Reading is to the mind what exercise is to the body.

Richard Steele, Tatler, 1710

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 65
Cập nhật: 2023-03-26 21:25:55 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3: Kế Hoạch 571
ột hôm Chu Vũ Trì yêu cầu được gặp Ngô Pháp Hiến để báo cáo một việc hệ trọng. Hai người giả vờ đi săn tại cùng đồi núi phía tây Bắc Kinh để tiện nói chuyện mà không bị ai dòm ngó. Trong buổi gặp gỡ này, Ngô Pháp Hiến cực kỳ kinh hoàng khi được Chu Vũ Trì cho biết Lâm Lập Quả đang âm mưu lật đổ Mao Trạch Đông. Chính Lâm Lập Quả yêu cầu Chu Vũ Trì tham gia kế hoạch ám sát Mao, được gọi là “Kế Hoạch 571.” Không những thế, Lâm Lập Quả còn cho biết đó là quyết định của Lâm Bưu.
Ngô Pháp Hiến không ngạc nhiên khi nghe nói đó là âm mưu của Lâm Bưu. Chính Ngô Pháp Hiến được chứng kiến sự rạn nứt giữa Mao Trạch Đông và Lâm Bưu trong kỳ đại hội đảng tại Lư Sơn. Trong kỳ đại hội này, Lâm Bưu đã hướng dẫn thuộc hạ ca ngợi Mao Trạch Đông. Lâm Bưu đề cập đến chức vụ tổng thống Trung Hoa còn để trống kể từ khi Lưu Thiếu Kỳ bị hạ bệ và chết trong ngục. Trước đó chính Mao Trạch Đông cho Lâm Bưu biết ý định muốn kiêm nhiệm cả chức vụ tổng thống. Vậy mà khi Lâm Bưu đứng lên đọc diễn văn ca ngợi Mao là thiên tài trong lịch sử nhân loại, là sức mạnh kết hợp đảng và chính phủ, và là người duy nhất xứng đáng nhận lãnh chức vụ tổng thống, thì Mao lập tức quay lại tấn công Lâm Bưu. Đây là nguyên văn lời ca ngợi Mao Trạch Đông của Lâm Bưu, “Mao chủ tịch là một thiên tài rất hiếm hoi, một thiên tài mà thế giới phải mất vài trăm năm và Trung Hoa phải mất vài ngàn năm mới sản sinh được.”
Mọi người ngạc nhiên khi nghe Mao lên án bất cứ ai gọi Mao là thiên tài. Kẻ nào nói như vậy chính là người giả dối và phản bội. Mao còn ra lệnh bắt giam lý thuyết gia Trần Bá Đạt. Trần Bá Đạt nguyên là bí thư của Mao, nhưng nay ngả sang phe Lâm Bưu. Mao còn bắt các tướng dưới quyền của Lâm Bưu, như Hoàng Vĩnh Thắng, Ngô Pháp Hiến, Lý Tác Bằng và Khâu Hộ Tác phải làm tự kiểm thảo. Mao quả thực nhất quyết tung ra một đòn bất ngờ, nhằm “vặt lông cánh” của phe Lâm Bưu.
Phe Lâm Bưu rất đỗi kinh ngạc. Chính Lâm Bưu vẫn tự phụ là người hiểu rõ Mao cũng phải bối rối. Bây giờ Ngô Pháp Hiến biết rõ toan tính của Lâm Lập Quả. Ông tự hỏi tại sao Lâm Bưu cho con áp dụng kế hoạch ám sát Mao, thế mà ông là người thứ ba trong nhóm Lâm Bưu mà không được bàn thảo hỏi ý kiến.
Ngày 20-3-1971, Đinh Sĩ Quý, một sĩ quan không quân tại Thượng Hải, trở về bộ tư lệnh không quân và yêu cầu gặp riêng Ngô Pháp Hiến, để báo về hoạt động phản loạn tại Thượng Hải. Viên sĩ quan này giấu kín không cho ai biết, và quyết định chỉ báo cáo cho một mình Ngô Pháp Hiến, với hy vọng sẽ được Ngô Pháp Hiến trọng thưởng vì lòng trung thành với Mao Trạch Đông của mình. Sở dĩ Đinh Sĩ Quý biết được hoạt động của nhóm Lâm Lập Quả là vì có một sĩ quan trong nhóm phản loạn của Lâm Lập Quả say mê em gái Đinh Sĩ Quý, muốn tìm cách lôi cuốn Đinh Sĩ Quý vào tổ chức với hy vọng thành công chinh phục được người đẹp nhờ tình thân với Đinh Sĩ Quý. Đinh Sĩ Quý liền tương kế tựu kế, đồng ý gia nhập nhóm Lâm Lập Quả để lấy được đầy đủ danh sách những người trong tổ chức. Đinh Sĩ Quý đem theo danh sách này về Bắc Kinh để nộp cho Ngô Pháp Hiến.
