Đôi khi, những thành quả tuyệt vời lại xuất phát từ những thất bại sớm gặp phải.

Thomas H. Huxley

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 65
Cập nhật: 2023-03-26 21:25:55 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5: Kế Hoạch “Tháp Bảo Sơn” Của Lâm Bưu
ế hoạch đảo chánh lật đổ Mao Trạch Đông do chính Lâm Bưu soạn thảo lấy một mình. Ngay cả khi bốn tướng thuộc hạ được thông báo quyết định của Lâm Bưu muốn đảo chánh giết Mao Trạch Đông, không ai biết Lâm Bưu sẽ dùng phương pháp gì để đạt được mục tiêu. Nhưng khi Lâm Bưu tiết lộ kế hoạch cho Diệp Quần và bốn tướng thuộc hạ Hoàng Vĩnh Thắng, Ngô Pháp Hiến, Lý Tác Bằng và Khâu Hộ Tác thì tất cả đều tán thành ngay, và công nhận đó là một diệu kế.
Lâm Bưu đã cân nhắc rất nhiều ý kiến khác nhau trước khi đi đến quyết định cuối cùng. Vấn đề nan giải là: một cuộc đảo chánh thu hẹp sẽ không bao giờ tạo được sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng, cần thiết để đưa cuộc đảo chánh tới thành công, trong khi một cuộc hành quân rộng lớn thì khó che giấu được tai mắt của Mao Trạch Đông. Lâm Bưu hy vọng không những giết được Mao, mà còn đảm bảo được quyền kiểm soát của mình trên toàn lãnh thổ Trung Hoa sau đó.
Lâm Bưu biết chắc có thể huy động quân đội cần thiết để kết liễu Mao. Nhưng sau đó Lâm Bưu sẽ phải đặt quốc gia dưới một chế độ độc tài quân phiệt trong một thời gian. Trong trí tưởng tượng phong phú, Lâm Bưu chợt thấy rằng một cuộc đụng độ với Nga Sô là một hoàn cảnh lý tưởng cho cuộc đảo chánh lật đổ Mao. Sự đụng độ giữa quân Nga Sô và quân Trung Cộng phải đủ mạnh để Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai tin rằng Nga Sô và Trung Cộng sắp sửa có chiến tranh thực sự, nhưng thực ra chỉ cần một cuộc phục kích tại biên giới cũng đủ gây ra được một tình trạng như thế. Chỉ trong hoàn cảnh như thế Lâm Bưu mới có thể sử dụng hết sức mạnh quân sự của mình mà không bị nghi ngờ.
Cuối cùng Lâm Bưu thảo ra được hai kế hoạch chiến thuật. Theo kế hoạch thứ nhất thì quân đội Trung Cộng sẽ gây hấn với Nga Sô trước. Các cuộc xung đột giữa quân biên phòng hai nước vẫn thường xảy ra, đặc biệt là tại biên giới các tỉnh Hắc Long Giang và Tân Cương. Tuy nhiên những vụ đụng chạm này không dữ dội lắm. Trước kia có lần Lâm Bưu muốn gia tăng uy tín và địa vị của mình tại đại hội đảng lần thứ 9, nên đã ra lệnh cho quân trú phòng tại Tân Cương pháo kích sang lãnh thổ Nga Sô, trong lúc một số đông sĩ quan Nga đang tụ họp. Quân trú phòng Nga Sô ngạc nhiên, nhưng cũng trả đủa lại rất dữ dội. Mao vội cho mời Lâm Bưu vào Cấm Thành để bầy tỏ mối lo ngại về viễn tượng một cuộc xung đột với Nga Sô. Mao tuy chống Nga Sô, thách đố sự lãnh đạo cộng sản thế giới của Nga Sô, nhưng lại rất e ngại một sự xung đột quân sự với Nga Sô, vì Mao hiểu rằng bộ máy chiến tranh của Nga Sô quá hùng mạnh.
Tuy cảnh cáo Lâm Bưu về viễn tượng xung đột với Nga Sô, nhưng đồng thời Mao Trạch Đông cũng căn dặn Lâm Bưu phải chuẩn bị chiến tranh. Lập tức Lâm Bưu cho thiết lập một tổ chức báo động khắp toàn quốc, để sẵn sàng đối phó với một tình trạng khẩn cấp. Ngay Mao cũng ngạc nhiên trước hành động mau lẹ của Lâm Bưu, nhưng biến cố này cho Lâm Bưu một cơ hội tập dượt trước, và tự tin có thể áp dụng quyền hạn của mình trong trường hợp khẩn cấp thực sự, hoặc trong trong trường hợp khẩn cấp giả tạo khi phải đảo chánh để giết Mao. Giai đoạn kế tiếp là sắp đặt một cuộc phục kích giả tạo vào quân Trung Cộng tại biên giới, bằng chính pháo binh của Trung Cộng.
