Vẻ hào nhoáng sang trọng là thứ mà mọi người luôn ao ước, nhưng chính sự trưởng thành trong khó khăn mới thực sự làm người ta ngưỡng mộ.

Francis Bacon

 
 
 
 
 
Tác giả: Chu Thiên
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3000 / 48
Cập nhật: 2017-06-20 14:35:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
ời Tâm như một con đường đã bắt đầu vào một quãng ngoặt.
Cuộc thi ở Mỹ Lương đã truyền lan tiếng tăm Tâm lừng khắp mọi nơi. Kẻ xa người gần ai cũng nao nức muốn rõ mặt Tâm, muốn biết tài Tâm, quyển vở thi vừa giả lại, Tâm cũng không được xem lại kỹ càng, nó đã phải luôn luôn chuyền tự tay người này sang tay người khác. Người ta đọc đi đọc lại, người ta chép lấy những cây hay, những câu được cả ba thứ khuyên, khuyên đỏ, khuyên đen và khuyên xanh, những câu mà thực ra Tâm đã đánh cắp ở những bài của ông ĐồTrí.
Quyển vở thành ra nhàu nát bợt cả lông, nhũn như mẻ. Tất cả những sự vồ vập và khen lao nức nở ấy khắp gần xa đã làm Tâm xa hẳn các bạn học trước. Tâm bây giờ đã là một người có danh vọng đứng theo hàng văn thân mà không thẹn. Tâm khinh hẳn các bạn cũ. Tâm cho là bọn họ ngu dốt, lười biếng nên mới chịu phận kém cõi như vậy, tuy ngoài mặt, Tâm vẫn hời hợt ra vẻ vui đùa với chúng. Đi đâu Tâm cũng ngửa đầu, ưỡn ngực làm ra dáng con người cao lớn...Tâm không còn là một cậu thư sinh bé con sợ sệt nữa. Bây giờ Tâm đã là một người nhớn, một người hiểu Đạo Thánh Hiền, biết sự học là cần thiết cho con người cao quý. Muốn hiển đạt là cần phải học. Tiến vi quan, đạt vi sư, những kẻ làm quan, làm thầy đều là do sự học cả. Vạn sự xuất ư nho, muôn sự đều do ở nho học mà ra. Tâm hiểu thế lắm nên Tâm càng có chí học, học rang rảng như cuốc kêu mùa Hè, học quên ăn quên ngủ, học mê man cả người, học như bây giờ người ta mê mệt tình nhân! Ông Đồ Trí chỉ phải bảo cháu dần dần những lề lối đi thi, không còn luôn luôn bận rộn giục cháu học hành nữa. Ông khấp khởi mừng thầm và thường khoe với mọi người:
- Thằng cháu Tâm nhà tôi đã thông minh mà lại chịu khó, chửa biết chừng nó thành danh phận trước tôi cũng nên!
Ấy cũng bởi cái tiếng tăm của Tâm như thế nên năm sau, ông Bát Tòng làng Mỹ Lương cố lặn ngòi ngoi nước rước được ông Đồ Trí về ngồi cho trẻ em theo học. Tâm được giở lại làng Mỹ Lương như được giở lại nơi quen thuộc lâu năm hằng mến yêu quyến luyến. Tâm đi chào những người quen năm ngoái, ai cũng vui mừng chào Tâm và đem chàng làm gương mẫu, khuyên răn con em:
- Đấy, mày xem. Cậu Tâm mới tí tuổi đầu mà đi đến đâu cũng có kẻ vì người nể, kẻ đón người rước chỉ tại cậu ấy chăm học.
- Đấy cậu Tâm kém tuổi em mày, học hành đã giỏi giang như vậy, cái ngữ mày chỉ nhớn xác ăn hại thôi! Lười chảy thây ra. Học mấy mươi năm mà viết cái văn tự không thành!
- Người ta đi học thì như vậy, thi đâu đỗ đấy, kẻ đón người mời, mi thì quanh năm đi phục dịch người, người ta sai như sai chó!
- Thôi, mai đi mà xin cắp tráp cho cậu Tâm để cậu ấy dạy cho, xác nhớn bằng cái bồ đa ấy, mà bảo học cứ nay thế này mai thế khác, ảnh eo lắm!
