"True self is non-self, the awareness that the self is made only of non-self elements. There's no separation between self and other, and everything is interconnected. Once you are aware of that you are no longer caught in the idea that you are a separate entity.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Chu Thiên
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3000 / 48
Cập nhật: 2017-06-20 14:35:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
ồng tám tháng giêng, Tâm mãi vui với trẻ hàng xóm, rủ nhau leo lên cây bắt tổ chim. Chị Tâm đi tìm khắp cả không thấy, đứng bờ ao réo ngậu lên:
- Tâm ơi Tâm, ớ Tâm ơi! Ở đâu thì về!
Ở trên cây sung bên bác Xã Cán, Tâm thưa một cách gắt gỏng:
- Ơi! Đây chứ đâu mà ngậu lên thế!
Trông theo tiếng thưa, thấy Tâm đang bám chặt lấy cành sung như con mèo ngồi rình chuột, chị Tâm dọa:
- Giỏi nhỉ! Trèo cây! Tao về tao bảo thầy cho mày!
Tâm vội tụt xuống cây, đấu dịu hỏi:
- Nhưng gọi về làm gì đã nào?
- Có cậu ở trên Mỹ Lý xuống chơi, thầy sai gọi mày về.
- Cậu nào thế chị?
- Cậu Đồ Trí ấy mà!
Nghe đến đấy, Tâm hơi rùng mình, hai tay phủi bụi áo, rụt rè đi về. Tâm tin rằng mỗi bận ông Đồ nào đến là Tâm cũng phải gọi ra để khảo chữ. Con mắt người ta cứ trừng trừng nhìn Tâm, hễ Tâm nói sai là y như họ cười mỉa mai để rồi khi họ về, thế nào Tâm cũng bị mắng đáo để. Tâm bị mấy lần như vậy nên hễ nói đến ông Đồ nào là tự nhiên Tâm thấy sợ vẫn vơ. Nhất là nay đến lượt cậu đồ mình, một ông Đồ đã nổi tiếng là dữ đòn. Tâm khép nép về đến sân, rón rén ngập ngừng bước ngắn bước dài, Tâm chực chạy xuống bếp, tiếng ông Lý đã gọi giật lại:
- Đi đâu về đấy? Chỉ giỏi chạy thôi. Mau lên vào chào cậu đi nào.
Tâm bước lên hè, chắp tay vái chào:
- Thưa cậu xuống chơi ạ!
Ông cậu mĩm cười nói:
- Ừ, cháu vào đây cậu bảo.
Tâm rón rén lại gần giường, ông cậu hỏi:
- Cháu học đến sách gì rồi?
Tâm ngẩn người nghĩ bụng ‘’Đã biết mà’’, và nói:
- Bẩm con học đến sách ‘’Ấu học ngũ ngôn thi’’.
- Đọc một đoạn cậu nghe nào.
- Bẩm cậu con đọc:
Ấu học ngũ ngôn thi
Thiên tử trọng hiền hào
Văn chương giáo nhĩ tào
Vạn ban giai hạ phẩm
Duy hữu độc thư cao!
- Nghĩa là gì?
- Nghĩa là Sách ấu học ngũ ngôn thi. Ngôi thiên tử trọng kẻ hiền hào, văn chương dạy lũ mày, muôn bậc đều phẩm dưới. Bui có đọc sách là cao!
- Ngôi thiên tử là ai?
- Bẩm là đức vua ạ!
- Ừ, đức vua ngài cao xa lắm. Ngài ở tận kinh kia. Thế lũ mày là lũ nào?
- Lũ mày là lũ trẻ con nô nghịch ngoài đường.
Ông cậu lắc đầu, làm Tâm lè lưỡi chữa thẹn. Ông nói:
- Không phải! Lũ mày là lũ học trò như mày ấy. Muôn bậc đều phẩm dưới. Bui có đọc sách là cao, là nghĩa làm sao?
- Là các bậc như bậc hèn nhà ta đều thấp cả. Chỉ có cái giá đựng sách để đọc là cao hơn!