Kế hoạch thứ hai của Lâm Bưu đòi hỏi nhiều thời gian sửa soạn hơn, và cần có một sự móc nối với Nga Sô trước, và sẽ có đền ơn cho người Nga sau này, nếu Nga Sô hợp tác gây chiến theo kế hoạch của Lâm Bưu. Lâm Bưu ưa thích kế hoạch thứ hai hơn.
Một hôm Lâm Bưu cho gọi tướng Hoàng Vĩnh Thắng, tổng tham mưu trưởng, vào dò hỏi ý kiến. Hai người gặp nhau trong một căn phòng đặc biệt, nối liền với biệt thự của Lâm Bưu, toạ lạc trên một trong những ngọn đồi đẹp đẽ nhất của vùng phía tây Bắc Kinh. Đây là một căn phòng rộng, trải một tấm thảm cực kỳ sang trọng xa hoa, mầu đỏ và vàng, phủ kín khắp căn phòng. Tấm thảm này trị giá hai trăm ngàn đô la, là một món quà của bộ quốc phòng và Quân ủy hội tặng Lâm Bưu, trong dịp kỷ niệm mười lăm năm Lâm Bưu được phong chức thống chế.
Tuy nhiên điểm nổi bật nhất trong căn phòng không phải là tấm thảm đẹp đẽ sang trọng này, mà là chiếc sa bàn vĩ đại, lớn bằng sáu chiếc bàn pinh pông ghép lại, và bao gồm nhiều bộ phận bằng điện tử. Lâm Bưu chỉ cần bấm vào một cái nút điện thì sa bàn sẽ phô diễn những trận đánh giả giữa Trung Cộng, Nga Sô, Nhật, Hoa Kỳ tại bất cứ vùng nào tại Trung Hoa hay trên thế giới. Người ta cũng có thể biết được những tài liệu về số lượng và loại phi cơ sẵn sàng được sử dụng, mục tiêu của các phi cơ, các đường bay của phi cơ và thời gian bay cần thiết.
Buổi họp hôm ấy giữa Lâm Bưu và Hoàng Vĩnh Thắng tập trung vào khu vực Hà Bắc và Mãn Châu và các vùng phụ cận, nghĩa là khu vực giáp giới với Nga Sô. Các quân khu chính yếu hiện lên sa bàn là các đại quân khu Bắc Kinh và Thẩm Dương, cũng như lực lượng của Nga sô tại vùng Khabarovsk và vùng hồ Baikal và Mông Cổ. Các đạo quân tham gia trận đánh giả này bao gồm những quân đoàn dã chiến Trung Cộng, những sư đoàn chiến xa, không quân, những đơn vị không vận cùng với lục lượng hải quân. Sau khi trình bầy những diễn biến tưởng tượng của một cuộc xung đột Nga-Hoa giả tưởng, Lâm Bưu nói với một giọng đầy tự tin:
“Khi Brezhnev ra lệnh, lực lượng pháo binh Nga sẽ pháo kích các vị trí tiền đồn của ta tại miền bắc, chiến xa Nga sẽ tràn qua biên giới, theo sau là bộ binh. Cuộc tấn công đến bất thình lình. Các phi cơ Mig của Nga sẽ oanh tạc các cơ sở quân sự của ta. Các tiềm thuỷ đỉnh của Nga cũng xuất hiện ngoài khơi Đại Liên và phóng hoả tiễn vào các hải cảng của Trung Quốc. Điều mà Mao Trạch Đông e ngại nhất từ lâu nay cuối cùng sẽ xảy ra. Nhưng nhà lãnh tụ vĩ đại của Trung Quốc sẽ không khi nào chịu đầu hàng. Bởi vì Mao đã có ta, một tư lệnh vô địch, một viên tướng nổi danh khắp thế giới. Mao sẽ tạm quên mối bất hoà giữa ta và hắn, để cho ta lãnh đạo cuộc chiến tranh. Mao sẽ phải chăm chú nghe lời khuyên của ta. Ta sẽ cho Mao biết rằng vùng đông bắc sẽ bị đe dọa nghiêm trọng, bởi vì Nga Sô sẽ tiến công Bắc Kinh. Ta sẽ khuyên Mao hãy tạm lánh vào các công sự đặt trong Tháp Bảo Sơn.”
