôi bên, có lẽ không cần phản đối làm gì, Nusswan ngập ngừng quả quyết. Sống giữa thời hiện đại này, người ta phải nghĩ thoáng đi một chút. Được, ông sẽ chúc phúc cho họ, thậm chí là bao luôn cả cái đám cưới thứ nhì này nữa. Miễn chi phí phải chăng – một trăm khách, hoa trang trí vừa đủ, một ban nhạc nhỏ…
Bận nghiền ngẫm cả một đời người, suy tư, tiếc nuối, hoài nhớ, Nusswan tưởng như đã đi qua hàng thế kỉ kể từ khi sự xuất hiện của hai người kia được thông báo. Ông xem đồng hồ – mới chưa được năm phút. Ông áp mặt đồng hồ lên tai: nó vẫn chạy. Đáng kinh ngạc thay, cái khả năng thông đồng của thời gian và trí não trong những trò bịp của chúng.
Ông sai người truyền tin lập tức dẫn hai vị khách vào. Ông muốn tiếp diễn trong đời thực bữa tiệc mừng mà ông đã khai mở trong tưởng tượng.
“Sao cơ?” Dina kêu lên với người truyền tin. “Nhanh thế ư?” Cô thì thầm với Maneck: “Thấy không, chưa gì cháu đã đem may mắn đến cho chúng ta rồi. Bác ấy chưa bao giờ gọi dì vào nhanh đến thế.”
Nusswan đứng dậy và kéo thẳng cổ tay áo, sẵn sàng mở ra một lời chào nồng nhiệt dành cho anh chàng sắp được trở thành em rể mình. Khi ông trông thấy tuổi trẻ của Maneck bước vào căn phòng, đầu gối ông cơ hồ nhũn ra. Đứa em gái điên rồ của ông vẫn chứng nào tật nấy! Ông bấu chặt lấy mép bàn, tím tái trước viễn cảnh nhục nhã và tai tiếng trong họ hàng xóm giềng.
“Anh sắp trở thành dân Âu đấy ư, Nusswan? Hay anh bị ốm?” Dina hỏi.
“Anh khỏe, cảm ơn cô,” ông lạnh lùng đáp.
“Chị Ruby với các cháu thế nào?”
“Đều khỏe cả.”
“Tốt. Em rất tiếc phải làm phiền anh khi anh đang bận.”
“Không sao.” Bước chân vào văn phòng này chưa được hai giây, vậy mà nó đã kịp làm người ta điên máu. Đúng là chỉ có ngu mới nuôi hi vọng. Phàm việc gì dính dáng đến Dina, đừng hi vọng gì trước là tỉnh táo hơn cả. Ông sẽ không chi cho cái đám cưới này dù chỉ một xu. Nếu tảo hôn là tai họa khủng khiếp của thời xưa, thì đám cưới trẻ conlấy-người lớn lại là bệnh điên của thời hiện đại. Ông không muốn dính dấp một tí ti gì cái của ấy hết. Trong khi bác sĩ dặn ông phải để ý đến huyết áp, phải bơn bớt các vụ mua bán trên Thị trường chứng khoán đi – thì đây, em gái của chính ông, luôn có mặt để góp phần mình hòng rút ngắn tuổi thọ của ông.
“Ấy, em vô ý quá,” Dina nói. “Chuyện trò quên cả giới thiệu. Maneck, đây là bác Nusswan, anh trai dì.” “Bác có khỏe không ạ?” Maneck nói.
“Ra… rất vui được gặp cậu.” Bắt tay xong, Nusswan ngã phịch xuống ghế. Một chiếc máy chữ gõ sầm sập ở phòng bên. Quạt trần nhè nhẹ quay nhát gừng. Bên dưới cục chặn giấy, xấp giấy vỗ lật phật như một con chim gặp nạn.
“Maneck đã nghe em kể rất nhiều về anh,” Dina nói, “và em muốn hai người gặp nhau. Cậu ấy đến ở với em từ mấy tháng trước.”
“Ở với em?” Em gái ông đã hóa điên thật rồi! Nó nghĩ nó đang ở đâu, Hollywood chắc?
“Vâng, ở với em. Thế khách trọ còn có thể làm gì khác nữa?”
“Ô phải! Dĩ nhiên! Còn làm gì khác được?” Nỗi sung sướng quá lớn lao, cơ hồ không thể chịu nổi. Ông muốn khuỵu ngã. Ôi, đội ơn Thượng Đế! Cứu rỗi! Đội ơn Thượng Đế Chí Tôn!
