Bất hạnh là liều thuốc thử phẩm chất của con người.

Seneca

 
 
 
 
 
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1149 / 26
Cập nhật: 2017-07-24 16:14:52 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
húng tôi dậy sớm hơn mọi ngày. Hai anh em tôi chạy ra sân. Cả xóm trại đã í ới những tiếng đàn ông gọi nhau. Họ đang khiêng thuyền lên mặt đê để đi xuống đầm nước. Lũ trẻ con xóm trại như được thông báo trước, cũng kéo nhau lên mặt đê. Cả đầm Vực im phăng phắc trong buổi sớm mùa hạ.
Những chiếc thuyền nan đã được hạ xuống nước. Trên mỗi chiếc thuyền lưới đã chất đầy. Tiếng chèo khỏa nước, người thúc nhau thả lưới làm náo động cả vùng đầm. Những người đàn ông xóm trại chia làm bốn nhóm thả lưới thành một vòng tròn rộng bao bọc lấy lòng đầm. Tiếng gõ vào mạn thuyền đồng loạt vang lên. Tiếng động và lưới quét làm cho lũ cá mè nhảy lao xao. Vòng khép của lưới mỗi lúc một thu nhỏ lại.
Ở phía bờ đầm sát chân đê, lũ trẻ chúng tôi đứng tụm vào nhau. Thằng Mên đứng bên cạnh tôi thì thầm:
- Người ta sẽ bắt được con cá anh nhỉ?
Một đứa trẻ lên tiếng thách thức:
- Đố mà bắt được nó. Cá thần chứ có phải thường đâu.
Một đứa khác hỏi:
- Ai bảo mày là cá thần?
- Bà thằng Mên bảo thế. Bà nó bảo ở đáy đầm có một bà sư vẫn sống coi chùa.
- Chùa thì có. Bà tao cũng bảo thế. Nhưng sư thì làm sao mà sống được dưới nước.
Thằng Mên vội nói:
- Bà sư có phép đấy.
Một đứa trẻ hỏi:
- Thế sư và cá thần, ai giỏi hơn?
- Sư phải giỏi hơn chứ
Đứa trẻ kia cãi lại:
- Làm sao mà mày biết được?
- Người thì phải giỏi hơn. Thế mày có giỏi hơn con dế của mày không?
Cuộc cãi nhau của bọn trẻ chúng tôi chợt im bặt khi những người săn cá đồng loạt kêu lên. Ở giữa vòng lưới nổi lên cái đầu con cá như một cái chum sành đựng thóc. Rồi con cá lại từ từ chìm xuống. Tiếng hò hét, tiếng gõ vào mạn thuyền vang lên dồn dập. Vòng lưới dày đặc rùng rùng thu nhỏ lại.
- Kéo lưới!
Lão Bương gào lên ra lệnh. Tất cả đàn ông trên các con thuyền đồng loạt kéo lưới, lũ trẻ chúng tôi như nín thở. Nhưng tay lưới vẫn thấy nhẹ. Khi lưới được kéo lên gần hết thì họ thấy lập lờ trong lòng lưới một vật gì đó dài và đen như một khúc gỗ.
Một người đàn ông kêu lên:
- Cẩn thận nó lại giả vờ chết đấy!
Nhưng cái vật dài và đen kia không phải con cá mà là một bức tượng phật rêu phủ đầy.
- Phật dưới chùa đấy. - Bố tôi nói to.
- Mang lên bờ đi.
- Mang làm gì cho tốn công, vứt lại xuống đầm ấy.
Lúc đó lão Bương đã áp thuyền sát bức tượng và nói:
- Cho tớ mang về làm củi đun.
Nói xong lão cầm mái chèo gõ vào bức tượng gỗ:
- Tượng gỗ mít đây mà. Củi này còn đượm chán.
Lão Bương sai hai anh con trai kéo bức tượng lên thuyền và chèo vào bờ. Lũ trẻ chúng tôi chạy ùa lại xem bức tượng. Bức tượng như vẫn còn nguyên vẹn và phủ đầy rêu. Chỉ có đôi mắt tượng là rêu không phủ. Tuy đôi mắt tượng đã mờ đi bởi ngâm dưới nước nhiều năm, nhưng tôi cảm thấy đôi mắt ấy vẫn nhìn được mọi người.
Những người đàn ông xóm trại bực bội thu lưới và khiêng thuyền vượt qua bờ đê về nhà. Lũ trẻ chúng tôi hò nhau chạy lên mặt đê. Chúng tôi sung sướng vì lòng tin của chúng tôi đã đúng. Con cá đó là con cá thần và không ai có thể bắt được.
Khi hai anh em tôi về đến nhà thì bà tôi đang ngồi im lặng trên chiếc giường tre. Trên bàn thờ, ba nén hương sắp tàn.