“Trong khi tại bộ chỉ huy ngay gần đấy, ta và các cố vấn quân sự của ta điều khiển cuộc chiến đấu. Trong lúc ấy từ nơi trú ẩn an toàn tại Tháp Bảo Sơn, Mao Trạch Đông sẽ quan sát diễn biến của cuộc chiến. Cũng giống như những gì chúng đã làm trong cuộc nội chiến trong thập niên 1940, Mao và Chu Ân Lai sẽ tha hồ thảo luận về chiến lược chiến thuật với nhau, và sẽ nóng lòng chờ tin chiến thắng của hồng quân Trung Quốc. Nhưng cả hai sẽ không bao giờ ngờ rằng chẳng bao giờ có chiến thắng cả, và tương lai của chúng sẽ là một cái chết không vinh dự gì.”
Đến đây Lâm Bưu hạ thấp giọng, “Người của ta sẽ chặn lối ra của đường hầm của công sự đặt trong Tháp Bảo Sơn. Trước khi Mao có thời giờ tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra thì bom hơi ngạt đã làm cho Mao tắt thở rồi. Xác Mao sẽ mau chóng trở thành tro bụi. Đó là kế hoạch Tháp Bảo Sơn của ta.”
Hoàng Vĩnh Thắng ngồi chăm chú nghe Lâm Bưu nói. Họ Hoàng có vẻ cảm phục lòng tự tin tuyệt đối của Lâm Bưu. Lâm Bưu nói y như là những diễn biến đó sắp xảy ra như thực. Tuy vậy trong nhiều năm làm tham mưu trưởng, Hoàng Vĩnh Thắng luôn quan tâm đến sự nguy hiểm và những khó khăn. Họ Hoàng đưa ra rất nhiều câu hỏi, nhưng Lâm Bưu đã có sẵn các câu trả lời, đánh tan mọi lo ngại của Hoàng Vĩnh Thắng.
Hoàng Vĩnh Thắng hỏi Lâm Bưu về những tổn thất có thể xảy ra, thì Lâm Bưu cho biết sự tổn thất của Nga Sô có thể vào khoảng từ hai trung đoàn đến một sư đoàn, và sự tổn thất về phía Trung Cộng sẽ cao hơn. Nhưng nếu tất cả diễn tiến tốt đẹp thì chỉ cần ba tuần lễ là hoàn thành được cuộc đảo chánh. Lâm Bưu cầm một thanh kiếm đâm vào sa bàn và hỏi, “Phải chăng đây chẳng phải là một cuộc thao diễn hỗn hợp hay sao? Nếu đạt được kết quả thì sự tổn thất có đáng quan tâm không?”
Đến đó Hoàng Vĩnh Thắng bầy tỏ sự bi quan về mệnh lệnh tấn công ngay chính quân của mình. Lâm Bưu trả lời Hoàng Vĩnh Thắng không cần phải đi qua hệ thống quân sự thông thường. Lâm Bưu cho rằng quân khu biên giới có thể sửa soạn phòng ngự và phải có một kế hoạch trả đủa. Lâm Bưu sẽ có cách làm cho quân đội biên phòng phải ngỡ ngàng khó hiểu, bằng cách ra những mệnh lệnh khác hẳn nhau. Tất cả những mệnh lệnh này sẽ phục vụ cho mục tiêu tối hậu là hạ được Mao Trạch Đông. Lâm Bưu nói thêm, “Chúng ta sẽ tìm người thi hành được kế hoạch này, một người bình tĩnh máu lạnh khi đương đầu với Nga Sô. Một người có cách làm cho Nga Sô hoảng sợ.”
Hoàng Vĩnh Thắng nêu ý kiến có thể nào gây chiến mà không cần phải bắt liên lạc với Nga Sô trước hay không, và việc thương thuyết với Nga Sô có thể sắp đặt sau cuộc đảo chánh hay không. Lâm Bưu cho biết cũng đã nghĩ tới giải pháp này rồi, và cũng lo ngại không biết kết quả giải quyết vấn đề với Nga Sô sẽ ra sao. Nga Sô có thể có phản ứng lạnh nhạt, hoặc tệ hơn nữa, Nga Sô có thể mượn cơ hội này tấn công Trung Cộng thực sự luôn.
