Trên mỗi ngọn núi đều có những lối đi mà khi đứng dưới thung lũng, bạn không thể nhìn thấy được.

James Rogers

 
 
 
 
 
Tác giả: Sơn Tùng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6710 / 113
Cập nhật: 2017-04-19 15:28:05 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương II - Thời Niên Thiếu - Phần 4
rời nhá nhem tối. Trong nhà đã tỏ ánh đèn, đĩa dầu hai bấc le lói tỏa sáng. Phảng phất mùi hương và hoa huệ. Mâm cơm cúng xong đặt dưới bộ phản kê sát phía trước bàn thờ. Quan Phó bảng Huy ngồi tựa lưng vào mép bàn thờ và bắt đầu nâng ly rượu lên:
– Đạt vào ăn cơm, con! Bữa nay giỗ mẹ các con, cha cho phép con uống ly rượu cho ấm bụng.
– Con mời cha. Con đợi em Thành lên, cha ạ.
– Anh mời rượu với cha, – Thành nói với từ dưới bếp – em lên ngay mà. Nước sấp sôi rồi, anh cả ạ.
Thành đặt ấm giỏ nước lên bàn. Mùi chè mạn sen thơm quyện với hương hoa huệ gợi hương vị thanh khiết khắp nhà.
Ba cha con quan Phó bảng ngồi quanh mâm cơm thành thế chân kiềng trên phản. Gió se se lạnh lướt qua rèm rót cái giá rét vào nhà. Một tiếng “e hèm”‘ ngoài sân.
– Có người… cha ạ! – Thành ngừng tay đũa nói.
Ông Phó bảng Huy đặt bát cơm xuống mâm:
– Thành ra coi ai ở ngoài nớ con!
Thành cầm đèn, bàn tay trái khum lại che gió. Đạt giúp em nâng cánh rèm lên. Bóng người từ giữa sân tối bước vào, lên tiếng:
– A! Cháu Thành! Cha cháu có nhà chứ?
Thành nâng tay đèn quá đầu ngó ra:
– Ơ! Chú… chú Đặng… Chú… Đặng Thái Thân!
– Nói nhỏ thôi cháu. -ông Đặng Thái Thân nhắc Thành.
Hai người bước vào nhà. Ông Phó bảng Huy đã đứng dậy đợi khách. Đạt đứng bên cha. Chủ khách chào nhau tíu tít. Ông Phó bảng chân thành mời:
– Tiện bữa, mời tiên sinh ngồi vào uống với cha con tôi ly rượu lạt. Hôm nay là ngày giỗ mẹ của các cháu.
– Thưa quan bác, tôi đã cơm nước ở nhà một chiến hữu (bạn chiến đấu). Xin mời quan bác và hai cháu cứ việc ẩm thực (ăn uống) tự nhiên. Còn tôi nhân được hạnh ngộ (gặp gỡ may mắn) ngày giỗ của bác gái thì xin được cùng quan bác và hai cháu uống ly rượu lấy khước ạ.
Bữa cơm tối xong, Đạt và Thành thu mâm bát xuống bếp. Trong lúc hai anh em chia nhau rửa bát, quét dọn thì quan Phó bảng Huy cùng ông Đặng Thái Thân uống chè bàn luận… Ông Thân đọc cho quan Phó bảng nghe một số bài thơ của Phan Bội Châu vừa gửi về nước.
Đặng Thái Thân giọng thận trọng:
– Phan tiên sinh lại vừa cử đồng chí về nước tiếp tục đón người sang Nhật. Phan tiên sinh có dặn tôi chú trọng yết kiến quan bác và xin cho cháu Nguyễn Tất Thành xuất dương. Chỗ tôi biết, Phan tiên sinh và thúc phụ tôi (chú ruột – Đặng Tử Kính) đã lưu tâm về cậu ấm Côn từ hồi còn học với thầy Vương Thúc Quý… Một thiên tư hiếm có.
– Đa tạ lòng ái mộ cháu Tất Thành của chư huynh. Vốn dĩ tôi không ép buộc các con làm một việc gì theo ý mình mà lại trái với lòng con. Trừ phi các cháu làm điều càn rỡ thì tôi buộc phải ngăn cấm. Giờ đây, cháu Thành đã ở tuổi lý tính. Mà việc xuất ngoại là để rồi mưu nghiệp lớn, cứu nước cứu nòi. Rất trọng đại. Tôi hoàn toàn để tự ý cháu lựa chọn.
Hai người ngồi trầm ngâm, khói hương trầm mỏng nhẹ như làn mây nhỏ lan toả trong nhà. Một lát sau, tiếng ông Phó bảng thủng thỉnh:
– Thành… đâu?
– Dạ. Thưa cha con đang dở tay làm món ăn sáng mai để cha ở nhà tiếp chú, vì mai anh em con có giờ học sớm ạ.