Những kẻ làm cha mẹ ở làng Mỹ Lương và cả đến vùng lân cận đấy, thường ném lên đầu con cái những câu răn bảo tương tự như vậy, có đứa im thin thích mà nghe, mà suy nghĩ, mà xét đến thân phận mình, cũng có đứa nghe nhiều quá đâm chán tai, phát khùng quay cãi lại:
- Đi học có đất chứ, cũng học thế cả, nhưng mồ mả nhà người phát, học một biết mười! Hay là:
- Ở đời dễ ai cũng thông minh như thằng Tâm cả đấy!
Hoặc:
- Người ta có người kèm ngay bên cạnh. Học ngày, học đêm, học sáng, học ăn, học ngủ, lúc nào cũng có người bảo như rót vào tai, làm gì mà chả giỏi!
Chỗ nào cũng nói đến Tâm. Thành thử Tâm ngẫu nhiên đã trở nên một nhân vật được chú trọng nhất ở vùng, được người ta đem ra làm đầu câu chuyện, trẻ, già, lớn, bé đều nhắc đến. Và những lúc Tâm đi dạo chơi trên đường làng, hay ra ngoài đồng đi trút sự cần, là y như các bạn gái làng thì thầm với nhau, khúc khích cười ranh mãnh, lắm khi họ làm Tâm đỏ mặt lên mà rảo bước. Giữa cánh đồng bao la yên lặng, thoáng thấy bóng Tâm là các cô đưa những giọng hát bổng trầm bay theo làn không khí trong lặng nơi đồng quê, với những câu hát tình tứ yêu đương. Lắm cô hát sát sàn sạt:
Quả cau nho nhỏ
Cái vỏ vân vân
Nay anh học gần
Mai anh học xa
Tiền gạo thì của mẹ cha
Cái nghiên cái bút thực là của anh!
Có cô bạo dạn hơn, trân trân hát tán sốt sột:
Đôi bên bác mẹ thì già
Lấy anh hay chữ để mà cậy trông,
anh cả đấy ơi!
Mùa hè cho chí mùa đông
Mùa nào áo ấy cho chồng đi thi
Hết gạo em lại gánh đi
Hỏi thăm trường học ấy thì nơi nao?
Hỏi thăm đến ngõ mà vào
Tay cất gánh gạo, miệng chào chư anh!
anh cả đấy ơi!
Những câu hát du dương ấy cố nhiên làm cho Tâm thèn thẹn nhưng không như trước kia, hễ nghe thấy giọng hát lả lơi đĩ thõa là Tâm ghét đến chết đi được, bĩu môi, cắm cổ chạy liền. Trái lại, độ này Tâm cảm thấy thinh thích như có một thứ vô hình huyền ảo gì nó phảng phất quanh đấy, nó quyện lấy tâm hồn, nó xông lên óc, nó ngấm vào tim, nó tràn ngập tất cả. Tâm say sưa như đang qua một cơn mộng đẹp. Tình giai gái sớm bén mầm trong lòng cậu thư sinh ít tuổi, cùng với sự thông minh bộc phát và với lòng quý trọng bồng bột của cả xóm làng. Những trẻ khác bằng tuổi ấy, hẵng chỉ biết ăn, biết ngủ, biết nghịch, biết đùa và hơn nữa biết cắp sách đi học để mà gào chữ và chịu đòn, thế thôi!
Đằng này Tâm đã hơn chúng. Học hết mấy pho kinh sử, văn bài, làm gần đủ trường quy. Theo kịp cả những ông đầu gần hai thứ tóc, tự nhiên cái tình yêu thương cũng sớm nẩy nở ở trong lòng!
Xưa nay đa tài tất phải đa tình! Cái tình thương ấy phát triển theo trình độ hiểu biết ở người. Nó thường biểu lộ mãnh liệt gặp lúc hoàn cảnh tốt đẹp chung quanh người ta vồn vã săn sóc và kinh yêu. Cho nên từ đấy, Tâm cảm thấy như nhớ nhung mến tiếc một cái gì. Chiều chiều lại chiều chiều, Tâm vẫn phải thẩn thơ trên đường làng để mà nghe những câu dí dỏm hồn nhiên, đượm bao vẻ trìu mến bâng quơ của các cô thôn nữ, và Tâm nghe quen quen, tưởng chừng như một khúc nhạc thần tiên trong cõi mộng...
