There is no such thing as a moral or immoral book; books are well written or badly written.

Oscar Wilde, Picture of Dorian Gray, 1891

 
 
 
 
 
Tác giả: Michael Scott
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: The Enchantress
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Son Vo Di
Số chương: 81
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3285 / 86
Cập nhật: 2016-06-04 04:55:26 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9
ã đến lúc dì Agnes phải chết.
Bà lão đứng trước tấm gương trong phòng tắm, nhìn vào hình phản chiếu của mình. Một người già cỗi đang nhìn trả lại, một khuôn mặt tất cả đều là góc cạnh và mặt phẳng, khung xương gò má cao, cằm nhô và mũi nhọn. Mái tóc xám như sắt chải tém sát khuôn mặt được giữ bằng một búi tóc chặt sau gáy. Đôi mắt màu đá xám hõm sâu trong khung xương đầu. Trông bà như một phụ nữ tám mươi bốn tuổi. Nhưng bà là Tsagaglalal, Bà Canh Giữ, và tuổi của bà vượt quá mọi khả năng tính toán.
Tsagaglalal cải trang thành dì Agnes đã gần hai mươi thế kỉ. Dần dà bà thấy yêu thích thân thể này, và thật uổng khi phải để nó mất đi. Bà đã từng đội nhiều lốt người qua các thiên niên kỉ. Mưu mẹo giỏi là biết khi nào sống tiếp, khi nào phải chết.
Tsagaglalal đã trải qua những thời đại khi mà bất cứ ai khác biệt - bằng cách nào đó - đều đáng ngờ. Loài người có nhiều đặc điểm tuyệt vời, nhưng họ luôn và sẽ tiếp tục nghi ngờ, sợ hãi những ai không thuộc về đám đông. Thậm chí trong những thời kì tốt đẹp nhất, lúc nào họ cũng đề phòng sợ sẽ có gì đó bất ổn, hoặc cảnh giác với những ai có vẻ hơi bất thường. Từng có thời người nào giữ được nét thanh xuân lâu dài thì người đó luôn bị ngờ vực.
Tsagaglalal đã sống suốt những thập kỉ vào thời mà đàn ông và phụ nữ bị đem thiêu như phù thủy đơn giản chỉ vì họ trông kì quặc hoặc thẳng thắn và không phụ thuộc. Nhưng rất lâu trước những năm kinh khủng ấy, ở châu Âu, và sau này, gần đây thôi, ở Mỹ, bà đã biết được rằng nếu muốn sống sót, bà phải hòa mình, phải trở thành một phần của loài người đến mức trở thành như vô hình.
Tsagaglalal đã học cách già đi tương xứng với tuổi tác.
Mỗi thế kỉ đều có một nhận thức về những giá trị đúng đắn và chính đáng, Có những kỉ nguyên cho rằng ba mươi là già và bốn mươi là xưa cổ. Trong một số nền văn hóa xa xưa và tách biệt hơn, tuổi già lại được kính trọng như một dấu hiệu của sự thông thái, bà có thể trở nên người sáu mươi hoặc bảy mươi trước khi “chết” và sống tỉếp.
Và khi đã già, bà làm cho nó thật trọn vẹn, thay đổi nước da, dáng điệu, thậm chí cả cơ bắp, bắt chước dấu ấn thời gian. Nhiều thế hệ trước - ở Ai Cập, hay phải gọi là Babylon - bà đã hoàn thành kĩ thuật tạo ra những khớp tay, cổ tay và đầu gối sưng phồng để cho thấy chứng viêm khớp. Sau này bà đã biết được cách điều chỉnh da thịt mình để những đường gân máu dày lên và màu xanh nổi rõ trên làn da mỏng như giấy. Bà từng bậc thầy trong các kĩ thuật làm cho lớp da cổ mềm đi và chảy xệ, thậm chí còn cố khiến hàm răng ngả vàng. Để hoàn tất quá trình lừa lọc này, bà đã cố tình để cho thính giác mình cùn nhụt và thị lực mờ nhòe. Bà đã bị già, và vì thế không mất một giây phút nào phải giả vờ. Chính đó mới là cách an toàn hơn cả.
