If we are peaceful, if we are happy, we can smile, and everyone in our family, our entire society, will benefit from our peace.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Tô Hoàng
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 325 / 27
Cập nhật: 2020-04-04 20:27:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 16
uổi trưa tôi tìm tới nhà Kahn. Anh ta mời tôi đi ăn trưa với anh ta tại một nhà hàng người Hoa. Kahn thích món ăn Hoa hơn mọi món ăn châu Âu. Niềm say mê này của anh được bắt đầu tại Paris. Ấy nhưng Paris về khoản này làm sao sánh được với New York: ở đây có cả một dãy phố người Hoa.
Chúng tôi đáp xe tới phố Mott. Nhà hàng được đặt dưới gian nhà hầm. Phải đi xuống một số bậc thang mới tới nơi được.
– Anh có để ý đến điều đặc biệt này không? - Kahn hỏi. - Ở New York hầu như không bao giờ nhìn thấy một người đàn bà Trung Quốc nào đi ngoài phố cả. Hoặc là họ ngồi ở nhà, hoặc họ đang bận rộn giải quyết vấn đề làm thế nào để tăng nhanh dân số. Đàn ông Trung Quốc đi ngoài đường thì vô thiên lủng, đàn bà thì không bao giờ thấy. Ấy thế mà phụ nữ Trung Quốc lại là những người đàn bà đẹp nhất trên thế gian này đấy.
– Anh đọc trong các cuốn tiểu thuyết như vậy sao?
– Không, tôi đã từng sống ở Trung Quốc. - Kahn nói.
– Anh đã từng ở bên đó à?
– Tôi tới đấy từ năm ba mươi. Và ở đó hai năm.
– Và sau đó trở về. Vì sao trở về cơ?
Kahn phì cười:
– Vì buồn nhớ quê hương.
Chúng tôi gọi món tôm rán dầu.
– Cô Carmen sống ra sao, anh? - Tôi hỏi. - Thấy rõ cô ta tựa như vừa mang dòng máu Polynesia vừa mang dòng máu người Trung Quốc. Ở cô ta có chất nhiệt đới mang màu sắc bi kịch.
– Thế mà cô ta sinh trưởng ở Pomerania, thuộc vùng Rügenwalde đấy. Những trò trớ trêu như vậy đôi khi vẫn thường xảy ra. Cô ta là dân Do Thái và cũng không bận tâm tìm hiểu vì sao nom vẻ ngoài của cô ta lại không ai nghĩ như vậy cả.
– Thoáng nhìn cứ ngỡ quê quán cô ta ở Timbuctoo, Hồng Kông hay ở Papeete.
– Nhưng xét về khoản trí lực, cô ta chỉ là một con bé Do Thái quê mùa thôi. Thật là tức cười. Tôi không thể nào tưởng tượng nổi anh sẽ xử sự và sẽ nghĩ gì nếu anh ở địa vị của tôi. Khi mọi việc liên quan tới Carmen, tôi đành thúc thủ đấy. Đối với tôi, cô ta tựa như một quyển sách còn đang nằm tại nhà in. Tôi không bao giờ biết được cô ta nghĩ gì, xử sự ra sao. Anh lầm đấy: cô ta chẳng có gì lạ lùng cả đâu. Nói đơn giản ra cô ta là người của một hành tinh khác. Cô ta xuống đây với chúng ta từ những miệng núi lửa trên mặt trăng. Cô ta xuất hiện từ vực sâu thẳm của sự ngu ngốc, giản đơn, của sự ngây thơ, hồn nhiên mà chúng ta đã không thể hiểu nổi từ lâu rồi. Cô ta trong sạch như ngày đầu sáng thế. Nói gọn lại là, cô ta đúng là hình mẫu của một người đàn bà hoàn hảo. Anh có muốn tôi gọi thêm một suất tôm rán nữa không? Thật là một món ăn kỳ diệu!
– Nói chung thì anh sống ra sao? - Tôi hỏi. - Công việc làm ăn trôi chảy chứ?
– Tôi đang chết vì buồn chán đây. - Kahn đáp. - Nhưng cửa hàng thì đang hồi phát đạt. Vài năm nữa tôi sẽ trở thành một gã bán hàng thành thục, rồi vài năm sau nữa, tôi sẽ cùng đứng chung vốn. Và cứ thế, tôi có thể nắm lấy toàn bộ công việc. Một viễn cảnh hấp dẫn. Đúng thế không anh?
– Dạo anh còn ở Pháp viễn cảnh cũng hấp dẫn đấy chứ.