Sau khi gặp Ngô Pháp Hiến, trình bầy những bằng chứng phản loạn của tổ chức Lâm Lập Quả, và đưa cho Ngô Pháp Hiến toàn bộ danh sách những người trong nhóm Lâm Lập Quả, Đinh Sĩ Quý ra về và đêm đó ngủ trong Câu lạc bộ không quân. Đến nửa đêm, hai xe chở đầy binh sĩ bao vây câu lạc bộ và bắt viên sĩ quan trẻ tuổi ngây thơ này, còng tay và dẫn đi. Đinh Sĩ Quý bị tra khảo rất dã man, nhưng nhất định không chịu thay đổi lời khai, và cuối cùng bị hành quyết. Sau đó Ngô Pháp Hiến báo cáo về cái chết của Đinh Sĩ Quý như sau: “Đinh Sĩ Quý chống đối Mao chủ tịch, chỉ trích Bộ Chính Trị. Đối với hắn, cái chết là quá nhân đạo. Hắn là một tên phản động.”
Khi giết chết Đinh Sĩ Quý, Ngô Pháp Hiến đã ra công bảo vệ phe Lâm Bưu. Tuy nhiên họ Ngô cũng biết không thể nào che giấu âm mưu phản loạn của Lâm Lập Quả mãi được. Nếu Mao biết được thì Ngô Pháp Hiến chắc chắn không thể biện minh rằng mình không biết gì về những việc tày trời như thế xảy ra bên trong không quân. Mặt khác, nếu âm mưu này do chính Lâm Bưu chủ trương thì họ Ngô cũng không dám chống lại. Ngô Pháp Hiến cảm thấy lâm vào một thế kẹt rất nguy hiểm.
Trong lúc Ngô Pháp Hiến lo lắng tìm cách thoát khỏi cảnh tiến thoái lưỡng nan này thì phe Mao cũng có những phản ứng phòng vệ. Mao đã thay đổi nhiều chức vụ quân sự quan trọng tại quân khu Bắc Kinh. Quân khu Bắc Kinh là một quân khu trọng yếu nhất Trung Hoa, do các đơn vị thiện chiến nhất trấn đóng bảo vệ. Đó là những quân đoàn lừng danh 38, 39 và 40. Trước kia ba quân đoàn này được mệnh danh là ba con hỗ dữ của Lâm Bưu. Quân khu Bắc Kinh trước kia nằm trong tay Lâm Bưu, nhưng đến nay thì Mao đã thay thế các cấp chỉ huy cao cấp bằng người của mình.
Sau hội nghị đảng tại Lư Sơn năm 1970, Mao Trạch Đông phát động chiến dịch “chỉnh đốn” chống Trần Bá Đạt. Trần Bá Đạt bị đả kích là tên lừa đảo chính trị và bị kết tội là kẻ ủng hộ nhóm cực tả 16 Tháng 5. Tháng 12-1970, Mao họp hội nghị mở rộng của Bộ Chính Trị nhằm mục đích mở rộng chiến dịch phê phán những người thuộc phe Lâm Bưu. Mao cũng đề cử một số người của mình nắm giữ những chức vị còn để trống trong Quân Ủy; những người mới bổ nhiệm có nhiệm vụ làm suy yếu ảnh hưởng của Lâm Bưu, phó chủ tịch Quân Ủy, và Diệp Quần, người đang phụ trách hệ thống hành chánh của Quân Uỷ. Tháng 1-1971, Mao cải tổ lại quân khu Bắc Kinh. Trương Vĩ Sơn, tư lệnh quân khu, và Lý Tuyết Phong, chính ủy quân khu bị cách chức; quân đoàn 38 được coi là trung thành với Lâm Bưu bị di chuyển đi nơi khác. Tháng 4-1971, một hội nghị công tác của ban Chấp hành Trung ương được triệu tập, gồm có 99 cấp lãnh đạo chính trị và quân sự tham dự. Tại hội nghị này, Chu Ân Lai phổ biến các bản tự kiểm thảo của 5 ủy viên Bộ Chính Trị đã ủng hộ Lâm Bưu tại hội nghị đảng tại Lư Sơn, và của hai sĩ quan mới bị cách chức của quân khu Bắc Kinh.
