Anyone who says they have only one life to live must not know how to read a book.

Author Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Thảo Nhi
Thể loại: Ngôn Tình
Biên tập: Oanh2
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3032 / 8
Cập nhật: 2015-11-25 11:02:23 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10
hành phố Nha Trang có dãy cát trắng dài nằm uốn cong theo bờ biển. hai đầu nhô ra hai ngọn núi đá, nên bãi tắm rất nên thơ và an toàn. Dọc theo bờ biển là một hàng dương xen lẫn những cây dừa đứng ngạo nghễ đương đầu với gió. Vợ chồng Vĩ Long đến thành phố vào lúc hoàng hôn, vì họ đi xe con do công ty cho mượn nên chuyến nghỉ mát của họ có vẻ tự do và trưởng giả.
Vĩ Long đứng trên bao lơn nhìn ra biển sẫm một màu thẫm. Biển hoàng hôn mang một vẻ buồn khó tả, như lòng chàng cũng mang một nỗi buồn không có người san sẻ. Long nhìn xuống bãi biển, lác đác vài người đi chơi về muộn, với dáng điệu thư thả an nhàn. Long thầm ao ước "phải chi mình cũng được an nhàn như họ". Nhưng nỗi buồn thì làm sao có hình dáng mà ai có thể nhìn thấy nó mang màu sắc gì? Có lẽ vì thế mà Cát Phượng khi tắm xong đi ra, thấy chồng đứng ưu tư ngoài bao lơn khách sạn, nàng nghĩ: "Có lẽ những con số đã làm cho chồng mình lúc gần đây gầy đi nhiều."
Nhìn chồng đứng vẻ mệt mỏi buồn bã, nàng thấy thương chồng quá. Nhẹ đến sau lưng vòng tay ôm ngang lưng Vĩ Long, nói đùa:
- Nhớ ai mà như mất hồn vậy anh yêu?
Vĩ Long giật mình, nhưng chàng kết hợp tài tình:
- Đang nhớ vợ, không ngờ vợ ra không hay làm giật mình, chứ nhớ ai?
- Em đâu ở ngoài biển mà nhìn ngoài ấy? Em trong phòng tắm mà cưng.
Vĩ Long nói xong câu này lòng cảm thấy thẹn:
- Nhưng tình của em như biển cả, mà anh là con thuyền để biển luôn ôm thuyền trong lòng nó.
Cát Phượng nhõng nhẽo:
- Không, không chịu. Anh là biển, em mới là thuyền.
- Vậy ai đang ôm anh đây?
- Em ôm anh. Nhưng biển không có thuyền thì vẫn là biển, còn thuyền mà không có biển sẽ chết khô trên bờ.
Cát Phượng khéo ví von làm Vĩ Long thêm hổ thẹn. Nàng ví tình chàng như biển lớn, mà nàng là con thuyền bé nhỏ sống luôn cần có biển. Vĩ Long muốn tránh tình trạng này nên nói:
- Bây giờ ai là biển?
- Anh. - Phượng vẫn không buông tay ôm lưng chồng.
- Vậy để cho biển "đi tắm". Đứng đây một hồi nữa thì thuyền "khô" luôn bây giờ.
Cát Phượng cười như nắc nẻ, tay đấm vào lưng chồng, nói:
- Vậy biển đi tắm đi. Thuyền cắm sào đợi biển nhé.
Vĩ Long hôn vào trán vợ, rồi vội vã đi vào phòng tắm. Cát Phượng đứng hong tóc mình trong gió hoàng hôn của biển. Nàng nghe hạnh phúc dâng đầy, vị tình yêu ngọt ngào trong ánh mắt, miệng nàng lẩm nhẩm một điệu tình ca.
o O o
Hôm nay sau khi ăn sáng, đưa vợ đi một vòng thành phố, như người khách đe6'n ra mắt nó, Vĩ Long đề nghị vợ:
- Anh đưa em đi thăm người bạn nhé.
