Cách bạn sử dụng thời gian quan trọng hơn cách bạn tiêu tiền. Sai lầm về tiền bạc còn có thể chỉnh sửa được, nhưng thời gian thì không bao giờ quay lại.

David Norris

 
 
 
 
 
Tác giả: Sơn Tùng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6710 / 115
Cập nhật: 2017-04-19 15:28:05 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương I - Thời Thơ Ấu - Phần 8
hị Sắc sống thui thủi một mình trong thành nội. Tuy chồng, con ở cách xa không đáng kể mà nỗi nhớ cứ trập trùng trong lòng chị. Hình ảnh bé Côn cứ cuộn tròn trong nỗi nhớ của chị suốt ngày. Nhất là về đêm, nằm một mình trong ba gian nhà trống vắng, chị Sắc càng thấy cái nỗi nhớ quẫy mạnh. Và từ nỗi nhớ gần kéo theo nỗi lo xa. Chị lo: Mẹ già như chuối chín cây. Ở ngoài quê nhà, không biết mẹ của mình trong mấy năm qua thiếu bàn tay săn sóc của vợ chồng mình, mẹ sống ra sao? Em gái mình liệu có làm tròn việc phụng dưỡng mẹ sớm hôm như mình đã dặn dò lúc ra đi? Bé Thanh vắng cha mẹ, nó có ngoan với bà, với dì không? Nó còn chăm học chữ với thầy Quý như lúc cha mẹ còn ở nhà? Việc đồng áng nó có chịu thương chịu khó vớ dì An không? Tay dệt, tay kim chỉ, chắc là nó có khéo hơn? Nó đã xấp xỉ tuổi mười sáu! Cái tuổi ấy mình đã sinh con đầu lòng! Mình đã sớm bước vào đời làm vợ, làm mẹ! Mình không có tuổi xuân bay nhảy như các bạn gái ở làng mình! Mình ru con nhiều hơn là được hát!
Chị cử Sắc – Hoàng Thị Loan chẳng những không khỏa lấp được nỗi nhớ người thân mà ngày càng thấy nỗi nhớ rộng thêm, sâu thăm thẳm. Chị đành phải bàn với chồng đưa bé Côn trở về thành nội ở với chị.
Cậu bé Nguyễn Sinh Côn lại sống bên cạnh mẹ trong những ngày tháng mẹ đau yếu sắp sinh em. Hằng ngày, Côn đi theo đám trẻ trong thành nội hái cành củi khô trên các hàng cây cao để mẹ có củi đun bếp; chị cử Sắc hốt hoảng:
– Ấy chết! Con ơi! Ai bảo con đi mần cấy việc ni?
– Con thấy mệ phải lượm từng chiếc lá khô quanh nhà làm cái đun nên con giúp mệ một tay mà.
– Mệ đã dặn con không được trèo cây kia mà!
– Các anh lớn hơn con trèo bẻ cành khô ném xuống. Con ở dưới lặt xếp lại thành đống. Rồi các anh ấy chia phần cho con, mệ ạ.
– Nhưng mà… con phải học bài, phải tập viết cho chữ đẹp kẻo cha con về rầy mệ không nhắc con chăm chỉ việc sách đèn.
Côn kéo dài giọng:
– Ba a… ngày cha mới về ra bài một lần cho con học. Con chỉ nhẩm một buổi sáng là thuộc làu hết, mệ ạ – Côn lấy một cái gì đó trong túi áo ra khoe: – Mệ ơi, các anh ấy cho con con ve sầu. Thích lắm! – Côn nhấn ngón tay vào bụng con ve, tiếng “ve… ve…” cất lên.
Chị Sắc cười, nhắc nhở:
– Nước đái của ve sầu hôi, ngứa đó con ạ.
Vào bữa cơm, Côn thấy mẹ ăn ít quá, vẻ lo âu hiện lên trong ánh mắt của Côn:
– Mệ ơi!
– Chi rứa, con!
– Mệ… mệ đừng ốm, mệ nhớ!
– Mệ chỉ mệt trong người thôi. Vì mệ sắp sinh em cho các con mà.