Cuộc xung đột tại đại hội đảng Lư Sơn, các chiến dịch phê bình và tự phê bình chống lại Trần Bá Đạt và các tướng lãnh thân tín của Lâm Bưu, việc bổ nhiệm người mới vào quân khu Bắc Kinh, tất cả đã cho Ngô Pháp Hiến biết phe Lâm Bưu đang bị lâm nguy. Trong hoàn cảnh đó, Ngô Pháp Hiến nghĩ rằng Lâm Bưu cũng bắt buộc phải có cách đối phó để tránh số phận như những nhà lãnh đạo khác đã từng bị tiêu diệt khi phải đụng độ với Mao. Vì thế Ngô Pháp Hiến phân vân không biết có nên tố cáo hành động của Lâm Lâp Quả cho Mao biết không. Ngô Pháp Hiến biết rằng làm như vậy thì Lâm Bưu chắc chắn lâm nguy ngay. Họ Ngô cũng lo ngại không biết chính mình có thoát khỏi bị trừng phạt không, và sau đó liệu có lấy được lòng tin của Mao hay không. Ngô Pháp Hiến cũng hy vọng biết đâu sẽ được Mao Trạch Đông trọng thưởng, được thăng chức tham mưu trưởng, hoặc có thể trở thành bộ trưởng quốc phòng thay thế Lâm Bưu. Viễn ảnh ấy thật là hấp dẫn, nhưng Ngô Pháp Hiến chợt nhớ tới những người thân cận của Mao, như Giang Thanh, Trương Xuân Kiều và Chu Ân Lai. Những người này rất khó đối phó.
Ngô Pháp Hiến nhớ lại thời Cách mạng Văn hoá đang lộng hành. Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình bị tấn công hạ bệ. Lưu Thiếu Kỳ một sớm một chiều, từ tuyệt đỉnh danh vọng quyền thế rơi xuống một cái chết tủi nhục. Những đòn hiểm độc của các đồng chí chơi nhau thật là ác liệt và dã man khiến Ngô Pháp Hiến thấy ớn lạnh xương sống. Lại còn gương thống chế Bành Đức Hoài, một người từng sát cánh với Mao Trạch Đông từ chiến khu cộng sản đầu tiên tại Tỉnh Cương Sơn trong tỉnh Giang Tây, và sau này tại căn cứ Diên An, Bành Đức Hoài ở ngay cạnh nhà Mao Trạch Đông, làm tới chức bộ trưởng quốc phòng, mà vẫn bị Mao thẳng tay loại bỏ, để mặc chết trong bệnh viện như một tên ăn mày vô thừa nhận. Những con người như Giang Thanh thật là bí hiểm đáng sợ. Không ai biết được con cọp cái này sẽ làm gì. Biết bao nhiêu nhân vật quyền thế trong đảng đã bị bắt đi mất tích. Phe Mao biết rõ Ngô Pháp Hiến có liên hệ chặt chẽ với Lâm Bưu, và chắc chắn họ Ngô sẽ không có chỗ đứng trong hàng ngũ của Mao. Rồi Ngô Pháp Hiến buồn bã tự kết luận rằng, mình chẳng là gì cả nếu không có sự cất nhắc giúp đỡ của Lâm Bưu. Thế là Ngô Pháp Hiến quyết định phải đi theo Lâm Bưu tới cùng, dù hậu quả như thế nào. Nếu Lâm Bưu thành công thì Ngô Pháp Hiến cũng được hưởng kết quả của chiến thắng, còn hơn là phản lại Lâm Bưu mà không chắc tương lai sẽ như thế nào.
Một hôm Ngô Pháp Hiến được Lâm Bưu cho gọi vào bàn việc cơ mật. Cuộc gặp gỡ diễn ra tại bản doanh của Lâm Bưu trên một ngọn đồi về phía tây Bắc Kinh. Trước cuộc Cách mạng Văn hoá thì khu vực này dùng làm dinh thự cho mười thống chế Trung Hoa và các tướng lãnh cao cấp nhất. Nhưng về sau Lâm Bưu sử dụng khu vực này làm chỗ hội họp riêng của mình. Những toà nhà xây trên đồi, cái sau cao hơn cái trước, tượng trưng cho sự vươn lên của quyền lực. Hai toà nhà dành riêng cho Lâm Bưu nằm trên đỉnh đồi. Đây là nơi Lâm Bưu coi như lâu đài riêng của mình. Chính tại đây Lâm Bưu họp bàn với các tướng thuộc hạ, và có rất đông vệ sĩ canh phòng vô cùng cẩn mật.