Chằm chặp nhìn hình phản chiếu của mình trong tấm gương ở phòng tắm. Tsagaglalal đưa tay lên đầu, rút ra mấy cây kẹp giữ búi tóc bà nằm yên và lắc lắc cho mái tóc bạc xổ bung.
Nửa sau của thế kỉ hai mươi là thời gian dễ sống nhất. Đây là kỉ nguyên của sản phẩm trang điểm và phẫu thuật tạo hình. Đây là thời đại người ta ra sức làm việc để đừng bị già, các ngôi sao điện ảnh và ca nhạc trông trẻ hơn so với nhiều năm trước.
Tsagaglalal nhấc bộ tóc giả ra khỏi đầu. Bà thả đống tóc bạc vào bồn tắm và mạnh tay xoa khắp khung xương sọ láng bóng. Bà ghét tóc giả, nó luôn gây ngứa ngáy.
Tất nhiên là thế kỉ này cũng có những mối nguy hiểm riêng. Đây là kỉ nguyên của máy quay phim chụp ảnh - máy quay phim chụp ảnh dùng cho cá nhân, dùng trên đường phố, dùng trong an ninh, và bây giờ hầu hết các điện thoại di động cũng đều có chức năng quay phim chụp ảnh. Đây cũng là thời đại của việc chụp hình nhận dạng: hộ chiếu, bằng lái xe, thẻ chứng minh. Cái gì cũng có hình, và người bất tử trong những tấm hình đó phải thay đổi, phải biến đổi dần dần và già đi. Một sai lầm nhỏ cũng khiến nhà cầm quyền chú ý, và người bất tử đặc biệt dễ bị tổn thương trước bất kì cuộc thẩm vấn nào hỏi về quá khứ của họ. Tsagaglalal chưa từng rời khỏi đất nước này nhiều thập kỉ nay và hộ chiếu Mỹ của bà đã hết hiệu lực. Tuy nhiên, có một người bất tử làm việc ở New York từng là chuyên gia về tác phẩm giả mạo thời Phục hưng. Ông ta có một vụ làm ăn ngoài lề nho nhỏ về hộ chiếu và bằng lái xe giả. Bà cần phải đến thăm ông ta khi chuyện này chấm dứt. Nếu bà còn sống sót.
Tsagaglalal mở vòi nước nóng, rồi nước lạnh, hứng đầy bồn nước. Cúi gập người, bà vốc nước vào hai bàn tay, rửa mặt bằng xà bông L’Occitane Shea Butter, chùi sạch những thứ bà đã trang điểm dịp các Elder và người bất tử đến họp mặt ăn uống ngoài trời ở sân sau nhà bà sớm ngày hôm nay.
Chết luôn là phần thật khó khăn. Lúc nào cũng có quá nhiều việc phải làm trong những tuần, những tháng gần thời điểm chết: bảo đảm là tất cả các hóa đơn đã được thanh toán, bảo hiểm nhân thọ đã gia hạn, hủy đăng kí đặt mua báo, tạp chí dài hạn, và đương nhiên là phải lập di chúc để lại mọi thứ cho một “người họ hàng”. Những người đàn ông bất tử thường để lại cho cháu trai, phụ nữ bất tử thường để lại cho cháu gái. Các người khác, như Tiến sĩ John Dee, di chúc mọi thứ cho công ty, và Tsagaglalal biết Machiavelli đã để tất cả của cải của mình trên thế gian này cho “con trai” y. Nhà Flamel để di chúc cho nhau và một người cháu trai tên Perrier, mà bà nghi ngờ không biết có tồn tại bao giờ không.
Tsagaglalal nhìn vào gương lần nữa. Không có tóc và với gương mặt đã chùi sạch các thứ trang điểm, bà nghĩ mình thậm chí trông còn già hơn bình thường. Chồm sát vào mặt kính, bà để cho chút luồng điện hiếm khi dùng đến nở sâu trong lồng ngực. Thoang thoảng mùi hương hoa nhài tràn ngập phòng tắm nhỏ, trộn lẫn vào hơi ấm nồng của cây hạt mỡ. Hơi nóng chảy tràn lên thân mình, lan tỏa lên cổ, lên mặt bà. Bà nhìn chăm bẳm vào đôi mắt xám. Màng cứng mắt - hai tròng trắng - vàng chạch, giăng đầy những mạch máu, con mắt bên phải hơi có màu trắng sữa vì bệnh đục nhân mắt nhẹ. Bà luôn nghĩ chi tiết đó thật sự rất tinh tế.