Tôi bảo bà:
- Bà ơi, bố cháu và các bác không bắt được con cá.
Bà tôi không nói gì, chỉ khẽ thở dài.
- Nhưng họ kéo được tượng phật ở dưới chùa bà ạ.
Thằng Mên khoe. Nghe vậy, bà tôi
- Phật à?
Tôi nói:
- Cháu nhìn thấy cả mắt Phật. Nhưng cháu sợ lắm, mắt ông ấy như mắt người thật, cháu thấy như là chớp chớp.
- Đâu rồi? - Bà tôi vội hỏi - Ông Phật ấy đâu rồi?
- Ông Bương mang về nhà rồi. - Tôi thưa. - Ông ấy bảo để làm củi.
- Giời phạt! Giời phạt!
Bà tôi kêu lên và đi như chạy sang nhà ông Bương. Hai anh em tôi chạy theo bà.
Hai anh con trai lão Bương đang phơi lưới ngoài sân. Ở hiên hè, lão Bương ngồi uống trà và hút thuốc lào. Thấy bà tôi tất tả vào sân, lão Bương:
- Chào cụ, mời cụ vào xơi nước.
Bà tôi không đáp lại lời mời của lão mà gắt hỏi:
- Ông để ngài đâu rồi?
- Ngài nào? A! - Lão Bương phá lên cười. - Cái khúc gỗ vớt dưới đầm chứ gì. Kia kìa.
Theo tay lão Bương chỉ, chúng tôi nhận ra bức tượng Phật để nằm ở sát tường bếp. Bà tôi bước lại bức tượng, giọng bà run rẩy: “Nam mô a di đà phật…”. Đứng sau bà, tôi nhìn vào đôi mắt phật. Tôi cảm thấy đôi mắt phật chớp chớp.
- Ông cho người trả lại chùa đi. - Bà tôi nói.
- Ấy thưa cụ, được khối củi chứ ít à? - Lão Bương lắc lư cái đầu - Chùa ở đâu mà trả, ra bùn cả chứ còn gì nữa.
Bà tôi nói to:
- Ông cần bao nhiêu củi tôi đổi cho ông. Tôi mang ngài về, tôi trả lại chùa.
- Ấy, tùy cụ… - Lão Bương nói, có vẻ tiếc.
Bà tôi nhờ người mang bức tượng về sân nhà. Bà thắp mấy nén hương trước bức tượng và lầm rầm khấn.
Đến chiều trời nổi giông và mưa đổ xuống như trút. Sấm nổ inh tai trên nóc nhà. Khi bữa cơm tối muộn mằn của các gia đình xóm trại đã xong, trời vẫn mưa dữ dội. Mỗi lần chớp lóe lên thì bức tượng lại hiện ra uy nghi và như đang giận dữ quát mắng. Bà tôi đội nón, khoác áo tơi lá đi gọi mấy đứa cháu ngoại của bà đến giúp bà. Các anh tôi xúm nhau vào khiêng bức tượng. Bà sai tôi xách chiếc đèn bão đi theo bà.
Đến bờ đầm, bà sai các anh đặt bức tượng xuống. Bà chắp tay khấn vái một hồi lâu, rồi cho thả bức tượng phật xuống đầm.
Trên đường trở về khi lên đến mặt đê bà tôi dừng lại. Bà tôi đứng im lặng trong mưa nhìn xuống đầm nước tối đen. Một lát sau bà nói:
- Năm xưa đê vỡ ở chỗ này đây
Khi bà cháu tôi định quay về thì tôi nhận ra trên mặt đê phía trước có người qua ánh chớp. Tôi sợ quá kêu lên:
- Bà ơi! Có người!
- Ai? - Bà tôi hỏi - Ở đâu?
Tôi chỉ tay về phía bóng người. Bà tôi cầm lấy đèn bước về phía tay chỉ. Tôi bám chặt sau bà. Khi đến gần bóng đen, bà tôi giơ cao ngọn đèn. Trong ánh đèn, tôi thấy một người khoác chiếc áo tơi lá, đội mũ lá, đứng quay về phía đầm Vực. Bà tôi lên tiếng.
- Ai kia? Ma hay người?
Người đó quay lại và khẽ nói:
- Tôi đây. Tôi là Bộc đây mà.
- Ông Bộc! - Bà tôi kêu khẽ - Mưa gió ông ra đây làm gì?
- Tôi… tôi... - Ông Bộc ấp úng - Tôi định đi soi cá.
Thấy nói đi soi cá, tôi vội nói:
- Cho cháu đi với, ông Bộc nhé.
Ông Bộc cười:
- Cháu không đi được đâu, có ma đấy- Cháu không sợ.