Ngô Pháp Hiến hơi ngạc nhiên tại sao Lâm Bưu muốn hội họp tại bản doanh, trong lúc Lâm Bưu đang dự định đi nghỉ hè tại Bắc Đới Hà. Chính Ngô Pháp Hiến vừa sửa soạn ba phi cơ phục vụ cho chuyến đi nghỉ hè của Lâm Bưu. Một phi cơ Trident do Anh quốc chế tạo dùng để chở vợ chồng Lâm Bưu; một phi cơ Nga IL-18 để chở quân hộ tống, và một vận tải cơ dùng để chở xe hơi và các dụng cụ nặng.
Một điều làm Ngô Pháp Hiến không kém ngạc nhiên là Lâm Bưu cũng như Mao Trạch Đông, đều không thích đi lại bằng phi cơ, nhất là nơi nghỉ mát là Bắc Đới Hà chỉ cách Bắc Kinh chừng 200 dặm thôi. Vậy mà Lâm Bưu còn đòi phi cơ phải bay vòng vòng ít nhất 3 giờ trước khi hạ cánh tại phi trường Sơn Hải Quan. Ngô Pháp Hiến không dám nói lên sự ngạc nhiên của mình, nhưng cũng suy đoán có lẽ việc này có liên quan đến cuộc đảo chánh của Lâm Lập Quả.
Lâm Bưu mời Ngô Pháp Hiến ăn tối. Sau đó Lâm Bưu đưa Ngô Pháp Hiến vào phòng làm việc riêng của mình. Lâm Bưu không chịu ngồi xuống ghế, cứ đi đi lại lại trong phòng, dường như có ý chờ đợi Ngô Pháp Hiến lên tiếng trước. Cuối cùng Ngô Pháp Hiến đằng hắng và hỏi Lâm Bưu trong kỳ đại hội đảng tại Lư Sơn vừa qua, Mao chủ tịch có ý định gì. Lâm Bưu yên lặng nghe Ngô Pháp Hiến hỏi, thỉnh thoảng nhăn mặt lại. Cuối cùng Lâm Bưu lên tiếng bằng một giọng bình tĩnh:
“Ngươi nghĩ Mao chủ tịch định đối xử với ta như thế nào?”
Bị hỏi bất ngờ nên Ngô Pháp Hiến lúng túng không tìm ra câu trả lời ngay. Diệp Quần
vốn là một người rất khéo nói mà bây giờ cũng ngồi yên lặng. Cuối cùng Lâm Bưu bước thẳng lại phía Ngô Pháp Hiến và nói:
“Chủ tịch đang xét lại việc chọn người thừa kế.”
“Thưa thống chế, thống chế có chắc tin đó chính xác không?”
Lâm Bưu trả lời Ngô Pháp Hiến bằng cách gật đầu. Đến đây Diệp Quần lên tiếng:
“Mao chủ tịch đã nói vấn đề này với thống chế rồi. Chủ tịch nói không có vấn đề bất tử. Có lẽ Mao chủ tịch nghĩ rằng Lâm thống chế có thể chết trước chủ tịch, hoặc nếu không thì Lâm thống chế cũng chỉ làm chủ tịch được mười hoặc mười lăm năm là cùng. Chúng tôi nghĩ Mao chủ tịch đang tìm một người trẻ hơn, khoảng 40 hoặc 50 tuổi.”
Lâm Bưu vội vung tay ngắt lời vợ, “Đó là chuyện xảy ra trước kỳ đại hội đảng tại Lư Sơn. Bây giờ chủ tịch nhất quyết muốn ta chết trước chủ tịch. Và chủ tịch cũng muốn tất cả các ngươi cũng đi theo ta. Chủ tịch muốn chúng ta nằm xuống thành những con sư tử đá.”
Ngô Pháp Hiến hoảng hốt kêu lên, “Không thể được. Chủ tịch nói như vậy sao?”
Lâm Bưu mỉm cười lắc đầu, “Chờ chủ tịch nói như thế thì quá trễ rồi. Chúng ta phải ra tay trước. Chừng nào chúng ta còn thời giờ thì chiến thắng vẫn là của chúng ta.”