Cát Phượng ngã đầu vào lưng ghế, mắt nhìn ra bên hông cửa xe, không trả lời chồng, mà nàng ngân nga:
"Anh là biển, em là thuyền. Biển đưa thuyền đi, muôn đời thuyền theo biển. Á à a... "
Dứt câu, cô quay sang chồng cười tươi như hoa. Vĩ Long mỗi lúc sống bên Cát Phượng, chàng cảm thấy hạnh phúc, và khó mà phân tâm đi đâu được. Nàng có một sức quyến rũ lạ kỳ, tránh sao ngày xưa có cả khối chàng theo đuổi. Vĩ Long nghĩ mình "tốt phước" có được người vợ như nàng. Tuy không phải là vẹn toàn, nhưng theo chàng, một người vợ như thế thì không có lý do nào chê trách. Sống bên cạnh nàng, chàng luôn thấy thoải mái, yên tâm, hạnh phúc lẫn sung sướng nữa. Bởi Cát Phượng như một thế giới huyền bí mà Vĩ Long luôn tìm thấy điều mới lạ. Chỉ tiếc duy nhất có một điều là không sinh con cho chàng được, mà lỗi này nào phải do nàng, nếu không muốn nói là do chính Vĩ Long gây ra. Nhưng đối với dư luận, người ta nào biết được. Mọi sự bất hạnh người ta thường đổ tội lên đầu người đàn bà. Nếu theo quan niệm xưa. Trong bảy tội gọi là "Thất xuất" của người con gái khi có chồng thì tội thứ nhất là "không con". Nó còn trên cả tội "tà dâm" ở người đàn bà nữa. Bấy nhiêu cũng đã biết ông bà ta coi trọng việc vô sinh ở người đàn bà.
Nếu ngày xưa mà gặp trường hợp đó, thì chính người vợ lớn phải trầu cau đi cưới vợ kế cho chồng để có người nối dòng, nối họ. Tuy bây giờ là thế kỷ 21, nhưng chắc gì quan niệm xưa cũ kia đã hoàn toàn xóa bỏ hết trong ý nghĩ của mọi người. Đã nhiều lần Cát Phượng đề nghị với chồng:
- Hay là em cưới vợ lẽ cho anh nhé?
Vĩ Long phản đối:
- Tầm bậy không hà! Em làm như anh cần...
- Cần gì?
- Thì cần có... vợ lẽ lắm vậy.
- Không cần vợ, nhưng cần con chứ?
- Đối với anh, anh chỉ cần có em là đủ.
Và mỗi lần Cát Phượng tỏ ý xin con nuôi là Vĩ Long phản đối, viện cớ là có con nó sẽ chia bớt tình thương của Cát Phượng dành cho chàng. Nếu nó máu huyết của hai người thì Vĩ Long đành chịu, đằng này lại là một đứa trẻ chẳng liên quan gì đến họ. Trước lý lẽ đó, Cát Phượng không thể nào biện giải được, mà nghe lòng thầm cám ơn tình thương của chồng dành cho mình, bên cạnh đó cũng pha lẫn một phần lo sợ. Bởi người ta nói: Vũ trụ kia còn có lúc đổi dời, thì lòng người làm sao không dời đổi.
Vĩ Long đưa vợ đến một xí nghiệp có vẻ khang trang nằm trên đường Hai Bà Trưng, thành phố Nha Trang. Long và Phượng vừa bước vào văn phòng đã nghe một giọng nói như hét lên:
- A! Rồng đến nhà tôm. Cám ơn ngọn gió lành đã đưa ông bà ghé qua thành phố tỉnh lẽ này.
Hữu bước ra vồn vã. Nhìn Cát Phượng, Hữu đã biết có lẽ là vợ Vĩ Long chứ chẳng ai khác, nhưng có vẻ trẻ và đẹp quá làm Hữu hơi ngại. Cát Phượng đáp lời thay chồng:
- Xin anh chớ khiêm tốn. Anh phải thầm cám ơn là anh đã phước lớn nên mới ở được cái thành phố đẹp đẽ và yên tĩnh này chứ. Chúng tôi đang ganh với anh đấy.
Vĩ Long nói:
- Anh Hữu, bạn anh. Cát Phượng, bà xã mình.
Hữu là giám đốc và là chủ một phần lớn xí nghiệp. Nên khách của chàng, các nhân viên đều tiếp rước vẻ tôn kính, lễ phép. Hữu hỏi:
- Sao, hai ông bà ra bao giờ? Đã kịp thăm thành phố này chưa?
Long đáp:
- Vừa mới đếu chiều qua thôi. Sáng nay đến quấy anh đấy.
Hữu hỏi vẻ thân tình:
- Nè, xin hỏi nhé! hai ông bà chỉ đi nghỉ mát đơn thuần hay là đi công tác ở công ty, để gia chủ còn biết mà sắp xếp lịch chiêu đãi vị khách lớn của xí nghiệp nữa chứ?
- Thôi, không dám làm phiền anh đâu. Bà xã mình không được khỏe, nên mình đưa bả đi đổi gió thôi. Đừng rình rang chi thêm phiền, anh Hữu à.
- Phiền gì? Ông bà ra đây là điều vinh hạnh cho bọn tôi. Nếu muốn vậy thì ta tổ chức tiệc gia đình thôi, để hai người thoải mái nhé?
Long đưa mắt nhìn vợ. Phượng thấy Hữu có vẻ chân tình nên mỉm cười đồng ý với chồng. Long nói:
- Cám ơn anh, nhưng chỉ là cơm rau thôi nhé.