Mùi hương hoa nhài mạnh hơn lên. Hơi nóng tràn vào cổ họng, vào miệng Tsagaglalal, lên khắp hai bên má, vào mắt và màng cứng mắt trắng ra.
Người phụ nữ hít không khí vào đầy phổi, rồi giữ hơi lại. Da mặt bà khẽ dao động và lớp thịt láng mướt, mềm mại phúng phính chảy dọc theo đường xương thô cứng nơi cằm, lấp đầy mũi, làm cằm tròn lại. Những đường nhăn biến mất, vết chân chim lấp đầy, bóng mắt sâu hoắm tím bầm dưới mắt không còn nữa.
Tsagaglalal bất tử, nhưng bà không phải là người. Bà là đất sét. Bà được sinh ra tại Thành phố Vô Danh trên bờ rìa thế giới khi luồng điện nảy lửa của Prometheus dội tràn sinh khí và ý thức trên những pho tượng đất sét cổ xưa. Sâu tận bên trong mình, bà mang một phần rất nhỏ luồng điện của Elder ấy: nó giữ bà được sống. Bà và em trai, Gilgamesh, là người đầu tiên trong số những Người Nguyên thủy được sinh ra hoặc đạt được ý thức. Mỗi lần làm mới lại mình, bà có thể nhớ rất rõ ràng giây phút bà mở mắt và hít vào hơi thở đầu tiên.
Bà bật cười. Tràng cười bắt đầu bằng tiếng ho khò khè của một bà lão già cỗi và kết thúc bằng âm thanh trong trẻo cao cao của một cô gái trẻ hơn rất nhiều.
Được làm mạnh lên bởi luồng điện của bà, quá trình biến tính tiếp tục. Lớp thịt cứng lại, xương thẳng ra, răng trắng, thính giác và thị giác trở nên sắc sảo một lần nữa. Một mái tóc đen nhánh hơi xoăn được trùm lên vùng xương sọ, rồi được làm dày lên và buông xuống hai vai. Bà đóng và mở bàn tay, ngoe nguẩy mấy ngón tay, xoay cổ tay. Đặt hai bàn tay lên hông, bà vặn người từ bên này sang bên kia, cong gập thắt lưng, chạm lòng bàn tay tới mặt sàn.
Đứng trước gương, Tsagaglalal quan sát tuổi già rời khỏi thân thể mình, nhìn thấy chính mình trẻ ra và xinh đẹp trở lại. Bà đã quên trẻ trung là thế nào, và từ khi bà xinh đẹp tính đến nay đã lâu lắm rồi. Lần cuối cùng bà trông như thế này là vào ngày Danu Talis nhấn chìm hồi mười ngàn năm trước.
Và nếu ngày hôm nay thế giới kết thúc, bà quyết định sẽ không trải qua vài giờ ít ỏi cuối cùng trên trái đất dưới dáng dấp một bà lão đâu.
Tsagaglalal đi xuống sảnh tới căn phòng ngủ nhỏ để không nằm cuối ngôi nhà trên Đường Scott. Bà sải bước uyển chuyển và dễ dàng, vui thích với cử động tự do mới mẻ. Bà quay người đi vào giữa đầu cầu thang hoàn toàn vui mừng vì đã có thể lướt xoay tròn.
Gần như từ khi mua nhà, phòng ngủ để không này được dùng làm kho chứa. Nó chất đầy những thứ bừa bộn cả trăm năm: va li, sách, tạp chí, mấy mẩu đồ gỗ, một cái ghế da nứt gãy, một cái bàn viết có trang trí và một tá bao tải đen nhét đầy quần áo cũ mà có lần bà đã nghĩ đến việc vất bỏ vào thùng rác cho tới khi nhận ra rằng có thể chúng sẽ thành thời trang trở lại. Có một lá cờ Mỹ cổ trên đó các ngôi sao xếp thành vòng tròn bên cạnh một tấm áp phích được đóng khung quảng cáo phim King Kong bản gốc do Edgar Wallace kí. Nơi cuối phòng, ném vào một góc, một nửa đã bị chôn đằng sau một đống tạp chí National Geographic gáy màu vàng, là một cái tủ bằng gỗ anh đào xấu xí kiểu của vua Louis XV từ thế kỉ mười tám.