Bọn gái làng đầu tiên buông những giọng hát trêu chòng Tâm, vì cái tính bồng bột của tuổi trẻ đối với một người giai lạ, nhất là cái người lạ ấy lại là một anh học trò hay chữ. Nhưng với vẻ thẩn thơ thản nhiên ở Tâm, không thẹn thùng mà cũng không sao, lại cứ chiều chiều rảo bước trên con đường vắng vẻ, như chỉ mãi chăm chú đến việc học hành, các cô dần dần đổi ra chiều thầm yêu vụng kính. Các cô không hát nữa, một khi trông thấy bóng dáng Tâm. Rồi cũng cảm thấy một mơ ước gì ẩn náo ở trong lòng, các cô không ai bảo ai mà cứ đều đi muộn, hoặc về sớm để kịp nghe lớp học của ông Đồ kể nghĩa. Các cô ngồi trên cầu ao giặt gịa, các cô đứng dưới lũy tre rứt lá...Và trong trường tiếng kể nghĩa cứ văng vẳng đưa ra nghe rõ mồn một. Tiếng kể ngân nga trầm bổng và thỉnh thoảng ngừng đoạn, để ông Đồ dẫn nghĩa và ể đổi sang cái giọng của người khác. Các cô cứ lắng tai nghe:
- Đấy đến lượt anh chàng Tâm kể đấy.
- Phải rồi, cái giọng cao bổng và tiếng trong rang rảng khác tiếng học trò vùng ta.
Các cô cùng im lặng, ngừng tay làm việc, như bị cuốn vào một giấc mê ly! Sực một cô nhận thấy cái sự vô lý của mình, bảo các chị em:
- Nước đếch gì đến mình mà cố đứng nghe!
- Hay thì nghe chơi chứ cần gì!
Một đứa khác bảo:
- Chúng ta cứ quanh quẩn đây, chị Mai biết, chị ấy ghen chết, rồi chỗ chị em lại sinh thù oán!
Một cô nữa:
- Các chị rõ dơ, biết giời se cho ai nào, ở đây hay là ở đâu, mà cứ buộc sống vào cho người ta. Em nghĩ đương lúc chưa ngã ngũ rõ ai, chúng ta vẫn có thể mơ ước. Biết rằng giời để dành ai?
Lại cô thứ năm vừa tới:
- Làm gì mà phải ồn lên thế. Muốn nghe thì cứ nghe. Còn không lấy anh này thì đã có anh khác, không có chàng hay chữ lắm, ta kiếm lấy anh vừa vừa chứ sao, cứ gì phải anh chàng Tâm mới được...
Một cô mắng:
- Chị phải gió này, cứ nói xưng xưng làm vậy.
Cô kia không để ý nói tiếp:
- Cậu Tâm đã có cô Mai. Người ta vừa đẹp vừa dòn, vừa ấm nhan sắc, vừa con nhà giầu, lại đảm đang cần mẫn, lại ở gần nhà trường...Như thế thì ai còn hoài công đâu mà đi tìm các chị. Rõ dơ trò!
Mấy cô có vẻ ngượng mắng:
- Con ranh con! Hễ thấy người là thấy nói láo. Chúng tao không thèm, chỉ được bô bố cái miệng nói càn! Không khéo có bận cái răng cũng chẳng còn, con ạ!
Cả bọn cùng cười, rồi lảng dần.
Mặc dầu, nhời nói của cô gái kia cũng vẫn có nhiều phần đúng sự thật. Tâm, sau mấy hôm dạo chơi, đã trộm ngắm được dung nhan Mai, trong lòng thao thức. Chàng tưởng tượng cô nàng như con người ‘’yểu điệu thục nữ’’ ở Chương Quan Thư trong Kinh Thi, mà chính mình là quân tử hảo cầu vậy. Có lúc Tâm cao hứng buột miệng ngồi ngâm mấy câu thơ tuyệt tác đứng đầu Thiên Quốc Phong ấy:
Quan quan thư cưu
Tại hà chi châu
Yểu điệu thục nữ
Quân tử hảo cầu!