– Nhưng lại cũng chỉ là viễn cảnh thôi. Sự an toàn ở bên ấy lại là một sự tình cờ ít chắc chắn nhất. Bởi lẽ sự an toàn đó không có thực. Và giữa viễn cảnh và hiện thực lại là một khoảng cách cực lớn. Ấy thế nhưng khi con người ta được an toàn rồi thì cuộc sống lại quay về phía ta bộ mặt thực của mình - đấy là sự buồn chán. Anh có biết tôi đã rút ra kết luận gì về điều này không? Những cuộc phiêu lãng đó đây kéo dài nhiều thế kỷ của người Di-gan đã giết chết cả tôi, cả anh. Lối sống ấy đã làm cho ta chán đến tận cổ cái lối sống tư sản no đủ, trì trệ rồi.
– Đừng rủa tất cả mọi người, - tôi cười, - phần đông bọn họ vẫn bằng lòng và vênh váo vì lối sống ấy đấy chứ? Chả bao lâu nữa người ta sẽ quên phắt đi kiểu sống Di-gan của họ. Xin anh thử hình dung mà xem, những người bán bột và thức ăn cho gà vịt bây giờ bỗng nhiên bị bắt buộc làm việc với chiếc thang trong tay… Ngay khi họ chỉ vừa được phép xuống khỏi thang, họ trở về với những bao bột và thức ăn cho gà của họ.
Kahn lắc đầu.
– Không phải tất cả mọi người đều như vậy đâu. Những người lưu vong đã ngấm thứ thuốc độc của bệnh phiêu lãng mạnh hơn anh nghĩ nhiều.
– Có nghĩa là họ trở thành những người bán hàng bị nhiễm độc chứ gì?
– Còn những họa sĩ? Còn các ông văn sĩ? Các nghệ sĩ nữa? Nghĩa là tất cả những ai trong tình cảnh lưu vong, họ không thể tìm ra cách sử dụng sức lực và tài năng của họ thì sao? Trong thời gian ấy họ đã già đi cả chục tuổi. Họ sẽ bao nhiêu tuổi khi họ lại một lần nữa trở về và bắt tay vào những công việc quen thuộc?
Tôi suy nghĩ về những gì Kahn vừa nói. Điều gì sẽ xảy ra với tôi đây?
Bà Whymper đã chuẩn bị sẵn món rượu Martini cho cuộc viếng thăm của tôi. Lần này rượu được pha chế trong một cái bình cổ thon không lớn lắm. Tôi không còn làm chủ được mình nữa. Chí ít ra trong bình cũng chứa tới từ sáu đến tám suất rượu cho hai người.
Cố gắng để thoát khỏi nơi đây tôi nói một cách liến thoắng và vắn gọn:
– Tôi sẽ treo bức tranh của Renoir ở chỗ nào đây, thưa bà? - Tôi nắm lấy mọi thứ cần mang theo và việc làm này không mất quá hai phút.
– Thoạt đầu anh và tôi hãy suy nghĩ xem đã. - Bà Whymper trong tấm áo màu hồng chỉ tay vào chai rượu. - Rượu pha theo cách của anh đấy. Pha với vodka. Cũng thấy tươi tỉnh, mát mẻ hơn một chút, có phải không anh? Hôm nay quả là một ngày quá bức bối.
– Martini theo tôi quả là khá nặng đối với tiết trời nóng nực như thế này.
– Tôi không cảm thấy như vậy, - bà ta cất tiếng cười. - Mà cả anh cũng vậy. Nhìn mặt thấy liền mà.
Tôi ngơ ngác nhìn tứ phía.
– Có lẽ ta treo bức tranh ở đây chăng? Ngay ở bức tường này, phía trên chiếc đi văng, một vị trí thích hợp đấy, thưa bà.
– Ở đây theo tôi đã quá đủ tranh rồi. Anh ở Paris lần cuối cùng vào năm nào?
Tôi đành chịu khuất phục. Nhưng sau cốc thứ hai dẫu sao tôi cũng đứng lên.
– Bây giờ đã đến lúc tôi phải đi làm rồi. Tôi hy vọng rằng bà đã quyết định chỗ treo tranh?
– Không, tôi chưa hề quyết định gì cả. Thế theo anh thì sao?
Tôi chỉ khoảng tường trống giữa hai ô cửa sổ, nơi kê chiếc đi văng.
– Chỗ này làm ra để treo bức tĩnh vật vẽ hoa đây. Bức tranh treo ở chỗ này thực tuyệt. Ánh sáng cũng vừa độ.