– Mệ sinh em gái, chớ sinh em trai cứng đầu khó bảo, mệ nhớ!
– Răng con lại nói rứa?
– Cha bảo vậy, mệ ạ!
Chị Sắc nhìn con cười, một nụ cười chứa đựng ở bên trong nỗi lo âu… Côn đặt bát xuống mâm, cái mâm gỗ nứt đã tróc hết sơn, thủ thỉ:
– Mệ cho con theo mệ Công tôn nữ Huệ Minh vô xem lễ Vạn Thọ (sinh nhật vua), mệ nhớ.
Chị cử Sắc ngạc nhiên:
– Trời đất! Con to gan rứa! Là hạng thứ dân, ai để cho con vô nơi sân rồng, điện ngọc.
– Mệ Huệ Minh bảo trẻ nít chẳng ai để ý đâu mệ ạ, và mệ còn nhận con là em, cho con mượn quần áo hàng hoàng thân. Mệ đừng lo.
– Nhưng con vô chỗ đó liệu có ích chi?
– Dạo con ở quê nhà, con đã hứa với bà ngoại là lúc vô kinh đô con sẽ tìm cách nhìn bằng được mặt vua để rồi kể lại với bà khi con được về thăm bà…
o0o
Đến hết thiết triều các hoàng tử đi trước, tiếp sau là các chư công rồi tới các hoàng thân tiến vào điện Thái Hoà. Các quan văn, võ và các tôn tước từ tam phẩm trở lên đứng ở Đơn Bệ, từ tứ phẩm trở xuống đứng tại Long Trì. Tất cả các quan đều đứng theo thứ tự phẩm hàm đã khắc trên bảng đá nhỏ, gọi là phẩm sơn. Buổi lễ thiết triều này, viên khâm sứ và đám quan binh Tây cũng có mặt chố hố giữa điện Thái Hoà. Dọc hai bên Long Trì có có các đội nhạc. Ngoài Ngọ Môn, các đơn vị tượng binh, kỵ binh được dàn thành đội hình hướng vào sân rồng.
Từ trên lầu Ngũ Phụng của Ngọ Môn, vọi đồng nổi lên chín tiếng. Côn nghe cảm thấy rờn rợn, da nổi gai ốc. Nhưng hai mắt Côn giương rộng, không nhấp nháy, nhìn vua Thành Thái ngự trên kiệu rồng từ điện Cần Chánh, đi qua Đại Cung Môn vào điện Thái Hòa. Vua còn rất trẻ, mặt hơi trái xoan, mũi thắng, mắt xếch, lông mày thanh, dài quá mắt, môi đỏ tươi, cằm có rãnh sâu. Vua đội mũ cửu long, tay cầm hốt ngọc, áo gấm, cổ đeo chuỗi ngọc sa xuống trước ngực chiếc kim thánh hình bướm trên đó đúc bốn chữ nổi bằng vàng: “Đại Nam Hoàng Đế”.
Vua bước lên ngai vàng, ngồi hướng mặt về Nam. Nhã nhạc nổi lên. Các quan làm lễ lạy vua năm lạy. Một quan đại thần hai tay nâng trước mặt một tờ hạ biểu (35), đầu hơi cúi, bước đi lừ đừ, mũ cánh chuồn rung ra rung rinh, bộ râu ba chòm màu cước phủ trắng ngực áo. Ông quỳ xuống trước ngai vàng, dâng lên vua tờ hạ biểu, các quan đều phủ phục xuống sân rồng và lạy tạ năm lạy nữa. Quan đại thần hạ biểu xong lui xuống. Quan thượng thư Bộ Lễ tiến lên tâu với vua: cuộc lễ Vạn Thọ đã xong. Vua nâng hốt ngọc lên phía trước quần thần và từ từ bước lên xa giá trở về nội cung… Sau buổi xem lễ Vạn Thọ về, Côn bị cảm, nóng dầu. Chị cử Sắc lo quá. Chị vừa sờ trán con vừa hỏi, vẻ hệ trọng:
– Có lẽ con đã nhìn mặt vua mà không được vua ưng nên bị quở phạt, hở con?