Tsagaglalal băng qua phòng, cố kéo đống tạp chí qua một bên để đến được cái tủ. Cánh cửa tủ đang khóa và không có cái chìa nào trong lỗ khóa tròn bằng kim loại. Đứng nhón chân, Tsagaglalal với tới cánh cửa nằm sau một vòng cuộn trang trí bằng gỗ và những ngón tay dò dẫm của bà tìm thấy chiếc chìa khóa lớn bằng đồng thau treo trên một cái đinh cong vòng. Nhấc chìa khóa ra khỏi đinh, một luồng kí ức bất chợt ùa về: lần cuối cùng bà mở cái tủ này là khi bà từ Berlin trở về vào cuối Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Nước mắt ứa ra lích chích đằng sau mắt, nung đốt cổ họng bà. Trên đường trở về New York, bà đã dừng chân ở London và gặp em trai, Gilgamesh. Ông ấy không biết mình là ai, thậm chí còn không nhớ mình có một người chị, mặc dù cũng nhận ra là có quen biết bà. Bà đã ngồi với ông ta nơi đống đổ nát của một ngôi nhà bị thả bom trong khu East End của London và xem qua mười ngàn trang giấy ông đang cất ở đó. Họ đã trải qua buổi chiều hồi tưởng về quá khứ, đi từ giấy thường đến giấy da, rồi giấy da bê, và cuối cùng tiếp tục đến vỏ cây và những tờ giấy mỏng tang gần như bằng vàng trong suốt, cho tới khi bà có thể chỉ ra tên mình được viết bằng chữ in và bằng ngôn ngữ mà con người vẫn chưa khám phá ra. Họ đã cùng khóc khi bà nhắc cho ông nhớ họ đã từng là người thế nào. “Em sẽ không bao giờ quên chị,” ông ta nói khi bà đứng lên đi. Bà quan sát ông nguệch ngoạc viết tên bà trên những mẩu giấy nhưng biết rằng ông sẽ chẳng thể còn nhớ mặt nhớ tên bà trong vòng một giờ tới. Tsagaglalal đã bị nguyền rủa sẽ có một kí ức không quên một thứ gì, còn Gilgamesh lại bị kết tội không bao giờ nhớ.
Tra chìa vào ổ khóa, bà mở cánh cửa tủ.
Không khí chớm mùi meo mốc, chút mùi da thuộc cũ kĩ, mùi gia vị đăng đắng, mùi băng phiến khô lâu ngày và thoang thoảng hương hoa nhài.
Bộ đồng phục y tá đang treo trên mắc áo đối diện Tsagaglalal, bà với tay chạm lấy, rà rà ngón tay khắp mặt vải mỏng. Kí ức bộ đồ gợi lên khiến bà run rẩy. Bà đã từng làm y tá trong cả hai cuộc thế chiến, và gần như trong mọi cuộc chiến tranh hàng trăm năm trước đây. Bà là một trong ba mươi tám tình nguyện viên làm y tá với Florence Nightingale trong khu trại Scutari ở Crimea. Tsagaglalal đã nhìn thấy - và đã gây ra - quá nhiều cái chết qua các thế kỉ, phục vụ trong vai trò y tá là phương cách nhỏ nhoi để cố sửa chữa phần nào thương tổn bà đã gây ra.
Đằng sau bộ đồng phục là quần áo của cả sáu thế kỉ nay: y phục bằng da thuộc và vải lanh, lụa tơ tằm và sợi tổng hợp, lông thú và len. Ở đây là những đôi giày do Marie Antoinette tặng, bộ đầm đính ngọc trai bà đã may cho Catherine thời nước Nga Vĩ đại, chiếc áo lót Anne Boleyn bà mặc ngày cưới Henry. Những quãng đời kí ức. Tsagaglalal mỉm cười, phô ra hàm răng hoàn hảo. Các viện bảo tàng và các nhà sưu tập sẽ trả cả một gia tài cho những bộ quần áo này cho xem.