Bà Whymper đứng dậy đi đến trước tôi. Vóc dạc bà nhỏ nhắn, kiều diễm, với mớ tóc bạch kim sáng long lanh. Đưa mắt nhìn khắp phòng một lượt, bà bước qua gian phòng bên. Ở đây có treo một bức chân dung sơn dầu với gương mặt của một người đàn ông khá nặng nề, chiếc cằm hơi vểnh ra phía trước.
– Ông chồng tôi đấy. - Bà Whymper nói khi đi qua bức chân dung. - Ông ấy chết năm ba mươi lăm. Bệnh nhồi máu cơ tim. Ông ấy làm việc quá nhiều. Ông ấy chả bao giờ có thời gian rảnh rỗi cả, vì thế bây giờ ông ấy lại chả biết dùng thời gian vào việc gì nữa. - Bà ta mỉm cười chua chát. - Người Mỹ làm việc để tìm đến cái chết. Ở bên châu Âu không như vậy phải không anh?
– Vào lúc này thì không. Bây giờ ở bên đó đàn ông đang chết nhiều hơn ở Mỹ rất nhiều.
Bà Whymper quay lại.
– Anh muốn nói tới chiến tranh chứ gì? Chúng ta không nên đề cập đến chuyện đó nữa nhé.
Chúng tôi lại đi qua thêm hai căn phòng nữa, sau đó leo lên cầu thang. Lối lên thang có treo mấy bức tranh của Guys. Tôi xách theo bức tranh của Renoir và cây búa, tìm xem chỗ nào có thể treo bức tranh được.
– Hay ta treo nó trong buồng ngủ của tôi? - Bà Whymper thốt ra tình cờ và đi lên trước.
Phòng ngủ quét vôi tường màu kem và vàng của bà ta nom hết sức kỳ lạ: một chiếc giường của thời kỳ Louis XVI được phủ vải gấm, những chiếc ghế bành, ghế dựa tuyệt đẹp, một cái tủ trang điểm đánh vec-ni đen ánh kiểu thời kỳ Louis XV. Tủ trang điểm được kê trên những chiếc chân bằng đồng cũng được thếp vàng. Trong giây lát tôi quên phứt cái ý nghĩ kỳ quái của mình và tôi bỗng thốt lên:
– Ở đây! Chỉ có chỗ này thôi! Phía trên chiếc tủ trang điểm.
Bà Whymper im lặng. Bà nhìn tôi với cái nhìn mờ mịt, tựa như không có tôi đang đứng trước mặt bà.
– Bà cũng thấy như vậy chứ? - Tôi hỏi, tay áp bức tranh của Renoir vào khoảng tường phía trên chiếc tủ trang điểm.
Bà Whymper không rời mắt khỏi tôi, sau đó bà mỉm cười.
– Tôi cần một chiếc ghế, - tôi nói.
– Hãy lấy bất cứ chiếc nào, - bà ta đáp.
– Chiếc ghế của thời đại Louis XVI được không ạ?
Bà Whymper lại mỉm cười:
– Sao lại không được nhỉ?
Tôi xách lấy một trong những chiếc ghế ấy. Cái ghế hết sức chắc chắn. Tôi thận trọng leo lên ghế, và bắt đầu ướm thử chỗ treo tranh. Tôi không hề nghe thấy một tiếng động nhỏ phía sau lưng. Tôi xác định độ cao và đóng đinh. Nhưng trước khi gõ búa tôi nhìn ngoái lại phía sau. Bà Whymper vẫn đứng nguyên trong tư thế cũ, điếu thuốc lá trong tay và bà vẫn nhìn tôi với nụ cười kỳ lạ lúc nãy. Tôi đâm bối rối, và tôi cố sao đóng đinh càng nhanh càng tốt. Tôi treo bức tranh lên rồi nhảy khỏi ghế, trả chiếc ghế về chỗ cũ. Bà Whymper vẫn tiếp tục đứng bất động ở chỗ cũ. Và đôi mắt vẫn không rời mọi cử động của tôi.
– Bà có ưng ý không? - Vừa thu dọn búa và đinh, tôi hỏi.
Bà ta gật đầu và bước lên trước tôi, đi ra cầu thang. Thở phào nhẹ nhõm, tôi nối gót theo phía sau bà ta. Bà Whymper trở về căn buồng đầu tiên và đưa tay vớ lấy bình rượu.
– Xin mời vì Renoir, vì thành công của tôi!
– Xin sẵn sàng, - tôi hưởng ứng, trong đầu thầm nghĩ sau cốc thứ hai “vì thành công của tôi”, tôi phải lủi nhanh nếu không muốn bị khênh ra nghĩa địa.