Thế rồi, ẩn sau ánh nắng và dải cầu vồng vừa lóe rạng phía cuối chân trời, Nusswan bỗng nhìn ra bô phân dành cho mình: sẽ không có đám cưới nào hết. Ông cảm thấy như bị lừa. Đúng kiểu của nó. Tàn nhẫn, vô cảm, lừa ông nuôi hi vọng hão. Thử nghĩ xem, chỉ mới cách đây vài phút thôi, ông đã thành thực vui mừng thay cho nó thế nào. Thế mà, một lần nữa, nó lại giễu cợt ông.
“Giá cả tăng ghê quá,” cô nói. “Em không kham nổi, nên phải cho thuê phòng. Em thật may mắn vì tìm được một cậu bé ngoan ngoãn như Maneck.”
“Phải, dĩ nhiên. Rất vui được gặp cháu, Maneck. Mà cháu làm ở đâu nhỉ?”
“Làm ư?” Dina cáu kỉnh nói. “Nó mới mười bảy tuổi, nó còn đang học đại học.”
“Vậy cháu học ngành gì?”
“Điện lạnh và điều hòa nhiệt độ.”
“Lựa chọn sáng suốt đấy,” Nusswan gật gù. “Trong thời đại hiện nay, chỉ có một nền giáo dục kĩ thuật mới giúp cháu tiến xa được. Tương lai phụ thuộc vào công nghệ và hiện đại hóa mà.” Dùng lời nói để lấp đầy những khoảng im lặng là một cách để chống lại những xáo động cảm xúc mà cô em gái đã làm bùng nổ trong tâm can ông. Những từ ngữ rỗng tuếch cần tuôn ra để cuốn đi cảm giác xuẩn ngốc ông đang có.
“Phải, đất nước ta đã bị tụt hậu quá lâu bởi những hệ tư tưởng lỗi thời. Nhưng thời đại của chúng ta đã đến. Những đổi thay ngoạn mục đang diễn ra. Và công đầu thuộc về thủ tướng. Một tinh thần phục hưng đích thực.”
Dina không ngại nghe ông anh thao thao bất tuyệt, cô mừng vì chí ít chuyện cưới xin vẫn chưa bị bới ra. “Em có một khách trọ, nhưng lại vừa mất hai thợ may,” cô nói.
“Tiếc quá,” Nusswan nói, thoáng rối trí vì bị ngắt lời. “Cái chính là, nay chúng ta đã có những chính sách thực dụng để thay cho những học thuyết vô nghĩa. Chẳng hạn, vấn nạn nghèo đói đang được xử lý quyết liệt. Tất cả các khu ổ chuột xấu xí và xóm lều lán bẩn thỉu đang được xóa bỏ. Chàng trai trẻ, cháu vẫn chưa đủ già để nhớ thành phố này đã từng tuyệt vời thế nào đâu. Nhưng may nhờ có vị lãnh tụ nhìn xa trông rộng của chúng ta và Chương trình cải tạo mĩ quan, nó sẽ được khôi phục để trở về với vẻ huy hoàng một thời. Đến lúc đấy, cháu sẽ thấy và sẽ biết trân trọng.”
“Em vẫn hoàn thiện được lô váy vừa rồi, nhờ có Maneck giúp,” Dina xen vào. “Thằng bé làm việc chăm chỉ lắm, lúc nào cũng ở bên cạnh em.”
“Rất tốt,” Nusswan nói. “Thế là rất tốt.” Âm thanh giọng nói của chính mình đã khiến ông trở nên ba hoa xích tốc như thường lệ. “Những con người có học, chăm chỉ như Maneck là thứ chúng ta cần. Chứ đâu phải hàng triệu kẻ ngu dốt, lười biếng. Và chúng ta còn cần kế hoạch hóa gia đình nghiêm ngặt. Những lời đồn đại về triệt sản cưỡng bức đâu có giúp ích được gì. Hẳn hai người đã được nghe những chuyện ngớ ngẩn đấy rồi.”
Dina và Maneck nhất tề lắc đầu.
“Có lẽ do bọn CIA tuyên truyền – chúng bảo dân ở các làng mạc xa xôi đang bị tróc khỏi nhà để làm triệt sản cưỡng bức. Dối trá. Nhưng cứ theo ý anh, thì kể cả lời đồn đó là đúng, thì phỏng có gì sai, trong hoàn cảnh vấn đề dân số bức bối như thế này?”