Nơi lưng tủ là một cái túi dày may bằng vải bao bì.
Chẳng cần phải cố gắng Tsagaglalal giật mạnh cái túi và kéo từ phòng để không vào phòng ngủ của mình. Bà nhấc cái túi đặt lên giường và giật mạnh sợi dây rút bằng da thuộc. Nó khựng lại một chút, sau đó dải da cũ đứt phựt và tan thành bụi còn chiếc túi mở bung.
Thò tay vào trong, Tsagaglalal nhấc ra một bộ giáp bằng sứ trắng, đặt xuống giường. Trang nhã nhưng không tô điểm, bộ giáp được thiết kế vừa khít với thân hình bà như lớp da thứ hai. Bà rà rà ngón tay khắp miếng che ngực láng mướt. Bộ giáp cổ xưa, sáng loa lóa như còn mới. Lần cuối cùng bà mặc, nó đã bị kim loại chém phải và móng vuốt rạch vào, nhưng bộ giáp có thể tự chữa lành và liền khít lại. “Pháp thuật ư?” bà đã hỏi chồng mình, Abraham.
“Công nghệ của Thần Đất đấy,” ông giải thích. “Chúng ta sẽ không nhìn thấy thứ nào như nó nữa trong nhiều thiên niên kỉ tới, hoặc hi vọng là chẳng bao giờ.”
Nơi đáy túi, bà tìm thấy hai vỏ kiếm một bằng gỗ có trang trí và một bằng da thuộc. Mỗi bao chứa một thanh kopesh kim loại, một dạng kiếm cong như lưỡi liềm mà người Ai Cập rất ưa thích, dù thanh kiếm nguyên bản còn xưa hơn nhiều. Bà kéo một thanh kopesh ra khỏi vỏ. Lưỡi kiếm sắc lẻm kêu vèo vèo khi bà múa kiếm trong không trung.
Tsagaglalal rà rà những ngón tay có móng trắng bóng khắp bộ giáp không có nét gì đặc biệt. Mười ngàn năm trước, chồng bà, Pháp sư Abraham, đã tặng bà hai món vũ khí và bộ giáp này. “Để giữ bà an toàn,” ông ấy nói, những lời lầm bầm líu ríu. “Bây giờ và mãi mãi. Khi bà mặc vào, hãy nghĩ đến tôi.”
“Ngay cả khi không mặc, tôi vẫn sẽ nghĩ đến ông,” bà đã hứa như vậy, và không bao giờ một ngày trôi qua mà bà không nghĩ đến người đàn ông đã làm việc quá chăm chỉ và hi sinh quá nhiều để tạo ra và giải cứu thế giới này.
Kí ức về ông thật sinh động.
Abraham dáng cao ráo mảnh mai đứng trong một gian phòng tối trên đỉnh tháp pha lê, ngọn Tor Ri. Đứng chìm vào vùng tối, người ngoảnh đi hướng khác vì thế bà không nhìn thấy Quá trình Biến đổi gần như hoàn tất kia đã lấy đi da thịt ông, biến toàn bộ thành vàng. Bà nhớ mình đã xoay người ông ra ánh sáng để có thể nhìn rõ vì biết có thể đây chính là lần cuối cùng. Sau đó bà đã ôm chầm lấy ông, áp lớp da thịt lẫn kim loại của ông vào da bà, và khóc ròng trên vai ông. Khi bà nhìn vào mặt ông, một giọt nước mắt duy nhất, một giọt vàng ròng, lăn xuống trên má ông. Nhón chân, bà đã hôn giọt nước mắt ấy, nuốt vào. Tsagaglalal ấn bàn tay nơi dạ dày. Giọt nước mắt ấy vẫn còn náu mình trong người bà.
Bà Canh Giữ từng mặc bộ giáp trắng này vào ngày cuối cùng của Danu Talis. Nay đã đến lúc mặc lại bộ giáp này lần nữa.
Bí Mật Của Nicholas Flamel Bất Tử 6 - Yêu Nữ Bí Mật Của Nicholas Flamel Bất Tử 6 - Yêu Nữ - Michael Scott Bí Mật Của Nicholas Flamel Bất Tử 6 - Yêu Nữ