Nhưng tôi lại không làm theo ý mình được. Sự lúng túng, khó xử lạ lùng nảy sinh giữa bà Whymper và tôi không chịu chấm dứt. Bà ta vẫn chăm chắm nhìn tôi với ánh mắt trống rỗng, đờ đẫn. Bà vẫn tủm tỉm cười, khó mà đoán được nụ cười kia ngầm chứa ý nghĩa gì - một sự nhạo cợt tôi hay còn là điều gì nữa đây? Trong tình cảnh ấy tôi như một chú mèo già và tôi nghĩ là bà ta đang đùa giỡn, ve vuốt tôi.
– Tôi còn chưa ký vào séc thanh toán đâu, - bà Whymper nói, - anh hãy tới đây trong mấy ngày tới nhé. Lúc ấy anh sẽ nhận được tờ giấy cần thiết đó.
– Xin cám ơn bà. Tôi sẽ gọi điện thoại báo trước.
– Anh có thể tới mà không cần gọi điện. Tôi luôn có mặt ở nhà vào khoảng năm giờ chiều trở đi. Cám ơn vì công thức pha chế Martini với vodka.
Tâm trạng lúng túng, tôi bước ra ngoài đường phố nóng nực. Tôi có cảm giác như vừa bị người ta lừa lọc. Thêm vào đó người lừa tôi, như tôi có cảm giác, lại cũng đang ở một hoàn cảnh có phần đáng tức cười. Có thể thấy ngay là nếu lần sau tôi có tới đây, tấn kịch này vẫn diễn ra y như vậy, tuy tôi không tin hẳn một trăm phần trăm. Có thể xảy ra một điều khác hẳn, chỉ có điều tôi không muốn tin vào dự cảm này dựa trên kinh nghiệm riêng của bản thân. Trong mọi trường hợp thì ngày hôm nay mối hiểm họa cũng đã qua rồi. Silvers chắc hắn sẽ muốn đích thân đi nhận tờ séc bà Whymper trao. Ông ta không bao giờ lại mở ván bài của mình cho tôi thấy.
– Em đến đây không có xe à? - Tôi hỏi Natasha.
– Không có xe, không có tài xế, không có vodka, không còn cả sức lực nữa. Nực nội đến mức không sao chịu nổi. Cái khách sạn này lý ra đã phải đặt máy điều hòa từ lâu rồi.
– Lão chủ đời nào chịu.
– Tất nhiên là như thế. Đồ kẻ cướp!
– Anh có đá đấy, có thể pha chế món “xe tam mã Nga” được, - tôi nói. - Và có cả bia, nước cam và rượu vodka.
Natasha nhìn tôi âu yếm.
– Chả lẽ anh mua tất cả ngần ấy thứ sao?
– Đúng vậy. Này, anh đã uống hai cốc Martini đấy.
Natasha phá ra cười.
– Ở nhà bà Whymper phải không?
– Đúng thế. Mà sao em biết?
– Bà ta nổi danh vì thứ đó mà.
– Thứ gì? Thứ rượu Martini ấy à?
– Cả thứ rượu Martini ấy nữa…
– Chẳng hiểu sao mọi điều cũng trôi chảy cả.
– Bà ta đã trả tiền bức tranh chưa?
– Chưa. Mà sao em lại hỏi thế? Em nghĩ là bà ta sẽ trả lại, không mua bức tranh nữa sao? - Tôi hỏi, thoáng thấy lo lắng.
– Em không nghĩ có chuyện đó.
– Bà ta có nhiều tiền đến mức mua mà không cần do dự, đắn đo không?
– Có thể như thế đấy. Ngoài ra bà ta còn rất thích những chàng trai trẻ.
– Cái gì cơ?
– Bà ta thích anh đấy.
– Natasha, - tôi nói, - em nói điều đó nghiêm chỉnh đấy chứ? Chả lẽ em muốn dắt anh tới với con ma men già khú kia sao?
Natasha cười sằng sặc.
– Quên chuyện đó đi, - nàng nói, - cho em uống đi.
– Không cho dù chỉ một giọt. Trước tiên hãy trả lời anh đi đã.
– Anh có thích bà ta không?
Tôi mở to mắt nhìn Natasha.
– Thế đấy! - Nàng nói. - Bà Whymper rất thích những chàng trai trẻ. Và bà ta thích anh. Có phải bà ta đã mời anh đến dự một buổi tiệc của bà ta không?
– Hiện nay thì chưa. Bà ta chỉ bảo hãy đến để nhận séc thanh toán. - Tôi nói mù mờ. - Nhưng, có lẽ anh không xứng đáng với niềm vinh dự ấy đâu.
– Nhất định phải tới! - Natasha chăm chắm nhìn tôi. - Khi đó bà ta phải mời cả em nữa.