Ngô Pháp Hiến ngập ngừng, “Vậy thống chế quyết định…”
Lâm Bưu trả lời huỵch toẹt, “Danh nghĩa của Mao Trạch Đông không cần phải hủy bỏ, nhưng quyền hành của hắn cần phải tước bỏ. Tuy vậy chúng ta phải hành động mau lẹ. Chúng ta phải kiểm soát được tình hình. Chúng ta phải chấm dứt cuộc Cách mạng Văn hoá khủng khiếp trong lịch sử Trung Hoa.”
Ngô Pháp Hiến liền hỏi, “Thống chế định dùng phương tiện đặc biệt?”
Diệp Quần reo lên, “Các thiên tài đều suy nghĩ giống nhau!”
Lâm Bưu ngồi xuống ghế, hai bàn tay để trên đầu gối, nét mặt lộ vẻ đăm chiêu suy nghĩ. Lát sau Lâm Bưu nói khẽ, “Chúng ta phải hành động trước khi họ trở tay. Chúng ta có thể không giỏi chính trị, nhưng chúng ta thừa khả năng đối địch với Mao Trạch Đông bằng quân sự.”
Diệp Quần nói như để Ngô Pháp Hiến an lòng, “Chỉ là một khúc quanh của lịch sử, giống như đêm cách mạng của Nga Sô. Làm cách mạng là biệt tài của tướng quân phải không?”
Ngô Pháp Hiến không biết trả lời như thế nào. Họ Ngô hành động theo thói quen trong quân ngũ, đứng thẳng lên và tuyên thệ, “Bất cứ điều gì Lâm thống chế sai khiến tôi, tôi sẽ thi hành cho đến chết.” Câu nói đó vang lên đối với Ngô Pháp Hiến như là lời nói của một người nào khác. Họ Ngô biết mình vừa đi đến một quyết định không thể nào trở lui được nữa.
Sau đó Lâm Bưu tiếp tục thuyết phục Ngô Pháp Hiến về cách giải quyết Mao một cách gọn gàng, vì theo Lâm Bưu thì chính Mao cũng đang quyết định như vậy đối với Lâm Bưu. Có những dấu hiệu cho thấy Giang Thanh và Trương Xuân Kiều đang tìm hết cách cắt giảm quyền độc tôn quân sự của Lâm Bưu. Sự liên lạc giữa Lâm Bưu và Giang Thanh gần đây đã hết sức căng thẳng. Trước kia hai người cộng tác với nhau rất mật thiết, nhưng sau kỳ đại hội đảng tại Lư Sơn vừa qua thì Giang Thanh bí mật điều hành các chiến dịch chống Lâm Bưu. Giang Thanh đã thành công gieo những ý nghĩ nghi ngờ vào đầu óc Mao, và lôi cuốn những người bất mãn với Lâm Bưu vào phe nhóm của mình.
Về phía Mao cũng có những hành động lạ lùng. Mao thường triệu tập các tướng tư lệnh các quân khu mà không cho Lâm Bưu biết. Trong các cuộc hội họp với các tướng quân khu, Mao thường chỉ trích hai tướng Hoàng Vĩnh Thắng và Ngô Pháp Hiến là bọn thư lại bất tài. Mao còn gọi Lâm Bưu là tên thống chế tội ác, chứ không còn gọi là đồng chí như trước nữa. Trước kia Lâm Bưu thường được mời dùng bữa tối với Mao, nhưng gần đây, Lâm Bưu nhận thấy những bữa ăn tối ấy thưa hẳn đi. Mao lấy cớ kém sức khoẻ nên giảm bớt công việc để đọc sách. Nhưng Lâm Bưu biết rất rõ là Mao đang hoạt động mạnh hơn bao giờ hết, họp liên miên với các cộng sự thân tín để trao đổi tin tức và ý kiến.