– Con để anh Đạt làm cho. – ông giục: – Lên đây ngay con!
Thành đứng lễ phép trước cha và ông Đặng Thái Thân.
– Cho phép con ngồi xuống gần chú Đặng. – ông Phó bảng lại nhìn về phía ông Đặng Thái Thân: – Để cháu nó được tự nhiên, thư thái hầu chuyện hiền huynh, tôi vô phía trong sửa soạn mấy việc cho ngày mai. Tôi với hiền huynh sẽ còn dạ đàm (bàn luận trong ban đêm) suốt sáng mà…
Ông Phó bảng đi khuất vào sau cửa. Đặng Thái Thân một tay chống cằm, một tay vừa vẽ vẽ trên mặt bàn, nói giọng Nghi Lộc, chậm rãi, nhỏ nhẹ:
– Chú nghe tin cháu học giỏi, chú mừng lắm.
– Cháu còn phải cố gắng nhiều chứ các bạn cháu có bạn giỏi tuyệt trần, chú ạ.
– Nghe chị Thanh nói đã gửi thư cho cháu?
– Dạ.
– Cháu tuy chưa tới tuổi thành niên mà đã sớm có tâm huyết. Cháu lại là một thiếu niên tuấn tú, thiên tư. Lĩnh ý ông giải San, chú muốn bàn việc gửi cháu sang Nhật học. Hiện đã có một số thanh niên đang học ở bên đó. Nước Nhật ngày nay tân tiến và hùng mạnh lắm. Người Nhật họ đã hứa sẵn sàng giúp Việt Nam mình đánh đuổi giặc Tây dương…
Thành hơi cúi, một mảng tóc đổ xuống che gần hết nửa vầng trán và đuôi con mắt bên trái, đường ngôi rẽ bên phải mới hình thành rõ nét ngay thẳng. Giọng nói của Thành hơi rưng rưng:
– Chú… ơi! Cháu hãy còn ở cái tuổi trẻ thơ mà các chú đã tin, đã định giao phó cho cháu công việc tối hệ trọng!
– Trong lịch sử nước nhà, ta thường thấy: Mỗi khi Tổ quốc thăng trầm thì xuất hiện vô số những tấm gương tuổi nhỏ chí lớn. Cháu ạ! Tổ quốc gọi mọi người con mang dòng máu đỏ, sắc da vàng: Cứu Nước! Cứu Nước! Hãy cứu Nước!
Nguyễn Tất Thành nhón hai bàn chân lên. Anh muốn đứng bật dậy. Mắt anh rơm rớm ướt.
– Chú! Chú ơi! Cháu đang như con chim chưa đủ!ông cánh. Trời đang bão lớn, bay hướng nào đây?
– Ông giải San đã chỉ cho chúng ta hướng đi tới: nước Nhật hùng cường.
– Tại sao mưu việc đánh giặc Tây mà lại trông vào nước Nhật, thưa chú?
– Nước Nhật vừa đánh bại nước Nga sa hoàng. Nhật đã trở thành một cường quốc hùng mạnh nhất châu Á. Các đế quốc châu Âu không dám nhòm ngó tới dải đất Phù Tang, cháu ạ. Và ta với Nhật là hai nước ở gần nhau, cùng giống da vàng, họ sẽ hết lòng giúp ta đánh đuổi quân bạch quỷ.
– Cháu xin phép chú được nói ra sự cạn nghĩ của cháu.
– Cháu cứ mạnh dạn. – Đặng Thái Thân vẻ cởi mở.
– Cháu nghĩ rằng: nước ta và nước Tàu ở gần nhau như hai nhà liền vách, chung sân, lại cùng giống da vàng viết chung một thứ chữ Hán. Vậy mà nước Tàu đã bao phen thống trị nước ta, mưu toan diệt nòi người Nam. Rồi – Tất Thành nói thấp giọng – ngay cả Nhật cũng đã chiếm nước Cao Ly (Triều Tiên) làm thuộc địa. Vậy thì người Nhật họ thương gì người Nam ta! Không khéo ta lại đi làm cái chuyện: đuổi hổ cửa trước, rước beo cửa sau? (Đặng Thái Thân hơi bối rối) – Nguyễn Tất Thành vẫn thủ thỉ nói: – Mới rồi, có hai nhà ở gần nhà cháu, cùng chung một ngõ đi ra. Vậy mà nhà nọ lợi dụng đêm mưa to đã đào ngạch chui vô buồng nhà kia lấy trộm của. Vậy thì sự thương nhau, giúp đỡ nhau… không thể căn cứ vào lý do địa lý hay màu da được đâu chú ơi!