Hữu phản đối:
- Sao được nè. Nhưng nói trước, hôm nào về phải cho hay trước, để xí nghiệp tổ chức một bữa chiêu đãi, giới thiệu vị khách lớn của mình. Chứ nhân viên của mình vào trong đấy, mấy khi mà gặp được ông Phó tổng giám đốc chứ.
- Anh khéo vẽ chuyện. Mình chỉ dành thời gian này cho bà ấy nên không muốn phiền bà.
Hữu xoay qua Cát Phượng:
- A! Nếu vậy thì tôi phải xin phép lại của bà Phó tổng giám đốc một hôm ở đây vậy.
Cát Phượng sung sướng vì câu nói của chồng, nên vui vẻ nói:
- Có gì đâu, anh Hữu nói quá rồi. Chỉ sợ chúng tôi đến làm phiền vị chủ nhà hiếu khách này một phen quá đáng, để đến nỗi anh phải bực mình.
Quả là vợ Ông Phó tổng giám đốc, các nhân viên của Hữu thầm khen về nhan sắc và cách ăn nói của Cát Phượng.
Hôm đó, hai người ăn cơm trưa với Hữu ở nhà hàng có nhiều món đặc sản. Khi chia tay về khách sạn, Hữu còn ân cần dặn:
- Cần gì xin cứ điện đến cho văn phòng mình nhé.
Cát Phượng nói:
- Anh Hữu chu đáo quá! Hôm nào xin phép anh để đến thăm chị và các cháu một hôm?
Hữu vui vẻ, cười to:
- Ôi! Còn gì bằng. Bà nhà tôi chắc cần phải học thêm nhiều ở chị.
- Anh lại khiêm tốn quá rồi. Nội cái cách anh tiếp khách là chúng tôi cần phải học ở anh rồi.
- Nào có gì. Tôi chỉ sợ mình thiếu sót trên cương vị chủ nhà thôi. Nếu như được anh chị thương tình, bỏ qua nhiều sơ sót.
Xe của Hữu và nhân viên đưa Vĩ Long và Cát Phượng về đến tận khách sạn mới chia tay. Hữu nói với nhân viên mình:
- Đúng là một cặp lý tưởng.
o O o
Ở Nha Trang được một tuần rồi, có những buổi trưa Long để vợ nghỉ, chàng lái xe ra ngồi một mình ngoài bãi biển mà nghĩ: "Có lẽ nào Thảo Nguyên cũng đang ở thành phố này. Nếu đúng vậy chàng cũng chẳng biết tìm nàng ở đâu?" Vĩ Long tiếc là hôm đi không ghé lại nhà bà Huệ lấy địa chỉ trong những bìa thư cũ.
Mỗi lần có người đàn bà mang thai đi ngang qua, Vĩ Long đều kín đáo nhìn xem, coi có phải là nàng.
Mấy lúc sau này, vợ Hữu tỏ ra quyến luyến Cát Phượng nên thường rủ Phượng đến nhà để hai người đi chợ Dần mua sắm, hay ăn uống. Những lúc như vậy, Vĩ Long lái xe chạy khắp thành phố để chỉ mong nhìn thấy một bóng dáng thân quen đã in đậm nét trong đầu chàng, nhưng chàng đã hoài công vô ích.
Trong khi đó, một hôm, Cát Phượng đi chợ. Vợ Hữu đề nghị, để kỷ niệm chuyến đi nghĩ mát và sự quen biết giữa hai người, vợ Hữu tặng cho Cát Phượng mấy bộ đồ mát ở nhà. Sau khi đi chợ chọn vải, vợ Hữu đưa Phượng đến một tiệm may quen biết với nàng, nói:
- Đây là tiệm may đồ nữ khéo nhất thành phố này đấy, không biết có làm vừa lòng chị không?
- Mình cũng không khó lắm đâu.
Khi bước vô tiệm may, vợ Hữu được bà chủ tiếp đãi ân cần. Liên - Vợ Hữu - Giới thiệu:
- Đây là bạn tôi. Hy vọng bà sẽ làm vừa lòng vợ Ông Phó tổng giám đốc từ Sài Gòn ra đây đổi gió nhé.
- Vâng. Tôi sẽ cố gắng, bà chủ ạ.
Bà chủ tiệm may lịch sự chào Phượng trước khi có nhận xét:
- Bà còn trẻ và đẹp thật.
Phượng thấy thẹn đáp, rồi nhìn chỗ khác:
- Dạ, cám ơn bà.
Nhưng mắt Phượng bỗng dừng lại nơi một người đàn bà có thai đang ngồi đơm nút áo. một vẻ thân quen, Phượng tin là mình không thể nào lầm được. Nhưng chỉ có điều người này có bầu, nên làm Phượng hơi ngại. Cô e dè hỏi và nhìn thật kỹ:
- Thảo Nguyên! Có phải là chị đó không?