– Nỏ phải mô, mệ ạ. Con bị cảm là do con đứng bị gió hắt vô giữa mặt.
Côn thì thầm với mẹ:
– Mệ ơi!
– Chi rứa con?
– Con thấy vua, người nhà vua, các quan trong triều mặt mũi đều bình thường như mọi người mà sao họ sướng gấp vạn lần, còn dân lại không được lấy một lần là bởi tại đâu, hả mệ?
Chị cử Sắc tái mặt, bịt bàn tay lên miệng con:
– Ôi cha! Con còn bé mà… mà… Đã bảo ở gần cung vua con phải giữ mồm giữ miệng…
Mùa hè năm cuối cùng của thế kỷ mười chín.
Một hôm Côn đang cặm cụi hon từng đống lá dưới hàng cây thì một bà hàng xóm chạy ra, gọi:
– Côn ơi! Mẹ cháu đau bụng chuyển sinh rồi.
Côn hót vội những đông lá vào sọt, na bên lưng, chạy vội về nhà. Côn ném cái sọt lá vào một góc sân, chạy vào buồng với mẹ. Chị Sắc vừa rên vừa nói:
– Con có dám đi sang Dương Nổ gọi cha về ngay không?
– Con đi gọi bà mụ (bà đỡ) cho mệ đã.
– Mệ đã nhờ người đi mời bà mụ rồi.
Côn vội khoác cái áo năm thân, vừa đi vừa cài khuy. Nắng chiều xiêu xiêu trên thành nội. Bóng Côn ngã dài trên ngõ vắng ngập lá vàng rơi. Ngay tối hôm đó, anh cử Sắc cùng con trai từ Dương Nổ về thành nội. Chị Sắc đã sinh con trai. Anh đặt ngay tên cho đứa con út là Nguyễn Sinh Nhuận. Anh giải thích với vợ:
– Đã gần mười năm, nay nhà (mình) mới sinh thêm một lần nữa. Vì vậy tôi đặt tên cho là Nhuận. Nhuận nghĩa là thêm. Ví như “năm nhuận” là năm có dôi ra một tháng.
– Mình không đặt tên chữ cho con à? – Chị Sắc hỏi chồng. – Tự của nó là Tất Danh. Nhà nhớ cho con nhá.
Chị Sắc nhẩm nhớ trong trí: Nguyễn Thị Thanh, tự Bạnh Liên; Nguyễn Sinh Khiêm, tự Tất Đạt; Nguyễn Sinh Côn, tự Tất Thành; Nguyễn Sinh Nhuận, tự Tất Danh… Chị Sắc muốn được trò chuyện với chồng nhiều, nhưng trong người mệt luỗi như muốn đứt hơi! Anh cử Sắc quạt muỗi, đắp chăn vải mỏng cho hai anh em bé Khiêm, Côn ngủ. Anh khơi to ngọn đèn, giở bộ sách thuốc ra đọc. Anh kê từng vị thuốc ra giấy và nỗi lo lắng về tình trạng sức khỏe của vợ dấy lên trong lòng anh. Anh trăn trở mãi và đành phải cho vợ biết ngay việc anh sắp phải đi xa:
– Nhà vừa ở cữ, lại không được khỏe. Tôi thấy khó xử với lệnh trên truyền xuống giữa lúc cảnh nhà quẫn bức này.
– Có chuyện chi mà hệ trọng lắm vậy nhà?
– Quan tế tửu mới vừa chuyển lệnh của quan thượng thư Bộ Học chọn cử tôi đi Thanh Hóa coi thi Hương.
Chị cử Sắc thở dài não nuột:
– Cổ nhân đã dạy: “Sứ trời sớm giục đường mây, phép công là trọng niềm tây xá nào” (36). Nhà cứ yên tâm đi làm việc lớn mà triều đình đã sắp đặt. Việc nhà, xin nhà đừng bận tâm lo nghĩ nhiều mà hao tổn tâm thần, nhãng sao phần đèn sách.
