Hãy tiến lên và cứ phạm sai lầm. Phạm thật nhiều sai lầm. Bởi vì đó là nơi bạn sẽ tìm thấy thành công ở phía sau những sai lầm này.

Thomas J. Watson, Sr.

 
 
 
 
 
Tác giả: Sơn Tùng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6710 / 115
Cập nhật: 2017-04-19 15:28:05 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương I - Thời Thơ Ấu - Phần 2
a cha con ông Sắc trở lại kinh đô Huế với những tên gọi mới: quan Phó bảng Nguyễn Sinh Huy và hai con là Nguyễn Tất Đạt, Nguyễn Tất Thành.
Hôm vừa bước chân đến Huế, hai anh em Tất Đạt và Tất Thành theo cha đi viếng mộ mẹ và em Xin. Tất Thành cùng anh trồng lên mộ mẹ, mộ em hai cây đại.
Những ngày đầu vào Huế, chưa tìm được chỗ ở, quan Phó bảng Huy tạm gửi Tất Đạt đến ở nhờ nhà một người bạn, còn ông cùng với Tất Thành ở nhờ trong nhà ông Phạm Khắc Doãn, người xã Đức Trường, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, làm quan biên tu Quốc sử quán.
Sau gần bốn năm xa kinh đô Huế, nay trở lại, Nguyễn Tất Thành có nhiều ngỡ ngàng: Cầu Thành Thái (Tràng Tiền) hai đầu gục xuống dòng sông, nhịp giữa đã bị cơn bão Giáp Thìn (1904) cuốn đi. Người ở hai bên bờ sông Hương đang còn phải qua lại bằng đò ngang. Thành và anh trai đứng bên bờ Bắc ngẩn ngơ nhìn sang bờ Nam sông Hương: từng dãy, từng dãy nhà mới mọc lên nguy nga, thành một khu vực đồ sộ, được gọi là “khu nhà người Tây”. Cái khu nhà người Tây ở, tòa khâm sứ Trung Kỳ, tòa công sứ tỉnh Thừa Thiên… nổi bật lên vẻ kiêu ngạo, thách thức trước cảnh trí thơ mộng của Huế. Còn bên này sông Hương thì vẫn y nguyên một kinh thành cổ kính rêu phong…
Đi cùng với anh trai trên dọc đường thành, Nguyễn Tất Thành đang suy nghĩ về những tòa nhà hành chính của người Pháp đè lên cưng thành vua nhà Nguyễn thì lại gặp người hát dạo. Tiếng đàn, giọng ca lại gợi anh nhớ tới ông Xẩm ở quê nhà. Và, bên tai anh cứ văng vẳng lời ca mà anh thuộc từ mười năm trước:
Nước Nam ta sao lại có Tây..
Trên dọc đường anh gặp người Tây nhiều gấp bao nhiêu lần so với trước…Có cả những tên Tây say vừa đi vừa gây sự với các cô bán hàng trên hè phố. Dòng sông Hương cũng đổi khác: Thuyền buôn tấp nập hơn, mà đò kỹ nữ (60) đón khách làng chơi đông cũng chẳng kém thuyền chài, thuyền buôn…
Tất Thành cảm thấy ở đất “thần kinh” này đang có một sự chuyển động âm ỉ ở bên trong, anh muốn nói ra cái điều mình đang nghĩ với anh Tất Đạt, nhưng lại sợ tính anh trầm lặng và không thích bàn bạc những việc thời thế.