“Như thế chẳng phải là thiếu dân chủ sao, khi dám cắt xẻo thân thể người ta mà không được họ cho phép?” Maneck hỏi, với tông giọng tỏ ý hoàn toàn đồng tình hơn là thách thức.
“Cắt xẻo, ha ha ha,” Nusswan nói, ra điều ta đây bậc chú bác và sẵn lòng coi đó là một câu đùa cợt khéo léo lắm. “Tất thảy đều có liên quan cả đấy. Kể cả trong hoàn cảnh lý tưởng nhất, dân chủ là một chiếc bập bênh giữa hỗn loạn tuyệt đối và lộn xộn ở mức chấp nhận được. Cháu thấy đấy, muốn làm món ốp lết dân chủ, cháu phải đập vỡ vài quả trứng dân chủ. Để chống lại chủ nghĩa phát xít và các thế lực xấu xa khác đang đe dọa đất nước ta, chẳng có gì sai trái nếu áp dụng những biện pháp mạnh. Nhất là khi bàn tay ngoại bang luôn nhúng vào, hòng làm nước ta mất ổn định. Cháu không biết bọn CIA đang ra sức phá hoại Chương trình kế hoạch hóa gia đình của chúng ta ư?”
Maneck và Dina lại đồng loạt nhịp nhàng lắc đầu, vẫn với khuôn mặt nghiêm trang. Trong cử chỉ ấy có nét gì đó giễu cợt cực kì tinh vi.
Nusswan săm soi họ vẻ hoài nghi rồi tiếp lời. “Chuyện là thế này, bọn điệp viên CIA đang cản trở các lô hàng thiết bị kiểm soát sinh sản và kích động các cộng đồng tôn giáo gây rối. Giờ hai người đã đồng ý rằng các biện pháp Tình trạng khẩn cấp là cần thiết để chống lại những nguy cơ như vậy chưa?”
“Có lẽ vậy,” Dina nói. “Nhưng em nghĩ chính phủ nên cho phép người vô gia cư ngủ trên vỉa hè. Như thế, hai thợ may của em sẽ không biến mất và em cũng chẳng phải đến đây quấy quả anh.”
Nusswan giơ ngón tay trỏ lên và lúc lắc nó như một cây cần gạt nước đang làm việc tích cực thái quá. “Những kẻ ngủ trên vỉa hè gây ảnh hưởng xấu đến toàn ngành. Mới tuần trước, một người bạn của anh đã nói – anh ấy là giám đốc một công ty đa quốc gia, xin nói để hai người biết, chứ không phải một doanh nghiệp ba xu vớ vẩn nào đấy đâu nhé – anh ta nói rằng chí ít hai triệu người đang bị thừa ra so với nhu cầu, chúng nên bị loại bỏ.”
“Loại bỏ?”
“Phải. Tiêu diệt ấy mà. Tính bọn chúng vào số liệu thống kê thất nghiệp hết năm này qua năm khác chả đưa chúng ta tới đâu, chỉ làm cho số liệu thành ra thảm hại. Mà nói cho cùng, sống như bọn chúng phỏng có ra hồn người không? Chúng chỉ lê la cống rãnh, ngẩn ngơ như một đám thây ma.
Cho chúng chết mới là nhân đạo đấy.”
“Nhưng có thể loại bỏ họ bằng cách nào được ạ?” Maneck gặng hỏi, cố dùng giọng tôn kính, dễ nghe nhất.
“Dễ lắm. Có một cách là phát cho chúng thức ăn miễn phí có trộn thạch tín hoặc xyanua, loại nào rẻ hơn thì chọn loại ấy. Các xe tải có thể chạy quanh những đền đài và các địa điểm nơi chúng hay tập trung để xin ăn.”
“Có nhiều doanh nhân nghĩ như thế không?” Dina tò mò ướm hỏi.
“Nhiều người trong số bọn anh đều nghĩ thế, nhưng tới nay bọn anh vẫn chưa có can đảm nói ra. Dưới Tình trạng khẩn cấp, mọi người có thể tự do phát biểu suy nghĩ của mình. Đó là một điểm ưu việt khác của nó.”
“Nhưng báo chí đang bị kiểm duyệt đấy thôi,” Maneck nói.