Điều Lâm Bưu bực mình nhất là bị Mao lừa và sỉ nhục trong đại hội đảng tại Lư Sơn. Trước kia chính Mao thường nói với Lâm Bưu ý định rời bỏ chức vụ chủ tịch đảng để nắm chức tổng thống và chú trọng tới các vấn đề quốc tế. Bất chợt đúng vào ngày đại hội, Mao đổi ý và gọi đề nghị của Lâm Bưu mời Mao làm tổng thống là điên rồ ngớ ngẩn. Lâm Bưu cảm thấy chẳng sớm thì muộn, Mao sẽ lại giở độc thủ hãm hại nhân vật số hai như các lần trước. Giống như những người từng phục vụ Mao, Lâm Bưu chính là một trái chanh đã vắt hết nước và đã đến lúc cần phải liệng bỏ. Lâm Bưu không biết Mao sẽ dùng phương cách nào để phế thải mình. Dù nếu Lâm Bưu chỉ bị cách chức một cách nhẹ nhàng thì Lâm Bưu cũng chẳng bao giờ có cơ hội trở lại quyền hành nữa. Giang Thanh và Chu Ân Lai sẽ như hai con tằm đói, mau lẹ ăn hết “lá dâu quyền hành” ngay lập tức.
Lâm Bưu tin có thể đánh bại được Mao nếu còn nắm được bộ máy quân sự. Lâm Bưu tin trước sẽ có một cuộc thay đổi quyền hành giữa các phe nhóm. Nếu phe quân sự của Lâm Bưu không ngóc đầu lên được thì phe của Giang Thanh sẽ làm bá chủ chính trường. Lúc Lâm Bưu lên thay thế Bành Đức Hoài làm bộ trưởng quốc phòng năm 1959, Lâm đã chứng kiến Mao rất lạnh lùng loại bỏ một số đồng chí thân tín lâu năm nhất. Mao còn tuyên bố người lãnh đạo quốc gia phải khôn ngoan biết cách bắt các tướng lãnh phải ngoan ngoãn, và không bao giờ để cơ hội cho các tướng nổi loạn.
Lời hăm doạ đó còn rõ rệt trong trí nhớ của Lâm Bưu. Lâm Bưu có quyền quân sự tối cao, nhưng từ trước cho tới nay, Lâm Bưu chỉ dùng quyền đó để bảo vệ Mao, thần thánh hoá Mao, che chở Mao khỏi sự tấn công của kẻ thù, loại bỏ những người Mao không ưa, và chiến đấu cho Mao trong nhiều mặt trận. Quyền lực quân sự ấy cũng đưa Lâm Bưu lên địa vị chỉ thua kém một mình Mao thôi. Bây giờ Lâm Bưu không thể nào bỏ quyền lực ấy được nữa. Lâm Bưu đã lên tới gần tột đỉnh rồi, và Lâm Bưu chợt thấy mình đang ở vào một thế cưỡi cọp vô cùng nguy hiểm.
Lâm Bưu hậm hực nói, “Ta được mệnh danh là một thống chế bất bại. Vậy ta đã làm được gì cho ta? Thực tế ta chỉ có một tài năng không bao giờ vụng về bỏ lỡ cơ hội chiến thắng. Không bao giờ bỏ lỡ cơ hội. Một khi đã bỏ lỡ thì cơ hội đó không bao giờ trở lại nữa. Ta và chủ tịch sẽ phải đụng độ nhau một chuyến. Cơ hội này sẽ chẳng bao giờ có nữa.”
Lòng tự tin của Lâm Bưu khuyến khích Ngô Pháp Hiến tin vào chiến thắng. Ngay trong phòng làm việc tối lờ mờ của Lâm Bưu, Ngô Pháp Hiến đã có thể hình dung được ánh sáng huy hoàng của chiến thắng. Niềm tin tưởng đó đã theo đuổi Ngô Pháp Hiến trên ba mươi năm nay, từ những chiến trường miền đông bắc cho tới những trận đánh cuối cùng chiến thắng Quốc dân đảng. Bây giờ Ngô Pháp Hiến thấy không thể bỏ Lâm Bưu được nữa. Lâm Bưu tin và cần đến Ngô Pháp Hiến. Ngô Pháp Hiến cảm thấy mình phải đứng cạnh Lâm Bưu như một đồng chí thân cận nhất cho tới ngày cuối cùng.
Đêm hôm đó Ngô Pháp Hiến được biết thêm Lâm Bưu cũng nói những điều tương tự với Hoàng Vĩnh Thắng, và cũng sẽ nói như thế với Lý Tác Bằng và Khâu Hộ Tác. Rõ ràng Lâm Bưu muốn thi hành một cuộc đảo chánh cấp tốc trước khi lên đường đi nghỉ mát tại Bắc Đới Hà.
Cái Chết Của Lâm Bưu Cái Chết Của Lâm Bưu - Nguyễn Vạn Lý Cái Chết Của Lâm Bưu