Mỗi con người có 03 loại tính cách: tính cách anh ta phô bày, tính cách anh ta có, và tính cách anh ta nghĩ anh ta có.

Alphonse Karr

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 6
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2131 / 72
Cập nhật: 2016-06-17 08:09:45 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Lời Nói Đầu
àng năm, cứ đến ngày 17 tháng Hai dương lịch báo chí Việt ngữ trong và ngoài nước nhắc lại cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung, nhưng hầu như người ta quên những nạn nhân của cuộc chiến bẩn thỉu ấy. Trong số những nạn nhân ấy có chúng tôi, trên dưới 1 triệu người Việt gốc Hoa, những người lao động bình thường, định cư nhiều đời, sống rải rác từ 6 tỉnh biên giới Trung-Việt đến các thành phố lớn Hà-nội, Hải phòng, Nam Định, Quảng Ninh… Bắc Việt nam, đã bị tập đoàn Lê Duẩn bài xích xua đuổi, triệt đường sống. Không còn con đường nào khác, chúng tôi phải ra đi, rời bỏ mảnh đất sinh ra, lớn lên, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi phần mộ ông bà cha mẹ đã yên nghỉ để làm người tỵ nạn.
Cuộc chiến chấm dứt đã 32 năm có lẻ, hai nước đã bình thường hóa quan hệ từ năm 1992, chủ tịch Trung Hoa, Giang Trạch Dân, đã tặng chính phủ Việt nam 16 chữ vàng: “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng đến tương lai”. Hậu quả cuộc chiến tranh bẩn thỉu ấy vẫn còn, tuy nỗi đau thương, khốn khổ, tủi nhục, ê chề đã thành sẹo, trong từng con tim khối óc người Việt gốc Hoa, nạn nhân cuộc chiến, chúng tôi có thể tha thứ nhưng không bao giờ quên, đang định cư rải rác trên toàn thế giới.
Một số bà con tin lời mật ngọt đã về “Trung Hoa Vĩ đại” qua đường biên giới. Tất cả đều được đón tiếp “nồng hậu” bằng cách đưa tuốt về những vùng đồi núi hoang dại, được đối xử thật bình đẳng, cho vào chiếc rổ “Hoa kiều hồi hương”, vàng thau lẫn lộn, không phân biệt kĩ sư, bác sĩ hay giáo viên, họ giao cho mỗi người một chiếc cuốc và những bộ quần áo xanh đồng phục, sống trong một khu, gọi là trang trại, được phong chức “công nhân nông trường” với mức khoán làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít, không làm… nghỉ ăn. Sau 32 năm, nhiều gia đình vẫn không được nhập quốc tịch.
Ở Việt nam, người ta gọi chúng tôi là “người Hoa, anh Ba Tầu, chú khách”, có người độc miệng còn gọi “quân Tầu ô.” Hồi hương về Trung quốc, dân bản xứ gọi, “Dzit-nàm nhằn”, thân phận người Việt gốc Hoa đau khổ, ê chề không tổ quốc, không quê hương dưới 16 chữ vàng của hai quốc gia cộng sản “núi liền núi, sông liền sông” như thế đó.
Đa số theo đường biển, số phận tùy thuộc vào may rủi, trong đó có gia đình tôi. Làn sóng người Việt gốc Hoa miền Bắc chạy trốn cộng sản Việt nam theo đường biển tìm chân trời tự do, tuy không bị hải quân cộng sản truy đuổi giết hại trong đó có ông Chu Tử, một nhà văn lẫy lừng của nền văn học Việt nam, không gặp hải tặc, gian nan như bà con miền Nam, nhưng những cơn giông bão cũng đã cướp đi sinh mạng nhiều người vô tội. Gia đình tôi may mắn đã đến được Hương Cảng, cửa ngõ chân trời tự do vào ngày 31-7-1979.
Cảm ơn Người, cảm ơn đời, cảm ơn sự giúp đỡ vô tư của nhân dân và chính phủ Vương quốc Anh, những người thày giáo Anh ngữ và những người bạn Ăng-lê đã cưu mang, giúp đỡ chúng tôi với tấm lòng nhân đạo, hào phóng, vô tư trong những tháng năm đầu tiên của đời tỵ nạn.
Nhân đây xin cảm ơn các bạn Tưởng Năng Tiến, Phùng Tường Vân -cố luật sư Lại Tình Xuyên-, nữ sĩ Phạm thị Hoài, hai bác Uyên Thao và Trần Phong Vũ đã động viên giúp đỡ tôi rất nhiều để hoàn thành cuốn sách.
Lâm Hoàng Mạnh
London, xuân Tân Mão.
17-2-2011 kỷ niệm 32 năm cuộc chiến tranh biên giới Việt Trung.
Buồn Vui Đời Thuyền Nhân Buồn Vui Đời Thuyền Nhân - Lâm Hoàng Mạnh Buồn Vui Đời Thuyền Nhân