“À phải, phải,” Nusswan kêu lên, rốt cuộc cũng lộ vẻ mất kiên nhẫn. “Thế thì có gì mà ghê gớm? Chẳng qua chính phủ không muốn xuất bản bất cứ thứ gì có thể gây hoảng loạn trong công chúng thôi. Chỉ là tạm thời thôi – nhờ vậy những điều dối trá có thể được ngăn chặn và nhân dân sẽ dần lấy lại lòng tin. Những bước đi như vậy là cần thiết để bảo toàn cấu trúc dân chủ. Làm sao quét quáy cho sạch được, nếu không dám làm bẩn cây chổi mới?”
“Cháu hiểu rồi,” Maneck nói. Câu ví von kì quặc bắt đầu khiến cậu ngứa ngáy, nhưng cậu lại chẳng sở hữu chút lý lẽ nào khả dĩ để châm ngòi cho dù chỉ một pha phản kích khiêm tốn. Giá mà Avinash có ở đây. Cậu ấy sẽ chỉnh đốn lão đần này ra trò. Cậu ước sao mình đã để tâm hơn khi Avinash nói chuyện chính trị.
Vẫn còn trăn trở với câu châm ngôn trước đó, về việc đập vỡ vài quả trứng dân chủ để làm món ốp lết dân chủ, Maneck cố xào xáo ra một công thức khác bằng cách đảo đi đảo lại giữa dân chủ, chuyên chế, chảo rán, lửa, gà mái, trứng luộc kĩ và dầu rán. Cậu nghĩ mình đã nghĩ ra một câu: Món trứng ốp lết dân chủ không thể được làm từ những quả trứng dán nhãn dân chủ nhưng lại được sinh ra bởi một con gà mái chuyên quyền. Không, lủng củng quá. Vả lại, khoảnh khắc đáp trả đã qua rồi còn đâu.
“Điều quan trọng,” Nusswan nói, “là phải công nhận những thành tựu cụ thể của Tình trạng khẩn cấp. Giờ giấc quy củ đã được khôi phục trong hệ thống đường sắt. Và như anh bạn giám đốc của anh nói, quan hệ liên ngành đã có sự cải thiện đáng kể. Ngày nay, anh ấy có thể gọi cảnh sát chỉ trong một giây, để bắt giữ bọn gây rối của công đoàn. Chỉ cần được tẩm ướp cẩn thận vài trận ngoài bót là chúng nhũn như chi chi ngay. Bạn anh nói năng suất đã tăng vọt. Và ai được hưởng lợi từ đó? Công nhân. Dân thường. Ngay cả Ngân hàng thế giới và IMF cũng ghi nhận những thay đổi đó. Giờ họ đang đề nghị cho nước ta vay thêm đấy.”
Giữ một khuôn mặt nghiêm trang hết mức có thể, Dina cất lời: “Anh Nusswan, em có thể thỉnh cầu một việc được không?”
“Dĩ nhiên là được.” Ông tự hỏi lần này sẽ là bao nhiêu – hai hay ba trăm rupi?
“Về kế hoạch trừ khử hai triệu người ấy. Anh làm ơn nói khó với các bạn làm ăn và các vị giám đốc của anh là đừng đầu độc thợ may nào, có được không? Vì thợ may hiện nay đã khó kiếm lắm rồi.”
Maneck kịp kìm nén trận cười trước khi nó bung ra. Nusswan đã nhận thấy những nỗ lực đó của đám cơ mặt, bởi ông nói với cô, giọng ghê tởm: “Nói chuyện nghiêm túc với cô chỉ phí lời. Anh thật không hiểu tại sao mình phải nhọc sức như thế.”
“Cháu thích nghe lắm ạ,” Maneck nghiêm nghị nói.
Nusswan có cảm giác như bị phản bội – trước là cô em gái, nay lại đến thằng nhóc kia. Ông tự hỏi không hiểu mình còn bị giễu cợt phỉ báng đến mức độ nào khi hai người bọn họ chỉ còn lại một mình với nhau.
“Em cũng rất thích,” Dina nói. “Đến văn phòng của anh là trò tiêu khiển duy nhất em đủ sức trang trải, anh biết thừa rồi con gì.”
Vừa trợn mắt nhìn, ông vừa bắt đầu xào xáo các loại giấy tờ trên bàn làm việc. “Nói xem cô cần gì rồi để cho anh yên. Anh còn nhiều việc phải làm lắm.”
“Cẩn thận đấy, anh Nusswan, lông mày của anh đang tập thể dục bài gì nhìn lạ lắm.” Dina quyết định không dồn ép vận may của mình thêm nữa, và đi vào việc chính. “Em chưa bỏ công việc may xuất khẩu đâu. Sớm muộn gì em cũng tìm được thợ mới. Nhưng từ giờ đến lúc đó em không thể nhận thêm đơn hàng nữa.”