Ở ngay bên cạnh nhà ông Chánh Bá, hàng ngày Tâm được nghe tiếng Mai sai bảo đầy tớ và tiếng canh cửi ét phạch đều đều, càng như khêu gợi nỗi lòng. Tâm càng mến phục con người làm ăn chăm chỉ. Và những khi đêm khuya vắng, bốn bề đã yên lặng như tờ, tiếng giường gửi vẫn còn cứ văng vẳng đều đều rõ mồn một, các bà hàng xóm còn thức phải khen:
- Chị Mai dạo này dệt vải nghe vui vui lạ!
Tâm nghe tiếng khen ấy như người ta khen mình, trong lòng vui sướng, chàng lại trở về học kêu rang rảng. Tâm học rõ khuya, bao giờ nghe thôi không còn tiếng ét phạch đều đều ở bên hàng xóm chàng chạy ra vườn, ngó sang bên nhà Cụ Bá, thấy hết ánh đèn mới chịu đi ngủ.
Lòng Tâm đã đôi phen sôi nổi vì ai, thì cô Mai cũng không còn được yên lặng hồn nhiên với cuộc đời bé dại nữa, cô cũng phải nghĩ ngợi đến cái anh chàng hay chữ ở ngay bên cạnh nách. Nhất là cô lại thường được nghe ông Chánh nói đến Tâm luôn:
- Cậu Tâm đến đây mà lợi cho trẻ làng ta, anh nào cũng cố chăm học cho khỏi xấu hổ.
- Cậu Tâm học rang rảng thế, thảo nào chả giỏi!
- Cậu Tâm học chăm quá, học suốt đêm, lắm bận tôi đã ngủ một giấc dài mà tỉnh dậy vẫn còn thấy cậu ấy học. Trẻ làng ta cho là theo khướt cũng không kịp.
Những nhời khen ấy càng làm cho cô để ý cẩn thận đến luôn Tâm. Những lúc kể nghĩa, cô cứ lảng vảng ra vườn để nghe cho cặn kẻ cái giọng trong trẻo đáng yêu của Tâm, để nghe những chuyện nghĩa lý và giỏi giang mà Tâm kể ở trong sách. Cô bâng khuâng tự hỏi không biết có phải là mình phải lòng người ta không? Cô mong rằng không phải thế. Nhưng tối đến, cô vẫn cố nhất định thức khuya để xem anh chàng học đến lúc nào.
Rồi dần dà hai người cứ thi nhau mà thức, bên đọc sách chờ bên dệt vải tắt đèn mới chịu đi ngủ, mà cô Mai cũng cứ ngóng xem bên trường im tiếng học và không còn ánh lửa mới ngừng thoi. Thành ra hai người cứ trông ngóng nhau, có khi gà đã gáy liên miên giục giã, và vừng đông đã hồng hồng, hai người, không hẹn mà nên, mới cùng thôi làm việc.
Thì hàng xóm đã lác đác có người dậy thổi cơm, rồi tiếng đồn từ đấy mà ra. Họ bàn tán với nhau, tỏ vẻ khen ngợi:
- Xóm ta được đất, nhưng mà đãi ngoại, các ông ạ.
- Sao vậy?
- Ông không biết à? Cô Mai dệt vải suốt sáng và cậu Tâm cháu Cụ Đồ đọc sách thâu đêm, vui vui quá. Nhưng độc lợi cho người cả. Xóm ta có được gì đâu. Giai tráng xóm này chỉ được cái ngủ im thin thít.
- Sao lại không lợi. Họ chả làm vui cho xóm mình là gì. Hai bên cùng chăm cả. Giá xóm ta làm mối cho họ lấy nhau thì hay lắm nhỉ, giai tài gái sắc, xuân đương vừa thì!
Những nhời người ngoài bông đùa bàn tán, có người đem đến tai ông Chánh Bá, ông không giận, Ông lại vui vẻ nói:
- Gái hơn hai, giai hơn một, cái Mai nhà tôi mười sáu, cậu Tâm mười bốn, kể tuổi đúng cả đấy. Giá ông Đồ hỏi nó cho cậu Tâm tôi xin gả ngay, chứ sao!
Bút Nghiên Bút Nghiên - Chu Thiên Bút Nghiên