Ông cậu không nhịn được, cười ha hả nhìn Tâm đang luống cuống đỏ mặt, cả ông Lý Tưởng cũng cười ngặt nghoẽo. Ông cậu thong thả bảo:
- Mọi bậc là mọi nghề, như làm ruộng, thợ mộc, thợ rèn, thợ sơn, cho chí người dệt vải, người đi cầy đều thấp kém cả. Chỉ có người đọc sách là cao quý. Đọc sách tức là đi học. Đi học biết chữ, đi thi đỗ làm quan, áo xanh áo đỏ, mũ cao áo dài, võng lọng vua ban, thật là sung sướng danh giá hơn người...Mãn triều chu tử quý, tận thị độc thư nhân. Đầy triều những vị quan áo đỏ, áo tím đều là những người chịu đọc sách cả. Đấy cháu hiểu chưa. Đi học được quý trọng như vậy, cháu có thích học không?
- Bẩm cậu, con có thích ạ!
- Tốt lắm, cháu cậu ngoan!
Ông Lý nói thêm vào bảo Tâm:
- Năm nay cậu ngồi ở làng Vân Trung, tao nói với cậu cho mày theo học nhé, cậu cũng như thầy, đi với cậu học được nhiều, có phần mau giỏi hơn. Mày có bằng lòng đi à?
Tâm ngần ngại chưa biết giả nhời ra làm sao. Ông cậu liền nói tiếp:
- Cháu đã bảo cháu thích đi học nên thầy cháu mới nói với cậu đem cháu đi, kẻo để cháu ở nhà không có người rèn cặp, đuểnh đoảng lắm. Đấy cháu xem nghĩa thế nọ, cháu xọ ra thế kia cả. Vả lại đi với cậu lại có cả thằng Dũng nhà cậu nữa. Hai anh em đi với nhau có bạn vui đáo để, Cháu cứ bằng lòng đi cháu ạ!
Nghe giọng âu yếm của cậu, Tâm đã bớt sợ, nay lại thấy được đi với anh Dũng. Tâm được yên lòng và Tâm hiểu rằng bất cứ việc gì những người trên đã cho là phải có lợi, thì dù mình có không muốn cũng không xong, Tâm hiểu lắm. Tâm biết phận mình, đành lòng theo phận nên ngập ngừng thưa:
- Bẩm thầy con bằng lòng ạ
Trong khi ông Lý hớn hở tươi cười, ông cậu khen:
- Ngoan lắm, cháu ngoan lắm. Không như những trẻ khác. Cháu bằng lòng đi học xa ngay như thế, sự học của cháu sau này mới khá, mới hơn người. Thằng Dũng mà lúc mới đi với cậu cũng khóc mãi, đánh cho ba roi mới chịu đi. Cháu Tâm của cậu đáng khen lắm.
Tâm được khen, trong lòng vui sướng vô cùng. Và cả nhà đều vui mừng sắm sửa cho Tâm đi theo học.
Cậu Tâm, ông Đồ Trí là một tay nho học khá vùng ấy. Ông đi thi đã vào đến Tam trường (đi thi được vào đến kỳ thứ ba). Năm nay ông bốn mươi hai tuổi. Nhưng ông vẫn mải miết học để đi thi, mong mỏi chiếm lấy cái cử nhân. Ông thường lên tập văn Quan Đốc Học tỉnh nhà và bên Quan Nghè Phạm. Ông là một người có đức vọng ở vùng nên ai cũng mến, nhiều nơi tranh nhau đến rước đi ngồi dạy bảo con em. Năm nay ông Chánh Tổng Vân Trưng cần phiền đến rước ông, ông bằng lòng nhận với ba miệng cơm chín và mỗi đứa học trò đồng niên: Sáu quan tiền, ba cái tết ngoài. Ông mặc cả ba miệng cơm chín là ý ông muốn đem Tâm đi, kèm với thằng Dũng cho vui. Và ông chiều lòng bà Lý Tưởng, em gái ông, muốn gửi gấp cho con được học đến nơi đến chốn, vì xem ra nó học được. Rồi nhà Tâm sẽ đem tiền gạo nuôi Tâm qua cho bà đồ Trí. Như thế hai đằng cùng lợi. Nên việc cho Tâm đi học thu xếp chóng vánh lắm.