– Em tin như thế sao? Thấy rõ là em đã nhiều lần tham dự vào những tình huống như vậy và em biết trước được mọi việc, đúng thế không nào? Bà ta cần phải nhảy xổ tới ôm chầm lấy cổ anh, có đúng như vậy không?
– Không. - Nàng đáp khô khốc. - Cho em xin một ly vodka.
– Mà tại sao không phải Martini pha với vodka?
– Bởi vì em không uống Martini. Còn câu hỏi gì nữa không nào?
– Còn rất nhiều. Anh không quen để người ta buôn bán anh và anh cũng không phải là đồ ăn bám.
Tôi không để ý thấy nàng đã hắt rượu vodka vào tôi. Tôi chỉ cảm thấy rượu chảy ướt mặt tôi và nhỏ giọt từ cằm xuống. Nàng nắm chặt chai rượu, trên gương mặt tái xanh của nàng đôi mắt nàng càng trở nên to hơn. Nhưng té ra là tôi vẫn nhanh hơn, tôi giằng được cái chai và tin chắc rằng cái chai đã được đậy nút kỹ lưỡng, tôi ném chai rượu vào chiếc đi văng, cách xa hẳn Natasha. Ngay lập tức nàng lao đến bên chai rượu. Nhưng tôi đã nắm lấy tay nàng xô vào một góc phòng. Tôi giữ chặt hai tay nàng bằng một tay, còn tay kia tôi giật mạnh tấm áo trên mình nàng.
– Đừng động đến người tôi! - Nàng nói bẳn giọng.
– Anh không chỉ chạm đến em đâu! Anh sẽ ăn thịt em, ngay bây giờ… Em là của anh mà…
Nàng nhổ nước bọt vào mặt tôi, đưa chân đạp tôi.
Tôi dùng chân kẹp chặt đôi chân nàng. Nàng cố vùng ra, nhưng đã trượt và ngã bổ nhào. Tôi lại đẩy nàng xuống đi văng.
– Buông tôi ra. Anh điên rồi! - Nàng thì thào bằng một giọng cao vút nghe xa lạ hẳn. - Buông tôi ra, tôi kêu lên bây giờ đấy…
– Cứ kêu đi! - Tôi dằn giọng. - Dẫu sao anh cũng phải trị cho em một trận. Đồ phù thủy.
– Người ta đang đi tới đây kìa! Chẳng lẽ anh không nhìn thấy sao? Buông tôi ra, đồ mất dạy, đồ súc vật… Buông tôi ra!…
Nàng nằm trên đi văng, người cong gập lại để tôi không đè ngửa nàng ra được. Tôi cảm nhận rõ rệt những bắp thịt trên người nàng nổi căng lên, đôi bắp vế của nàng siết chặt lấy chân tôi, hầu như không phải tôi đang ôm chặt lấy nàng mà chính là ngược lại… Tôi cũng nhận ra là phía dưới làn váy của nàng, nàng không vận gì thêm nữa… Vận hết sức lực tôi đè ngửa nàng ra đi văng… Bây giờ mặt nàng kề sát mặt tôi, còn đôi mắt đảo điên của nàng thì không rời khỏi tôi nữa.
– Buông em ra, - nàng thều thào trong hơi thở gấp. - Không phải là ở đây. Chỉ cần không ở đây thôi! Buông em ra. Chỉ cần không phải là ở chỗ này.
– Thế thì ở đâu hở đồ ngốc nghếch này? - Tôi nghiến răng ken két vì phẫn nộ. - Rút tay lại không anh bẻ gãy tay bây giờ. Anh sẽ làm ngay ở đây…
– Không được ở đây, không được ở đây, - nàng thều thào mỗi lúc một nhỏ hơn và bằng một giọng hoàn toàn xa lạ.
– Ở đây chứ còn ở đâu nữa?
– Vào trong phòng anh. Không nên ở đây. Vào phòng của anh.
– Để cô chạy mất và sau đó cô nhạo báng tôi chứ gì.
– Em không chạy đâu, em sẽ không chạy đâu. Chỉ có điều là không phải ở đây. Anh thân yêu, anh thân yêu, nghe em đi…
– Cái gì? - Tôi hỏi.
– Buông em ra. Em xin thề là em không bỏ chạy đâu. Buông em ra đi. Mọi người đang đi lại đây kia kìa.
Tôi buông nàng ra, đứng dậy. Tôi chờ đợi nàng sẽ xô giúi tôi và co chân chạy. Nhưng nàng không chạy, nàng sửa lại váy, vuốt cho phẳng phiu.