Giây phút xin xỏ, giây phút cô căm ghét, không trở nên dễ nuốt hơn tí nào dù được mào đầu bằng vài câu giải thích ngắn về tình hình hiện tại hay thái độ cao ngạo. “Hai trăm rưởi là đủ để em cầm cự qua tháng này.”
Nusswan bấm chuông gọi người truyền tin, và ghi một tờ phiếu xuất tiền. Dina và Maneck được đãi mắt bằng một màn thư pháp dữ dội, đầu bút điên cuồng rạch ngang tờ giấy. Ông gạch nét ngang của các chữ t và chấm các chữ i bằng những nhát bạo liệt, như muốn ganh với chiếc máy chữ đang bị nã đạn ở phòng bên.
Người truyền tin mang tờ phiếu ra cho viên thủ quỹ ngồi ở phòng cuối hành lang. Chiếc quạt trần cũ kĩ nặng nhọc quay, chẳng khác nào một nhà máy nhỏ ồn ào. Lắm tiền như thế, Dina nghĩ bụng, mà sao anh ta vẫn chưa chịu lắp điều hòa ở đây nhỉ. Cô đưa mắt xuống, dán vào con dao rọc giấy cán gỗ đàn hương được gài một cách tinh vi bên trong chiếc phong bì mở nửa. Anh chàng truyền tin mang tiền đến và lui ra.
Nusswan dợm giọng: “Tất cả những việc này sẽ chẳng còn cần thiết nữa giá như…” Ông liếc sang Dina, nhưng không tài nào chạm được đôi mắt đang nhìn xuống của cô, rồi đến Maneck, và bỏ lửng ý nghĩ. “Đây,” ông chìa xấp tiền ra.
“Cảm ơn anh,” cô nhận lấy, mắt vẫn nhìn lảng đi.
“Không có gì.”
“Em sẽ gửi trả anh ngay khi có thể.”
Ông gật đầu, nhặt con dao rọc giấy lên, và mở nốt chiếc phong bì.
“Ít ra hôm nay bác ấy cũng tha không tặng dì bài diễn văn yêu thích, nhờ có Tình trạng khẩn cấp đấy,” Dina nói khi hai người xuống xe buýt. “Thế là dì mừng rồi. ‘Tái hôn thì có gì xấu đâu?’” Cô nhại giọng kẻ cả. “‘Em vẫn còn xinh đẹp lắm, anh đảm bảo sẽ tìm được cho em một tấm chồng tử tế.’ Cháu không tưởng tượng nổi bác ấy đã nói câu đấy với dì bao nhiêu lần rồi đâu.”
“Nhưng cháu cũng nghĩ thế mà dì,” Maneck nói. “Đấy là chuyện duy nhất cháu đồng tình với anh trai dì. Dì rất xinh đẹp.”
Cô đập vào vai cậu. “Cháu ở phe nào thế?”
“Phe sự thật và sắc đẹp,” cậu trịnh trọng tuyên bố. “Nhưng những lúc Nusswan và mấy ông doanh nhân bạn của bác ấy tụ tập và ba hoa với nhau chắc buồn cười phải biết.”
“Cháu biết dì nhớ ra chuyện gì không, lúc còn ở văn phòng của bác ấy đấy? Lúc bác ấy còn bé. Bác ấy toàn bảo là mình sẽ trở thành một thợ săn thú dữ, rồi vẽ vời những thứ kiểu như giết báo và sư tử. Hay vật nhau với bọn cá sấu, như Tarzan ấy. Đến một hôm, một con chuột nhắt lẻn vào phòng, bà giúp việc bèn bảo, cậu chủ xem kìa, có một con hổ dữ lắm, cậu mau giết nó đi. Thế là Nusswan cuống cuồng chạy đi, mồm bai bải gọi mẹ.”
Cô xoay chìa trong ổ khóa. “Nay bác ấy lại còn đòi tiêu diệt những hai triệu người kia đấy. Cái thói ăn nói khoa trương mãi không sửa được.”
Họ bước vào nhà và đập vào mắt họ là hai chiếc máy may câm lặng. Tràng cười của họ bỗng thành ra lạc lõng; nó nhanh chóng xìu dần rồi dứt hẳn.
Cân Bằng Mong Manh Cân Bằng Mong Manh - Rohinton Mistry Cân Bằng Mong Manh