Mười tám tháng giêng. Một ngày tốt lành chọn để làm lễ khai trường. Buổi sáng hôm ấy, mặt giời qua ngọn tre độ hai ngũ, ông Đồ Trí cùng mấy người khách lạ mang tráp và gánh tủ sách đến. Ông Lý đon đả đi têm giầu rót nước mời khách. Bà Lý bận rộn thắt lại cái dây quần, xốc lại cái cổ áo cho Tâm.
Bà giở cái khăn gói ra xét xem quần áo đã đủ cả chưa. Được một lúc, ông Đồ đã giục:
- Mau mau, ta đi kẻo lại trưa.
Rồi cả bọn đứng lên. Ông Đồ đi ra, người cắp tráp và người gánh tủ theo sau, tiếng chào vang cả lên. Chú cu Thìn ngồi xuống cho Tâm vào vai cõng. Bà Lý còn dặn nữa:
- Con ngoan mà học nhé. Tiền mẹ cho con, mẹ đưa cả cho cậu giữ hộ, con muốn mua gì con cứ bảo cậu. Mấy hôm nữa mẹ cũng xuống đấy, con ạ!
Ra đến cổng, ông chú, bà bác, mọi người trong họ dồn đến. Ai nấy một lời, nói tíu tít:
- Tâm đi học, ngoan nhỉ, cố chăm học cho giỏi nhé! Này thím cho một tiền này!
- Cháu đi học chăm chỉ, ông Đồ dạy thể nào cháu cũng chóng biết hơn ở nhà. Đây chú chỉ có hai mươi đồng cho cháu lấy may.
- Cháu theo ông lên đấy học ngoan nhé. Đừng nhớ nhà. Bác túng lắm chả có gì cho cháu cả.
Bà lý Tưởng lủng bủng:
- Cái bà ấy rõ khéo ghét! Người ta đã lo nó nhớ nhà lại còn nhắc đến!
Ông bác Tâm mãi nói chuyện với ông Đồ, giờ mới chạy đến, xoa đầu Tâm:
- Con cố theo ông đi học, đỗ lấy cái cử nhân về ăn thủ lợn làng này, con ạ! Học giỏi về bác thưởng nhé!
Rồi cả bọn phải giãn ra để cho Tâm đi, Ông Lý cũng theo đưa chân đến tận trường. Qua cánh đồng lúa xanh rờn, theo mấy bờ ruộng ngoằn ngoèo, hai bên cỏ mọc mơn mởn, rồi leo lên con đê, con đê to bằng cái sân cao hơn nóc bếp và thẳng tắp dài vô tận...
Chồm chồm ngồi trên lưng chú cu Thìn, Tâm đang hồi hộp vì tình quyến luyến của người trong họ, mong mỏi cho mình học giỏi, thì nay tầm mắt được trông ra cảnh ngoài mới lạ, Tâm mãi nhìn, quên tất cả, tâm hồn thấy lâng lâng khoái trá. Những đình miếu, mái cong cong dưới khóm cây bù dù...Một vài cây gạo cao vọt lên trên lũy tre xanh trông như cái cây đèn dầu trên bàn thờ...Mấy con thuyền buồm giương thẳng lặng lẽ tiến trên mặt sông, dòng nước chảy lững lờ...Và xa xa tận bãi bên kia, ruộng dâu xanh, xanh biếc rung rinh theo chiều gió xuân lả lướt...Một người cưỡi ngựa vượt qua, tiếng vó ngựa nên đường lộc cộc, đi xa Tâm còn trông rõ cái đuôi ngựa lòe phất phới và cát bụi mù bay...Toàn là mới lạ, lạ mắt, lạ tai...Tâm như say sưa với cảnh...thì đã đến nơi.
- Đến nơi rồi, các ông nhỉ? Chú cu Thìn hỏi.
- Phải làng Vân Trung đây rồi!
