The pure and simple truth is rarely pure and never simple.

Oscar Wilde

 
 
 
 
 
Tác giả: Sơn Tùng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6710 / 115
Cập nhật: 2017-04-19 15:28:05 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương II - Thời Niên Thiếu - Phần 6
ỗi đau buồn về sự kiện vua bị đi đày chưa nguôi trong lòng thì Nguyễn Sinh Huy lại bị buộc thôi giữ chức thừa biện Bộ Lễ, bổ nhiệm tri huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định. Một số quan cận thần dưới triều vua Thành Thái cũng bị hạ. Một số khác đã xin từ quan. Đang khi trăn trở: đi Bình Khê làm quan hay đi dạy học, làm thuốc, thì Phó bảng Nguyễn Sinh Huy nhận được thư của bạn, quan đốc học Đặng Nguyên Cẩn báo tin: Vương Thúc Quý trên đường xuất dương đã ngộ bệnh và từ trần ngày mồng 10 tháng 6 năm Đinh Mùi (19-7-1907).
Nhân lúc đang nghỉ hè, Nguyễn Tất Thành xin phép cha được về phúng viếng thầy Quý và thăm chị Thanh… Nhưng, ông Phó bảng cho Nguyễn Tất Đạt, con trai trưởng, về quê làm phần việc hiếu nghĩa ấy.
Đạt lên đường về Nghệ An được mấy hôm thì ông Phó bảng phải vào triều nhận lệnh đi Bình Khê. Trở về đến nhà, ông gọi ngay con:
– Thành! Đang làm gì đó con?
Thành đứng lên:
– Cha đã về! Con… mới mượn được bộ sách “Những kẻ khốn nạn” (71), con đã đọc, hay tuyệt cha ạ.
Quan Phó bảng Huy cởi khăn áo treo trên móc, giọng ông chua chát:
– Những người khốn nạn! Khốn nạn! Con đọc được sách Tây, con có thật tin là ở bên Pháp còn nhiều người khốn nạn thật không?
– Qua những trang sách, con thấy ở bên Tây có vô số những người khốn nạn, cha ạ. Vẫn cái bất công “kẻ ăn không hết, người lần không ra”. Con người bị đày đọa kinh khủng.
– Vậy mà họ lại bảo người Pháp có sứ mệnh sang đây khai hóa cho người nước Nam.
– Con dọn cơm, thưa cha.
– Cha chưa muốn ăn. Con đói thì ăn trước đi.
– Con cũng chưa thấy đói. Sáng nay chúng con đi tiễn bạn Diệp Văn Kỳ về Sài Gòn, bác Diệp Văn Cương đã dọn cỗ, toàn những món ăn Huế, ép chúng con ăn bằng được. Bác ấy bảo: “Mời các cháu cùng dự với gia đình bác một bữa cơm rặt món ăn Huế để nhớ, vì chưa biết có dịp trở lại Huế một lần nào nữa không… “
– Cha… sớm mai cha cũng đi Bình Khê rồi con ạ.
Thành nhìn cha, vẻ bối rối:
– Mai… sớm mai cha đã…
– Cha không thể trì hoãn thêm nữa. Đi cho xong chuyện…
Hai cha con im lặng hồi lâu. Tất Thành đặt giỏ nước lên phản và rót mời cha. Quan Phó bảng nâng chén nước, một làn hơi mỏng tỏa trước mặt, ông nói nhỏ:
– Mai con thức dậy sớm, ra chợ mua sắm một vài thứ làm mâm cơm đạm bạc, thắp hương tưởng nhớ mẹ con. Khoảng trưa trưa cha đi. Cha sang đò thăm một người bạn, hôm sau cha đi thẳng…
– Cha đi một chắc (một mình) răng được cha?
– Cha đã dặn dò các con về việc học, việc nhà từ bữa trước. Một mình cha vô Bình Khê xem sao!- Tiếng ông nói hạ thấp dần: – Dân… Làm người dân là nguyện ước của cha…
o0o