Quan Phó bảng Nguyễn Sinh Huy nhận chức thừa biện Bộ Lễ. Tại đây, ông gặp lại quan Phó bảng Phan Chu Trinh, người bạn cùng thi Hội khoa Tân Sửu (1901). Phan Chu Trinh đã đăng tờ biểu (đơn) xin cáo từ chức thừa biện Bộ Lễ. Ông đã công khai lên án bộ máy quan lại thối nát, cam tâm làm tay sai cho người khác. Ông diễn thuyết ngay trong trường Quốc tử giám và trước những thí sinh từ các miền trong nước mới về kinh đô Huế dự thi Hội khoa Giáp Thìn (1904). Ông kêu gọi những người tai mắt phải ngẩng cao đầu, đi tiên phong trong công cuộc xây dựng dân quyền, nâng cao dân trí, dân sinh… Tiếng nói của ông cùng với Lưu cầu huyết lệ tâm thư (lá thư viết bằng máu và nước mắt) của Phan Bội Châu đang gây chấn động cả kinh thành và lan rộng về các miền xa của đất nước. Nghe danh tiếng của hai nhà chí sĩ họ Phan, nhiều bậc danh nho, khoa bảng ở các nơi về Huế tiếp kiến. Từ Phan Thiết, đất cực Nam Trưng Bộ, ông Hồ Tá Bang, Nguyễn Trọng Lội ra Huế gặp Phan Chu Trinh. Phan Bội Châu đã rời Huế vì ông không đồng quan điểm với Phan Chu Trinh. Quan nghè Trần Quý Cáp, quan nghè Huỳnh Thúc Kháng, quan đốc Đặng Nguyên Cẩn, quan nghè Ngô Đức Kế… đều cùng quan điểm với quan Phó bảng Phan Chu Trinh. Cho nên quan đốc Cẩn, quan nghè Kế đã lập ra Triêu Dương Thư Quán ở Vinh. Ông Hồ Tá Bang, Nguyễn Trọng Lội (con trai đầu của nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông), hai nhà hằng tâm hằng sản tham gia tổ chức Hội Duy Tân, đã cùng các ông Nguyễn Quý Anh, Trần Lệ Chất, Nguyễn Hiệt Chi, Ngô Văn Nhượng lập ra công ty Liên Thành thương quán và trường Dục Thanh tại Phan Thiết.
Quan thừa biện Nguyễn Sinh Huy tham dự nhiều buổi bình văn. Ông đã để lại trong tâm trí giới sĩ phu yêu nước một câu nói nổi tiếng: Quan trường thị nô trung chi nô lệ hựu nô lệ (61). Ông Lê Văn Miến, một giáo sư nổi tiếng của trường Quốc học, qua những buổi bình văn đã bắt gặp được tiếng nói tri âm ấy và đã kết bạn đồng tâm với quan thừa biện Nguyễn Sinh Huy…
Từ ngày đầu đến ở nhờ, Tất Thành đã được vị quan biên tu Quốc sử quán họ Phạm chú ý.
“Lưỡng mục minh tinh” (62) Nhìn đôi con mắt của Tất Thành ông nhớ lại dịp Thành qua Hà Tĩnh chơi, nhiều người truyền đi những lời đồn về sự sáng dạ, sự tinh anh và khẩu khí như gấm hoa của anh, lúc ấy ông chưa tin lắm. Bây giờ nhìn kỹ đôi con mắt của Tất Thành, ông nói: Mắt là kho báu của con người ta. Cho nên, dân gian mới nói: “Giàu hai con mắt”.
– Nghĩa là được nhiều tiền nhiều của là do ở hai con mắt, hả cha? – Phạm Gia Cần, con trai ông Phạm Khắc Doãn, hỏi.
Ông Phạm Khắc Doãn nhìn con cười:
– Con trai cửa cha chỉ hiểu được cái nghĩa hẹp của câu tục ngữ luận về đôi mắt của con người. Cái chữ “giàu” của đôi con mắt nghĩa của nó rộng lắm con ạ. Càng giải thích, nghĩa của nó càng lớn ra. Tùy ở mức hiểu biết của mỗi người đến đâu thì sẽ nhận ra được ý nghĩa của nó tới đó. Với lứa tuổi của con, chưa từng trải việc đời, cha chỉ có thể nói cho con hay cái nghĩa chữ “giàu” của đôi con mắt là giàu về tài năng, giàu về vốn hiểu biết ở đời, giàu về đức độ. Và – ông nhấn giọng – người thiện nhiều hay ác nhiều cũng đều lộ ra ở hai con mắt…
Nghe cha giảng giải, cậu ấm Cần bắt đầu quan sát kỹ cậu ấm Thành… Rồi qua những ngày chung sống trong nhà, Cần càng nhận ra dần dần ở Thành giàu những đức tính tốt đẹp và sự thông minh sáng láng khác thường.