Về sau này khi bị thẩm vấn, Hoàng Vĩnh Thắng thuật lại buổi thảo luận với Lâm Bưu ngày hôm đó như sau:
“Lâm Bưu hôm đó mặc một chiếc áo choàng màu xám nhạt, đội mũ lưỡi trai và đi dép vải. Ông bước lại gần chiếc sa bàn và bắt đầu điều khiển các hoạt động phô diễn trên sa bàn. Lâm Bưu hoàn toàn say mê với những hành động này. Có lần Lâm Bưu nhận thức rằng không cần phải giới hạn hoạt động quân sự trong một cuộc xung đột với Nga Sô. Lâm Bưu nghĩ có thể khai thác hoàn cảnh để đi tới những kết quả lớn lao, vĩnh viễn và sâu rộng hơn. Sau cuộc xung đột thì Trung Cộng và Nga Sô sẽ đi đến một cuộc đình chiến thân hữu. Mạc Tư Khoa sẽ sửa soạn một đại lễ để đón tiếp nhà lãnh đạo cao cả nhất của Trung Quốc là thống chế Lâm Bưu, trong khi đó Bắc Kinh sẽ mở cửa Thiên An Môn để đón tiếp đại đồng chí Brezhnev. Lâm Bưu nói thế giới sẽ nín thở chờ đợi những gì sẽ xảy ra tiếp theo sau đó.
Lâm Bưu ước tính một triệu hai trăm ngàn quân Trung Cộng hiện đang trấn đóng tại bốn quân khu giáp giới với Nga Sô sẽ được di chuyển vào các tỉnh vùng duyên hải của Nga Sô để thiết lập các chế độ cộng sản. Việt Nam sẽ bành trướng chiếm thêm đất đai về phía Đông Nam Á – như Cam Bốt chẳng hạn. Nga Sô sẽ chuyển quân từ biên giới Trung Cộng sang Âu Châu để làm lệch cán cân quân sự thế giới. Toàn thể khối Âu Á hiện nay gồm rất nhiều nước nhỏ, sẽ trở thành một pháo đài rộng lớn và khủng khiếp của cộng sản chống lại Tây phương. Các quốc gia mới sẽ nuốt chửng những lân quốc và đưa chủ nghĩa cộng sản lan tràn khắp thế giới. Phe cộng sản sẽ dùng bom nguyên tử, quân đội xâm nhập, phá hoại đảo chánh và xâm chiếm bằng quân sự để mở rộng sự liên kết giữa Nga Sô và Trung Cộng. Như vậy cuộc đảo chánh hạ Mao Trạch Đông sẽ thay đổi lực lượng thế giới, có lợi cho phe cộng sản.
Lâm Bưu tuyên bố rằng thảm kịch của Trung Quốc nằm ngay trong sự cai trị của một con người đầy tham vọng như Mao Trạch Đông. Mao là người muốn lãnh đạo đảng cộng sản thế giới, và do đó, đã cô lập Trung Quốc giữa các quốc gia cộng sản. Như vậy Mao Trạch Đông đã dẫn Trung Quốc đi sai trật con đường cộng sản. Sức mạnh của thế giới vô sản, của quân đội cách mạng Trung Quốc, đã dùng để hăm dọa các quốc gia cộng sản khác. Quân đội Trung Quốc đã vô tình trở thành sức mạnh đồng minh của khối Bắc Đại Tây Dương, phục vụ cho các nước tư bản. Theo quan niệm của Lâm Bưu thì quân dội Trung Cộng đã trở thành một điều khôi hài và rất cần một sự lãnh đạo hướng dẫn mới.
Lâm Bưu đã long trọng tin tưởng rằng cuộc đảo chánh sẽ là một biến cố đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, làm đảo ngược và thay đổi hình ảnh suy kém, cô lập và xung khắc nội bộ. Không những quốc gia cổ kính này sẽ xây dựng một cuộc đời mới cho mình, mà còn làm như vậy bằng sức mạnh quân sự khủng khiếp của mình.
Câu nói cuối cùng của Lâm Bưu là: “Sự liên hệ mới của ta với Nga Sô, sự chuyển tiếp từ chiến tranh tới đình chiến, từ thù nghịch sang đồng minh, từ sự móc nối bí mật tới quan hệ công khai, đòi hỏi rằng cần phải cố gắng lớn lao để thay đổi thái độ và lòng tin của quần chúng.”
Lâm Bưu nhất quyết đi theo kế hoạch thứ hai, nghĩa là móc nối tìm sự cộng tác của Nga Sô trong âm mưu đảo chánh hạ Mao Trạch Đông. Công việc kế tiếp là Hoàng Vĩnh Thắng sẽ phải tìm một điệp viên thi hành việc tiếp xúc móc nối với Nga Sô.
Cái Chết Của Lâm Bưu Cái Chết Của Lâm Bưu - Nguyễn Vạn Lý Cái Chết Của Lâm Bưu