- Bạo nhỉ? - Ông Bộc nói. - Thôi để hôm khác.
Bà tôi xách đèn bước lại gần ông Bộc. Tôi thấy ông Bộc lúng túng quay đi.
- Về đi ông. - Bà tôi nói khẽ.
Ông Bộc im lặng. Một lát sau ông nói:
- Hai bà cháu về trước đi.
Tôi nghe thấy bà tôi khẽ thở dài. Rồi bà bảo tôi:
- Về đi cháu.
Hai bà cháu tôi bước đi. Được một đoạn, tôi quay lại. Trong ánh chớp của mưa đêm, tôi thấy ông Bộc đứng đó như một cây dứa dại khô.
Đến khuya thì mưa đột ngột tạnh hẳn. Mây tan và trăng lên. Tôi tỉnh giấc thấy bà tôi đang ngồi ngoài hiên nhà. Tôi rón rén chui ra khỏi màn đến bên bà.
- Sao bà không ngủ? - Tôi thì thầm hỏi.
- Bà nghe thấy tiếng mõ và tiếng tụng kinh.
Nghe bà nói, tôi ngồi sát vào bà hơn. Người bà tôi sực mùi trầu quế. Hai bà cháu ngồi im lặng. Đêm im ắng và xa xăm vô cùng.
Chợt
- Cháu có nghe thấy gì không?
- Dạ, không.
- Tiếng kêu i i đấy, nghe thấy không?
Tôi bắt đầu cảm thấy sợ. Tôi như nín thở và dỏng tai lên. Đêm vẫn im phăng phắc, ánh trăng lành lạnh vẫn chảy loang trên những vòm lá trong vườn. Bất chợt từ trong đêm, tôi nghe thấy tiếng “i i” kéo dài từ đâu đó vọng về.
- Cháu nghe thấy… - Giọng tôi tắc lại. Bà tôi nói nhỏ.
- Tiếng cá thần đấy.
- Cá thần hở bà? Vì sao nó lại kêu?
Bà tôi nói:
- Chắc có chuyện buồn.
- Cá thần cũng biết buồn hở bà? - Tôi hỏi lại.
Bà ôm tôi vào lòng. Mùi trầu quế của bà sực nức làm tôi đỡ sợ. Bà nói:
- Thần cũng buồn cháu ạ. Có khi thần còn buồn hơn cả người. Vì thần biết nhiều chuyện hơn người.
Tiếng “i i” lại vọng về và như dài hơn lần trước. Chưa bao giờ, đêm lại huyền bí như bây giờ. Lúc ấy, tôi chợt lo lắng cho bố tôi. Tôi hỏi:
- Bà ơi, cá thần có trả thù những người bắt nó không?
- Có. Nếu ai đó cứ cố tìm cách giết nó. Nhưng cá thần sẽ tha thứ. Thần dễ tha thứ, cháu ạ.
Nghe bà nói vậy, tôi không còn thấy sợ hãi chút gì nữa. Tôi muốn chạy ra đầm nước để nói với cá thần hãy tha thứ cho bố tôi và những người đàn ông khác của xóm trại.
- Đi ngủ đi cháu. - Bà tôi nói và dắt tôi vào giường.
Tôi nằm xuống, không sao ngủ được. Thằng Mên em tôi đã ngủ say từ tối. Thi thoảng nó lại cười khanh khách trong mơ.
Thấy tôi chưa ngủ, bà bảo:
- Ngủ đi cháu.
Tôi xoay về phía bà, hỏi:
- Bà ơi, ông Bộc ra đê làm gì thế?
Bà tôi nằm im lặng, lâu sau bà mới nói khẽ:
- Ông ấy cũng muốn bắt con cá. Hơn năm chục năm nay rồi, ông ấy tìm cách bắt con cá. Tội nghiệp.
Nghe bà nói, tôi vội ngồi dậy.
- Sao ông ấy lại tìm cách bắt con cá? Để làm gì hở bà?
Bà tôi lại thở dài:
- Bà không biết. Cả làng cũng không ai biết. Mọi người bảo ông ấy lẩn thẩn. Nhưng bà thì không nghĩ thế. Tội nghiệp. Ngày trước, ông ấy là người có tội.
- Ông ấy có tội hở bà? Ông Bộc có tội gì hở bà?
- Bà nói ra cháu cũng chưa hiểu được. Thôi ngủ đi cháu. Bà thì không bao giờ tin ông Bộc có tội.
Tôi nằm xuống. Nhưng không sao ngủ được. Tôi nghĩ về ông Bộc, và tự hỏi: “Ông Bộc cũng có tội hay sao?”.
Bí Mật Hồ Cá Thần Bí Mật Hồ Cá Thần - Nguyễn Quang Thiều Bí Mật Hồ Cá Thần