Tôi bình tĩnh trở lại. Nàng đứng lên. Tôi không rời mắt khỏi nàng: bây giờ nàng có thể đi qua bên cạnh tôi và tôi không còn có thể giữ nàng được nữa.
– Đi thôi, - nàng nói.
– Đi đâu?
– Vào buồng anh.
Thoạt đầu tôi đi sau nàng, sau đó tôi bước kịp nàng. Không hiểu sao tôi lại đâm vội vã bước lên cầu thang, bước qua tấm bảng có đề mấy chữ “Hãy suy nghĩ đi!” để về phòng mình trên tầng hai. Tôi dừng lại trước cửa.
– Em có thể đi đi nếu em muốn, - tôi nói.
Nàng đẩy tôi sang một bên và dùng vai đẩy cánh cửa.
– Vào thôi, - nàng nói.
Tôi theo nàng vào phòng và đóng sập cửa lại. Nhưng tôi không khóa cửa. Tôi bỗng có một cảm giác khó chịu và tôi dựa lưng vào tường. Trong tôi bỗng nổi lên cảm giác tựa như tôi đang đứng trong một chiếc thang máy đang lao vùn vụt xuống phía dưới, trong lúc ấy lại có một sức mạnh vô hình nào đó kéo ngược tôi lên phía trên. Mắt tôi bỗng sầm tối như có ai vừa hắt vào mắt tôi cả một xô nước. Để không té nhào, tôi phải bấu hai bàn tay vào bờ tường.
Sau giây lát tôi nhận ra Natasha đang nằm trên giường.
– Sao anh không đến đây với em? - Nàng hỏi.
– Anh không thể.
– Cái gì cơ?
– Anh không thể.
– Anh không thể được à?
– Ừ, - tôi nói, - cái cầu thang chết tiệt!
– Cầu thang thì có liên can gì ở đây?
– Anh không biết nữa.
– Cái gì cơ?
– Anh không thể. Có thế thôi. Hãy đuổi anh đi nếu em muốn.
– Đuổi khỏi phòng của chính anh ư?
– Nếu không thì nhạo báng, cười cợt anh đi tùy em thích.
– Tại sao em lại cần phải cười cợt, nhạo báng anh cơ chứ?
– Anh không biết nữa. Anh nghe người ta nói rằng một gã đàn ông khi sa vào tình huống như thế này mọi người vẫn nhạo báng hắn.
– Em thì chưa gặp chuyện đó bao giờ.
– Vì thế em cần phải nhạo báng anh.
– Em không muốn thế. - Natasha nói.
– Vì sao em không đi đi?
– Anh muốn em đi à?
– Không.
Cho đến tận lúc này nàng vẫn nằm bất động trên giường. Nhưng rồi nàng nhỏm dậy đưa tay đỡ lấy đầu và nhìn tôi.
– Anh cảm thấy mình rất ghê tởm, - tôi nói.
– Em lại không cảm thấy như vậy, - nàng nói. - Anh nghĩ thế nào, ta giải thích mọi chuyện vừa xảy ra sao đây?
– Anh không biết nữa. Có lẽ anh không xứng với mấy tiếng “thân yêu” của em.
– Còn em thì nghĩ mọi lỗi lầm là do chiếc cầu thang.
– Cái cầu thang cũng vậy. Nhưng sau đó vì lẽ gì bỗng nhiên em quyết định trở thành của anh?
– Thế tốt hơn cả là em không nên quyết định sao?
Tôi nhìn nàng như cầu cứu.
– Thôi đừng hỏi nữa. Mọi điều cùng nhau tác động tới anh.
Đây quả là một cuộc trò chuyện lạ lùng: cả nàng lẫn tôi không ai định tâm xích lại gần nhau. Lời nói của chúng tôi vang lên một cách đơn điệu, giá lạnh.
– Trong buồng anh có buồng tắm không?
– Không. Ngoài hành lang có đấy. Cửa thứ tư.
Nàng chậm rãi đứng dậy, đưa tay sửa tóc, rồi bước ra cửa. Khi đi ngang qua chỗ tôi đứng, nàng đưa tay xoa nhẹ lên tay tôi nhưng ánh mắt vẫn nhìn thẳng. Vừa cảm nhận ra sự chạm lướt của nàng tôi nhảy bổ khỏi tường và ôm chầm lấy nàng. Nàng vùng vằng muốn tuột khỏi tay tôi. Thân thể của nàng qua lần vải mỏng vừa trẻ trung vừa ấm áp. Và còn mềm mại tựa như tôi đang nắm trong tay một chú cá hồi. Ngay giây phút đó những gì xảy ra một lần nữa lại bừng thức dậy trong tôi. Tôi siết chặt người nàng áp vào người mình.