Thảo Nguyên ngẩng lên, nhìn thấy Cát Phượng, nét ngạc nhiên hiện rõ lên mặt. Cô bối rối chưa biết trả lời sao bởi một sự hội ngộ quá lớn ngoài ý muốn của nàng. Nhưng ý nghĩ vụt nhanh trong đầu Thảo Nguyên, nàng đứng dậy toan bỏ chạy vào trong, thì nghe bà chủ tiệm nay bảo:
- Thảo Nguyên! Bà đây gọi con, sao con không trả lời bà mà con định đi đâu vậy?
Thế thì đúng rồi! Cát Phượng chắc chắn như vậy. Nhìn thấy sự sợ hãi và toan chạy trốn của Thảo Nguyên làm cho Cát Phượng thông cảm cho hoàn cảnh người bạn gái bất hạnh, nên đã bước tới ôm chầm Thảo Nguyên, nói:
- Thảo Nguyên! Chị yên tâm. Với Phượng, chị còn ngại gì mà trốn lánh chứ?
- Cát Phượng!
Thảo Nguyên không nói gì được, bởi trong câu nói của Phượng có nhiều ẩn ý quá. Nàng đã biết gì chưa? Nên Thảo Nguyên chọn cách chỉ trả lời và hỏi Phượng những câu thông thường, dò xem nàng biết gì... rồi tùy cơ ứng biến.
- Ủa! Phượng ra đây bao giờ vậy? Đi với ai vậy?
Cát Phượng kéo Nguyên ngồi xuống, nói:
- Mình với anh Long đi nghỉ mát, ra đây được hơn tuần lễ rồi. Nguyên! Sao chị lại ra đây?
Rồi như thấy câu hỏi của mình vô ý quá, nên Phượng giả lả xoay qua nói với Liên:
- Đây là Thảo Nguyên, bạn và là người ân của cả hai vợ chồng mình đấy.
- Vậy à? Xin chào chị.
- Chào bà.
Vậy là Cát Phượng chưa biết gì cả. Qua cử chỉ và lời nói của nàng, Thảo Nguyên kết luận như vậy, nên nàng chọn cách của nàng. Trong khi đó bà chủ tiệm nói:
- Thưa bà, Nguyên là cháu gọi tôi bằng dì đấy. Nó ở với chị tôi trong thành phố. Muốn ra đây ở để sinh nở... cho mát mẻ vậy mà.
Có Liên một bên nên Thảo Nguyên và Cát Phượng không thể tâm sự được gì. Cát Phượng bảo với Thảo Nguyên:
- Phượng sẽ trở lại thăm chị, Thảo Nguyên à. Mình còn ở đây cả tuần nữa lận.
Thảo Nguyên nghĩ thật nhanh, đáp:
- Nguyên cám ơn Phượng. Nhưng Phượng hứa với Nguyên một điều thì Nguyên mới yên lòng.
- Điều gì vậy? - Phượng hỏi.
Thảo Nguyên kéo Phượng đi xa hai người kia, nói vừa đủ hai người nghe:
- Phượng phải hứa là: không được nói lại với anh Long là gặp Nguyên ở đây, Phượng có hứa không?
Phượng có vẻ suy nghĩ. Nàng ngỡ Nguyên thẹn với Long vì cái thai "vô chủ" kia nên bắt mình hứa như vậy, nên Phượng nói:
- Chị biết là mình không nói dối, nhất là với anh ấy, nhưng...
- Thì Phượng đừng bảo gì cả. Còn nếu Phượng muốn đến thăm Nguyên cứ bảo là đến nhà người bạn của Phượng.
- Được rồi. Phượng xin hứa với Nguyên.
Trước khi ra về, không hiểu nghĩ sao mà Cát Phượng ôm vai Thảo Nguyên, nói:
- Can đảm chị Thảo Nguyên nhé. Phượng luôn ở bên chị nếu chị cần thiết.
- Cám ơn Phượng. - Rồi như nhớ lại, Nguyên nhắc - Phượng nhớ đấy nhé.
Đứng nhìn Cát Phượng và người dàn bà kia ra khói nhà, lòng Thảo Nguyên dâng lên một cảm giác không tả được.
Một chút xúc động về cử chỉ của Phượng, một chút nhớ thương, một chút hân hoan vì biết chàng đang ở gần mình trong một thành phố... Và một chút tủi phận trước hạnh phúc ngọt ngào của Cát Phượng và Vĩ Long.
Bờ Thương Thác Nhớ Bờ Thương Thác Nhớ - Thảo Nhi Bờ Thương Thác Nhớ