Ông Đặng Thái Thân hai mắt chớp chớp liền liền, ngón tay trỏ vẽ những vạch dài, những đường nét rối mù trên mặt bàn… ông nói, giọng phân vân:
– Ờ! Ờ! Những điều cháu vừa nói với chú nó rất gần mà ít ai nghĩ đến. Cháu có cái nhìn xa hơn lớp cha anh. Nhưng cháu ơi, ta không dựa vào người Nhật chẳng lẽ lại dựa vào người Pháp để đánh đổ ngai vàng, xóa bỏ hệ thống vua quan, nới rộng dân quyền, chấn hưng kinh tế, nâng cao dân sinh, dân trí như Phan Tây Hồ (Phan Chu Trinh) chủ trương?
– Nới rộng dân quyền, mở mang kinh tế, nâng cao dân sinh, dân trí là mơ ước của mọi người từ bao đời nay. Nhưng dựa vào người Pháp để mà thực hiện mơ ước ấy là điều phi lý, cháu nghĩ cũng chẳng khác gì “cầu quỷ sứ về khử thần trùng” Ai lại nhờ kẻ cỡi (cưỡi) cổ dân mình để giải thoát cho dân mình.
– Thế theo cháu…?
Nguyễn Tất Thành vò đầu:
– Thưa chú, tìm con đường cứu nước cứu dân là tối trọng Phải thận trọng, phải nghĩ kỹ, tính đến nước đến cái. Bởi: “Nhất thất túc thành thiên cổ hận, tái hồi đầu thị bách niên thân”. (68)
– Nghĩ, tìm phương cứu nước phải thận trọng như cháu nói là rất đúng. Nhưng, thời cư đang thuận lợi cho ta là người Nhật họ đang có thiện cảm với ta, ta tranh thủ sự giúp đỡ của họ, cháu ạ.
– Thưa chú, sự hiểu biết của cháu còn ít, còn non nót, vốn chữ học, đọc sách chưa được là bao, nhưng cháu trộm nghĩ Tây dương hiện là cừu địch của dân ta, nước ta. Muốn đánh đuổi được kẻ địch ấy thì phải biết rõ chúng. Người xưa nói: Biết địch, biết ta, trăm trận trăm thắng. Cháu cho là việc sang Nhật để mưu sự đuổi Tây chưa chắc đã phải sách.
– Nói như cháu, rất có lý. Nhưng… nhưng lẽ nào chúng ta lại dựa vào Pháp mà biết Pháp để rồi diệt được giặc Pháp?
– Chú ơi! Cháu đã đọc truyện “Không gia đình”. Sách của người Pháp viết về những người Pháp nghèo khổ sống vô gia cư, chết vô địa táng. Hiện giờ cháu đang lần mò đọc sách của ông Mông-tét-xki-ơ (Montesquieu) và đọc sách của ông Rút-xô (Rousseau) mà các chú thường gọi là Mạnh Đức Tư Cưu và Lư Thoa. Quán sách ông Lừa ở bên cạnh trường Quốc học của cháu có rất nhiều loại sách tân tiến. Cháu thường thuê về đọc. Cháu đang tìm hiểu xã hội Pháp qua đường sách báo, chú ạ.
Ông Đặng Thái Thân mắt lấp lánh ánh sáng cảm động nhìn như soi lên đường ngôi mới hình thành trên đầu Nguyễn Tất Thành. Ông chuyên nước trà nóng vào chén rồi bưng ly trà ấm đặt vào bàn tay Tất Thành, giọng ân cần và tha thiết:
– Cháu uống với chú một ly trà để nhớ mãi cái đêm kỷ niệm này. Dù cháu không cùng đi một con đường với chứ, nhưng chú vẫn tìm thấy ở cháu một đồng chí đồng tâm. Vì, chú cháu mình đều cùng một trái tim: Yêu nước.
Tất Thành ôm chặt bàn tay ông Đặng Thái Thân trong lòng hai bàn tay mình:
– Chú hiểu được cháu. Người hiểu được mình là thầy mình. Chú là bậc thầy của cháu. Cháu rất buồn nếu các cha chú coi thường lớp người trẻ là “nhóc con” hoặc “miệng còn hơi sữa mà bàn chuyện quốc gia”!
– Cháu Tất Thành! Chú phải đi ngay đêm nay. Chú không thể ở lại dạ đàm với cha cháu được. Cháu nói với cha cháu: thứ lỗi cho chú. Điều cuối cùng chú cháu mình hẹn nhau: Cứu Nước! Cứu Nước! Cứu Nước!
Nguyễn Tất Thành nâng tấm rèm lên. Ông Đặng Thái Thân lách người qua cửa lặn vào đêm tối mịt mù.
————
Chú thích:
(68) Đại ý: Sai một bước, ôm hận suốt đời, lúc ngoảnh nhìn lại thì đã trăm tuổi mất rồi.
Búp Sen Xanh Búp Sen Xanh - Sơn Tùng Búp Sen Xanh