– Thi cử là công việc tuyển chọn người học vấn chân tài. Tôi không thể từ chối được. Hiềm một nỗi… nhà… nhà đang bệnh… Bệnh sản sau ngày sinh nở là độc lắm. Tôi vắng nhà, việc lo liệu thuốc thang chẳng có ai. Bé Khiêm nó cũng sẽ đi với tôi. Bé Côn còn trẻ nít, nó xoay xở sao nổi cái công việc mà người lớn cũng còn thấy bất lực kia mà!
– Nhà cho con đi hầu tráp, tôi yên cái bụng. Mệ con tôi ở nhà sẽ tự lo liệu được mọi việc. Tôi lo cho cha con đi xa gặp phải lúc nhà không còn tiền, vì gần một năm nay, tôi đau yếu, thai nghén, không dệt được là bao…
– Tôi đi đã có tiền cấp phí của Bộ Học.
Hai vợ chồng anh cử Sắc bàn bạc việc nhà trong mấy hôm liền. Hơn một tháng sau, cha con anh cử Sắc lên đường đi chấm thi Hương ở Thanh Hoá.
Bệnh hậu sản của chị cử Sắc ngày càng nặng. Sức khỏe của chị suy sụp rất nhanh từ sau ngày anh vắng nhà.
Với cái tuổi lên mười, Côn đã phải nấu cháo, sắc thuốc, chăm sóc bệnh tình của mẹ. Hằng ngày, Côn còn phải bế em sang hàng xóm xin những bà mẹ đang nuôi con thơ cho em được bú nhờ. Các bạn nhỏ trong thành nội cũng thường bế em giúp Côn đi xin sữa và gọi bằng cái tên thân mật: em Xin. Từ đó mọi người quên hẳn cái tên Nguyễn Sinh Nhuận.
Thấm thoắt đã hết năm 1900 – năm cuối cùng của thế kỷ mười chín. Côn sốt ruột hỏi mẹ:
– Răng cha và anh Khiêm đi hoài, đi mãi, chẳng thấy về hả mệ?
– Mệ cũng thấy bồn chồn. Cha con biểu đi chừng bốn năm tháng. Nay đã gần Tết rồi.
– Liệu cha và anh Khiêm có kịp về Tết ni không mệ nhể?
– Chắc là kịp. Nhưng mệ ngợ là cha con sẽ ghé về quê thăm bà. – Ngày Tết mà mệ chưa khỏi bệnh, cha, anh Khiêm vẫn chưa về, nhà ta mất Tết, con lại chẳng được ngồi canh nồi bánh tét, không được đốt pháo đón giao thừa!
– Mệ sẽ cho con tiền mua bánh pháo dài, con đốt bằng thích.
– Con thích có bánh tét, bánh chưng hơn, mệ ạ. Còn pháo thì để anh Khiêm đốt cho vui nhà trong ngày Tết chứ con không ưa tiếng nổ inh tai, nhức óc mô.
Đêm tháng chạp. Gió hú dài trên đường thành. Côn đặt tay lên ngực mẹ, hỏi:
– Mệ ơi! Mệ có làm sao không?
– Mệ không sao đâu. Con ngủ đi, trằn trọc mãi vậy. Chị Sắc thở dà i: – Con săn sóc mẹ ốm, lại chăm nom em nữa… e chừng con sụp mất!
– Mệ đừng lo. Con vững lắm. Còn có các đứa bạn con, chúng nó tốt bụng với con lắm.
– Ừ. Con có những đứa bạn rất thảo miếng ăn, đối với con cứ như anh chị em trong một nhà ấy.
– Con bận mấy thì bận, con cũng giúp bạn con cách bồi bìa sách, đóng quyển học (vở học). Các bạn con cứ biểu con có hoa tay, mệ ạ.
– Phải rồi. Bạn đối xử tốt với mình thì mình càng phải ăn ở tốt với bạn. – Chị Sắc sợ con làm quá sức, dặn: – Từ mai, con đừng nấu nướng chi mà xách vịm (37) ra hàng cơm gánh hoặc con đến trại lính mua một suất cơm về ăn và nhá cho em. Con cần có thì giờ nghỉ, chơi nhởi con ạ.