– Anh hoàn toàn không muốn chuyện đó với em, - nàng thì thầm, quay đi.
Tôi nâng bổng nàng lên, bế xốc lại giường. Hóa ra nàng nặng hơn tôi tưởng.
– Anh rất muốn, - tôi nói. - Rất muốn, chỉ riêng em thôi, một mình em, anh muốn chỉ một mình em trên thế gian này, anh muốn hòa tan trong em, thẩm thấu vào em…
Gương mặt của nàng hoàn toàn ngay sát cạnh và tôi nhìn thấy đôi mắt nàng sáng long lanh, nồng nàn.
– Thế thì anh ôm chặt lấy em nữa đi, - nàng nói nhỏ nhẹ xuyên qua hàm răng, nhưng mắt nàng vẫn không nhắm lại.
Giọng nói của nàng trở nên mỗi lúc một nhỏ hơn, nàng nói những lời cuống quýt, không mạch lạc, sau đó giọng nói ấy càng nhỏ hơn như tiếng thì thầm và sau cùng lặng tắt hẳn.
Rồi đột nhiên nàng ưỡn căng người ra, miệng thốt lên một điều gì đó, mắt nhắm lại và ngay lúc ấy nàng lại mở mắt ra.
– Trời mưa hay sao ấy nhỉ? - Nàng hỏi.
Tôi cười.
– Chưa đâu. Có lẽ đêm sẽ mưa.
– Tiết trời hình như mát hơn, phải không anh? Buồng tắm ở đâu anh?
– Ở ngoài hành lang. Cửa thứ tư.
– Có thể cho em mượn tấm áo khoác của anh được không?
Tôi đưa nàng tấm áo khoác ngoài tôi thường mặc sau khi tắm. Nàng cởi hết mọi thứ trên người, ngoài đôi giày. Nàng cởi một cách chậm rãi, mắt không nhìn tôi và cũng không cảm thấy ngượng ngập, bối rối. Nàng không gầy như tôi nghĩ. Là trước đây tôi nghĩ thế, còn lúc này tôi được nhìn tận mắt mình.
– Em đẹp lắm, - tôi nói.
Nàng ngẩng lên.
– Không đẫy quá chứ?
– Phỉ phui. Không đâu.
– Thế à? - Nàng nói. - Trong trường hợp như thế này tương lai của em và anh hiện lên trong em dưới ánh sáng màu hồng. Em thích ăn. Cả đời lúc nào cũng cảm thấy đói. Vì điều này nên em chọn nghề người mẫu, - nàng nói thêm, - chỉ vì lí do ấy thôi.
– Hôm nay chúng ta sẽ ăn thỏa sức. Chúng ta sẽ gọi tất cả mọi thứ đồ ăn và món tráng miệng thật sang.
– Em sẽ cố gắng để không no phình như một cái thùng đựng rượu. Nếu không giữ như thế, người ta quẳng em khỏi cửa hàng thời trang ngay. Vì vậy anh khỏi lo.
– Anh không lo đâu, Natasha ạ.
Cầm bánh xà phòng của tôi và chiếc túi của nàng, Natasha vui vẻ bảo tôi nghỉ ngơi chốc lát và nàng bước ra ngoài hành lang. Bây giờ đến lượt tôi có cảm giác như trời đang mưa. Thực ra thì tôi biết là không hề có mưa nhưng tôi vẫn đi đến bên cửa sổ và nhìn xuống dưới, ô cửa sổ nhìn ra mảnh sân sau: từ dưới đáy của chiếc giếng đá như bay lên hơi nóng nực từ những hố rác bốc mùi hôi thối. “Chỉ riêng trong phòng mình là đang mưa thôi”, - tôi thầm nghĩ. Tôi trở về giường, một lần nữa tôi lại ngả lưng trên chiếc nệm, mắt lơ đãng nhìn chiếc đèn không có chao treo trên trần nhà. Vài phút sau thì Natasha đã trở lại.
– Em bị nhầm phòng, - nàng nói. - Em cứ nghĩ phòng anh là phòng bên cơ.
– Ở bên ấy có ai không?
– Không có ai cả. Tối mịt. Chả lẽ các phòng ở đây không khóa cửa sao?
– Nhiều phòng không khóa cửa. Kẻ trộm cũng chẳng có gì mà lấy cả.
Từ thân thể Natasha phảng phất mùi xà phòng và mùi nước hoa. Nàng lấy nước hoa ở đâu nhỉ? Đây là một câu hỏi đối với tôi. Có thể lọ nước hoa nằm trong túi xách của nàng. Mà cũng có thể có người nào đó bỏ quên trong buồng tắm và nàng lấy dùng.