Bữa cơm “khách” đầu tiên, ăn xong Thành tự đi lấy tăm đặt lên miệng ly trà cho từng người. Thành thu dọn bát đĩa và đi rửa. Cần cảm động, ngăn lại:
– Thành đừng mó tay vô công việc ni. Đến bàn uống nước, để mình làm cho.
– Việc ni để em làm phải hơn. Ngoài hai ông bố ra chỉ có anh và em thôi. Em ít tuổi hơn anh, em nhận việc rửa bát, anh làm việc khác.
Quan biện tu Quốc sử quán Phạm Khắc Doãn nhìn cậu ấm Thành dọn bát đũa, gật đầu, nói:
– Cần hãy xem, em Thành nó sắp bát ý tứ chưa kìa? Cách sắp xếp ấy thì dù có chồng cao lên mấy cũng khó đổ. Lần trước con đánh vỡ cả chồng bát cũng chỉ vì xếp trên to dưới nhỏ…
Đến ở ngày hôm trước, hôm sau Thành đã đi chợ đong gạo, mua thức ăn. Thành biết rành từng loại gạo cơm ở chợ Đông Ba như gạo lốc dâu, gạo chăm, gạo ré, gạo hẻo… Anh nói với Cần:
– Những thứ gạo này vừa dẻo, vừa thơm và ngọt mà lại hợp túi tiền của anh em mình. Ở Huế có rất nhiều thức ăn tươi ngon. Chịu mất công một tí và chịu để ý học cách làm món ăn của các bà, các chị thì sẽ được ăn ngon miệng mà lại không tốn tiền lắm. Đặc biệt có món cá bống kho khô, rắc tiêu, ăn với canh rau tập tàng ngon tuyệt, anh ạ.
Phạm Gia Cần ngạc nhiên, hỏi:
– Thành vừa vô tới đây sao đã thuộc đường, quen chợ và lại thạo mọi việc nội trợ hơn cả những cô gái con nhà tần tảo vậy?
– Mười năm trước đây, em đã từng ở với cha mẹ em trong thành nội, xung quanh khu vực hoàng thành và vùng ngoại vi Huế em quen thuộc cả. Còn việc thạo chợ búa, nấu nướng là do mệ em và chị Thanh của em bày vẽ cho. Có lúc em đã phải lo liệu mọi việc trong nhà vì cha đi vắng, mệ ốm nặng. Vả lại, biết làm việc gì là có ích cho mình, anh Cần ạ.
Phạm Gia Cần vẻ mặt trầm ngâm, nói thủ thỉ:
– Từ hôm Thành đến ở chung, cha mình luôn luôn tấm tắc: “Có con mắt; có bàn tay cậu ấm Thành, nên nhà sân, vườn đã phong quang ra, đồ đạc được gọn gàng ngăn nắp đâu vô đó…”. – Cần hạ giọng, chân thành: – Ở gần Thành, mình học hỏi được nhiều thứ, nhất là cách đọc sách.
Thành nói luôn:
– Cha em và thầy Vương Thúc Quý dạy em cách đó. – Hai mắt nhìn vào xa xăm, Thành hồi tưởng: – Còn nếp sống trong nhà là bà ngoại em rèn cặp cho từ lúc ba chị em còn nhỏ, quấn quýt bên chân bà.
o0o
Xong tuần tang bố vợ, anh nho Sắc gầy rộc như qua một trận ốm. Chị nho Sắc và cô An thì phải bắt tay ngay vào công việc: ngày đi làm đồng, tối dệt vải quá nửa đêm mới đi ngủ. Số tiền tốn kém vào việc ma chay tuy được những học trò, bạn hữu phúng điếu nhiều, nhưng chẳng thấm tháp, cho nên mẹ con bà đồ phải lấy công dệt vải để trang trải. Phần thì kỳ thi Hương cũng không còn xa nữa, cả nhà bà đồ đều lo lắng, mong đợi nhiều ở anh nho Sắc trong kỳ thi này.