Ngày 22 tháng chạp năm Canh Tý (10-2-1901), kinh thành Huế nhuộm màu ảm đạm. Nền trời chì. Gió hiu hiu thổi. Người đi chợ Tết đông như hội. Dưới sông, thuyền hàng, đò dọc, đò ngang đi về như mắc cửi. Nhiều người đã sắm hoa Tết, vác những cành mai, bưng chậu thủy tiên, vẻ hớn hở. Côn xách một vịm cơm trong cái gióng mây ba tao (38) vừa đi vừa theo dõi con chim sâu mới ra ràng đang nhảy nhót trên hàng cây hoa đại sau cửa Đông Ba. Côn định đặt vịm cơm xuống bãi cỏ đuổi bắt con chim con. Bỗng tiếng Công tôn nữ Huệ Minh gọi yếu ớt: “Côn… ơi! Mệệ… Côn… chết…… Côn… ơi…!”
Côn ném vịm cơm xuống. Cái vịm sành vỡ làm đôi, cơm tưng tóe trên vạt cỏ úa vàng… Côn chạy một mạch về nhà, miệng ra lớn: M… ệệ… Mệệ… ô… ii!
Một ông từ phía đại nội chạy tới níu lấy Côn và bịt miệng, không cho Côn khóc la:
– Náu lặng! Náu lặng ngay không thì mất đầu... Đây là nơi gần với cung vua, gần tòa sở các quan làm việc, không ai được la to, mi đã rõ chưa?
Huệ Minh, Kỳ và đám trẻ thành nội cũng chạy theo Côn về nhà. Côn mím chặt môi không cho bật ra tiếng khóc. Càng chạy nhanh càng dồn nén nỗi đau tắc nghẹn, nước mắt trào giàn giụa, đất trời quay tít trước mặt. Côn lại òa lên khóc khi thấy mẹ đã thõng một cánh tay xuống bên thành giường, một tay vẫn ôm vòng qua cổ bé Xin và bé Xin không biết mẹ chết cứ ngậm vú mẹ nhay nhay. Côn phủ phục xuống bên mẹ gọi: Mệ! Mệ! Mệ! M… ệệ ô…ii! Mẹ bỏ chúng con… sao… mệ… ôi! Cha…chưa… kịp… về… mệ… ơi!
Huệ Minh chạy vào bế bé Xin ra khỏi vòng tay thi hài chị cử Sắc. Bé Xin giãy nảy, chuồi chuồi chân, khóc thét… Ngoài sân, hàng xóm đã đổ tới khá đông và có tiếng nhắc nhở:
– Khóc khẽ thôi. Luật lệ cấm mọi tiếng động mạnh đó, nghe.
Nhiều tiếng tặc lưỡi và xuýt xoa:
– Tội nghiệp bà cử! Cha con ông cứ vẫn chưa về… Tội thân anh em bé Côn! Mệ chết mà chẳng có một ai thân thích ở gần!
– Giữa lúc năm hết, Tết đến mà mệ chết, cha vắng nhà, ở giữa đất khách quê người này, liệu anh em bé Côn sẽ sống ra sao đây?
– Vậy ra… ông bà cử Nghệ không có ai là người ruột thịt ở miệt ni à?
– Chẳng có một người nào cả.
– Vậy thì chị em xa, ta là láng giềng gần, mỗi người một tay để đưa bà Cử về nơi an nghỉ cuối cùng.
Vì luật của triều đình, những người chết trong thành nội không được phép làm đám ma ở đó, phải chuyển áo quan ra bên ngoài để hành lễ.