– Bà Whymper, - nàng nói, - rất thích những chàng trai trẻ, nhưng rồi sự việc cũng chẳng tiến triển hơn. Bà ta sung sướng được tiếp chuyện với họ. Chỉ có vậy thôi. Hãy nhớ lấy điều này đấy anh nhé!
– Được thôi! - Tôi nói, tuy Natasha không cố ý làm tôi tin ở điều nàng nói.
Ngọn đèn sáng trưng trong gian phòng. Natasha chải tóc trước tấm gương khốn khổ treo phía trên bồn rửa mặt.
– Chồng bà ta chết vì bệnh giang mai. Không ngoại trừ khả năng chính bà ta cũng mắc bệnh ấy, - nàng nói thêm.
– Ngoài ra, bà ta mắc chứng ung thư và ra mồ hôi chân. Mùa hè bà ta thường rửa chân bằng rượu Martini pha với vodka. - Tôi nói với nàng cũng bằng cái giọng nàng nói với tôi.
Natasha phì cười.
– Anh không tin sao? Ừ, mà việc gì anh phải tin em nhỉ?
Tôi đứng lên.
– Em nghĩ sao nếu anh thích đụng chạm vào người em và anh lại luôn luôn là người không tự làm chủ nổi mình?
– Không phải bao giờ anh cũng như vậy cả, - nàng nói.
– Nhưng lúc này thì như vậy đấy.
Nàng áp sát vào người tôi.
– Em sẽ giết chết anh nếu anh không làm như vậy đấy.
Tôi tháo phăng tấm áo choàng trên người nàng vứt xuống sàn.
– Em là người phụ nữ có cặp giò dài nhất trong tất cả những người phụ nữ mà anh biết, - tôi nói và đưa tay tắt đèn. Trong bóng tối tôi chỉ nhận ra làn da trắng, cùng với những nét nhờ nhờ trên mắt và cửa miệng nàng.
Chúng tôi nằm dính chặt vào nhau và cùng cảm nhận ra những lớp sóng bóng đêm rào rạt đổ lên chúng tôi, hết lớp này đến lớp khác. Chúng tôi nằm khá lâu như vậy, tựa như nín thở tận hưởng cái cảm giác bồng bềnh, trôi nổi như người nhấp men say.
Natasha bỗng ngọ nguậy.
– Anh có thuốc lá không?
– Có. - Tôi đưa cho nàng thuốc lá và ngắm nàng trong ánh sáng của ngọn lửa que diêm vừa lóe lên.
Gương mặt nàng bình thản và trong sáng biết bao.
– Em có muốn ta uống một chút gì không? - Tôi hỏi.
Nàng gật đầu. Tôi nhận ra cử chỉ đó trong bóng tối nhờ chuyển động của đốm lửa ở đầu điếu thuốc.
– Chỉ có điều là đừng uống vodka.
– Anh không có tủ lạnh nên mọi thứ rượu hơi nóng một chút. Em muốn anh mang lên?
– Chả lẽ không có người khác có thể giúp anh làm điều ấy sao?
– Ở dưới nhà không có ai cả, ngoài Melikov.
Trong bóng tối tôi nghe thấy tiếng nàng cười.
– Ông ta cũng chẳng thèm để ý gì khi nhìn thấy chúng ta xuống đâu, - nàng nói.
Tôi không đáp. Tôi còn cần làm quen với điều nàng vừa nói. Natasha hôn tôi.
– Bật điện lên anh, - nàng nói, - chúng ta phá hủy những nguyên tắc sống quen thuộc của anh rồi. Mà em cũng lại thấy đói bụng rồi đây. Nào, ta tới nhà hàng Ông Hoàng Biển Cả đi.
– Lại đến đó à? Chả lẽ em không muốn tới một nhà hàng khác sao?
– Anh đã nhận được tiền dẫn bà Whymper tới mua tranh chưa?
– Chưa.
– Thế thì chúng ta tới nhà hàng Ông Hoàng Biển Cả là đúng rồi.
Natasha vùng dậy khỏi giường và bật công tắc điện. Sau đó nàng cứ trần truồng như vậy đi khắp phòng rồi mới chịu khoác chiếc áo khoác lên người, đi sang phòng tắm.
Tôi cũng đứng dậy mặc quần áo vào. Sau đó tôi lại ngồi xuống đi văng và bắt đầu chờ nàng quay trở vào.
Bóng Tối Thiên Đường Bóng Tối Thiên Đường - Erich Maria Remarque Bóng Tối Thiên Đường