Làng Vân Trung ở liền ngay con đê ‘’quan lộ’’ trên bờ sông Đáy. Một làng bé nhưng giầu, với nhà ngói mái san sát như bát úp với những vườn cau dư trăm gốc, ngọn lá xanh xanh cao vượt lũy tre xanh, người ta nhận biết tự đằng xa. Ở trên đê, rẽ vào một con đường rộng và phẳng, ngoắt về bên phải một quãng dài là đến cổng nhà ông Chánh, một cái cổng ngói quét vôi trắng toát cao đồ sộ với hai cánh lim rất dầy. Qua cổng đến dẫy tường hoa cao ngất, rồi vào sân gạch rộng, bước lên cái nhà ngói năm gian, trông to hơn đình làng Tâm. Trong nhà bày biện rất lịch sự. Trên sà, ba bức đại tự thẳng hàng chói lọi. Ở giữa, bức sơn son chữ vàng, hai bên, hai bức sơn then chữ bạc. Năm gian, treo năm bức y môn đỏ thêu kim tuyến và viền chân chỉ hạt bột. Mỗi cột một câu đối sơn đen bóng nhoáng, chữ khảm sà cừ. Ở tường treo những tờ tranh Tâu thủy mạc...Ghế vuông ghế dài bằng gụ đen bóng như sừng và chạm trổ rất công phu trông lóa cả mắt...Cái gì cũng lạ cả...Tâm mải ngắm nghía không nghĩ gì đến người ta trò chuyện ở chung quanh. Bỗng thấy mọi người rào rào đứng dậy. Các khách khứa ở trên giường đều đứng xuống đất cả. Ở giữa nhà, trên cái sạp chân quỳ chạm mặt hổ phù, ngất ngưởng một cái yên thư sơn đỏ chói chạy chỉ vàng. Trên yên thư bầy đôi ống hương, đôi cây nến và ba chiếc đài rượu, thảy đều bằng đồng óng ánh. Một bên, cái mâm đồng đựng mâm xôi đầy và một bên cái sỏ lợn to tướng để đầy lợp cả một cái mâm khác. Ở giữa, hai chai rượu và một đĩa đựng chẽ cau chục quả với một lá giầu. Hai ngọn nến đang cháy rung rinh tươi đỏ...
Ông Đồ đặt nắm hương châm vào ngọn nến, Lửa ngọn nến tỏa ra mất hẳn đi, bốc khói lên, rồi bùng cháy lên ngùn ngụt. Ông Đồ vội nhấc nắm hương ra, vẩy một nhát cho tắt lửa, đầu bó hương chỉ còn là một nắm đỏ ngòm, khói lên nghi ngút. Ông cắm thằng tắp vào cái bát hương đầy gạo đặt sau ba cái đài. Khói hương vút thẳng lên cao rồi cuồn cuộn tỏa tan dần ra khắp nhà, đượm mùi thơm ngào ngạt...Ông Đồ vuốt thẳng tà áo chắp tay lễ bốn lễ, quỳ lâm rân khấn rồi ông lễ bốn lễ nữa lui ra. Các học trò lần lượt vào lễ, nhớn trước bé sau. Bốn người một, đứng thành hàng chữ nhất, mắt trông thẳng, chắp tay giơ lên quá trán, vái xuồng lần lượt quỳ hai gối, phủ phục đầu giáp chiếu rồi ngẩng ngay người lên, hất tay vịn gối phải đứng dậy đều tăm tắp. Như thế bốn lượt, rồi lui về bên trái. Bên kia bọn người khác vào, sì sụp mãi cho đến khi hết mặt học trò, bên phải không còn người nào nữa. Sau cùng đến Tâm và Dũng, hai đứa còn ngần ngại, ông Đồ giục:
- Dũng với Tâm vào lễ đi chúng con, lễ Đức thánh phù hộ cho học giỏi! Mau lên.
Tâm, Dũng rón rén vào đến chiếu. Tâm luống cuống lễ chuệnh choạng và có lúc soài như con ếch. Ở ngoài chúng nó khúc khích cười. Tâm xấu hổ mặt đỏ bừng lên, nóng ra cả mình. Nhưng mà rồi cũng phải xong. Hai đứa lui ra, lẩn vào đám học trò.
Thế là xong lễ khai trường.
Buổi học bắt đầu ngay khi ấy, bắt đầu lấy lệ nên hấp tấp vội vàng rồi tan ngay. Ông Đồ đi uống rượu với các người có con đến học và góp tiền làm lễ khai trường này. Họ ăn uống trò chuyện rất vui vẻ. Tâm và Dũng được các bạn dắt đi chơi khắp nơi.
Bút Nghiên Bút Nghiên - Chu Thiên Bút Nghiên