Bóng cây in xuống vuông sân như bông hoa đen xòe rộng cánh. Những con bồ câu rỉa lông phơi nắng ở một góc sân. Mấy khóm hoa râm bụt lập lòe lửa đỏ bên bờ giậu xanh…
Quan Phó bảng Nguyễn Sinh Huy mặc áo, đội khăn xong với lấy cái ô treo ở xà nhà:
– Ta đi con!
Nguyễn Tất Thành nâng cái khăn gói bằng vải tây điều khoác vào vai. Anh nhìn cha với đôi mắt băn khoăn. Quan Phó bảng quay nhìn bàn thờ vợ lần cuối. Làn khói hương vẫn bay lang thang khắp nhà tĩnh lặng ông hơi cúi đầu bước ra sân. Thành hạ thấp rèm cửa. Căn nhà kín mít im lìm. Đàn chim bồ câu rời khỏi góc sân chạy lúp xúp, bay là là theo bịn rịn bên chân cha con ông Phó bảng. Ông dừng lại:
– Chim đòi ăn đó. Con vô lấy thóc cho chim ăn.
Thành rê những nắm thóc xuống sân. Đàn chim xúm xít dưới bàn tay anh. Quan Phó bảng giương cánh ô lên, bóng ô đổ dài, lúng liếng trên mặt sân.
Quan Phó bảng đi trước. Thành mang khăn gói của cha đi sau. Hai cha con lặng lẽ bước về hướng sông Hương. Gần tới bến đò, Thành sải bước đi gần bên cha:
– Con sang đò với cha, cha nhá?
Quan Phó bảng nhìn con:
– Một mình cha đi thôi.
Gió dưới sông càng thổi mạnh, cái ô như muốn tuột ra khỏi tay quan Phó bảng. Tà áo, ống quần của hai cha con bay lùa cả về phía sau. Đôi chân Nguyễn Tất Thành sải dài chắc nịch rướn lên gió ngược.
Bến đò rộng thênh thang. Mặt sông mênh mông. Khách đợi đò đứng rải rác từng nhóm. Hai cha con quan Phó bảng dạo bước dọc ven sông. Thành nói, gió phả nhập nhòa giọng điệu:
– Như con đã thưa với cha hôm nọ, học hết niên khóa này con sẽ đi vô miền trong. Con băn khoăn… lúc ấy con muốn tìm đến gặp cha thì…
Quan Phó bảng chau mày. Chân ông bước hơi ngập ngừng, cái ô trên đầu ông chan đảo mạnh. ông nói, giọng cứng rắn:
– Cha đã kính thư vào ông Hồ Tá Bang tổng lý (72) công ty Liên Thành. Nếu lập được trường học Dục Thanh tại Phan Thiết, có thể cha tới dạy chữ nho, con nhận một chân dạy chữ mới. Nhược bằng cha không đến đó, con càng phải cứng rắn tìm cho mình một hướng dung thân, nuôi chí lớn..
Quan Phó bảng nét mặt tươi sáng, nhìn xuống sông, con đò đang từ từ cập bến. Ông đặt bàn tay lên vai con:
– Anh Đạt của con ở ngoài quê vào, con nói lại với anh con những điều cha dặn. Với con, cha mong đợi rất nhiều. Cha đi nhá.
Thành đưa hai tay nâng khăn gói trao cho cha. ông Huy giơ cao cái ô. Chân ông bước xiêu xiêu, bóng đổ về phía sau và ngắn dần. Ông đi giữa đám hành khách chen chúc xuống đò. Thỉnh thoảng ông ngoái đầu lại nhìn con…
Thành xòe bàn tay che nắng nhìn theo cha. Con đò rời bến, mũi con đò như lưỡi gươm chẻ ngang dòng sông loang loáng xanh. Cái ô quan Phó bảng Nguyễn Sinh Huy như một cái nấm nhòa vào nắng quáng.
————-
Chú thích:
(71) Đúng ra phải dịch là “Những người khốn khổ” (tác phẩm của nhà văn hào Pháp Vích-to Huy-gô).
(72) Sau này gọi là Tổng giám đốc.
Búp Sen Xanh Búp Sen Xanh - Sơn Tùng Búp Sen Xanh