Kinh thành Huế nghiêng nghiêng dưới gầm trời u ám cuối năm. Chiếc quan tài bà cử Sắc – Hoàng Thị Loan – phủ chiếc chiếu hoa “song thọ”, trên nắp áo quan đặt đĩa đèn dầu cháy leo lét, vật vờ. Sáu người đàn ông dàn ra hai hàng khiêng tay chiếc áo quan đi từ từ ra phía cửa hậu, tuần qua Đông Thành Thủy Quan. Nguyễn Sinh Côn, đầu đội khấu rơm, mặc áo đại tang, chống gậy, chân đất, đi sau quan tài mẹ. Huệ Minh bế bé Xin đi sóng bước với Côn. Một đoàn bạn nhỏ thành nội, tay cầm hoa huệ, hoa tam vị, cành đại… mặt em nào cũng buồn rượi đi bên Côn. Những người hàng xóm đi đưa đám bà cử Sắc phải đi phía cửa Đông Ba ra sông Hương đợi thuyền chở quan tài từ Đông Thành Thủy Quan tới. Chiếc quan tài đặt vào lòng con đò. Côn gục đầu xuống nắp áo quan mẹ. Ở đầu áo quan, sáp nến chảy dài và tụ lại thành cục, thành hòn dưới chân cây nến. Dòng khói hương cuồn cuộn. Bé Xin vừa mút tay vừa gào mẹ… Côn vừa khóc nấc dồn dồn, toàn thân rưng lên. Các bạn nhỏ thành nội xúm xít bên Côn.
Con đò chở áo quan tách khỏi bến, những chiếc đò chở người đưa đám nối theo sau.
Ngôi mộ bà cử Sắc đã được vun cao. Mọi người thành kính đặt một nắm đất cuối cùng lên mộ rồi lần lượt ra về. Người nào cũng ngoảnh lại, cám cảnh nhìn hai anh em bé Côn…
Bãi tha ma Nam Giao hoang vắng. Bóng chiều ôm tròn ngôi mộ màu đất mới nghi ngút khói hương. Côn phủ phục xuống lạy tạ trước tấm bia gỗ trên đầu ngôi mộ mang hàng chữ đen: Hoàng Thị Loan sinh năm Mậu Thìn (1868) tại làng Hoàng Trù, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, từ trần ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý (10-2-1901) tại kinh đô Huế.
Chôn cất mẹ xong, Côn lại bế em về với ngôi nhà hoang vắng trong thành nội. Bà con hàng xóm, các nhà có con học ông cử Sắc đều muốn đón anh em Côn về ở với gia đình họ. Nhưng Côn không đến ở nhà ai. Em còn nhỏ, đang lâm bệnh ỉa chảy, lại là ngày Tết, nhà nào cũng có cỗ bàn sang trọng, khách khứa đông vui người ta sẽ khó chịu về sự có mặt của hai đứa trẻ mồ côi mẹ này! Những đêm đầu tiên vắng mẹ, Côn thấy rờn rợn trong đầu. Bé Xin nhớ hơi mẹ, thèm sữa gào khóc; không dỗ được em nín, khổ quá, Côn khóc luôn với em. Tiếng “eng éc” của con chim cú lợn kêu từ đêm trước lại hiện đến trong Côn với cảm giác như bị cái cột nứa cứa vào bàn tay. Côn cất tiếng ru:
À ơi. Bồng bồng bế bế bồng bồng…
Cò con theo mẹ sang sông đắm đò…
À ơi đắm đò ướt hết thân cò…
Cò con cò mẹ lò dò sang sông…
Bồng… bồng… bế… bế… ớ… bồng… ơ… bồng…
Cái cảm giác sợ hãi đã bay biến thì nỗi cô đơn lại bao trùm lấy tâm trí Côn lúc cả kinh thành bay lên theo tiếng pháo giao thừa. Côn phải dỗ em bằng kẹo, bánh của các bạn đem đến cho. Tuy em Xin chưa biết nói, Côn vẫn trò chuyện với em như nó đã tiếp nhận được mọi điều của anh nói ra:
– Em ăn cái bánh ni ngon hơn mọi thứ bánh khác, đây là lộc của đức Hoàng phi Thành Thái cho anh em mình đó. Em có biết không, mẹ Công tôn nữ Huệ Minh thưa với đức Hoàng phi về tình cảnh của anh em mình, cha mình là cử nhân, là giám sinh đang chấm thi ngoài tỉnh Thanh…
Mặc anh dỗ dành, nựng chiều, bé Xin vẫn không ăn bánh, không đòi bú và cả tiếng khóc cũng đang đuối dần! Côn bế em vào lòng, tựa lưng bên bàn thờ mẹ nhìn đau đáu trong đêm đen quạnh quẽ mịt mù…
Búp Sen Xanh Búp Sen Xanh - Sơn Tùng Búp Sen Xanh