Từ ngày ông đồ mất, vợ chồng anh nho Sắc về ăn chung với bà đồ. Ngôi nhà tranh ba gian của ông bà đồ dựng lên cho vợ chồng nho Sắc ra ở riêng nay tạm cho những chị em làng Chùa mượn làm nơi nhóm phường kéo sợi. Những đêm trăng, từ mái nhà này những điệu ví dặm được cất lên cùng với tiếng xa quay…
Một hôm, có mấy người bà con bên họ ngoại của bà đồ đến dự lễ đốt vàng mã cho ông đồ nhân tết “xá tội vong nhân” rằm tháng bảy. Khách ở lại nghỉ đêm. Bà đồ ngồi ở giữa giường. Ba chị em bé Thanh, Khiêm, Côn ngồi vây quanh bà nghe bà kể chuyện với khách. Trăng rằm sáng như ban ngày. Những khóm cúc ngoài cửa sổ ngả bóng vào trang sách của anh nho Sắc đang học. Chị nho Sắc thì ngồi dệt trên khung cửi ở gian nhà đầu hồi phía Tây. Cô An đi quay sợi với phường vải bên nhà chị nho Sắc.
Mấy người khách cứ tấm tắc khen:
– Bác có được người con rể như anh nho Sắc thật là quý hóa.
Bà đồ đã từ lâu được ấm lòng về điều ấy. Cho nên bà nhắc lại chuyện cũ với một giọng hối hận:
– Vợ chồng nhà nho đã có ba mặt con. Ấy vậy mà cái bụng của tôi vẫn chưa hết áy náy về cái tích tôi không muốn gả con Loan cho nho Sắc.
Bà mời khách ăn trầu. Bé Thanh và bé Côn tranh nhau được giã trầu giúp bà. Bé Khiêm thì ngồi lì xì, nghịch trò xếp những thứ trong cơi trầu thành ô, thành hình khối… Bà đồ vẫn cái giọng đều đều:
-Ngay lúc ông nhà tôi đón nho Sắc về nhà này, quần áo lấm lem bùn đất, tóc đỏ hoe như râu ngô khô, mặt mũi đen nhẻm, chỉ có hai con mắt sáng tinh anh, cặp lông mày dài mượt lộ rõ một đứa trẻ có tướng mạo. Tôi thương nó như con đẻ từ bữa ấy kia. Hơn mười năm nho Sắc ăn học trong nhà ni, tôi không hề chê nổi một tí chi về đường ăn nết ở cả. Nhưng khi ông nhà tôi đưa ra cái việc gả con Loan cho nho Sắc là tôi không thuận bụng. Tôi đâu có tính chi cái chuyện “môn đăng hộ đối” mà sợ miệng thế gian cười chê rằng con gái nhà có danh có giá mà hư đốn để bố mẹ phải gán luôn cho đứa con nuôi đã ăn ở trong nhà. Được cái, ông nhà tôi đã quyết là làm… Ông đã xuống tận quê ngoại thưa chuyện ni với cha mẹ tôi. Ông còn mời cả họ Hoàng lại để ông thưa việc ông gả con gái đầu lòng cho nho Sắc…
Đối với ba chị em Thanh, Khiêm, Côn thì đây là lần đầu tiên được nghe bà ngoại nói kỹ về bố mẹ mình.
————–
Chú thích:
(14) Vương Thúc Quý.
(15) Phan Bội Châu.
(16) Chẳng.
(17) Khoảng 9 giờ sáng
Búp Sen Xanh Búp Sen Xanh - Sơn Tùng Búp Sen Xanh